Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Tránh xa cái giá kinh hoàng

Tránh xa cái giá kinh hoàng


Tôi có cậu em con người dì ruột. Tính nết em thuần hiền. Lại chăm chỉ nữa. Phải cái rất ham kiếm tiền, muốn giàu. Mong ước nuôi vợ con đàng hoàng, hơn người chút càng vui. Nên từ lâu ôm ấp mơ tưởng một chuyến vượt biên ra nước ngoài làm ăn.
Sang “bên ấy” lao động thôi, đi làm bình thường thôi anh ạ, cậu tâm sự với tôi như thể sợ tôi hiểu sai ý định. Rồi cậu cố trình bày để tôi thêm cảm thông, “em nghĩ ở bên ấy mà chịu khó làm ăn, biết dành dụm thì dăm bảy năm sau về nước có “một món” mới mong đổi đời được. Chứ như cậu bảo, ở quê dù làm ăn tận lực, đầu tắt mặt tối đến mấy, cũng không bao giờ dám mơ có tiền để mua được mảnh đất, xây được cái nhà...
Cậu em tôi nuôi riết ý chí đi xuất khẩu lao động. Nhưng xuất theo con đường chỉ tiêu thôn xã thì có mà chờ đến “tết công-gô”! Vì bao nhiêu con em gia đình liệt sĩ thương binh và người có công lao với cách mạng, rồi con cái cán bộ xã cán bộ huyện... tất thảy đều chờ mỏi mắt chưa đến lượt kia kìa... Vậy chỉ còn cách nhảy dù bằng cây-chỉ, bằng tờ-xanh (bao nhiêu đơn vị đấy) thì kiếm được tấm vé. Sang Hàn Quốc hoặc Ba Lan, tới Séc hoặc Đức, cứ theo nước mà giá lên giá xuống. Sang được đến xứ ấy đã, rồi tính sau, cậu luôn nói với tôi như thế.
Rồi cậu em tôi dẫn chứng các bạn mình từng làm như vậy. Họ giàu nhanh lắm. Những ca thành công cũng chỉ 50/50 thôi, nhưng xem ra thu hút hết trí não những người ở trong nước như cậu em tôi.
Thế rồi những chuyến đi, cả đi trượt suýt mất tiền lẫn đi thoát của cậu em đã diễn ra trong vài năm qua. Đầu tiên đi Hàn không trôi, phải chuyển hướng sang Séc. Làm ăn ít tháng bên đó chán quá lại đòi về bằng được. Lỗ keo ấy tới năm bảy nghìn đô! Ai cũng sót xa hộ. Bẵng đi hơn năm, cậu lại vù sang tiếp được vì may quá cái vi-sa chưa đáo hạn. Làm ăn chừng đủ vốn bỏ ra, không nợ nần nữa, cậu lại trở về. Lần này xem ra nguội ý định đi lao động xuất khẩu – đúng hơn là đi nước ngoài làm ăn.
Trong thâm tâm, tôi những muốn khuyên can cậu em đừng đi lao động kiểu chui lũi đó. Không có gì chắc chắn cả. Mà lại tốn kém vô cùng. Nhưng không giúp được gì cho em, tôi cũng hùa theo thôi thì cố đi, kiếm chút rồi về. Chứ không có đồng ra đồng vào, hoặc ít vốn liếng, cũng lại chẳng có "thế lực" gì dựa hơi hướng, thì khó mà giàu có được ở thời nay. Người khôn của khó, càng ngày xem ra càng khó. Ở đâu thì đồng tiền kiếm được bằng lao động cũng cực kỳ khó khăn khổ ải. Trừ phi gian dối, buôn gian bán lận, maphia...
Đúng là chuyện của cậu em tôi còn dài lắm. Có bao phen “đầy kịch tính” vì những chuyện chạy mối đi nước ngoài. Đi chui nên rất lắm chuyện bi-hài. Lúc nào có điều kiện tôi chắc phải viết dài hơn.
Bữa nay chợt thấy trên mạng một chuyện “lạnh gáy” về những người Việt mình ở Ba Lan, tôi đưa lên đây.
Cậu em tôi không ở Ba Lan, nhưng tôi nghĩ những tình huống chung chung như vậy thì các nước Đông Âu cũ đều có thể xảy ra lắm. Vì cơ bản là người mình sang đấy đa phần theo cái cách không chính tắc, không đàng hoàng, phải sống chui lủi thì rất dễ vấp vào bi kịch thảm kịch... Tôi hy vọng cậu em tôi đọc được, cũng như một lời nhắn gửi với em về mức độ hiểm nguy đối với một “đội quân” mà có lúc em từng góp mặt. May quá em tôi đã chán mà về nhà với vợ con...
Có nhiều chuyện về người mình ở xứ người. Tốt cũng có mà xấu cũng có.
Không chỉ kiếm được tiền mà có người thành đạt nơi chính trường (một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt). Vừa đây anh chàng con nuôi Phillipp Rosler ở Đức, mói 36 tuổi mà lọt vào nội các của một nước hạng G7. Bên Mỹ cũng có dân biểu gốc Việt rồi...
Nhưng cũng biết bao nhiêu sự thất vọng bi thương đau đớn đến với người lao động Việt, nhất là người di cư không hợp pháp như cậu em tôi một thời.
Ôi, những công dân mình trên đất khách quê người – nếu đúng như những gì bài phóng sự trên truyền hình nước Đức kể dưới đây – thì quả thật là kinh hoàng. Nó vượt qua cách nghĩ thông thường ở làng quê nơi họ đã rời bỏ để ra đi. Nghĩ, thật không tội nghiệp nào bằng! Những đồng tiền mà người lao động nghèo mình kiếm được ở đất khách quê người lắm khi phải trả bằng một cái giá đắt kinh khủng khiếp đến như thế.


Nguyễn Vĩnh
-------------------------


Câu chuyện được kể lại như sau:


Tối Chủ nhật 25/10/2009 vừa qua, Đài Truyền hình Quốc gia Đức ARD chiếu một phóng sự về người Việt ở Ba Lan do Ulrich Adrian thực hiện trong Weltspiegel (Tấm gương Thế giới), một chương trình hàng tuần được coi là có uy tín hàng đầu về những đề tài đáng quan tâm trên thế giới.
Phóng sự tập trung vào số phận của những người Việt Nam sống bất hợp pháp tại Ba Lan, chủ yếu tại Warszawa, phần lớn xung quanh khu chợ của người Việt, số lượng có thể lên tới 30 ngàn tuy không ai biết chính xác.
Phóng sự dẫn lời ông Robert Krzysztoń thuộc tổ chức “Tự do Ngôn luận”, rằng những người Việt vượt biên bất hợp pháp vào Ba Lan đều do các băng mafia Việt Nam tổ chức. Đầu tiên họ được đưa sang Moskva, đó là việc khá đơn giản. Tại đây họ bị lừa, đem nộp hết hộ chiếu, giấy tờ, để đóng dấu thị thực Ba Lan, nhưng sau đó đường dây mafia lại bảo rằng có sự cố và nếu họ muốn đi tiếp thì phải trả từ 10 đến 15 ngàn đôla Mỹ. Không còn giấy tờ tùy thân, họ nhắm mắt đi tiếp sang Ba Lan và tại đây họ phải làm việc có thể là “suốt đời” để trả nợ tiền vé. Đó thật là một cái bẫy tệ hại...
Nhà báo Ton Leszek Szymowski cho biết, ở khu chợ người Việt, tất cả các chủ sạp đều phải trả tiền bảo kê, đó là nguyên tắc. Bất kể buôn bán loại hàng nào, giày, quần áo hay đồ ăn, mỗi tháng phải trả từ 100 đến 150 đô tiền bảo kê, nếu không thì sạp sẽ bị đốt. Chịu trả thì sẽ được bảo vệ và không lo bị các nhóm trấn lột khác hành.
Cũng có người đi máy bay từ Moskva sang đây bằng giấy tờ giả. Những quyển hộ chiếu ấy quý giá đến mức người Việt ở đây thậm chí không được chính thức chết. Một thời gian dài, cảnh sát Ba Lan rất khó hiểu là vì sao không thấy một ngôi mộ nào của người Việt tại các nghĩa trang Ba Lan...
Ông Dariusz Loranty thuộc Sở Cảnh sát Ba Lan cho biết: “Nghe thì có vẻ kỳ quặc, nhưng người Việt ở đây không bao giờ chết, không hề thấy đám tang nào của họ. Cách đây vài năm, chúng tôi ở Sở Cảnh sát Warszawa còn nghi rằng chắc họ ăn luôn xác người chết? Ai thì rồi cũng phải chết, phải có chôn cất chứ. Nhưng sau đó chúng tôi phát hiện ra là người Việt nào chết thì xác bị đem vào rừng ở ngoại ô thành phố chôn lậu, để các băng mafia có thể dùng tiếp giấy tờ của người chết cho người mới sang bất hợp pháp. Chúng tôi thì chẳng phân biệt nổi người Việt nào với người Việt nào.”
Những năm gần đây, chỉ có 800 đơn xin tị nạn của người Việt tại Ba Lan, đa số đều bị bác.
Cuối cùng phóng sự dẫn lời ông Robert Krzysztoń thuộc tổ chức “Tự do Ngôn luận”: “Có một chuyện liên quan tới người Việt ở đây, tuy chưa có bằng chứng nhưng thực sự tồn tại. Đó là việc buôn bán nội tạng người. Bọn mafia đưa người sang đây để sử dụng người ta như những chiếc tủ lạnh biết đi. Tất cả đều là những thanh niên khỏe mạnh. Họ sống tự do ở đây, nhưng bị mafia canh gác kỹ. Rồi họ bị giết để lấy nội tạng đem bán, mọi dấu vết của họ bị xóa sạch. Người thì không còn nữa, chỉ còn những tin đồn... Chúng tôi không biết đã có bao nhiêu người bị như vậy, nhưng nguồn tin của chúng tôi là tuyệt đối đáng tin cậy...


(Bài đã được biên tập và rút ngắn lại)
Nguồn: Theo báo chí nước ngoài

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...