Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Blog của Đại sứ Anh...


Qua blog của Đại sứ Anh - Nghĩ chút về tính công khai minh bạch ngoại giao





Lẽ ra tít bài định viết là "Blog của Đại sứ Anh... có chuyện anh Vươn", nhưng rồi bỏ mệnh đề sau vì nghĩ sẽ có người bảo chủ blog khéo "ăn theo" sự kiện. Tuy nhiên đúng sự thực là blog của nhà ngoại giao này có nói chuyện đó trong một Entry gần đây nhất.

Việc làm một cái blog thì công dân thường cũng đã thực hiện nhiều rồi. Chẳng phải là các công dân trên thế giới đâu xa, ngay công dân Việt Nam mình cũng tạo nên bao nhiêu cái blog, có blog nổi tiếng với không những bà con hay lên mạng trong nước mà ở cả nước ngoài, đạt tới cả nhiều triệu page-views, hầu như thời điểm nào trong ngày cũng có khách online...

Nhưng với một nhà ngoại giao đang tại vị, dùng con blog để ghi chép, giao lưu thì không phải vị đại sứ nào, hoặc ngài đại diện ngoại giao cao nhất của nước nào cũng làm, cũng có đâu... Bởi đây là vấn đề quan niệm và nhận thức, chưa kể có vấn đề quy chế, quy định và kỷ luật phát ngôn với từng quốc gia...

Quan niệm truyền thống nói chung là nghề ngoại giao cần kín nhẽ, có sự tiết chế và cân nhắc lời ăn tiếng nói; và đâu cũng thế, có bao nhiêu điều thuộc bí mật (quốc gia) phải giữ kín.

Thế mà Ngài Antony Stockes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội có hẳn một cái blog đúng nghĩa. Tức là ông chủ blog chịu khó cập nhật thông tin, đưa lên những tin tức bài viết mà người quan tâm đến nền ngoại giao Anh, đến Việt Nam và đến mối quan hệ giữa hai nước này chắc chắn cần truy cập nghiên cứu hoặc tham khảo.



Ngài Đại sứ Anh Antony Stockes






Nội dung blog ngoại giao đương nhiên có cái khó của nó. Bởi vì ngoài sứ mệnh hũu nghị hợp tác, người làm ngoại giao ở một nước còn có bao nhiêu điều khác biệt về lợi ích quốc gia, bao nhiêu điều phải tự ước lượng độ nhạy cảm mà khéo xử lý, tránh né... Khó là vậy mà vẫn có blog, vẫn cho bạn đọc truy cập công khai mới là điều lạ, ít nhất với vị đại sứ Anh Quốc này.

Vừa đây nước mình có vụ Đoàn Văn Vươn Tiên Lãng, ông đại sứ Anh vẫn có cách nói cách phản ánh lên blog của ông đấy.

Đành rằng các động thái, tình hình tại bản địa đang công cán có một sự kiện gây tiếng vang dư luận như vụ Tiên Lãng như thế thì vị đại diện ngoại giao nước nào ở Việt Nam mà chẳng "lập-bô"về nước (rapport/report tức làm "báo cáo"). Tuy nhiên viết trên blog lại là chuyện khác. Bởi báo cáo bằng điện mật về nước mình là thứ tài liệu rất "lựa chọn" người đọc, nói hẳn là thuộc thứ cơ mật mất rồi. Trong khi viết blog thì ai cũng có thể xem được, đọc được - như trường hợp blog công khai của ngài A. Stockes.

Những ai quan tâm đến nền ngoại giao Anh Quốc nói chung, có thể tra ngược lại từ blog của Ngài Đại sứ sẽ thấy ở cơ quan bộ Ngoại giao nước Anh (nguyên văn: Foreign & Commonwealth Office) có hẳn một Website lớn với Mục "Hội thoại Toàn cầu" (Global Conversations) để lưu các bài viết của các nhà ngoại giao Anh trên toàn thế giới. Đủ thấy tính công khai minh bạch của Luân Đôn về đối ngoại là đáng nể. Đây là trang mạng giới thiệu 63 đại sứ  (hoặc cấp trưởng cơ quan đại diện ngoại giao) của nước Anh trên khắp thế giới có trang thông tin riêng, tức blog của từng người:  http://blogs.fco.gov.uk/bloggers/


Thế giới và quan hệ giữa các quốc gia với nhau thời nay đổi mới và cởi mở hơn rất nhiều trong mấy thập niên qua. Có được điều này do phát triển kinh tế và sự hợp tác giao lưu trên thế giới ngày càng tăng cao, tiến tới không ngững. Nhưng một mặt khác không kém phần quan trọng là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin - cụ thể là lĩnh vực báo chí truyền thông, internet - đều có những bước tiến ngoạn mục. Đương nhiên nó tạo đà cho sự lành mạnh hóa, công khai minh bạch hóa những điều "có thể" minh bạch được.

Ở đây trong một nghề nghiệp rất cụ thể là ngoại giao thì mối quan hệ và xử lý thế nào? Luôn luôn có vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc ở đây phải gắn vào. Công khai minh bạch trong ngoại giao đâu phải là sự ngờ nghệch trưng bày tất cả mọi điều với đối tác. Bất cứ nước nào cũng cần giữ vững lợi ích dân tộc, không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc các vấn đề lợi ích thiết thân của quốc gia. Tuy nhiên khi xử lý các công việc cụ thể trong các mối quan hệ song phương hoặc đa phương, nhà ngoại giao cũng như nhiều người trong các ngành nghề khác, cần tới sự cởi mở, tỏ thiện chí nhất có thể được với các đối tác. Chính điều đó gây thiện cảm tức thì và cũng là lâu dài với mọi đối tượng mà nhà ngoại giao nhắm đến.

Có lẽ đến đây cũng có thể nói được rằng, cái blog công khai trước công chúng của Ngài Đại sứ Anh Antony Stockes tại Việt Nam là một ví dụ khá điển hình về tính công khai minh bạch ngoại giao của thời hiện đại chúng ta đang sống được không?

Ngoại giao nước Anh làm được thế thì ngoại giao các nước cũng chẳng có lý do gì không làm được. Đó là chủ blog tôi nói chung tới các nước chưa làm việc này, chứ không ít người biết rằng đã có nhiều nền ngoại giao khác trên thế giới tiếp cận tới việc thông tin trực tuyến - online - thế này và xây dựng các trang blog riêng biệt cho các nhà ngoại giao cao cấp tại nhiệm sở của họ.

Đúng là cuộc cách mạng thông tin mới và các ứng dụng của nó đã xâm nhập mọi địa hạt, làm thay đổi rất nhiều từ quan niệm đến việc làm của mọi người chúng ta.

Vệ Nhi


-----


MỜI ĐỌC BÀI
VỀ VỤ TIÊN LÃNG;
VÀ MỘT BÀI VỀ BLOG VIỆT NAM 

ĐẠI SỨ ANH LÊN TIẾNG VỀ VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN VÀ TỰ DO BÁO CHÍ TẠI VIỆT NAM
Tiến sỹ Antony Stokes
Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại VN

Tiến sỹ Stokes đặt câu hỏi về vai trò độc lập của báo chí trước sự kiểm soát của chính phủ.
Câu chuyện gây nhiều tranh luận về anh nông dân Đoàn Văn Vươn, người đã cùng với gia đình tự chế tạo bom và dùng súng để chống trả lại lực lượng công an đã được báo chí và truyền hình Việt Nam đưa tin rộng rãi.

Bình luận về câu chuyện này cũng đã được nêu lên trên một vài trong số Bấm 6 triệu trang blog của Việt Nam như tôi đã đề cập đến trước đây.

Ngày 11 tháng 2 vừa qua, Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh vai trò của báo chí truyền thông trong việc “hỗ trợ một cách hiệu quả cho các cơ quan chức năng để làm rõ trường hợp này [về anh nông dân Vươn]”.

Ông cũng đã kêu gọi Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường vai trò của báo chí. Chúng tôi ủng hộ mục đích này, và những nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận thông tin ở đây.
Phải công bằng mà nói vụ bê bối liên quan đến nghe trộm điện thoại của những nhân vật cấp cao và một cuộc điều tra độc lập đang tiến hành cho thấy báo chí độc lập của Anh có thể cũng phải tăng cường.

Nhưng tôi rất tự hào khi Vương Quốc Anh đang hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển báo chí chuyên nghiệp, kể cả tư vấn đào tạo.

Tuần trước, chúng tôi cũng tài trợ Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức một Bấm hội thảo cho phóng viên về phương pháp điều tra báo chí.

Đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi về tính nguy hiểm của việc phóng viên cải trang tác nghiệp và cho rằng mặc dù đã có một nghị định mới, vẫn chưa có ai bị phạt do cản trở phóng viên tác nghiệp, ví dụ như từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ anh nông dân Vươn.

Vươn và một số thành viên trong gia đình của anh hiện đang chờ phiên tòa xét xử; Thủ Tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho họ.

Câu chuyện của anh đã nêu lên những câu hỏi quan trọng về tính xác thực của Luật Đất đai và về cơ chế giám sát độc lập. Như vậy điều này có thể đem lại một vài điều tốt đẹp.

Liệu kết luận của Thủ Tướng Chính phủ đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước cũng có thể sẽ là cơ hội quí giá để khám phá các cơ chế quản lý và điều tiết các phương tiện truyền thông được hay không trong khi vẫn đảm bảo tính không thiên vị của báo chí, sự độc lập của báo chí khỏi sự kiểm soát của chính phủ hay can thiệp chính trị?


Bài được Đại sứ Anh tại Việt Nam, Tiến sĩ Antony Stokes, đưa lên ngày 15/02/2012, một ngày sau khi Đại sứ quán Anh ra Thông cáo về vụ Tiên Lãng.

Sáu triệu blog

This post is also available in: English

Có đúng vậy không nhỉ? 35% người Việt Nam sử dụng Internet, và theo một báo cáo công bố năm 2011, khoảng 20% trong số đó có blog cá nhân. Vậy là có tới 6 triệu blog của người Việt!

Đây quả thực là một thống kê ngạc nhiên và khích lệ. Chắc chắn hầu hết blog được sử dụng để cập nhật thông tin xã hội cho bạn bè. Nhưng không ít trong số đó là những nguồn thông tin chứa đựng những bình luận, những phân tích và tranh luận có giá trị. Tôi hy vọng rằng, những nguồn thông tin như thế này sẽ tiếp tục phát triển không ngừng trong tương lai.

Nguồn thông tin kể trên cũng có thể tình cờ cung cấp những cái nhìn cận cảnh có ích cho những người như tôi đang muốn tìm hiểu thêm nhiều điều về đất nước tuyệt vời này. Dẫu rằng nếu tôi chỉ đọc một nghìn blog trong số 6 triệu blog đó, uống vô số ly cà phê đặc của Việt nam để thức trắng đêm, có lẽ tôi vẫn sẽ đến văn phòng muộn vào buổi sáng ngày hôm sau!

Thế nhưng, tôi vẫn ngồi đây, không chút ngượng ngùng bổ sung thêm vài giọt thông tin vào biển thông tin mênh mông đó và tảng lờ một cách khờ dại lời khuyên trong báo cáo nói trên rằng viết blog “chỉ là hoạt động của giới trẻ mà thôi”.

Tại sao? Bởi vì nước Anh, nói một cách khiêm tốn, đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực đạt được sự minh bạch hơn trong quản trị. Vì thế việc công khai những gì chính phủ Anh đang thực hiện tại Việt Nam có vẻ là đúng đắn, và cách tốt nhất để thực hiện điều đó là cập nhật thường xuyên cho trang blog này.

Tôi cũng thích chụp ảnh. Vì vậy, tôi sẽ cũng sẽ chụp vài kiểu và chia sẻ tại trang blog này.
Có rất nhiều điều để viết. Năm ngoái là năm thành công nhất của nước Anh tại Việt Nam. Đó không phải do công sức của bản thân tôi, mà là của toàn thể đội ngũ nhân viên tuyệt vời của Đại Sứ Quán, cả người Việt và người Anh, những người đã triển khai Đối tác Chiến lược của chúng ta.
Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Anh ông Vũ Quang Minh, một nhà ngoại giao xuất sắc và thật khiêm nhường (tôi phải thú thực là hai đặc tính này thường không đi đôi với nhau), nói với tôi rằng 2011 cũng là năm bận rộn nhất của Việt Nam tại Anh. Chúc mừng Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, các bạn cũng thật xuất sắc!

Tôi cảm thấy thật may mắn vì được làm việc tại đây trong thời điểm này. Cám ơn toàn thể nhân dân Việt Nam, những người làm trong hay ngoài Chính phủ, đã và đang dành cho tôi sự ủng quý báu và khiến tôi cảm thấy được chào đón ở nơi này.

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...