Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Tư thế



Tư thế 

Trong số mấy lá thư email của bạn bè gửi đến vào giờ phút cuối cùng của năm 2012 tôi lọc ra một bức có ít dòng rất đáng chú ý như sau:

“Tôi chọn bức ảnh tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận cúi khom đến gập nửa thân người ôm lấy bàn tay ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi lễ trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật ngày 27/5/2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội làm Bức ảnh của năm 2012”.

Đính theo thư là tấm ảnh ghi lại cảnh trên (kèm cùng với nó là loạt ảnh khác mà người gửi thư sưu tầm được bên Nhật Bản, ý chừng để người xem thư đối chiếu và ngẫm nghĩ). 

Cuối thư thêm mấy dòng như thứ "cách ngôn" răn đời: 
“Nuôi tâm sinh thiên tài.
Nuôi óc sinh nhân tài.
Nuôi thân sinh nô tài”.

Chủ blog tôi thấy lá thư và hình ảnh đều rất đáng suy ngẫm. Vậy xin đưa lên như một kiểu thông tin gợi nhớ và cũng là cách “tống tiễn” những xui xẻo của năm cũ như cái ảnh lãng nhách này.


Vệ Nhi





Một hình ảnh quá phản cảm, nó diễu cợt người trí thức đích thực và chân chính 






Còn đây là tư thế nhận giải Nobel Y học từ Quốc vương Thụy Điển của Giáo sư Yamanaka, 50 tuổi, người Nhật Bản tại Stockholm ngày 10/12 vừa qua




Với trí Nhật chắc không khó khăn gì với bộ quần áo (là đi cắt may bộ đồ chính hiệu hợp với yêu cầu buổi lễ), nhưng bộ đồ lễ phục GS Yamanaka bận hôm ấy là ông đi thuê  ở một tiệm muớn quần áo ở Stockholm với giá 200 USD. Trí thức họ không có sĩ diện hão












Ngay tư thế khi escort Công chúa Thụy Điển đến dự Đại Yến sau khi nhận Giải thưởng thì ông GS cũng rất đàng hoàng, chẳng kề chiều nịnh dù đó người quyền lực nước chủ nhà



Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Sư tử châu Á-TBD vờn nhau


Sư tử châu Á-TBD vờn nhau

Thủ tướng vừa nhậm chức của Nhật Bản tuyên bố chọn nước Mỹ cho chuyến xuất ngoại đầu tiên. Động thái này đồng nghĩa với bức “thông điệp rắn” truyền đi nhắm vào Trung Quốc? Bởi không phải ngẫu nhiên mà cùng lúc đảng của ông Abe thắng cử thì các vị Thượng nghị sĩ Mỹ bên kia Thái Bình Dương (TBD) đã nhắn nhe sẵn sàng “bỏ phiếu thuận” cho chính quyền ông Obama “hỗ trợ Nhật Bản một khi an ninh nước này bị đe dọa”. Đe dọa này không gì khác mà chính là các tranh chấp với Trung Quốc tại vùng đảo Senkaku.

Lẽ đương nhiên Bắc Kinh vô cùng tức giận về việc Mỹ “trở lại” ủng hộ sát ván bạn đồng minh Nhật Bản bảo vệ chủ quyền. Điều đó càng báo hiệu giờ đây việc tranh đoạt đảo Điếu Ngư (tên TQ gọi Senkaku) Trung Quốc sẽ bị một ngáng trở “thái sơn” đến từ Mỹ.

Hồi này người tinh ý sẽ thấy các buổi phát ngôn chém gió ở BNG Trung Quốc khi nói về đất Phù Tang đã có chiều dịu giọng. Các buổi tuiần hành biểu tình chống Nhật Bản, đập phá các cửa hàng và trung tâm thương mại do người Nhật kinh doanh lắng xuống. Trong khi ấy Bắc Kinh đã biểu lộ các lời lẽ chào đón xây dựng với người đại diện ngoại giao Nhật Bản quay trở lại nhiệm sở. Không welcome người hàng xóm giàu mạnh thứ 3 thế giới này lúc này đâu có được!  

Về phía Mỹ và Nhật, việc hâm nóng lại quan hệ hợp tác chiến lược với Washington, làm rõ ý nghĩa “gánh vác trách nhiệm” bảo vệ an ninh của Hiệp ước an ninh Nhật Mỹ - sản phẩm từ thời chiến tranh lạnh – vào lúc này khiến Bắc Kinh “rất khó nghĩ” và nan giải trong ván bài muốn bá chủ các vùng biển thuộc Thái Bình Dương. 

Tiếp tục dấn tới hay buộc phải tạm dừng lại, ít nhất là với Nhật Bản, khi một ông Thủ tướng mới lên ra vẻ cũng cứng rắn không kém người tiền nhiệm. Tất cả xem chừng đang là một thách thức hóc búa trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh khi vừa chuyển giao dàn lãnh đạo mới.       

“Tọa sơn quan hổ đấu” hay là chen chân vào tác động, xúc tác đến các mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Nhật? Mệnh đề nghi vấn này đang đặt ra với một đại cường quốc sát cạnh Trung Quốc và Nhật Bản là nước Nga. Chưa thấy giới lãnh đạo ở Moscow chính thức lên tiếng. Nhưng một website chính thức như là “Tiếng nói nước Nga” của nước này thì đã rất nhanh nhảu đưa ra một số nhận xét và phán đoán… 

Chắc chắn tình hình và những chuyển động chính trị-quân sự ở vùng Đông Bắc Á, lại có can dự của Mỹ và Nga vào bàn cờ và tương quan lực lượng ở vùng đó... tất cả sẽ có hiệu ứng với các khu vực địa-chính trị sát cạnh là Đông Nam Á. Đương nhiên chúng ta cần hết sức quan tâm và theo dõi chặt chẽ.

Dưới đây là cách nhìn của truyền thông chính thức Nga về mối quan hệ Mỹ-Trung-Nhật trong bối cảnh mới. 

Vệ Nhi



-------


Nhật Bản – Trung Quốc: liệu có lật trang mới trong quan hệ?




Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Shinzo Abe - Photо: EPA

Ngày 26 tháng 12, Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản khôi phục lại quyền quản lý đất nước. Chiến thắng đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử quốc hội trước kỳ hạn diễn ra cách đây mười ngày đã bảo đảm cho thủ lĩnh đảng là ông Shinzo Abe chiếc ghế thủ tướng và quyền thành lập chính phủ.

Ba năm trước, đảng Dân chủ Nhật Bản phá vỡ độc quyền điều khiển đất nước suốt nửa thế kỷ của đảng Tự Do Dân chủ. Cũng trong ba năm qua, ba thủ tướng của đảng Dân chủ đã lần lượt lên lãnh đạo nội các. Đồng thời, họ góp phần đẩy lùi xa hơn quan hệ của Nhật Bản với các nước láng giềng. Kết quả là Nhật Bản hoàn toàn đi tới bất đồng với Hàn Quốc trong vấn đề quần đảo Dokdo /Takeshima/, sự kiện xảy ra vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi tay quân phiệt Nhật. Trong dịp ghi nhớ 40 năm bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật, căng thẳng quần đảo Điếu Ngư /Senkaku/ đã buộc Bắc Kinh và Tokyo hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm. Tranh chấp gay gắt kéo theo các cuộc biểu tình phản đối và đập phá chống Nhật Bản tại loạt đô thị Trung Quốc.




Ông Shinzo Abe không thể không bắt đầu điều chỉnh những sai lầm ngoại giao của các nhà Dân chủ. Chính trị gia đã tuyên bố sẽ cử người đại diện tới Trung Quốc vào đầu năm mới. Còn bản thân ông Abe sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ. Nhưng liệu những sứ mệnh này có góp phần làn giảm căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng như trong Tam giác Nhật-Mỹ-Trung?

Sau chiến thắng bầu cử, lần đầu tiên chính đảng của ông Abe đã vận dụng yếu tố không quân trong tranh chấp hải đảo ở Biển Hoa Đông. Hôm thứ Ba tuần này, Tokyo chỉ thị cho các chiến đấu cơ cất cánh sau khi radar Nhật Bản phát hiện máy bay của Cơ quan hải dương học Trung Quốc bay về phía Điếu Ngư. Bên cạnh đó, Tokyo công bố ý định tổ chức chuyến đi Senkaku của nhóm nhân sự sẽ lãnh đạo hành chính các đảo. Trong tương quan này, liệu chuyến đi Trung Quốc của người đại diện Tokyo có diễn ra và đem lại hiệu quả hay không?

Tuy nhiên, chuyên gia Viện Viễn Đông Vladimir Portyakov có nhận định, với sự hiện hữu nguyện vọng các bên vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm: “Dự đoán của tôi là tình hình sẽ phần nào được xoa dịu. Ông Shinzo Abe là một nhân vật tích cực để làm điều này. Việc tìm kiếm một công thức cụ thể có lẽ không đơn giản. Vấn đề đã đi khá xa. Cả hai bên cần phải bình tĩnh khi đề cập tới yếu tố nan giải này. Họ nên cải thiện mối quan hệ, bởi các cuộc đôi co gay gắt thường kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, họ có thể lập một khối hội nhập cùng với Hàn Quốc. Khu vực thương mại tự do giữa ba nước là một nhân tố có khả năng đem lại những cải thiện địa lý kinh tế đáng kể. Chẳng lẽ, yếu tố kinh tế không nặng ký hơn vấn đề tranh chấp hải đảo.”

Điều này cũng liên quan tương đương tới sự rạn nứt quan hệ giữa Tokyo và Seoul. Mặc dù rằng, các bên có quan điểm không khoan nhượng về vấn đề hải đảo. Hàn Quốc đã gửi tín hiệu cho ông Abe rằng họ kiểm soát Dokdo. Nếu rút lui không có sự phản kháng, thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ chịu những đòn đầu tiên giáng vào chiếc ghế của mình từ phía các đối thủ chính trị cũng như giới cử tri.
Hoa Kỳ thất bại trong việc thuyết phục Đảng Dân chủ Nhật Bản gạt sang bên cuộc tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc để tránh sự lung lay của liên minh quân sự ba bên. Liệu ông Obama có nhắc lại yêu cầu này trong một cuộc hội đàm với ông Abe tại Washington vào tháng Giêng tới? Không mấy chuyên gia dám đưa ra dự đoán.

Nhưng một điều rõ ràng là quan hệ đối tác với Washington sẽ cản trở ông Abe xây dựng “tình hữu hảo” với Trung Quốc. Quốc hội Mỹ đã chuẩn bị một món quà hào phóng cho chuyến thăm Washington của thủ tướng Nhật Bản. Hoa Kỳ tuyên bố xác nhận hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp an ninh nước này bị đe dọa bởi các tranh chấp lãnh thổ xung quanh Điếu Ngư. Phía Trung Quốc đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ điều này.

Nguồn:  http://vietnamese.ruvr.ru/2012_12_26/99320935/

------


ĐỌC THAM KHẢO:


"Có Mỹ, Trung Quốc nên tránh xa Senkaku"

Thứ tư 31/10/2012 10:01
Một nhóm cựu quan chức Nhà Trắng vừa lên tiếng "nhắc nhở" chính phủ Trung Quốc rằng, dù Mỹ đã tuyên bố đứng ngoài cuộc tranh chấp Trung - Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng cuối cùng thì quần đảo đó vẫn nằm trong sự bảo vệ của một hiệp ước an ninh song phương giữa Nhật Bản và Mỹ.



Trong một chuyến thăm Trung Quốc mới đây, các cựu quan chức Mỹ bao gồm cả Joseph Nye, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Richard Armitage, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã có một cuộc gặp gỡ với Phó chủ tịch nước Trung Quốc Lý Khắc Cường và các quan chức khác. Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ Trung Quốc hôm thứ Ba (30/10), các cựu quan chức Mỹ đã một lần nữa khẳng định Điều 5 của Hiệp ước chung Mỹ - Nhật vẫn được áp dụng với các nhóm đảo trong biển Hoa Đông, nhóm đảo mà Nhật đang quản lý trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Cũng trong sự kiện này, ông Armitage nói rằng “sẽ không có những giải pháp cấp bách” nào cho các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản cả.
Theo ông Armitage, Bắc Kinh đang cố gắng chia rẽ Nhật Bản và Hoa Kỳ bằng cách yêu cầu Washington đưa ra các quan điểm mơ hồ trong vấn đề này.
"Nếu Trung Quốc tấn công Nhật Bản, chắc chắn Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ đồng minh thân cận nhất của mình ngay", ông Armitage nói.
Ông Joseph Nye, hiện nay là một tiến sỹ thuộc trường Đại học Harvard, chuyến thăm của các cựu quan chức là theo yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhằm làm rõ lập trường của Mỹ với phía Trung Quốc về vấn đề Senkaku.
Tình hình tại quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông hiện nay đã có phần lắng xuống, tuy nhiên các bên vẫn âm thầm gia tăng lực lượng quân sự và luôn ở trong tư thế phòng vệ sẵn sàng cho một cuộc chiến nhằm giành lại chủ quyền các hòn đảo về phía mình

Phan Sương

Nguồn: http://infonet.vn/The-gioi/Co-My-Trung-Quoc-nen-tranh-xa-Senkaku/31119.info

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Ký ức 40 năm trước (II)



Ký ức 40 năm trước (II)

(viết về ngày 26/12 và những ngày tiếp theo)




      

… Mới đến khu vực đầu phố này thôi đã thấy một quang cảnh kinh hoàng! Gạch cùng vôi vữa rồi thân cây, những mảnh vải rồi dây điện ngổn ngang vương vãi khắp chỗ. Bên dãy số lẻ nhà cửa thấy nhiều đống ùn cao đổ nát... Cố chen chân sang được sát lối ngõ Khâm Thiên càng nhìn thấy nhiều cảnh tan nát tang thương. 

 27/12/1972 – Sáng hôm sau con trai mình vẫn còn ốm được mẹ ra trực trông, mình lấy cái xe đạp Thống Nhất cơ quan "phân phối” đi thẳng ra Khâm Thiên (vì sáng nay, 27/12 là ầm lên các nguồn thông tin B52 Mỹ ném bom phố Khâm Thiên).

Đi hết phố Thiền Quang đã thấy đất đá và các cành cây vương vãi đầy đường. Còn người thì đổ từ các ngả về phía Khâm Thiên dần đông đặc. Xe đạp không đi được cũng không dắt được. Mình quyết đến kỳ được Khâm Thiên nên quay ngược lại, đưa xe cất vào nhà ông bà nhạc ở ngõ Liên Trì không xa chỗ này là bao để đii bộ… 

Cất xe đạp ra phố, từ đầu Liên Trì mình men bộ phía bên bờ cái hồ có tên Ha-le, rồi định kiếm đường qua ngả hai con phố ngắn Vũ Lợi hoặc Đỗ Hạnh xuyên ra đường Nam Bộ (hồi ấy chưa có tên Lê Duẩn như bây giờ). Nhưng khôn ngoan ấy bằng thừa. Hai ngả phố ngách ấy vẫn người xe chen chân, kẻ này tìm đến Khâm Thiên thì người khác từ phía đó đổ về… 
Phải đến hơn hai chục phút sau thì mình cũng qua được Nam Bộ, vượt đường tầu để áp sát hè bên số chẵn của phố Khâm Thiên. 

… Mới đến khu vực đầu phố này thôi đã thấy một quang cảnh kinh hoàng! Gạch cùng vôi vữa rồi thân cây, những mảnh vải rồi dây điện ngổn ngang vương vãi khắp chỗ. Bên dãy số lẻ nhà cửa thấy nhiều đống ùn cao đổ nát... Cố chen chân sang được sát lối ngõ Khâm Thiên càng nhìn thấy nhiều cảnh tan nát tang thương. 

Đứng lên vài mố cao do nhà cửa sập xuống tối qua, mình quan sát thấy rất nhiều mảnh áo quần, chăn màn rách nát vung vãi khắp các cột điện, trên những cành cây khẳng khiu mà gốc nó đã siêu đổ vì hơi bom nhưng chưa rạp đổ xuống... Người phía trong ngõ chợ và phía mấy con ngõ nhỏ quanh đấy túa ra. Mình nhớ có cái ngõ đã vào trước đây một lần, nhưng tên là gì lâu quên mất rồi. Chỉ nhớ bên cạnh nó là một địa danh khi hỏi thăm thì bảo là hồ bãi cát gì đó... Mình ghi cái tên cụ thể vậy vì có lần mình đi vào tìm một tay con buôn xe đạp ở cái ngõ đấy. Là định nhờ hắn mai mối mua cái xe cũ ít tiền hồi mới ra trường, nhưng rồi việc không thành, phải chờ mãi mới được phiếu phân phối mua cái xe nội địa Thống Nhất dùng cho đi làm mà đoạn trên đã nói đến.



Ảnh bên: Khâm Thiên trước khi bị bom B52

... Trở lại chuyện Khâm Thiên. Nhờ những người đi ngược ra họ truyền tin thì mới biết, phía trong kia còn kẹt không vào được, mà người chết chủ yếu lại ở phía trong đó mới chiếm nhiều. Tức là người dân bị chết vì sức ép bom nổ, vì gạch đá bê tông sắt thép nhà cửa đè lên là rất nhiều vì trong ấy đông người ngủ lại đêm qua. Vừa vừa nghỉ Noel qua mà. Loáng thoáng đài đưa tin sáng nay là “hàng trăm” người chết, người hưa tìm và kiểm được. Chắc phải đợi về cơ quan xem mấy tờ nhật báo chính thức thì mới rõ chi tiết được... Họ còn bảo hiện giờ ở phía sâu trong kia còn nghe rõ nhiều tiếng kêu rên rỉ rất thương tâm. Nó vọng ra từ mãi phía trong các ngõ Trung Phụng, Dân Chủ và cả ngõ Chợ này. Bởi các nơi đó có những dãy nhà gác hai ba tầng đổ sụp cả khối nên người chắc người còn bị kẹt dưới những tường nhà, những thanh xà lớn và nhiều mảng trần bê tông dày...

Mình ngơ ngẩn chưa định đi đâu, đúng hơn là cũng chẳng biết đi đâu lúc này. Tiến thoái lưỡng nan. Người thân người quen phía trong ấy thì không có ai. Nhưng trong lòng thì cứ muốn tới tận nơi những chỗ đổ nát. Quả thực muốn làm muốn giúp ai đó một điều gì. Hồi đó, 29 tuổi, lòng đầy niềm hăm hở. Tuy vậy mình cũng hiểu làm những việc giải quyết hậu quả thế này cũng phải có tổ chức có bài bản lớp lang. Vì nếu không, cứ nhiệt tình xông tới, nhảy bổ vào, gặp trường hợp nhà vắng chủ (đi sơ tán) thì người giúp cũng dễ mắc kẹt.  Mấy ông dân phòng có giải thích như vậy, và mình thấy ở phía sát ngõ chợ chủ yếu là người ta còn canh gác như chờ các chủ nhà vắng đêm qua ở nhà hoặc đang trên khu sơ tán chưa về kịp… Chứ còn các nhà có chủ, có người nhà người thân thì họ đã báo nhau, kéo về dọn dẹp thu vén những đống đổ nát một cách hết sức khẩn trương.

Kể ra nếu chi đoàn thanh niên cơ quan mình không đi hết vào Chuông thì mình cũng bàn với các bạn cùng kéo xuống đây đăng ký giúp địa phương một phần việc nào đấy. Chứ thân một mình thế này, xem ra khó góp vào đây việc gì trong buổi sáng nay… Nhớ lại ngay lúc sáng nay biết không còn bạn cơ quan nên mình đã có ý định rủ mấy anh bạn ở vài cơ quan khác cùng tới Khâm Thiên. Nhưng điều kiện lúc đó không liên lạc được với nhau, cũng đành chịu...





Khâm Thiên 40 năm trước (ảnh chụp đường phố sau khi B52 ném bom)

Người quen thân ở Khâm Thiên lúc này chỉ nghĩ tới anh bạn NĐV. Rất muốn tới hỏi thăm tại chỗ vì nghe nói bạn chưa đi sơ tán. Nhưng nhà anh bạn nằm mãi trên số 330 của con phố này. Đất đá, cột điện đổ, người ngờm ngợp thế này sao mà tiến về phía nhà anh bạn ở mãi cuối con phố dài này để hỏi thăm bạn được. 

Nhắc lại một lần nữa là thời ấy chẳng có một thứ phương tiện gì để liên lạc bạn bè nhanh hơn là cách đạp xe đến tận nơi mà gặp! Điện thoại đã có nhưng chỉ cơ quan nhà nước mới được trang bị, chứ nhà riêng thì chỉ cán bộ cao cấp chứ cánh chúng tôi với nhau thì quên đi nhé. Ngay ở cơ quan thì cái thứ phương tiện thông tin liên lạc công này cũng chỉ dùng cho công việc. 

… Loanh quanh mình ở đầu phố Khâm Thiên đó đến quãng hơn 10 giờ sáng. 

Khu vực mình đang đứng quang cảnh hao hao giống những vùng dân cư bị ném bom khác mà mình cũng nhiều phen mục sở thị khi đi công tác ở khu 4, nhất là chuyến vào Quảng Bình Vĩnh Linh hồi đầu năm vừa rồi (tháng 3 – 4/1972) . Là hoang tàn và đổ nát. Ai cũng thế, đứng trước cảnh này đều thấy dâng lên một nỗi ngậm ngùi trước cảnh thê lương. Thương những nạn nhân và cảnh đời bao người mất nhà cửa…

Lúc đó mình chú ý nhất là có một cái hố bom rất to và sâu. Quả bom nổ ở đồng ruộng, ở cầu cống nó đi một nhẽ. Thấy tiếc (cho dân mình), thấy căm (kẻ ném) nhưng các hố bom đó nócũng dễ qua đi trong trí nhớ, chưa đủ gây sự nhức nhối đào khoét trong tâm hồn. Đằng này hố bom to rơi xuống một khu nhà ở, nó gợn trong lòng một sự sót xa và căm giận khác hẳn. Có thể giữa cái hố kia là một căn nhà, một gia đình trú ngụ? Thì hãy nhìn ngay bên cạnh hố, chẳng là mấy nếp nhà đổ sụp đó sao.

Đi lại hỏi han rồi mình cũng nhận ra cạnh hố bom sâu, phía sát cái con ngõ có tên hồ bãi cát ngày xưa kia mình đã có lần đến đây... Gặp mấy người đang đào bới, đang tìm một cái gì đó cho nhà mình và thấp thoáng các anh dân phòng đi đi lại lại. Người ta bảo toàn bộ đất đá do quả bom lớn nổ đã vật lên rồi quật trùm lên dãy nhà mái ngói cấp 4 phía bên trái mà giờ trông chỉ còn là những đống ngói và gạch vỡ vụn… Người ta cũng bảo có sáng tinh mơ hôm nay đã đưa 4 người chết ở khu này về phía Xã Đàn. Chắc có người nhà ở đó để khâm liệm chôn cất. Còn dãy nhà bị sập kia phần lớn là hộ đi vắng, hoặc bận làm ăn ở đâu, hoặc đi sơ tán vắng mặt nên dân phòng vẫn trông nom canh giữ chờ người chủ người thân họ về… Với mức độ ăn ở san sát thế này, mình nghĩ số người chết nhiều hơn, nhưng thoáng nghĩ không khí thê lương này, không có nhiệm vụ mình chẳng dám cất lời hỏi ai lúc này.




Hai ảnh: Khâm Thiên ngày nay, 2012






Trưa hôm đó về nhà, mình cậy cục moi trong trí nhớ và những gì thấy được buổi sáng nay viết lại. Hay đúng hơn là cố thể hiện những cảm xúc lúc tới Khâm Thiên bị tàn phá. Ấn tượng xoáy sâu tâm can nhất lúc đó chắc chắn là cái hố bom giữa lòng thành phố đông dân, Cái hố bom toang hoác lúc đó chỉ là đất đá, nhưng mình vẫn bị ám ảnh. Nó cứ như là có máu người vương lại, màu đỏ lòm từ thân xác người dân vô tội đổ xuống khu phố Khâm Thiên đêm qua…

Viết rất nhanh; và sau đó chẳng kịp đánh máy (hồi đó bản thảo nhiều khi là thế, máy chữ vẫn còn hiếm hoi lắm), mình để nguyên hơn trang giấy "5 hào hai" với chữ viết tay, gấp lại đưa vào phong bì rồi gửi ngay đến tòa báo Hà Nội mới ở ngay bên cạnh Bờ Hồ. Bài viết như vậy cũng ngắn thôi, chắc chừng 300 chữ gì đó. Mình ký bút danh là Vĩnh Long, bởi cậu con trai mình có tên Bình Long. Sáng hôm sau trên trang 2 tờ báo của thủ đô có in bài viết này. Tiếc rằng hồi đó mình chẳng biết lưu giữ số báo đó nên nay chỉ còn nghĩ về nó như một kỷ niệm với Khâm Thiên…

Và phải đến cuối buổi chiều hôm 27/12 mình mới thu xếp đi tới 330 Khâm Thiên để thăm hỏi anh bạn NĐV mà mình cũng rất muốn viết tiếp…

Vệ Nhi 

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Chút ký ức 40 năm trước



Chút ký ức đúng 40 năm trước



Hay gọi là "Ký ức 26/12" ngắn gọn thế cũng được! Bởi vì ngày mai, 26/12/2012 là tròn 40 năm Mỹ ném bom rải thảm từ pháo đài bay B52 nhằm hủy diệt cả một khu phố Khâm Thiên. 

Trước đó các mục tiêu tương đối đông dân cư như Đông Anh, rồi An Dương ở sát sông Hồng đều đã làm nhiều thường dân mất mạng. Nay Mỹ họ chọn Khâm Thiên là tính toán cả, có ý hủy diệt một khu phố mà nhà cửa san sát, mật độ dân rất cao, lại toàn con người lao động bình thường ở, ném bom rải thảm như B52 thì số người chết sẽ rất nhiều. Đó là cách gây sức ép tối đa nhất lên lãnh đạo Việt Nam, buộc Hà Nội chấp nhận các điều kiện Mỹ muốn ở Hội nghị Paris.    

Mình rất nhớ cái hôm 26 đó (và cả 27/12 rồi các ngày tiếp theo nữa, mình sẽ ghi lại sau) nằm trong chuỗi những ngày đông giá lạnh của miền Bắc, của thủ đô Hà Nội. 

Tình hình chiến sự thì trong Nam ngoài Bắc đều quyết liệt hơn vì hòa đàm Paris đã đổ vỡ. Quyết chơi canh bạc dốc hết sức, Mỹ không ngại ngần dùng tới B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên... Tuy nhiên gần 8 năm miền Bắc đối chọi với Mỹ ném bom thành ra mọi chuyện cũng không có gì là sợ hãi dù chẳng chủ quan khinh địch (khinh bom đạn). Bằng chứng là cơ quan nào bố trí người ở lại Hà Nội trực thì chẳng ai ngại ngùng. Nghĩa là phân công đi sơ tán hay cho ở nhà, ở lại với cơ quan đơn vị đều chấp nhận...   

Mình nhớ lại tối đó mình ôm đứa con trai đầu lòng săn sóc cháu bị ỉa chảy tại khoa Nhi BV Việt Nam - Cu Ba. Hai bố con nằm dưới tầng hầm bệnh viện (BV này có hẳn một tầng hầm không được sâu lắm nhưng cùng nằm dưới cốt 0, tức là nền nhà mà chúng ta bây giờ đi vào thấy). Tầng hầm này chạy dài suốt ngôi nhà chính ở 37 Hai Bà Trưng (bây giờ là một cơ sở giải phẩu thẩm mỹ thuộc khoa ngoại BV này). Những ai có con nhỏ đưa tới khám chữa bệnh ở đây thì biết, tất cả khu nhà này là của Nhà Chung, tức của nhà thờ công giáo. Nhà thờ nhường cho một phần lớn khu làm lễ và chủng viện cho hệ thống bệnh viện của thành phố Hà Nội.




Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba hiện nay (hồi 1972 khoa Nhi nằm ở phía bên phải cổng này)


...... Khoảng chập tối, lại vào những ngày sau tiết đông chí rất lạnh, đám trông con nhỏ điều trị tại BV đi xuống hầm nằm ôm con dỗ cháu. Là nói đi nằm thôi vì đâu có ai ngủ được. Mấy hôm liền trước đó báo động liên hồi mỗi khi bắt đầu tối trời. B52 ném bom suốt từ ngày 18/12 mà. Chỉ riêng đêm Noel 24/12 và ngày tết Noel 25/12 với vùng Hà Nội là hơi ngớt vì Mỹ cũng muốn "tỏ thiện chí" với tôn giáo. với Chúa chăng... Nhưng đêm 26/12, một đêm định mệnh đã tới! Sau một hồi báo động lúc chập tối, quãng hơn 8 giờ tối là liên tục tiếng gầm rú xé trời. Không gian đầy tiếng ầm ì, lúc to lúc nhỏ. Có lúc nghe ù ù như xay thóc, mỗi lúc rền vang hơn... Rồi những ánh chớp lóe lên liên hồi, xem ra rất gần, dù nằm dưới hầm tối om (cắt điện hết thành phố mà). Các cánh cửa nếu có cũng đều được mọi người qua lại đóng lại mà ánh chớp vẫn lóe màn đêm, nhoang nhoáng ánh lên xuyên vào tầng hầm... Chừng vài phút sau mặt đất chừng như bật nẩy lên, như các làn sóng cuộn lên rung chuyển. Có cảm giác như ngôi nhà lớn của BV này sẽ đổ sập! 

Nhớ lúc đó, mình nghĩ ngay đến các kết cục xấu nhất. Có tiếng nói thất thanh kêu lên, "B52 nó đánh rất gần rồi" (sau này mới biết tiếng nói phán đoán - mà rất chính xác - nói trên là của một ông bố chăm con như mình, nhưng vì từng ở trong Vĩnh Linh một thời nên biết các thứ tiếng động âm thanh của B52 nó bỏ bom và cắt bom ra sao...). 


Mình chỉ biết ôm chặt lấy đưa con trai, cháu lúc đó được hơn 7 tháng tuổi. Lẽ ra cháu bé theo cơ quan mình thì đưa đi sơ tán ở Chuông, Hà Tây. Nhưng vì mẹ cháu làm ở BV này, lại ở diện phải trực BV theo sự phân công của Sở Y tế, nên để cháu tiếp nước mấy hôm nay ở đây. Mình cứ hết giờ làm việc ở cơ quan lại về đây ôm con bởi chỗ mẹ cháu cũng cắt đặt ít người nên phải ở trong tổ trực ban suốt..

Sau đợt ném bom, mình có ngoi lên trên vào khoa trực. Đèn điện toàn thành phố vì chưa đóng cầu dao lại nhưng do BV có ít đèn măng-xông đã tạm thắp lên. Ngoài đường các xe cứu thương kéo còi xé lên cái âm thanh cấp cứu quen thuộc. Trong không khí thấy có mùi khen khét xộc đến (hóa ra đầu phố Khâm Thiên chỗ đường sắt chạy qua chỉ cách BV này mấy trăm mét theo đường chim bay chứ mấy)...


Cả BV không ai nói với ai nhưng cả người nhà bệnh nhi, những thấy thuốc đi qua đi lại đều thấy mình như vừa thoát qua một khúc hiểm nghèo, nói thẳng là thoát chết. Bởi vì cái đường bay B52 kia chỉ cần vẽ chệch đi tí chút thì điều gì sẽ xảy ra...

Thoát chết là thoát cho đợt oanh tạc này. Ai mà biết phía Mỹ họ sẽ ném bao nhiêu đợt bom nữa? Nên cái cảm giác an toàn thì chẳng hề có. Đêm tối vẫn bao quanh, máy bay Mỹ sẽ có thể còn quay lại đánh bom đợt nữa. Hoặc giả qua đi ngày hôm nay, thì ngày mai, 27/12, rồi tiếp nữa 28, 29... liệu sẽ như thế nào?... 

Nhưng quái lạ, tình thế thì như vậy, trước mặt biết bao khó khăn và hiểm nguy như thế như thế với mọi người dân, nhưng hình như chẳng một ai lo lắng âu sầu gì.! Cái vẻ lỳ không hề ngán ngại là thấy ở người dân miền Bắc, người dân Hà Nội những ngày đầy thử thách đó...

Mình tin những ai sống ở thời đó chắc cũng sẽ có những cảm giác như bọn chúng tôi trông trẻ con ốm đau ở BV Việt Nam - Cu Ba này những ngày đó. Nó cũng giống như các bộ nhân viên các cơ quan, đơn vị được phân công ở lại Hà Nội trực những ngày cuối tháng 12/1972 đó cũng tương tự vậy. Nghĩa là cái cảm giác đủ sức chịu đựng, một tinh thần vững vàng không hề sợ sệt lo lắng bồn chồn gì cả... Không một ai có ý định trốn chạy khi được phân công ở lại Hà Nội, mặc dầu lúc đó được coi là "một túi bom". Những túi bom từ rất nhiều B52, từ rất nhiều máy bay cường kích của không lực Mỹ vẫn "đang chờ" trong những ngày sắp tới. Đúng là như vậy, không lên gân chút nào. Đó là sự thật của những ngày được gọi là Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.. 

 (còn nữa)

Vệ Nhi

Tác động của truyền thông xã hội


Tác động của truyền thông xã hội



Hội thảo mang tên như vậy vừa được tổ chức ngày hôm qua, 24/12, tại Hà Nội. 

Ngoài những ý kiến chung về truyền thông xã hội, một số ý kiến về các mạng xã hội là chừng mực, thậm chí có nhận xét tích cực về nó. Các blogger nếu gây dựng trang thông tin của mình vì những mục đích tốt đẹp vì đất nước và nhân dân thì chẳng có gì phải ngại ngùng sợ sệt khi đọc các ý kiến của người tham gia Hội thảo này. 

Nói đến chữ "sợ sệt" bởi vì đây đó, lúc này lúc khác người ta đã và đang cố tình tạo ra một nhận thức, một quan niệm là người chơi blog, người chủ trương các trang thông tin cá nhân đều cứ như là các trung tâm phát lộ và truyền bá thứ thông tin mà mấy năm trước một ông bộ trưởng ám chỉ đó là thứ thông tin, báo chí "lề trái". Mà lề trái về nghĩa nào đó rất gần với trái luật, có thể là vi phạm pháp luật lúc nào không biết nếu chiếu theo những tiêu chuẩn hiện hành...

Thôi không bình luận lôi thôi gì thêm nữa, cách tốt nhất là đưa lại chính bài đăng sáng nay, 25/12, của báo điện tử chính thống VietnamNet phản ánh Hội thảo này.

Vệ Nhi

-----


Nhà báo, blogger: Chỉ cần đều vì độc giả

Các ý kiến tại hội thảo Tác động của truyền thông xã hội (TTXH) lên tác nghiệp báo chí chỉ ra một khoảng cách thực tế đang tồn tại giữa hai nguồn thông tin.

Trên mạng đang xôn xao vấn đề gì...

Các ý kiến tại hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức sáng 24/12 thống nhất rằng sự ra đời và lớn mạnh TTXH - các mạng xã hội, blog, web cá nhân... chỉ trong vài năm đã thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng.

PGS.TS Đoàn Thế Hanh, ủy viên Ban biên tập Tạp chí Cộng sản, chỉ ra: “TTXH đang góp phần đáp ứng một nhu cầu lớn của công chúng trong xã hội hiện đại, giúp họ không chỉ là người đón nhận thông tin mà còn là người phát tán thông tin và tham gia phát triển thông tin”.

Với lợi thế về kết nối và chia sẻ, TTXH đã chứng minh vai trò đối với báo chí chính thống. “TTXH hỗ trợ nhà báo phát hiện những vấn đề đang nổi lên, đang diễn ra. Từ những sự việc mà cư dân mạng bàn tán xôn xao, báo chí có thể kịp thời xác minh, phê phán những hành động tiêu cực và biểu dương những hành vi tích cực”, ông Hanh nói.

Công chúng coi TTXH là bạn đồng hành của báo chí trong cuộc đua cập nhật thông tin, thậm chí ở chừng mực nào đó, TTXH đang "dẫn dắt" xu hướng thông tin đối với báo chí, ông Hanh nhận định.

Ông Đoàn Thế Hanh: Báo chí là người "chính thống hóa" thông tin của truyền thông xã hội

“Báo chí cũng có thể ‘định hướng’ thông tin trên TTXH nếu nhanh nhạy nắm bắt và cung cấp thông tin về những vấn đề đang được xã hội quan tâm, bình luận sắc sảo, năng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả, giúp người đọc thấy được bản chất vấn đề”, PGS.TS Đoàn Thế Hanh nói.

Tuy nhiên, thực tế Việt Nam ở nay, TTXH và báo chí chính thống đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc "giành giật" công chúng và có vẻ TTXH đang thắng thế, nhà báo Lê Ngọc Sơn (báo Hoa Học trò) nhận định.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng quản lý báo chí TƯ, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông, sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là người trẻ, tập trung ở thành thị, nhưng số người lớn tuổi đang tăng, có thể coi là dấu hiệu về sức hấp dẫn của TTXH.

Công chúng sàng lọc kim cương và rác

Theo đa số ý kiến, khoảng cách giữa báo chí và TTXH có phần do “lỗi” của chính báo chí. “Đặc thù của nền báo chí Việt Nam, đặc biệt trong quản lý, đang tạo ra khoảng cách giữa báo chí và xã hội”, nguyên trưởng phòng thanh tra hành chính chống tham nhũng, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phạm Viết Đào, người tự nhận đã kinh qua cả ba vai nhà quản lý - nhà báo - blogger, nhận định.

Trong nhiều ví dụ, ông Đào nêu nạn nợ xấu do tiền ngân hàng đổ nhiều vào thị trường bất động sản: “Hàng trăm tờ báo chuyên ngành về kinh tế, hoặc không chuyên nhưng vẫn có chuyên trang về thị trường, lại không có một phản biện, dự báo nào để ngăn các nhà đầu tư, tránh được thảm họa bất động sản hiện nay”.

Ông Lưu Đình Phúc: Truyền thông xã hội là hiện tượng mới với các nhà quản lý

Trong khi đó, TTXH lại “hấp dẫn mãnh liệt ở chỗ nó mở cho mỗi cá nhân cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài và bày tỏ chính kiến - một nhu cầu không có điểm dừng, là cuộc cách mạng với không chỉ một xã hội khép kín lâu năm như Việt Nam mà với cả những xã hội có truyền thống dân chủ cởi mở hơn” như nhà văn Phạm Viết Đào nhận định.

“Với cách nhìn nhận các vấn đề chính trị, xã hội theo quan điểm cá nhân, TTXH là một phần của xã hội dân chủ”, nhà báo Đào Tuấn (báo Lao động) nhận định.

Theo ông Tuấn, để cạnh tranh, nhà báo cần luôn nhớ vai trò “người chép sử của thời đại” - đừng để có những khoảng trống trong lịch sử.

Hay như nhà văn Phạm Viết Đào đúc kết: “Làm sao để các nhà báo hết mình với dòng chảy cuộc sống như các mạng xã hội”.

Từ đó, nhiều ý kiến tại hội thảo lưu tâm đến vai trò của các cơ quan quản lý - những người vẫn còn không ít nghi ngại đối với TTXH.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu kinh tế ham viết lách, TTXH thực ra là "những câu chuyện ở quán bia", có cả rác và kim cương, tương tự ở báo chí chính thống.

Những tờ báo không còn thông tin những gì độc giả cần sẽ dần “mất khách”, những blogger không chứng minh được giá trị đối với độc giả sẽ bị “quay lưng”, ông A khẳng định độc giả đủ khả năng nhận biết rác và kim cương.

“Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để chính cộng đồng nâng cao năng lực sàng lọc và lựa chọn thông tin, ông Nguyễn Quang A nói.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Đình Phúc, cần có thời gian cho các nhà quản lý vì TTXH là một hiện tượng mới.

Tính đến hết tháng 7/2012, Việt Nam có 263 mạng xã hội đăng ký hoạt động, chủ yếu là các mạng về tài chính, thương mại, giải trí, công nghệ...

Bài và ảnh: Chung Hoàng 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/102429/nha-bao--blogger--chi-can-deu-vi-doc-gia.html



Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Câu chuyện "Điện lại tăng giá"



Câu chuyện “Điện lại tăng giá”


Bữa qua Tiến sĩ Tô Văn Trường thông tin để bạn bè biết là anh vừa gửi bài viết về chuyện “tăng giá điện” cho một tờ báo ở Tp HCM. Không hiểu bài đã đăng chưa và có thể được biên tập và cắt gọt ở chỗ nào nên tốt nhất tôn trọng ý kiến của tác giả, blog tôi đưa nguyên văn.

Làm như vậy bởi chủ blog tôi nghĩ, với một cây bút chuyên nghiệp như anh Tô Văn Trường (dù anh luôn nói mình là người làm khoa học viết báo thôi), việc sử chữa hoặc biên tập lại là không cần thiết, có khi chỉ làm “hỏng” thêm ý đồ và nội dung vốn sâu sắc trong hầu hết bài viết của anh.

Riêng bài về “tăng giá điện” có một đoạn tác giả viết:

Đứng về góc độ người tiêu dùng việc tăng giá điện tại thời điểm cận Tết Quý Tỵ là gây khó khăn thêm cho người dân, bởi vì gần cả năm Nhâm Thìn người dân đã khốn đốn với tình hình khó khăn về kinh tế (nhiều người bị thất nghiệp, đồng lương thực tế giảm do vật giá leo thang hàng ngày…) .
          Đứng trên góc độ những người làm khoa học nhận thấy cách tính hạch toán của EVN không giống ai vì lãi của 1 năm sao lại để trả cho các năm lỗ trước đây?

          Hôm qua cả nước được chứng kiến lễ khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La. Điện lưới quốc gia được góp thêm tới 20% điện năng từ nhà máy mới này. Chưa kịp mừng vì ngay trước đó người tiêu dùng đã được thông báo giá điện sẽ tăng thêm trung bình 5% giá điện hiện nay. Vậy nội dung bài viết dưới đây của tác giả Tô Văn Trường chắc sẽ đáp ứng “một góc nhìn đa chiều” về sự tăng giá đơn phương đó của ngành điện, một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đang giữ độc quyền không phải cạnh tranh với bất cứ ai cả.

Vệ Nhi    

-----


 TĂNG GIÁ ĐIỆN DƯỚI GÓC NHÌN ĐA CHIỀU


Tác giả: Tô Văn Trường


Công luận đang xôn xao bàn luận  trước thông tin theo hạch toán, năm 2012 EVN lãi khoảng 4.000 tỉ đồng, nhưng tổng lỗ năm 2010 và 2011 cộng lại là 11.000 tỉ đồng, phần lãi của năm nay sẽ bù lỗ 3.500 tỉ đồng cho năm trước, bởi vậy phải tiếp tục tăng giá điện lên 5%. Có thể hiểu rằng việc tăng giá điện là qua quá trình tính toán chi tiết và cân nhắc của EVN trước khi đề xuất với các Bộ liên quan và Chính phủ phê duyệt.



Trong khung cảnh nền  kinh tế  của ta đang ở giai đoạn quá độ nên nó đang hỗn độn, không theo  hẳn thị trường mà cũng không còn như thời bao cấp, nên dựa trên cơ sở nào để phán quyết đúng sai cho một sự việc cụ thể quả là khó. Kêu ca của người tiêu dùng, giải thích của EVN - ai cũng có lý cả. Có điều ai cũng thấy rõ là với mô hình doanh nghiệp nhà nước nói chung thì cứ mập mờ vai trò kinh doanh (để giải thích về tính tự chủ của doanh nghiệp khi có vẻ đang thắng thế và chi tiêu quá tay) của một doanh nghiệp với vai trò xã hội (để giải thích khi làm ăn thất bát). Riêng một số tập đoàn (như EVN) thì còn độc quyền thì còn sự tùy tiện và khi không có cạnh tranh thì khó nói tới hiệu quả.

Đứng về góc độ người tiêu dùng việc tăng giá điện tại thời điểm cận Tết Quý Tỵ là gây khó khăn thêm cho người dân, bởi vì gần cả năm Nhâm Thìn người dân đã khốn đốn với tình hình khó khăn về kinh tế (nhiều người bị thất nghiệp, đồng lương thực tế giảm do vật giá leo thang hàng ngày…).

Đứng trên góc độ những người làm khoa học nhận thấy cách tính hạch toán của EVN không giống ai vì lãi của 1 năm sao lại để trả cho các năm lỗ trước đây? Lãi cần được tích tụ trong một số năm để trả dần nợ ngân hàng nếu lỗ thật. Nếu giá điện không có tăng thì năm sau lại có thể lãi 4.000 tỷ đồng nữa, nếu trả hết nợ rồi thì có giảm giá điện không?  Nếu đi sâu phân tích đối chiếu với biểu đồ so sánh giữa  đường tăng trưởng về điện thì rất trớ trêu là chẳng có tương quan gì đến đường biểu thị tăng trưởng kinh tế từ năm 2000 đến năm 2009?
Điện chỉ là một trong các thành phần của năng lượng; ví dụ dầu, khí, than cũng là các nguồn năng lượng. Một trong những chỉ số để đánh giá mức hiệu quả năng lượng là cường độ năng lượng (CĐNL), tính bằng lượng năng lượng cần thiết để sản sinh ra một đơn vị GDP. Năm 2006 thì CĐNL của Việt Nam là 5938 kWh/1000USD, gấp đôi so với trung bình thế giới là 2920 kWh/1000 USD. Trong số các nước phát triển thì Nhật đứng đầu về hiệu quả năng lượng với CĐNL năm 2006 là 1280 kWh/1000USD; tức hiệu quả năng lượng của Nhật gấp 4,6 lần của Việt Nam (tính từ số liệu của U.S. Energy Information Administration 2009). Thực ra điều đáng lo hơn là theo số liệu của Bộ Công Thương, CĐNL của Việt Nam lại có khuynh hướng tăng lên chứ không giảm xuống. Một trong những biện pháp làm giảm CĐNL của quốc gia chính là tiết kiệm điện.
Hiện tại, giá điện của Việt Nam thấp hơn giá điện của các nước trong khu vực và không theo sự điều tiết của thị trường đầy đủ, điều này gây khó khăn cho công việc tái đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, không khuyến khích được các nhà đầu tư đầu tư các công trình năng lượng tái tạo (như năng lượng gió, pin mặt trời...).  Năm 2012 là năm tương đối khó khăn của ngành điện trong việc thu xếp vốn cho các dự án nguồn và lưới điện. Việc vay vốn ODA để đầu tư các công trình điện, nếu không được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng và đầy đủ thì tương lai con cháu của chúng ta phải "còng lưng" làm để trả nợ!


Hiện nay, thì giá các sản phẩm độc quyền (điện, xăng, than) của Việt Nam thuộc lại thấp nhất thế giới do đó gây ra nhiều vấn đề, điển hình là : Khuyến khích sử dụng điện quá mức (sản xuất thép, xi măng giá điện rẻ); Không khuyến khích đầu tư;  Phí phạm ngân sách rất lớn vì bù lỗ và cho phép các công ty độc quyền này làm đầu tư ngoài ngành, hoặc phá hoại tài nguyên thiên nhiên như khai thác loạn thủy điện vv... Theo tính toán của chuyên gia Vũ Quang Việt làm index để so sánh việc sử dụng điện tạo ra 1 đồng US GDP thì Việt Nam dùng gấp 3-4 lần so với Philipines , Singapore và cao hơn nữa so với Úc.  Không những thế,  điện  sử dụng ngày càng tăng để tạo ra 1 đồng GDP, và hệ số dùng cao nhất châu Á. Chính phủ cần kiểm soát giá sản phẩm mang tính độc quyền bằng các chính sách vi mô mang tính hành chính. Đây là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép doanh nghiệp phù phép làm giàu, đồng thời không cản trở sự vận hành hữu hiệu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Gọi là chính sách vì nó đặt ra khung pháp lý để các việc điều chỉnh giá tự vận hành mà không cần đến sự chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp, tùy tiện của Nhà nước. Để việc điều chỉnh giá không bị can thiệp chính trị, các nước đều phải dựa vào một ủy ban chuyên gia họp định kỳ, quyết định giá, bằng việc áp dụng công thức dựa trên cơ sở kỹ thuật.



Nói đến giá điện là vấn đề là giá và hệ thống quyết định giá nằm ngoài ảnh hưởng chính trị và phe nhóm. Chúng ta không nên đặt vấn đề theo kiểu dân túy nhưng cũng hiểu Chính phủ hiện nay vẫn muốn độc quyền toàn diện, tự mình quyết định mọi chuyện, mà không muốn có cơ quan độc lập thẩm tra, quyết định giá.  EVN thì tiếp tục muốn độc quyền nhưng lại không muốn kiểm soát, để họ có thể dùng tiền để đầu tư ra ngoài ngành nhằm có lợi cho nhóm lợi ích là chủ yếu. Người dân thì chỉ muốn giá rẻ. Có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề năng lượng, hoặc là tăng cung hoặc là giảm cầu bằng cách tăng hiệu năng. Cầu khó giảm và hiệu năng khó tăng nếu như giá năng lượng rẻ như hiện nay. Điều này chưa được phân tích kỹ lưỡng ở Việt Nam vì không thấy nơi nào cung cấp đủ số liệu. Hay nói cách khác  mọi lời nói và mọi con số của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị bây giờ không có bảo chứng (thế chấp) thì làm sao mà phân tích đánh giá cho chuẩn xác?. Nhưng cách tính EVN như nói ở trên  thì chẳng khác nào đời cha đi đánh bạc thua,  bắt đời con trả nợ vậy. Nếu như vậy thì cả dân tộc nầy phải oằn lưng làm trả nợ cho các Tập đoàn, Tổng công ty và cả các Ngân hàng thương mại Nhà nước không biết đời kiếp nào mới hết nợ?

Trên công luận, các chuyên gia, người dân góp ý, hiến kế đã nhiều.  Chính phủ và EVN cần nghiên cứu tiếp thu đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Có thể còn nhiều biến số ẩn chưa được rõ. Giá điện thấp thì không khuyến khích đầu tư sẽ dẫn đến thiếu điện, giá cao thì lại quá sức chịu đựng của người dân và ảnh hưởng đến nhiều thứ vì điện cũng là 1 loại hàng hóa đặc biệt ( như xăng dầu). Đương nhiên là cũng khó chấp nhận cung cách điều hành giật cục không chỉ của EVN mà của nhiều ngành khác, rồi tính thời điểm phù hợp, rồi cách giải thích bù lỗ cho năm trước.

Nhìn vào bức tranh tổng thể là ngân sách không đủ chi nhiều khoản, người dân lại lo lắng Nhà nước sẽ  tăng giá đủ thứ, thêm các loại phí giao thông để bù . Hiện nay,  nhiều địa phương đang gặp khó khăn tiền trả lương cho cán bộ phường do doanh nghiệp đóng cửa, bà con tiểu thương làm ăn không có lãi và hầu như không thu được phí trước bạ chuyển nhượng đất đai.  Liệu sẽ  còn nhiều loại phí khác được "sáng tạo" ra trong năm 2013 theo hướng này? 
TVT

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...