Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Biển Hoa Đông: Căng thật hay tung hỏa mù





Biển Hoa Đông: Căng thật hay tung hỏa mù

Ít tháng nay các tranh chấp Trung-Nhật có lúc rất căng xung quanh vụ đảo Senkaku/Điếu Ngư. Như quy luật, một bên làm dữ thì bên kia chùng xuống chút (khi mới cũng vờ căng như dây đàn, nhưng rồi lại chủ động “xìu” xuống).
 
Thế giới người ta quan sát rất biết 2 ông khổng lồ châu Á này- ít nhất là sức mạnh kinh thế, là nước thứ nhì nước thứ ba xếp sau kinh tế Mỹ - cũng chỉ "vờn nhau" tạo thế và gây sức ép lên nhau thôi, chứ sức mấy họ đánh nhau lúc này. Ghè nhau lúc này thì thiệt hại kinh tế quá khủng, nên phải tiết chế, tính toán. Với lại cái anh TQ thích bành trướng, gây chiến nhưng trước đối tượng "ghê răng" như Nhật Bản lại càng phải cân nhắc kỹ, chưa kể sau lưng Nhật là Hoa Kỳ...

Theo dõi kỹ thì các ngón đòn tung ra của Trung Quốc đối với Nhật lại nhằm vào một mục tiêu khác. Tức là họ giương đông kích tây vậy là cốt dọa mạnh các quốc gia có tranh chấp Biển Đông với họ.

Tạm phân tích thì với Philippines, thời gian qua có lúc tranh chấp rất căng, tưởng như “đứt dây đàn” đến nơi (xung quanh vụ Bãi Cạn). Nhưng rồi lại có xu hướng dàn hòa. Nhất là mới đây thứ trưởng ngoại giao TQ là Phó Oánh đã tới thủ đô Phi như một cử chỉ thiện chí muốn “xếp” tạm hồ sơ vụ việc kia, đặt lên bàn đàm phán là sự hợp tác lâu dài về biển đảo… Thực hư ra sao chưa rõ, nhưng rõ ràng thấy phía Manila cũng yên yên. Đó là điều khó hiểu.

Vậy nên những căng thẳng ở vùng biển Hoa Đông giữa Bắc Kinh và Tokyo kia liệu có thực là mục đích thật trong cả chuỗi hành động đòi chủ quyền các vùng biển quanh TQ hay không? Hay đích thật nhắm tới của Bắc Kinh lâu nay lại vẫn là vùng Biển Đông mà họ đang gây rất nhiều sức ép với Việt Nam?
 
Với mọi chiêu đòn của Bắc Kinh, đều tính toán kỹ càng và thâm hiểm, thì việc cảnh giác của chúng ta lúc nào cũng không bao giờ là thừa cả.  

Dù sao cũng nên tham khảo tin tức mới nhất liên quan đến các tranh chấp Trung-Nhật ở vùng biển Hoa Đông để từ đó rút ra những gì Việt Nam luôn phải đề phòng - nếu không muốn phải chạy  theo và bị động một khi lâm sự.
 

Vệ Nhi
 

------ 

Tàu Trung, Nhật đối đầu ở đảo tranh chấp

 
Các tàu tuần tra Trung Quốc hôm qua 'lời qua tiếng lại' và xua đuổi các tàu Nhật Bản gần nhóm đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, diễn biến mới nhất trong chuỗi những vụ chạm mặt suốt gần hai tháng qua.


Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu hải giám Trung Quốc di chuyển song song nhau gần nhóm đảo tranh chấp hôm 25/10. Ảnh: AP

 
AP dẫn thông báo từ Cục Quản lý Hải dương Nhà nước Trung Quốc cho hay, 4 tàu hải giám của nước này đã đi vào vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư lúc 10h sáng theo giờ địa phương.

"Các tàu đã giám sát tàu tuần duyên Nhật Bản trong khu vực, nghiêm khắc thực hiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và tiến hành những biện pháp xua đuổi", thông báo cho hay.

Phát ngôn viên tuần duyên Nhật Bản Yuji Kito cho biết các tàu từ hai nước đều phát đi những tín hiệu tuyên bố đang ở trong vùng lãnh hải của mỗi nước và yêu cầu bên kia rời đi.

"Phía Trung Quốc ra hiệu bằng cả tiếng Trung và tiếng Nhật", ông Kito cho biết qua điện thoại từ trụ sở đội tuần duyên tại Okinawa, nơi quản lý các đảo. "Họ từng có hành động này trước đây và chúng tôi cũng thế", ông nói và thêm rằng tình hình không căng thẳng hơn so với những vụ chạm mặt lần trước.

Các đảo nhỏ không người sinh sống thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đều nằm ở tuyến đường hàng hải chiến lược trên biển Hoa Đông và được cho là có nguồn tài nguyên, khoáng sản dồi dào. Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động "tuần tra" quanh nhóm đảo này sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số 5 đảo.

Tàu Trung Quốc từng phạm vào vùng biển 12 hải lý mà Nhật Bản xem là lãnh hải của mình gần nhóm đảo. Máy bay của Bắc Kinh cũng tăng cường hoạt động tại khu vực này.

Gần đây, hai bên đã bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn nhằm xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại lên tiếng yêu cầu "Tokyo nhận thức rõ cuộc tranh chấp, đối mặt với sự thật, sửa chữa lỗi lầm và đàm phán". "Chúng tôi hy vọng Nhật Bản thể hiện thái độ chân thành thực sự và nỗ lực giải quyết vấn đề hiện nay", ông nói.

Trong khi đó, một quan chức thuộc lực lượng tự vệ Nhật Bản hôm qua cũng cho hay, Tokyo và Washington sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung vào tháng sau. Khoảng 37.000 binh sĩ của Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập cùng 10.000 binh sĩ Mỹ từ ngày 5 đến 16/11.

Trước đó, Mỹ và Nhật Bản dự kiến tập trận tại hòn đảo không người Irisuna thuộc tỉnh Okinawa, cách đảo chính Okinawa khoảng 50 km về phía tây và cách Trung Quốc khoảng 550 km, với kịch bản giành lại đảo bị lực lượng nước ngoài chiếm đóng.

Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị hủy bỏ như một động thái tránh làm leo thang căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cuộc tập trận tới đây sẽ không diễn ra ở đảo trên.

Khoảng 30 tàu chiến và 240 máy bay sẽ được triển khai tham gia cuộc tập trận chung trên thực địa hai năm một lần này. Đây sẽ là cuộc tập trận lần thứ 11 theo hình thức này và bao gồm việc vận chuyển lực lượng phòng vệ mặt đất của các tàu hải quân Mỹ và bảo vệ các căn cứ ở Nhật Bản.

Anh Ngọc
 

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Chuyện mua bán vũ khí & một câu hỏi khó




Chuyện mua bán vũ khí & một câu hỏi khó
 

Bản tin trên website “Tiếng nói nước Nga” cách đây hơn một tuần đưa tin Tổng thống Nga Putin nói rằng Nga sẽ  áp dụng “lối tiếp cận mới trong hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước BRICS và Việt Nam”. Đáng chú là tin này phát đi, nếu chủ blog tôi nhớ không lầm là trong dịp ông Tổng tham mưu trưởng của quân đội chúng ta đang là khách thăm chính thức của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

Câu chuyện quân đội nước ta mua sắm vũ khí của Nga, từ lâu nay điều này đã được thông tin khá đậm trên các phương tiện truyền thông báo chí Nga và Việt Nam, trong đó trang blog nhỏ này cũng đã từng đề cập nhiều lần, ở nhiều góc độ.

Nhìn chung người dân biết được chủ trương này (hợp tác và mua vũ khí từ Nga) thì đều nghĩ rằng những nhà lãnh đạo đất nước, trong trường hợp cụ thể này là giới lãnh đạo quốc phòng ở ta, đã chọn một hướng đúng, đúng về nhiều lẽ… Chẳng phải là, trong các cường quốc, chỉ riêng Nga là họ chưa hề xuất hiện như kẻ đối địch quân sự với chúng ta bao giờ, từ xưa đến nay. Vì thế mà sự hợp tác, về mua sắm vũ khí từ nước họ đưa lại cho chúng ta một sự “kín nhẽ” về chính trị. Nên mong sao cả phía ta và bạn đều “đi đến đầu đến đũa” trong chuyện hợp tác mua bán cái loại hàng hóa “đặc biệt” này. Và chúng ta chỉ một niềm mong muốn giản dị: “Tất cả vì sự nghiệp quốc phòng nhân dân”. Làm sao cho trang bị đủ mạnh cho quân đội của chúng ta về vũ khí khí tài, về các kỹ năng xử lý và bảo trì lâu bền… nhằm đủ sức giữ gìn bờ cõi đất nước, từ trong đất liền đến biển khơi xa…

Lại nói thêm về bản tin trên: Nó vẻn vẹn 202 chữ, trong đó có 22 chữ ở câu cuối cùng là nhắc đúng một lần đến từ “Việt Nam” (câu đó là “ Đồng thời Tổng thống Putin khẳng định, trên bình diện này Nga có một đối tác tin cậy là Việt Nam”).

Mời các bạn và bà con đọc bản tin rất ngắn đó, triển khai toàn bộ ý kiến của tổng thống một nước siêu cường (chắc chắn về mặt quân sự, là tiềm lực và cũng là năng lực thực sự về quốc phòng) trong một định hướng mới về hợp tác, chia sẻ về kỹ thuật và quân sự với các quốc gia đối tác, trong các nước đó có Việt Nam.

Mọi điều bình thường cả, chỉ có một chi tiết, có thể cũng là điểm cấn cá cần nêu lên, đó là Nga họ bán vũ khí cho ai là chủ quyền và tính toán của họ; họ hợp tác kỹ thuật - quân sự với các nước của khối “Brics” thì đấy là chính sách nội khối của họ, chẳng ai có quyền xen vô, can thiệp vô, một điều kông có gì phải tranh cãi... Mà ở đây, Brasil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi mua vũ khí Nga, điều đó hiểu được rồi. Nhưng trong số nước của khối này lại có Trung Quốc. Phải chăng nếu suy nghĩ kỹ trong tình hình “có chuyện” về Biển Đông hiện nay như trường hợp chúng ta. thì chuyện trùng hợp đó cũng là “điều đáng ngại” cho chính chúng ta phải không? Bởi vũ khí và theo đó là một chính sách quốc phòng có những điều tế nhị khó mà nói ra được. Nước Nga thuộc số ít nước không chỉ cần "vơ tiền vào" mà còn là một vai vế quốc tế. Trong trường hợp mà vấn đề lợi ích chính trị quân sự và kinh tế nảy sinh, người ta có điểm gì đó phải cân nhắc tính toán giữa các đại cường quốc với nhau, thì liệu Việt Nam mình có  được vị trí ưu tiên không trong bàn tính toàn cầu của phía họ? Trả lời cho thắc mắc này cũng thật là khó. Chủ blog tôi đương nhiên "bí rì" rồi, xin chờ cao kiến từ bà con thế giới mạng...

Vệ Nhi

 
--------

Ông Putin: Nga áp dụng lối tiếp cận mới trong hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước BRICS và Việt Nam

 




© Collage «The Voice of Russia»

Nga sẽ phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật với các nước BRICS và với Việt Nam trên cơ sở những lối tiếp cận mới, đảm bảo tính chất linh hoạt và hiệu quả.
 
Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của Ủy ban hợp tác kỹ thuật-quân sự. Ông Putin giải thích rằng ở đây nói về sự hiệp lực sâu sắc trong các công trình nghiên cứu khoa học và sáng chế công nghiệp, về thành lập những hệ thống dịch vụ hiệu quả và chăm sóc bảo dưỡng sau khi mua bán hàng, cũng như về bước đi chung tiếp cận thị trường các nước thứ ba.
 
 
брикс страны брикс 2012 февраль коллаж
 
Các quốc gia trong khối Brrics (phần "tô màu xanh")
 
Tổng thống Putin lưu ý rằng cư dân các quốc gia BRICS chiếm 43% dân số Trái đất và tổng giá trị GDP kết hợp của các nước này bằng khoảng 1/5 GDP toàn thế giới. Như ông Putin nhận xét, về lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự thì Ấn Độ và Trung Quốc có truyền thống là đối tác chủ chốt của Nga. Đồng thời Tổng thống Putin khẳng định, trên bình diện này Nga có một đối tác tin cậy là Việt Nam.
 
 
-----
 
THAM KHẢO THÊM VỀ VŨ KHÍ HIỆN ĐẠI MỚI CỦA NGA




Video, ảnh: Hé lộ siêu trực thăng chiến đấu Nga

 
Các trang mạng quân sự đang xôn xao về thông tin chiếc trực thăng chiến đấu tối tân của Nga mang tên Mi 35 với những tính năng cực mạnh.

Theo báo Tiếng nói nước Nga, máy bay trực thăng quân sự mới nhất Mi-35 của Nga đã thực hiện bắn thử lần đầu tiên tại thao trường ở tỉnh Krasnodar. Nguồn tin quân sự của trang Strategypage cũng xác nhận thông tin này và nói thêm rằng hiện quân đội Nga mới chỉ được trang bị vài chiếc Mi-35.




Hình ảnh được cho là của siêu trực thăng chiến đấu Mi 35 Nga - Ảnh: Strategypage

Theo đó, siêu trực thăng chiến đấu Mi-35 được bổ sung "nhiều tính năng vượt trội về khả năng chống bị radar phát hiện và trang bị vũ khí có độ chính xác cao".



Chiếc Mi-24 và những quả rocket mang kèm

Những tính năng kỹ thuật chính xác của trực thăng hiện vẫn được giữ bí mật và với giới săn tin quân sự, trong khi những bức ảnh chụp buồng lái cũng không hề có trên các trang mạng.




Hỏa lực của Mi-24 vốn đã được coi là mạnh không kém trực thăng Apache nổi tiếng của Mỹ. Với dòng trực thăng Mi-35 sắp tới, hệ thống vũ khí được cho là sẽ còn tân tiến hơn nhiều


Bề ngoài, Mi 35 hay còn được NATO gọi là Mi 24P giống như chiếc "Cá sấu" nổi tiếng - biệt hiệu của máy bay Mi-24.



Nhiều trang mạng quân sự cũng nói về khả năng 'tàng hình' trước các loại radar của Mi-35


Về vũ khí, Mi-35 được trang bị ba khẩu pháo kép cỡ 23 ly và tên lửa chống tăng có độ chính xác cao với lời giới thiệu là "sát thủ xe tăng".




Hiện chưa nhìn từ dưới lên của Mi-35


Mi-35 được sản xuất để hướng tới mục tiêu thích ứng trong nhiều điều kiện thời tiết, địa hình và đáp ứng nhiều nhiệm vụ. Hệ thống hỏa lực cực mạnh của Mi-35 được nói là sẽ không cho đối thủ ẩn nấp trong vùng núi có cơ hội trả đòn.




Một phiên bản được dùng cho địa hình tuyết của Mi-35


Mỗi chiếc Mi-35 khi xung trận có thể mang theo 12 tên lửa dẫn đường chống tăng Shturm (NATO gọi là AT-6 Spiral). Đầu đạn nặng 5,4kg của Shturm có thể xuyên phá giáp dày 6,5cm, tầm bắn chính xác tối đa 5km.



Mi-35 được trang bị tới 4 pháo cùng hệ thống súng đại liên gắn hai bên thân


Một loại tên lửa chống tăng nữa cũng đã được lắp đặt thành công trên Mi-24 dự kiến cũng sẽ xuất hiện trong phiên bản Mi-35, đó là tên lửa chống tăng tầm dài Ataka. Đầu đạn Ataka nặng 7,4kg và có thể phá được lớp giáp dày 8cm.

Thiết kế khoang rộng rãi của Mi-35 cũng khiến nó có thể nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình máy bay chở đặc nhiệm sang máy bay chở thiết bị cứu thương.

>>Không quân Nga dùng 'Cá sấu chúa' thay thế 'Cá mập đen'

Trong những phi vụ cần chở lính đặc nhiệm đổ bộ, Mi-35 có thể chở được 8 người, không kể thành viên phi hành đoàn gồm 1 phi công điều khiển và 1 xạ thủ.

Ở đây, trong khoang dành cho lính đổ bộ có thể chứa 8 người, trong trường hợp cần thiết, nơi này sẽ trở thành khoang cứu thương và thực hiện sơ tán thương binh ra khỏi chiến trường.

Video được cho là quá trình tác chiến thử nghiệm của Mi-35

Nguyên Vũ

Nguồn: http://tintuc.xalo.vn/news/tl/Be-bi-bat-coc-o-truong-co-the-sang-chan-tam-ly/524818-13-1-20.htm

 
 

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Campuchia: Có một cách nhìn khác & lạ



ĐỌC TRÊN MẠNG

CPC: Có một cách nhìn khác & lạ

Lướt tin-bài trên mạng, thấy một bài viết mà từ quan điểm, cách nhìn cho đến giọng điệu đều khá là mới và lạ… Tôi muốn đưa lại đây bà con cùng tham khảo.
 
Bài ký tên như kiểu nickname chát trên mạng (NIGHTMOONLIGHT), tưởng như người nước ngoài, nhưng tôi nghĩ là người Việt mình thôi.
 
Đối với một bài viết về đề tài ngoại giao với những lời bình về quan hệ quốc tế như thế này thì việc biết được tác giả là ai khá là quan trọng. Tiếc là với tư liệu như vậy thôi thì không cho phép chúng ta đạt được điều đó... Thôi chúng ta hãy chấp nhận đọc một bài "ẩn danh" tác giả; và chỉ căn cứ vào nội dung của nó mà xét đoán và rút ra những cách đánh giá của mình trước những nhận định về Campuchia cũng như về Việt Nam của một tác giả không rõ "nguồn" có khá nhiều điều khác và lạ... Và như thế là đáng quan tâm và rất nên tham khảo. 
 

Vệ Nhi g-th
 
 

------ 


Campuchia đã từng là đồng minh thân cận của Việt Nam trong quá khứ. Mối quan hệ này xoay quanh cuộc chiến chống Khmer Đỏ do Trung Quốc giật dây. Thủ tướng Hunsen của Campuchia, người cầm quyền đến bây giờ là do Việt Nam đưa lên thay chính quyền Polpot.
 


 
 
Bài viết của độc giả Nightmoonlight ( moonlightofthenight@gmail.com This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ) gửi tới REDS.VN. Bài cùng tác giả: Vì sao nền kinh tế Việt nam thảm haị đến thế?; Trung Quốc sẽ gây chiến tranh vào lúc nào? Vì sao?
 
 
Từ sau vụ việc “ASEAN không ra được thông cáo chung” hồi giữa tháng 7, trong dư luận Việt Nam đã hình thành một tâm lý cho rằng Thủ tướng Hunsen và người Campuchia đã phản bội, bán đứng Việt Nam để ngả vào tay Trung Quốc.
 
Đây là lý do khiến tôi phải bày tỏ quan điểm của mình, từ góc độ của một người luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình biển Đông và quan hệ ngoại giao trong khu vực.
 
Bản chất của vấn đề này là như thế nào? Trước hết, ta phải tóm tắt lại một chút:
 
Lần đầu tiên trong 45 năm, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 45 đã không thông qua được thông cáo chung. Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói chính phủ ông không ủng hộ bất cứ bên nào trong các tranh chấp. Trước vụ việc này, Việt Nam nói lấy làm tiếc vì hội nghị không thông qua thông cáo chung, trong khi Philippines tức tối chỉ trích Campuchia không tiếc lời. Indonesia thì cử ngoại trưởng Marty Natalegawa thực hiện một chuyến “ngoại giao con thoi” và nhảy như cóc đến các nước liên quan. Trung Quốc thì im lặng trên mặt ngoại giao.
 
Điều đầu tiên tôi cần nói là nhận xét của tôi về Campuchia:
 
Campuchia đã từng là đồng minh thân cận của VN trong quá khứ. Mối quan hệ này xoay quanh cuộc chiến chống Khmer Đỏ do TQ giật dây. Thủ tướng Hunsen của Campuchia, người cầm quyền đến bây giờ là do VN đưa lên thay chính quyền Polpot thân TQ. Ngày nay ở Campuchia, VN vẫn làm rất nhiều điều như nhận đào tạo, giáo dục cho Campuchia về mặt nhân lực, hỗ trợ về mặt chính trị, thậm chí, trực tiếp đào tạo tướng lĩnh cho Campuchia.
 
Nhưng Campuchia của hiện tại có còn là đồng minh của Việt Nam không?
 
Ông Hun Sen, Thủ tướng CPC
 
Bây giờ tôi có 3 chuyện ngoài lề mà tôi đã được nghe về mối quan hệ Campuchia -VN:
 
- Trước đây, khi chính phủ mới thành lập (sau Polpot) bị Thái Lan đánh để giành đất, Campuchia chống không nổi, gọi đến VN, VN im lặng không nói gì, chỉ bảo với Campuchia: “Đem quân phục lính Campuchia qua đây”. VN cho quân đội mặc quân phục Campuchia vào và đánh lùi quân Thái về biên giới. Vậy Thái có biết không? Biết chứ, tức lắm, nhưng không làm gì được VN cả! Nói vậy cho bạn thấy VN trên quốc tế có thể không nói nhiều, nhưng luôn giúp đỡ ngầm cho Campuchia, điều này thiết thực hơn vô số các tuyên bố sáo rỗng, và Campuchia biết điều đó.
 
- Vụ kế tiếp là tranh chấp ngôi đền Preah Vihear, vừa mới nghe UNESSCO công bố là di sản thế giới là Thái Lan ngay tức khắc giở trò. Thế là Thái bắt đầu kèn cựa Campuchia. Rạch ròi ra thì ngôi đền đó thuộc đất của Campuchia, nhưng trớ trêu nỗi là một phần mảnh đất thuộc ngôi đền đó lấn qua đất Thái, vì thế Thái mới kiếm chuyện.
 
Trớ trêu thứ hai, cái đền ở trên núi, đường đi từ Campuchia đến ngôi đền toàn núi là núi rất khó đi, trong khi đường từ Thái Lan vòng qua rất gần, chỉ hơi dốc, cho nên Campuchia lâm vào thế của nhà mình mà khó phát triển du lịch, còn Thái cơ sở vật chất tốt mà lại không được sở hữu ngôi đền để phát triển du lịch (cả hai nước này đều kiếm sống bằng du lịch). Và tức khắc, xe tăng quân đội kéo ra ầm ầm để dọa nhau.
 
Bí thế, em Campuchia hỏi anh VN: “Giờ phải làm sao”. VN trả lời: “Phần đất mày mày cứ lo giữ đi, còn vụ vô đền để tao, tao xây tuyến cáp treo xuyên qua núi dẫn vào đền, cho mày tha hồ làm du lịch!”. Đây là ví dụ tiếp theo về việc sự “giúp đỡ trong im lặng” của Việt Nam đối với Campuchia.
 
- Vụ gần đây nhất là Campuchia gặp thiên tai, trên báo VN đăng tin các chiến sĩ bộ đội biên phòng VN qua Campuchia giúp đỡ người dân. Ta thấy gì qua mẩu tin này? Liệu việc triển khai quân đội vào quốc gia một nước khác có dễ dàng vậy không, dù là với mục đích nào đi chăng nữa? Bạn thể tưởng tượng nổi chuyện bộ đội Trung Quốc vượt qua biên giới Việt Nam để cứu trợ người dân không?
 
Bây giờ hãy trở về với cái thông cáo chung ASEAN. Cái thông cáo ấy thực ra mà nói, nó chẳng là gì cả. Hãy nhìn vào một thực tế là ba cái COC, DOC gì gì đó của ASEAN có đủ sức kiềm chế TQ hay không, khi mà TQ vốn từ xưa tới nay chẳng bao giờ tuân thủ luật pháp quốc tế, toàn chơi luật rừng đè lên các nước nhỏ bé? Lẽ hiển nhiên, ai có thể làm gì TQ khi mà TQ là ủy viên thường trực hội đồng bảo an LHQ?
 
Bạn biết tại sao mỗi khi tòa án quốc tế mở phiên xử đồng bọn Polpot thì rốt cục chả bao giờ đi đến đâu không? Bởi vì cứ mỗi khi hỏi đến câu: “Ai là kẻ sai các người thảm sát dân chúng, ai đứng sau vụ này?” là hoãn, không xử nữa. Vậy bạn đã hiểu là tòa án ngại dính đến TQ như thế nào chưa?
 
Vậy nhìn một cách thoáng ra, cái thông cáo ấy có thông qua cũng chả được gì hết, sở dĩ mọi người sốt sắng vì lí do: “đây là lần đầu tiên sau 45 năm…”. Theo tôi, ngược lại có khi không thông qua lại hay hơn, ai biết được tương lai VN có “mua dây buộc mình” với cái tuyên bố chung ấy không? Ai biết được cuộc chiến biển Đông tương lai, cái thông cáo này có làm khó dễ VN ở mặt ngoại giao không?
 
Kế đến, tất nhiên là thái độ của Việt Nam:
 
Ngoại trưởng CPC đã rất nhiều năm nay, ông Ho Nam Hong
 
Với quan sát của tôi, ngạc nhiên nhất là phản ứng rất “nhẹ nhàng” từ phía Việt Nam. Tất cả những gì Bộ trưởng ngoại giao VN nói Chỉ gói gọn trong câu “VN lấy làm tiếc vì ASEAN đã không thông qua được thông cáo chung”.
 
Tại sao lại như thế? Nếu như nước chủ nhà khiến thông cáo chung không thể thông qua được là Thái Lan, hay Malaysia, Myanmar, Brunei thì ta còn có thể bình tĩnh, nhưng đây là Campuchia, quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của VN cơ mà? Vậy tại sao VN lại nói một câu cụt lủn như vậy? Chả có nhà báo quốc tế nào buồn truy hỏi lãnh đạo VN, chỉ có BBC Việt Ngữ đoán già đoán non, chém gió và móc ngoáy bằng những lời lẽ rẻ tiền thường thấy trên trang của họ bằng các nguồn tin không chính thống, vỉa hè. Và thái độ im ỉm của Việt Nam chính là điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả việc Campuchia phản bội hay việc không thông qua thông cáo.
 
Sau vụ đó, thái độ của ban lãnh đạo VN chỉ có thể xuất hiện một trong hai trường hợp sau:
 
- Một là: Ban lãnh đạo VN bên ngoài im lặng và cười trừ nhưng bên trong thì cay cú vì bị phản bội và chờ có dịp nào đó đáp lại. Tuy nhiên, tôi không tin TQ có thể chen ngang phá nhanh như vậy chỉ bằng vài cái thỏa thuận kinh tế không rõ ràng với Campuchia.
 
- Hai là: VN đang ngấm ngầm làm gì đó! Cái này thì rất mơ hồ, nhưng tôi nghiêng về quan điểm này hơn. Ngoại giao VN luôn luôn là thế mạnh của đất nước, với sự khôn khéo trong phát ngôn, cẩn thận trong từng đường đi nước bước, với sự bình tĩnh và điềm đạm trong suy nghĩ, khả năng nhìn xa trông rộng về mặt chính trị, đối ngoại. Thật khó tin là VN bị TQ dắt mũi bằng cách dùng Campuchia chen ngang phá hoại sau nhiều năm kiểm soát Campuchia gần như toàn diện. Càng khó tin hơn nữa khi Philippines và Campuchia cãi nhau nảy lửa thì Việt Nam “bình chân như vại”.
 
Dưới đây là một số suy đoán của tôi về khả năng thứ hai này:
 
- VN chỉ đạo Campuchia cố tình phá hoại để không thông qua được thông cáo chung, nhằm gài ngược đồng minh Campuchia vào lòng địch.
 
- VN tạo cơ hội để Campuchia nhận được các khoảng tiền và đầu tư hứa hẹn của TQ nhằm phát triển kinh tế, đổi lại sẽ nhận được các lợi ích khác từ Campuchia.
 
- Chính VN chỉ đạo Campuchia phá hoại cái thông cáo chung này vì bên ngoài bằng mặt bên trong không bằng lòng với ngôn từ tuyên bố. Có thể lãnh đạo VN nghĩ rằng cái thông cáo chung lần này có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh tương lai của VN với TQ, hay ảnh hưởng đến quyền lợi giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay TQ? Hãy để ý điểm đặc biệt là “ngoại trưởng ASEAN không thể đồng ý về câu từ cho phần nói về Biển Đông trong tuyên bố chung.” Liệu nó có gì đó khúc mắc khiến VN buộc phải chỉ đạo Campuchia phá?
 
Tôi dám đưa ra các suy luận này bởi lẽ sau một thời gian dài theo dõi từng nhất cử nhất động của VN về ngoại giao và biển Đông, về các lần tổ chức họp hành lúc làm chủ tịch luân phiên ASEAN, những lần ngoại giao của nguyên thủ quốc gia, từng câu phát biểu của họ với truyền thông thế giới, tôi hoàn toàn không tin VN bị động trước mấy cái trò mèo phá bĩnh của TQ.
 
Bàn thêm về chuyến ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indo Natalegawa: Chả có gì nhiều để nói, có thể chỉ là trò hề của ASEAN bày ra cho hợp pháp cách thức xoa dịu các thành viên ASEAN, hoặc chỉ đơn giản là Indonesia nhanh chân nhảy ra “chơi trò anh lớn”, đi vỗ về các thành viên VN, Philip, Campuchia để kiếm thêm lòng tin từ ASEAN và cộng đồng quốc tế.
 
Còn về thái độ và quan điểm của TQ: Chắc chắn là rất hí hửng. Có lẽ cái mà bây giờ TQ nhìn thấy hoặc đang cố mơ thấy là nội bộ ASEAN chia rẽ, cãi nhau hay cái gì đó đại loại vậy. Và gần đây TQ đã yên tâm quay sang mặt trận phía Đông kích động, phá phách Nhật Bản.
 
Trong trường hợp thông cáo chung được ký thì sao?
 
Khi đó ASEAN sẽ đem nó ra gây sức ép với TQ. Nhưng TQ hoàn toàn có thể bịa rất bất cứ lý do gì đó để từ chối tuân theo, như xung đột “lợi ích cốt lõi” của mình chẳng hạn, mà có ậm ừ đồng ý thì cũng sẽ nhanh chóng gạt bỏ nó bằng các hành động phá hoại cấp thấp như bắt bớ, đánh đập ngư dân nước khác, đưa tàu tiến vào lãnh thổ có chủ quyền của nước khác, như vẫn làm đều đều hàng ngày. Việc ASEAN không ra thông cáo chung chỉ làm TQ bớt phải nghĩ cách để đối phó với dư luận quốc tế mà thôi.
 
Lời kết:
 
Đừng nghĩ là tôi viết bài này để bênh cho Campuchia, tôi chả có tí quan hệ hay đặc quyền đặc lợi nào ở Campuchia cả nhé. Tôi chỉ cho rằng có thể chúng ta sẽ nói hớ khi nặng lời quy kết cho Campuchia và chính quyền Hunsen là kẻ phản bội. Lý do thứ hai khiến tôi viết bài là vì cảm thấy thú vị trước sự im lặng đến chết người từ phía VN. Như mọi khi, chính phủ nhà ta vẫn thật khó đoán, chắc đang “ngồi đâu đó nhìn ra với những cái đầu lạnh”. Tình hình hứa hẹn càng lúc càng phức tạp và rất đáng để quan tâm, theo dõi.
 
NIGHTMOONLIGHT
 
 
 
 

Hoàng hôn Angkor




Hoàng hôn Angkor  


 

Từ mấy chục năm trước bác Hữu Ngọc đã nói với lũ chúng tôi mới rời trường ra công tác về hoàng hôn tuyệt vời ở Angkor cùng với lời khuyên, bao giờ có dịp đừng quên tới điểm danh thắng này "các cô cậu nhá" (bác Ngọc gọi bọn tôi như vậy). Lúc bấy giờ đang chiến tranh có mà mơ!...

Ông Hữu Ngọc thời trai trẻ là “tín đồ” của thú xê dịch. Nghe kể ông “nhà văn hóa” này rất thích túi dết ba lô, từng có những chuyến đi tựa như đi du lịch bụi bây giờ. Và chính ông còn giữ niềm say mê đi đây đó cho tới khi tuổi già, thậm chí “rất già” như bây giờ vẫn thích bước lên tàu xe ngao du đây đó mỗi khi có dịp.

… Hôm nay đến với Angkor tôi may mắn có một buổi chiều nắng ráo lại nhớ lời bác Hữu Ngọc ngày nào. Chứ vài lần trước cũng đến được Siem Reap đây, hoặc là quá vội vàng (theo đoàn công tác), hoặc chẳng đúng vào buổi chiều, thì những lời khêu gợi ngợi ca từ bác Ngọc về Kỳ quan thế giới kia cứ vẫn là lỡ dịp…

Lúc này là 16g45 (ngày 8/10/2012), tôi đã đứng cạnh tháp trung tâm trên đỉnh núi Ba Kheng. Theo sách hướng dẫn tháp xây dựng từ thế kỷ thứ 12, cao tới 66m. Trước cảnh trời mây và đền đài cổ kính rêu phóng, không xa là những cánh rừng xanh nguyên sinh bạt ngàn bao bọc Angkor, thú thật một cảm giác như “ngồn ngột” chạy rần rần trong người tôi. Không kiểm soát được nhưng vẫn muốn để yên nó trong người, một thứ cảm quan “kỳ thú” hiếm hoi không tả được. Thấy thiên nhiên và sự sáng tạo của con người kỳ vĩ quá...
 
Ánh chiều hoàng hôn hắt lên các nét khắc họa tinh tế của tòa tháp, của các công trình còn sót lại trên đỉnh Ba Kheng càng làm nó lung linh huyền ảo hơn các khoảnh khắc khác của ban ngày… Nghe nói trước đây đền có đến 108 tòa tháp, nhưng nay đã trở thành phế tích, chỉ còn lại trên đỉnh vài tòa tháp đã phong hóa, đe dọa sụp đổ theo thời gian. Vì thế chính quyền và cơ quan quản lý di tích đang tiến hành nhiều biện pháp duy tu bảo dưỡng (trong các ảnh chụp dưới đây).

Và giờ đây rõ ràng tôi cảm nhận đoàn du khách đủ quốc tịch bắt đầu lục tục chộn rộn. Ánh nắng chênh chếch thấp dần xuống phía tây. Hoàng hôn bao trùm không gian. Thôi thì kẻ đứng người ngồi, nhưng đều tìm hết cách hướng hết những cặp mắt về phía mặt trời đang lặn dần…

Ước những đoàn khách tới cả ngàn người. Họ xúm lại nhưng vẫn ra hàng lối ở ngay sát phía dưới lối lên - là một cầu thang sắt khá rộng. Theo anh bạn Chanthi, guide của đoàn du lịch chúng tôi cho biết, Cơ quan Apsara của Chính phủ Campuchia, tên tiếng Anh là "Apsara Authority" - cơ quan bảo tồn kỳ quan thế giới Angkor - qui định mỗi lượt lên đỉnh núi Ba Kheng không quá 300 người nên cứ từng đợt xem xong đi xuống thì nhân viên bảo vệ mới mời tiếp du khách đến sau trèo thang lên.

Đứng đây như được cảm nhận về lịch sử, về con người xưa cách nay cả 10 thế kỷ - mà các trang sách viết về Angkor đã nói tới rất nhiều - thấy sao mà người Khmer xưa họ không những quá tài giỏi, lại giàu trí tưởng tượng và quyết tâm to lớn đến như vậy? Biết và phục cái ý chí vô song của một thời oanh liệt  và văn minh của đất nước và dân tộc này.

Không thể biết chính xác được bao nhiêu vạn, triệu khối đá đã được xếp đặt, được khắc họa tinh xảo để trở thành một khu đền đài miếu mạo quy mô quá khổng lồ giữa thiên nhiên, toàn bộ khu vực to rộng tới 9 cây số vuông, lại ra đời vào những năm cuối 900 và đầu 1000 (?) thì quả là ghê gớm quá. Bản lĩnh của dân tộc Khmer, cũng là bản lĩnh của những triều vua Khmer một thời hùng mạnh và thịnh trị mới tạo được dấu ấn mãi mãi khắc vào lịch sử nhân loại. Nó mang cái tên không thể đơn giản gọn gàng hơn, đó chỉ là hai âm tiết: “Angkor”.

Ngắm Hoàng hôn Angkor tốt hơn cả chắc là từ các góc nhìn của người trong cuộc, tay nhiếp ảnh "tài tử - nghiệp dư" là chủ blog tôi đây... Mời bà con trên mạng mình, thôi thì "có nụ dùng nụ có hoa dùng hoa", nha. 
 
VỆ NHI

------






























 

Người khách nước ngoài này chọn cho mình một góc dễ quan sát nhất...


Người háo hức cảnh đẹp, lại cá biệt có người muốn chợp một giấc tại nơi tiên cảnh bồng lai như thế này...  



















Du khách từ khắp nơi trên thế giới tới đây ngắm buổi chiều tà - mà vẻ đẹp chắc là có một không hai trên thế gian này ở khu đền Angkor, Vương quốc Campuchia 




















Phía dưới núi những đoàn người vẫn xếp hàng đợi đến lượt được “trèo thang” lên đỉnh Ba Kheng ngắm hoàng hôn Angkor

(Chú ý bên cạnh đoàn người là một tháp-đền mà người ta phải làm tạm mái che nắng mưa để sửa chữa phục chế; được biết tất cả các công trình sửa chữa đều phải qua giám định, đạt “ y như xưa” mới nghiệm thu, trả tiền công)

 









Tonle Sap (Biển Hồ) cách núi Ba Kheng không xa, hiện lên ngay sau những rặng cây rừng nguyên sinh nếu ta zoom ống kính máy ảnh








                                     




Chủ blog tôi cài chế độ "tự chụp" để có một tấm ảnh trên đỉnh Ba Kheng lúc chiều tà...                                 ----->>>>











Chú ý điểm đen ở phần trên giữa tấm ảnh (!).
Theo bạn đó là vật gì?






    Zoom gần lại để chụp cho rõ thì đó là "máy quay phim" (khéo chế tạo gắn trên một 'vật thể bay' ) do một đoàn làm phim tài liệu sử dụng để quay từ trên cao xuống Angkor vào lúc hoàng hôn


Ảnh bên: Một đội kỹ thuật được phân công quay ở phần dưới đất bổ sung...

 
 

ẢNH & TRÌNH BÀY: NGUYỄN VĨNH



Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Đảng xong, giờ là Quốc hội



Đảng xong, giờ là Quốc hội

Đó là ý bài viết mới của TS Tô Văn Trường (nguyên văn tít bài của anh Trường là: Đảng đã họp xong đến phiên của Quốc hội). Bài được báo điện tử VietnamNet đặt viết và bài đã đăng.

Vì có một số đoạn, ý được tòa báo sửa chữa, biên tập, cắt gọt (đó là công việc của các tờ báo mà). Cái cần nói ở đây là các việc sửa chữa này có hay có đúng hay không mà thôi.

Trong trường hợp bài viết của anh Tô Văn Trường, không biết tác giả có hài lòng với bài viết đã đăng của mình hay không? Chỉ biết rằng ngay sau khi báo VietnamNet đưa bài lên, anh Tô Văn Trường đã gửi email kèm bài viết “nguyên tác” của mình cho nhiều bạn bè với dòng nhắn ngắn gọn: “Theo đặt hàng của TuanVn-VNN, tôi viết bài ‘Đảng đã họp xong đến phiên của Quốc hội’. Sáng hôm nay VNN-TuanVn đã đăng bài này (Edit lại) với tiêu đề mới "Đặt hàng Quốc hội". Xin chuyển bản gốc bài viết nói trên để các anh chị và các bạn tham khảo”. - Tô Văn Trường

Để bà con rộng đường tìm hiểu blog tôi xin đăng lại bài “bản gốc” của anh Tô Văn Trường; và tiếp dưới là nguyên văn bài đăng trên VietnamNet.

Vệ Nhi       


---------



ĐẢNG ĐÃ HỌP XONG ĐẾN PHIÊN CỦA QUỐC HỘI
Tô Văn Trường

Hiến pháp nước ta đã quy định rõ:”Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với chức năng chính là lập pháp và giám sát thi hành pháp luật” nhưng thời gian qua vai trò đó không được phát huy đầy đủ và có thể coi là một trong các nguyên nhân làm cho hệ thống hành pháp, tức là các cơ quan quản lý hành chính     hoạt động kém hiệu quả, mắc nhiều sai sót nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội.


Mặc dù gần đây, Quốc hội trước sự đòi hỏi thúc bách của cuộc sống và lòng dân đã có một số bước tiến trong đổi mới tư duy và phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng của mình. Kết quả bỏ phiếu không thông qua kế hoạch xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là một điển hình tuy hiếm hoi nhưng có ý nghĩa lịch sử. Một số đại biểu Quốc hội đã thể hiện trình độ, bản lĩnh và trách nhiệm cao của mình trước tình hình phát triển của đất nước, được đông đảo cử tri cả nước yêu mến, tin cậy.  Nhân dân mong muốn và đỏi hỏi ngày càng có nhiểu đại biểu đủ bản lĩnh như vậy, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân. Kỳ họp Quốc hội lần này, diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 6 của của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cử tri hy vọng cơ quan quyền lực tối cao do dân bầu ra  sẽ có nhiều quyết sách quan trọng và để lại dấu ấn, đặc biệt trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay.

Về công tác lập hiến, lập pháp.

  Cảm giác chung của nhiều người là các vấn đề được đặt ra từ Nghị quyết 4 và sau Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng vừa qua vẫn còn nóng bỏng! Ngay phát biểu của các vị lãnh đạo sau đó cũng cho thấy một cảm giác day dứt dường như cơ quan của Đảng đã cố gắng nhưng chưa làm hết  hoặc chưa làm xong những  việc quan trọng nhất.  Với sứ mệnh của mình và trước đòi hỏi của nhân dân, Quốc hội phải đi thẳng vào các vấn đề cốt lõi của dân tộc và của đất nước.

Cử tri mong muốn Quốc hội thảo luận kỹ hơn, sâu hơn về Hiến pháp sửa đổi năm 1992, nhất là đảm bảo quyền dân chủ thực sự, quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế, quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp. Gạt bỏ những nội dung chỉ mang tính tuyên truyền, không có tính pháp lý. Thảo luận kỹ hơn, sâu hơn về các luật để luật có tính khả thi, các nội dung có tính hệ thống. Nhiều người dân cho rằng quan điểm về kinh tế thị trường định hướng XHCN  với  đặc trưng chủ yếu là sở hữu toàn dân đối với đất đai và phần lớn tư liệu sản xuất   trên thực tế đã nuôi dưỡng những nhóm lợi ích hưởng nhiều đặc quyền dẫn đến tình trạng bất công và tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Chính sách đất đai đề ra, trước hết phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, không tạo ra kẽ hở để người có quyền và người có tiền thông đồng trục lợi trên lưng người dân như lâu nay vẫn xảy ra.

Về công tác giám sát đối với hoạt động của Chính phủ và các cơ quan hành pháp, nhân dân mong mỏi Quốc hội phải cụ thể và triệt để (truy đến cùng các vụ thất thoát, các câu kết ngầm giữa các nhóm lợi ích; chỉ mặt gọi tên như Vinashin, Vinalines,...).  Quốc hội cần hoàn thiện cơ chế và  bộ công cụ giám sát, với những quy định hợp lý, có tính khả thi về việc bỏ phiếu tín nhiệm, điều tra các vụ việc và tăng cường hiệu quả, hiệu lực giám sát. Các đại biểu Quốc hội không cần phải bỏ phiếu thăm dò mà có quyền và cần phải bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp đối với những người lãnh đạo được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn mà không còn xứng đáng với cương vị được giao.   

Cử tri mong muốn Quốc hội chủ động xác định các chủ đề giám sát chung có ý nghĩa thiết thực, cấp bách  đối với  đời sống của người dân, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ: Giám sát về hoạt động của ngân hàng, về cơ cấu lại kinh tế nhà nước, về chấn chỉnh đầu tư công, thiết thực phòng, chống tham nhũng, hoạt động ngoại giao, quốc phòng gắn với phát huy sức mạnh của lòng dân và sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.




Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát các công trình thuộc lĩnh vực mình phụ trách; Ví dụ như dự án khai thác bauxite, khai thác khoáng sản nói chung, việc xây dựng và hoạt động của các nhà máy thủy điện, dự án điện hạt nhân, tu bổ di sản văn hóa…; coi trọng việc giám sát tình trạng vi phạm quyền công dân, đặc biệt là đối với những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa  Trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội cân nhắc kỹ mỗi khi quyết định các dự án về kinh tế có vốn đầu tư lớn và tác động lớn đến an sinh, xã hội và môi trường.  

Quốc hội cần thể chế hóa phản biện xã hội, coi đó là công cụ bắt buộc, thân thiện và hữu hiệu, không trộn lẫn nó với những khái niệm mù mờ, sợ lợi dụng, sợ chống phá,...trong khi phần lớn các trường hợp phản biện đều thể hiện thiện chí của những người quan tâm đến phát triển đất nước. 

Trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, Quốc hội cần có nhiều hình thức sử dụng và phát huy đội ngũ chuyên gia mạnh, lành nghề có tư duy độc lập, đồng thời thực hiện cơ chế minh bạch, công khai để  khơi dậy khả năng đóng góp ý kiến và tham gia giám sát của nhân dân.


Bài toán về kinh tế

Tình hình kinh tế hiện nay đang rất khó khăn về mọi mặt ảnh hưởng trực tiếp đến  đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Nhiều chuyên gia có thiện chí, muốn hiến kế cho Nhà nước nhưng bó tay.com vì không có nguồn thông tin số liệu tin cậy để phân tích, đánh giá. Hầu hết, các Tập đoàn kinh tế độc quyền đều không công bố thông tin với bất kỳ hình thức nào, dù pháp luật yêu cầu. Công cụ giám sát của chủ sở hữu Nhà nước hầu hết là dựa vào báo cáo của chính các đối tượng được giám sát, thường là không đầy đủ, kịp thời; chưa kể tính trung thực của báo cáo thường là khó kiểm chứng.

Nổi cộm bài toán kinh tế là vấn đề ngân hàng “qua mặt” luật tín dụng, vấn đề nợ xấu ngân hàng, đặc biệt là nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Nếu các chuyên gia có uy tín và chuyên môn không vào cuộc, xem xét lại toàn bộ luật lệ về tín dụng, chứng khoán, để nhanh chóng sửa đổi thì các vụ bê bối khác sẽ tiếp tục  nổ ra và sẽ còn khốn đốn hơn nhiều. Một số thông tin từ cơ quan tài chính, ngân hàng, từ IMF, ADB và báo chí  ở Việt Nam cho chúng ta thấy với số liệu năm 2011: tổng nợ của doanh nghiệp nhà nước tương đương 52,2 tỷ USD, bằng 43% GDP, riêng phần doanh nghiệp nhà nước nợ các ngân hàng là 24,5 tỷ US, trong đó 47% là nợ xấu. Vấn đề là họ nợ ai? Loại ngân hàng nào? Chắc cũng chủ yếu là ngân hàng quốc doanh.  Không thể bàn giải pháp nếu không có số liệu cụ thể. Do đó, Quốc hội phải vào cuộc một cách mạnh mẽ vì “vỡ trận” không còn là nguy cơ nữa mà có nhiều dấu hiệu cho thấy nó đang xảy ra.


Thảm họa quốc gia về giao thông vận tải  

Một trong các vấn đề nhức nhối nhất của xã hội ta hiện nay là thảm họa quốc gia về giao thông vận tài, với mỗi năm trên 10.000 người chết và bị thương, thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ USD. Người dân Việt Nam không chết vì đói, vì rét mà chết vì tai nạn giao thông  như một cuộc chiến tranh là một điều phi lý nhất.


Khi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đề nghị Quốc hội đặc biệt quan tâm đến tình trang lãng phí quá lớn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải với nhiều siêu dự án, tốn kém hàng chục tỷ USD. Vinashin – Vinaline đua nhau xây dựng cảng biển một cách tràn làn, không hiệu quả, thua lỗ triền miên. Ngay dự án cảng Lạch Huyện (đầu tư cả tỷ đô la) còn nhiều bất cập cả về kỹ thuật, kinh tế và môi trường, chưa được Hội đồng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Nhà nước xem xét, đánh giá, nhưng Bộ Giao thông đã cho bán 2 gói thầu để làm chuyện đã rồi. Hàng không thì đua nhau xây sân bay kể cả sân bay quốc tế, trong khi thua lỗ, phải giật gấu, vá vai.

Đường sắt thì cũ kỹ lạc hậu, đầu tư 2 tỷ USD kiên cố hóa đường sắt khổ hẹp 1 mét (không thông qua Quốc hội) để tham vọng chạy 120 km/giờ, có chuyên gia đã cảnh báo sẽ thất bại nguy cơ mất trắng 2 tỷ USD. Trong khi  ngân khố đất nước đã cạn kiệt lại say mê các dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Vinh, TP.HCM-Nha Trang với kinh phí dự toán 22 tỷ USD. Có 5 loại hình vận tải thì đường sắt, đường biển, hàng không đã thất bại nặng nề và trở thành các Vina…,thị phần chỉ còn đạt được 2% về hành khách và 15% về hàng hóa, thua xa cả đường sông !

Nguyên nhân của thảm họa quốc gia về giao thông vận tải do sự thất bại của Nhà nước trên 3 loại hình này đã dồn thị phần vận tải lên đường bộ gây hỗn loạn và thảm họa giao thông.  Cử tri mong muốn Quốc hội cần có giám sát đặc biệt để ngăn chặn lãng phí đầu tư công trong giao thông vận tải. Cần đột phá vào ngành đường sắt, hàng không để giảm thiểu mật độ lưu thông trên đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Bộ Giao thông vận tải phải đưa ra được giải pháp, lộ trình cụ thể trình Quốc hội để giải bài toán giao thông cho Việt Nam.

Thay cho lời kết

          Đảng đã họp xong, đến phiên của Quốc hội. Có 2 việc hệ trọng nhất thì Đảng đã kết luận rồi. Thứ nhất là sửa Hiến pháp phải trong khuôn khổ Cương lĩnh  của Đảng và không có tam quyền phân lập; Thứ hai là Luất đất đai thì Đảng cũng đã quyết ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu toàn dân do Đảng và Nhà nước đại diện.

         Liệu cơ quan dân cử sau khi tập hợp ý kiến cử tri có thấy “ý đảng” hợp “lòng dân” không? Nếu không thì cần nghiên cứu và làm rõ thêm để “tham mưu” lại cho Đảng lãnh đạo. Người dân mong muốn  và yêu cầu Quốc hội   thực sự  là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong  việc xây dựng Hiến pháp và  pháp luật.
Dear All

Theo đặt hàng của TuanVn-VNN, tôi viết bài "Đảng đã họp xong đến phiên Quốc hội". Sáng hôm nay VNN-TuanVn đã đăng bài này (Edit lại) với tiêu đề mới "Đặt hàng Quốc hội".

Xin chuyển bản gốc bài viết nói trên để các anh chị và các bạn tham khảo.

Tô Văn Trường

------

BÀI ĐĂNG TRÊN BÁO VIETNAMNET
Đặt hàng Quốc hội

- Diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 6 của của Ban chấp hành Trung ương Đảng, cử tri kì vọng cơ quan quyền lực cao nhất do dân bầu ra sẽ có nhiều quyết sách quan trọng và để lại dấu ấn, đặc biệt trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay.

Lập hiến và lập pháp

Cảm giác chung của nhiều người là các vấn đề được đặt ra từ Nghị quyết 4 và sau Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng vừa qua vẫn còn nóng bỏng, đòi hỏi Quốc hội phải đi thẳng vào các vấn đề cốt lõi của dân tộc, đất nước.
Thảo luận kĩ, sâu về Hiến pháp sửa đổi năm 1992, cử tri mong Quốc hội làm rõ, để đảm bảo đảm bảo quyền dân chủ thực sự, quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế, quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp. Điều không kém quan trọng là dám mạnh dạn gạt bỏ những quan điểm đã lỗi thời, phần nhiều mang tính tuyên truyền, và tăng thêm những quyền và cơ chế thực hiện quyền của dân mang tính thực chất.

Quốc hội kì này cũng đứng trước nhiều vấn đề về xây dựng luật pháp để đảm bảo luật có tính khả thi, các nội dung có tính hệ thống.

Đơn cử, với Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều người cho rằng, có những nội dung trên thực tế đã nuôi dưỡng những nhóm lợi ích hưởng nhiều đặc quyền, dẫn đến tình trạng bất công và tham nhũng lan tràn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Chính sách đất đai đề ra, trước hết phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, không tạo ra kẽ hở để người có quyền và người có tiền thông đồng trục lợi trên lưng người dân như lâu nay vẫn xảy ra.

Ảnh: Lê Nhung

Về công tác giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành pháp , nhân dân mong mỏi Quốc hội phải cụ thể và triệt để (truy đến cùng các vụ thất thoát, các câu kết ngầm giữa các nhóm lợi ích; chỉ mặt gọi tên như Vinashin, Vinalines,...). Quốc hội cần hoàn thiện cơ chế và bộ công cụ giám sát, với những quy định hợp lý, có tính khả thi về việc bỏ phiếu tín nhiệm, điều tra các vụ việc và tăng cường hiệu quả, hiệu lực giám sát. Có lẽ, không nên chỉ dừng ở hình thức thăm dò tín nhiệm, mà các đại biểu Quốc hội có quyền và cần phải bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp đối với những người lãnh đạo được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, một khi những người này không còn xứng đáng với cương vị được giao.

Cử tri mong muốn Quốc hội chủ động xác định các chủ đề giám sát chung có ý nghĩa thiết thực, cấp bách đối với đời sống của người dân, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ: Giám sát về hoạt động của ngân hàng, về cơ cấu lại kinh tế nhà nước, về chấn chỉnh đầu tư công, thiết thực phòng, chống tham nhũng, hoạt động ngoại giao, quốc phòng gắn với phát huy sức mạnh của lòng dân và sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát các công trình thuộc lĩnh vực mình phụ trách; Ví dụ như dự án khai thác bauxite, khai thác khoáng sản nói chung, việc xây dựng và hoạt động của các nhà máy thủy điện, dự án điện hạt nhân, tu bổ di sản văn hóa…; Việc giám sát thực hiện quyền công dân cũng như tình trạng vi phạm quyền công dân trong các mặt đời sống cũng cần đảm bảo.

Trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội cân nhắc kỹ mỗi khi quyết định các dự án về kinh tế có vốn đầu tư lớn và tác động lớn đến an sinh, xã hội và môi trường.

Trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, Quốc hội cần có nhiều hình thức sử dụng và phát huy đội ngũ chuyên gia mạnh, lành nghề có tư duy độc lập, đồng thời thực hiện cơ chế minh bạch, công khai để khơi dậy khả năng đóng góp ý kiến và tham gia giám sát của nhân dân.

Phản biện xã hội cũng cần được Quốc hội sớm thể chế hóa, coi đó là công cụ bắt buộc, thân thiện và hữu hiệu, không trộn lẫn nó với những khái niệm mù mờ, vượt lên tâm lí sợ lợi dụng, sợ chống phá,… Thực tế, phần lớn các trường hợp phản biện đều trên tinh thần xây dựng và hợp tác, thể hiện thiện chí của những người quan tâm đến phát triển đất nước.

Bài toán về kinh tế

Tình hình kinh tế hiện nay đang rất khó khăn về mọi mặt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Nhiều chuyên gia có thiện chí, muốn hiến kế cho Nhà nước nhưng đành chịu bó tay bởi thiếu nguồn thông tin số liệu tin cậy để phân tích, đánh giá.

Các Tập đoàn kinh tế độc quyền không công bố thông tin ngay cả đó là đòi hỏi của luật định. Công cụ giám sát của chủ sở hữu Nhà nước, trong khi đó hầu hết là dựa vào báo cáo của chính các đối tượng được giám sát, thường là không đầy đủ, kịp thời; chưa kể tính trung thực của báo cáo thường là khó kiểm chứng.

Nổi cộm bài toán kinh tế là vấn đề ngân hàng “qua mặt” luật tín dụng, vấn đề nợ xấu ngân hàng, đặc biệt là nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Nếu các chuyên gia có uy tín và chuyên môn không vào cuộc, xem xét lại toàn bộ luật lệ về tín dụng, chứng khoán, để nhanh chóng sửa đổi thì các vụ bê bối khác có thể tiếp tục nổ ra. Không thể bàn giải pháp nếu không có số liệu cụ thể.

Thảm họa quốc gia về giao thông vận tải

Một trong các vấn đề nhức nhối nhất của xã hội ta hiện nay là thảm họa quốc gia về giao thông vận tài, với mỗi năm trên 10.000 người chết và bị thương, thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ USD. Người dân Việt Nam không chết vì đói, vì rét mà chết vì tai nạn giao thông như một cuộc chiến tranh là một điều phi lý nhất.

Khi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cử tri mong Quốc hội đặc biệt quan tâm đến tình trang lãng phí quá lớn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải với nhiều siêu dự án, tốn kém hàng chục tỷ USD. Vinashin – Vinaline đua nhau xây dựng cảng biển một cách tràn làn, không hiệu quả, thua lỗ triền miên. Ngay dự án cảng Lạch Huyện (đầu tư cả tỷ đô la) còn nhiều bất cập cả về kỹ thuật, kinh tế và môi trường, chưa được Hội đồng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Nhà nước xem xét, đánh giá, nhưng đã cho bán 2 gói thầu để làm chuyện đã rồi. Hàng không thì đua nhau xây sân bay kể cả sân bay quốc tế, trong khi thua lỗ, phải giật gấu, vá vai.

Hệ thống đường sắt, trong khi đó, cũ kĩ, lạc lậu, lại đầu tư hàng tỷ đôla để kiên cố hóa đường sắt khổ hẹp (vốn không còn dùng nhiều trên thế giới). Nguy cơ lãng phí nhãn tiền! Đấy là chưa kể trong lúc ngân khố cạn kiệt, không ít người vẫn say sưa với kế hoạch đường sắt cao tốc tốn kém.

Cử tri mong muốn Quốc hội cần có giám sát đặc biệt để ngăn chặn lãng phí đầu tư công trong giao thông vận tải. Cần đột phá vào ngành đường sắt, hàng không để giảm thiểu mật độ lưu thông trên đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Bộ Giao thông vận tải phải đưa ra được giải pháp, lộ trình cụ thể trình Quốc hội để giải bài toán giao thông cho Việt Nam.

Thay cho lời kết

Đảng đã họp xong, đến phiên của Quốc hội. Có 2 việc hệ trọng nhất Đảng đã kết luận rồi. Thứ nhất là sửa Hiến pháp phải trong khuôn khổ Cương lĩnh của Đảng và không có tam quyền phân lập; Thứ hai là Luất đất đai thì Đảng cũng đã quyết ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu toàn dân do Đảng và Nhà nước đại diện.

Người dân mong muốn và yêu cầu Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật.

Tô Văn Trường

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...