Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Nhớ cụ Hồ và...

Nhớ cụ Hồ và...

Năm 1964, vào thời điểm cuộc kháng chiến cứu nước ở miền Nam đang hồi gay go ác liệt: quân Mỹ đổ bộ ngày càng nhiều quân cùng với vũ khí hiện đại vào các chiến trường trong đó; còn ở miền Bắc đã cận kề một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân với hải quân Mỹ ở Hạm đội 7 yểm trợ đắc lực, cụ Hồ Chí Minh một mặt chỉ đạo công cuộc KC ở MN và vẫn lãnh đạo nhân dân MB kiến quốc, sẵn sàng chiến đấu (tới 5/8 năm đó Mỹ mới gây hấn ở Vịnh Bắc Bộ). Cảnh ngộ như vậy cụ Hồ của chúng ta vẫn rất "ung dung tự tại" - như chính báo chí nước ngoài đã phản ánh như vậy.


Nhà tranh nứa lá, bàn ghép từ mấy thân cây rừng ... mà cụ Hồ vẫn ung dung tự tại, cần mẫn hằng ngày với các công việc của một vị thủ lĩnh kháng chiến 9 năm xưa.

Trong cả loạt những cuộc phỏng vấn báo viết hoặc phỏng vấn ghi hình cụ Hồ dành cho các nhà báo nước ngoài, nổi bật nhất là cuộc phỏng vấn của một nữ ký giả Pháp. Thời điểm đó là khoảng đầu tháng 6/1964 tại Hà Nội. Buổi ghi hình chắc bằng phim nhựa hồi đó, hình ảnh cụ Hồ trả lời điềm đạm mà không quên dỉ dỏm khi cần làm cô phóng viên Pháp hất sức phấn chấn đặt ra những câu hỏi. Cụ lại trực tiếp trả lời cô phóng viên bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ của cô, không hề có phiên dịch.

Cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp (đứng thứ ba và thứ năm từ trái qua) chụp ảnh với những người bạn Mỹ. Chỉ huy đội Hươu của OSS là Allison Thomas (đứng thứ tư từ trái qua) - Ảnh tư liệu

Phải nói với bất cứ một phóng viên nào tác nghiệp, khi gặp được một trường hợp tương tự - phỏng vấn một vị lãnh tụ nước ngoài nói thẳng với mình ngôn ngữ nước mình để làm việc - thì đúng là một may mắn, một ưu đãi, thậm chí là một "phần thưởng", vì nó giúp cho họ chủ động rất nhiều trong tác nghiệp. Cũng là cơ hội giúp cho họ đưa ra được những câu hỏi tự nhiên thoải mái bởi môi trường dễ chịu không bị ngăn cách mà một hàng rào ngôn ngữ thường ngáng trở.

Hôm nay, 47 năm đã trôi qua, nhớ đến cụ Hồ khi nghe và xem đoạn phim trên, chúng ta càng thêm kính phục và thương nhớ cụ Hồ hơn. Không phải chỉ là chuyện cụ Hồ nói được thành thạo tiếng nước ngoài mà cái chính là nội dung của các câu trả lời phỏng vấn trước các phóng viên phương Tây. Họ hỏi nhiều câu hóc búa, có khi chẳng ngại đặt ra các vấn đề như "giăng bẫy"... Cụ Hồ vượt qua tất cả, đôi khi chen sự hài hước và châm biếm, dỉ dỏm mà cũng rất lịch thiệp lịch sự, trong đó thấm đượm cái phông hiểu biết nền văn hóa của Tây phương một cách nhuần nhuyễn.


Như vậy càng làm chúng ta phải nghĩ và so sánh đến nhiều lượt các vị lãnh đạo cao cấp nhất của chúng ta sau cụ Hồ từ rất lâu nay... Thấy chẳng có được một vị nào làm theo, học theo như cụ Hồ đã làm và học cả. Nên nhớ là cụ Hồ tự học cả đấy. Học trong đời sống rất nhiều - trong đó tự học, nắm vững tới mấy sinh ngữ quan trọng để tiện giao tiếp với bạn bè quốc tế - chứ đâu cụ được đến trường lớp và bằng cấp gì... Những sự thật hiển nhiên như vậy càng làm cho các thế hệ sau này chúng ta đang sống lòng chạnh buồn. Tiếc nhớ một thời đã qua khi đất nước còn cụ Hồ. Khi ấy hình như mọi sự mọi chuyện người dân Việt ở đâu cũng vậy, cảm thấy yên lòng và tin tưởng nơi bản lĩnh của một vị đáng mặt thủ lĩnh. Đúng là tư cách thủ lĩnh ở rất nhiều phương diện như đã có của cụ Hồ Chí Minh.

Viết nhiều về việc này thiết nghĩ cũng chẳng cần nữa, xin mời chúng ta hãy cùng mở xem và nghe chính từ cuộc phỏng vấn trên tại đường Link dưới đây và rút ra các kết luận cho riêng mình về một vị lãnh tụ:

http://www.youtube.com/watch?v=onhVOcVGHds&feature=player_detailpage

NGUYỄN VĨNH

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Nhân câu chuyện “trăm phần trăm”

Nhân câu chuyện “trăm phần trăm”


Hai ngày cuối tuần vừa qua đài báo loan tin hai vị phó thủ tướng và một vị bí thư thành ủy của thủ đô đều được hội nghị cử tri ở các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng – nơi các vị cư trú - đề cử là ứng viên bầu làm ĐBQH kháo XIII với tỉ lệ đỉnh “một trăm phần trăm”. Mọi người dự đoán tiếp đây, nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác khi đề cử tiếp cũng sẽ có một tỉ lệ trăm phần trăm như thế.

Dân mình vẫn nói bách nhân bách khẩu – là trăm người trăm ý, trăm cách nói, trăm cái miệng mà. Ngay chỉ vài ba người ngồi với nhau, cũng khối chuyện bàn đi tính lại, dễ gì “đồng phục” ý kiến một cách dễ dàng. Đằng này dự kiến bầu lên những nghị sĩ, đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân cả nước, vậy mà không biết sao mà MTTQ đưa ra danh sách nào cũng trúng phóc 100% tín nhiệm của cử tri thì quả thật là quá tài. Chỉ có điều dân chưa hiểu, là các bản danh sách đưa ra ở các cuộc họp cử tri ở phường-xã kia có bao nhiêu gương mặt để người ta lựa chọn? Nhưng chỉ biết là khi gút lại, đưa tin lên thông tin đại chúng là 3 vị trên đều được đề cử với sự đồng ý 100% của cử tri, nghĩa là không một ai không tín nhiệm các vị đó cả.

Nên nhớ rằng các cuộc hội họp khu dân cư thì thời gian họp hành chỉ vài ba tiếng đồng hồ, đôi khi còn ngắn gọn hơn nữa. Thế thì không hiểu công tác nghiên cứu nhân thân các ứng viên có được kỹ càng, liệu có sự trao đi đổi lại gì hay không về các ứng viên (nếu có trên một vị), và những người được đưa lên có phát biểu, có chương trình hành động như thế nào không nếu mình trúng cử. Bởi chỉ biết rằng cứ sau những cuộc họp như vậy là một kết quả “thành công tốt đẹp, 100% cử tri tán thành…” đều được loan báo và báo chí nhà nước đăng trọn các chi tiết.

Một điều đáng nói ngay, nhìn đại thể, những tin tức như thế này đưa ra hiện nay quả thật cũng chẳng mấy thu hút dư luận công chúng. Bởi lúc này, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện giá tăng ào ào đủ ở các loại nhu yếu phẩm và dịch vụ hằng ngày mà người dân va chạm tới cũng đã chiếm hết sự lưu tâm và ưu phiền của xã hội mất rồi (nhà nào chẳng có người nội trợ đi chợ hằng ngày, khi trở về với gương mặc phờ phạc vì đắn đo mua gì sắm gì cho hợp túi tiền đây…). Hơn nữa nhiều kỳ tổng tuyển cử của 5, 10 năm về trước cũng đã diễn ra in hệt như thế. Nay bảo mới, có đổi mới về cách làm đâu chẳng thấy, mà hiển hiện trước mặt mọi người vẫn bổn cũ sao lại. Bầu cử và ứng cử, bầu cử và đề cử, và nhất trí cả loạt ngay từ khâu giới thiệu.

Tuy nhiên vẫn cái tin trên báo chí về 3 vị 100% tín nhiệm kia lại cũng làm không ít các công dân có mối quan tâm đến đời sống xã hội và vận mệnh của đất nước chú ý và không khỏi “có điều gì đó nghĩ ngợi” chứ không “buông xuôi” như khối người dường như đông đảo hơn ở trên nhắc tới.

Họ không buông xuôi đơn giản vì họ được nghe nói đến dân chủ, nói đến đề cao dân chủ trong những năm gần đây. Đấy là một thực tế đã đang diễn ra ngày càng lớn rộng trong cuộc sống.

Chỉ có điều rất lạ là trước những chuyện diễn ra như trên, giới truyền thông chính thức nước nhà vẫn áp dụng một kiểu đưa tin hệt như những năm xưa. Hình như có một sự ỷ lại hoàn toàn vào một nguồn là TTXVN? Trăm tin như một, đều “đồng phục” ý chang như vậy. Sao không thấy một phóng viên nào, một tờ báo nào cử người tới quan sát và phản ánh cái sự “trăm phần trăm” ấy nó ra làm sao? Cứ cho sự thật đúng là "100% như thế" đi nữa thì người đọc người xem-nghe vẫn cần đến những lời giải thích, những lý lẽ để công dân các nơi khác được thuyết phục. Một vài câu trả lời phỏng vấn, một đôi lời bình luận về lý lẽ đạt tới 100% người có mặt trong các cuộc họp đó đồng ý..., chắc chắn đều là những điều bạn đọc người ta muốn biết đến. Tuyên truyền có thuyết phục và khôn ngoan hay không chính là ở các điểm đó.

Chúng ta đều biết lâu nay các ý kiến trong dân ngày càng có sự khác biệt. Thể hiện trong cách đánh giá các vấn đề kinh tế xã hội, các vấn đề quốc kế dân sinh. Và điều này được chính được các cơ quan có thẩm quyền chính thức xác nhận (như trong nhiều Nghị quyết của Đảng; hay trong các đánh giá và nhận định của Chính phủ; hoặc cấp thấp hơn là của các cơ quan quản lý chức năng về thanh tra, về an ninh, về xã hội…), trong đó với bao nhiêu là điểm bất cập, là cách thức điều hành bộ máy đảng và nhà nước gặp những trục trặc và vấp váp. Nghĩa là bao nhiêu chuyện, lắm chuyện chẳng hề xuôn xẻ xuôi chèo mát mái chút nào. Rất nhiều những bất cập đó được đưa lên mặt báo và ti-vi quốc gia chứ đâu có giấu diếm gì người dân. Cho nên việc các vị lãnh đạo, nhất là lãnh đạo ở cấp cao (đương nhiên trách nhiệm cá nhân này càng phải cao hơn lớn hơn những người ở cấp dưới, cấp thấp) mà bây giờ lại nhận được sự “tuyệt đối tín nhiệm” của nhân dân nơi cư trú là điều chưa được thuyết phục cho lắm.

Còn về 100% mức tín nhiệm dành cho các vị được đề cử, tôi trộm nghĩ có thể giải thích thế này chăng:

Thứ nhất, 100% đó chứa đầy tính “hình thức”. Vì thông thường người đi dự họp đã qua “chọn lọc” trong khu phố phường xã, nên việc “cho điểm” tín nhiệm kia là có thể là hiểu được. Cái cách đọc danh sách lên, mời giơ tay biểu quyết thì 100% tín nhiệm thường rất dễ diễn ra. Nhiều cuộc họp là “một tràng vỗ tay” sau khi chủ tọa đọc họ-tên một vị được đề cử. Nơi nào cẩn thận hơn thì sau đó ông/bà chủ tọa cuộc họp nêu một câu lấy lệ: Thế còn vị nào không tán thành? Chả bao giờ có một cánh tay giơ lên đâu! Ở các chốn “công đường” như thế không ai dại gì mua dây buộc chân mình, dù trong lòng có phân vân, ấm ức cũng đành nín nhịn cho xong việc và yên thân. Cái kiểu dân chủ hình thức mà nhiều người lên tiếng trên báo chí chính là ở các chi tiết đời sống rất thực tế này.

Điều thứ hai là chính ở cái cách giới thiệu, cách hiệp thương của MTTQ các cấp hiện nay không mấy đổi mới. Đề cử, ứng cứ, rồi bầu cử từ HĐND các cấp đến ĐBQH, nếu được nói thẳng ra, vẫn là “lối cũ” chứ chẳng có điều gì là mới mẻ cả. Vừa đây bản thân người viết bài đã từng được mời họp đảng viên diện Quy định 76 của Bộ Chính trị (đảng viên ở cơ quan về sinh hoạt với cấp ủy và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú – còn gọi là “đảng viên 76”), tôi thấy người chủ trì gắn luôn nội dung giới thiệu 2 ứng cử viên HĐND cấp phường (một vị là bí thư chi bộ, nguyên là một cán bộ về hưu đã cứng tuổi; và một vị khác là một cán bộ nữ đường phố, độ tuổi trẻ hơn). Vừa dứt lời giới thiệu (chỉ đọc tên, đọc chức danh, không có một dòng trích ngang lý lịch nào), rồi chủ tọa hỏi một câu là ý các vị cử tri thế nào? Vài lần hỏi nữa, rằng ai có ý kiến gì khác không. Tuyệt nhiên chẳng một ý kiến nào hết. Thế là ào ào một tràng vỗ tay tán thành. Rồi ghi vào biên bản, sau đó đọc lên là 100% tán thành để báo cáo lên cấp trên.

Điều đó chứng tỏ cái cách giới thiệu, cái cách gọi là hiệp thương vẫn lối mòn, không hề có ý kiến trao đi đổi lại về một danh sách nào đó đưa ra để cử tri cân nhắc từng người, xem ai là người đáng “chọn mặt gửi vàng”?

Nhìn lại mấy chuyện tôi nêu trên đây càng chứng tỏ giữa lời nói của lãnh đạo chúng ta (cuộc bầu cử tháng 5 sắp tới là sẽ có nhiều đổi mới), trong khi đối chiếu với việc làm thực tế thì vẫn hao hao công việc chuẩn bị bầu cử của 4 - 5 năm về trước, và các năm trước, trước nữa.

Một xã hội không khuyến khích và coi trọng ý kiến trao đổi và thể hiện ra bên ngoài bằng những kiến giải, nhận định đa chiều sẽ là một xã hội buồn tẻ, thiếu sáng kiến và sáng tạo. Nó sẽ khó tiếp thu những cái mới và tiến bộ để bổ sung cho một xã hội muốn tiến lên và phát triển. Như thế xã hôi đó sẽ ngày càng bị thế giới bên ngoài đang biến chuyển mạnh mẽ người ta vượt qua và bỏ lại chúng ta cách xa...

Chúng ta có thể tự thêm vào đây một câu hỏi: Tại nhiều quốc gia, người ta đạt được nhiều thành tựu tiên tiến về phát triển kinh tế xã hội hơn hẳn chúng ta, thế mà mức độ của những người ứng cử thường chỉ đạt quá bán (>50%) mà họ bước ra làm công việc đất nước hoặc địa phương của mình vẫn rất tốt. Còn trong xã hội ta, nếu người nào cũng trúng cử tới 100%, hoặc sau này có chút cọ sát, thì thường cũng đạt tới khoảng 85 – 90% sự tín nhiệm của nhân dân thì phải coi đó là những sự không bình thường, hoặc giả là “bất thường” nữa.

Một con người mà 100% ai cũng đồng tình, cũng đặt hết niềm tin, thì nó “không thật” cho lắm. Mà con người đó chưa chắc đã tốt, đã là cần thiết cho đời sống thật muôn màu muôn vẻ, là con người hữu dụng cho số đông (số đông chứ không phải toàn thể 100% người dân). Cái người mà không một ai có ý kiến trái lại với mình, không ai không đồng tình với mình đâu phải là toàn bích, mà cũng không “có thật” ở trên đời này! Chỉ cần trên 50%, hoặc cao hơn nữa là 60, 70% người tín nhiệm là đã có thể làm việc rất tốt cho số đông rồi.

Nên câu chuyện mở màn tổng tuyển cử, với sự tín nhiệm 100% còn hao hao một định tính "hình thức" như trên kia tôi nói tới đúng là một hiện tượng cần được nhìn nhận ở một góc độ thận trọng và cầu thị nghiêm tức - chứ chớ vội vã cả mừng.

Bởi các con số đó gần như “ẩn chứa” một điều gì đó như một sự bố trí và dàn cảnh.

Chỉ xin có một gợi ý, là các nhà xã hội học hãy thử tiến hành một cuộc thăm dò dư luận thật sự độc lập và khách quan về mấy câu chuyện tôi "thắc mắc" nêu lên ở trên để thử xem... Tôi tin các nhà xã hội học thực sự yêu dân yêu nước sẽ thu được những kết quả rất có ích cho công việc chuyên môn của mình và không chừng là rất cần thiết đóng góp cho các cơ quan nắm giữ quyền lực ở ta lúc này.

Đó mới là sự đổi mới thực sự tư duy. Đó cũng là cách tiến hành đổi mới thực sự trong hành động cai quản đất nước.

Nguyễn Vĩnh

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN - Một bài Hịch hay

Một bài Hịch hay

Bạn tôi, một nhà ngoại giao nhà nghề mà lại rất có khiếu hài hước. Anh biết tôi cuối tuần muốn nghỉ ngơi thư giãn, gửi cho bài viết thể “Hịch”. Đọc hịch này, nhiều ý gợi lên các so sánh, đối nghịch bỡn cợt nhau thì vui và cười được đấy… Nhưng lại “mếu” sau đó, như người ta nói, mồm mếu chữ o ngay tức thì. Thực ra cũng không phải là mếu, mà là buồn so, là lặng đi… vì một nỗi buồn dâng trào trước thực trạng khoa học công nghệ của nước nhà, trước bi hài của các nhà làm khoa học kỹ thuật khắp cả nước.

Vẫn biết vũ khí của văn thơ trào lộng đôi khi “thậm xưng lên một chút” nhằm đạt ý đạt đích định nóinói, phải nói. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì sự thậm xưng kia là trên một nền sự thật, cái sự thật đáng buồn lắm của nền khoa học kỹ thuật nước nhà những thập kỷ qua…


Hãy nghiêm túc nhìn nhận những điều Hịch này nói tới. Tôi mong những nhà quản lý cấp cao của cái ngành quan trọng bậc nhất - mũi nhọn của mọi mũi nhọn trong xã hội hiện đại chúng ta – phải/nên lắng nghe những điều Hịch nêu lên mà “thực sự cầu thị” để tìm ra phương cách sửa chữa. Chứ chớ vội mang cả thùng mũ chụp cho tác giả “khoa học đại vương” này là "bôi bác, suy diễn, ăn ốc nói mò”… Thực ra tác giả ghi tên vậy cho vui. Ban đầu chắc là của “một ai đó có thật” viết ra rồi nó nhanh chóng truyền khẩu như một thứ văn học dân gian. Hịch này đúng gọi là Hịch khuyết danh cũng được. Nhưng những điều trên chẳng hề quan trọng bằng chính nội dung của nó dưới đây các bạn sẽ đọc và ngẫm nghĩ thử xem...

Xin phép anh bạn, tôi giới thiệu bài Hịch này trên blog mình để bầu bạn cùng 'cười' và 'mếu' trọn 2 ngày cuối tuần, nha. Ý kiến bạn phản hồi - hoặc comment, hoặc chuyền email, nhắn vào điện thoại - cho chủ blog.


NV

-----------------

Hịch Khoa học Công nghệ

Tác giả: “Khoa học Đại vương” Trần Công Nghệ

Ta cùng các ngươi


Sinh ra phải thời bao cấp

Lớn lên gặp buổi thị trường

Trông thấy:

Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng

Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước

Nhật đưa rô-bốt na-ô vào thám hiểm lòng người

Anh, Pháp công nghệ gien chế ra cừu nhân tạo

Thật khác nào:

Đem cổ tích biến thành hiện thực

Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa

Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng-la-đét (Bangladesh)

Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.


Các ngươi ở cùng ta,


Học vị đã cao, học hàm không thấp

Ăn thì chọn cá nước, chim trời

Mặc thì lựa May 10, Việt Tiến

Chức nhỏ thì ta… quy hoạch

Lương ít thì có lộc nhiều

Đường bộ thì Ma-tít, Cam-ry

Đường không leo E-lai, Xi-fic (Vietnam Airlines, Pacific).

Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận

Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dzô dzô”

Lại còn đãi sỹ chiêu hiền

Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít

Lại còn chính sách khuyến khoa

Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng

Thật là so với:

Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,

Buổi hiện đại bên Nga, Pu-tin dùng Mét-vê-đép,

Ta nào có kém gì?



Thế mà, nay các ngươi:

Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo

Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn

Giáo sư ư? Biết “Thần Đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng

Tiến sỹ a? Nghe “Hai Lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?

Có người lấy nhậu nhẹt làm vui

Có kẻ lấy bạc cờ làm thích

Ham mát-xa giống nghiện “u ét đê” (USD)

Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm

Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung

Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu

Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi

Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật

Bệnh háo danh lây tựa vi-rút com-pu-tơ

Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1

Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy

Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi

Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na-niếc na- nô?

Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên



Cho nên

“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua

“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng

Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt

Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang

Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?

Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?

Hiện đại hóa ư? Vẫn bám đít con trâu

Công nghiệp hóa ư? Toàn bán thô khoáng sản

Biển bạc ở đâu, để Vi-na-shin nổi nổi chìm chìm

Rừng vàng ở đâu, khi bô-xít đen đen đỏ đỏ

Thật là:

“Dân gần trăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”! (*)




Nay nước ta:

Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu

Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh

Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định

Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang

Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!



Chỉ e:

Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn

Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu

Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài

Tài cờ bạc không địch nổi hắc-cơ quốc tế

Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư

Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ



Hỡi ôi,

Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo

Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu



Nay ta bảo thật các ngươi:

Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy

Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ

Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia

Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại

Mà lo học tập chuyên môn

Mà lo luyện rèn nhân cách

Xê-mi-na khách đến như mưa

Vào thư viện người đông như hội

Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to

Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ



Được thế thì:

Kiếm giải thưởng “Phiu” cũng chẳng khó gì

Đoạt Nô-ben không là chuyện lạ

Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lếch-xớt, xuống Rôn-roi

Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi-la, ra Rì-sọt

Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu

Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng

Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí

Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm

Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một

Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền

Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng

Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng

Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?

Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược

Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh

Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử



Vì:

Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung

Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục

Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.

Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?

Cho nên mới thảo Hịch này

Xa gần nghiên cứu

Trên dưới đều theo!



------------

(*) Biến thái từ câu thơ của cụ Tản Đã (nguyên văn câu thơ đầu: "Dân hai nhăm triệu ai người lớn")

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Thế sự... buồn

Thế sự... buồn


Lúc này trên thế giới, chuyện hạt nhân Iran hoặc căng thẳng bán đảo Triều Tiên hầu như chẳng mấy ai nhắc đến nữa. Trong khi giở các trang nhất báo hằng ngày, xem tin trên internet hoặc ti-vi chỉ thấy 2 chuyện lớn nổi bật: Động đất Nhật Bản và liên quân Mỹ và phương Tây tấn công Lybia.

Thiệt hại lớn ở Nhật và bom đạn ở Lybia đều là những đòn tử thương đánh mạnh vào “sức khỏe” nền kinh tế toàn cầu.

Thống kê hơn tuần đầu xảy ra động đất, Nhật Bản đã mất đi 3% GDP quốc nội, chừng 200 tỉ USD, trong khi cái nước Bắc Phi đang có chiến tranh kia với trữ lượng dầu mỏ hạng số 1 thế giới một khi tắc “cái ống dẫn dầu khổng lồ” cấp cho nhiều nước công nghiệp hàng đầu thì rất dễ hình dung bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ tụt dốc ra sao!

Lướt mạng thấy chuyện bên Lybia cũng muốn ghi lại ít dòng, tóm tắt trong một bản tin tổng hợp. Suốt 3, 4 ngày bom rơi đạn nổ mất tăm, vừa thấy ông Gaddafi xuất hiện đêm trước lại ăn nói rất mạnh – là tử thủ và trường kỳ kháng chiến chứ bọn đế quốc gian tham đừng có mà mơ hão thắng được nhân dân Lybia nha (cứ như học cách Việt Nam mình?), tôi buộc phải cười thầm trong bụng.

Ông vua không ngai ở Lybia kia (ông chỉ nhận là đại tá, thăng cấp từ đại úy mà suốt 42 năm nay ông không có lên sao lên hột lần nào nữa!) mà dư luận thế giới cho rằng của cải tài sản của ông lớn không tưởng tượng nổi, lâu nay gửi đầy các nhà băng quốc tế, và vợ con ông cũng “ôm” cả đống vàng và ngoại tệ khổng lồ chuyển đi khắp nơi nơi… thì thử hỏi những lời thề thốt chiến đấu đến cùng kia liệu có bao giờ trở thành hiện thực? Hay vù một cái, với một sự mặc cả bí mật nào đó khả dĩ chấp nhận được cho cả phương Tây và ông, ông lại lặng lẽ khăn áo ra đi như nhiều lãnh đạo châu Phi trước đây sau các cuộc nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân? Cái kiểu cách mạng độc tài kiểu Lybia, thể chế chính trị không giống bất cứ một quốc gia nào, ngồi lỳ ghế quyền lực cao nhất tới hơn 4 thập kỷ… thì việc bị nhân dân đất nước ấy bất tín nhiệm, bi họ nổi dậy lật đổ là không có gì lạ. Không lúc này thì lúc khác mà thôi. Những người có lương tri trên toàn thế giới chẳng ai không có suy nghĩ như vậy.

NV

--------------

Tổng hợp tin tức Libya 24 tháng 3, 2011

(Đã xuất hiện Chính phủ lâm thời Libya)

Do những đợt không kích dữ dội, lực lượng không quân của ông Gaddafi đã gần như bị tiêu diệt, và các tàu chiến của khối NATO đang tuần tra và kiểm soát vùng biển phía Bắc, lực lượng đối kháng đã tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Đứng đầu chính phủ mới này là chức vụ Thủ tướng lâm thời do ông Mahmoud Jibril, từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ với chính quyền Gaddafi trước khi ngả theo phe nổi dậy, nhận trách này.

Ông Mahmoud Jibril là người đại diện cho lực lượng đối kháng liên lạc với quốc tế. Ông đã tiếp xúc với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, dẫn đến việc Pháp công nhận quan hệ ngoại giao chính thức với Hội đồng Quốc gia lâm thời (HĐQGLT) như một thực thể hợp pháp đại diện cho nhân dân Libya.

Phát ngôn chính thức cho lực lượng đối kháng còn cho biết, HĐQGLT là một thực thể lập pháp, nhưng chúng tôi cần một cơ chế hành pháp để kiểm soát và quy định hệ thống chính quyền. Và nguồn này còn nói rõ, lập trường của họ từ đầu là rõ ràng “Libya chỉ là một quốc gia, thủ đô của chúng tôi là Tripoli và mãi mãi sẽ là Tripoli”. Lực lượng đối kháng cho rằng họ sẽ chiến đấu để giải phóng miền Tây của đất nước, giải phóng Tripoli, và giữ vững sự thống nhất đất nước. Lập trường này còn được nhắc tới nhiều lần nữa.

Lời tuyên bố trên cho thấy lực lượng đối kháng đã cảnh giác những xuyên tạc từ Tripoli hiện nay cho rằng việc thiết lập chính quyền non trẻ của họ ở Benghazi dường như là biểu hiện của hành động phân chia đất nước.

Trong khi đó, không quân của Liên quân LHQ đã mở các cuộc không kích các lều đóng quân của lực lượng ông Gaddafi bên ngoài thành phố Misrata vào tối thứ Ba đến sáng thứ Tư. Thiệt hại cho lực lượng của ông Gaddafi chưa rõ nhưng theo những nhân chứng tại thành phố này cho biết ngay sau cuộc không kích, tiếng đại bác đã ngưng bặt. Ông Mohammed, phát ngôn nhân của lực lượng đối kháng cho biết: “Hôm nay tình hình rất yên – đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy như vậy suốt mấy tuần qua. Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến cộng đồng quốc tế đã thực hiện các cuộc không kích sáng nay”. Thành phố bắt đầu có sinh khí, một số cửa hàng mở cửa trở lại tuy vẫn có người chết vì bị lính của ông Gaddafi bắn lén vào buổi sáng.

Tướng Abdul Fatah Younis, cựu Bộ trưởng Nội vụ, người đã rời bỏ chính quyền Gaddafi, hiện đang chỉ huy lực lương đối kháng nói: “Thành phố Misrata đã bị tàn phá và người dân tại đó cần được trang bị vũ khí. Chúng tôi cố gắng gửi cho họ nhưng chỉ là những vũ khí hạng nhẹ và không có vũ khí hạng nặng”.

Theo nguồn tin của một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ giấu tên vì tin tức có tính “nhạy cảm”, trong 24 giờ qua, Hoa kỳ đã tiến hành 28 cuộc không kích và liên quân các nước đã thực hiện 26 cuộc không kích. Không có hoả tiễn nào phải bắn vì không còn cần thiết, hệ thống phòng không của quân đội Libya đã bị tê liệt... Các phi cơ chiến đấu CF-18 của Canada đã bay lần đầu tiên ngày hôm qua, và đã ném 4 quả bom có hệ thống laser điều khiển phá hủy một kho chứa vũ khí của lực lượng Gaddafi.

Tại Ajdabiya, lực lượng đối kháng đã chiếm lại một phần của thành phố này. Lực lượng của ông Gaddafi tuy bị các cuộc không kích của liên quân nhưng vẫn giữ được các vị trí cửa ngõ ở phía Tây thành phố.

Lực lượng đối kháng được hình thành bởi những người dân thường tình nguyện và một số quân đội cũ, bây giờ được đối đầu một cách tương xứng hơn trên trận chiến trên mặt đất vì lực lượng của ông Gaddafi đã mất đi sự hỗ trợ thuận lợi của không quân. Tuy nhiên lực lượng đối kháng vẫn phải phải chống đỡ những cuộc tấn công một cách khó khăn. Phần lớn là vì không đủ vũ khí đạn dược và thiếu hệ thống chỉ huy, họ phải tự tổ chúc những cuộc tấn công lẻ tẻ vào lực lượng của ông Gaddafi.

Mặc dù chỉ có những buớc tiến nhỏ, nhưng ông Mohamed Hariri, một sĩ quan chỉ huy lực lượng đối kháng cho biết, những người “lính” tự nguyện này “thực sự là những anh hùng”. Ông nói: “Họ rất can đảm tới cái mức gần như là lính cảm tử”.

Chính quyền Libya tiếp tục lên tiếng tố cáo các cuộc không kích của Liên Quân đã giết chết thường dân khi cuộc không kích nhắm vào căn cứ quân sự “và khu dân cư” trong khu vực Al-Jfara và Tagora trong thủ đô Tripoli và gọi cái chết của thường dân là vì “cuộc thập tự chinh của thực dân”.

Tuy nhiên ký giả Anita McNaught của Al Jazeera, cho biết: “Những việc này đã không xảy ra. Sau khi chở chúng tôi đi lòng vòng 45 phút, họ đưa chúng tôi trở lại khách sạn và nói là đã không kiếm ra địa chỉ mà theo họ là những thường dân bị chết vì cuộc không kích”.

Theo tin hãng CNN, một người hoạt động đối kháng trong thủ đô Tripoli đã cho biết chính quyền đã nói dối về việc có những thường dân bị giết vì cuộc không kích của Liên quân. Cô đưa ra một trường hợp thí dụ, cô đã đi theo một người bà con vào bệnh viện nhằm lúc đài TV đến thu hình. Cô thấy người đạo diễn cố gắng hỏi những người nằm nhắm mắt giả vờ chết, và những người khác đóng kịch là đang bị thương. Một số những người giả vờ bị thương là lính của ông Gaddafi mặc đồ thường dân.

Cho đến lúc này, không ai biết chắc chắn con số thương vong của cả hai bên cho đến nay. Theo lực lượng đối kháng, có hơn 1.000 người bị chết, trong khi chính quyền Gaddafi nói là 150 người. Ủy Ban Cứu Trợ Nhân Đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết đã có 335 ngàn người rời khỏi Libya tỵ nạn từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Theo một nguồn tin từ báo chí Ả Rập cho biết con trai thứ sáu của ông Gaddafi, Khamis, đã bị tử nạn trong cuộc không kích tối chủ nhật, khi phi đạn Tomahawk bắn vào toà nhà trong khu dinh Tổng thống tại Tripoli.

Tối qua tiếng đạn nổ từ súng phòng không tiếp tục vang rền trên bầu trời thủ đô Tripoli, nhưng tiếng máy bay và tiếng nổ từ phi đạn đã giảm bớt rõ rệt.

Sáng hôm qua, hai chiếc máy bay F-15 của không lực Hoa Kỳ đã bị bốc cháy, lý do vì phạm lỗi kỹ thuật, không phải bị lực lượng ông Gaddafi bắn trúng. Hai phi công đã nhảy dù ra khỏi máy bay. Một người được lực lượng đối kháng cứu, người khác được đội trực thăng cứu trợ cứu thoát.

Tin tức từ thành phố Misurata, cách Tripoli 200 cây số về phía đông, cho biết lực lượng của ông Gaddafi đã pháo kích liên tục vào thành phố này và cho những người bắn lén bắn vào những thường dân trong thành phố. Tình trạng này đã kéo dài từ hôm thứ Hai, đã khiến những người dân không thể bước ra đường, phải ẩn nấp trong những căn nhà tối tăm, không kiếm được thức ăn và phải uống nước mưa để sống. Một bác sĩ cho biết vì xe tăng nổ súng bắn thẳng vào đám người đang biểu tình ôn hoà nên “con số bị tử thương quá nhiều, chúng tôi không còn lo nổi”. Về phần thức ăn, người bác sĩ nói: “Chúng tôi chia nhau những gì có thể kiếm được và nếu không kiếm được gì để ăn… chúng tôi không biết phải làm gì hơn”.


Đô đốc hải quân Samuel J. Locklear đã xác nhận tin này và cho biết việc tấn công vào thường dân như vậy đã khiến lực lượng liên quân LHQ phải gia tăng can thiệp và liên quân sẽ tấn công vào lực lượng bộ binh của ông Gaddafi . Lực lượng của ông Gaddafi sẽ bị thiệt hại hơn khi quân số và khả năng can thiệp của liên quân gia tăng.

Hôm qua, đài tuyền hình Libya đã chiếu hình ông Gaddafi đã xuất hiện đang nói chuyện trước đám đông tại Tripoli, và cho biết là “trực tiếp” truyền hình ngay tại chỗ. Đây là lần đầu tiên ông ta xuất hiện từ khi các cuộc không kích bắt đầu. Ông Gaddafi tuyên bố trước đám đông là sẽ chiến thắng lực lượng liên quân và “đám đông ở đây là lực lượng phòng không mạnh nhất”. Theo tin từ hãng tuyền thông Fox News, các máy bay chiến đấu của Pháp đã phải hủy bỏ một cuộc không kích vào khu vực dinh tổng thống vì chính quyền Gaddafi đã đưa các phóng viên tới khu vực này, và dùng những phóng viên này như “lá chắn” để ngăn cuộc không kích. Theo phóng viên của Al Jazeera, có mặt tại Tripoli, thì những hình ảnh chiếu trên TV cho là “trực tiếp” có thể là được cắt ráp từ những băng hình cũ, vì không có phóng viên nào được đưa đến chứng kiến buổi nói chuyện này. Và hình chiếu cho thấy ông Gaddafi đứng nói chuyện từ khu cư ngụ Bab Al-Aziziya, chính là nơi đã bị phi đạn bắn sập hôm tối chủ nhật.

Về vụ việc ông Gaddafi có là mục tiêu của Liên Quân không? Quốc hội Anh vẫn tiếp tục thảo luận về tính hợp pháp của việc cá nhân ông Gaddafi được xem như là mục tiêu của các cuộc không kích. Một định nghĩa về vấn đề này đã được Dân biểu Menzies Campbell đưa ra như sau: “Nếu Đại tá Gaddafi, thí dụ như ông ta ngồi trong một chiếc xe tăng đang tấn công vào một thành phố đông dân, thì chiếc chiến xa đó và ông Gaddafi là mục tiêu hợp pháp. Ngay cả khi ông ta ngồi trong căn cứ chỉ huy điều khiển và có trách nhiệm cho những hoạt động quân sự làm trái với Nghị quyết của LHQ thì ông ta vẫn sẽ là mục tiêu một cách hợp pháp. Nhưng ông ta sẽ không là “mục tiêu hợp pháp” nếu tiến hành một vụ ám sát nhằm vào cá nhân ông”.

Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý trong việc Khối NATO nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy các hoạt động quân sự của Liên quân Liên Hiệp Quốc tại Libya, thay thế cho Hoa Kỳ. Ngoại Trưởng Pháp, ông Alain Juppe cho biết, các quốc gia tham chiến gồm Anh, Pháp, Canada, và Hoa Kỳ cùng khối Liên Hiệp Ả Rập sẽ nhóm họp trong vài ngày sắp tới tại Bỉ, London hay Paris để thảo luận tiếp. Ông nói thêm, các quốc gia tham chiến có một số không phải là thành viên của khối NATO, do đó “(chiến dịch này) không phải là chiến dịch của Khối NATO”

Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là ba trong năm nước đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết tuần rồi. Cả ba đang lên án những cuộc không kích và đề nghị ngưng ngay việc can thiệp vào Libya.

Trên đây đã lược thuật việc con trai thứ sáu của ông Gaddafi là Khamis bị tử nạn trong cuộc không kích tối chủ nhật, khi phi đạn Tomahawk bắn vào toà nhà trong khu dinh Tổng thống tại Tripoli. Tuy nhiên tin này chưa được xác nhận từ cả hai bên. Trả lời đài ABC News, Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton cho biết rằng bà không thể xác nhận tin này mặc dầu bà có nghe và nghe rất nhiều về tin này. Bà nói đó là lý do bà không thể xác nhận được vì chưa đủ các bằng chứng.

Lực lượng ông Gaddafi bị mất đi một sĩ quan cao cấp, Hussein El Warfali, sĩ quan chỉ huy lữ đoàn Gaddafi đã chết trong trận không kích hôm qua.

NV tổng hợp từ AFP, Le Monde, CNN, AP, The Tripoli Post và Al Jazeera





Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Một hoạt động ngoại giao đa nghĩa

Một thông tin đáng chú ý


(MỘT HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO "ĐA NGHĨA")

Cập nhật 21/3 (14g00) - Blog tôi đưa bài viết vào lúc 18g46 ngày 19/3, hôm nay xin cập nhật thêm 2 bản tin về sự kiện ngoại giao có nhiều ý nghĩa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để bạn đọc THAM KHẢO. Một bản tin của Đài THVN (VTV) và một bản tin của Đài TNVN (VOV News), tức là những thông tin chính thức của các cơ quan báo chí VN phát đi.

Hôm trước giới thiệu bài phỏng vấn ông Lê Công Phụng, Đại sứ nước ta tại Mỹ http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1599&prev=1601&next=1594, tôi nhận được nhiều phản hồi. Ý kiến góp hoặc bình với đầy đủ cung bậc. Có điều là các ý gần như thống nhất là các câu trả lời của ông Đại sứ Lê Công Phụng chứa khá nhiều thông tin trong đó, ông cũng không tránh né những câu hỏi “khó” – là khó về ngoại giao, nói hay không nói, và nếu nói là nói kiểu gì, nói thế nào…

Tuy nhiên không ít bạn đọc lại đặt câu hỏi, thế sao bấy lâu nay ông đại sứ ít nói đến những điều “sát sàn sạt” đến vậy. Bây giờ nhiều trường hợp khá là cụ thể của quan hệ quốc tế, về thái độ của VN đối với các vấn đề đó, có câu người hỏi động chạm trực tiếp đến vấn đề “nhạy cảm” mà ông Phụng cứ vẫn đàng hoàng có ý kiến, nêu quan điểm của mình. Hay là tại ông Phụng sắp kết thúc nhiệm kỳ, về nước có thể nghỉ hưu vì đã đạt độ tuổi theo quy định công chức, nên mới bộc lộ hết những gì mình suy nghĩ, nghiên cứu, tức là năng lực của một nhà ngoại giao, cũng là bản lĩnh của một vị đại sứ tại một địa bàn quan trọng như nước Mỹ?


                                          Tàu sân bay của hải quân Hoa Kỳ thuộc hạm đội Thái Bình Dương. 

Tưởng chỉ có vậy. Nhưng hôm nay tôi lại nhìn thấy một tin nữa cũng rất có ý nghĩa, thậm chí là quan trọng trong thời điểm hiện nay xét về cả khía cạnh chính trị, kinh tế và ngoại giao mà ông Phụng thực thi nhiệm vụ của mình trước khi ông trở về bàn giao công việc cho người đồng nhiệm kế tiếp. Đó là tôi muốn giới thiệu một bản tin ngắn ngủi dưới đây. Nó nói lên nhiều điều về quan hệ Việt-Mỹ và các mối quan hệ quốc tế khác của VN.


Mấy dòng tin dưới đây - mà theo bản tin trên báo “Người Việt”, tờ báo hải ngoại, thì tin này được trích từ nguồn của Thông tấn xã Việt Nam phát ra. Vậy đây là một tin tức đáng tin cậy theo cách hiểu chính thống của Việt Nam.

Chỉ có một lời xen vào tin này: Động tác này có ý nghĩa như thế nào với các biến chuyển ở vùng châu Á, Đông Nam Á và nhất là Thái Bình Dương ôm trọn trong đó là Biển Đông, nơi đang có sự tranh chấp ngày càng tăng lên nếu quan sát các động thái phô trương sức mạnh lực lượng hải quân của một số nước hữu quan trong vùng biển này.

Đại sứ ta đi tới một vùng đất giữa biển khơi Thái Bình Dương, đảo Hawaii, để gặp một viên chức cao cấp hải quân của vùng tại nước đối tác, mà mục đích chuyến đi được dẫn tới là lo chuẩn bị cho chuyến đi của Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế APEC. Động thái này xét về ngoại giao là "kín kẽ", khó một nước thứ ba thứ tư nào đó bóp méo xuyên tạc về một mục đích của chuyến đi cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên người ta có thể đạt câu hỏi, đến tận đầu tháng 11/2011 hội nghị kia mới diễn ra, có nhất thiết ông đại sứ sở tại phải cất công đi "tiền trạm" sớm đến như vậy? Lại nữa, vẫn công việc đó thông thường người ta vẫn có thể gặp các viên chức ngoại giao cao cấp ở ngay thủ đô nước sở tại đặt vấn đề và bàn định, có nhất thiết đến chính một vùng biển khơi rộng lớn mang tên Thái Bình Dương? Đại dương đó đúng ra là chưa thái bình, có lúc "nổi sóng", đang là tâm điểm theo dõi của thế giới vì nó có lúc có nơi "rất nóng" do các hoạt động hải quân của một số nước xuất phát từ sự tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền về biển, đảo. Điều cuối cùng, một chuyến đi như vậy, thực thi một công việc đơn thuần như trên nêu, trong nước vẫn có thể cử một quan chức ngoại giao tương đương về cương vị, tới đảo này bàn bạc với giới chức địa phương như lẽ thông thường về ngoại giao.

Vì những lẽ đó chúng ta có thể gọi chuyến đi của ông Phụng tại thời điểm này không những là một động thái ngoại giao đáng chú ý - đương nhiên rồi -, mà còn là một hoạt động ngoại giao "đa nghĩa" của Việt Nam vừa thể hiện.

Nguyễn Vĩnh

------------------

Bản tin dẫn ngay dưới đây là của báo Việt kiều ở Mỹ, tờ "Người Việt"

Ðại sứ Việt Nam gặp tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương

Tháng Ba 15, 2011


Thực hiện mong muốn’ tăng cường hợp tác quân sự

Hawaii 14/3 (Người Việt) – Đại sứ Việt Nam ở Washington đã đến Hawaii gặp tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương “trao đổi mang tính xây dựng”.

Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin ông Lê Công Phụng, Đại sứ sắp mãn nhiệm của Việt Nam, đã đến Honolulu, chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại của một lãnh tụ Hà Nội (Nguyễn Tấn Dũng nếu ông này được tái cử ở chức vụ thủ tướng) tới đó tham dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh Diễn Ðàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) dự trù sẽ diễn ra vào các ngày 7 đến 13 tháng 11 năm 2011.

Dịp này, ông đã đến trụ sở Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, gặp đô đốc tư lệnh Robert Willard “bàn biện pháp để thực hiện mong muốn của cả Việt Nam và Mỹ trong việc tăng cường và duy trì hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực cũng như quan hệ quân sự giữa hai nước”, theo bản tin TTXVN.


Bản tin này nói rằng “Trong cuộc trao đổi mang tính chất xây dựng, hai bên đã thống nhất về tầm quan trọng của việc duy trì lợi ích chung liên quan tới biển. Hai bên thảo luận cách thức để cả Mỹ và Việt Nam cùng với các nước thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) và các thành viên tham dự Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN (ARF) cũng như các nước có biển khác và cộng đồng quốc tế đều có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan”.


TTXVN nói cả ông Phụng và Ðô Ðốc Willard “cho rằng nay là thời điểm chín muồi để phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng rộng lớn hơn, kể cả việc hỗ trợ nhân đạo và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh biển, trao đổi gồm cả trao đổi giữa các học viện nghiên cứu quốc phòng, quân y cũng như các cuộc đối thoại cấp cao. Hai bên nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trong ARF.”

Chuyến thăm viếng của ông Phụng diễn ra một tuần lễ sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận hải quân ở khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển đảo cả hai nước đang tranh chấp chủ quyền.                                                                                 Hải quân Việt Nam - Ảnh: Phan Tiến

Giữa tháng 2 năm 2011, Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận hải quân ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ đầu năm 1974 đến nay.

Trái với những lời phản đối suông của Việt Nam không có một tác dụng nào, Nhật Bản, Hàn Quốc và Phi Luật Tân đều đưa tàu chiến, phi cơ đến ngăn chặn các hành động xâm phạm trái phép của tàu và phi cơ Trung Quốc.

Ðầu tháng 3 vừa qua, Trung Quốc loan báo ngân sách quốc phòng nước này sẽ tăng 13% chi tiêu trong năm nay. Tuyên bố này đã khiến nhiều nước láng giềng trong khu vực quan ngại. Giới phân tích thời sự tin rằng các quốc gia trong khu vực đã và sẽ gia tăng võ trang để đối phó với sự lớn mạnh và đe dọa của Trung Quốc. Tình thế này sẽ dẫn các nước Á Châu lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới.

---------------------

Đài Truyền hình Việt Nam - VTV - là Trang báo điện tử của cơ quan này (sáng nay, 21/3 mới thấy đưa tin)


Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển

Thứ hai, 21/03/2011, 08:00 GMT+7

Chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế châu Á-TBD (APEC) 2011, trong các ngày từ 8 đến 12/3, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ do Đại sứ Lê Công Phụng dẫn đầu đã có chuyến công tác tại tiểu bang Hawaii (Hoa Kỳ).

Tại buổi làm việc với Thống đốc bang Hawaii Neil Abercrombie, đại sứ Lê Công Phụng và Thống đốc Abercrombie đều nhất trí khẳng định quan hệ song phương Việt - Mỹ trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, giáo dục, an ninh, quốc phòng... hiện đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi bình thường hóa năm 1995 đến nay.

Trong bối cảnh hai nước đang thúc đẩy nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược, Đại sứ Lê Công Phụng đề nghị Thống đốc bang Hawaii tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy xu hướng này. Đại sứ Lê Công Phụng cũng đã cảm ơn và đề nghị Chính quyền Bang Hawaii tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, du học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Hawaii.

Thống đốc Abercrombie cam kết tiếp tục tăng cường mối quan hệ nhiều mặt với Việt Nam , nhất là trao đổi thương mại, giáo dục và du lịch. Thống đốc Abercrombie khẳng định, cộng đồng người Việt tại Hawaii rất năng động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của bang, cam kết thực hiện những đề nghị của Đại sứ. Tiếp đó, Đại sứ Lê Công Phụng và Phó Thống đốc bang Hawaii Brian Schatz đã có cuộc trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến tổ chức tại tiểu bang Hawaii tháng 11/2011.

Tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Thái bình Dương của Mỹ có trụ sở tại Hawaii, Đại sứ Lê Công Phụng và Đô đốc Robert Willard cho rằng, hiện là thời điểm chín muồi để tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương. Hai bên cũng đã thống nhất về tầm quan trọng của việc duy trì lợi ích chung liên quan tới biển, đồng thời thảo luận cách thức để cả Mỹ và Việt Nam cùng với các nước thành viên ASEAN và ARF đảm bảo được lợi ích quốc gia về tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại tiểu bang Hawaii, Đại sứ Lê Công Phụng đã làm việc với Trung tâm Đông - Tây, Viện Nghiên cứu Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và trường Đại học Hawaii. Đại sứ Lê Công Phụng cũng đã tới thăm, giao lưu với Hội Sinh viên Việt Nam tại Hawaii và tham dự các hoạt động của Hội trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa thường niên do Tiểu bang Hawaii tổ chức.

Tác giả: Lê Minh

---------------------
Đọc tại nguồn này: http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/vtv.vn/Quan-he-Viet--My-ngay-cang-phat-trien/5908245.epi

----------------

Tin của VOV đưa ngay từ chiều 12/3

Quan hệ Việt- Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất

(VOV) - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc gặp Thống đốc bang Hawaii Neil Abercrombie

Trong chuyến công tác tại bang Hawaii, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng đã gặp Thống đốc bang Neil Abercrombie nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ nói chung và với bang Hawaii nói riêng.

Tại buổi gặp, Đại sứ Việt Nam Lê Công Phụng nhấn mạnh, quan hệ Việt-Mỹ hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong vòng 15 năm qua. Quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như chính trị, thương mại, kinh tế, quân sự, giáo dục… Hai nước đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực đó.

Hiện, Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ các bước cần thiết nhằm đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, trở thành đối tác chiến lược của nhau trong thời gian tới.

Về phần mình, Thống đốc Bang Neil Abercrombie nhấn mạnh, với vị trí địa lý nằm ở khu vực Thái Bình Dương rất gần châu Á, bang Hawaii có rất nhiều điểm tương đồng và có thể hòa quyện nhuần nhuyễn với nền văn hóa châu Á. Hawaii là bang tốt nhất giúp hài hòa quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực châu Á.

Hiện tại, Hawaii có khoảng 36.000 người Việt đang sinh sống tại đây, chiếm 3% dân số của bang. Thống đốc Abercrombie cho biết, ông rất hài lòng với những đóng góp của cộng đồng người Việt vào sự phát triển chung của bang.

Thống đốc Bang Hawaii cho biết, cộng đồng người Việt đã hòa nhập với cuộc sống ở đây một cách mẫu mực.

Cũng trong chuyến thăm này, đoàn công tác cũng đã gặp Phó Thống đốc bang Hawaii để khảo sát và tìm hiểu cơ sở hạ tầng, cùng các bước chuẩn bị của phía bạn cho Hội nghị APEC diễn ra vào tháng 11/2011./.

Minh Hiển (từ Hawaii )

----------------
Tải xuống từ nguồn này: http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/vovnews.vn/Quan-he-Viet-My-dang-o-giai-doan-tot-nhat/5858695.epi




Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Bài phỏng vấn xúc tích về quan hệ Việt - Mỹ và các mối quan hệ quốc tế khác

Bài phỏng vấn xúc tích về quan hệ Việt - Mỹ và các mối quan hệ quốc tế khác

Một nhà ngoại giao VN với một bài trả lời phỏng vấn có rất nhiều "thông tin" mà người đọc muốn biết lúc này. Và nhất là các câu trả lời đã không (hoặc là rất, rất ít) những sự né tránh đối với câu hỏi của phóng viên - lại phần lớn là các vấn đề "nóng" và có những điểm thuộc loại rất "nhạy cảm" trong các quan hệ quốc tế của VN hiện nay.


Tôi viết một câu quá ư dài dòng trên đây là cố ý tránh phải viết một bài gì đó thêm nữa. Vì xem ra có viết gì cũng có thể là thừa thãi. Tự bài phỏng vấn (tôi cóp lại "nguyên văn" ở phần dưới) cũng đủ để bạn đọc rút được một vài nhận xét riêng mà tôi tin cũng không thể trái ngược với nhận xét tôi nêu trên. Chủ quan mà nghĩ vậy, nếu như không đúng xin bạn đọc lượng thứ.

Tuy nhiên, trước khi bạn hữu trang Blog của tôi đọc trực tiếp vào bài phỏng vấn, tôi có vài lời như một sự dẫn chuyện: Là tại làm sao tôi post lên bài phỏng vấn ngoại giao này và có những nhận xét như trên?




Bởi có một thực tế - đúng là các nhà ngoại giao ta đang tại vị các nhiệm sở khắp thế giới, lâu nay một khi được/bị báo chí nước ngoài phỏng vấn – hầu hết người đọc đều cho rằng chuyện các vị nói dài nói ngắn không hẳn thành vấn đề gì lắm – mà cái đáng bàn, cái chưa/không được vui và hãnh diện với ngoại giao VN là các nhà ngoại giao của chúng ta thường vẫn trả lời theo một công thức có sẵn, đặc biệt là hay né tránh trước những câu hỏi, những vấn đề nhạy cảm mà truyền thông, báo chí nước ngoài họ đặt ra. Thì ngẫm mà xem, họ - những người làm báo ấy - tất cả đều làm việc và ăn lương tại các nước khác ta, thể chế chính trị khác ta thì làm sao mà họ đặt các câu hỏi dễ dàng, hiền lành, vô thưởng vô phạt được! Có mà bị trừ lương cúp thưởng, hoặc nặng hơn là sa thải chứ chơi à. Nên đa phần các yêu cầu phỏng vấn của báo chí nước ngoài đều thuộc vào loại "khá là xương xẩu", và nếu người được hỏi ít trui rèn để có đủ bản lĩnh thì cũng thật khó đối đáp với giới truyền thông ngoại quốc.



Về phía người trả lời, nhiều khi các vị nhà ta biết đấy, có thông tin hoặc có chính kiến riêng hẳn hoi đấy, và cũng biết là đúng đường lối chính sách nghiêm ngắn bài bản..., nhưng rồi hầu hết là cứ "tự bó mình", rụt rè hoặc ngại ngần trình bày các vấn đề rõ ràng mình biết mình hiểu nên nói, phải nói với truyền thông nước ngoài. Và khi đã làm vậy (tức các trả lời phỏng vấn mà khía cạnh quan trọng nhất là cung cấp thông tin, dữ kiện thì rất ít, lại tránh né các vấn đề nhạy cảm mà người đọc nước ngoài tò mò muốn biết...), thông thường những người trả lời sẽ viện đủ cả trăm ngàn lý lẽ và lý do - nhiều khi thật ra cũng chỉ tự đặt ra các lý do, các hàng rào ấy thôi - chứ cũng chẳng cấp trên nào “bắt buộc” phải như thế... Nhưng oái oăm là cái nếp nghĩ quen thuộc, cứ “chắc ăn” đi theo con đường "né" là an toàn nhất, giữ ghế chắc nhất mà làm. Thôi 3 năm một nhiệm kỳ, cứ đạt tiêu chuẩn "đừng sai" đối với các tiếp xúc, hoạt động, phát ngôn về đối ngoại là yên tâm kết thúc công việc, để "hồi cố quốc" trong mọi sự yên ồn.


Tuy nhiên phải thấy trong thời đại tràn ngập thông tin hiện nay, né tránh thật ra cũng không phải là cách khôn ngoan nữa. Mà tại sao chúng ta - nếu thấy mình đúng, mình chính nghĩa - lại không "chiếm đoạt" một công cụ quan trọng trong dư luận quốc tế như báo chí truyền thông nước ngoài để nói rõ các vấn đề của nước mình - ở mức cao hơn nữa là đấu tranh, phản công lại những luận điệu xuyên tạc bóp méo của các đối tượng có ý đồ xấu với đất nước và nhân dân chúng ta. Chủ động trong tuyên truyền đối ngoại chính là điểm mấu chốt này.


Cho nên với tôi, người cũng có nhiều chục năm gần gũi với các nhà ngoại giao, với ngành ngoại giao, thì có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy một vị Đại sứ của ta ăn nói với báo chí bên ngoài một cách rất chững chạc, đàng hoàng - nhất là không tránh né bất cứ một câu hỏi nào, dù đó là câu hỏi dạng “đá móc”. Người trong nghề báo gọi đó là loại câu hỏi “xóc óc” khó chịu, thế mà ông Phụng không có lần nào tránh né, ông Phụng vẫn cứ chẳng ngán ngại, trả lời liên tiếp các câu hỏi khó một cách rất điềm tĩnh. Và nếu tôi không chủ quan, các câu trả lời của ông Phụng đều thuộc loại khá sắc sảo và sắp xếp ý tứ lớp lang khôn khéo, khó có "đối tượng" (đối với ngoại giao của ta) bác bẻ hay bắt bẻ được. Còn nếu ác ý xuyên tạc đi - nếu thật sự nhà nước chúng ta cho rằng nắm chắc phần đúng đắn và chính nghĩa về phía mình - thì sự xuyên tạc kia nó lại là chuyện khác mất rồi. Và đương nhiên như vậy chúng ta có quyền "không chấp".


.... Chuyện trên tôi nói đến đây là trường hợp ông Lê Công Phụng, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước ta tại Hoa Kỳ vừa trả lời phỏng vấn của tờ báo Việt kiều ở vùng Cali nhân chuyến ông đến thăm San Diego (tờ Việt Weekly) . Với tôi, đây là một điều lạ và bất ngờ "đáng vui". Các câu hỏi và trả lời của ông Đại sứ ta đáp ứng cả loạt vấn đề quan hệ và hoạt động đối ngoại đang xảy ra giữa nước ta và nước Mỹ - đương nhiên vì ông Phụng làm việc tại đất nước này hơn 3 năm nay rồi - nhưng nó còn liên quan đến các mối quan hệ với các nước khác, với khu vực mà Việt Nam đang hằng ngày đối mặt.


Chỉ có điều đây có thể là những phát biểu gần như rơi vào những ngày tháng cuối cùng kết thúc nhiệm kỳ công cán của ông Đại sứ Phụng. Bởi tin từ trong nước, Nhà nước ta đã vừa cử xong một vị Đại sứ mới sang thay thế ông Lê Công Phụng mãn nhiệm.


Chả lẽ các Đại sứ ta ở nước ngoài chỉ thể hiện thật sự là mình khi nhiệm vụ của mình đã đạt tới 99% là hoàn thành - như cách nói trong ngành ngoại giao - tức cũng là cầm chắc hạ cánh an toàn rồi mới thể hiện ra ư? Đúng vậy thì buồn thật.


Nguyễn Vĩnh


--------------------


Lê Công Phụng Nói Tới Cách Mạng Hoa Nhài

(Đây là nguyên văn đầu đề. Thật ra các câu hỏi và trả lời thì còn đề cập đến rất nhiều các vấn đề khác, và trong đó rất nhiều thông tin, nhận xét, nhận định được công bố..., nhưng bài viết trên báo tôi trích họ đặt đầu đề cũng có tính "xóc óc" như thế... Tôi nghĩ mình trích ra thì không nên sửa chữa vào bản chính thức của báo người ta. Ngay với nội dung tờ báo Việt kiều trên đây công bố bài phỏng vấn (phần tiếng Việt đài RFA đăng lại), thì "mức độ chính xác ra sao so với các câu trả lời của Đại sứ ta", tôi cũng chưa có điều kiện kiểm tra, so sánh lại. Nên nếu có gì sai sót, không chính xác, tôi sẵn sàng cải chính khi được chỉ ra nguồn tin cậy).


Tue, 03/15/2011 - 00:58 (Thứ Ba, 15/3/2011)


Lời BLOG: Đây là cuộc phỏng vấn do ký giả Trần Nhật Phong, Việt Weekly phỏng vấn ông Lê Công Phụng, Đại sứ của nước CHXHCN Việt Nam trong chuyến viếng thăm thành phố San Diego . Nhận thấy cuộc phỏng vấn có những nội dung rất thời sự như Cách Mạng Hoa Nhài, Biển Đông, đảng Việt Tân, cảm tình tam giác Mỹ-Việt-Hoa rất là “giao lộ định mệnh” tràn đầy kịch tính…, blog của Trần Đông Đức xin giới thiệu đến độc giả bài phỏng vấn này với sự cho phép của Việt Weekly. Đây cũng là ấn bản điện tử đầu tiên vì Việt Weekly chỉ xuất bản bài này trên báo giấy ở Little Saigon - Quận Cam. Phần ở dưới đây là toàn bộ nguyên văn thực hiện phỏng vấn, xin mời các bạn xem nhé.

________________________________________



Việt Weekly phỏng vấn ông Đại sứ Lê Công Phụng về các vấn đề chính sách ngoại giao và quan tâm của cộng đồng Việt hải ngoại



LTS: Trong hai ngày đầu tuần qua, thứ Hai và thứ Ba, 28 tháng 2 và 1 tháng 3, 2011, phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, dẫn đầu là ông Đại sứ Lê Công Phụng đã đến thành phố San Diego để tổ chức diễn thuyết về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Trong dịp này, Việt Weekly có cơ hội tiếp xúc và trao đổi với ông Đại sứ về nhiều vấn đề liên quan tới chính sách ngoại giao và những quan tâm khác của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong hơn một giờ gặp gỡ, ông Đại sứ đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi nêu lên từ phía báo chí. Việt Weekly xin tường trình cuộc trao đổi.



Bài: TRẦN NHẬT PHONG

Việt Weekly (VW): Ông Đại sứ Lê Công Phụng đánh giá chuyến đi này và nhiệm kỳ của ông tại Hoa kỳ trong suốt thời gian vừa qua?


Ảnh bên: Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng.

Đại sứ Lê Công Phụng (LCP): Chuyến đi này, đây là lần đầu tiên tôi xuống, tôi cũng quá bận. San Diego quá đẹp. Mình không xuống đây là một thiệt thòi lớn. Xuống đây, tôi mới thấy là đúng với suy nghĩ của chúng tôi lâu nay, San Diego cũng như các nơi khác, chính quyền, nhân dân, giới doanh nghiệp, giáo dục, an ninh, tôi đều quí trọng tất cả. Trong trao đổi, trong làm việc, họ thể hiện tinh thần rất phù hợp với suy nghĩ của người Việt Nam .


Quan hệ Mỹ Việt trong quá khứ có những thăng trầm nhưng đến bây giờ là lúc hai bên phải cố gắng hết sức để thúc đẩy quan hệ đó. Tôi có gặp các trường đại học, có những bàn chuyện với các giáo sư, các lãnh đạo của các trường, gặp một số doanh nhân. Hai hôm nay, chúng tôi hoạt động liên tục.

Ngày Chủ Nhật, tôi cũng đã đánh golf với ông Ron Robert, Supervisor District 4, của San Diego . Vì mình là khách, ông mời, cho nên không thắng ông, đánh cho hòa. Thứ nhất là, thể hiện sự tôn trọng với chủ nhà. Thứ hai là, thể hiện tình hòa khí giữa Mỹ với Việt Nam .

Phải nói là chuyến đi này thành công. Tình cảm của người Mỹ đối với người Việt Nam được đánh giá rất cao. Đất nước với con người Việt Nam được đánh giá rất cao về vị trí hiện nay trong mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Mỹ.

VW: Trong suốt nhiệm kỳ ở Hoa kỳ, ông đánh giá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tiến tới mức độ nào?

LCP: Hôm qua, tôi có trao đổi với ông Thị trưởng Jerry Sanders. Cuối cùng, ông đã trao cho tôi chìa khóa vàng của thành phố San Diego . Ông nói rằng, với chìa khóa này tôi có thể mở cửa bất kỳ cánh cửa nào của San Diego để vào. Tôi cũng đề nghị với ông là, quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ đang lúc tốt, quan hệ giữa Việt Nam với California đang lúc tốt, và muốn đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các địa phương miền Nam với thành phố San Diego, một trong những thành phố đẹp nhất của Mỹ. Tôi muốn ông ấy thúc đẩy việc kết nghĩa giữa thành phố San Diego với một, hai thành phố ở Việt Nam. Đấy là bước đầu. Ông ấy đã cam kết với tôi là sẽ thúc đẩy văn phòng làm việc này. Chúng tôi cũng đã ghi nhận mối quan hệ thành phố kết nghĩa. Tôi đã nêu tên một số thành phố để ông tự chọn. Ông nói rằng, trong thời điểm bây giờ với tầm quan hệ của Việt Nam , lẽ ra việc này ông đã làm từ lâu, nhưng bây giờ làm cũng hơi muộn, nhưng ông sẽ làm.

Về công tác của tôi ở đây và mối quan hệ Mỹ, thời gian ba năm qua, tôi có may mắn sống trong không khí quan hệ Việt Mỹ rất là thuận lợi. Sự nỗ lực của chính quyền Mỹ, các lãnh đạo Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam, chính phủ Việt Nam và nhiệt tình của nhân dân hai nước, giới doanh nghiệp, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã vượt qua khuôn khổ bình thường.

Bao lâu nay, việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước từ năm 1995, sau 15 năm, bây giờ là 16 năm, sự hợp tác trên nhiều lãnh vực rất có hiệu quả như kinh tế, thương mại rất tốt. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam . Việt Nam có buôn bán với 87 nước khu vực và lãnh thổ. Kinh ngạch buôn bán của Việt Nam với một số nước rất là lớn. Với Trung quốc là 25 tỉ, Nhật là 20 tỉ, Hàn quốc cũng vậy. Với Mỹ chỉ mới hơn 18 tỉ. Con số đó đã tăng so với năm ngoái, 2009, là 19%. Quan trọng nhất là, trong kinh ngạch dù lớn dù bé, giá trị Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là lớn nhất. Đối với các khu vực và quốc gia khác, Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu.

VW: Nước Mỹ rộng lớn với 50 tiểu bang. Ngạch xuất khẩu hay nhập khẩu từ Hoa kỳ sang Việt Nam , hay từ Việt Nam sang Hoa kỳ, California là cửa khẩu chính chiếm tầm quan trọng. Trong những năm kế tiếp, Việt Nam có kế sách nào để triển khai và phát triển thêm về xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ California hay không?

LCP: Phục vụ về phát triển kinh tế phải làm hết sức mình để làm cho nền kinh tế đi lên một cách bền vững. Xuất khẩu là một trong những nhân tố giúp cho kinh tế phát triển nhanh. Nhưng mà, nếu chỉ dựa vào xuất nhập khẩu, kinh tế phát triển không ổn định. Thị trường Việt Nam là thị trường lớn, 96-98 triệu dân (có thể viết lại sai: số liệu công bố 86, 87 triệu thôi - NV) . Đi cùng với xuất khẩu và nhập khẩu, phải tăng cường sức mua của thị trường nội địa. Muốn được như vậy, phải từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, cách nhìn nhận về phát triển kinh tế. Thực ra, Việt Nam đang lần mò tìm phương cách tốt nhất.

Đối với Mỹ, xuất khẩu hiện nay là rất tốt. Trong mấy năm liền đều tăng về ngạch xuất khẩu và đang cố tăng số nhập khẩu của Mỹ. Về nhập khẩu, năm 2010 so với năm 2009 đã tăng 23%. Không có ý định cân bằng xuất nhập khẩu vì do nhu cầu của thị trường, nhưng quan trọng là, với đà xuất khẩu với Mỹ qua cửa khẩu California , Việt Nam cần phải lên phương án làm cho hàng xuất khẩu mang tính thương mại hơn, nhiều hơn. Không chỉ sang Tây, mà phải sang Đông, có thể thêm hai ngày nữa đi sang kênh đào Panama đến Houston , Texas . Chỉ tập trung vào Tây, lâu nay là tốt, nhưng chưa đủ, cần phải làm thêm. Và phải lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam để sản xuất và xuất trở lại Mỹ. Phải tăng cường khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ đầu tư. Đây là lợi ích cho cả hai bên.


Ông Lê Công Phụng (bên trái) đang trả lời phỏng vấn

Với thuận lợi trong hợp tác kinh tế, đầu tư, buôn bán, là chỗ dựa cho phát triển quan hệ các lĩnh vực khác. Quan hệ Việt Nam – Mỹ bây giờ phát triển đến tầm mức cao hơn mức lâu nay chúng ta suy nghĩ. Chúng tôi đang cùng với phía Mỹ nâng cấp quan hệ này. Hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ thành đối tác chiến lược chứ không phải hợp tác về việc này.


VW: Ông vừa khuyến khích doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam mở công ty sản xuất. Một trong những trở ngại khiến cho doanh nghiệp Mỹ chưa đầu tư vào Việt Nam nhiều vì họ cho rằng Việt Nam chưa có đủ biện pháp ngăn chặn nạn vi phạm tác quyền. Oâng nhận xét về vấn đề này thế nào?

LCP: Có ý kiến đấy nhưng rất là ít, phải nói là rất là ít. Thực ra, ý kiến đó là do một số người chưa nắm rõ thông tin. Trọng tâm hiện nay hai bên cần bàn với nhau là thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế. Về bản quyền của Việt Nam đã được Mỹ xác nhận đã rất tiến bộ trong thời gian qua. Cho đến bây giờ, trên 90% tập đoàn công ty đầu tư vào Việt Nam đều thuận lợi. Hãn hữu có công ty chưa thuận lợi. Nhưng cũng phải nói rõ cho họ biết là Việt Nam phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Không giấu khó khăn của mình, vì họ làm họ biết, mà mình phải trong sáng, khi họ làm ăn, hợp tác mới thoải mái được.

Chúng tôi nói rõ rằng, Việt Nam khó nhất ở điểm hạ tầng cơ sở, đường sá, bến cảng, sân bay. Khó nhất về kinh nghiệm và cách thức quản trị, đang học chưa giỏi như người ta. Công ty thua lỗ do quản lý kém. Thủ tục đôi khi phức tạp, rườm rà, mất thời gian, mất tính cạnh tranh của các tập đoàn. Bản thân họ cũng biết những khiếm khuyết như vậy. Lớn hơn nữa là lực lượng lao động. Tay chân khéo, cần cù nhưng để có được lực lượng lao động được huấn luyện, đào tạo phục vụ khoa học công nghệ mới, phục vụ dự án công nghệ cao, Việt Nam còn thiếu nhiều. Cho nên, chúng tôi đã khuyến khích họ đầu tư và hợp tác để có đội ngũ lao động được đào tạo tốt. Hai bên sẽ có lợi. Cứ nói là Việt Nam có lao động rẻ. Lao động rẻ là một chuyện. Nhưng phải cần có đào tạo, phải biết máy móc, kỹ thuật. Tay chân khéo léo là một chuyện nhưng phải có cái đầu. Không giấu cái dốt, không giấu yếu kém, có giấu cũng không được. Đó là những khiếm khuyết cần được khắc phục và cần được hợp tác để khắc phục, như thế sẽ làm ăn được lâu dài với nhau.

VW: Theo đánh giá của ông, sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang tiến triển rất tốt về kinh tế, văn hóa cũng như chính trị, về lãnh vực quân sự có những bước hợp tác nào đáng được ghi nhận?

LCP: Trong mối xác lập quan hệ, đối tác toàn diện giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, như bà Ngoại trưởng Hillary Clinton từng nêu lên tầm quan trọng giữa đôi bên, và chúng ta nhất trí phải làm. Mối quan hệ giữa hai nước sau 15 năm, không thể bó gọn trong một lãnh vực nào, vì hai nước đều có nhu cầu, và xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau. Đến mức mà hai nước có thể đẩy lên một mức hợp tác mới. Về quân sự, Việt Nam đã có sự hợp tác với Hoa Kỳ khá chặt chẽ. Tôi có thể nói như vậy.
VW: Trong năm 2010, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có hai chuyến đi Việt Nam , điều này cho thấy mối quan tâm và hợp tác giữa Hoa Kỳ là Việt Nam rất tốt. Được biết ông Đại sứ cũng là một chuyên viên nghiên cứu về vấn đề Biển Đông liên quan đến Trung Quốc, trong thế đứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông có thể cho biết ý kiến về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc?

LCP: Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai siêu cường. Sự cạnh tranh giữa hai siêu cường đối với khu vực là chuyện tất yếu. Với vị trí chiến lược của Việt Nam nằm ở giữa trung tâm Đông Nam Á, tôi cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đánh giá Việt Nam rất cao. Hoa Kỳ đang thực hiện chủ trương quay trở lại Đông Nam Á, còn Trung Quốc đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á, cả hai xu hướng này đều có nhu cầu quan hệ tốt với Việt Nam.
Việt Nam là một nước nhỏ, nên phải hết sức khéo léo. Việt Nam phải sống với Trung Quốc với bất kỳ tình hình nào xảy ra, cốt lõi là phải giữ được an ninh và lợi ích của dân tộc và trọn vẹn biên giới lãnh thổ Việt Nam .

VW: Ông cho biết thêm Việt Nam làm thế nào để hóa giải tình hình chính trị giữa gọng kềm của hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc?

LCP: Như tôi đã nói, Việt Nam đã sống cạnh bạn láng giềng Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Vậy thì, Việt Nam cũng sẽ biết cách làm thế nào để hàng nghìn năm tới, để giữ mối giao hảo này. Trong ngoại giao, Việt Nam cũng cần nguyên tắc để bảo vệ lợi ích của dân tộc.

Hoa Kỳ có nhu cầu đối tác chiến lược với Việt Nam , nhưng chúng ta cũng không thể đi với Hoa Kỳ để đối đầu với Trung Quốc, và cũng không chiều theo Trung Quốc để đối chọi với Hoa Kỳ. Những nước lớn có nhu cầu với nhau, và Việt Nam cũng không làm xiếc trong mối quan hệ. Việt Nam cũng không leo giây để giữ thăng bằng, mà chỉ giữ những gì thuộc về chúng ta. Việt Nam muốn hợp tác với nước này, nhưng không làm hại, đối đầu với nước khác.





Bà Hillary Clinton nói rất mạnh về vấn đề Biển Đông, phía Trung Quốc lúc đầu gay gắt, sau dịu lại. Nói như thế là hết cỡ rồi. Việt Nam nhất trí với Hoa Kỳ là, Biển Đông là bờ biển chung, không chỉ với các nước có liên quan, mà còn liên quan đến với các nước trên thế giới, vì đây là đường hàng hải các nước đi qua.


Trong vấn đề Biển Đông, có ba chuyện phải tách biệt: 1) Tự do hàng hải, bảo vệ an ninh cho Biển Đông và được cả thế giới quan tâm; 2) Các hoạt động trong vùng biển này phải theo Công pháp quốc tế, không thể đi ngược lại Công pháp quốc tế. Không thể ỷ vào nước lớn mà áp đặt lên nước bé, nước yếu một cách tùy tiện. Ví dụ phía Trung Quốc yêu cầu về đường Lưỡi Bò chín khúc, phía Hoa Kỳ phản đối và thế giới không ủng hộ ý kiến của Hoa Kỳ, và các nước có liên quan chống lại Trung Quốc; 3) Là chuyện tranh chấp lãnh thổ. Vấn đề này phải để các nước tranh chấp giải quyết với nhau, chứ không lôi nước khác vào xử lý được.

Việt Nam không thể kéo Hoa Kỳ vào giành phần hơn trong vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ có 5 quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai , Brunei và Việt Nam . Trong đó, Trung Quốc và Đài Loan là một phe. Các quốc gia này phải cùng nhau xử lý vấn đề.

Vấn đề Biển Đông liên quan đến hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Việt Nam khẳng định hai hòn đảo này là của Việt Nam . Ông cha ta đã quản lý, cho dù Trung Quốc có chiếm lấy, Việt Nam vẫn đòi. Bây giờ Trung Quốc mạnh, chúng ta chưa đòi được, sau này con cháu chúng ta đòi. Phải đòi cho bằng được, không bỏ. Vấn đề Biển Đông là như vậy, có ba vấn đề tách biệt. Việt Nam không thể dựa vào anh này để chống lại anh khác. Nếu chẳng may, có chuyện xung đột xảy ra, Hoa Kỳ cũng không thể đứng về phía Việt Nam để nổ súng bắn Trung Quốc.

VW: Theo phần trình bày vừa rồi của ông, Việt Nam đang đóng vai trò "cây cầu" cho nhiều hướng trong khu vực, từ Trung Quốc tới các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, cũng như "cây cầu" giữa hai thế lực Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam mong muốn đóng vai trò này?
LCP: Cục diện thế giới bây giờ khác rất xa. Không phân biệt rõ ràng bạn và thù, không có ranh giới rõ ràng giữa bạn và thù hiện nay. Việt Nam hợp tác với Mỹ, chia sẻ quan diểm với Mỹ ở những vấn đề mà lợi ích trùng hợp với Mỹ, và đấu tranh với Mỹ về thái độ và việc làm của Mỹ đi ngược lại với Việt Nam. Đối với Trung Quốc cũng vậy, Việt Nam hợp tác làm ăn vì biên giới hai nước sát gần nhau và hai bên cùng có lợi. những gì mà Trung Quốc đi ngược lại quyền lợi của Việt Nam , Việt Nam chiến đấu tới cùng, đấu tranh tới cùng.

VW: Trong thời gian vừa qua có nhiều đánh giá cho rằng, phía Việt Nam mềm dẻo với Trung Quốc hơn là đối với Hoa Kỳ?

LCP: Hoa Kỳ xa, Trung Quốc gần. Ông cha chúng ta ngày xưa sau khi đánh bại Trung Quốc, thả tướng trải thảm đỏ cho về. Nguyên tắc lớn của Việt Nam là phải sống hòa thuận với Trung Quốc. Anh tấn công tôi, tôi đánh anh, anh thua, tôi cũng tha, trải thảm đưa các anh về, cung cấp nước, lương thực, xe ngựa cho các anh. Đối với Trung Quốc, thật ra không chỉ là bạn bè ở ngoài nước, mà ngay cả bà con ở trong nước cũng có những bức xúc, nói thế này, nói thế kia, bảo tại sao không làm cái này, không làm cái kia. Nhưng tính cho cặn kẽ, cảm xúc, có thể xử lý được tình cảm của người Việt Nam, lòng yêu nước của người Việt Nam, và cảm xúc đôi khi không thể giải quyết được những vấn đề gai góc. Nhưng mà làm sao để sống cho hòa thuận, cũng khó. Hiện nay quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là tốt, hợp tác rất tốt. Còn Việt Nam kinh tế hơi yếu một chút, vì Trung Quốc lên quá nhanh. Việt Nam cũng có một chút thiệt thòi, nhưng mà trên cơ bản là quan hệ tốt. Việt Nam chỉ còn vướng với Trung Quốc là vấn đề biên giới và Biển Đông, chỉ có mỗi chuyện đấy thôi, làm sao xử lý cho tốt lành, đừng vì một chuyện mà làm đổ vỡ các mối quan hệ và làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị của Việt Nam.

VW: Là chuyên gia đàm phán trong hiệp ước biên giới 2008 giữa Trung Quốc và Việt Nam , ông cho biết thêm chi tiết về sự kiện này?

LCP: Việt Nam và Trung Quốc ở sát cạnh nhau, đường biên giới của hai nước kéo dài từ đất liền ra tới biển đông. Đương nhiên trong lúc thương thuyết, đôi bên vẫn có nhiều điều gay gắt. Tuy nhiên kết quả đạt được về đất liền xem như đã xong. Theo đó, Việt Nam cũng dựa trên nhiều yếu tố lịch sử, nền văn hóa khu vực để thương thuyết với phía Trung Quốc. Ngược lại, họ cũng đưa ra những lý luận của họ, ví dụ như Ải Nam Quan. Nếu biên giới Việt Nam giáp với Trung Quốc, là phía bắc của lãnh thổ, phải nên gọi là Ải Bắc Quan chứ sao gọi là Nam Quan, đại khái như vậy. Rồi những đường trũng giữa các dãy núi, trước đây cũng là con sông nhưng bây giờ con sông bị cạn, phía họ cũng không vừa, họ đắp đất cao lên bên phía kia khiến cho dòng nước tràn qua bờ phía mình, lâu ngày rồi, phần trũng lại lấn về phía mình. Có rất nhiều những điều phải nói rõ ra để đôi bên thảo luận, đấy chỉ là những vấn đề trong nhiều vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước.

VW: Vậy còn thác Bản Giốc?

LCP: Chúng tôi cũng biết được có nhiều thông tin về vụ này. Người nói mất, kẻ nói còn và có nhiều tài liệu được đưa ra để minh chứng cho đôi bên. Như tôi đã nói, phần trũng có vấn để của nó, phần cao cũng có vấn đề. Ví dụ như khi mưa xuống, chỗ cao nhất, nước mưa tẽ làm hai, nơi đó sẽ là biên giới giữa đôi bên. Thác Bản Giốc có vị trí như vậy, phải phân định lại, không thể chỗ nào trũng mới dễ phân biệt. Thật ra, cuối cùng thác Bản Giốc, mỗi bên lại được một phần, riêng phần phía Việt Nam lại có thêm thác phụ ở kế bên. Không những Việt Nam có lợi về phía đất liền, mà ngay cả trên biển cũng có lợi, đó là vì Vịnh Bắc Bộ. Theo địa hình, nó bẻ ra, còn phía Trung Quốc lại cong vào. Do vậy, Việt Nam lại nhiều hơn so với Trung Quốc.

VW: Trong ba năm qua, giữ chức đại sứ Việt Nam tại Washington DC, nơi có nhiều người Việt sinh sống, ông có tiếp xúc với họ hay không và ghi nhận của ông như thế nào?

LCP: Ba năm làm việc ở đây, tôi có may mắn phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, phục vụ bà con và phục vụ cho sự phát triển của mối quan hệ Việt-Mỹ, tôi rất hài lòng nhưng chưa thỏa mãn vì còn rất nhiều việc phải làm, tôi muốn làm nhưng chưa có thời gian để làm. Tuy thường trú tại Washington DC, nhưng tôi cũng đã đi khắp nơi để làm việc với các địa phương lẫn chính quyền, như xuống đây San Diego, tôi làm việc với ông thị trưởng, làm việc với các doanh nghiệp hay đi các tiểu bang khác cũng vậy, gặp gỡ với bà con.

Tôi có một điều cảm nhận là cần phải tiếp tục làm thêm. Cơ bản, bà con có suy nghĩ rất khác nhau. Ngay khi xuống đây, tôi cũng biết là một số bà con nghe nói tôi xuống đây cũng đến biểu tình phản đối. Hôm qua, cũng gặp bà con, tôi đi cửa chính bà con lại tưởng tôi đi cửa sau, nên đứng ở cửa sau. Lúc ở viện bảo tàng, gặp được 3, 4 anh em đứng ở cửa sau cũng nói này nói khác. Nhưng phải nói rằng, chính sách ở trong nước đang hướng về bà con, đất nước chúng ta mạnh hơn 10 năm trước, năm nay mạnh hơn năm ngoái. Tuy đất nước mình còn nhiều khó khăn, tuy còn nhiều vấn đề, những vấn đề trong nước còn bàn cãi với nhau, không riêng gì bà con bàn cãi với chúng tôi, trong nước cũng bàn cãi nhau, thế nhưng đất nước được người ta đánh giá thật cao. Nếu như quan hệ Việt-Mỹ là đối tác chiến lược, toàn bộ các nước đồng minh của Mỹ phải kính nể vai trò của Việt Nam , người dân Việt cũng hài lòng. Nếu quan hệ Việt-Mỹ tốt, tôi chắc rằng bà con người Mỹ gốc Việt cũng không chống đối quyết liệt chính quyền Mỹ thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam, nó có nhiều tác động. Nhưng quan trọng là, bà con là con dân nước Việt, dù là quốc tịch này hay quốc tịch khác, dù là 2 quốc tịch hay dù là thẻ xanh, nhưng phải thật lòng nói với các bạn, đất nước và đồng bào trong nước lúc nào cũng ý thức trách nhiệm rằng, dù là con cháu của mình sống ở đâu kể cả những anh em đang nói to lắm, đôi khi mình không dùng chữ chưởi bới, nhưng bộc lộ suy nghĩ của to lắm, ồn ào lắm, nhưng mà gốc của người Việt, nhân cách của người Việt Nam là con dại cái mang, nếu bà con có sai lầm chỗ này chỗ khác, cá nhân có sai lầm, đất nước cũng trăn trở, đồng bào trong nước cũng trăn trở. Tôi nghĩ rằng, với đà như thế này, đất nước mạnh lên, phát triển lên, vai trò và vị trí có trọng lượng, như năm ngoái Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN quá đẹp. Trong ASEAN thành công như vậy, bà con bên ngoài, dù rằng anh này có chống tôi, nhưng mà nhìn thấy hình ảnh đất nước Việt Nam họ cũng có một chút sung sướng, không nói ra thôi, rất là phấn khởi vì thấy đất nước tốt lành, đến lúc nào đấy bà con nên suy nghĩ lại.

Hôm qua tôi rất cảm động. Trong khi làm việc, có một cháu học sinh sinh ra ở Quận Cam, làm thiện nguyện ở Việt Nam và ở đây, nhưng nói tiếng Việt rất giỏi. Bố mẹ ở đây và trưởng thành ở đây, đã hỏi một điều rằng, các bạn của cháu và một số chú bác vẫn hay nói xấu Việt Nam mình, bác khuyên cháu nói chuyện với họ thế nào để họ thay đổi cách nhìn. Cháu nói như vậy tôi mới biết rằng, có thể còn vài bà con còn trăn trở về những mất mát và không quên được chuyện cũ cho nên vẫn còn gay gắt lắm. Đất nước không mặc cảm về chuyện đấy, lãnh đạo cũng không mặc cảm về chuyện đấy, bà con chưởi bới gay gắt cũng được nhưng muốn về Việt Nam cứ về, miễn là về tới đừng có phá phách thôi. Người nước nào về đấy phá phách cũng bị luật pháp xử lý. Ngoài ra, muốn về quê của mình, về đất tổ của mình, cứ về.

VW: Gần đây, xảy ra những cuộc cách mạng tại Tunisia, Ai Cập, Lybia, nhiều đảng phái chính trị của người Việt hải ngoại như đảng Việt Tân, đều muốn thúc đẩy truyền đạt các thông tin đó đến Việt Nam cũng như muốn tạo những sự kiện tương tự như vậy ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào và phương cách tốt đẹp nhất để giải quyết?

LCP: Trưa nay tôi dùng cơm ở trường đại học quốc gia ở San Diego , ông giám đốc Paul Wong là người gốc Hoa, người Hong Kong , ngồi sát tôi. Ông là chủ còn tôi là khách. Ông có nói chuyện tôi và sau khi nói chuyện xong, ông nói rằng, suy nghĩ của ông cũng giống hệt của tôi. Ông nói rằng, ngày xưa ông ghét Trung Cộng ghê gớm, ghét Trung Hoa Đại Lục, vì đối với ông như là bát nước đổ đi. Bây giờ, ông vào Trung Quốc có thể đi bất bất kỳ chỗ nào, và các vị quan chức Trung Quốc đều sẵn sàng tiếp đón ông và làm việc rất tốt. Khi tôi hỏi ông, ông nói cứ suy gẫm theo người Việt gốc Hoa, ông ông biết, khi mà Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc, Đài Loan rút ra. Trung Quốc gia nhập làm ủy viên thường trực của hội đồng bảo an, hàng vạn người Trung Quốc đều chống Trung Hoa Đại Lục. Nhưng đến bây giờ, quan hệ Mỹ-Trung như vậy, mạnh như vậy, uy thế mạnh như vậy, những người không thích Trung Hoa Đại Lục cũng không chống Trung Hoa Đại Lục.

Câu hỏi của anh về tình hình Trung Đông, nếu để ý tin tức sẽ thấy là Việt Nam không ngăn chặn tin tức về tình hình Trung Đông, khác với Trung Quốc, khác với một số nước. BBC cũng phải khẳng định, trên internet, tất cả các thông tin về những cuộc biểu tình, cuộc cách mạng Hoa Nhài của Trung Đông, Việt Nam không hề ngăn cấm, không ngại.

Riêng với đảng Việt Tân, các anh ấy đã đưa ba đợt đông tiến vào Việt Nam rồi. Ngày xưa, chế độ cũ cùng với 50 vạn quân Mỹ cũng có làm gì nổi nhân dân Việt Nam đâu. Bây giờ, mấy vụ cỏn con thế này làm sao được. Quan trọng nhất là người Việt Nam có lòng yêu nước rất cao, những người la lớn nói to này, lòng yêu nước của họ cũng rất cao, vì người ta không hiểu nên người ta chưởi bới. Nhưng anh nào đụng Việt Nam xem sẽ không được với họ. Đụng đến đất nước Việt Nam , dân tộc Việt Nam sẽ không xong với họ. Tinh thần cách mạng lớn và tinh thần yêu nước lớn lắm. Tôi có gặp một số đề đốc hải quân, một số tướng tá hải quân trong chế độ cũ, ăn cơm nói chuyện, các bác ấy già hết rồi, nhưng họ nói nếu bây giờ huy động đánh với Trung Quốc ở Trường Sa, hay đánh chiếm lại Hoàng Sa, họ sẵn sàng xung phong trở về nếu chính phủ Việt Nam cho phép. Tôi nghe xong đã nói rằng, đất nước ghi nhận tấm lòng của bác, nhưng bác cũng lớn tuổi rồi không chạy nổi đâu vì thuyền lớn sóng to, bác cứ ngồi đấy ủng hộ chúng tôi, chúng ta tìm cách bảo vệ lãnh thổ.

Trung Đông khác. Trung Đông gia đình trị nhiều, tham nhũng ghê gớm lắm. Đất nước mình 20, 30 năm đổi mới, kinh tế đang lên, tuy chưa giàu nhưng tạm đủ ăn. Đôi khi tôi thấy ở Hà Nội còn xài sang hơn ở đây, tôi cũng chịu. Tôi cũng thường nói chuyện với anh em, có hai chuyện không cần kêu gọi cũng thống nhất. Một là xâm lăng, bất kỳ anh là ai cũng liều chết với xâm lược. Thứ hai là chuyện rất vui nhưng mà có thật là đá bóng. Nếu đội tuyển quốc gia Việt Nam tham gia là màu cờ sắc áo. Nếu mà Việt Nam thắng, phá loạn cả Hà Nội lên, xe gắn máy chạy lung tung. Nếu Việt Nam thua, giống như một đám tang. Có cần tuyên truyền vận động gì đâu, đó là lòng yêu nước, ý thức dân tộc nằm trong tâm trí, tâm thức của người Việt Nam .

Đúng là có rất nhiều tổ chức hoạt động chống xã hội, chính quyền Việt Nam . So với xã hội Mỹ, chính quyền Mỹ, Việt Nam còn quá trẻ, dân tộc già hơn dân tộc Mỹ rất nhiều, nhưng chính quyền mới bắt đầu từ năm 1945, mới chỉ có tạm gọi là chính quyền, đến sau chiến tranh năm 1975, chính quyền mới được củng cố, tức là mới hơn 30 năm, quá trẻ. Vẫn còn nhiều thế lực, vẫn còn những anh em chống phá, những người chưa hài lòng với chế độ này. Cho nên, không nên so sánh thoải mái giống như chính quyền Mỹ. Mỹ nói chuyện gì cũng được, chưởi bới chuyện gì cũng được, nhưng phải hiểu chính quyền của họ là 317 năm, hơn 300 năm, còn mình chỉ hơn 30 năm. Dân tộc mình tuy nói rằng có lịch sử 4,000 năm, Mỹ lập quốc hơn 300 năm, nhưng 300 năm đó chính quyền Mỹ vẫn hiện hữu. Chúng ta không có, suốt ngày cứ đánh nhau, nhưng đâu có phải chúng ta muốn đánh. Người ta đến đánh mình, mình phải đánh. Phong kiến Tàu đánh, Pháp đánh, Nhật đánh rồi người Mỹ đánh, không lẽ chúng ta ngồi yên. Người ta cứ nghĩ là Việt Nam hiếu chiến, nhưng thật ra người ta đem chiến tranh đến, còn mình chỉ gìn giữ độc lập thôi. Việt Nam không giống những nơi khác. Chính quyền còn đang học. Việt Nam chưa có trường đào tạo quản lý hành chánh. Thoát khỏi chiến tranh lo cái ăn cái mặc đã mất một thời gian dài. Mãi đến năm 80 vẫn sai lầm về cách làm ăn khiến dân đói, khi mở cửa ra dân no. Đang lo chuyện cơm áo gạo tiền trước đã, cho dân no, dân đi học, giữ gìn độc lập, bảo vệ an ninh tổ quốc. Ngay cách quản lý đâu có giỏi, đâu có những chương trình như là Young Leadership, đâu có thời gian mà đào tạo. Mới có vài ba chục năm. Bây giờ có ý kiến này, có ý kiến khác, Việt Nam không giống những xã hội khác. Tôi làm việc với phía Mỹ người ta cũng có ý kiến về dân chủ, nhân quyền, tôi nói là các ông đã được 300 năm đến bây giờ các ông mới được như thế này. Nên nhớ rằng, năm 1945 ở đây phụ nữ Mỹ vẫn chưa được đi bầu, và đến giữa thập niên 50 nhiều quán ăn của các ông vẫn đề "cấm chó và người da đen." Lịch sử của các ông hơn 300 năm lập quốc đến khoảng đấy là cũng 250 năm rồi vẫn còn như thế. Cho nên, dân chủ, nhân quyền còn tùy thuộc vào trình độ phát triển, văn hóa của từng quốc gia, từng dân tộc. Và dân chủ cũng phải bàn thêm. Giải phóng đất nước đem lại lợi ích độc lập cho nhân dân, trước đây con người Việt Nam bị trói buộc trong nô lệ, chủ bảo chết là chết, bảo không chết là không chết. Nhưng khi mình có độc lập rồi, cả dân có nền độc lập, làm dân của một nước độc lập khác lắm, đấy chính là nền dân chủ, nhân quyền của đất nước Việt Nam . Giành độc lập, giữ độc lập, sau chiến tranh bà con có thể đoàn tụ gia đình với nhau, bố mẹ, vợ chồng đoàn tụ với nhau, đấy chính là dân chủ nhân quyền, cao lắm anh ạ. Người ta vẫn không hiểu điều này, do đó vẫn còn những thế lực chống phá. Tuy nhiên, chúng ta không như ông Lý Quang Diệu nói, ông khuyên là một đất nước đang phát triển giống Singapore từ năm 56 cho đến giữa thập niên 60, là phải độc tài. Tuy nhận rất nhiều lời khuyên của ông ấy về mô hình kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế, nhưng Việt Nam không thể chấp nhận lời khuyên là phải độc tài để phát triển đất nước, không thể độc tài được.

VW: Có nhận định cho rằng, Việt Nam có chiều hướng đang lên, từ những thành công liên tục như tổ chức APEC, hoa hậu thế giới, gia nhập WTO, gia nhập thành viên không thường trực của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, đoạt giải vô địch bóng tròn khu vực Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam có những dự tính triển khai tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế?

LCP: Vận nước đúng là đang lên, có nhiều cơ hội làm cho vận nó thăng tiến, có những chính sách rất rõ ràng cho đến năm 2015 hay 2020 trở thành một nước công nghiệp phát triển. Đường lối chính sách đã có, bây giờ tùy thuộc vào việc thực hiện đường lối ấy.

Trước hết là sự chỉ đạo, triển khai đường lối chính sách. Lãnh đạo và đất nước rất trăn trở, đội ngũ lãnh đạo mới, tất nhiên là cũng có những lãnh đạo cũ, họ cũng đang đau đầu là đã đến mức này rồi, sắp tới phải làm gì cho nó xứng tầm. Thứ hai là, đường lối là như vậy, nhưng mà muốn phát triển được là phải do dân chứ không do lãnh đạo. Lãnh đạo chỉ là người lo, dân mới là người làm. Dân trong nước, dân 4 chiều, dân ngoài nước, vì vậy chính phủ phải làm thế nào để người dân không phật lòng mà không thực hiện đường lối do chính phủ đề ra. Lãnh đạo phải biết rõ nguyện vọng của dân, biết cách tổ chức dân, biết huy động dân và phải biết tập hợp lại, mới làm được. Chả có ông thánh tướng nào ngồi một mình hay một nhóm người có thể đưa đất nước lên, mà là do dân đưa.

Riêng bà con nước ngoài được đánh giá rất cao tình cảm, lòng yêu nước và tiềm năng. Nhưng nhìn quanh, bà con không giàu như cộng đồng khác, vì bà con ở Mỹ là rất mới. Thật ra, người nhập cư đầu tiên vào nước Mỹ là ông Hồ Chí Minh chứ không phải bà con đâu. Ông nhập cư từ lúc trên đường đi Pháp, ông ở Boston làm bánh mì trên đấy. Bây giờ căn nhà vẫn giữ lại chỗ ông làm ở đấy. Nhưng bây giờ phải làm thế nào quy tập được bà con trong nước cũng như ngoài nước, lãnh đạo mới mong thực hiện được chính sách đưa ra. Riêng đối với bà con bên ngoài, đất nước mong bà con có tiền đầu tư vào, thấy có lãi đầu tư, thấy không có lãi đừng đầu tư. Cũng có một số bà con nói rằng, đưa tiền về bị lừa, nhưng không phải nhà nước lừa. Lúc mà bà con gởi tiền về đầu tư, toàn là cho anh em, bà con trong nhà, họ xoay qua xoay lại, cờ bạc đánh đề mất hết tiền khiến bà con trắng tay rồi quay sang nói rằng nước làm như thế. Bà con đầu tư về, rất quí, nhưng chúng tôi không hiểu tại sao bà con cứ đổ cho nhà nước lừa. Trong khi tiền đầu tư của bà con phần là tin người thân mà giao phó.

Hiện nay, đang có 500 dự án do bà con đầu tư về, có cái vài chục ngàn, có cái vài chục triệu đô. Như là Trần Group ở Baltimore sắp đầu tư thêm tại Việt Nam, họ đã đầu tư tại Đà Nẵng, bây giờ sắp vào Phú Quốc đầu tư với vốn là khoảng 200 đến 300 triệu đô. Những đóng góp của bà con, đầu tư của bà con là một điều rất quí. Nhưng phải thấy rõ là, nhân dân trong nước, chính phủ trong nước không ép bà con đầu tư, và nhân dân cũng như chính phủ trong nước cũng ý thức rõ là xây dựng đất nước Việt Nam, bảo vệ đất nước Việt Nam, bảo vệ 85 triệu người là trách nhiệm. Bà con nên thúc đẩy để đất nước mình đẹp hơn, nổi tiếng hơn, tưng xứng hơn.

VW: Câu hỏi cuối cùng. Ông cho biết sau khi mãn nhiệm kỳ đại sứ, ông sẽ tiếp tục phục vụ trong các chức vị khác hay sẽ về hưu?

LCP: Theo luật, trên 60 tuổi là phải về hưu. Tôi năm nay đã gần 65 tuổi, đáng lý phải về hưu gần 5 năm trước. Theo dự tính, tôi sẽ về hưu. Tuy nhiên, nếu chính phủ hoặc cơ quan, hoặc bộ ngoại giao có nhu cầu, tôi cũng sẵn sàng đóng góp. Tôi cũng có một số dự kiến cá nhân vì tôi đã làm trong nghề này 40 năm rồi. Nếu như không làm những việc chính thức, tôi cũng sẽ làm những công việc không chính thức để giúp cho thế hệ trẻ, giúp cho quê hương và giúp cho các cơ quan mà tôi có quan tâm, quan hệ lâu nay.

Hết

------------

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Tin quan trọng: Tàu chiến Gepard giao cho VN

Tin quan trọng: Tàu chiến Gepard giao cho VN



Vài hôm nay các trang mạng của cả VN và thế giới tràn ngập tin hậu quả động đất kinh hoàng tại Nhật Bản xảy ra đã 5 ngày nay. Tuy vậy tôi vẫn thấy thật sự chú ý đến một tin "rất quan trọng khác" liên quan đến Việt Nam chúng ta xuất hiện trong ngày hôm qua và hôm nay trên một số trang mạng VN.

Mời các bạn đọc tin đó dưới đây (và một vài lời bình).

NV

----------

Nga bàn giao tàu Gepard 3.9 cho Việt Nam

Thứ Ba Ngày 15 Tháng 3 Năm 2011

(14/03/2011 19:00:14) - Phía Nga vừa bàn giao tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 cho Việt Nam, trong một buổi lễ long trọng, trang tin của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết.

>> TƯƠNG QUAN QUÂN SỰ TẠI BIỂN ĐÔNG

>> Hải quân Việt Nam sẽ nhận 2 chiếc khu trục tàng hình Gepard vào cuối năm 2010

Thông tin được đăng tải tại địa chỉ: http://www.zdship.ru/index.php?option=com_content&view=article&id=752&catid=9&Itemid=29

Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lớn trong quá trình hiện đại hóa hải quân Việt Nam.


Tham dự lễ bàn giao có các quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Việt Nam, đại diện của Công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport và Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, thuộc nước cộng hòa Tartarstan, Liên bang Nga.

Tàu được đặt tên Đinh Tiên Hoàng, theo tên vị Hoàng đế có công thống nhất đất nước sau 1.000 năm Bắc thuộc.

Tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 được thiết kế theo công nghệ hiện đại của Nga, thuộc
                                                                                     Project 1166.1. Tàu hộ tống thuộc dự án
1166.1 được thiết kế để tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm, phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến biên đội, và có khả năng tàng hình nhẹ.
Sự có mặt của tàu Gepard 3.9 Đinh Tiên Hoàng mở ra kỷ nguyên mới cho hải quân đối tác. Dự kiến, những chiếc còn lại sẽ được đóng tại Việt Nam theo giấy phép và công nghệ từ Nga.

Quốc Việt (theo Zdship/BAODATVIET)                              
-----------------------------

Ảnh dưới - Tàu Gepard phóng thử tên lửa kiểm tra trước khi giao theo hợp đồng.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Hoàng Huy

Đây là lần đầu tiên một tàu chiến của Hải quân Việt Nam được đặt theo tên một vị anh hùng dân tộc, có lẽ những chiếc Gepard tiếp theo nên tiếp tục được mang tên những vị anh hùng dân tộc đã có những trận đánh lừng lẩy trên sông trong lịch sử chống giặc ngoại xâm

Cuadong

Có Gepard 3.9 là một tin mưng cho HQVN. Là công dân quan tâm đến lĩnh vực này, rất mong những chiếc đóng tại Việt Nam sẽ có những thay đổi căn bản so với phiên bản náy là: thay 8x35 bằng 16 Yakhon (P-800) phóng thẳng đứng, vừa tiết kiệm chỗ, vừa bảo mật tốt hơn là nằm trên boong, dù rằng chúng ta đã xoay ngang bệ X35. Vì người Nga đã có thiết kế cho Project 1241 sử dung P-800 (Tất nhiên là đi kèm các hệ thống điên tử: radar tìm kiếm, chỉ huy, điều khiển...) và có hệ thống phòng không STIL (phiên bản Buk cho tàu chiến). Nếu dược vậy thì thật mừng. Chúc Hải quân Việt Nam liên tục phát triển.

HQ-968

Bản tính của người Việt là thông minh, tò mò, táy máy. Vì vậy nên sử dụng tàu này cũng ko khó lắm, tầm vài tháng là thành thạo nhưng phải đầu tư ít tên lửa cho bộ đội ta quen. Nên đặt là HQ-968 Đinh Tiên Hoàng vì năm 968 là năm kết thúc dẹp loạn mà!!!.

V>A

Có vũ khí tốt nhưng quan trọng hơn là sử dụng vũ khí đó thông minh như thế nào còn tốt hơn.

Thanh Hải

Gepard Đinh Tiên Hoàng đã về đến đất mẹ! Vậy là bao nhiêu mong chờ đã toại nguyện, giờ đây chúng ta có quyền hy vọng: với truyền thống anh hùng của quân chủng hải quân nhân dân Việt Nam, với truyền thống nhanh chóng làm chủ khí tài hiện đại của quân đội ta. Gepard Đinh Tiên Hoàng sẽ được phát huy tối đa sức mạnh của mình cùng với quân chủng Hải quân và các quân binh chủng khác quyết giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

trung dung

Một chiếc đã về, không biết chiếc thứ hai bao giờ nhỉ, hy vọng về càng sớm càng tốt để bảo vệ vững chắc Tổ Quốc thân yêu, và cũng mong sẽ có thêm hợp đồng đóng mới tại Việt Nam.

t2.kun

Nhận được tàu chúng ta còn cần phải nhanh chóng làm quen với nó. Cần trong tư thế sẵn sàng để bảo vệ tổ quốc.



  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...