Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Phân giới ở thác Bản Giốc nên nhìn nhận thế nào là đúng với lịch sử? 


Hơn 20 năm trước VN và TQ ký Hiệp định phân giới trên đất liền. Suốt từ đó đến nay dù có sự công bố và giải thích nhiều lần và rõ ràng của nhiều vị lãnh đạo BNG và các chuyên gia về biên giới của Việt Nam coi đây là một Hiệp định phân giới, cắm mốc đã được phía chúng ta chuẩn bị và đàm phán với phía chính phủ TQ hết sức dày công và kỹ càng để đi đến một thỏa thuận song phương chấp nhận được cho cả 2 bên. 

Đã có nhiều ý kiến "phản biện" suốt trong 20 năm qua, cho rằng phía VN chúng ta đã có những thiệt thòi, mất đất cho phía TQ??? 

Gần đây tôi thấy trên mạng Redsvn.net có một bài biết ngắn nhưng có những tấm ảnh gây cho tôi sự chú ý, đó là ảnh chụp và chú thích các tấm ảnh này (in trong sách ở Pháp từ năm 1934) thể hiện khá rõ ràng câu chuyện thác Bản Giốc ở Cao Bằng chúng ta có mất về tay TQ hay không ? Xin cóp lại lên đây để bà con và bạn bè cùng đọc-xem và đưa ra ý kiến của mình.

@ Xin phép tác giả đưa bài lên trang nhà; bài đăng lại ở đây có được biên tập ở một số đoạn. Nguyên văn tại Link dưới đây: .http://redsvn.net/cac-buc-anh-cua-nguoi-phap-la-chung-cu-xac-tin-cho-van-de-phan-dinh-thac-ban-gioc/

Vinh Nguyen Van/Nguyễn Vĩnh g-th

------

Các bức ảnh & chú thích ảnh tử thời Pháp thuộc về thác Bản Giốc

Những bức ảnh chụp có thể đã trên 100 năm trước và được in sách vào năm 1934 (tức cách nay gần một thế kỷ) có thể xác nhận có hay không việc thác Bản Giốc từng “nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam”; và những nhận định rằng Việt Nam “mất thác Bản Giốc về tay Trung Quốc” là có cơ sở hay không?

Trong ấn phẩm “1934 Đông Dương thuộc Pháp – Những ngọn núi” (1934 L’Indochine Française – Les Montagnes) xuất bản ở Pháp năm 1934 và được giới thiệu trên Thư viện kỹ thuật số Đại học Côte d’Azur, có một bức ảnh đặc biệt.

Đó là bức ảnh đánh số 11, chụp cảnh thác Bản Giốc (Cao Bằng, Việt Nam). Bức ảnh được giới thiệu cùng ghi chú bằng tiếng Pháp từ bản in gốc năm 1934, nội dung như sau: “Les eaux infiltrées dans les massifs calcaires du Haut-Tonkin s’en échappent en sources abondantes, qui jamais ne tarissent, et qui favorisent la riziculture dans les bassins alluviaux. Ban Gioc est un poste de la frontière chinoise, au Nord-Est de Cao Bang. Au fond, à gauche, pitons calcaires. Le riz vient d’être repiqué dans les champs irrigués”.

Tạm dịch: “Nước xâm nhập vào các khối núi đá vôi của vùng Thượng du Bắc Kỳ, thoát ra từ các nguồn dồi dào, không bao giờ cạn kiệt, tạo điều kiện cho việc trồng lúa ở các lưu vực phù sa. Thác Bản Giốc là một cứ điểm biên phòng của Trung Quốc, nằm ở phía Đông Bắc Cao Bằng. Ở hậu cảnh, phía trái là các đỉnh núi đá vôi. Lúa vừa được cấy xuống những thửa ruộng đã tưới”.

Đường dẫn gốc của hình ảnh và ghi chú: http://bunum.univ-cotedazur.fr/omeka-s-dev/s/mai_68/item/6884#?c=&m=&s=&cv=&xywh=-1732%2C0%2C10670%2C5036

Thông tin đáng lưu tâm trong ghi chú này là: “Thác Bản Giốc là một cứ điểm biên phòng của Trung Quốc” (Ban Gioc est un poste de la frontière chinoise).

Điều này xác nhận rằng chính quyền Pháp thời đó xác định đường biên giới Việt Trung đi qua thác Bản Giốc, và khu vực thác này có các cơ sở biên phòng của Trung Quốc. Nếu thác Bản Giốc “nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam” như tuyên bố của một số người, thì không có sở gì để người Pháp in thông tin “Thác Bản Giốc là một cứ điểm biên phòng của Trung Quốc” vào sách.

Liên quan đến vấn đề chủ quyền thác Bản Giốc, có một bức ảnh khác cũng được nhắc đến nhiều. Bức ảnh này không rõ niên đại, ghi lại cảnh một nhóm binh lính Việt Nam đứng trên bãi đá ở khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bức ảnh lan truyền trên internet kèm theo ghi chú “một đại đội lính khố đỏ đang lội qua Thác Bản Giốc vùng Cao Bằng”, từ đó đưa ra nhận định rằng “lính người Việt có thể lội từ bờ bên này qua bờ bên kia thác Bản Giốc thì có nghĩa là thác này thời xưa hoàn toàn thuộc về Việt Nam”.

Tuy vậy, thông tin “lính khố đỏ đang lội qua Thác Bản Giốc” kèm theo bức ảnh là hoàn toàn bịa đặt. Bức ảnh có ghi chú bằng tiếp Pháp được in rõ ràng ở phía trên, nguyên văn là “Tonkin – Région de Cao Bang. Cascade de Ban Giot, passage à gué d´une compagnie de tirailleurs Tokinois”.

Dịch ra tiếng Việt: “Xứ Bắc Kỳ – Vùng Cao Bằng. Thác Bản Giốc, nơi đóng quân của một đại đội lính bộ binh người Bắc Kỳ”.

Ghi chú này không hề có nội dung “lội qua thác”, đồng thời củng cố cho nhận định đường biên giới Việt Trung thời Pháp thuộc đi qua thác Bản Giốc, vì đó chính là nguyên nhân cả Việt Nam và Trung Quốc đều có lính biên phòng đồn trú ở đây.

Nói thêm về chuyện “lội qua thác”, bất cứ ai từng đi thăm thác Bản Giốc đều biết rằng lội bộ qua bờ bên kia của dòng thác là điều không thể vì nước sâu, chảy xiết và địa hình dưới nền thác rất hiểm trở.

Một bức ảnh chụp thác Bản Giốc khoảng năm 1905-1910.

Một điều nữa cần được ghi nhận, đó là có khá nhiều bức ảnh người Pháp chụp thác Bản Giốc thời thuộc địa, và tất cả các bức ảnh này đều được chụp từ phần đất mà ngày nay là lãnh thổ Việt Nam. Nếu dòng thác “nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam” thì có lý do gì mà người Pháp không sang bên kia thác để chụp ảnh?

Trở lại với những tin đồn về việc Việt Nam “mất thác Bản Giốc về tay Trung Quốc”, không khó để nhận ra rằng các thông tin này đều mang tính suy diễn, ngụy tạo, mà bức ảnh “lính khố đỏ đang lội qua Thác Bản Giốc” là ví dụ điển hình. 

Khu vực thác Bản Giốc là một trong các khu vực đường biên giới đi theo sông suối, cụ thể là sông biên giới Quây Sơn.

Trong Biên bản phân giới cắm mốc giữa Pháp và nhà Thanh ngày 31/5/1892 ghi rõ “Từ điểm này, đường biên giới chạy theo chính giữa (trung tuyến) dòng sông cho đến thác Ta Tung”. Do cùng căn cứ vào lời văn mô tả này nên khi vẽ đường biên giới chủ trương Việt Nam và Trung Quốc đều vẽ trùng nhau, từ giữa dòng sông Quây Sơn đến chính giữa ngọn thác chính. Hai bên chỉ vẽ khác nhau ở phần phía trên đỉnh thác, nơi có hai dòng chảy ôm lấy cồn Pò Đon (Pò Thoong) mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều muốn nhận là lãnh thổ của mình.

Nguyên nhân tranh chấp đối với cồn Pò Thoong là do trong Công ước Pháp Thanh 1887 và 1895, cùng những biên bản bản đồ kèm theo không mô tả cụ thể khu vực này. Do đó đây cũng được xếp là khu vực loại C, mang số hiệu 186C, một trong 4 khu vực chưa được Hiệp ước biên giới năm 1999 giải quyết dứt điểm. Khu vực này được thể hiện bằng nét đứt trong bản đồ Ảnh 2, chờ đến khi phân giới cắm mốc mới giải quyết theo nguyên tắc hoạch định đối với sông suối mà tàu thuyền không đi lại được.

Đến phút cuối cùng, năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý đường biên giới từ mốc 53 cũ đi qua cồn Pò Thoong, rồi đi tiếp đến chính giữa mặt thác chính của thác Bản Giốc, sau đó đi theo trung tuyến của dòng chảy chính của sông Quây Sơn. Như vậy, một phần hai thác chính của Bản Giốc cùng toàn bộ phần thác phụ và một phần tư cồn Pò Thoong quy thuộc Việt Nam. Trong khi nếu theo nguyên tắc quốc tế thì toàn bộ cồn này phải thuộc về Trung Quốc vì dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam.

Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục.

.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Mấy dòng về vụ Chiến Chinh

Mình thật không hiểu nổi ở một vùng đất truyền thống, văn hiến, đất ăn đất học như Bắc Ninh - xứ Kinh Bắc nổi tiếng -, mà để tồn tại đã quá lâu nay một thứ quan đầu tỉnh kiểu như vụ Chiến-Chinh. Họ cứ thoải mái, đương nhiên hoành hành một cách tệ hại, họ trâng tráo tác yêu tác quái cứ như ở chốn không người.
Mà không chỉ Chinh-Chiến lúc này bị bại lộ mà mấy đời quan đầu tỉnh này trước đây đều có những chuyện "xấu tày trời" cũng sêm-sêm (sane same) như thế.
Rất lạ là những điều đó nó diễn ra đều đều, liên miên trong các nhiệm kỳ đã qua. Có ai "việc gì", "bị gì" hay không? Hay là đều sớm muộn chìm xuồng. Hay là đều hạ cánh an toàn, hoặc được cất nhắc, thuyên chuyển qua nhiệm vụ khác, kiểu "đá" lên ?
Ôi, những công nhân viên chức, tổ chức đảng hoặc nhà nước đang đương quyền - đương chức ở đó còn ngậm tăm, cúi đầu/gật đầu, thậm chí đồng lõa tiếp tay trước hành vi lạm quyền của cấp trên họ, thì thử hỏi người dân ở đó, hay người dù có quê xứ Kinh Bắc đã đi làm ăn ở tỉnh thành xa khác như lớp chúng tôi, phỏng còn biết "làm gì" hơn được?
Chính là chúng ta tự bày ra, sinh ra một loạt các cơ chế, một loạt các quy trình để rồi lại tự thắt buộc chúng ta; và đã bị kẻ có quyền nhanh chóng lạm dụng cơ chế đó, quy trình đó, tổ chức đó để vận dụng, thao túng có lợi cho bọn nó.
... Thôi thì những ông/bà lão đã về hưu có nguyên quán ở xứ văn hiến kia - như lứa chúng tôi, nay đều U80 cả rồi - chỉ còn biết bày tỏ sự phẫn nộ - và cũng là xấu hổ - trước sự việc. Đây cũng chính là cách bày tỏ một sự hổ thẹn thật sự trước thói chuyên quyền mà tham lam, cái cách luồn lọt tinh quái mà lại ngu tối của lớp quan đầu tỉnh đồng hương chúng tôi; chúng đã và đang bị toàn xã hội chúng ta khinh ghét.
Tin tức từ hôm qua là vụ Chiến Chinh đã chính thức bị cấp trên của họ "sờ gáy". Bọn người thoái hóa biến chất luôn cao giọng đạo đức này bị xử theo luật đảng, đương nhiên. Nhưng chúng tôi mong "luật nước" nữa cũng nhân đà này "ra tay" nghiêm khắc thì càng tốt.
Lũ sâu mọt này phải vào lò, phải bị loại trừ, họa chăng xã hội mới mong tiến lên và lành mạnh được.

Nguyễn Vĩnh blog

@ Ảnh: Bà Phó bí thư Tỉnh ủy BN vừa công bố và trao Quyết định đề bạt Bí thư Thành ủy BN cho ông Nguyễn Nhân Chinh xong (xem ảnh) thì 13 ngày sau, QĐ này đã bị vô hiệu. Một QĐ khác thay thế điều chuyển ông Chinh làm Phó giám đốc một Sở của tỉnh này. Cứ như các trò làm "xiếc" và diễu cợt với quyền lực....


  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...