Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Tri thuc tre cua ta nhieu nguoi gioi

Trí thức trẻ của ta
có nhiều người giỏi


Đã có nhiều lời khen đối với một bài viết mới đây của Giáp Văn Dương, bài “Thoát thân luận”.
Bằng cách khéo nêu bài học phát triển thành công khi “thoát Á” của người Nhật cuối thế kỷ 19, tác giả cho rằng Việt Nam bây giờ chưa cần tính thoát khỏi ai, Á hay Âu, hoặc cụ thể là thoát một nước như Nhật, Mỹ để phát triển mà là hãy thoát ra khỏi cái bóng của chính mình.
Bằng cách lập luận và nêu một số chứng cứ, tác giả Giáp Văn Dương nói người Việt ta cần biết vượt thoát ra những trói buộc rất vô hình vô ảnh, rũ bỏ các thói tật đang cản trở bước tiến của mình đã là một bước quan trọng, không chừng là quan trọng bậc nhất với người Việt Nam chúng ta hiện nay.
Đó có thể coi là một quan niệm, một cách nhìn độc đáo về thực trạng tinh thần của đất nước khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đáng chú ý là người viết ra những điều ấy thuộc thế hệ 7x, một công dân Việt còn rất trẻ từng học đại học ở trong nước, rồi sau đó đi học nước ngoài và giờ đây anh đang làm việc tại một trường đại học bên Tây Âu.
Theo dõi lâu nay, tôi còn biết anh Giáp Văn Dương đã có nhiều bài viết khác được công bố ở trong nước, một số khác trên mạng cá nhân của anh, đều cũng mang được những ý tưởng hay và thái độ góp ý xây dựng tương tự.
Bài Thoát thân luận mới xuất hiện vài hôm trước trên VietnamNet. Đọc xong thấy thú vị nên vội chuyển cho “ông bạn già” Trần Nhương cùng xem (chủ trang trannhuong.com). Ông bạn tôi đọc và reply thư lại là “bài rất được”. Trang của ông Nhương có nhiều bài hay, gọi vui là những bài “đỉnh”, nên ông nói rất được như thế là đã đánh giá rất cao.
Vì thấy bài được một tờ báo điện tử chính thức “lề phải” của ta đã đăng tải, tôi nháy máy và thư email chuyện này tới mấy ông bạn thân. Cũng là một cách chia sẻ thông tin và các ý tưởng hay trong bạn bè đồng nghiệp chúng tôi.
Nhưng tôi gặp ngay nhiều thông tin phản hồi, đại thể đều nói bài cũng “đường được thôi”, chứ có gì đâu mà bài hay quá như tôi quá lời!
Thấy hơi lạ, vì lâu nay cách đánh của chúng tôi về các tác phẩm báo chí thường gần gặn với nhau. Chả lẽ bây giờ lại thay đổi đột ngột đến thế chăng? Nên tôi trao đổi lại ngay với các ông bạn thì mới vỡ lẽ. Do các bạn ấy truy cập vào VietnamNet như tôi giới thiệu, bài đó đã bị lược đi khá nhiều. Không hiểu sao lại rơi vào những ý được coi là hay nhất của bài.
Tôi vào lại VietnamNet trưa nay, thấy đúng là tòa soạn tờ báo này đã sửa lại và cắt đi nhiều dòng như vậy.
Để các bạn của tôi theo dõi lại câu chuyện đó, tôi post lên dưới đây bài của Giáp Văn Dương để mọi người đọc lại. Và có điều kiện so sánh điều tôi nói và tự đi đến các kết luận.
Chỉ có điều nhân dịp này, tôi gửi thêm đến mấy ông bạn mình “ít dòng về tác giả Giáp Văn Dương” mà tôi biết được để các bạn tôi tham khảo thêm về con người, về lớp trí thức trẻ của đất nước.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Hóa Dầu năm 1999;
Thạc sĩ Giáp Văn Dương tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội ngành Hóa Dầu năm 1999;
Thạc sĩ Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) ngành Công nghệ Hóa học năm 2002;
Tiến sĩ Đại học Công nghệ Vienna ngành Vật lý kỹ thuật (Áo) năm 2006. Hiện tại anh
làm việc tại Đại học Livepool, Anh.
Nếu đọc lại bài viết và các điều tôi viết ra đây nhân việc này, các bạn của tôi thống nhất lại rằng, bài viết của anh Giáp Văn Dương (là bài nguyên văn) đúng là một bài viết có nhiều ý tưởng hay thì tôi muốn nói thêm vài câu nữa.
Các bạn trẻ của chúng ta hiện nay khi được đào tạo cơ bản tốt, một số bạn lại có điều kiện du học ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hiện đại, rất nhiều khả năng sẽ trưởng thành lên rất nhanh.
Nó tạo đà để các bạn ấy có thể trở nên lớp trí thức trẻ mới, mang được trong đầu óc mình một thế giới quan phóng khoáng của những công dân toàn cầu. Một khi lòng yêu nước thương nòi sưởi nóng tâm can, trong các bạn lại có một nhân sinh quan đúng đắn và tiến bộ vì đất nước Việt, chắc chắn các bạn ấy sẽ trở thành một lực lượng mạnh để cùng toàn dân ta dựng xây xã hội Việt Nam tốt đẹp trong tương lai gần.
Những người trẻ tuổi như thế, họ vừa có học vấn vững chắc vừa mang tâm hồn dân tộc Việt xem ra không hiếm trong xã hội ta. Họ có mặt ở trong nước hay đang ở nước ngoài, nhưng tất cả đều là người Việt Nam, là công dân Việt Nam.
Xã hội ta thậ̣t sự trông cậy nơi lớp người này. Điều ấy đáng kỳ vọng làm sao...

Nguyễn Vĩnh
-----------------

Dưới đây là bài của Giáp Văn Dương:
(Chú ý bài của Giáp Văn Dương đăng trên VNNet lúc đầu nguyên nhưng ít lâu sau bị cắt đi ở những dòng chữ bôi đỏ):

Thoát Thân Luận
Giáp Văn Dương

Ngày 16 tháng 3 năm 1885, tờ Thời Sự Tân Báo của Nhật Bản cho đăng bài “Thoát Á Luận” của Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Bài báo cổ vũ phong trào Minh Trị Duy Tân và chủ trương cải cách văn hóa Nhật Bản để phát triển kịp các nước phương Tây.
Nội dung chính của bài luận nổi tiếng này, cũng là chủ trương của Fukuzawa Yukichi, được tóm gọn trong hai chữ “Thoát Á”. Nghĩa là thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông, cổ hủ lạc hậu, nặng về hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu Á mà Trung Quốc là điển hình, để học theo nền văn minh phương Tây và hội nhập vào thế giới bên ngoài.
Mục đích của chủ trương Thoát Á là giữ độc lập cho nước Nhật và giúp nước này phát triển theo kịp các nước phương Tây đương thời.
Chính nhờ chủ trương này, cộng với sự triển khai thành công của phong trào Duy Tân, nước Nhật đã hình thành được một hệ thống các thang giá trị mới và hội nhập được với bên ngoài, giúp cho nước Nhật không chỉ giữ được độc lập mà còn trở thành một cường quốc về kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật sau này.
Đến nay, bài Thoát Á Luận vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đến mức có nhiều người chủ trương: muốn phát triển, Việt Nam cũng cần phải làm một cuộc Thoát Á như Nhật Bản đã từng làm.
Nhưng như vậy có thực sự khôn ngoan, khi châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ, và thế kỉ 21 được cho là thế kỉ của châu Á? Và Việt Nam có thực sự cần thiết phải học lại từ đầu bài học của nước Nhật 125 năm về trước?
Muốn trả lời câu hỏi này, phải tìm xem những cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam hiện thời là gì?
Quan sát sẽ thấy đó là sức ì văn hóa và tâm lý tự mãn, không muốn thay đổi, thậm chí lảng tránh thay đổi trong một thế giới đang biến đổi không ngừng.
Những giáo điều cũ kĩ, những mô hình và luận thuyết lạc hậu, tuy đã thoái hóa trở thành hình thức và giả tạo, nhưng lại kịp trở thành những thang giá trị lưu hành trong xã hội.
Chúng không chỉ là những rào cản đơn thuần, mà thực sự trở thành những gông cùm, tuy vô hình và được che đậy bằng những mỹ từ, nhưng lại kìm kẹp và trói chặt sự phát triển.
Chúng trở thành những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... mà mỗi người, thậm chí cả dân tộc, sa vào và tốn hàng chục năm loay hoay không thoát ra được.
Vì thế, muốn phát triển, không còn cách nào khác là phải chỉ rõ mặt, gọi đúng tên và tìm cách thoát khỏi những gông cùm và bẫy vô hình này.
Chúng là gì?
-Là sự nhạo báng những giá trị phổ quát như Chân-Thiện-Mỹ: dối trá tràn lan; tin trộm cắp giết người hãm hiếp nhan nhản trên mặt báo hàng ngày; tranh giành, cướp, giật hỗn loạn sau mỗi lễ hội hoa...
-Là những giáo điều xa lạ, nhập khẩu từ bên ngoài bằng cách này hay cách khác, do chủ ý của con người hay ngẫu nhiên của lịch sử, làm biến dạng văn hóa và tư tưởng Việt.
-Là những thang giá trị lạc hậu, phản tiến bộ nhưng vẫn được phép, thậm chí dung túng để tồn tại, cản trở hoặc chặn đứng sự ra đời của những thang giá trị mới.
-Là những chỉ tiêu duy ý chí, lửng lơ ở trên trời nhưng lại bắt cả xã hội phải vắt sức chạy theo.
-Là bệnh thành tích, sẵn sàng đánh đổi tất cả, thậm chí phẩm giá con người, chỉ để làm đẹp các con số.
-Là quan liêu trì trệ, không quản được thì cấm, trói tay trói chân tất cả mọi người.
-Là những dự án treo, kế hoạch treo lãng phí hàng chục năm nguồn lực.
-Là văn hóa tiểu nông, tư duy nhỏ mọn, địa phương cục bộ, nhiệm kì.
-Là sự xuống cấp đạo đức, vô cảm trước cái xấu và cái ác.
-Là niềm tin đang bị xói mòn và vỡ ra từng mảng.
-Là im lặng đến rợn người.
-Là giả dối.
-V.v...


Chúng nhan nhản khắp mọi nơi, mọi cấp bậc, mọi mặt của đời sống. Phải gỡ bỏ chúng, thoát khỏi chúng trước hết.
Vì thế, thay vì tính chuyện Thoát Á hay Thoát Âu, Thoát Mỹ, hãy tính chuyện thoát khỏi những những gông cùm kìm kẹp và những thứ xấu xa phản tiến bộ đang nằm trong chính bản thân mình này trước hết. Nghĩa là phải vượt lên bản thân mình, tổ chức lại bản thân mình, thay đổi những thang giá trị đã bị lịch sử chứng mình là lạc hậu để hình thành nên những thang giá trị mới, trong một hình hài mới. Nếu không, những gông cùm kìm kẹp phản tiến bộ này không chỉ cản trở sự phát triển, mà còn trực tiếp đẩy đất nước đến đến bờ tụt hậu, suy vong do sập phải những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... do chúng tạo ra.
Chủ trương này có thể gọi bằng một tên ngắn gọn: “Thoát Thân”, với hàm nghĩa: vượt lên bản thân mình, thoát khỏi những thang giá trị, những tư tưởng lạc hậu đang nằm trong chính bản thân mình để tránh sa lầy vào những bẫy vô hình do chúng tạo ra, từ đó hình thành những thang giá trị mới, tư tưởng mới, tiến bộ, hiện đại, mở đường cho phát triển.
Chủ trương thoát thân và thoát thân liên tục sẽ giúp gạt bỏ những cản trở nội tại để đổi mới và sáng tạo không ngừng. Suy cho cùng, phát triển chỉ đạt được từ đổi mới và sáng tạo. Và những cản trở đáng kể nhất cho sự đổi mới và sáng tạo là những cản trở nội tại, nằm ngay trong chính bản thân mình.
Chỉ có như thế, năng lực mọi mặt của đất nước mới được giải phóng. Đất nước mới có thể đương đầu và thích nghi được với một thế giới đầy biến động và thay đổi từng ngày, và quan trọng hơn, không sa vào những bẫy vô hình, do sự vô tình hay cố ý của con người, hoặc ngẫu nhiên của lịch sử tạo ra.
Cho nên, thay vì tính chuyện Thoát Á, Thoát Âu, Thoát Mỹ..., hãy tính chuyện Thoát Thân trước hết.

Giáp Văn Dương
----------------------------------

Tham khảo một bài khác của Giáp Văn Dương (lấy trên blog cá nhân của tác giả, và bài này có đăng trên VNNet):

Thứ hai, ngày 04 tháng một năm 2010

Tư duy định hình, định vị đất nước

(Tác giả chú thích: Bản thảo bài đăng trên Tuần Việt Nam ngày hôm nay, 04/01/2010, lưu lại đây làm tư liệu).
Năm 2010 là năm mở đầu một thập kỉ mới, có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự phát triển Việt Nam. Vì thế, cần có những tư duy mới để định hình và định vị một nước Việt Nam mới.
Nguời ta thường tìm cách định hình đất nước bằng một hình ảnh cụ thể thông qua hình dạng biên giới của nước đó. Ví dụ, Việt Nam hình chữ S, nước Ý hình chiếc ủng, nước Anh hình con thỏ. Nhưng ít ai để ý rằng, cái thực sự định hình một đất nước chính là tư duy của đất nước đó.
Người ta cũng thường định vị một đất nước bằng tọa độ địa lý của nước đó. Nhưng cũng ít ai để ý, trên trường quốc tế, cái định vị một đất nước cũng chính là tư duy của đất nước đó.
Cò nhớ hơn 700 năm trước, khi sơn hà nguy biến trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông đến từ phương Bắc, tư duy quyết chiến để bảo vệ đất nước của tiền nhân - hội tụ trong tinh thần Hội nghị Diên Hồng - và lãnh đạo đất nước - kết tinh trong câu nói nổi tiếng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước" đã giúp cho nước Việt ta tránh họa giày xéo bởi vó ngựa Nguyên Mông. Không những đất đai của tổ tông được bảo toàn, mà nòi giống cũng không bị đồng hóa.
Thế mới biết, một đất nước có hình dáng hiên ngang hay khom lưng qu gối là do chính tư duy của đất nước đó quyết định.
Lịch sử vệ quốc đã chứng kiến nhiều lần Việt Nam phải đương đầu với những kẻ thù to lớn và mạnh hơn mình gấp bội. Nhưng kết cục, chính họ mới là kẻ thất bại trước tư duy “quyết chiến”, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của người Việt.
Thế mới biết, một đất nước mạnh hay yếu cũng do tư duy của đất nước đó quyết định.
Trên thế giới, có những nước được ưu đãi tài nguyên phong phú, khí hậu ấm áp, nhưng vẫn sa vào cảnh đói kém, lạc hậu, nội chiến triền miên, đẩy đất nước đến bờ suy vong. Nguyên nhân chính cũng là do tư duy vơ vét, xâu xé lẫn nhau của chính người dân và những người tự xưng là lãnh đạo.
Lại có những nước tuy đã độc lập, nhưng dân chúng phải làm thuê ngay trên đất nước của mình, hoặc coi việc lang thang làm thuê kiếm sống xứ người là một điều vinh hạnh. Không ai khác, chính tư duy làm thuê đã biến họ thành những kẻ làm thuê.
Thế mới biết, vị trí của một đất nước trong cuộc đua tranh phát triển và trên trường quốc tế do chính tư duy của đất nước đó quyết định.
Một đất nước hiên ngang khi có một tư duy hiên ngang khí khái dẫn dắt. Một đất nước mạnh mẽ khi có một tư duy mạnh mẽ, sáng tạo dẫn dắt. Muốn thế, tư duy của đất nước về bản thân mình, về con đường phát triển, về thế giới bên ngoài phải được bồi đắp và đổi mới không ngừng.
Tư duy dẫn dắt đôi chân, thúc đẩy đôi chân bước tới tương lai. Nhưng cũng chính tư duy kéo ta lùi về quá khứ, ngủ quên trong quá khứ, dù là quá khứ huy hoàng.
Tư duy mới sẽ mở ra những con đường mới. Tư duy lớn sẽ mở ra những con đường lớn - những đại lộ cho đất nước tiến lên.
Nói cách khác, phải có một hạ tầng tưu duy vững chắc làm nền tảng nâng đỡ và dẫn dắt phát triển. Tư duy của mọi cá nhân, nhất là của tầng lớp trí thức, chuyên gia, phải được giải phóng triệt để, tạo nền cho công cuộc phát triển của đất nước.
Bước sang một thập kỉ mới, Việt Nam đang có trong tay thế và lực mới, mạnh mẽ hơn so với những gì đã có trong quá khứ. Nhưng Việt Nam cũng phải đương đầu với những thách thức mới cả từ bên trong lẫn bên ngoài, mà nhiều trong số đó có thể dẫn đến sự an nguy của đất nước. Bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể chỉ ra hai trong số các nguy cơ đó: nội xâm – tham nhũng và ngoại xâm - tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Việt Nam cũng đang tiến dần thành nước có thu nhập trung bình, đây là điều đáng khích lệ. Nhưng Việt Nam có thoát được cái “bẫy thu nhập trung bình” để trở thành một nước phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh hay không là do chính tư duy của người dân và lãnh đạo Việt Nam quyết định.
Trong lịch sử, tư duy “quyết chiến” để bảo vệ tổ quốc đã giúp Việt Nam không phải khom lưng quỳ gối trước kẻ thù thì ngày nay, chỉ có tư duy “quyết phát triển”: phát triển để ổn định, phát triển để sánh vai các cường quốc năm châu mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu và “bẫy thu nhập trung bình”.
Sang thập kỉ mới, thập kỉ có tầm quan trọng sống còn trong việc quyết định Việt Nam có vượt qua được “bẫy phát triển” hay không, xã hội có giữ được sự bền vững thực sự hay không, độc lập chủ quyền có được bảo toàn hay không, phụ thuộc chủ yếu vào việc tư duy quản lý và điều hành đất nước có được thay đổi một cách thích hợp hay không.
Muốn Việt Nam có một diện mạo mới, thế đứng và vị trí mới trong thập kỉ mới - thập kỉ bản lề này, thì trước hết là tư duy của lãnh đạo và sau đó là tư duy của người dân Việt Nam cần phải thay đổi.
Vì một lẽ đơn giản: tư duy định hình và định vị đất nước.

Giáp Văn Dương


Khi Trung Quốc nói ngoại giao về vấn đề Biển Đông

Khi Trung Quốc nói ngoại giao
về vấn đề Biển Đông


Tại một cuộc họp báo ngày 6/1/2010 ở Hà Nội, ông Đại sứ Trung Quốc đã trình bày và nhận định về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, sau đó đã trả lời các phóng viên Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước đặc biệt là cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như cách thức giải quyết vấn đề đó nên như thế nào trong tình hình hiện nay.
Cuộc họp báo, theo Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trước đó là một trong những hoạt động nằm trong tiến trình tiến tới năm 2010, được gọi là Năm Hữu nghị Việt - Trung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã trù liệu.
Thấy những vấn đề mà ông Đại sứ Trung Quốc nêu ra lần này là hết sức quan trọng ở khía cạnh quan hệ hai nước. Ông đại sứ cũng không né tránh nói lên những bất đồng trong vấn đề Biển Đông giữa hai nước khi đề cập tới các câu hỏi của phóng viên ta nêu.
Nếu chỉ theo sát từng câu chữ ông đại sứ phát ra, thì đại thể chúng ta vẫn thấy chưa có điều gì là nổi bật, là mới so với đường lối và quan điểm công khai mà CHND Trung Hoa lâu nay vẫn chính thức truyền đi từ thủ đô Bắc Kinh về cả quan hệ Trung - Việt và các vấn đề biển đảo liên quan đến hai nước.
Duy chỉ có một ý mới (hoặc với bản thân tôi hiểu là thế và cũng chỉ biết đến như thế) là ông nói với đại ý: TQ khuyên VN chúng ta nên chờ đợi các điều kiện chín mùi hãy tính đến chuyện giải quyết. Còn hiện tại quan hệ hai nước đang tốt đẹp, hãy ưu tiên cho hợp tác với nhau, cụ thể hai nước cứ theo tinh thần hữu nghị mà tiến hành công việc quan hệ với nhau như bình thường lâu nay là tốt, chắc chắn có lợi cho cả hai bên...
TQ nói thì nói như vậy, nhưng hành động thì chưa phải như vậy.
Không kể suốt từ hồi giữa năm đến gần đây, trên mặt biển có biết bao sự kiện tàu vũ trang Trung Quốc bắt bớ, giam hãm tàu thuyền và ngư dân ta đánh cá hợp pháp trên vùng biển của mình, chỉ kể mới hôm trước thôi, người phát ngôn bộ ngoại giao VN đã phải lên tiếng phản đối việc TQ chủ trương đẩy mạnh du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Trở lại ý về quan hệ hai nước, nếu như các thông tin từ bài tường thuật của báo điện tử VNNet là chính xác (xin xem trong phần dưới đây), thì với tinh thần và lời văn của ông ĐS Trung Quốc nói, người VN ta có thể hiểu ý tứ như sau:
Một là TQ công nhận có những bất đồng trong vấn đề Biển Đông giữa hai nước, và vấn đề đó cần được giải quyết;
Tiếp đến là TQ "nhắn gửi" một ý tứ khuyên can (mà cũng đầy ý răn đe trong đó) là qua kinh nghiệm quan hệ hai nước từ 60 năm nay, là "hợp tác sẽ phát triển", còn "đấu tranh sẽ thất bại";
Cuối cùng, đây mới thật là cái chốt của sự nhắn gửi cho phia ta, là hãy chờ cho các điều kiện chín mùi thì hai nước sẽ bàn đến cách giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, khi ấy giải quyết mới tốt đẹp được.
Trong ba điều, hãy để ra một bên điều đầu tiên, còn hai điều sau đều có nhiều sự lạ. Mà lạ nhất là ở điều thứ ba này. Bởi tại đây, TQ nói là hãy đợi khi điều chín mùi (hãy đàm phán giải quyết mới tốt), nhưng lại tịnh không nói rõ điều kiện chín mùi là gì, hay là được hiểu nó là như thế nào. Và nhất là "bao giờ" thì xuất hiện điều kiện chín mùi kia? Tất cả đều như "kín bưng", chắc là để muốn hiểu thế nào thì hiểu...
Là người có những năm làm việc trong ngành ngoại giao, ở môt cơ quan làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, tôi cũng hiểu đôi phần về các chức phận, chức trách ngoại giao và ý tứ câu chữ phát đi từ các nhân vật có thân phận ngoại giao. Nó có những ý nghĩa có thể lúc này là rất cụ thể, lúc khác lại nhắm tới đích chung chung nào đó thôi, nhiều khi như càng mơ hồ thì càng đạt yêu cầu. Miễn sao bảo vệ cho được lợi ích quốc gia của mình. Âu đó cũng là nghệ thuật trong phép tắc ứng xử ngoại giao.
Ở trường hợp trên qua một phát ngôn cụ thể của vị có chức trách cấp đại sứ tại nước sở tại (có quan hệ trực tiếp với nhau) nên chúng ta càng phải dõi theo và phân tích một cách nghiêm túc và thận trọng nhất có thể.
Mặt khác tôi nghĩ, với phận sự trách nhiệm của một vị sứ thần, thì khi phát đi một ý như đã kể ở trên (tạm tóm tắt thành ba ý đã nêu), là ông đại sứ TQ đã bộc lộ rõ quan điểm chỉ đạo từ cấp cao hơn ông, tức cũng là làm hết chức trách của mình cho quyền lực ủy nhiệm từ trong nước sang.
Ở đây, chúng ta không thể đòi hỏi điều gì cao hơn thế, rõ hơn thế ở một cương vị như ông đại sứ đang có. Vì đây là vấn đề chỉ thị, vấn đề "khoanh lại" chỉ đến như thế. Nói khác đi tức là vấn đề mới "mở ra" đại thể là như vậy đấy, cấp trên - cấp lãnh đạo ở trong nước cho chủ trương đường lối là cái hướng như thế. Và nói được công khai đến một chừng mực, một mức độ như vậy.
Cho nên cái điều mà chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn - và cũng cần phải quan tâm hơn cả ở thời điểm hiện nay - là "cái ý tứ gì ẩn sau những động thái ngoại giao này" (qua ông đại sứ TQ phát biểu trên)?
Và sau hết thực chất những điều tiết lộ công khai như vậy có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh quốc tế, bối cảnh khu vực và bối cảnh quan hệ hai nước vào thời điểm lúc này mới là vấn đề hệ trọng bậc nhất.
Đương nhiên đây là một công việc lớn không nắm bắt được một cách dễ dàng. Cần có những thông tin, sự tìm hiểu và nghiên cứu một cách thật sự nghiêm túc mới tìm ra được cách tiếp cận và mới hé lộ những lời giải cho vấn đề vô cùng phức tạp này.
Dù sao một tín hiệu ngoại giao đã được đánh đi. Chắc chắn nó muốn tìm địa chỉ gửi tới và chờ đợi một sự hồi âm hoặc cách thức hồi đáp như thế nào đó của đối tượng mà nó muốn gửi đến.
Xin kính chuyển công việc "quốc gia đại sự" đó đến những cơ quan, tổ chức, con người có thẩm quyền, có trách nhiệm cao với đất nước này.
Còn với những công dân bình thường như chúng ta, cái tín hiệu ngoại giao đã đánh đi kia - nghĩ thế nào thì nghĩ - cũng không hẳn đã làm chúng ta hoàn toàn yên lòng. Tức là yên lòng yên tâm về mối quan hệ được trưng ra là khá tốt đẹp như ông đại sứ thường nêu ở Việt Nam khi có dịp, mà không khéo "ba ý toát lên" từ các câu trả lời lần họp báo này của ông đại sứ còn khiến chúng ta băn khoăn, lo lắng thêm là đằng khác.
Vì sao vậy? Đơn giản thôi, vì nó ẩn chứa các vấn đề tranh chấp Biển Đông còn vô cùng phức tạp, nước lớn đang có tranh chấp với ta quyết liệt nhất là Trung Quốc hình như vẫn chưa sẵn sàng, chưa tin cậy và thiện chí để giải quyết công việc này với chúng ta.
Nguyễn Vĩnh
Dưới đây là tin tổng hợp về cuộc họp báo kể trên của phóng viên VNNet:

--------------


Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường :
Chờ điều kiện chín muồi
giải quyết tranh chấp biển Đông


Cập nhật lúc 16:07, Thứ Tư, 06/01/2010 (GMT+7)
,
- Tại buổi họp báo sáng 6/1 tại Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường cho rằng giải pháp thiết thực hiện nay đó là tạm gác lại tranh chấp biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước.

Đại sứ Tôn Quốc Tường. Ảnh: Trường Sơn
Chuẩn bị cho các hoạt động của Năm Hữu nghị Việt - Trung 2010, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường trong buổi họp báo đã thông báo các sự kiện cũng như đánh giá về tiến trình hợp tác 60 năm Trung - Việt.
"Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại"
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thừa nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đại sứ Tôn Quốc Tường nói kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt đó là "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại".
"Là láng giềng, là đồng chí, anh em, hai nước có 100 lý do để hợp tác và không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung - Việt. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, đặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa Trung - Việt ở vị trí quan trọng và trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, không ngừng làm hết sức đóng góp cho sự nghiệp chung của hai bên", Đại sứ nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Trung Quốc, năm 2009, quan hệ hai nước có nhiều thu hoạch. Hai nước đã trao đổi 167 đoàn thăm viếng, làm việc, trong đó cấp Thứ trưởng 108 đoàn. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế, khủng hoảng, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn duy trì đà tăng trưởng, phấn đầu đạt 25 tỷ USD vào năm 2010...
VietNamNet lược ghi phần hỏi đáp giữa Đại sứ và các phóng viên Việt Nam về các vấn đề quan hệ song phương :
Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp trên biển
Tuổi trẻ : Xin Đại sứ cho biết chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông với Việt Nam?
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em. Nhưng cũng giống như quan hệ của các nước khác, trong quan hệ song phương của chúng ta chắc chắn tồn tại một số vấn đề. Tôi thường nói với các đồng chí lãnh đạo cũng như các bạn Việt Nam rằng trong gia đình dù là vợ chồng cũng có khi cãi nhau. Đây là vấn đề giữa anh em chúng ta.
Làm thế nào giải quyết vấn đề đó cũng nêu ra thách thức to lớn đối với ý chí và thiện chí, trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề này. Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề. Trong quan hệ hai nước còn có nhiều công việc cần cố gắng, nỗ lực, có nhiều hợp tác có thể tiến hành.
Trong khi phát triển quan hệ song phương và chờ đợi điều kiện chín muồi, hai bên có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa. Quan hệ Trung - Việt có 3 vấn đề lịch sử để lại : phân định biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và giải quyết vấn đề biên giới trên biển. Hai bên đã cố gắng giải quyết hai vấn đề trước và chỉ còn lại vấn đề Nam Hải (cách gọi Biển Đông của phía Trung Quốc - PV).
Khi hai bên đang đàm phán, giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, phóng viên Việt Nam hỏi tôi về đánh giá quá trình đàm phán giải quyết và tôi đã trả lời rằng giải quyết vấn đề biên giới đất liền có ý nghĩa quan trọng, không những tạo cơ sở cho vùng biên giới hai nước hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác, cũng như chứng minh với các nước trên thế giới rằng hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì không có vấn đề nào không thể giải quyết được.
Bây giờ quan hệ hai nước chỉ còn vấn đề trên biển. Chúng ta đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề. Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp nhất.

Đại sứ Trung Quốc : Kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt đó là "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại". Ảnh: Trường Sơn
VietNamNet : Theo Đại sứ, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên biển - vấn đề tồn đọng cuối cùng giữa hai nước?
Tôi nghĩ đây là vấn để nổi bật đang tồn tại trong quan hệ hai nước. Hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán và đang tiến hành thuận lợi. Về thuận lợi, hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo nên không lý do nào không thể giải quyết được vấn đề tồn tại.
Nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của hai nước bây giờ là tiến hành công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa, phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Hơn nữa, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được nhận thức chung hết sức quan trọng. Đó là không để cho vấn đề Nam Hải ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước.
Vấn đề nào cũng sẽ có mặt không thuận lợi. Vấn đề lãnh thổ là vấn đề phức tạp, khó khăn. Lập trường, quan điểm giữa hai bên khác nhau nhiều. Điều quan trọng nhất làm thế nào đối xử vấn đề tranh chấp, và những quan điểm khác nhau.
Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Ý nghĩa của nó là không nhắc đến vấn đề tranh chấp mà hai bên có thể tiến hành hoạt động phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của hai bên chúng ta. Bời vì đó là lợi ích hai bên cùng có lợi và cùng chia sẻ.
Trước khi vấn đề này có điều kiện giải quyết, sáng kiến đó có lẽ là con đường hiện thực, thiết thực mà hai bên có thể thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thúc đẩy.
"Trung Quốc đã đối xử nhân đạo, trách nhiệm"
Tiền Phong : Ở Việt Nam có rất nhiều thế hệ quý trọng tình hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, coi Trung Quốc như anh em. Và tôi biết họ là những người hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị đó. Những gì xảy ra về tranh chấp biển Đông thời gian qua, là điều không tránh khỏi, nhưng cách ứng xử của Trung Quốc, chẳng hạn như trong vụ bắt giữ tàu thuyền và đối xử với ngư dân Việt Nam không thực sự đàn anh cho lắm. Điều đó làm đau lòng người muốn vun đắp cho tình hữu nghị hai nước. Xin Đại sứ cho vài lời bình luận?
Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật, một số không phải là sự thật. Tôi phải nói rằng Trung Quốc luôn ứng xử những vấn đề như thế này rất có trách nhiệm. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra ngay lập tức nhưng kết quả xác minh của chúng tôi lại khác với kết quả của phía bên Việt Nam.
Ví dụ có một số báo chí đưa tin phía Trung Quốc đã đối xử với ngư dân Việt Nam không nhân đạo. Về vấn đề này, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra rất nghiêm túc nhưng kết quả cho thấy đó không phải sự thật. Ví như có lần Việt Nam đã can thiệp với Trung Quốc rằng Trung Quốc đã thu giữ những công cụ đánh bắt cá cũng như thủy sản đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi xác minh thì cho thấy phía Trung Quốc chỉ đuổi tàu cá ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc chứ không có hành vi tiếp xúc với ngư dân Việt Nam. Tôi cũng thắc mắc nếu không tiếp xúc làm sao thu giữ ngư cụ của ngư dân Việt Nam.
Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió cập cảng tại những cảng không phải cảng tránh gió của Trung Quốc, chúng tôi đã đối xử nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thể cập cảng. Nhưng khi rời cảng, họ lại chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo và làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc.
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã trao đổi riêng với các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này. Phóng viên Việt Nam kiểm tra lại, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin.
"Chúng tôi đầy lòng tin"
Nhân Dân : Xin Đại sứ nêu những nét nổi bật quan hệ trong hai nước trong 60 năm qua?
Nói đến quan hệ Trung - Việt, mọi người thường nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là "vừa là đồng chí vừa là anh em". Quan hệ Trung - Việt có một điều chung : chung chế độ và chung lý tưởng. Dù hai nước với diện tích đất nước, dân số, trình độ phát triển khác nhau cũng như trong 60 năm đã trải qua giai đoạn khó khăn nhưng đó chỉ là một giai đoạn khúc khỉu.
Tóm tắt lại quan hệ hai nước trong 60 năm, điều đầu tiên đó là hai nước đã tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau. Thứ hai là bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Thứ 3 là xuất phát từ đại cục, cầu đồng, tồn vịnh. Tôi nghĩ đây là 3 điều kiện, cơ sở hết sức quan trọng trong phát triển quan hệ hai nước.
Một câu tóm tắt quan hệ hai nước đó là cần tăng cường sự hiểu biết chính trị để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương. Hai nước tiến tới quan hệ ngoại giao, trong lòng mọi người đang suy nghĩ chúng ta đã trải qua 60 năm thì 60 năm tiếp theo chúng ta sẽ như thế nào? Nếu có thể phát triển quan hệ trên những nguyên tắc tôi nêu, trong tương lai, quan hệ hai nước phát triển thuận lợi và tươi sáng. Chúng tôi hết sức đầy lòng tin.
Tiền Phong: Quan hệ cấp cao giữa hai nước có sự thỏa thuận hàng năm trao đổi viếng thăm cấp cao. Nhưng hai năm qua, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc - Việt Nam viếng thăm nhau rất nhiều nhưng không thấy chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc. Theo Đại sứ vì sao? Liệu năm 2010 có lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nào sang thăm Việt Nam?
Tôi phải sửa lại cách nói của bạn. Trong hai năm qua, hai bên đã tiến hành trao đổi viếng thăm cấp cao. Vì trong năm 2009, lãnh đạo cấp cao trong hệ thống Đảng, Chính trị cũng như Quân đội đều đã sang thăm Việt Nam. 6 tháng đầu năm, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam. Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam. Có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cũng đã sang thăm.
Nếu chỉ nhắc đến các đồng chí lãnh đạo Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, tôi phải nói thẳng thắn rằng chương trình làm việc của lãnh đạo cấp cao hết sức bận rộn. Chúng tôi coi Việt Nam là anh em, sẵn sàng thúc đẩy quan hệ. Nếu điểm lại sẽ thấy những chuyến thăm cấp cao của Trung Quốc sang Việt Nam nhiều hơn so với chuyến thăm cấp cao của Trung Quốc sang các nước khác.
Chúng tôi nói vui rằng chúng tôi nợ rất nhiều các nước khác vì có một số nước trong 10 năm qua chưa có một đoàn cấp cao của Trung Quốc sang thăm. Chúng tôi phải trả nợ nhiều nước. Chúng tôi có chương trình bận rộn, coi Việt Nam là đồng chí, anh em nên chúng tôi phải trả nợ những đối tác khác trước.
Năm 2010, tôi xin hứa chắc chắn sẽ có lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc sang thăm Việt Nam.
VOV : Năm 2010, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Vai trò mới của Việt Nam tác động như thế nào đến quan hệ hai nước cũng như quan hệ chung giữa Trung Quốc và ASEAN, nhất là trong bối cảnh từ 1/1/2010, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN có hiệu lực?
Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm cương vị hết sức quan trọng là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách này. Quan hệ Trung Quốc và ASEAN trải qua chặng đường 30 năm và đang phát triển hết sức thuận lợi. Từ 1/1/2010, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN chính thức thành lập, tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 1,9 tỷ người, GDP đạt 65.000 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4500 tỷ USD. Có thể nói đây là tin vui to lớn với các nước ASEAN và Trung Quốc.
Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy giao thương cũng như vận tải hàng hóa giữa các nước. Tuy nhiên vì là khu vực thương mại tự do do các nước đang phát triển hình thành, có nhiều hàng hóa của Trung Quốc và ASEAN giống nhau nên tạo ra thách thức lớn cho nhau. Nhưng thách thức này sẽ thúc đẩy các nước tiến hành điều chỉnh cơ cấu thành phần kinh tế ở các nước.
Cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi nước, là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế mỗi nước, nhưng là cơ hội dành cho phát triển thành phần kinh tế mới, thúc đẩy điều chỉnh, tái cơ cấu các thành phần kinh tế của Trung Quốc. Khu vực thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN cũng tương tự, nên cần nắm bắt thời cơ thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu các thành phần kinh tế trong nước, làm thế nào hàng hóa mỗi nước có sức cạnh tranh...
(Xuân Linh, PV Báo điện tử VNNet)


http://vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong-888092/

Cụ Lưu Văn Lợi và các trang viết về biên giới, biển đảo

Cụ Lưu Văn Lợi với những trang viết
về biên giới và biển đảo
Ở ta, người có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết có giá trị về biên giới, cả đất liền và biển đảo, là cụ Lợi - cụ Lưu Văn Lợi.
Nếu ở thôn xóm, mấy năm nay cụ Lợi đã được tôn gọi là cụ Cửu, bởi cụ đã trên 90 tuổi. Tuổi tác vậy mà cụ vẫn còn làm việc trí óc được, phục thật.
Nhớ lại hồi tôi còn là một nhà báo tuổi đời trẻ có được "theo hầu" cây bút viết báo đối ngoại tài hoa là bác Vũ Cận, nên có đến nhà riêng của cụ Lợi đôi ba lần. Đã hơn ba chục năm đã qua kể từ những ngày ấy.
Đến nhà cụ lần đầu thấy ngạc nhiên luôn. Cụ Lợi làm đến chức trưởng ban biên giới chính phủ, trước đó từng làm thư ký tòa soạn báo Quân đội nhân dân, lại có thời gian làm trợ lý cho các ông Lê Đức Thọ và Xuân Thủy ở hội nghị Paris, rồi trợ lý bộ trưởng ngoại giao - nghĩa là những chức vụ to và danh giá cả - nhưng ông cụ vẫn vui lòng ở một căn hộ được cơ quan cấp trên gác phố Trần Hưng Đạo.
Tôi nhớ căn buồng nhỏ làm việc của cụ chất đầy sách vở và sát cạnh là chỗ nghỉ ngơi luôn. Cũng trong căn hộ này, người con trai - anh Lượng, một chuyên gia về khí tượng - cũng ở chung với cha. Tôi cũng có mối thân thuộc bạn bè với anh cùng với một nhóm ba bốn người khác. Họ đều được đào tạo từ Liên Xô về, những dịp tiếp xúc với họ tôi được nghe đôi ba câu chuyện về tính tình của cụ thân sinh anh Lượng. Nói chung đây là một nhân cách đầy khả kính.
Ấn tượng lớn nhất lúc ấy là được thấy một con người làm việc nghiêm túc. Lời ăn tiếng nói khiêm nhường thận trọng, dù sức hiểu biết của người nói ra những điều ấy là một con người rất uyên bác.
Sau này khi tôi làm việc ở báo Quốc Tế BNG, mỗi khi nhận được bài cụ Lợi gửi cho báo tôi lại cố sắp xếp đến nhà cụ hỏi thêm về bài viết.
Hơn ba thập kỷ qua đi nhưng ấy tượng về căn buồng làm việc và phong cách làm việc của cụ, bữa đó gặp lại tôi vẫn đinh ninh một cảm giác như ngày trước, thấy như không có điều gì thay đổi ở con người đáng kính đó.
Với con người uyên thâm về hiểu biết mà vẫn rất khiêm nhường phục thiện, khi cụ nghe do yêu cầu mới của tờ báo, trong một số báo cụ thể, trong thời điểm nhất định có yêu cầu về đấu tranh đối ngoại nào đó, hoặc do khuôn khổ bài mục, thường hầu hết ý kiến đề nghị của ban biên tập chúng tôi được cụ Lợi vui lòng tiếp nhận.
Nên phải nói, rất nhiều thế hệ biên tập viên ở tòa soạn báo Quốc Tế chúng tôi rất biết ơn sự hợp tác của cụ Lưu Văn Lợi.
Được tin có cuốn sách về biển đảo mới xuất bản của cụ Lưu Văn Lợi, tôi xin phép tải về bài giới thiệu dưới đây, cóp từ trang trannhuong.com
(Hôm trước đã post bài về biển đảo, nay tiếp tục chủ đề này để thu thập thêm tư liệu cho blog).


NV
 

Nguồn: http://trannhuong.com/news_detail/3394/CỰU-TRƯỞNG-BAN-BIÊN-GIỚI-LƯU-VĂN-LỢI-NÓI-VỀ-BỨC-CÔNG-HÀM-CỦA-TT-PHẠM-VĂN-ĐỒNG

----

CỰU TRƯỞNG BAN BIÊN GIỚI LƯU VĂN LỢI NÓI VỀ BỨC CÔNG HÀM CỦA TT PHẠM VĂN ĐỒNG 
Trich sách NXB CAND


CUỘC TRANH CHẤP VIỆT-TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

(Trích, phần nói về bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng)
 

LỜI NÓI ĐẦU

Từ Hội nghị các ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila tháng 7 năm 1992 đến Hội nghị SEAPOL ba khu vực tại Bangkok tháng 12 năm 1994, các đại biểu đều lo lắng về tình hình an ninh của Biển Đông và trao đổi ý kiến về sự hợp tác trong khu vực.
Trong khu vực này có hai vấn đề lớn nổi lên: vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vấn đề hợp tác trước hết là về khai thác tài nguyên. Các đại biểu đều cho rằng nếu không giải quyết được vấn đề chủ quyền thì khó mà giải quyết được vấn đề hợp tác khai thác tài nguyên. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, phức tạp là vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ba năm lại đây, cùng với việc giải quyết vấn đề Campuchia, việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một nhân tố ổn định quan trọng đối với Đông Nam châu Á. Việt Nam không chỉ mở rộng quan hệ với các thành viên của ASEAN mà Việt Nam đã trở thành quan sát viên của ASEAN, vấn đề trở thành thành viên chính thức của ASEAN chỉ còn là vấn đề thời gian, vì điều kiện đã chín muồi.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc quan hệ các mặt đang phát triển, đang còn những cố gắng từ cả hai phía để giảm bớt bất đồng, từng bước giải quyết các tranh chấp giữa hai nước. Vì lợi ích của hai nước, nên và cần tính việc giải quyết cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa.
Trong bối cảnh thuận lợi đó, Nhà xuất bản CÔNG AN NHÂN DÂN trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn “CUỘC TRANH CHẤP VIỆT-TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA” của ông Lưu Văn Lợi, một nhà nghiêm cứu quen thuộc. Trên cơ sở những tài liệu lịch sử vững chắc, xuất phát từ những tiêu chuẩn được chấp nhận của luật pháp quốc tế, tác giả đã bình tĩnh, khách quan phân tích lập trường của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc để đánh giá khả năng, phương hướng giải quyết vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề Hoàng Sa vì lợi ích của hai nước Việt-Trung, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á.

NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN, 1995
 

LƯU VĂN LỢI

Nhà báo, luật gia, nhà ngoại giao:
- Chủ bút báo tiếng Pháp LA REPUBLIQUE năm 1945, tờ báo tiếng Pháp LE PEUPLE năm 1946 đều xuất bản tại Hà Nội – Thư ký toà soạn tờ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, tờ báo của QĐNDVN (1951)
- Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia Việt Nam (1980-1985)
- Thành viên Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN gặp đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân Đội viễn chinh Pháp tại Hội nghị Trung Giã năm 1954.
Trợ lý đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thuỷ trong các cuộc thương lượng bí mật với ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Nhà trắng (1972-1973).
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Phó trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị liên hợp bốn bên tại Sài Gòn năm 1973.
Trưởng ban Biên giới của Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989).

CHƯƠNG V

3. Họ nói Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa.
Bắc Kinh tuyên truyền rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa nhưng sau lại thay đổi thái độ. Họ đã đưa ra bằng chứng là bức thư của Thủ tướng Phạn Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai về vấn đề lãnh hải của Trung Quốc, tuyên bố của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà năm 1965 nói rằng Tây Sa là của Trung Quốc.
Trước hết nói về bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Mọi người chắc chưa quên rằng khi đó là thời kỳ của chiến tranh lạnh, đế quốc Mỹ đang can thiệp vào miền Nam Việt Nam để ngăn chặn chủ nghĩa xã hội. Tuy bị thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, những phần tử diều hâu trong giới quân sự Mỹ vẫn hò hét chiến tranh chống Trung Quốc, hạm đội của Mỹ hoạt động trong eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng phải phòng ngừa một hành động phiêu lưu của hạm đội Mỹ, nhất là từ khi quân Trung Quốc pháo kích liên tục Kim Môn (quémoy) Mã Tổ (matsu). Trong bối cảnh đó, ngày 4-9-1958 Trung Quốc công bố quy định lãnh hải của mình rộng 12 hải lý.
Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm sau đây:
“Thưa đồng chí Tổng lý”
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hai lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.
Ở đây thủ tướng Phạm Văn Đồng không định đề cập đến vấn đề pháp lý, vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không định nói về Hoàng Sa, Trường Sa, mà chỉ nghĩ đến một điều: sự hung hăng của đế quốc Mỹ và hoạt động của hạm đội 7 trong eo biển Đài Loan đe doạ Trung Quốc, do đó thấy cần ủng hộ càng sớm càng tốt việc quy định lãnh hải rộng 12 hải lý để cản tay đế quốc Mỹ.
Những người Việt Nam và Trung Quốc trung thực đã sống những năm 50, 60 đều còn nhớ mối quan hệ giữa nhân dân hai nước “vừa là đồng chí vừa là anh em”, trong ý nghĩ “Trung-Việt nhất gia”, do đó coi bản công hàm đó là biểu hiện của tình hữu nghị Trung-Việt. Nếu ai cho đó là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa thì là đi quá nội dung và mục đích của công hàm, đồng thời phủ nhận tình cảm thiêng liêng trong lòng người Việt Nam, người Trung Quốc thời bấy giờ.
Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây Sa là có thật, nhưng đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Cần đặt các sự kiện đó trong bối cảnh lịch sử của nó, vào thời gian những năm 1956 đến 1965 khi nhân dân Việt Nam phải đấu tranh chống sự can thiệp xâm lược của đế quốc Mỹ ở cả hai miền.
Tình hình nước Việt Nam khi đó.
Về mặt hành chính, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 Việt Nam tạm chia làm hai miền với vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong khi chờ đợi thống nhất. Miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cộng hoà đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1956 khi Pháp rút khỏi Đông Dương và từ đó đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính, tổ chức khảo sát và khai thác tài nguyên về biển đồng thời kiên quyết bảo vệ hai quần đảo chống lại những hành động và ý đồ xâm chiếm của Bắc Kinh cũng như các nước khác. Chính phủ Việt Nam cộng hoà cũng bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình tại các hội nghị và tổ chức quốc tế. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam cùng với Chính phủ Sài Gòn đã tham gia ký kết Định ước về Việt Nam và đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trách nhiệm quản lý lãnh thổ bên này bên kia vĩ tuyễn 17 là rõ ràng.
Về mặt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từ năm 1965 nhân dân Việt Nam phải đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc. Đây là một cuộc chiến tranh ác liệt nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó lực lượng quân sự cực mạnh của Mỹ đã huy động tất cả bộ máy chiến tranh của nó từ pháo đài bay, thiết bị điện tử đến vũ khí hoá học. Nhân dân thế giới coi đây là cuộc chiến đấu giữa David và Goliath và coi cuộc chiến tranhViệt Nam là vấn đề lương tri của thời đại. Nhân dân Việt Nam nhất định không thể chịu để mất nước một lần nữa và quyết định làm tất cả cái gì có thể làm được để chống xâm lược, đó là vấn đề sống còn của cả dân tộc Việt Nam .
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa đế quốc ngay từ khi mới ra đời và cũng ngay từ đó các nước thuộc địa hoặc mới giành được độc lập đều coi Bắc Kinh là niềm tin và hy vọng. Trung Quốc không muốn đụng đầu một lần nữa với đế quốc Mỹ, nhưng cần phải tiếp tục giương cao ngọn cờ chống đế quốc, tiếp tục giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc. Việt Nam lại là một nước xã hội chủ nghĩa, một nước láng giềng anh em, “núi liền núi, sồn liền sông”. Trong tình hình đó, Trung Quốc trở thành đồng minh trên thực tế của Việt Nam về chính trị, tinh thần và vật chất. Họ đã gửi sang Việt Nam vũ khí, đạn dược, lương thực, xe cộ và dành con đường quá cảnh cho hàng viện trợ của Liên Xô và Đông Âu và các nước khác. Người Việt Nam và Trung Quốc coi quan hệ giữa hai nước như “môi với răng”.
Mỹ cũng không muốn một lần nữa đụng đầu với Trung Quốc. Việt Nam muốn gắn chặt cuộc kháng chiến của mình với Trung Quốc càng nhiều càng tốt. Việt Nam chân thành tin cậy Trung Quốc và cho rằng chiến tranh xong mọi vấn đề lãnh thổ sẽ đượch giải quyết tốt đẹp giữa những người “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Về lý luận và thực tiễn đối với người Việt Nam đó là tình đoàn kết quốc tế.
Phải đứng trên tinh thần đó của nhân dân Việt Nam và bối cảnh những năm 50-60 để hiểu các tuyên bố nói trên. Và cũng để hiểu hành động của những đồng minh của Việt Nam .
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1949 quân đội nhân dân Việt Nam, theo yêu cầu phối hợp của những người cộng sản Trung Quốc ở phía Nam, đã đưa quân vào vùng Thập Vạn Đại Sơn Tây, dãy núi lớn giữa hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, tiêu diệt nhiều vị trí quân sự của Tưởng Giới Thạch, giải phóng được Trúc Sơn (lãnh thổ Trung Quốc) và sau đó đã trao trả Trúc Sơn cho quân giải phóng Trung Quốc. Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1945, năm 1955 Pháp rút khỏi miền Bắc vĩ tuyến 17 và đảo Bạch Long Vĩ khi đó quân đội nhân dân còn bận tiếp quản và quản lý các nơi khác mà Pháp đã trao trả, cho nên trước mắt không đủ sức quản lý đảo Bạc Long Vĩ ở cách xa Hải Phòng 170km, họ đã phải nhở Trung Quốc quản lý hộ. Phía Trung Quốc đã chấp nhận và năm 1957 đã trao trả phía Việt Nam đảo và còn tặng một tầu thuỷ nhỏ để đảm bảo sự liên lạc giữa đất liền và đảo. Sự tin cậy của Việt Nam đến mức là khi Trung Quốc giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Tổng cục đường sắt Việt Nam đã chấp nhận một văn bản có ghi điểm nối ray giữa hai nước “đi qua đường quốc giới”, vào sâu lãnh thổ Việt Nam 316 mét so với đường biên giới chính thức giữa hai nước đã xác định trong Hiệp định đường sắt Việt-Trung ngày 25-5-1955.
Việt Nam cũng đã cư xử như thế với những anh em người Lào. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, phía Việt Nam đã tạm để một số lãnh thổ của Việt Nam cho lực lượng yêu nước Lào làm căn cứ hoạt động như vùng Na Mèo (tỉnh Thanh Hoá), vùng Keng Đu (tỉnh Nghệ An). Cũng như lực lượng yêu nước Lào đã đồng ý tạm để Việt Nam xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh trên một bộ phận lãnh thổ Lào giáp với Việt Nam (những vùng đất gọi là giải phóng, do lực lượng yêu nước Lào quản lý).
Sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã cùng nhau giải quyết thoả đáng mọi vấn đề: Việt Nam đã trả lại Lào những lãnh thổ đã mượn của Lào và Lào đã trả Việt Nam những lãnh thổ đã mượn của Việt Nam. Ngày 18 tháng 7 năm 1977, hai nước đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở tôn trọng đường biên giới vốn có, khi hai nước tuyên bố độc lập năm 1945.
Quan hệ giữa PLO và nước A Rập ngày nay, về nhiều mặt, cũng tương tự mối quan hệ giữa Việt-Trung Quốc và mang dấu ấn của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Nói đây là một đặc điểm của thời đại cũng không có gì là quá đáng.
Những lời giải thích trên đây có thể được chấp nhận hoàn toàn, một phần hay không được chấp nhận . Mặc dầu vậy những lời tuyên bố nói trên không phải là sự tuyên bố của Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và vẫn phản ảnh một sự thật trong giai đoạn tốt đẹp nhất của tình hữu nghị Việt-Trung.


*

Trung Quốc rất quan tâm tuyên truyền vấn đề bản đồ, họ đã đưa ra nhiều bản đồ. Đây không phải là vấn đề quan trọng, nhưng cũng cần nêu thêm một vài nhận xét:
1. Trung Quốc luôn luôn nói các đảo Nam Hải là phần cực Nam của Trung Quốc và đưa ra nhiều bản đồ. Nhưng họ lại không dẫn chứng những sách hoặc bản đồ cổ của Trung Quốc chỉ vẽ lãnh thổ Trung Quốc trên đảo Hải Nam . Chẳng hạn đoạn tổng luận của cuốn Trung Quốc địa lý giáo khoa thư đã viết:
“Phía Nam từ vĩ độ Bắc 180 13’, tận cùng là bờ biển Nhai Châu đảo Hải Nam, phía Bắc đến vĩ độ 530 50’, tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri; phía Tây đến kinh tuyến 420 11’, tận cùng là núi Tùng Lĩnh, Nam bắc gồm hơn 36 độ, rộng hơn 7.100 dặm, Đông Tây gồm hơn 61 độ, dài hơn 8000 dặm. Diện tích 32.605.156 dặm vuông, chiếm ¼ Châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả Châu Âu”.
Tổng luận đó hoàn toàn ăn khớp với Hoàng thanh trực tỉnh toàn đồ năm 1862 đời vua Đồng Trị và Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ năm 1894 đời vua Quang Tự, đều là bản đồ chính thức, mà không vẽ các quận đảo Tây Sa và Nam Sa.
Trong Quảng Đông dư địa đồ năm 1897 đời vua Quang Tự do tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuân đề tựa, có Quảng Đông toàn tỉnh dư địa tổng đồ và Quỳnh Châu phủ đồ cũng không vẽ bất cứ quần đảo nào ở biển Nam Hải, phù hợp với lời dẫn ghi giới hạn “cực nam” của lãnh thổ Trung Quốc là “núi ngoài cảng Du Lân, Châu Nhai”.
Theo các án lệ, giá trị của các bản đồ trong một cuộc tranh chấp về chủ quyền chỉ là tương đối. Phán quyết của trọng tài Max Huber trong vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và hà Lan đã nhận xét:
“…Chí với một thái độ cực kỳ chân trọng mới có thể tính đến việc dùng các bản đồ để giải quyết một vấn đề về chủ quyền lãnh thổ…”
Phán quyết còn nói rõ hơn:
“Khi mà trọng tài biết chắc chắn rằng có những sự kiện pháp lý có tính chất quyết định của những người vẽ bản đồ mà không rõ họ lấy nguồn tin ở đâu thì hoàn toàn có thể bỏ qua giá trị của các bản đồ dù cho nó có nhiều và được đánh giá cao đến đâu chăng nữa”

Vấn đề giá trị của những bản đồ của phía Trung Quốc đưa ra như trên thế là rõ...


Lưu Văn Lợi (trích trong cuốn sách đã dẫn)

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...