Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Lại trở lại câu chuyện chữ Quốc ngữ


Lại trở lại câu chuyện chữ Quốc ngữ


Câu chuyện xung quanh chữ viết của chúng ta ngày nay đã tốn khá nhiều giấy mực. 

Dù nói thế nào thì việc những con người mấy thế kỷ trước và lần lần dẫn đến những năm tháng gần đây, những con người tìm ra cách La-tinh hóa ghi lại tiếng nói của người Việt ta nói hằng ngày thành một thứ chữ như bây giờ chúng ta dùng, rồi kế tiếp những con người thế hệ sau bổ sung sửa chữa hoàn thiện thêm dần... đều là các đấng bậc anh hào đáng kính phục. 

Lịch sử công bằng là phải khuyên cho "những điểm đỏ tròn" đối với công trạng này cho tất cả họ, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, dù cùng chính kiến với ta hay không giống, thậm chí đối lập lại với chúng ta... 

Nói cho gọn thì những cống hiến cho chữ Việt, thứ Quốc Ngữ chúng ta sử dụng trong đời sống hiện nay, đều đáng được suy tôn, cần tôn vinh mãi mãi cùng năm tháng.


Mới đây trên chủ đề này mình đọc được bài này đưa trên mạng, thấy nhiều điều chí lý, xin phép đưa lại lên trang chủ đây mọi người cùng tham khảo. Dưới bài xin đưa đường Link mà chủ blog tôi đã có lần đưa lên với một dung tham bàn khác về chữ Quốc ngữ của chúng ta. 


Vệ Nhi


----   

Ai thực sự tìm ra chữ Quốc Ngữ? 


Đã đóng lại bài viết về hai cụ Hàn Thuyên và Alexandre De Rhodes mà trong lòng cứ mãi lấn cấn vì vẫn chưa làm rõ được chữ Quốc ngữ ra đời ở đâu, năm nào và còn những ai thực sự đã có công với chữ Quốc ngữ?

Điều đó làm tôi tịt mạch mấy tháng nay không viết thêm được bài nào nữa.

Để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó, đành bỏ thời gian lục tìm tứ tung để thoả mãn cái tật gàn dở của mình.

Và đây là điều tôi tìm ra,



Chữ Quốc ngữ ra đời năm 1622 trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, do công của người giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco De Pina (1585-1625), tại xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn.
Francisci De Pina là giáo sĩ tiên phong đến Đàng Trong năm 1617, nhờ thông thạo tiếng Nhật và chữ Hán, ông dễ dàng học nói tiếng Việt, học đọc chữ Nôm, nhưng thấy các giáo sĩ khác gặp khó khăn trong việc học chữ Nôm nên đã dựa vào bảng mẫu tự La Tinh, ông Nguyễn Đình Đảng thời cho rằng là dựa vào từ mẫu tự Rô-Măng, tôi thiển nghĩ mẫu tự Roman cũng từ nguồn gốc Latin mà ra, để ghi âm tiếng bản xứ.

Năm 1624, sau khi đã xếp đặt thành hệ thống, có cả phần tóm lược về văn phạm, ông mở lớp dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ muốn đến truyền giáo tại Việt nam, ông cũng tự viết bài giảng bằng thứ chữ này để trực tiếp truyền đạo, nhưng không may, tháng 12 năm 1625 ông bị chết đuối ở cảng Đà nẵng.

Sau cái chết của Pina những giáo sĩ đã học tiếng Việt với Pina tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chữ viết nầy là giáo sĩ Gaspar De Amaral (1549-1646) – tác giả tự điển Việt-Bồ, giáo sĩ Antonio Barbosa (1594-1647) – tác giả tự điển Bồ-Việt, giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591-1660) – tác giả tự điển Việt-Bồ-La tinh.

Trong đó chỉ có một mình A.D.Rhodes là người Pháp (ông sinh ở vùng Avignon)

Đúng như TS. Nguyễn Tường Bách đã nhận định:

“Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo của mình bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật.

Vì là sản phẩm của bọn Tây di, nên chữ quốc ngữ bị giới sĩ phu tẩy chay.

Chữ nôm còn bị chê là nôm na mách qué, thời cái thứ chữ do bon Bạch quỉ chế ra này các cụ có mà thèm để mắt!

Sau đó nó còn là công cụ của thực dân Pháp trong việc cai trị.



Ảnh dưới: Cụ Alexandre De Rhodes



Lại vì nó mà cả một nền Nho học với bao công lao dùi mài kinh sử trở thành vô dụng nên thứ chữ này càng bị khinh ghét.

Nhưng sự tiện dụng và sức sống mãnh liệt của chữ quốc ngữ càng ngày càng lộ rõ, càng thắng thế.
Năm 1915 vua Duy Tân bãi bỏ chế độ thi cử cũ ở Bắc kỳ.
Năm 1918 vua Khải Định bãi bỏ thi cử cũ ở Trung kỳ.
Năm 1919 vua Khải Định chính thức đóng cửa các trường dạy chữ Nho.
Ngày 18-9-1924 Merlin, Toàn quyền Đông dương ký nghị định đưa chữ quốc ngữ vào dạy trong 3 năm đầu bậc Tiểu học.

Nền Nho học cáo chung, chữ Quốc ngữ lên ngôi.
Nào có gì lạ cái chữ nho 
Ông nghè, ông cống cũng nằm co 
Sao bằng đi học làm ông Phán. 
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò 
(Chữ Nho) – Tú Xương

Người Bồ Đào Nha khai sinh ra chữ Quốc ngữ, người Pháp ép dân ta dùng chữ Quốc ngữ.


Nhưng truyền bá và trau chuốt cho chữ Quốc ngữ được như ngay hôm nay công lớn nhất phải thuộc về những người tiên phong tiêu biểu như: Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… cùng với họ một đội ngũ tân học ngày càng đông, nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm.

Những người con ưu tú đó đã được nhớ ơn, được tôn vinh bằng những tên đường trong đô thị.

Vậy mà trong những người đi đầu ấy, có một người hình như bị bỏ quên.

Một người có tư cách sáng chói, có trí thông minh và chí tự học siêu việt, từ thân phận một thằng nhỏ 8 tuổi chưa biết chữ kéo quạt tại trường Thông ngôn Yên phụ-Hà nội, năm 14 tuổi đã đỗ thủ khoa lớp thông ngôn của chính trường này, là người Việt đầu tiên được gia nhập Hội Nhân quyền Pháp, người đầu tiên xuất bản tờ báo bằng chữ quốc ngữ ờ Hà nội, tờ Đại nam Đăng cổ tùng báo, người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt, người đầu tiên dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, người đứng đơn xin mở trường Đông kinh nghĩa thục (Cụ Lương Văn Can làm hiệu trưởng), người chống quân chủ lập hiến kiểu bù nhìn đòi thành lập nền Cộng hoà, người mà trong lời tựa bản dịch Tam quốc chí đã viết “Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ”, người 2 lần từ chối Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp, người mà lúc chết trên thuyền độc mộc ở sông Sê-băng-hiêng, Sê-pôn – Lào, hai tay vẫn cầm cây bút và quyển sổ với phóng sự đang viết dở dang “Một tháng với những người tìm vàng”.



Người tự cho mình là người man di hiện đại - Cụ Nguyễn Văn Vĩnh


Một người mà người Pháp đánh giá là thiếu tính tự ti của dân nhược tiểu.


Một người xuất chúng và có công lớn với nền văn hoá hiện đại của nước nhà như thế mà mãi tới năm 1999 tên người mới được đặt cho một con đường ở phường 4 quận Tân Bình.

Còn tại Hà nội quê ông thời vẫn chưa có con đường nào mang tên ông…

Sài gòn 12-5-2013

Đỗ Xuân Đạm 

(trelangkienviet.com)


-----

Tham khảo bài đã post lên khoảng 2 năm trước:


http://vinhnv43.blogspot.com/2011/05/qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-chu.html


Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Sài Gòn Đẹp & Đẹp Sài Gòn


Sài Gòn Đẹp & Đẹp Sài Gòn


Nhiều lần vào Sài Gòn, đi lang thang một mình hoặc với bạn bè khắp thành phố này. Rất nhiều góc nhìn thấy Sài Gòn – Tp HCM thấy thật đẹp và không gian rộng lớn. 

Cảnh sắc ban ngày thì cuốn đi đầy sôi động với xe cộ và âm thanh con người góp vào. Còn đêm xuống thì yên ắng hơn, nhưng thay vào đó là cảnh lộng lẫy sáng trưng ở nhiều đường phố, ở các khu nhà cao chọc trời. Sài Gòn là một thành phố có cuộc sống ban đêm hết sức đặc biệt.


Về hình ảnh ghi lại. Mình cũng là người ưa thích chụp ảnh, nên trong máy tính nay không thiếu cảnh và người Sài Gòn - Tp HCM trong nhiều năm vừa qua. Dù chụp nhiều đến mấy về thành phố to lớn nhất phương Nam đồng thời cũng to lớn nhất đất nước nà, nhưng có lẽ 22 khuôn hình dưới đây mình cho là những khuôn hình vượt trội. Đây có thể là một tác giả Việt kiều bởi mình nhận chúng từ email bè bạn gửi cho, không ghi rõ là của ai...


Tại đây, các góc máy đã chọn là “rất đẹp”. Đã đành, vì người chụp là dân pờ-rồ chắc chắn rồi (professionnel). Lại được thực hiện bằng máy ảnh chuyên dụng, chụp cho những cảnh sắc ban đêm, lại đều mở ở những góc rộng khi cần nữa, khiến mọi khuôn hình ở đây đều đáng là “một tác phẩm, một tấm ảnh tuyệt hảo cả”. Đúng như vậy chứ không sáo ngữ, nói ngoa đâu…

Khi xem những bức ảnh này, lại nhớ đến giai điệu rất quen thuộc trong một bài hát cũ nhiều người Sài Gòn thuộc: Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi.


Xin trân trọng giới thiệu.   



Vệ Nhi


----


 

















































 























Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Cảnh báo “ngồi nhiều!”


Cảnh báo người “ngồi nhiều!”

Nhận được bài viết này qua email bạn bè. Thấy có ích cho nhiều người nhất là cánh văn phòng bàn giấy đang tại chức và người nghỉ hưu hay ngồi trên máy tính hoặc trước màn hình ti vi nhiều giờ liền trong ngày. Nguy hiểm đấy các cụ bô lão và bà con cả nhà ạ!

Với cách viết của một bác sĩ nên mọi điều muốn trình bày và gửi thông điệp đến người đọc là đều rõ ràng và kiệm lời. Tuy nhiên vì là một bác sĩ Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài nên công việc xử lý của chủ blog tôi là biên tập và sửa đổi ở những chỗ cần, chỉ nhằm làm cho bài viết được “cập nhật” và hợp cảnh hơn với người đọc blog ở trong nước mà thôi.

Cám ơn tác giả Hồ Ngọc Minh và giới thiệu bài viết của ông ở dưới đây.


Vệ Nhi

----
  

Ngồi nhiều, chết sớm 


Tác giả: Bác sĩ Hồ Ngọc Minh


Đọc tin tức trên mạng trong vòng một năm qua, nhiều nguồn tin cho biết, nếu bạn càng ngồi lâu, ngồi càng nhiều, tuổi thọ càng ngắn lại.




"Sitting is Killing You" (ảnh trên) tức là Ngồi nó giết chết bạn đấy! Còn nếu nói nhẹ nhàng, có mức độ hơn thì “Sitting can kill you”, hì có nghĩa “Ngồi có thể giết bạn”.

Cả hai lời khuyến cáo nghe đều sợ. Nhất là với cánh làm văn phòng hành chính và những người có thì giờ nhàn rỗi hơn như cánh hưu trí thì rất hay ngồi dán mắt vào máy tính và màn ảnh truyền hình...
  
Sự cảnh báo cũng là kết luận trên là sự đồng thuận của rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học.

Chẳng hạn mới đây nhất, theo  nghiên cứu của bác sĩ Hidde Van Der Ploeg thuộc Trường đại học Sít-ni (University of Sydney) được đăng trên “Những bài lưu trữ của khoa Y nội trú” (Archives of Internal Medicine) vào tháng 4/2012, thì sau khi theo dõi và khảo sát 200 ngàn người tình nguyện trong vòng nhiều năm, ông và các đồng nghiệp nhận xét rằng, những người ngồi trên 11 giờ mỗi ngày, khả năng đột quỵ tử vong trong vòng 3 năm tăng 4% so với những người ngồi dưới 4 tiếng.
 
Tuy nhiên cũng chẳng cần nghiên cứu gì dài dòng, các cụ ta xưa kia đã đúc kết một thành ngữ rất tự nhiên: “Đi, đứng, nằm, ngồi”, thứ tự đó mà phân chia hơn – kém thì sẽ sống khỏe sống lâu. Như vậy nghĩa là đi với con người là cần nhất, nên dành thời gian cho nó nhiều nhất; và theo trật tự này thì ngồi lâu là tối kỵ thật.

Ấy là chuyện ngày xưa. Nay ở thế kỷ 21 rồi, so với tổ tiên chúng ta, con người hiện đại dường như ai cũng có một thói quen chung, thích ngồi. Ngồi một chỗ ngày nay có ảnh hưởng tai hại có lẽ chỉ xếp sau… hút thuốc lá. Nghiên cứu trên còn cho thấy, những người ngồi trên 6 giờ một ngày, khả năng chết sớm trong vòng 15 năm tăng lên 40% so với những người chỉ ngồi 3 tiếng cho dù có tập thể dục, thể thao, chế độ ăn uống tốt.
 

Ngồi có tác hại như thế nào?

Khi bạn “an tọa” trên một tiếng đồng hồ, hệ thống điện từ não bộ kích hoạt các cơ bắp từ vùng xương chậu xuống hai chân dưới, hoàn toàn ngưng hoạt động. “Sướng nhỉ! Thoải mái nhỉ!”. Cơ thể của bạn ngừng tiêu thụ năng lượng, calories, vì khả năng đốt mỡ (fat) giảm đi khoảng 90%, lượng cholesterol tốt HDL giảm đi 20%, lượng mỡ triglycerides tăng vọt, và nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng lên 24%.

Một bệnh nhân của tôi đưa ra một nhận xét rất lý thú, ở Mỹ, có hai nghề chính: “nghề đứng và nghề ngồi”.

Hãy nói về nghề ngồi của một người làm việc văn phòng. Người ấy sẽ ngồi ăn sáng, ngồi uống cà phê, ngồi lái xe đi là, trong đó có những giờ phút “chiến đấu” với nạn kẹt xe đô thị. Đến sở làm thì ngồi lỳ làm việc, ngồi ăn trưa, có khi còn ngồi hút thuốc lá…, sau trưa lại ngồi tiếp để làm việc cho tới giờ tan sở, ngồi lái xe về nhà, rồi vật lộn với kẹt xe giờ tan tầm – đương nhiên. Chưa hết, về nhà nếu không nhiều công việc bếp núc gia đình thì lại tiếp tục ngồi đọc báo hay “ngồi computer” leo lên mạng, ngồi ăn tối, ngồi coi ti vi, lại “ngồi computer” đọc e-mail, đi ngủ để ngày hôm sau lại… ngồi. Quy trình khép kín đến là… kinh hãi vì ngồi nhiều quá.

Nghiên cứu cho thấy, những người có nghề ngồi, tỉ số bị bệnh tim mạch tăng gấp đôi so với người có nghề đứng. Tệ hơn, cho dù, bạn cố chèn vào một ngày bận bịu với 30 phút thể dục buổi sáng, hay một giờ chạy bộ sau ngày làm việc, vẫn không làm suy giảm những tác hại trong ngày do “ngồi” gây ra.



Làm thế nào để giảm đi tác hại của ngồi?

Một sự cân bằng giữa đi, đứng và ngồi là tốt nhất. Với bà con và các bạn nào còn tại nhiệm, khi ở sở làm, cứ 50 phút chúng ta rất nên tìm ít phút để thay đổi tư thế của cơ thể, đứng lên, làm vài động tác thể dục ngay tại vị trí, đi vòng quanh bàn, đi vệ sinh, đi uống nước.

Và nếu được cho phép, hoặc được chủ phân công, nên chọn dịp hay cơ hội để... đi hay đứng. Nếu không đứng hay đi được thì nên ngồi ngửa, soãi người trên ghế ở góc 135 độ, duỗi thẳng chân ít phút mỗi giờ. Một số công ty gần đây còn cho phép nhân viên có giờ tập thể dục hay được nằm mấy chục phút để nghỉ trưa.

Những người ngồi coi ti vi hay “ngồi computer” trên 3 tiếng mỗi ngày, khả năng chết vì bệnh tim mạch tăng 64%. Sau đó, cứ mỗi giờ ngồi nán thêm trước màn hình, tỉ số tác hại sẽ tăng lên 11%. Một con số thống kê khác dễ hiểu hơn, cứ mỗi phút “ngồi computer”, hay “ngồi ti vi”, tuổi thọ sẽ giảm đi khoảng 23 giây.

Vì thế nên bớt ngồi trước các loại “màn hình to hay nhỏ”. Nếu “phải” xem ti vi thì nên tránh ngồi quá lâu. Nếu phải dùng computer thì nên đứng. Đứng, để lướt mạng sẽ hạn chế thời gian lang thang trên mạng, mà không khéo rất nhiều điều đọc được lãng xẹt, và vô ích nữa nếu không là một nghiên cứu viên chuyên sâu…

Các nhà kỹ thuật mách rằng, nay có nhiều websites trên mạng hướng dẫn thiết lập một hệ thống bàn computer để đứng. Ở một số quốc gia phát triển ở châu Mỹ và Tâu Âu, có những hãng xưởng hiện nay cho phép và khuyến khích nhân viên đứng để sử dụng computer. Vfa nhiều nhân viên tại những nước này họ đã biết cách hỏi công ty của họ đang phục vụ cống hiến là xin các đơn thuốc bác sĩ chỉ định “để sở của mình cho phép đứng và đi nhiều hơn ngồi” miễn là bảo đảm tốt công việc được giao.

Ở nước ta, vấn đề này chưa thấy đặt ra ở các cơ quan công sở nhà nước cũng như những cơ sở tư nhân. Chưa nhưng không phải là không có lúc “phải đặt ra với người quản lý, người có trách nhiệm trả lương”.

*

Trở lại các nghiên cứu khoa học, các bác sĩ vẫn chưa có lời giải thích cụ thể tại sao. Nhưng, nhận xét đơn giản là, cơ thể con người không phải được tạo ra để ngồi. Cho đến một vài trăm năm trước, các cụ ta làm lụng ngoài đồng, ngoài ruộng, bệnh béo phì và tim mạch kể như không hiện hữu. Từ ngàn xưa tới thời nay, so với quý ông, người phải đi, đứng, khó ngồi yên một chỗ là các bà. Cho dù có ngồi đi nữa, các cụ bà xưa cũng ngồi xổm, tư thế làm mạnh thêm bắp thịt vùng xương chậu và đôi chân. Có lẽ vì thế, thêm một lý do, đàn bà sống lâu hơn đàn ông.




Tóm lại, nên nghe các cụ, những bậc tiền nhân sáng suốt dặn dò, “đi, đứng, nằm, ngồi”.

Điều đó rõ ràng nhắc nhở con người ta rằng, Đi nhiều hơn Đứng; Đứng nhiều hơn Ngồi. Có thì giờ dư ra thì Nằm mà nghỉ vì càng ngồi nhiều thời gian “sẽ đi nhanh hơn” đấy bà con và các bạn ạ.
 

Bs Hồ Ngọc Minh

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Thiên tai - Nhân tai


Thiên tai - Nhân tai

Lâu lâu bận việc gia đình mình không vào con web mà các bạn Việt Nam sống tại Hungary lập ra và điều hành. Web có tên “Nhịp cầu Thế giới”.  Mình thích trang thông tin này vì từng có những năm sống và học tại đất nước này vào đầu những năm 1980 . Ba năm ở Budapest nhưng đất nước có cái tên lạ (vì người Hung gọi tên nước mình là “Moi-o-rốt-xắc” - Magyarország, tịnh không có một âm như Hung hay Hâng nào), đất nước này có thể nói mình đã đi gần khắp, từ nam xuống bắc, tây sang đông. Đi lại chẳng mấy tốn kém vì Hung cũng bé nhỏ xinh xinh thôi.
 
Nên ai đó nhắc đến đất nước Trung Âu đẹp đẽ này, dù tốt hay chưa được tốt, dù kỷ niệm là đẹp hay một điều gì không vui…, thì mình vẫn cứ để tâm để ý hơn hẳn những quốc gia khác. Đúng là có thiên vị với Hungary.

Hôm qua vào trang mạng Nhịp cầu đọc nhiều bài mới hoặc đã cũ, bỗng mình để ý rất nhiều tới cái bài mình sẽ đưa lại dưới đây. Lý do sao mình nghĩ khi đọc những dòng dưới đây mọi người chắc hiểu. Nói thêm là sở dĩ mình chọn bài không hẳn vì nó nêu bật trận lũ lụt lớn lâu mới có mà tàn phá một số nước ở Trung Âu gần đây, trong đó có Hungary, bởi ai cũng nghe tin tức rồi mà là cách đặt vấn đề của tác giả bài viết về sự liên quan giữa Thiên tai và Nhân tai một khi nó cùng lúc tác động thì tai hại khôn lường. Đúng là Thiên tai (địch họa nữa) luôn gây những thiệt hại ghê gớm cho bất cứ nước nào, dù có phát triển và hiện đại như Hoa Kỳ đi nữa, sự mất mát đổ vỡ cũng chao đảo liểng xiểng. Nhưng không chỉ Thiên tai mà Nhân tai tưởng vậy chứ sức phá hoại cũng vô cùng lớn rộng và tai hại.  Cũng là điều may mắn cho đất nước Hungary, trận lũ lớn tàn phá nhiều xứ Trung Âu đến phần nước này đã không xô đổ và tràn ngập qua khu bể chứa bùn đỏ mà tháng 10/2010 đã gây một sự cố kinh hoàng vào thời điểm đó. 

Chính vì lẽ đó mình đưa lại bài viết trên nói tới lên đây để bà con và bạn bè quan tâm thì chia sẻ và tham khảo "một cách nhìn từ nước ngoài" nhân sự cố về Thiên tai và Nhân tai trong trường hợp Hungary.

Vệ Nhi 

------

“Lụt thế kỷ” 2013 ở Hungary: QUAN NGẠI VÀ NHỮNG BÀI HỌC


Tác giả: Nguyễn Hoàng Linh


Bùn đỏ, thảm họa sinh thái
Bùn đỏ, thảm họa sinh thái


Những lo âu của chính quyền Hungary và cư dân Budapest rốt cục đã không trở thành sự thật: thủ đô Budapest tránh được “trận lụt thế kỷ” trong phút cuối, khi mực nước sông Danube dâng cao ở mức kỷ lục trong vòng hàng trăm năm nay.
Tuy nhiên, nhiều quan ngại đã được đặt ra đối với công tác phòng chống lũ lụt bị coi là quá lạc hậu và thiển cận, cũng như, với những hồ chứa bùn đỏ đặt sát bờ sông Danube tại một vùng quê.

Budapest thoát hiểm
Đêm hôm 10/6, mực nước sông Danube – đoạn chảy qua thủ đô Budapest – lên tới 891cm, tức là vượt xa mực kỷ lục tính cho tới nay (860cm vào năm 2006), nhưng vẫn dưới mức báo động 9m chút ít. Đây là giá trị “tới hạn” mà chính quyền thành phố cho rằng, trong trường hợp nước sông dâng cao tới đó, sẽ phải cho di dời tạm thời 55 ngàn cư dân.
Trong họp báo tổ chức vào sáng hôm sau 11/6, Thị trưởng Budapest Tarlós István nhận định một cách thận trọng: “Có lẽ Budapest sẽ thoát lụt”. Lý do của sự thận trọng ấy, có lẽ vì nước sẽ hạ rất chậm và theo dự báo, sẽ có mưa rào, mưa đá hoặc bão lớn và có thể những bức vách chắn ở một số nơi không chịu được áp lực của nước sông.
Nguy cơ sụt lở đê, như thế, vẫn chưa chấm dứt, như kinh nghiệm trước đó của Đức và Cộng hòa Czech. Chính vì vậy, phiên họp bất thường của Quốc hội Hungary đã ra quyết định gia hạn thêm cho tới ngày 19/7 thời gian chống lụt trong tình trạng khẩn cấp.
Tổng kết của Cục Phòng chống Thảm họa Quốc gia Hungary cho hay, kể từ khi mực nước Danube dâng cao, tại 34 vùng trên toàn nước Hung, đã có gần 1.400 người phải sơ tán. Hơn 15 ngàn người tham gia công việc đắp đê, cứu hộ, và hơn 3,8 triệu bao tải cát đã được sử dụng.
Trong thời gian diễn ra sự kiện này, toàn bộ các chính khách nổi bật của Hungary đều xuống hiện trường, cùng dân tham gia hộ đê. Đặc biệt, Thủ tướng Orbán Viktor – một năm trước kỳ tổng tuyển cử – đã tỏ ra hết sức năng nổ, tạo hình ảnh một vị tổng chỉ huy, luôn ở những vị trí khẩn thiết.
Lụt lội tại Hungary sở dĩ thu hút được sự chú ý của công luận và truyền thông, một phần vì chính quyền nước này đã ứng phó hết sức dở trong sự cố thời tiết diễn ra đúng vào dịp quốc lễ 15-3 vừa qua. Khi đó, tuyết rơi mạnh đã khiến giao thông ứ trệ – thậm chí hoàn toàn bị đình lại – trên nhiều tuyến đường chính, xa lộ trong hàng ngày trời.


Trước và sau trận hồng thủy "bùn đỏ"

Trong lần này, do đã có thời gian dài chuẩn bị và tham khảo kinh nghiệm chống lụt của các nước trong vùng Trung Âu như Đức, Áo và Cộng hòa Czech, nên chính quyền Hung đã tỏ ra chủ động hơn, đặc biệt là trong sự tổ chức truyền thông và kêu gọi, tri ân cư dân cùng góp sức trong công việc chung.
Kết quả là đã có rất nhiều tình nguyện viên thuộc đủ lứa tuổi đăng ký làm việc tại nhiều điểm cứu hộ trên toàn quốc. Đặc biệt, nhiều đoạn dọc sông Danube tại Budapest đã trở thành những đại công trường rất ngoạn mục – đôi nơi, còn có sự hỗ trợ của du khách ngoại quốc tới thăm Hungary.
Giao thông công cộng tại thủ đô Budapest nói riêng và trên toàn quốc nói chung cũng được tổ chức khá tốt, sự đình trệ giao thông không nhiều. Thủ tướng Orban cho biết, chính quyền đang hướng sự tập trung cho các khu vực miền Nam đất nước, hiện đang có 4 địa phương lâm vào trạng thái nguy ngập và tình trạng khẩn cấp đã được ban bố thêm tại 12 vùng khác.
Ông cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, không xảy ra những hành vi phạm tội trên cả nước. Dù sao đi nữa, thiệt hại do lụt lội gây ra trong dịp này – theo những ước tính sơ bộ là vài trăm triệu USD – cũng là đáng kể đối với một quốc gia đang lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế từ nhiều năm nay.


song danupe 
Đoạn sông Đa-núyp (Danube) chảy qua thủ đô Budapest


Những bài học nhãn tiền
Dầu vậy, giới chuyên môn cho rằng trận lụt năm nay đã để lại nhiều bài học cho chính giới. Theo họ, Hungary thường tự hào là một cường quốc thế giới về thủy lợi, nhưng cả chính giới lẫn xã hội chưa có được suy nghĩ dài hạn một cách thích hợp về vấn nạn lụt lội. Hệ thống đê điều bị coi là đã quá cũ kỹ, sức phòng vệ có thể sẽ không đủ.
Ngay trong dịp vừa qua, khi nước sông dâng cao, hệ thống nước thải do thiết kế trước đây không tính đến khả năng lụt lội, đã suýt bị dừng hoạt động, có thể gây ô nhiễm một cách đáng kể cho môi trường. Nhiều đoạn của bức vách ngăn nước tại Budapest, được khởi xây từ cuối thế kỷ 19, đã tỏ ra hoặc không đủ mạnh, hoặc không đủ về độ cao khiến nước rò rỉ vào thành phố.
Đáng chú ý nhất là sự tính toán về mặt chiến lược của chính quyền. Chính giới Hung cho rằng, mỗi khi có lũ lụt, luôn có thể trích từ ngân sách quốc gia rất nhiều tiền để xây và phục hồi hệ đê điều, giúp người dân tản cư và bồi thường cho họ. Khoản tiền đó, như trong trường hợp vừa xảy ra, là không nhỏ, nhưng được coi là “luôn có sẵn”.
Giới chuyên môn cho hay, những kế hoạch, dự định dài hạn trên lĩnh vực phòng chống lụt ở Hungary từ nhiều năm nay chỉ nằm trên bàn, không hề được thực hiện trong thực tế! Chính giới dường như chỉ thích chi tiền một cách thụ động cho những nơi nào mà tình thế thật khẩn cấp, chứ không hề theo những bài bản khoa học sáng suốt.
Một tính toán sơ bộ cho thấy, việc xây dựng một hệ thống phòng chống lụt mang tính dài hạn đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, nhưng xét về dài hạn là một sự đảm bảo tớt cho cư dân trong những tình trạng khẩn cấp, đồng thời, tiết kiệm được hết sức nhiều tiền cho ngân quỹ quốc gia. Điều đó, hiện tại chưa hề có ở Hungary!
Với suy tính như thế của chính giới, xã hội Hungary cũng thường ngả theo lối nghĩ thụ động: khi nào lụt đến thì chống, chứ khi không có gì thì cư dân Hung ít ủng hộ những chương trình phòng chống lụt dài hạn, được thực hiện theo chiến lược có suy tính kỹ càng một cách khoa học.
Điều này dẫn đến việc cả chính quyền lẫn công luận Hungary đều quen với cách nghĩ đơn giản: cứ mỗi lần lụt tới lại huy động tình nguyện viên đi xúc cát đắp đê. Trong khi, cái gọi là “nghệ thuật phòng chống lụt hiện đại” phải là sự kết hợp của việc tổ chức, điều hành và kiểm tra các nhiệm vụ kỹ thuật, và tổ chức, điều hành các nhiệm vụ hành chính nhà nước trong lĩnh vực này.
Rất có thể trong thời gian tới, chính quyền Hung phải nghĩ lại về quan điểm của mình vì với thời gian, việc chi tiền thụ động cũng sẽ không đơn giản do mọi khoản phí đều tăng, trong khi đó, ở nhiều nơi, hệ đê phòng vệ cũ kỹ sẽ không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và thực tế, khi khí hậu toàn cầu ngày càng có những biến đổi khó lường!

Nguy cơ bùn đỏ vẫn ám ảnh
Thứ Năm tuần trước, trong phát biểu về 9 khu vực được coi là “hết sức bị đe dọa” trong cơn lụt lịch sử lần này, Thủ tướng Orbán Viktor đã nhắc đến những hồ chứa bùn đỏ ở vùng Almásfüzitő, được xây ngay cạnh bờ sông Danube. Đây cũng là quan ngại thường trực của tổ chức “Hòa bình Xanh” (Greenpeace) và một số nhà khoa học.
Nhắc lại, đã có ít nhất 50 triệu tấn bùn đỏ tích tụ lại trong quá trình chế biến quặng bauxite ở Hungary, trong số đó, vùng Almásfüzitő chứa hơn 12 triệu tấn bùn đỏ trong 7 bể tại một diện tích gần 200 héc-ta, ngay cạnh sông Danube. Trong các bể chứa này, bùn đỏ chỉ được lưu giữ chứ không xử lý, nên chúng luôn là những trái bom hẹn giờ đe dọa hệ sinh thái và đời sống cư dân.
Tại Almásfüzitő, trong thời gian 1950-1997 từng vận hành một nhà máy alumin thuộc hàng lớn nhất nhì Hungary và cả vùng Trung Âu, vào thời hoàng kim từng là nơi làm việc của 2.300 nhân công trong khu vực. Trước khi nhà máy này đóng cửa, công việc hoàn thổ mảnh đất được coi là hết sức giá trị này đã bắt đầu được thực hiện.
Hoàn thổ được định nghĩa là việc đưa mặt đất bị biến đổi sau quá trình khai thác về trạng thái gần như nguyên thủy với tất cả các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên vốn có trước khi khai thác. Quá trình hoàn thổ ở Almásfüzitő đã được tiến hành từ 27 năm nay – hiện đang ở bước cuối với sự hoàn thổ hồ chứa số 7, có diện tích 1km2 và vách chắn của nó chính là đê chống lụt của sông Danube.
Không những thế, sau khi hoàn thành việc phủ kín các bể chứa bùn đỏ, doanh nghiệp còn có bổn phận kiểm tra chúng trong vòng 30 năm: nếu nhận ra bất cứ sự bất thường gì trong chất lượng và thành phần của nước và không khí, họ phải lập tức có biện pháp. Như vậy, trên nguyên tắc, thảm sinh học trên mảnh đất đã được khai thác có thể được hoàn trả với tỉ lệ cao.
Để trấn an những lo ngại của cư dân trong vùng, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề môi trường – ông Illés Zoltán – sau khi đi thị sát tại hiện trường, phát biểu rằng mặc dù việc xây hồ chứa chất thải công nghiệp nguy hiểm như bùn đỏ bên bờ sông Danube là “thất sách”, nhưng nguy cơ nước sông tràn qua vách chắn rất cao của hồ chứa, là không có.
Doanh nghiệp phụ trách ở đây (Tatai Zrt.) cũng khẳng định, vách chắn của bể chứa số 7 tại Almásfüzitő được xây cao hơn 4m so với hệ thống đê phòng lụt có liên quan, và từng được gia cố bằng đá nên rất vững, thừa đủ để chống được mực nước Danube dâng cao trong dịp này.
Ngoài ra, khả năng bùn đỏ và các chất thải công nghiệp có thể bị rò rỉ cũng bị doanh nghiệp này loại trừ vì bản thân bùn đỏ ở đây đã khô từ lâu nay (có thể đi lại trên bề mặt) và cũng có tác dụng ngăn nước, cạnh đó, tại hồ chứa số 7 này, hoàn toàn không có dung dịch lỏng để có thể rò rỉ.
Tuy vậy, như lời của Quốc vụ khanh Illés Zoltán, trong trường hợp hồ chứa bùn đỏ xây cạnh sông ở vùng Almásfüzitő, đã diễn ra sự bất cẩn về môi trường trong quá khứ mà đến giờ cư dân và chính quyền cũng không biết làm sao khắc phục hoàn toàn, đành tìm cách “sống chung với lũ”…

 Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3779

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...