Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Nhìn nhận về nước Mỹ: Hãy nghe người khác nói


Nhìn nhận về nước Mỹ: Hãy nghe người khác nói 

Do sống vào “những khúc quanh lịch sử” nước Việt Nam chúng ta đã đương đầu với Mỹ trong một cuộc chiến kéo dài và khốc liệt. Vì thế muốn hay không muốn, hình ảnh nước Mỹ cũng hiện ra với khuôn mặt khác, không giống cách nhìn về Mỹ như các quốc gia khác. Những binh lính Mỹ - dưới cái gậy chỉ huy của kẻ cầm quyền nước họ - đương nhiên bị xua đi và đã gây nên nhiều tội ác chiến tranh trên đất nước Việt Nam. Hình ảnh Hoa Kỳ dù thế nào thì cũng bị méo mó xấu xí qua suốt cuộc chiến tranh, và chúng ta buộc phải thú nhận rằng nó đã kéo dài đến tận nay, suýt soát 40 năm sau khi quân đội Mỹ đã “go home” hoàn toàn.
Vài chục năm qua quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ khởi dựng rồi tiến triển tương đối nhanh chóng, nhưng cách nhìn, cách đánh giá Mỹ vẫn còn nhiều tranh luận.
Để đóng góp mọi loại tư liệu, nhận xét xuất phát từ nhiều hướng nhìn khác nhau về nước Mỹ, xã hội Mỹ, Chủ blog tôi đưa bài viết dưới đây. Đó là ý kiến từ một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của châu Á, ông Lý Quang Diệu từ đất nước Singapore - nước được mệnh danh là “công nghiệp mới” dẫn đầu của lục địa châu Á.
Hãy nghe một trong nhiều ý khác nhau của ông Lý là rất đáng lưu tâm: “Hoa Kỳ là một xã hội
thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ - lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore. Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn”.

Mời đọc toàn văn bài viết bên trên đã dẫn...
Vệ Nhi
-----
       
Ông Lý Quang Diệu viết về Hoa Kỳ: “Tại sao tôi lại tin vào thành công về dài hạn của Hoa Kỳ?”



Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.



Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.

Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ - lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore. Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn.

Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng. Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.

Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã cố gắng thành lập một Trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên cứu vấn đề này.





Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy phải tuân theo Washington hay New York. Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học Cambridge). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.

Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn. Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô, giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn, các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi thật sự khâm phục sự năng động và tin thần khởi nghiệp của người Mỹ.

Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York, bạn cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.

Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới. Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.

Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu làm lại. Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2 thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, Hoa Kỳ là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp. Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí trong các công ty của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn.

Tháng 6 năm 2014






https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Thơ của một nhà ngoại giao

Thơ của một nhà ngoại giao

Anh Nguyễn Khánh Hòa nguyên là một cán bộ ngoại giao. Anh công tác tại Vụ Cuba - Mỹ Latinh (sau này là Vụ Châu Mỹ), từ năm 2011 anh Hòa đã nghỉ hưu. 

Khiêm nhường, nhà ngoại giao Nguyễn Khánh Hòa chỉ nhận mình "có viết chút đỉnh như thơ, tản văn, mà một số bài đã đăng ở một số tạp chí, một vài trang Web, blog của bạn bè. 

Anh vừa mới viết thư email gửi Chủ blog tôi với "ghi chú" là anh gửi các bài viết của mình "chủ yếu để chuyển cho bạn bè của mình đọc cho vui (hy vọng là thế)". Rồi anh tự giới thiệu đề tài của mình viết ra là 1001 (nghìn lẻ một) chuyện thường nhật, là cô bán hàng rong trên thuyền, là cô gái H mông, là con búp bê gỗ ở Sapa hoặc cô cảnh sát ở chân cầu Tràng Tiền... Và như anh òn tâm sự, và điều này dường như là thiết cốt lắm, đó là "thỉnh thoảng lại viết bài làm thơ nhân một số sự kiện như một cái nghiệp đã ăn vào máu của một cán bộ ngoại giao".

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc blog 3 bài thơ của Nguyễn Khánh Hòa. Hy vọn sẽ được giới thiệu các bài viết khác của anh.

Vệ Nhi g-th

-----


Bài 1
Chuyện xưa kể lại

Thơ NGUYỄN KHÁNH HÒA



Chuyện xưa kể:
Khi giặc Minh lăm le ngoài biên ải
Hồ Quý Ly bèn triệu Nguyên Trừng
Lệnh tích lương, đúc súng thần công, xây thành đắp lũy
Giục kíp làm chống giặc ngoại xâm.

Tả Tướng quốc cung kính tâu chậm rãi
Điều nghiền ngẫm ngày đêm, đau đáu trong lòng:
Thưa Thái Thượng hoàng, xin cho thần nói thật
Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo!

Các vương hầu trong lụa là gấm vóc
Thái ấp điền trang, vàng bạc chất trong nhà
Và các thảo dân quanh năm cơm cà khố rách
Hiểu được nhau chăng? Không, chẳng bao giờ!

Dân - dân đen, tự ngàn xưa, là nước
Có mấy ai để ý lúc thời bình
Nước nâng thuyền lên, vượt thác ghềnh bão tố
Nước cũng có thể lật thuyền khi nước không yên*.

Lời hay ở đời đôi khi không thật
Lời thật không hay, thường dễ mất lòng
Nhưng là chuyện an nguy sơn hà xã tắc
Ngài nghe lời nào, hỡi đấng quân vương?

Bài học máu ngày xưa vẫn không hề cũ
Khi hôm nay láng giềng đang gây hấn ở biển Đông
Thành lũy có là gì khi lòng người không còn cố kết
Vua tôi bất hòa, trăm họ chẳng đồng tâm.

                                                      Hà Nội, 20/5/2014

* Lời Nguyễn Trãi, qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi chống giặc Minh đã đúc kết: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”.

 Bài 2

Có một vị tướng của nhân dân như thế !

Kính viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thơ NGUYỄN KHÁNH HÒA

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất rồi!
Tiếng sét bất ngờ
nổ giữa trời quang
Chưa có Thông cáo của Trung ương
Chắc các vị còn đang bàn tính!
Nhưng trên mạng,
tin lan nhanh như chớp
Dân mạng bảo nhau
treo cờ tang đồng loạt
Điều hiển nhiên
Khỏi cần chỉ đạo
Khỏi chờ mất công!
Khắp phố phường ngoài bắc trong nam
Khắp nẻo đường bản làng xuôi ngược
Ngày Đại tướng ra đi
Triệu tiếng khóc than
Nước mắt đau thương
Trên khóe mắt đồng bào
Khóc vị Tướng toàn tài mưu lược
Rong ruổi mọi miền
cầm quân đánh giặc
Khóc vị Tổng Tư lệnh đầu tiên
Dẫn đội quân chân đất áo sờn
Đạp chông gai
Đi suốt cuộc chiến trường kỳ
ba mươi năm có lẻ
Viết nên Thiên anh hùng ca có thật hiếm hoi
David tý hon chống khổng lồ Goliat.
Từ thuở
“Indochine française”* là tên đất nước
“Salle  anamite”** là tên người dân Việt
Đến ngày thu về trọn vẹn non sông.


Lâu lắm rồi
Hôm nay lại thấy
Nước mắt rơi chung
Trên má trẻ già
Khóc vị Tướng huyền thoại của Nhân dân
Biết chắt chiu
từng giọt máu đào chiến sĩ
Bởi Ông hiểu thấu
Chẳng có ai thương bí với bầu bằng bầu với bí
Trận chiến này là của mình
Những người lính này là của mình,
Những con dân đầu đen máu đỏ
Họ đi theo Ông từ những ngày đầu
Ôm bom ba càng
nấp hẻm phố chờ xe tăng giặc
Ôm bộc phá
nằm đợi giờ G trước hàng rào cao điểm
Ngọn đèn bàn trong Sở chỉ huy
Bao đêm cùng Ông thức trắng
Mọi nơ ron thần kinh căng như sợi dây đàn
Suy nghĩ lao lung
Cân nhắc tận cùng
Tìm kế sách riêng
Để máu Việt Nam đổ ra ít nhất
Không thể nhờ người khác thay mình suy nghĩ
Đất nước này không có nhiều người
Chiến thuật Biển người
Dùng là tự sát!

Đối thủ của ta
Thuộc hàng hảo thủ
Trận mạc xông pha
Yêng hùng kiêu hãnh
Bao xứ xở
Họ đã từng chinh chiến
Cũng là những nơi
Họ đã từng chinh phục
Nhưng ở Việt Nam
Nơi người dân quen cầm cuốc, cầm cày
Lại là nơi
Tư duy quân sự xưa nay không có từ “run sợ”
Cũng không hề có từ khinh suất.
Mọi đối thủ đến đây
Người Việt Nam tôn trọng
Đúng tầm.
Đêm hai mươi sáu tháng giêng năm năm mươi tư
Ngay trước giờ G
Phương án  diệt Con Nhím Điện Biên Phủ
Đã hoàn toàn thay đổi
Ông nhớ mãi
cái quyết định khó nhất trong đời làm tướng
Đánh chậm tiến chắc
Không phải Đánh nhanh thắng nhanh
Cuộc Kháng chiến thần kỳ
nhờ đó tránh bị kéo lùi lại mười năm
Bớt núi xương sông máu
Những người lính còn sống sau Điện Biên ngày ấy
Thành vốn liếng của quân ta
trong Trường chinh chống Mỹ sau này.

Mấy chục năm nếm mật nằm gai
Rồi cũng có một ngày
Tổ quốc ta
Trước thời cơ lịch sử
Xuân 1975
Trong Cơn lốc đỏ
Chỉ thị của Ông
Vang rền như trống trận;
"Thần tốc, thần tốc hơn nữa;
táo bạo, táo bạo hơn nữa;
tranh thủ từng phút, từng giờ;
xốc tới mặt trận;
Giải phóng miền Nam.
Quyết chiến và toàn thắng!"***

Cả Dân tộc khóc Ông
Vị Tướng toàn tài, nhân hậu, khiêm cung
Suốt đời theo lời dạy của Người cha Tổ quốc;
“Dĩ công vi thượng”
Trên đỉnh vinh quang
Nắng rực rỡ nhưng cũng nhiều bão tố
Thật hiếm hoi mới có một Thiên tài
Nhưng trớ trêu
Đời lại luôn luôn có thừa ganh ghét
Và còn hơn cả thế, đôi khi
Chúng nảy nở nhiều như nấm sau mưa
Nấm không chịu được vầng hào quang trên trán thiên tài
Sợ mình bị bóng thiên tài che khuất
Mũi tên độc nhằm vào những người con trung hiếu
có khi xuất phát từ nơi một thời là đồng chí của nhau!
Bị xử tệ
Ông ngộ ra chữ Nhẫn
Không phải dễ
Nhưng phải hành theo Nhẫn
Quân tử khi cần
Phải biết mềm như nước
Nước chảy đá mòn
Nhẫn, Đại Nhẫn giúp Ông vượt qua
Giúp Ông đứng vững.

Có một số ông quan
trên ghế cao quyền lực
có cả những ông còn mới toanh
từ hòn đất hôm nào, nay thành ông Bụng phệ
Muốn quên Ông
Nhưng từ lâu
Ông đã trở thành
Tượng đài sống trong lòng Dân tộc
Còn trên đời ngày nào
Ông trăn trở, ưu tư thương Dân, thương Nước
Trên giường bệnh,
ba lần viết tâm thư gửi Trung ương
kiến nghị bauxite Tây Nguyên!

Cũng vẫn hay sinh tử ở đời là lẽ tự nhiên
Trong cõi càn khôn có ai thoát được
Cũng vẫn biết
Ông đã vượt qua ngưỡng tuổi “cổ lai hy
ba mươi năm có lẻ
Và cũng hiểu rằng hơn 1.500 ngày qua
Nơi Ông nằm - Viện Quân y 108
Nhưng nghe tin Ông ra đi
Lòng như ứa máu
Tiếc thương
Người cuối cùng của Thế hệ Khổng lồ nằm xuống
Cái tang này
Cái tang chung quá lớn
Những gì lớn lao, hoành tráng thuộc về Ông
Mãi mãi thuộc về Ông
Đài báo đã nói rồi
Nhưng với những con dân bình thường nước Việt
Ông là người thân ruột thịt
Như người ông, người cha, người anh!

Hãy xem những người dân
già trẻ gái trai
đến từ mọi vùng quê
Trong hàng dài dằng dặc trên phố đợi viếng Ông
Khóc Ông
Những giọt lệ sáng trong như ngọc.

Ông ra đi
Để lại
cuối cùng
Thêm một điều tốt đẹp
Nhắc mọi người đừng quên
Ta cùng có nhiều cái chung
Trước tiên là Tổ quốc
Cả Dân tộc dựa bên nhau
Trong đau thương mất mát
Nước mắt rơi chung!

Người người cầu mong anh linh Ông siêu thoát
Về cõi vĩnh hằng
Về với Tiên hiền nước Việt
Người người cầu mong anh linh Ông
Hiển Thánh
Trường tồn cùng sông núi Việt Nam
Trước di ảnh của Ông
Mở tỏ trong khói trầm thơm ngát
Tôi thành kính chắp tay mong mỏi;
Xin mỗi người - trong đó có tôi
Một điều giản đơn trần thế;
Nên biết xấu hổ nhiều hơn
Và giữ cho lòng vẩn đục ít hơn!

                                                             TP Mexico, hạ tuần tháng 10/2013

* (tiếng Pháp) Xứ Đông Dương thuộc Pháp
** (tiếng Pháp) Tên An nam mit bẩn thỉu
*** Bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ sáng 07/4/1975.

Xin xem thêm bài viết  Những câu nói bất hủ của Đại tướng Võ Nguyên Giápđăng trên báo VNExpress ngày 07/10/2013

 Bài 3

 Tại sao?

Thơ NGUYỄN KHÁNH HÒA

Họ cùng là những người lính dòng dõi Tiên Rồng
Cùng trấn giữ những tiền tiêu Tổ quốc xa xôi
                                                   giữa biển Đông sóng gió
Cùng chống lại kẻ thù đê hèn, độc ác
Cùng dâng hiến thân mình bảo vệ quốc gia.

Năm bảy tư và năm tám tám thế kỷ vừa qua
Hoàng Sa, Gạc Ma - hai trận hải chiến cam go, không hề cân sức
Họ cùng ngã xuống nơi đảo xa thuộc chủ quyền đất nước
Lấy máu mình giữ đất cha ông. 


Vậy mà bây giờ, một bên thì gọi là liệt sĩ
Còn một bên gọi là tử sĩ
Hỏi như thế có công bằng?
Chuyện gì đây? Có nhầm lẫn không hay là gì khác?
Tại sao? Tại sao?
Câu hỏi trong lòng luôn luôn day dứt!

Những người lính trên Hoàng Sa canh giữ
Trước kẻ thù rình rập ngoài khơi
Không nói ra nhưng lòng tự nhủ:
Phải bước qua xác mình, nếu giặc muốn lên đây!

Không hổ danh là nam nhi nước Việt
Chiến đấu hết mình giữa sóng nước Hoàng Sa
Và ngã xuống, không bận lòng nghĩ ngợi
Tên tuổi mình còn ai nhớ mai sau?

Bởi giản đơn khi quốc gia hữu sự
Phải báo đền gánh vác, phận làm trai
Nhưng lịch sử công bằng phán quyết:
Của Xê da hãy trả lại Xê da!

Trước kẻ thù ngoại bang
Xin đừng chia người lính chống xâm lăng nước mình thành hai phe Quốc Cộng
Chỉ có một tâm thế Việt Nam khi giặc đến nhà:
Là Phù Đổng, nếu là con trẻ
Là bô lão Diên Hồng, nếu tóc bạc phơ phơ.

Mẹ Việt Nam yêu thương các con mình, tất cả như nhau
Mẹ thương cả những đứa con khờ dại
Vậy cớ sao lại đem chia đôi các con của Mẹ 
Chúng giống nhau từ hình hài đến ý chí quật cường chống giặc xâm lăng.

Trong tâm khảm của mỗi người dân Việt
Phàm những ai đã chiến đấu dũng cảm vì đất nước này
Đều là anh hùng
Phàm những ai đã ngã xuống trước trận tiền chống ngoại xâm
Đều là liệt sĩ.

Năm bảy tư,
Hải chiến Hoàng Sa
Cái thời điểm cực kỳ nhạy cảm
Im lặng bấy giờ là điều hiểu được
Bởi kẻ xâm lăng đang nắm yết hầu ta
Lưỡi gươm Damocles - Lưỡng đầu thọ địch*
Lơ lửng treo sát ở trên đầu.

Bốn mươi năm sau
Đất nước liền một dải
nhưng trước mặt,
vẫn nguy cơ thường trực
chủ quyền quốc gia bị kẻ thù gậm nhấm
Vất bỏ bộ cánh tự tô son trát phấn một thời
Kẻ thù lại hiện nguyên hình như hơn ngàn năm trước
Hãy mở mắt thật to
Nhìn cho rõ nguy cơ thường trực
Không để lặp lại điều đau thương bọn lang sói đã làm
Xin đừng quên những điều đã xẩy ra,
                               dù vui hay buồn, dù muốn hay không muốn
Để máu đổ hôm qua không uổng
Để những người đã ngã xuống vì non sông
                                                          sống mãi với non sông.

Sẽ có ngày, không xa
Dân dựng đền thờ
những anh hùng liệt sĩ
Hải chiến Hoàng Sa
Hải chiến Gạc Ma.
            
                                                        Hà Nội, 24/4/2014
                        Nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm trái phép
                                            Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
__________________________
* Lưỡng đầu thọ địch (thành ngữ Hán Việt): Hàm ý tình thế hiểm nghèo phải đối phó với kẻ địch ở hai phía cùng một lúc.






  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...