Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Biển Giao chỉ qua sử liệu


Biển Giao Chỉ qua sử liệu


Dưới đây xin trích thuật một bài nghiên cứu của HỒ BẠCH THẢO trong đó có rất nhiều tư liệu liên quan trực tiếp đến Biển Đông của chúng ta qua các giai đoạn lịch sử xưa kia.

Phần mở đầu tác giả viết như sau:

[Bài viết nhắm nhắc nhở người Trung Quốc nào thiếu thiện chí hãy đọc kỹ sử chí nước họ; để khỏi nói càn rằng đảo Bạch Long Long Vĩ không thuộc chủ quyền Việt Nam.]
...
...

Ðến đời Hán Vũ đế [_111] xâm lăng nước Nam Việt của nhà Triệu, tiện thể chiếm đảo Hải Nam ; chia tất cả thành 9 quận:

“Hán Vũ đế bình Nam Việt chia đất Quế Lâm của nhà Tần thành 2 quận: Uất Lâm và Thượng Ngô;chia Tượng quận thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam;[Nam Hải được giữ tên cũ]cắt phần đất thừa của Nam Hải và Tượng quận lập quận Hợp Phố;từ đất Từ Văn vượt biển chiếm đảo Hải Nam chia thành 2 quận: Chu Nhai và Ðam Nhĩ. (3)”
Như chúng ta đã biết 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thuộc đất Ðại Việt cũ, Cửu Chân là Thanh Hóa, Giao Chỉ tại phía bắc Cửu Chân tương đương với Bắc Việt ngày nay, tức từ tỉnh Ninh Bình lên phía bắc cho đến biên giới Trung Quốc; vậy biển Giao Chỉ, hay Giao Chỉ dương còn có thể gọi là biển Bắc Việt.

Chu Khứ Phi xác nhận Giao Chỉ dương, tại phía tây đảo Hải Nam , ông mô tả như sau:






Ba dòng nước xoáy

Bốn quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương. Tại biển có 3 dòng nước xoáy, nước phun lên chía thành 3 dòng; dòng thứ nhất chảy về phía nam dẫn đến biển thuộc các nước Phiên (4); dòng thứ 2 chảy lên phía bắc qua vùng biển Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào nơi mù mịt không bờ gọi là Ðông Ðại Dương. Tàu thuyền đi về hướng nam phải qua ba dòng nước xoáy, nếu gặp một chút xíu gió thì vượt được,nếu vào chổ hiểm đó mà không có gió thuyền không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy. Nghe truyền rằng biển lớn phía đôngcóTrường Sa Thạch Ðường (5) rộng vạn dặm, nước thủy triều (6) thi triển đẩy vào chốn cửu u (7). Trước kia đã có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này , nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được .


Bản đồ Google chỉ vùng biển Giao Chỉ






Phiên âm và chú thích bản đồ Google:

Beihai: Bắc Hải thị, thuộc phủ Liêm Châu đời Thanh.
Changgiang lizu: Xương Giang Lê tộc, thuộc phủ Quỳnh Châu thời Thanh
Dongxing: Ðông Hưng, thuộc phủ Liêm Châu thời Thanh.
Fangchenggang: Phòng Thành thị, thuộc phủ Liêm Châu thời Thanh.
Hepo: huyện Hợp Phố, thuộc phủ Liêm Châu thời Thanh.
Lezhou: phủ Lôi Châu thời Thanh.
Lingao: huyện Lâm Cao thuộc phủ Quỳnh Châu [Hải Nam ]
Xuwen: huyện Từ Văn, thuộc phủ Lôi Châu

Nhìn lên bản đồ Google, vị trí biển Giao Chỉ hoặc Giao Chỉ dương, về phía Việt Nam gồm duyên hải các tỉnh Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Về phía Trung Quốc, Giao Chỉ dương nằm ngoài vùng biển thuộc 3 phủ của Trung Quốc, đó là: Liêm Châu, Lôi Châu, và Quỳnh Châu. Căn cứ bản đồ và những điều mô tả trong Trù Hải Ðồ Biên (籌 海 圖 編 )của Hồ Tôn Hiến thời Gia Tĩnh triều Minh, và Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí (欽定大清一統志 )thời Càn Long nhà Thanh, thấy được vùng duyên hải 3 phủ như sau:

- Vùng biển phủ Liêm Châu, từ tây sang đông bắt đầu từ biên giới Việt nam cho đến giáp giới phủ Lôi Châu, có các đơn vị hành chánh hiện nay như Ðông Hưng thị [Dongxing], Phòng Thành cảng thị [Fangchenggang] , Khâm châu thị [Quinzhou], huyện Hợp Phố [Hepu], Bắc Hải thị [Beihai] . Bờ biển dài khoảng 150 km, đảo ngoài xa như Ô Lôi cách bờ biển khoảng 90 km.

Vùng biển phủ Lôi Châu,phía tây giáp với biển Giao Chỉ. Bờ biển dài khoảng 150 km, hiện nay có các đơn vị hành chánh như Lôi Châu thị [Leizhou], huyện Từ Văn [Xuwen];đảo xa phải kể đến Khốn Châu, cách bờ khoảng 60 km.

Vùng biển phía tây phủ Quỳnh Châu [Hải Nam ] giáp với biển Giao Chỉ. Bờ biển dài khoảng 300 Km, hiện nay có các đơn vị hành chánh như: huyện Lâm Cao [Lingao], Ðam Châu thị [Danzhou], cảng Xương Hóa [Changjang Lizu],Tam Á thị [Sanya].

Có thể nói rằng ngoại trừ phần lãnh hải 3 phủ nêu trên, phần còn lại là biển Giao Chỉ, bề ngang từ tây sang đông trên 200 km. Nay xét đến đảo Bạch Long Vĩ tại tọa độ địa dư 20.08 bắc 107.44 đông, chỉ cách bờ biển Hải Phòng chưa đến 100 km, ắt phải nằm trong biển Giao Chỉ, tức thuộc lãnh hải Việt Nam.

Hãy nhìn lại bản đồ Trung Quốc và vùng Ðông Nam Á; từ các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, và phía bắc Quảng Ðông, thủy trình ngắn nhất đến các nước Ðông Nam Á như Chiêm Thành, Chân Lạp, Trảo Oa (8) vv… phải theo hướng nam, tức phía đông đảo Hải Nam. Nhưng trên thực tế họtránh quần đảo Hoàng Sa, với sự hãi hùng như tác gỉả Lãnh Ngoại Ðại Ðáp đã mô tả “Nghe truyền rằng biển lớn phía đôngcóTrường Sa Thạch Ðường rộng vạn dặm, nước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u . Trước kia đã có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này , nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều, nên may thoát được ”; nên đã chọn một hải trình xa hơn, hải trình này men theo hướng đông tây, luồn qua eo biển giửa phủ Lôi Châu và Hải Nam, đến biển Giao Chỉ, rồi tiếp tục theo hướng nam đến các nước Ðông Nam Á.

Cũng qua đoạn văn trích dẫn, thấy được sự thiếu đứng đắn của các nhà nghiên cứu Trung Quốc khi đề cập đến yếu tố lịch sử của quần đảo Hoàng Sa. Họ thường nêu tên tác phẩm Lãnh Ngoại Ðại Ðáp của Chu Khứ Phi, với Trường Sa Thạch Ðường, như là một bằng cớ về đời Tống đã làm chủ đảo này! Nhưng họ không dám nêu trọn văn bản, để biết rằng tác giả Chu Khứ Phi tự nhận rằng chỉ “truyền văn” [ nghe nói, rumor] chứ không có bằng chứng ; và kẻ thực sự đến được chỗ đó chỉ là người trên chiếc thuyền bị trôi dạt, may mà thoát được thân! Nói một cách khác, từ đời Thanh trở về trước chỉ có một vài thuyền Trung Quốc bị gió trôi dạt, và một ít dân nghèo làm nghề đánh cá mạo hiểm đến quần đảo Hoàng Sa mà thôi.
Như đã đề cập tại phần mở đầu, Ðông Tây Dương Khảo của Trưởng Biến thời nhà Minh, cũng đề cập nhiều lần đến biển Giao Chỉ. Phần lớn tư liệu trong bộ sách này thiên về thực dụng, cung cấp các tài liệu hàng hành [navigation] cho các thuyền Trung Quốc dưới thời nhà Minh hàng hải đến các nước vùng đông nam Á. Trương Biến cho biết trên mỗi thuyền phải có một châu sư [navigator] căn cứ vào tài liệu nêu trên, để hướng dẫn thuyền đi đúng hải trình. Tài liệu cung cấp 3 yếu tố căn bản, buộc các châu sư phải lưu ý:

- Phương hướng: trên thuyền có chỉ nam châm [指南針, compass], lẽ dĩ nhiên không dùng độ như ngày nay, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu cũng có thể đổi [decode] ra được; ví như hướng đơn Hợi=330 độ; hướng Nhâm Tý=352.5 độ.

- Khoảng cách: không tính bằng dặm, mà tính bằng canh; một ngày một đêm có 10 canh.

- Ðộ sâu: không tính bằng thước mà tính bằng sải tay. Ðây cũng thiên về thực dụng, lúc thủy thủ dòng dây từ thuyền xuống đáy biển, khi kéo dây lên dùng sải tay đo đếm dễ dàng, mỗi sải tay khoảng 1.6 m.

Nhờ tài liệu nêu trên, nên chúng ta biết rằng thương thuyền Trung Quốc, cùng các thuyền chở sứ giả thời nhà Minh, đến vùng đông nam Á, đều chuẩn bị khởi hành tại biển Giao Chỉ, rồi men theo bờ biển An Nam, Chiêm Thành; có thể ghé qua một vài địa điểm thuận tiện như Thanh Hóa, Hội An, Qui Nhơn để buôn bán, tìm nguồn cung cấp về thực phẩm và nước ngọt. Hầu như họ chưa bao giờ ra đến cái gọi là vùng biển lưỡi bò chữ u, mà Trung Quốc hiện nay lớn tiếng rêu rao để đòi chủ quyền! Ðặc biệt các tàu thuyền đi xuống vùng Mã Lai, Singapore, Nam Dương hiện nay, đều ghé đất Linh Sơn thuộc nước Chiêm Thành cũ, một địa điểm tại tỉnh Phú Yên hiện nay, để từ đó ra khỏi mũi Ðại Lãnh gần vũng Rô. Nơi này không còn bị núi che khuất; có thể hướng chỉ nam châm thẳng đến đảo Côn Lôn, đảo có núi cao dễ nhận biết; để từ đó lại dùng chỉ nam châm dẫn đến nước muốn đến. Mọi chi tiết về hàng hành từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á xin hẹn trình bày chi tiết qua bài viết khác./.

Chú thích

1.Xem Triệu Ðà và nước Nam Việt, Hồ Bạch Thảo, Diễn Ðàn Forum, ngày 29/5/2009
2.Lãnh Ngoại Ðại Ðáp, quyển 1, trang 12.
3.Lãnh Ngoại Ðại Ðạp, quyển 1, trang 12-13.
4.Nước Phiên: Trung Quốc xưa chỉ các nước thuộc vùng đông nam Á, như An Nam, Chiêm Thành, Tiêm La, Tam Phật Tề vv…
5. Người Trung Quốc xưa gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là Vạn Lý Trường Sa Thạch Ðường; vì tại đó có bãi cát rộng, đảo vây biển thành ao nước có đá san hô bao quanh như thạch đường [thạch đường có nghĩa là ao xung quanh bằng đá].
6. Nguyên văn “vĩ Lư” chỉ thủy triều; điển lấy từ bài Thu Thủy của Trang Tử như sau: “Thiên hạ chi thủy,mạc bất ư hải, vạn xuyên qui chi, bất tri hà thời chỉ nhi bất doanh; vĩ lư tiết chi, bất tri hà thời dĩ nhi bất hư” ; ý nói trong thiên hạ không đâu nhiều nước bằng biển; vạn sông chảy vào không biết đến bao giờ thì dừng, thủy triều thi triển không biết lúc nào dứt.
7.Cửu u: nơi tối tăm mờ mịt, như đi vào âm phủ.
8. Trảo Oa:Java.

Hồ Bạch Thảo

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ và câu chuyện hòa hợp dân tộc còn dang dở...

Tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ và câu chuyện hòa hợp dân tộc còn dang dở...


Bữa trước blog tôi đưa tin ngay khi ông Nguyễn Cao Kỳ vừa mất tại Mã Lai. Cứ nghĩ một người hoạt động chính trị nổi tiếng của chế độ Việt Nam Cộng hòa trước 1975 như ông, lại có mấy năm cuối đời đi đi về về nhiều lần Việt Nam, có những tuyên bố hướng về hòa hợp dân tộc (theo cách của ông Kỳ), thì khi ông qua đời gia đình và những người thân của ông sẽ chôn cất tại nơi quê cha đất tổ là Việt Nam... Nhưng rồi trái lại, đám tang vẫn tổ chức nơi xứ người nơi ông vừa mất và tro cốt của ông lại vẫn mang về Mỹ với gia đình ông.

Chúng ta cứ quan sát và rồi suy nghĩ về những điều quan sát được - từ việc tổ chức lễ tang ở đất khách quê người như trên đã nói tới, tro cốt cũng chưa thấy nói đưa về Việt Nam, đến tấm hình của ông sử dụng trong tang lễ, rồi đến lá cờ phủ ngoài quan tài của ông Nguyễn Cao Kỳ là cờ VNCH - cùng 2 lá cờ Mỹ và cờ Malaysia...

Nội những việc trên, những chi tiết nhắc tới này cho thấy là con đường đi, nguyện vọng hòa hợp dân tộc vẫn còn nhiều đường đi nước bước nữa cần thúc đẩy (cả ở 2 phía), cũng như báo hiệu sự nghiệp hòa hợp của toàn dân tộc vẫn còn những trắc trở và chông gai chưa gạt bỏ được. Tất cả vẫn như còn nhiều lắm ở phía trước - mà mọi nỗ lực của dân tộc còn phải cất nhiều công sức hướng tới...

Xin mang về đây Trang bài và ảnh về lễ tang ông Nguyễn Cao Kỳ mới đây ở Kuala Lampur, Mã Lai.


NV

-----------

Chùm ảnh tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ, & Nghĩ về ông Nguyễn Cao Kỳ và hòa hợp dân tộc

Nguồn: Beenet.vn

Chùm ảnh tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ

29/07/2011 15:35:20
Hôm nay (29/7), lễ tang ông Nguyễn Cao Kỳ đã diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia.
<>TIN LIÊN QUAN

Người thân và bạn bè của ông từ Mỹ và Việt Nam đã sang Malaysia để dự tang lễ sau khi ông qua đời ở tuổi 81 vào hôm 23/7 do những biến chứng liên quan đến nhiễm trùng phổi đột ngột.

Được biết ông đã ở Kuala Lumpur 2 tuần để thiết lập một quỹ học bổng cho thanh thiếu niên đang học tập ở Mỹ.
Bà Lê Hoàng Kim Nicole (thứ 2 từ phải sang) – vợ của cựu lãnh đạo miền Nam Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ - khóc thương chồng khi nhìn ông lần cuối
Bà Lê Hoàng Kim Nicole (thứ 2 từ phải sang) – vợ ông Nguyễn Cao Kỳ - khóc thương chồng khi nhìn ông lần cuối
Những người tham gia tang lễ viếng ông lần cuối.
Gần 50 thành viên gia đình và bạn bè đã tham dự tang lễ.
Bà Lê Hoàng Kim hôn linh cữu
Các cháu gái của ông Nguyễn Cao Kỳ an ủi bà Kim
Các cháu gái của ông Nguyễn Cao Kỳ an ủi bà Kim
 
Ngô Nguyễn (Tổng hợp)
 
---------------------------------------------------

 

Nghĩ về ông Nguyễn Cao Kỳ và hòa hợp dân tộc

Nguồn: Blog Bs Ngọc

Vắng một người thế giới trở nên hoang vu hơn. Người xưa nói thế. Hôm nọ, nghe tin ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời ở Malaysia làm tôi suy nghĩ vu vơ. Thế là ông đã ra đi, nhưng lại ra đi trên xứ người! Tưởng rằng ông sẽ được chôn cất ở quê nhà, nhưng lại hỏa táng và đem tro về Mỹ. Thế là ông vĩnh viễn xa nhà. Có khi đó cũng là một điều hay vì những kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc của ông cũng sắp tan thành mây khói.


Kể cũng lạ. Một người mà tôi chẳng hề quen biết nhưng lại thấy quan tâm. Không hiểu sao. Có lẽ vì cái tâm của ông dành cho Việt Nam trong thời kỳ khốn khó. Nhưng có lẽ ông đã lầm. Đời ông là một chuỗi sai lầm. Sai lầm làm đồng minh với Mỹ. Sai lầm làm thủ tướng. Sai lầm trong việc kêu gọi hòa hợp hòa giải với đối thủ của ông ngày xưa. Có một cái ông không sai lầm. Đó chính là lòng yêu nước. Đó chính là sự trong sạch. Ở thế giới bên kia ông sẽ thanh thản, không còn phải đương đầu với những sóng gió của dư luận, những tấn tuồng chính trị làm ông đau khổ, nhưng ông có thể mỉm cười để thấy rằng ông đã làm tất cả có thể cho quê hương, làm đến ngày cuối đời. Ông và con cháu ông có quyền tự hào về điều đó.

Ông Kỳ là người gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Quả thật, có một điều rất rõ ràng là ông là kẻ quang minh chính đại. Sống và làm việc trong cái hệ thống tham nhũng hối lộ thời đó, mà ông hoàn toàn trong sạch. Nói như con của ông là không ăn hối lộ một đồng xu. Ông còn là một người thuộc týp nói là làm. Có người nói là ngang tàng. Ngang tàng của một người làm tướng. Làm tướng là ra trận, chứ không ngồi phòng có máy lạnh. Ông từng tự mình lái máy bay xung kích. Đó là phong cách của người làm tướng.

Tôi chỉ đọc về ông qua những bài báo thời trước và sau 1975. Thời đó tôi đã vào trường thuốc, bận học ngày đêm nên chẳng có thì giờ theo dõi chính sự. Sau này có đọc cuốn Đứa con thừa tự của ông có giới thiệu ở Việt Nam như là một hồi ký. Không có gì hay lắm trong cuốn hồi ký, nhưng có nhiều tư liệu đáng làm đối chiều về sau. Dư luận báo chí thì khen có, chê có. Ngay cả đồng minh của ông là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Robert McNamara cũng chê ông thậm tệ. McNamara nói rằng chính phủ của ông không sống quá 1 tuần, nhưng trong thực tế sống qua 3 năm! Báo chí lề phải vẫn còn vài nghi kị về ông. Đọc những bài viết nói về chuyến ông về thăm quê Sơn Tây thì thấy có gì đó trịch thượng như là đấng trên ban ơn cho ông về thăm quê, tha thứ lỗi lầm … Có phải lỗi lầm của ông là lỗi lầm yêu nước không giống như cách yêu nước của người cộng sản? Đọc lên những dòng chữ trịch thượng đó không biết ông sẽ nghĩ gì. Chắc là không vui. Nhưng với bản chất xem đời là trò chơi, ông cũng chẳng bận tâm. Ông chỉ cần biết mình trong sạch, không tham ô là hay rồi. Tất cả chỉ là một cuộc chơi. Những trò đời, bon chen, ghanh đua, tranh giành quyền chức, dư luận … chỉ là những trò chơi. Từ giã cõi đời là từ giã cuộc chơi.

Không hiểu sao ông đi Malaysia và qua đời bên đó. Chỉ biết ông sang đó thành lập một quỹ học bổng dành cho du học gì đó, rồi bị sưng phổi và chết. Thế là ông dành tấm lòng cho quê hương cho đến những giây phút cuối đời.

Thế là ông cùng hàng ngàn (có lẽ hàng vạn) người Việt Nam khác đã chết trên đất Malaysia sau 1975. Đó cũng là một vết thương dân tộc. Một anh bạn bác sĩ bên Mỹ kể rằng mấy năm trước anh góp tiền cho một nhóm thuyền nhân bên Mỹ về Malaysia xây một tấm bia tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mạng trên xứ người, nhưng bị chính quyền Việt Nam phản đối chính phủ Malaysia nên những tấm bia đó bị đục bỏ. Cũng giống như số phận của tấm bia tưởng niệm Vua Quang Trung ở Nghệ An và những dòng chữ của cụ Hồ Chí Minh.

Ông hô hào hòa hợp hòa giải dân tộc. Mặc cho những “chiến hữu” của ông chỉ trích thậm tệ, ông kiên trì theo đuổi con đường hòa hợp dân tộc. Nói là làm. Ông đi tiên phong, về Việt Nam, gặp lãnh tụ cao cấp và nói ý của mình. Nhưng hình như chính quyền hiện tại vẫn còn nhìn ông một cách e dè. Nghe nói trong đám tang không có ai trong tòa đại sứ Việt Nam ở Malaysia đến dự. Cũng có thể họ quá bận việc. Nhưng cũng có thể họ chưa quên những việc làm của ông Kỳ trong thời hai miền Nam Bắc còn oánh nhau. Nhưng lễ tang có đại diện của Hoàng Gia Malaysia đển dự. Sự vắng mặt của giới ngoại giao Việt Nam nhưng có mặt của Hoàng Gia Malaysia trong lễ tang cũng là một điều làm chúng ta suy nghĩ. Những người cầm quyền theo chủ nghĩa Mác Lê ngày nay chắc chưa quen với câu nghĩa tử là nghĩa tận.

Đục bỏ bia tưởng niệm Vua Quang Trung. Đục bỏ những chứng từ về sự xâm lăng của kẻ thù Trung Quốc. Đục bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân ở Malaysia. Không tham dự đám tang một người chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc. Tất cả những hành động đó nói lên điều gì? Theo tôi, những hành động đó nói rằng chính quyền hiện nay rất kiên trì làm hòa với kẻ thù Trung Quốc, nhưng không muốn hòa giải với những người anh em của mình.

*****
Sáng nay, nhận được vài tin tức và hình ảnh trong buổi tang lễ do anh bạn bên California chuyển cho đọc và tôi có hứng viết bài này để chia xẻ.

Hình ảnh đám tang cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ tại Malaysia
KUALA LUMPUR (AP) – Đám tang cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, hôm Thứ Sáu với sự hiện diện của người thân trong gia đình và bạn hữu của ông, bay từ Mỹ và Việt Nam sang tham dự.
Bà Lê HoangKim Nicole, quả phụ cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, bên quan tài lần cuối.
Cựu thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, 81 tuổi, qua đời tại Kuala Lumpur hôm 23 tháng 7 vì bệnh phổi. Ông từng là tư lệnh không quân, thủ tướng và phó tổng thống VNCH. Năm 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2004, ông bắt đầu về Việt Nam. Hãng thông tấn AP trích lời cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái của ông Kỳ, cho biết tro cốt của ông sẽ được đưa về Mỹ ngày Thứ Hai để bà con thân thuộc và bạn hữu đến viếng.
Di ảnh cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ tại nhà quàn Nirvana Memorial Centre, Kuala Lumpur.
Một người trong gia đình khóc tại đám tang cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Con cháu và người thân phủ cờ VNCH lên quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ được phủ ba lá cờ Mỹ, Malaysia và VNCH.
Bà quả phụ Nguyễn Cao Kỳ, nhũ danh Lê HoangKim Nicole, khóc tại đám tang.
Gia đình tướng Kỳ trước linh cữu người quá cố.
Nhân viên an ninh hộ tống xe tang chở quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đi hỏa táng.
(Hình: Saeed Khan/AFP/Getty Images; Lai Seng Sin/AP)
------------------
Chuyển về từ Blog của Nguyễn Hữu Quý

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Bi hài những chuyện không tin được!

Bi hài những chuyện không tin được!

 


Cứ mỗi kỳ đề bạt cất nhắc ai đó lên ghế cao cấp, thường lại lọt ra công luận một loại tin tức lãng xẹt. Là vị này vị kia được phong cấp phong hàm gì đó là xài văn bằng giả mạo.


Nếu là các ông tiến sĩ "giấy", nghĩa là không phải tiến sĩ thực chất thì cũng đi một nhẽ. Thôi thì trình độ học lực, nghiên cứu yếu kém, thi cử bảo vệ vẫn nhận được bằng cấp nhưng thực ra không tương xứng với trình độ của bằng cấp được trao đó.

 

Nhưng đằng này lại tệ hại hơn nữa, là học hành chẳng có, mà trình độ cũng không đạt, lại không thi cử tuyển chọn gì nhưng do quan hệ, láu cá xoay xở tài, thường đi với cách chịu chi quả đậm, các tiễn sĩ "chui" này vẫn sở hữu những tấm bằng như ai - nhưng là những bằng giả mạo hoàn toàn. Đơn giản bằng cấp cho loại người này là mục tiêu hợp lý hóa tiêu chuẩn cho cái ghế nhắm tới mà tổ chức yêu cầu phải có. Điều này mới thật đáng sợ.

 

Mới đây có chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, một quan chức vừa mãn nhiệm ở một cơ quan Quốc hội thì được Thủ tướng bổ nhiệm vào chức danh Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

 

Dư luận trên mạng được dip bung ra hàng loạt tin tức, bình luận, chê trách ông Ngoạn thiếu sự trung thực trong lời khai về bản thân mình, về học vấn và trình độ thực chất của mình khi bước vào ngạch quan trường. Và vì thế các vị trí trước nay ông ngồi có thể là một sự sắp xếp và đặt nhầm chỗ đối với ông!?

 

Việc đúng sai về tấm bằng của ông Vũ Viết Ngoạn sẽ được làm sáng tỏ sau - vì việc trên nếu cần làm thì khó gì, điều tra đâu có phức tạp - nhưng cái chính ở đây là vấn đề của công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân sự ở Việt Nam mình còn nhiều kẽ hở quá.

 

Việc xem xét cất nhắc một con người, nếu theo một trình tự "lành mạnh", nghĩa là quy trình đề bạt là "sạch", thì làm gì có những chuyện trên? Và cứ đến khi vào một ghế quan to nào đó ở địa phương hoặc cấp TW thì lại nẩy sinh, lại lòi tói ra một chuyện chẳng thể nín cười được, những chuyện "không tin được" như kiểu chuyện ông Vũ Viết Ngoạn nói đến ở dưới đây sẽ đến bao giờ mới chấm dứt?.

 

NGUYỄN VĨNH


-----------------

Dưới đây có thể tham khảo bản tin của BBC về việc này:

Cáo buộc quan chức giả mạo bằng cấp



Cập nhật: 08:39 GMT - thứ sáu, 29 tháng 7, 2011




Ông Vũ Viết NgoạnÔng Vũ Viết Ngoạn


Ông Vũ Viết Ngoạn, tân chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bị tố giác giả mạo khi tiểu sử có học vị tiến sỹ tài chính tại một trường đại học của Hoa Kỳ.

Tiểu sử của ông Ngoạn, được đăng trên một số báo điện tử trong nước nói ông sinh năm 1958 và có học vị là Tiến sỹ Tài chính Đại học La Salle (Hoa Kỳ).



Ngay sau khi có tin về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết địnhsố 1218/QĐ-TTg về việc điều động, bổ nhiệm ông vào chức vụ mới từ 22/07, đã xuất hiện tố giác rằng bằng cấp tiến sỹ của ông là 'giả mạo'.

Các trang mạng cá nhân của giới quan tâm tới lĩnh vực kinh tế - tài chính rộn lên thông tin nói rằng trường Đại học La Salle (Philadelphia) không có chương trình Tiến sỹ Tài chính.

Theo báo Người Việt ở Mỹ, chỉ có một đại học Công Giáo ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, tên là La Salle University, địa chỉ 1900 W. Olney Ave., Philadelphia, PA. 19141.
"Trường này có một chương trình tiến sỹ về tâm lý (APA Accredited Psychology Doctor Program in Clinical Psychology), và tiến sỹ điều dưỡng (Doctor of Nursing Pratice)."

Báo Người Việt viết: "Ðại Học La Salle không có chương trình tiến sỹ kinh tế hay tài chính".

Nhiều kinh nghiệm

Cũng theo báo này, có một Đại học mang tên La Salle khác tại tiểu bang Louisiana, nhưng đã bị đóng cửa năm 2002 vì nhiều sai phạm, trong đó có việc bán bằng cấp giả.

Ông Vũ Viết Ngoạn hiện đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam.

Chức vụ chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trước ông là do ông Lê Đức Thúy nắm giữ. Ông Thúy mới nhận quyết định nghỉ hưu, trong khi cũng có cáo buộc liên quan vụ một công ty Australia hối lộ quan chức Việt Nam.

Ông Vũ Viết Ngoạn được cho là có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

Ông từng làm việc nhiều năm tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam giữ chức Tổng Giám đốc ngân hàng này từ năm 2000 - 2007.

Năm ngoái, hai quan chức cấp tỉnh ở Việt Nam cũng bị dân tố giác có bằng tiến sỹ ở một trường có tên Western Pacific University mà theo họ, thực chất chỉ là giả mạo.

Nguồn: BBC tiếng Việt

Chuyện gì cũng có thể xảy ra

Chuyện gì cũng có thể xảy ra


Trong các tin lạ liên quan đến Trung Quốc thì loại tin này cũng được xem là rất lạ. Ai cũng biết TQ là đồng minh gần gũi nhất của Triều Tiên. Không có hậu thuẫn của TQ chắc chắn Triều Tiên khó tồn tại như cách tồn tại mấy chục năm qua. Nhưng nay thì TQ chẳng cần "giữ kẽ" với Triều Tiên, cần thiết về lợi ích thì chơi hẳn với đối thủ của chính Triều Tiên là Hàn Quốc. Chưa nói chuyện bán đắt bán rẻ đồng minh ở đây vội, nhưng là vấn đề đáng để các quốc gia khác cảnh giác khi quan hệ với Bắc Kinh bởi chủ nghĩa thực dụng từ lâu đã lên ngôi cao ở TQ, bất chấp các cam kết và đạo lý. Với TQ, xem ra chuyện gì cũng có thể xảy ra.

NV

-------
  
Hàn Quốc và Trung Quốc hợp tác quân sự

Ảnh dưới: Các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên




Hàn Quốc và Trung Quốc lần đầu tiên mở đối thoại quân sự chiến lược


July 28, 2011
8 tháng trước Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak đã tiếp một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc - vị Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc tại Seoul (ngày 28/11/2010).

Nay vào lúc quan hệ Nam Bắc Triều Tiên đang căng thẳng, ngày 27/7/2011, tại Seoul, một cuộc đối thoại đầu tiên về chiến lược đã diễn ra giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng.

Phái đoàn Hàn Quốc do thứ trưởng Quốc phòng, Lee Yong – Gul dẫn đầu, còn phía Trung Quốc do tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), Phó tổng tham mưu trưởng quân đội.

Đàm phán 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga)  



Theo các quan chức Hàn Quốc, được hãng tin AFP trích dẫn, hai bên đã thảo luận về một loạt chủ đề, từ trao đổi trong lãnh vực quốc phòng, vấn đề an ninh khu vực cho đến hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), vấn đề chống hải tặc Somalia cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Cuộc họp hôm qua tiếp nối theo cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc ngày 15/07 tại Bắc Kinh.

Khai mạc cuộc họp, thứ trưởng Hàn Quốc Lee Yong – Gul, đánh giá là diễn đàn này sẽ góp phần vào hoà bình và ổn định trên toàn bán đảo Triều Tiên, cũng như trong vùng Đông Bắc Á. Tướng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên tiếp lời, xác định rằng Hàn Quốc và Trung Quốc là hai láng giềng và quốc gia quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á. Ông kêu gọi phát huy trao đổi quân sự hai bên.

Sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước Nam Bắc Triều Tìên xuống đến mức xấu nghiêm trọng.


(Theo AP và Reuters)

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Sẵn sàng đáp trả

Sẵn sàng đáp trả


Trên trang mạng Giáo dục VN có bài phỏng vấn rất đáng chú ý dưới đây, mời các bạn cùng đọc.

Tướng bắt giữ Dương Văn Minh nói về chiêu bài của Trung Quốc
(GDVN) – Vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác dài ngày, người bắt giữ và áp giải Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975, Anh hùng LLVT, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên tư lệnh quân khu I dành cho Báo Giáo dục Việt Nam cuộc trao đổi đầy ý nghĩa về việc Trung Quốc xâm phạm đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.
Họ sẽ không từ bỏ mộng bá quyền
Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói: “Tôi đã từng làm Tư lệnh quân khu I – khu vực có biên giới với Trung Quốc: núi liền núi, sông liền sông. Giờ thì biên giới hai nước đã rõ ràng rồi. Tôi nghĩ quan hệ hữu nghị không có biên giới nhưng lãnh thổ thì có biên giới và là bất khả xâm phạm. Trong bất kì hoàn cảnh nào thì các quốc gia cũng phải tôn trọng chủ quyền của nhau.

Ảnh Internet
Trung tướng Phạm Xuân Thệ
Tôi cực lực phản đối một quốc gia nào đó xâm phạm đến chủ quyền quốc gia Việt Nam. Tôi cũng giống như mỗi người Việt Nam không phân biệt giới tính, dân tộc đều sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình bằng mọi cách.

Chúng ta không đi xâm lược, thôn tính ai nhưng nếu ai có ý đồ xâm lược cả trên bộ, trên biển và trên không, chúng ta đều kiên quyết chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Chúng ta có nhiều biện pháp đấu tranh: kiên quyết bám biển bảo vệ từng tấc biển như người dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bám đất bám làng. Về ngoại giao chúng ta đấu tranh bằng cách vạch rõ hành động xâm phạm của họ để cho họ thấy vấn đề. Hiện nay đâu còn có chuyện “cá lớn nuốt cá bé” nữa.

PV: Vừa qua, đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Lương Minh đã tố cáo các hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam đồng thời bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò). Trung tướng Lê Hữu Đức cho rằng lẽ ra chúng ta phải làm sớm hơn. Ông nghĩ sao?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tôi không cho rằng đó là muộn vì phải có thời cơ và điều kiện thì mới lên tiếng. Giống như quan hệ láng giềng giữa hai người hàng xóm, khi có chuyện thì hai người phải thỏa thuận, trao đổi với nhau trước. Khi một bên cố tình không hiểu thì bên kia mới đưa vụ việc ra cơ quan pháp luật.

Ở đây tôi nói chuyện này mang tính lâu dài nên chúng ta phải lên tiếng ngay để các nhân dân hiểu, quốc tế hiểu. Chúng ta phải đấu tranh công khai từng bước một. Các hành động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc không phải là lần đầu tiên và tôi chắc cũng không phải là lần cuối cùng. Vấn đề này còn lâu dài và họ không bao giờ từ bỏ mộng bá quyền.
Ông Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải) trong đoàn dẫn Tổng thống ngụy từ Dinh Độc lập đến Đài phát thanh Sài Gòn (tư liệu).
Ông Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải) trong đoàn dẫn Tổng
thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc lập đến Đài phát thanh Sài Gòn, 30/4/1975
Cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hải quân

PV: Theo ông, cách giải quyết của Philippin liệu rằng có mang tính tham khảo không, khi họ dùng tàu hải quân, máy bay xua đuổi tàu TQ và đệ trình lên Liên hiệp quốc các vụ tàu TQ xâm phạm lãnh hải?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Theo tôi, mỗi một quốc gia có quan điểm đấu tranh vì quyền lợi của mình khác nhau và có thể đấu tranh bằng nhiều con đường, nhiều cách. Nhưng dù có đấu tranh thế nào thì đích đến là chân lý được chứng minh, lẽ phải được tôn trọng. Philippin làm như vậy là quyền và phương pháp của họ. Nếu ta làm giống họ thì chưa chắc đạt được hiệu quả.

Dù các nước có cách đấu tranh khác nhau nhưng tất cả cùng lên tiếng thì Trung Quốc cũng phải chùn tay. Đối với nước mình, dù có đấu tranh theo phương pháp nào thì cũng kiên quyết và phải kiên quyết ngay từ đầu.

PV: Ông có nhìn nhận gì về động thái mới đây của Trung Quốc khi chính giới của họ có những tuyên bố mạnh mẽ, xuyên tạc sự thật sau khi Việt Nam và một số nước ASEAN cùng lên tiếng phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Theo công ước Luật biển 1982, quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam rồi. Kẻ nào dám xâm phạm đến chủ quyền, tấc đất cha ông ta để lại thì không chỉ có lực lượng vũ trang mà toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ đứng lên, quyết giành và giữ cho được chủ quyền đó. Đấy là quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể dân tộc Việt Nam.

PV: Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã có cùng nhận định, việc Trung Quốc dân sự hóa tàu quân sự để sử dụng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay đã tạo ra những thách thức an ninh phi truyền thống mới. Ông đánh giá gì về nhận định này?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Cái đó là âm mưu và mưu đồ của họ từ lâu rồi. Vì nếu đấu tranh về mặt quân sự thì thế giới sẽ lên án và hành động đó rất là trơ trẽn. Cho nên họ phải dân sự hóa đi thôi. Tôi cũng nói luôn, đó là một chiêu bài của họ không chỉ trên biển Đông mà cả trên đất liền. Họ luôn luôn sử dụng những động thái mang tính dân sự hóa và đổ lỗi cho cấp dưới hoặc đổ lỗi cho địa phương.

PV: Trong những buổi trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia có cùng nhận định Việt Nam cần sớm công khai hơn nữa ra quốc tế những thông tin và khẳng định chủ quyền của ta. Theo ông, nếu công khai thì công khai ở đâu, công khai như thế nào?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Công khai về chủ quyền của Việt Nam thì không phải đến giờ ta mới công khai mà ta đã công khai từ khi có Công ước quốc tế về luật biển rồi. Thực tế mà nói về công khai chủ quyền thì không phải bây giờ quốc tế mới công nhận mà quốc tế cũng đã công nhận từ lâu rồi.

Ngay từ đời ông cha ta ngày xưa cũng đã khẳng định chủ quyền của mình về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhân dân ta từ xưa cũng đã sống ở hai quần đảo này rồi.

Ta đã công khai thông tin trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và mọi người dân của Việt Nam đều hiểu đó là chủ quyền của Việt Nam rồi, đâu còn mập mờ gì nữa. Trên các diễn đàn quốc tế, các tổ chức quốc tế đã công nhận chủ quyền của ta rồi. Nhưng còn một số người có ý đồ xấu, ý đồ xâm lược thì người ta lại cố tình phủ định cái đó và cho rằng chủ quyền thuộc về họ.

PV: Năng lực quân sự của chúng ta hiện đã đủ đáp ứng nhu cầu giữ vững chủ quyền biển Đông chưa, thưa ông?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Nếu so sánh về vũ khí thì từ trước đến nay mình chưa bao giờ vượt trội thậm chí dòng vũ khí của ta còn sau cường quốc vũ khí hiện đại nhất đến 3 thế hệ, có cái đến chục thế hệ. Nhưng không phải vì không có vũ khí hay vũ khí không hiện đại mà không giữ vững được chủ quyền của Tổ quốc.

Ở trên bộ thì một cây gậy hay một khẩu súng cũ cũng trở thành vũ khí khi cần thiết. Nhưng hải quân thì khác: không thể đem thuyền thúng ra đấu với thuyền sắt được. Đã đến lúc Việt Nam cần trang bị vũ khí hiện đại hơn cho hải quân. Mình không trang bị vũ khí nhiều như người ta nhưng người ta được 10 thì mình cũng phải được 7-8.

Để làm được điều đó thì kinh tế phải phát triển mạnh lên. Trong những năm gần đây xu hướng một nước có kinh tế mạnh thì cũng có một nền quân sự mạnh trở nên phổ biến. Nếu một quốc gia mà chỉ chú trọng kinh tế, không phát triển quân sự thì sự phát triển đó là chưa có chiều sâu.

Về mặt kinh tế: một dự án lớn dù có đổ bể nhưng chúng ta vẫn có thể khắc phục được. Nhưng về mặt quân sự mà đổ bể thì không thể khắc phục được, lúc đó chỉ có mất lãnh thổ, mất xương máu và danh dự. Vì vậy chúng ta phải đầu tư thích đáng chứ vũ khí trang bị hiện nay vẫn còn khiêm tốn lắm.

PV: Theo ông, lúc này lòng yêu nước được thể hiện như thế nào là thiết thực nhất?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam được thể hiện ở mọi lĩnh vực. Lòng yêu nước của nhân dân ta còn được thể hiện ở việc nhân dân vùng biển kiên quyết bám biển. Về lợi ích kinh tế là một phần còn phần lớn là vì trách nhiệm của công dân đối với chủ quyền của đất nước, cố bám bám biển để giữ chủ quyền.

Chiến sỹ ở các đảo vẫn giữ vững chủ quyền, không mất cảnh giác để sẵn sàng đáp trả những hành động xấu đối với đất nước mình.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn cho thấy người dân đang rất phẫn nộ nhưng cũng rất bình tĩnh để đấu tranh theo đường lối của Đảng và nhà nước chứ không manh động.

Cám ơn Trung tướng!

Tuệ Minh thực hiện

ông Dương Trung Quốc nêu lại chuyện luật biểu tình

Ông Dương Trung Quốc nêu lại chuyện luật biểu tình


Khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở HN và TP HCM vào mỗi sáng chủ nhật sau sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, ông Dương Trung Quốc đã trả lời phỏng vấn là QH cần có luật về biểu tình. Quyền này được ghi trong Hiến pháp, nhưng thực thi trong cuộc sống thế nào thì cần ra luật riêng, như thông dụng ở nhiều nước khác.

Bữa nay bên hành lang kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới (khóa 13), đại biểu Dương Trung Quốc lại nêu lần nữa với công luận việc QH cần xây dựng luật biểu tình. Xin mời bạn đọc bài ghi chép dưới đây trên báo Tuổi trẻ.


N.V. g-th

---------


TRAO ĐỔI VỚI BÁO TUỔI TRẺ, ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC NÓI:


So với nhiệm kỳ trước, những thách thức của nhiệm kỳ này rất lớn, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tình hình căng thẳng trên biển Đông. Đành rằng đều là chuyện dựng nước giữ nước nhưng mỗi thời mỗi khác. Những người giữ trọng trách lớn của đất nước không thể tư duy theo nhiệm kỳ bởi đó chỉ là nhất thời. Điều quan trọng là họ để lại gì cho xứng danh, lời khen hay tiếng chê.

Kinh tế khó khăn không chỉ do tác động của thế giới mà còn bộc lộ những hạn chế của cơ chế hiện nay cần được nhìn thẳng vào đó để giải quyết. Có những vị lãnh đạo có năng lực nhưng vì lý do cơ chế không thể hiện hết năng lực. Tất nhiên, lãnh đạo đất nước cần phải phát huy trí tuệ tập thể nhưng cũng phải rạch ròi trách nhiệm cá nhân. Có những vụ việc chỉ quy trách nhiệm tập thể thì không thể xử lý được.

Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vẫn là những nhân vật quen thuộc nhưng có thể có thay đổi nếu có những đổi mới về cơ chế, có những quy định về quyền và trách nhiệm rõ ràng hơn. Chúng ta đang chuẩn bị sửa hiến pháp, hoàn toàn có cơ hội để hoàn thiện cơ chế.

Sự phát triển của đất nước, trong đó có trách nhiệm rất lớn của các nhà lãnh đạo, là dân trí phải ngày càng cao. Cần cơ chế để phát huy dân trí, phải bảo đảm luật được thực thi. Thực tế vẫn còn tình trạng luật “treo” vì chưa có nghị định, văn bản hướng dẫn. Thậm chí chưa có luật về những quy định đã có trong hiến pháp.

Chẳng hạn, quyền biểu tình đã được hiến định nhưng đến nay vẫn chưa có Luật biểu tình. Vì thế, người ta không biết nên ứng xử với biểu tình như thế nào, quyền và nghĩa vụ của người biểu tình ra sao.
Theo tôi, nhiệm kỳ này nên ban hành Luật biểu tình. Nếu không thì không nên quy định quyền biểu tình trong hiến pháp.

Tôi kỳ vọng và đòi hỏi các vị lãnh đạo mới làm hết vai trò của mình, biết lắng nghe dân và làm những việc có ích cho đất nước.

X.TR. ghi

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Cám ơn và Cám ơn



Cám ơn và Cám ơn

Xin mời các bạn đọc một bài viết rất... độc đáo của một blogger nổi tiếng trong làng mạng mà vừa qua suýt chút nữa thì rời bỏ anh em (anh nói do bận rộn, sinh kế... nên tạm "đóng cửa chùa", về chế độ blog riêng tư). May mắn sao Hiệu Minh - HM (tên blog) lại mau mắn trở về hội ngộ với bạn đọc.

Cái Entry mới này của HM viết ngắn thôi, nhưng đúng là mọi ý tứ đều rất cân nhắc; xử lý câu chữ vừa độ và tế nhị. Có thể nói tác giả của nó muốn gửi gắm nhiều điều trong những con chữ, nhưng lại cố gắng tiết chế với sự chắt lọc khá kỹ càng.

Về phần tôi rinh bài này về, chỉ muốn thêm ở đây một địa chỉ CÁM ƠN nữa, nó rất cần phải gửi lời đến: Đó là xin nhiều lần Cảm ơn chính tác giả Hiệu Minh, người đang làm ăn sinh sống ở tận rất xa đất nước nhưng đã hiểu mọi sự tình và ở bài này nói hộ nhiều anh em chúng tôi ở trong nước vào đúng thời điểm này.

Nguyễn Vĩnh

------------------------------

Cảm ơn…biểu tình


Quyết biểu tình cho Tổ quốc quyết sinh.

Tổng Cua từng đi xin việc, từng được phỏng vấn và kể cả phỏng vấn người xin việc. Y cũng biết vài mẫu thư cảm ơn (Letter of thanks) nhưng kiến thức về cảm ơn rất kém.
Tìm trên mạng chỉ thấy vài mẫu như cảm ơn vì được phỏng vấn xin việc, sau khi nhận quà, đồ mừng cưới, quà Giáng sinh, cảm ơn thầy cô… nhưng không thấy có mẫu thư cảm ơn người biểu tình, xuống đường, hay còn gọi là tụ tập như cách dùng của TTX.

Nghĩ nát óc không ra cách làm thế nào để cảm ơn những người biểu tình ngày 24-7-2011. Trong trường chẳng ai dạy cách viết thư đặc biệt này. Dân ta cũng ít khi cảm ơn. Có lẽ vì thế mà viết khó chăng.
Thôi thì Tổng Cua bắt đầu trước, và các bạn tự thêm vào. Nhớ viết ngắn gọn, cảm ơn ai vì việc gì và tác động ra sao.

First of all – Trước hết, Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã không nói gì và “cho” nhân dân…tụ tập ủng hộ Đảng và Chính phủ.

Trang mạng của anh "Ba Sàm"

Cảm ơn hai bloggers hàng đầu Basam và Nguyễn Xuân Diện và nhiều blog khác vì những tin tức nóng hổi từ đường phố thông qua những hình ảnh sống động. Nhờ đó mà biết Tiến sỹ Quang A bị công an quấy rầy trước khi đi biểu tình và nhiều trí thức lớn đã rất lo lắng, cho tới khi nhìn thấy anh trong đoàn người đi trên bờ Hồ và thậm chí còn trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài. Nhờ có blogs mà bạn đọc khắp thế giới biết được Hà Nội có biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 8, chả là 700 tờ của bác 4T “tọa sơn quan hổ đấu”. Thông tấn xã VH (hè) thay cho Thông tấn xã VN

Cảm ơn những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp vì đã quay video, chụp ảnh và gửi thẳng từ cellphone, camera, iPad2, iPhone… về cho những “tòa soạn di động”, không nhà không cửa, không phóng viên, không thù lao lại dễ bị vào nhà lao. Cảm ơn người nghiệp dư trước vì họ gửi cho lề trái, cảm ơn cánh chuyên nghiệp sau vì họ chụp/quay rất đẹp, nhưng chỉ để ngắm trong buồng với vợ. Đưa đến tòa soạn lề phải không ai đăng.

Ts Quang A trả lời phỏng vấn.

Cảm ơn anh Nguyễn Quang A, một IT nổi tiếng nhất của VN, nguyên giám đốc 3C, nguyên thành viên IDS đã giải thể, vì đã có cuộc đào thoát ngoạn mục và ra phố “đi chơi bờ Hồ” với 500-600 anh chị em. TS Lê Đăng Doanh, cựu thành viên khác của IDS, cũng cảm ơn anh A ”đã chia sẻ thông tin (chuyện bị quấy rầy). Có thể nhận định đây là một chiến thuật mới nhằm hạn chế hoạt động của anh. Mong anh cảnh giác, bình tĩnh và hành động cương quyết để tự bảo vệ mình. Chúng tôi luôn ở bên cạnh anh”. Nước mình có nhiều Tiến sỹ dám dấn thân như các bác này thì “bố thằng nào dám động vào”. Mà sao TS Nguyễn Hồng Kiên, làm khảo cổ gì đó, hay xưng cháu trên blog lại cũng ra đường. Trông ông ta cũng yểu điệu như Gốc Sậy thế mà dám hô “Đả đảo…Gốc Tre”

Cảm ơn hai người đẹp mặc áo dài đẹp mê hồn đã đeo băng rôn “HS, TS là của VN” và mang khẩu hiểu biết ơn các 74 liệt sỹ Hoàng Sa (1974) và 64 liệt sỹ Trường Sa (1988). Chả biết tên các chị là gì nên tạm gọi là hoa hậu của cuộc biểu tình ngày 24-7. Gửi lời cảm ơn các bà, các chị có mặt ngày hôm đó. Đàn bà Việt ra đường mà đàn ông Việt ngồi nhà xem tivi hay đọc blog thì có xứng là mày râu không.

Cảm ơn nghệ sỹ violon già của đường phố. Nhờ có nhạc của ông mà đoàn người có những bước quân hành hùng tráng.
Hai người đẹp

Cảm ơn các cháu nhỏ đã ra đường cùng cha mẹ giúp cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Sự có mặt hồn nhiên của các cháu đã làm cho người lớn xấu hổ vì sao lại không ra đường như các cháu.
Cảm ơn nhân dân Hà nội đã đứng xem và không nói gì về chuyện tắc đường do biểu tình.
Cảm ơn các đồng chí công an, an ninh, thường phục cũng như chìm, vì đã dùng cả xe công để bảo vệ đoàn biểu tình, mô tô cảnh sát với loa phóng thanh đi dẹp đường, giúp cho khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc xâm lược“ được vang xa đến gần tượng Lê Nin. Không có họ thì dễ xảy ra tắc đường, lộn xộn, bọn xấu trà trộn vào phá đám, trộm cắp và bê người…chạy.
Cảm ơn các báo lề phải đã im lặng để báo lề trái lên ngôi. Cảm ơn các nhà báo chuyên nghiệp đã tạm tránh xa để cánh nghiệp dư tác nghiệp.

Cú đạp lịch sử
Last but not least, Và cuối cùng, phải đặc biệt cảm ơn Đại úy Minh. Cú đạp vào mặt của người biểu tình cuối tuần trước đã làm cục diện thay đổi. Hình ảnh người công an trong lần biểu tình này đã khác, cách hành xử đối với người biểu tình cũng đã khác, không có bắt bớ, giam cầm và dọa nạt. Nhờ có anh Minh mà nhân dân hiểu công an hơn và công an cũng hiểu dân hơn. Công an đã nhớ ra lời dạy của Hồ Chủ Tịch “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”. Một lần nữa cảm ơn đại úy Minh vì cú đạp lịch sử.

Kính mời các bác cảm ơn thêm bằng những phản hồi.
Cảm ơn, thanh you, merci…

HM. 25-07-2011 (Nguồn: Hiệu Minh Blog)

PS. Ảnh trong bài lấy từ trang web của AnhBasam (http://anhbasam.files.wordpress.com). Xin cảm ơn anh rất nhiều.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Tân Chủ tịch nước phát biểu

Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm
 
Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí về chủ quyền biển đảo, giải quyết tranh chấp Biển Đông và chuyện phòng chống tham nhũng.


Là nước nhỏ nên phải dựa vào sức mạnh tập thể

Trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước có đề cập đến việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Ngay tại kỳ họp này, một số đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nên có nghị quyết về Biển Đông, vậy quan điểm của Chủ tịch nước về vấn đề này như thế nào?

- Trong chương trình này, Chính phủ s báo cáo Quốc hội về Biển Đông. Còn có ra nghị quyết không thì với thẩm quyền của mình, Quốc hội sẽ quyết định.



Văn bản, giấy tờ về phòng chống tham nhũng rất nhiều. Vấn đề là phải hành động - Chủ tịch nước chia sẻ với báo giới. Ảnh: Lê Anh Dũng
Riêng cá nhân tôi cho rằng việc ra nghị quyết hay không còn phụ thuộc vào tình hình và tùy thuộc vào ý chí của các đại biểu.

Chỉ có điều chắc chắn là sẽ có báo cáo của Chính phủ theo yêu cầu của Quốc hội.
Nhưng theo Chủ tịch nước thì thời điểm này đã phù hợp để Quốc hội ra nghị quyết về Biển Đông chưa?

- Vấn đề này do Quốc hội chứ không phải là do Chủ tịch nước. Nhưng các bạn có hỏi là với tư cách đại biểu thì tôi xin nói, lúc đó, khi tới chương trình Quốc hội bàn về Biển Đông, tôi sẽ thể hiện thái độ của mình. Các bạn cứ yên tâm một điều là lúc đó tôi sẽ có trao đổi về vấn đề Biển Đông.


Theo quan điểm của Chủ tịch nước, Việt Nam cần làm gì để vừa giữ vững chủ quyền biển đảo vừa đảm bảo được vị thế độc lập khi chúng ta là láng giềng một nước lớn?

- Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội chiều nay, vấn đề chủ quyền biển đảo với bất cứ quốc gia nào cũng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bất cứ quốc gia nào dù to, nhỏ cũng đều có nhận thức chung như vậy.

Để giữ vững chủ quyền biển đảo, theo tôi có ba cơ sở quan trọng: luật pháp, lịch sử và chiếm hữu, khai thác thực tế.

Trong vấn đề luật pháp có luật quốc tế và quốc nội. Công ước luật biển năm 1982 là thành quả đấu tranh lâu dài của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ. Ngày xưa, lãnh hải chỉ có 3 hải lý, sau đó mở rộng ra là 12 hải lý rồi vùng đặc quyền kinh tế là 200 hải lý.

Nước lớn có vị thế khác, nước nhỏ có vị thế khác. Chúng ta là nước nhỏ nên phải dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, của Công ước luật biển 1982 để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế. Đó là quan điểm dứt khoát.

Đương nhiên, trên cơ sở Công ước, chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, để xác lập quyền chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý cũng như về thực địa.
 
 
Chống tham nhũng: Phải hành động thôi

Người dân rất quan tâm đến quyết tâm chống tham nhũng của lãnh đạo cấp cao nhiệm kỳ mới. Vậy Chủ tịch nước có xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm?

- Những vấn đề chung thì tôi đã nói trong bài phát biểu trước Quốc hội.
Riêng về phòng chống tham nhũng, đây là vấn đề rất bức xúc của cử tri cả nước.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng thì đã rõ, nghị quyết và luật pháp đều đã có, vấn đề là hành động thôi.

Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đã đánh giá công tác này có một số kết quả nhất định nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Nên theo tôi, Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành đất nước, đặc biệt là trong mặt trận phòng chống tham nhũng để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào cả nước.

Tôi biết chắc rằng từng đại biểu Quốc hội, và rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã hứa hẹn tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tôi hy vọng là các đại biểu sẽ không chủ quan trước lời hứa này, còn nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chúng tôi, trong đó có cá nhân tôi, để góp phần thúc đẩy việc phòng chống tham nhũng của khóa này có kết quả, ít ra là tốt hơn khóa vừa rồi.

Cụ thể chúng ta sẽ thực thi nhiệm vụ luật pháp nghiêm minh hơn như thế nào hoặc có cơ chế gì cụ thể hơn để làm tốt hơn công tác phòng chống tham nhũng, thưa ông?

- Nghị quyết Trung ương 3 khóa X là một quyết tâm rất lớn của Đảng. Trước đó đã có Nghị quyết phòng chống tham nhũng, thực hành chống lãng phí hết sức rõ ràng, không thiếu điều gì. Quốc hội cũng cho phép thành lập Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh và TƯ.

Sắp tới, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải năng nổ và hoạt động tích cực hơn. Tôi cũng đã
nói khi tiếp xúc với cử tri là cần phải rà soát lại cơ chế, chính sách xem còn gì sơ hở nữa không, nếu cần thiết thì phải sửa.

Mặt khác, tổ chức bộ máy và chỉ đạo ở từng khâu nếu thấy cái gì còn yếu, không phù hợp thì phải sửa.
Nói tóm lại, phòng chống tham nhũng là phải hành động. Văn bản, giấy tờ rất nhiều, hết sức đầy đủ, không cần tốn công sức nhiều lắm để nghiên cứu nữa. Vấn đề là phải hành động một cách kiên quyết
như gửi gắm của đồng bào cử tri cả nước .

Chủ tịch nước suy nghĩ gì về bức xúc của cử tri quanh những “con sâu làm rầu nồi canh”?

- Đây là phát biểu của một đại biểu Quốc hội, một cựu chiến binh bức xúc về tham nhũng. Lâu nay ông bà nói “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đồng chí đó nói bây giờ không phải một con sâu mà nhiều con sâu.

Đồng chí đó hỏi tôi là phải làm thế nào đây, tôi đã trả lời: “Đúng là ông bà lâu nay nói chỉ một con sâu đã làm rầu nồi canh. Bây giờ đồng chí nói nhiều con sâu thì đúng là rất nguy hiểm. Đồng chí và tất cả chúng ta phải ra sức mà chống cho tốt, nếu phòng chống mà không tốt, trở thành một bầy sâu thì rất nguy hiểm cho đất nước này”.

Nghị quyết của Đảng đã có, luật pháp đã đầy đủ, bây giờ phải hành động thôi.


Nhất thể hóa: Ý kiến chưa nhất trí tuyệt đối

Có ý kiến đề nghị nhất thể hóa, tức là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Quan điểm của Chủ tịch nước về vấn đề này?
Chuyện có nhất thể hóa hai chức danh này hay không là vấn đề liên quan đến công tác bố trí và sử dụng cán bộ của Đảng lâu nay. Các đồng chí biết là các kỳ Đại hội Đảng đã bàn chuyện này, kể cả Đại hội vừa rồi, các cấp từ xã, huyện đến Trung ương cũng bàn. Nhưng độ chín để đi đến quyết định hai chức danh này là một thì chưa có sự nhất trí tuyệt đối. Vì vậy hiện nay hai chức danh này vẫn là hai người như các đồng chí đã thấy.

Lê Nhung (ghi)
Nguồn: VietnamNet

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...