Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Học ai? Học nước Nhật


Học ai? Học nước Nhật
 
Nhật Bản và Trung Quốc, ai học ai, là một câu hỏi, một định đề mà chính giới và nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế quan tâm. 

Bài viết dưới đây thể hiện và cắt nghĩa khá rõ nét xung quanh câu hỏi và định đề định đề thú vị này. 

Vì lẽ đó nó có thể là một bài học rất cần thiết cho nhiều nước muốn xây dựng và phát triển cần tham khảo và học hỏi.
 
Chủ blog tôi xin phép tác giả đưa lên đây để bạn bè cùng đọc.
 
Nguyễn Vĩnh/Vệ Nhi
 
------ 

Trung Quốc không giấu giếm ý định học Nhật

By Nguyễn Hải Hoành


Nhật học Trung Quốc hay Trung Quốc học Nhật? – đây là một vấn đề báo chí Trung Quốc bàn thảo nhiều, nhất là gần đây khi kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật, không ít người nước này nhìn nhận người Nhật với con mắt khác trước.

Cái đáng phục, đáng sợ nhất ở người Nhật là họ chịu khó học hỏi bất kỳ ai giỏi hơn họ, dù là kẻ địch đi nữa, và chỉ học cái hay cái tốt – đây là một sự thật lịch sử không phải bàn cãi gì. Người Nhật thường phàn nàn nước họ xưa nay không có triết gia hoặc nhà tư tưởng, không đưa ra được một chủ nghĩa hoặc lý thuyết nào mới. Vì vậy ngày xưa họ “lăn xả” học nền văn minh Trung Hoa, học Khổng Mạnh, thậm chí bê nguyên xi cả kho chữ Hán về dùng để ghi âm tiếng Nhật. Giữa thế kỷ 19, sau khi tiếp xúc với phương Tây, họ lập tức từ bỏ ông thầy cũ ấy mà chuyển sang “lăn xả” học mấy ông thầy mới, là Hà Lan, Mỹ… và nhờ thế đi trước Trung Quốc khá lâu. Sau thảm bại trong Thế chiến II, họ “Dĩ địch vi sư” (coi kẻ địch là thầy học), chân thành học nước Mỹ, kẻ đã tiêu diệt phát xít Nhật, và kết quả lại đi trước Trung Quốc khá xa.

Trung Quốc thời xưa vốn cho mình là trung tâm tinh hoa của thế giới (Trung Hoa) nên không ít người nước này cho rằng mình chẳng cần học ai. Mãi cho tới khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, họ mới hiểu ra sự thua kém của mình, nhất là về chữ viết. Họ sang phương Tây, sang Nhật học. Nhà văn Phùng Tuyết Phong kể chuyện: Có hai người Trung Quốc hiểu dân tộc mình, là Tưởng Giới Thạch và Lỗ Tấn, thì hai vị này đều học ở Nhật về — chứng tỏ Nhật là ông thầy giỏi (còn Mao Trạch Đông chưa hề ra nước ngoài nào nên “chỉ có nửa người hiểu Trung Quốc”).

Các nhà trí thức Trung Quốc thừa nhận Nhật có nhiều cái đáng để họ học, nhưng không ít người dân thường ở Trung Quốc lại nghĩ khác – bởi lẽ họ ít cảm tình với người Nhật, chưa quên tội ác do phát xít Nhật gây ra với đồng bào họ thời Nhật xâm lược Trung Quốc.

Nhà báo Trung Quốc Vương Cẩm Tư viết: Mùa thu năm 2010 tại Tokyo có cuộc Hội thảo Bắc Kinh – Tokyo. Khi phát biểu tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và là người phát ngôn của Lưỡng Hội Trung Quốc (Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương chính trị) Lý Triệu Tinh khiêm tốn nói đại ý: Cho dù xét về bất cứ mặt nào thì Trung Quốc thực sự vẫn là một nước đang phát triển, còn cách Nhật Bản một khoảng cách lớn, còn phải học tập kinh nghiệm tiên tiến của Nhật Bản, Trung Quốc không giấu giếm nói rằng có học tập Nhật Bản thì Trung Quốc mới có hy vọng lớn.

Hội thảo này khai mạc vào dịp GDP Trung Quốc vượt Nhật, vì thế bài nói của Lý Triệu Tinh có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Ông tỉnh táo nhận thức được việc mức độ đô thị hoá của Trung Quốc còn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới; tuổi thọ trung bình của Trung Quốc thua kém Nhật; tỷ lệ học sinh lên đại học ở Trung Quốc bằng 24,2%, kém xa mức 80% ở Nhật; GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/ 11 mức của Nhật (năm 2010).

“Cả Trung Quốc hãy còn khoảng 150 triệu người chưa đạt tiêu chuẩn chi phí sinh hoạt mỗi ngày đạt mức 1 đô-la Mỹ; số người này vượt xa tổng số dân Nhật,” ông Lý nói và nhấn mạnh Trung Quốc phải học Nhật.

Bài nói của nhà ngoại giao kỳ cựu Lý Triệu Tinh được mọi người vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh. Người Trung Quốc vỗ tay vì họ tỉnh táo; người Nhật vỗ tay vì khâm phục ông Lý khiêm tốn và trọng tính thiết thực, ghét tính phù phiếm.

Người xưa có câu: Đá ở núi người ta có thể mài thành ngọc. Khổng Tử nói: Trong ba người đồng hành, có một người là thầy ta. Nhật Bản là người học trò xuất sắc nhất thế giới, dám học tập, giỏi học tập, chăm học tập; chỉ trong vài chục năm tuy bị hạn chế bởi tính xâm lược nhưng họ đã hai lần dẫn đầu hơn 100 quốc gia 3 châu Á, Phi, Mỹ Latinh nhảy lên hàng ngũ cường quốc thế giới.

Nhiều người cho rằng chỉ có chuyện Nhật học Trung Quốc chứ Trung Quốc chẳng cần học Nhật. Thực ra việc học tập và trao đổi giữa hai nước là có đi có lại chứ không phải một chiều. Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc học Nhật và thu hoạch được nhiều hơn; Nhật có ảnh hưởng lớn hơn với Trung Quốc trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá.

Thường thấy có người nói Nhật từng xâm lược Trung Quốc, cho nên “học tập Nhật sẽ làm tổn hại đến tư cách quốc gia và nhân cách Trung Quốc”. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, học tập là học tập, không thể vì tồn tại các vấn đề lịch sử mà phủ nhận sự cần thiết học Nhật.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, so với lính Trung Quốc xanh xao gày gò vì thiếu ăn, lính Nhật tuy thấp lùn nhưng ăn uống tốt nên người chắc khoẻ, chân tay có cơ bắp, giỏi đánh vật, nhu đạo. Họ đi giày da, quần ống rộng, hành quân, leo núi đều nhanh nhẹn. Vì thế Mao Trạch Đông nói lính Nhật giỏi leo núi hơn Bát Lộ Quân (quân đoàn thứ 8 của lực lượng kháng Nhật, do Đảng Cộng sản lãnh đạo), Mao yêu cầu Bát Lộ Quân phải học lính Nhật.

Việc học tập kinh nghiệm tốt đã giúp Trung Quốc đi lên. Hơn 60 năm sau chiến tranh, sự phát triển của hai nước Trung Quốc, Nhật Bản trên mức độ nhất định đều bắt nguồn từ sự nhận thức và học tập chiến tranh.

Trong cải cách mở cửa, chính là nhờ học Nhật và nhiều nước khác mà Trung Quốc mới phát triển nhanh chóng. Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đến thăm Nhật đều nhắc tới khoảng cách chênh lệch thua kém Nhật, đều nói tới việc học tập Nhật.

Học tập Nhật không phải là học cái sai, cái thiếu sót của họ mà là lấy dài bù ngắn, học để dùng cho mình. Cho dù Trung Quốc có thừa nhận mình học Nhật hay không, có muốn tiếp tục học Nhật hay không, thì về khách quan, Trung Quốc đều dần dần ngầm chịu ảnh hưởng của Nhật, từ các mặt lớn như khoa học kỹ thuật, kinh tế, thể chế, bảo vệ môi trường, cho tới những mặt nhỏ như mượn dùng các từ ngữ Nhật như táo Fuji, kỹ thuật điện thoại Tiểu Linh Thông, chủ nghĩa xã hội v.v…, Trung Quốc đều được lợi không ít cho cả dân tộc và nhà nước.

Kẻ thực sự mạnh thì cần học ngay cả kẻ địch của mình, nếu không sẽ mãi mãi không tiến lên được. Thẳng thắn học tập Nhật sẽ không tổn hại gì tới sự tôn nghiêm của Trung Quốc, huống chi như thế lại học tập được hệ thống hơn, sâu sắc hơn, hữu hiệu hơn – nhà báo Vương Cẩm Tư kết luận.
Trong chuyến thăm Nhật tháng 5/2008, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhắc lại: Việc Trung Quốc học tập Nhật ngày nay vẫn chưa lỗi thời. Ông nói: “Nhân dân Nhật giỏi học hỏi, giỏi sáng tạo, cần lao trí tuệ, luôn luôn phấn đấu đi lên”, “Đây là niềm kiêu hãnh của nhân dân Nhật, cũng đáng để nhân dân Trung Quốc học tập.”

Dịp tết nguyên đán năm 2010, tuyết lớn làm sân bay Bắc Kinh phải hủy bỏ nhiều chuyến bay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Khởi Chính nói: Sân bay Tokyo tuyết lớn hơn cũng không xảy ra tình trạng tương tự, Bắc Kinh nên học Tokyo.

Thái độ ứng xử của dân chúng Nhật trước đại thảm họa động đất – sóng thần – rò rỉ hạt nhân Fukushima (11/3/2011) lại càng khiến người Trung Quốc thấy rõ các ưu điểm cơ bản của người Nhật mà họ nên học. Một tờ báo của người Hoa ở nước ngoài viết: Xét về tố chất cơ bản của quốc dân và ý thức phòng chống tai họa, mức độ chín muồi về tổ chức xã hội, người Trung Quốc hãy còn một khoảng cách nhất định với người Nhật.

Mấy năm gần đây, sau khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 2 thế giới, có người Trung Quốc cho rằng khi đã vượt Nhật thì không cần học tập Nhật nữa. Nhưng sau khi chiến tranh thương mại với Mỹ bùng nổ, kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn chồng chất. Do Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ và giảm đầu tư nên Trung Quốc phải tìm kiếm nhập khẩu công nghệ và đầu tư từ Nhật. Hơn nữa Nhật có nhiều kinh nghiệm đối phó sự trừng phạt kinh tế từ Mỹ. Trên thực tế, nhiều đô thị Trung Quốc đã phát triển tới mức đô thị lớn cấp quốc tế, do đó gặp nhiều khó khăn về xử lý ô nhiễm môi trường, giao thông…là những vấn đề người Nhật đã giải quyết tốt, Trung Quốc nên học Nhật.

Nhận thức của người Trung Quốc về sức sáng tạo khoa học kỹ thuật của Nhật đã thay đổi mạnh sau chuyến thăm Nhật hồi tháng 5/2018 của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Công nghệ sản xuất ô tô chạy hydro mà Thủ tướng Lý đến nhà máy Toyota tìm hiểu đã để lại ấn tượng sâu sắc. Sau chuyến thăm ấy đã có rất nhiều đoàn cán bộ các địa phương của Trung Quốc sang Nhật khảo sát, học tập. Thành phần các đoàn này đều là cán bộ lãnh đạo đảng ủy và chính quyền địa phương, tức tầng lớp cán bộ nắm thực quyền, làm việc nhiều nhất và giàu sức sáng tạo nhất ở Trung Quốc hiện nay. Phần lớn các đoàn này đi Nhật khảo sát và học tập trong thời gian nửa tháng, trong đó dành một tuần mời học giả người Nhật hoặc học giả người Trung Quốc làm việc tại Nhật giảng dạy về kinh nghiệm của người Nhật, và một tuần khảo sát thực địa.

Các đoàn cán bộ lãnh đạo địa phương của Trung Quốc đi Nhật khảo sát, học tập đều thu được kết quả tốt, qua đó làm cho người Trung Quốc hiểu rằng họ còn phải học tập người Nhật rất nhiều. Muốn vậy Trung Quốc cần thắt chặt quan hệ với Nhật. Tháng 6/2019 Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm Nhật trong dịp họp G20 tại Osaka, tháng 4/2020 Chủ tịch Tập sẽ chính thức thăm Nhật lần nữa. Mối quan hệ Trung – Nhật đang ngày một nồng ấm lên tạo điều kiện cho các địa phương Trung Quốc tiếp tục cử nhiều đoàn cán bộ sang Nhật khảo sát, học tập người Nhật.

Một bài viết hay về tiếng Việt

MỘT BÀI VIẾT HAY VỀ TIẾNG VIỆT

Trước đén nay chúng ta hay nói (nghĩ) là tiếng Việt rất khó, nhất là đối với người nước ngoài bắt đầu học tiếng Việt. Nhưng có một người Anh, anh ta là một người biết và sử dụng nhiều ngoại ngữ lại nghĩ khác.

Sau đây là những cắt nghĩa của anh về tiếng Việt "cũng dễ" nếu so nó với một số thứ tiếng châu Âu khác.

Xin phép tác giả đưa lên bài viết để thêm nhiều bạn yêu ngôn ngữ đọc và tham khảo.

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

------

Tiếng Việt trong mắt một người Anh

Chúng ta thường cho rằng ngôn ngữ của mình khó hơn “phong ba bão táp”. Tuy nhiên, G. Millo đã đưa ra 9 lý do xóa bỏ nhận định này của người nước ngoài lẫn Việt Nam.
Từ góc độ một người ưa dịch chuyển, biết nhiều thứ tiếng, bao gồm tiếng Việt, George Millo đã chỉ ra quan niệm có phần sai lầm của nhiều người về ngôn ngữ này. Anh đưa ra những so sánh thú vị của tiếng Việt với tiếng Anh – tiếng mẹ đẻ của mình và một vài ngôn ngữ khác như Tây Ban Nha, Pháp để chỉ rõ những ưu điểm của tiếng Việt.


 Ảnh: George Millo - người Anh cho rằng tiếng Việt không khó như người ta tưởng..

Nếu hỏi một người Việt Nam về ngôn ngữ của họ, bạn sẽ nhận được câu trả lời “rất khó”. Đây gần như là quan điểm chung của khoảng 90 triệu người dân quốc gia này và họ còn vui vẻ khi nói với bạn rằng “tiếng Việt khó” (Vietnamese is hard) bất kỳ lúc nào. Vì vậy, khi nghĩ đến học tiếng Việt, bạn gần như cảm thấy mất tinh thần. Tuy nhiên, tôi sẽ mang đến có bạn một cái nhìn tích cực hơn về ngôn ngữ này. Tiếng Việt có thể dễ hơn so với những gì các bạn nghĩ.
Điều không thể chối cãi là với sáu tông giọng và quá nhiều nguyên âm khác với tiếng Anh, phát âm tiếng Việt là việc khó khăn. Nhưng phần lớn những người ở Việt Nam chỉ trong vòng một năm sẽ nhận ra phát âm là điều duy nhất gây trở ngại trong tiếng Việt, những yếu tố khác đều rất dễ – đặc biệt khi so sánh với phần lớn các ngôn ngữ châu Âu khác.

Tiếng Việt không có giống đực và cái

Nếu từng học tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Đức hay gần như bất kỳ ngôn ngữ châu Âu nào ngoại trừ tiếng Anh, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm vì tiếng Việt không có khái niệm giống đực hay cái cho các từ vựng. Bạn chỉ cần ghi nhớ mỗi từ mà không cần thiết phải học thuộc lòng thêm điều gì.



Tiếng Việt bỏ qua mạo từ “a”, “the”
 
Nếu một người nước ngoài học tiếng Anh và hỏi bạn khi nào dùng “a” và “the”, bạn có giải thích cặn kẽ được không? Đây là một vấn đề phức tạp, thậm chí bài viết nói về mạo từ trên trang Wikipedia còn dài hơn 2.500 chữ.
Tuy nhiên, dùng “a”, “the” trước một chủ thể có thực sự quan trọng? Một cách đơn giản hơn, bạn có thể loại bỏ chúng đi vì sự việc vốn hiển nhiên, người nghe cũng có thể hiểu ý bạn mà không cần thêm mạo từ. Đó chính xác là điều người Việt vẫn làm. “Người” là từ có nghĩa “a person” (người nào đó) lẫn “the person” (chính người đó) mà người nghe vẫn không lo lắng nhầm lẫn.

Tiếng Việt không có số nhiều

Trong tiếng Anh, khi muốn chỉ thứ gì đó ở số nhiều, chúng ta thường thêm “s” vào cuối từ đó. Như vậy, “dog” thành “dogs”, “table” thành “tables” và “house” thành “houses”. Tuy nhiên, nhiều ngoại lệ tồn tại như “person” thành “people”, “mouse” thành “mice”, “man” thành “men” và một số từ như “sheep” hay “fish” lại chẳng thay đổi gì.
Trong tiếng Việt, mọi từ ngữ đều như “sheep” – con cừu. Từ “người” tôi nêu trên, còn có thể sử dụng giống như “people” hay “person”, “chó” là “dog” hoặc “dogs”, “bàn” là “table” hoặc “tables”… Nếu thắc mắc rằng điều này có gây nên sự nhầm lẫn, bạn hãy tự hỏi bản thân mình, đã bao giờ nghe ai đó kể về “con cừu đó”, “con chó đó” và bối rối vì không viết họ đang nhắc đến bao nhiều con vật trong câu chuyện đó hay không?
Nếu cần thông tin chi tiết, bạn chỉ cần dễ dàng thêm một từ trước danh từ đó, giống như “một người” (one person), “những người” (some people) hay “các người” (all the people).

Tiếng Việt không có các dạng khác nhau của động từ

Thật đáng thương cho những người học tiếng Tây Ban Nha khi nói những từ đơn giản như “hablar” (nói), họ vẫn phải học 5 hoặc 6 dạng khác nhau (tùy thuộc địa phương) để thể hiện chính xác thể của động từ này. “I hablo”, “you hablas”, “he habla”, “we hablamos” và danh sách này vẫn chưa hết. Một động từ trong tiếng Tây Ban Nha có thể bao gồm 50 dạng (form) khác nhau mà người học phải ghi nhớ.
Tiếng Anh không giống tiếng Tây Ban Nha nhưng một từ cũng bao gồm nhiều dạng khác nhau tùy thuộc ngữ cảnh. Chẳng hạn, động từ “speak” có thể biến cách (inflect) thành “speaks”, “speaking”, “spoken” hay “spoke”.
Tiếng Việt là một ngôn ngữ hoàn toàn không biến cách – không từ ngữ nào đổi dạng trong bất kỳ ngữ cảnh nào. Ví dụ, “speak” trong tiếng Việt là “nói” và bạn luôn dùng “nói trong mọi trường hợp – “I nói”, “you nói”, “he nói”, “she nói”, “we nói”, “you nói” và “they nói”. Điều này có thể tiết kiệm hàng chục, thậm chí hàng trăm giờ học thuộc so với một thứ tiếng châu Âu.

Thì của tiếng Việt có thể học xong trong 2 phút

Bạn chỉ cần thêm 5 từ được liệt kê sau đây vào phía trước động từ ban đầu để diễn tả thì mong muốn: “đã” – trong quá khứ, “mới” – vừa xong, gần với hiện tại hơn với “đã”, “đang” – ngay bây giờ, tương lai gần , “sắp” – tương lai gần, “sẽ” – trong tương lai.
Thì tiếng Việt thực sự quá dễ. Ngoài 5 từ trên, bạn có một số từ khác, nhưng chỉ cần 5 từ này, bạn có thể diễn đạt đúng tới 99% trường hợp. Tôi sẽ cho bạn một vài ví dụ:
– Tôi ăn cơm = I eat rice
– Tôi đã ăn cơm = I ate rice
– Tôi mới ăn cơm = I have just eaten rice
– Tôi đang ăn cơm = I am eating rice (right now)
– Tôi sắp ăn cơm = I am going to eat rice, I am about to eat rice
– Tôi sẽ ăn cơm = I will eat rice.
Hơn nữa, bạn còn có thể bỏ qua những từ này nếu ngữ cảnh câu đã đủ rõ ràng. Chẳng hạn, “Tôi ăn cơm hôm qua” giống như “I eat rice yesterday” – từ “hôm qua” đã thể hiện điều trong quá khứ rồi, từ “đã” không cần thiết nữa nên câu này hoàn toàn đúng ngữ pháp trong tiếng Việt còn “I eat rice yesterday” lại sai ngữ pháp hoàn toàn với tiếng Anh.

Bạn không phải học bảng chữ cái mới

Bạn nên cảm ơn người Pháp vì điều này. Cách đây khoảng 100 năm, một bộ phận người Việt vẫn dùng một hệ thống chữ tượng hình phức tạp được gọi là “chữ Nôm”, có ký tự giống tiếng Trung Quốc bây giờ. Ngày nay, điều đó đã được thay đổi 100% bởi bảng chữ cái Latinh, được gọi là chữ Quốc ngữ. Vì thế, không như với tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc hay hàng chục ngôn ngữ châu Á khác, bạn không cần học bảng chữ cái. Tất cả những thứ bạn cần là thêm các dấu (diacritic) để làm rõ tông giọng và bạn có thể đọc tiếng Việt ngay.


Cách phát âm từ tiếng Việt hoàn toàn thống nhất theo một quy luật

Câu hỏi nhanh: “Bạn đọc từ ‘read’, ‘object’, ‘close’ và ‘present’ như thế nào?”. Bạn sẽ phải quan tâm rằng chúng nằm trong ngữ cảnh như thế nào: “Was it close” hay “Did you close?”, “Did you present the present”, “Read what I’ve read” hay “Object to the object?” (các từ này đều có cách đọc khác nhau, tùy thuộc vào từ loại, nghĩa)
So với những ngôn ngữ mà tôi biết, cách phát âm từ tiếng Anh thực sự không thống nhất bởi cùng một từ có thể được đọc khác nhau trong mỗi ngữ cảnh. Thậm chí, mỗi chữ cái cũng được đọc rất nhiều âm khác nhau, chẳng hạn “a” trong “catch”, “male”, “farmer”, “bread”, “read” và “meta”. Những người học tiếng Anh trên thế giới đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ các từ tiếng Anh được viết và đọc với quy luật như thế nào.
Mặt khác, tiếng Việt lại chẳng có đặc điểm vô lý ấy. Tất cả chữ cái luôn được đọc như vậy dù từ hay ngữ cảnh có thay đổi (tuy nhiên, điều này chính xác hơn ở tiếng Việt Hà Nội so với Sài Gòn – nơi có một ít âm có cách đọc không thống nhất). Một khi bạn học thuộc 28 chữ cái tiếng Việt vốn gần giống với 26 chữ cái tiếng Anh và hiểu sự khác nhau của các giọng do dấu tạo ra, bạn có thể đọc chính xác bất kỳ từ nào.

Ngữ pháp tiếng Việt gần như không tồn tại

Như tôi đã đề cập, tiếng Việt cho phép bạn bỏ từ chia thì trong câu, như câu “I eat rice yesterday” nếu ngữ cảnh giúp người nghe hiểu chính xác thì. Đây là một ví dụ điển hình cho một quan điểm lớn hơn: ngữ pháp tiếng Việt rất đơn giản. Bạn gần như luôn luôn chỉ sử dụng số lượng từ tối thiểu để để diễn đạt quan điểm của mình và ngữ pháp vẫn chính xác dù với tiếng Anh, việc ghép từ này thường chỉ tạo nên một câu lỗi.



Đây cũng là lý do khiến bạn có thể nghe nhiều người Việt Nam nói những câu tiếng Anh như “no have”, “where you go”. Họ đang dịch trực tiếp những gì thường nói trong tiếng Việt sang tiếng Anh mà quên rằng có hàng loạt những quy tắc phức tạp mà người dùng tiếng Anh phải tuân theo. Đây là một bất lợi lớn với người Việt nếu muốn học tiếng Anh nhưng ngược lại, một lợi thế lớn với người nói tiếng Anh muốn học tiếng Việt.

Từ vựng tiếng Việt cực kỳ logic

Phần lớn người nước ngoài ở Việt Nam, dù không nói ngôn ngữ này cũng biết sự thật thú vị rằng “xe ôm” – tên phương tiện di chuyển như taxi bằng xe máy, được đơn thuần ghép từ “hug vehicle”. Nhưng mọi việc không dừng ở đó, một tỷ lệ lớn từ vựng ở Việt Nam được tạo thành theo công thức ghép hai từ logic với nhau, trong khi với tiếng Anh, bạn phải học một từ vựng mới hoàn toàn khác. Ví dụ, nếu tôi cho bạn biết “máy” nghĩa là “machine”, “bay” nghĩa là “flying”, bạn có đoán được “máy bay” nghĩa là gì không?

Có rất nhiều ví dụ khác tôi có thể liệt kê ra cho bạn: a bench – ghế dài – a long chair, a refrigerator – tủ lạnh – a cold cupboard, a bra – áo ngực – a breast shirt, a bicycle – xe đạp – a pedal vehicle; to ski – trượt tuyết – to slide snow, a tractor – máy kéo – a pulling machine, a zebra – ngựa vằn – a striped horse.
Cách ghép từ như vậy có thể giúp bạn nhanh chóng học từ mới. Một khi có được vốn từ cơ bản, bạn có thể tự động biết thêm hàng trăm từ khác mà không cần học thêm.
Tiếng Việt dễ hơn so với bạn nghĩ: Liệu tôi đã chứng minh cho bạn thấy tiếng Việt dễ hơn so với những gì bạn từng nghĩ chữ? Hy vọng tôi đã gạt bỏ một vài lời đồn đại, hiểu nhầm về tiếng Việt mà bạn đã nghe trước đó và hiểu hơn về ngôn ngữ này.

Nguồn: Y Vân



Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Quà Tết, Biếu Tết...

CHÀO BẠN BÈ TRÊN TRANG BLOG,

Hơn nửa năm qua tôi không cập nhật Trang blog Nguyễn Vĩnh này dù có viết nhiều bài tôi đành lưu trữ lại. Lý do ai cũng biết, ở trong nước, hệ thống blog của Google (....... blogspot.com) không vào trang được trừ phi vượt firewall. Nên cứ để treo, bài post cuối cùng là ngày 8/7/2019. Bữa nay đang ở tạm một nơi khác ngoài lãnh thổ, mở laptop thấy hiển thị dễ dàng trang blog của mình, tôi thử post một bài đã đăng trên trang facebook.

NV

-----

Ở VN mình dịp cuối năm, nhất là trước Tết Âm lịch truyền thống, người ta thường tặng quà nhau.
Xưa kia trò kính trọng thầy, trong xã hội thì cấp trên cấp dưới, trong quan hệ người thân - gia đình thì đàn em đàn cháu kính yêu bề trên… người ta tặng quà, hay “lễ tết” - cũng là một cách gọi cho thân tình – việc này xuất phát từ tình cảm chân thật. Quà, lễ không lớn nhưng dân ta ai được tặng, được kính tặng đều vui mừng, tự hào, còn người tặng cũng rất tự nguyên, vui trong tâm thích trong lòng…
Nhiều thập kỷ gần đây tặng quà, lễ tết biến dạng.
Ở góc độ gia đình - người thân, nhất là chốn thôn quê thì lễ tết, quà dịp cuối năm vẫn giữ được, vẫn duy trì được như một thuần phong mỹ tục.
Nhưng ở các mối quan hệ xã hội, quà tết, quà cuối năm không còn cái chất quý hóa nhau, tặng nhau để tỏ lòng biết ơn một năm giúp đỡ, quan tâm nhau hay sự chia sẻ niềm vui với nhau nữa.
Tệ hơn nữa là tặng quà, lễ tết đã trở thành một vấn nạn, một thứ đổi chác, hối lộ giữa người thấp chức với người cao chức. Điều đó khiến xã hội lên tiếng mỉa mai, báo động.
Thôi không phân tích dài dòng thêm nữa vì vấn đề nêu trên ai trong chúng ta đều đã biết qua báo chí, qua những quan sát của riêng mình.
Nhân đây xin đưa lại ở đây một bài viết trên đài BBC của Anh quốc về đề tài tặng quà dịp Noel và Tết Dương lịch.
Ở đây tác giả nhìn nhận nó như một “phong tục đẹp” của nước Anh dịp cuối năm.
Nó đẹp bởi người ta tặng quà nhau không hề vụ lợi. Các món quà đều vừa phải, như ở ta hay nói “trong mức tình cảm cho phép” (chứ không vượt lên trên mức tình cảm như người đời chế diễu…
Nguyễn Vĩnh
-----

BÀI VIẾT CÓ NHAN ĐỀ:

Nghệ thuật tặng quà làm vừa lòng người nhận

Bạn đang chuẩn bị quà tặng cho dịp lễ tết. Bạn sẽ phải nghĩ xem bạn sẽ tặng quà cho ai, sẽ chi bao nhiêu để mua quà, và quan trọng nhất là bạn sẽ mua món gì.
Ở Anh, một hộ gia đình tính trung bình chi khoảng 500 bảng cho quà tặng trong mùa lễ truyền thống, bằng với người Mỹ vốn chi khoảng 650 đô la.
Và tuy là việc tặng quà có thể làm cho bạn vui, giúp thể hiện tình cảm của bạn với người nhận và thậm chí giúp củng cố thêm mối quan hệ giữa hai người, nhưng một món quà xoàng xĩnh có thể gây phản tác dụng.




"Chọn sai quà có thể gây rủi ro cho mối quan hệ vì nó cho thấy rằng hai người không có điểm gì chung," bà Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia ở Canada và đồng tác giả cuốn sách về nghệ thuật tiêu tiền, 'Happy Money: The Science of Happier Spending', nói.
Nghiên cứu của bà cũng cho thấy việc tặng món quà mà người nhận không thích đôi khi tác động tiêu cực đến cách đánh giá của người được tặng đối với mối quan hệ của hai người trong tương lai.
Bởi vì bạn không muốn món quà ngày lễ của mình gây hại nhiều hơn lợi, làm thế nào để bạn chắc chắn chọn món quà mà người nhận sẽ thích? Tâm lý học có thể có câu trả lời.
Đừng băn khoăn về giá cả
Bạn có nên phô trương để cho thấy bạn quan tâm đến đối phương như thế nào không?
Kết quả nghiên cứu thực sự chỉ ra rằng việc chi tiền nhiều hơn không đồng nghĩa với việc món quà sẽ được yêu thích đón nhận.TY IMAGES
Một nghiên cứu cho thấy món quà càng đắt tiền, người tặng càng mong đợi người nhận sẽ đánh giá cao.
Vậy nhưng dù người tặng nghĩ là bỏ tiền nhiều hơn sẽ khiến người nhận thấy mình hao tâm tổn trí nhiều hơn, người nhận thường không vì sự đắt giá của món quà mà cảm thấy trân trọng hơn.
"Có vẻ khá trực giác khi cho rằng nếu bạn bỏ tiền nhiều hơn thì món quà của bạn sẽ đáng giá hơn. Hóa ra là không có bằng chứng nào cho thấy người nhận để ý nhiều tới giá cả của món quà khi họ nghĩ xem họ thích thú món quà đó tới mức nào," Jeff Galak, phó giáo sư tiếp thị tại Trường kinh doanh Carnegie Mellon Tepper ở thành phố Pittsburgh, Mỹ, nói.
Galak, vốn nghiên cứu hành vi và cách ra quyết định của người tiêu dùng, thừa nhận rằng có thể món quà của bạn cần đạt đến một ngưỡng giá nào đó, phù hợp với thông lệ hoặc mong đợi.
Nhưng một khi bạn đáp ứng được mức giá đó, thì 'nếu mua thứ gì đó có giá trị hơn cũng chả có tác dụng gì', ông nói. Bản thân món quà là điều quan trọng nhất.
Nghĩ tới vấn đề dài hạn
Galak nói rằng mẹo để tặng một món quà tuyệt vời là nên nghĩ xa hơn khoảnh khắc thoáng qua khi bạn trao món quà đó. Ông và các đồng nghiệp Julian Givi và Elanor Williams nhận ra đây là chủ đề phổ biến trong các nghiên cứu về trao tặng quà.
"Khi ai đó tặng quà, họ cố gắng tối ưu hóa tại thời điểm họ tặng quà và muốn nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt người nhận ngay lúc đó," Galak nói. "Nhưng điều mà người nhận quan tâm là họ sẽ có được bao nhiêu giá trị từ món quà đó trong khoảng thời gian dài hơn."
Nói cách khác, có thể sẽ không phải là cảnh tượng thật hào hứng khi ta chứng kiến người bạn hay người thân mở quà, trong đó là gói thuê bao xem phim trực tuyến, vì vậy ít có khả năng bạn tặng món quà đó. Nhưng người nhận có thể thực sự thích nó, vì đó là món quà mà họ có thể tận hưởng thường xuyên theo thời gian.
Hãy quên sự độc đáo đi
Galak cũng cho rằng không nên quá bận tâm về việc phải tặng món quà độc đáo nhất. Đôi khi thứ mà nhiều người muốn có hoặc nhiều người khác có lại chính là điều mà người nhận muốn được tặng.
Một nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta có xu hướng tập trung vào những đặc điểm và tính cách độc đáo của người nhận khi chúng ta mua quà cho họ.
Nhưng tính đặc thù thái quá này khiến chúng ta bỏ qua các khía cạnh khác về mong muốn và nhu cầu của họ, điều này có thể khiến chúng ta mua cho họ món quà xoàng hơn.
Chúng ta cũng có xu hướng muốn mua những món quà khác nhau cho nhiều người khác nhau, ngay cả khi tất cả họ đều thích thú hơn với cùng một món quà - và rất có thể là họ thậm chí còn chẳng bao giờ đem quà họ được tặng ra để so sánh.
Để tỏ ra mình là một người biết chọn quà, mọi người thường có suy nghĩ sai lầm rằng cần phải đa dạng các món quà, thậm chí kể cả khi phải hy sinh đi món quà tốt nhất, theo Galak.
Bạn cũng thường không muốn mua thứ gì đó mà bạn đã có vì bạn không muốn làm ảnh hưởng tới tính cá nhân của mình.
Vậy nếu bạn của bạn rất thích đôi giày thể thao của bạn thì sao? Đừng né tránh tặng một đôi y hệt chỉ vì bạn muốn mình không bị ai đụng hàng.
Mua quà dựa trên sở thích chung
Để mua quà tốt hơn, giáo sư tâm lý học Dunn đề xuất ta bắt đầu với điểm chung mà bạn có với người nhận.
Bà nói thay vì dựa sở thích của riêng bạn và điều chỉnh nó theo sự khác biệt giữa bạn và người nhận thì hãy tập trung vào những điểm chung giữa hai người và chọn quà từ điểm chung đó.
"Mọi người thường chọn đồ tốt cho chính mình tốt hơn so với khi chọn cho người khác," bà nói, "vì vậy nếu bạn có điểm chung với ai đó, hãy chọn thứ gì đó có cùng sự gắn bó, bởi vì thứ bạn thích có nhiều khả năng cũng là thứ người đó thích."
Để có một món quà thậm chí còn thuyết phục hơn nữa, hãy nghĩ về một sở thích chung giữa bạn và người bạn muốn tặng quà, và mua thứ mà người nhận có thể trải nghiệm - chẳng hạn như vé ca nhạc hoặc lớp học nấu ăn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng món quà trải nghiệm có thể đưa bạn và người nhận đến gần nhau hơn, ngay cả khi bạn không cùng trải nghiệm món quà với người nhận.
Hỏi họ muốn gì
Tuy nhiên, nếu bạn không có điểm gì chung, Dunn khuyên bạn nên hỏi người nhận xem họ muốn gì, hoặc mua quà có trong danh sách mong muốn của họ.




Thật ra, nghiên cứu cho thấy mọi người sẽ biết ơn nhiều hơn khi nhận được món quà họ yêu cầu so với những món quà họ không thích.
"Mọi người muốn sáng tạo và gây bất ngờ cho người nhận," Dunn nói, "nhưng tặng những món họ muốn thì vẫn tốt hơn."
Galak đồng ý rằng cách đơn giản nhất để khiến một người hài lòng với một món quà là hỏi họ muốn gì.
Đây không phải là một câu trả lời mà mọi người muốn nghe, ông nói, bởi vì người ta cho rằng những món quà tốt cần phải gây 'bất ngờ' - mặc dù khoa học đã bác bỏ điều này.
"Hỏi ai đó họ muốn gì được coi là điều cấm kỵ. Và đó là sự xấu hổ," ông nói. "Sẽ là tốt hơn cho tất cả mọi người nếu chúng ta tặng những món quà mà người khác muốn.
Đừng suy nghĩ quá nhiều
Cuối cùng, đừng băn khoăn quá nhiều về việc tặng một món quà 'kinh khủng': rất hiếm có món quà nào là thứ quà tặng thực sự tồi tệ.
Trừ khi một cái gì đó cực kỳ không phù hợp, người nhận sẽ cảm thấy biết ơn ở một mức độ nào đó.
Galak nói rằng trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, ông đã hỏi hàng ngàn người về những món quà họ nhận được và ông hiếm khi nghe ai đó nói về một món quà tồi tệ.
Và ngay cả khi bạn tặng một món quà dưới chuẩn cho người thân thiết, sự lo nghĩ cẩn trọng của bạn vẫn có thể cứu vãn tình hình. Đó là vì khi ai đó tặng một món quà tồi, nó sẽ khiến người nhận suy nghĩ về lý do tại sao người tặng lại chọn món quà đó.
"Khi ai đó làm điều gì đó khó hiểu cần được giải thích - chẳng hạn như tặng một món quà tồi tệ - đó là khi bạn sẽ nghĩ đến việc họ đang nghĩ gì trong đầu," Nicholas Epley, giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago vốn nghiên cứu về cách chúng ta dựa vào quan điểm của người khác và đưa ra đánh giá, nói.
Nghiên cứu của ông cho thấy rằng nếu người nhận quà cảm thấy ít nhất bạn đã dành nhiều thời gian để lựa chọn, họ sẽ trân trọng công sức mà bạn bỏ ra để chọn một món quà mà họ không muốn cho lắm.
Nói cách khác, câu ngạn ngữ xưa 'quan trọng là thành ý' thực sự có thể đúng.
Và ngay cả khi bạn không chọn được đúng món quà, vẫn sẽ có người cảm thấy thoải mái trong tình huống này: đó chính là bạn.
"Khi người tặng quà bỏ rất nhiều suy nghĩ vào một món quà, họ cảm thấy gần gũi hơn với người nhận," Epley nói. "Ngay cả khi người nhận không bị tác động nhiều trước sự quan tâm này, người tặng vẫn sẽ bị."

Tâc gỉa: Tiffanie Wen
BBC tiếng Việt đăng 13/1/2020
Nguyên tác tiếng Anh đăng trước đó trên BBC WorkLife.


 . 

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...