Lời tòa soạn: Như là sự sắp đặt trước, không hẹn mà gặp, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư – kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và Nhà báo Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại đoàn kết đã có một chuyến đi làm việc và thăm quần đảo Trường Sa hồi đầu tháng 6 năm nay. Biển của người Việt Nam mênh mông, kì vĩ, “có ra Trường Sa thì mới thấy chí cả của cha ông ta từ nhiều thế kỷ trước đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn.” Nhưng, vì sao Việt Nam chưa bao giờ trở thành cường quốc biển? Có phải người Việt sợ biển, xa lạ với biển? Hay gần gũi, giao hòa, đằm mình với biển để chinh phục biển? Câu chuyện về biển từ thuở hồng hoang đến nay và chiến lược biển cứ lật đi lật lại suốt chuyến đi với những thao thức, trăn trở riêng tư, ai cũng muốn bảo vệ chính kiến của mình về biển Việt Nam .
Một vấn đề chiến lược rất quan trọng, rất hay và sinh động. Báo Đại đoàn kết nguyệt san (bộ mới) thấy cần thiết thực hiện lại cuộc đối thoại này dưới dạng Bàn tròn tại tòa soạn cùng với sự tham gia của Nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Người Việt có sợ biển?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thưa các anh! Tôi luôn luôn có nỗi buồn nản dằn vặt rằng: Hình như người Việt nồng hậu thân thuộc, am hiểu đồng bằng, mê rừng núi, rất có ý thức khai thác, tận dụng rừng; nhưng lại sợ biển, ngập ngừng, do dự đứng trước biển và “mặn rừng, nhạt biển”? Từ thời hồng hoang dựng nước, người Việt nhỏ bé, công cụ sản xuất là đồ đồng thô giản, quen săn bắt hái lượm ở rừng, đứng trước một lực lượng thiên nhiên – đại dương quá bí ẩn, mênh mông, rợn ngợp thì càng… sợ biển?
Biển còn quá xa lạ với người Việt Nam ? Đứng trước biển thì bị ngợp vội vàng quay lưng lại với biển. Quanh năm suốt đời chỉ canh tác thâm canh ở vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long, cuộc di cư từ thượng ngàn đi đến cửa sông thì dừng lại. Có phải người Việt không dám nhìn ra biển, không dám đi ra biển?
Bờ biển Việt Nam dài hơn 3260km, vùng biển có diện tích hơn 1 triệu km2, hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ…, nhưng chưa bao giờ Việt Nam được gọi là cường quốc biển. Tiềm năng thiên nhiên quá lớn, nhưng chúng ta đã và đang để hoài phí. Chúng ta chưa giàu từ biển.
Nhà báo Đinh Đức Lập: Tôi nghĩ: Nhà văn Sương Nguyệt Minh có cái nhìn và tình cảm khá bi quan về tư duy biển của ông cha. Tôi nhớ lại câu chuyện về sự hình thành đại dân tộc Việt Nam vừa huyền thoại và nhuốm màu sự thật khát vọng, nói về sự phân rã bầy đàn tiến lên trình độ sản xuất cao hơn: 50 người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng, 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển lập nghiệp. Ngoài ý nghĩa cội nguồn, đồng bào, đoàn kết dân tộc thì truyền thuyết đã mang thêm tầng ý nghĩa: thuở hồng hoang tổ tiên ta không chỉ săn bắt hái lượm mà đã có ý thức chinh phục biển, làm chủ biển.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi thêm một ý nữa đồng quan điểm với anh Đinh Đức Lập là câu chuyện Mai An Tiêm và quả dưa hấu ở đảo hoang chứng tỏ ý thức người Việt không chỉ hướng nội, khai phá đất liền mà còn cả ở ngoài khơi, nơi vừa mang lại sự giàu có vừa gắn kết với đất liền.
Nhìn ra biển bạn…, ngẫm đến ta
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Anh Đinh Đức Lập ơi! Đó là truyền thuyết, là khát vọng của dân tộc thôi. Tôi rất đồng ý với cách đặt vấn đề của Nhà văn Sương Nguyệt Minh. Trong một bài viết về sự cần thiết phải thiết lập các đô thị ven biển, duyên hải, tôi cũng đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta hướng về đồng bằng, hướng về núi, thâm canh châu thổ; chúng ta đứng trên biển, là quốc gia có biển rộng mà lại tư duy lục địa thay vì phải tư duy đại dương?
Nhìn về lịch sử thì hầu hết các quốc gia, các dân tộc phát triển đều đứng trên biển cả.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Vâng! Các nước Mỹ, Anh, Pháp… đều là các cường quốc biển. Rồi Liên bang Nga tầm hoạt động của hải quân là không giới hạn.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Tôi bắt đầu từ xưa hơn, xa hơn là: Hy Lạp, La Mã, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp…vv. Địa Trung Hải là cái ao vĩ đại của châu Âu mà các nền văn minh cổ đều tập trung ở đó. Sau đó, đến thời kỳ tiền công nghiệp không có quốc gia nào hướng nội, quay lưng ra biển mà phát triển được. Ví dụ như Bu Tan, Tây Tạng, Lào, các nước cộng hòa vùng Trung Á thuộc Liên Xô ngày trước đều là các nước không có biển, tư duy lục địa, nhìn đâu cũng thấy cát, thấy núi nên rất lạc hậu.
Không phải tình cờ mà thế kỷ 18, Pie đệ nhất muốn nước Nga hiện đại hóa, phải học phương Tây, xây thành Pê téc pua trên nền đất sình lầy của vịnh Phần Lan. Ý tưởng đưa đô thị ra cửa biển, thứ nhất để đi đến phương Tây bằng con đường ngắn nhất, dễ dàng nhất; thứ hai mới là chống giặc giã phía Bắc. Pie đệ nhất được “mặt trời thi ca Nga” Puskin gọi là “người lấy rìu đục bức tường mở cửa sổ nhìn vào châu Âu”. Pie đệ nhất xây dưng hạm đội, thương thuyền trên vịnh Phần Lan, mời kiến trúc sư châu Âu xây dựng thành Pê téc pua, không có người Nga tham gia. Pie đại đế cải cách nước Nga cổ hủ, cũ kĩ bắt đầu từ biển…
Thời trung đại nước Đại Việt chủ yếu là thâm canh châu thổ sông Hồng, cùng lắm là mon men lên trung du. Các vùng cao Tây Nguyên, Tây bắc, Việt Bắc vẫn còn bí ẩn, xa lạ. Nhưng, Vương Quốc Chiêm thành thời Chế Bồng Nga thì chiến thuyền đã rất mạnh. Trong lịch sử, ít nhất 3 lần Chiêm Thành đi đường bộ và đường biển ra đốt thành Thăng Long.
Tôi không phủ nhận hết. Vì có một chút mầm mống đô thị biển Việt Nam là Vân Đồn, nhưng nó chưa bao giờ là thương cảng, phố cảng, mà chỉ là cái bến có tên Bến Cái làng. Phố Hiến chỉ là… cảng sông, phố bên sông, từ Phố Hiến ra biển còn xa lắc. Sau này có thêm Hội An cũng không phải là cảng biển, mà là cảng sông, là phố bên sông Hoài.
Việt Nam không có đô thị biển, không hướng ra biển, không có thương thuyền, không có hạm đội. Đó là câu chuyện lịch sử.
Trước đây, là do chiến tranh không có điều kiện khai thác biển, làm giàu từ biển, nhưng từ khi đất nước thống nhất, chúng ta lại không hướng ra biển. Tôi chưa thấy định hướng phát triển chùm đô thị hay hệ thống đô thị ven biển?
Cảng Nha Trang – Khánh Hòa, vừa cảng biển, vừa nghỉ mát, vừa khu công nghiệp… chồng chéo vào nhau. Vân Phong là một cảng kỳ diệu nhất ở miền Trung, nhưng chúng ta bỏ quên quá lâu. Tập đoàn công nghiệp đóng tầu biển (Vinashin) thì đang nợ chồng chất 90 ngàn tỉ đồng…
Người Việt đã và đang chinh phục… biển
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi lại có cái nhìn sáng sủa hơn các anh. Sử liệu cho chúng ta thấy ý thức về biển đảo đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc. Trong điều kiện đương thời, các nhà Tiền Lê, Lý đã xây dựng được hải quân với hàng trăm binh thuyền để trông coi vùng biển. Năm 1172, Lý Anh Tông đích thân đi tuần tra các đảo và vẽ bản đồ trên biển.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Vâng! Tôi đọc lịch sử mới biết danh tướng Trần Khánh Dư chỉ huy trận Vân Đồn năm 1288 trên dòng sông Mang (Quan Lạn) đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của trận Bạch Đằng năm 1288. Trước đó từ năm 1149 nhà Lý đã thành lập Trang Vân đồn rồi, “thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lạc và Xiêm… trong khu vực Đông Nam Á đã xin dừng ở Vân Đồn để “mua hàng quý và dâng tiến sản vật địa phương” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng, thương cảng Vân đồn như cái chấm sáng nhỏ nhoi trên biển được vài trăm năm và sau đó là hiu hắt, tắt ngúm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lúc hưng lúc thịnh đó là thực tế trong lịch sử nước ta, không có triều đại phong kiến nào hưng thịnh tồn tại mãi huống hồ là thương cảng Vân Đồn. Nhưng, chúng ta vẫn phải ghi nhận ông cha ta đã có ý thức về lãnh thổ trên biển cả rất sớm. Sau này, từ thế kỷ 17, Chúa Nguyễn cũng đã xác lập chủ quyền người Việt trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năng lực đóng tầu biển thời Chúa Nguyễn được đánh giá rất cao. Lịch sử ghi nhận các hạm thuyền của người Hà Lan đã phải chịu thua trận trước thủy quân Chúa Nguyễn.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Tôi vẫn nghĩ, các triều đại phong kiến đi ra biển với ý chí bảo vệ lãnh thổ hơn là kinh tế.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Không phải thế đâu, anh Kính ơi! “Đại Nam thực lục tiền biên” đã viết đại ý là: Hàng năm vào tháng cuối mùa đông, Nhà Nguyễn cử khoảng 18-20 chiếc thuyền đến Hoàng Sa, Trường Sa lấy hóa vật, phần nhiều là vàng bạc, tiền đồng, súng đạn, kiếm, ngà voi, đồ sứ…ở các tầubuôn nước ngoài bị đắm. Sau cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, vỏ ốc hoa…
Nhân đây cũng xin nói với các anh: Thời Pháp thuộc, đường giao thông Bắc – Nam chuyên chở người và hàng hóa chủ yếu là đường biển. Vì đến năm 1936 mới có đường xe hỏa. Một ví dụ nữa về tinh thần người Việt chinh phục biển là: Từ năm 1919, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã là vua sông nước Bắc bộ và có chí hướng đóng con tầu Bình Chuẩn chạy từ Hải Phòng vào Sài Gòn…
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thưa TBT Đinh Đức Lập, anh là người vùng biển, xin hỏi thật: người vùng biển các anh có sợ biển?
Nhà báo Đinh Đức Lập: Không! Biển đối với dân chúng tôi như cái ao lớn. Biển có gì mà sợ. Tôi nghĩ: Người Việt không có tư duy, lối sống, tập quán, thói quen… sợ biển, như các anh quả quyết.
Tôi cùng với các anh Hoàng Đạo Kính, Dương Trung Quốc mới đi Trường Sa về, đúng là ai cũng thấy choáng ngợp giữa biển cả mênh mông, thăm thẳm, nhưng nếu không có bản lĩnh, lòng can đảm và ý chí chinh phục biển mà nhát hèn thì không thể trụ vững ở những hòn đảo nhỏ nhoi giữa trùng khơi đầy bão tố như thế. Tôi vô cùng khâm phục ngư dân Việt Nam chỉ bẳng con thuyền nhỏ mấy chục mã lực, nhìn xa mong manh như cái lá tre, vượt hàng trăm cây số, ra tận vùng biển Trường Sa. Chỉ với phương tiện thô sơ cứ vượt sóng trùng khơi đánh bắt xa bờ, mà vẫn không sợ đắm chìm. Hàng ngàn năm nay vẫn thế.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Lòng can đảm hay là… liều?
Nhà báo Đinh Đức Lập: Không phải liều! Đó là ý chí chinh phục biển rất kiên cường, mãnh liệt. Chắc chắn họ phải có kinh nghiệm, trình độ đi biển và dĩ nhiên phải có tình yêu biển đến độ đam mê, không sợ hãi biển.
Có một bằng chứng hết sức hùng hồn rằng: đất nước ta dài 3260km bờ biển, khoảng 3000 hòn đảo, từ hàng trăm năm trước đã có ngàn làng chài lênh đênh trên biển, có hàng triệu người sống ở vùng duyên hải, gắn bó suốt đời với biển, lấy biển làm nguồn sống là một sự thật hiển nhiên.
Tôi cho rằng những ca khúc hay nhất là viết về biển, và chiếm số lượng nhiều nhất, nhiều hơn số ca khúc viết về rừng. Rõ ràng không phải tính cách, tâm lý dân tộc ta sợ biển. Không phải không có những khát khao chinh phục biển.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Tôi lại không nghĩ như anh Đinh Đức Lập.
Cái điều anh vừa nói người dân bám biển mà sống cũng chỉ là tư duy đánh bắt ven bờ. Biển như anh Lập nói là cá, là cua, là tôm… là hải sản, chứ không phải là kỹ thuật hàng hải. Việt Nam chưa bao giờ có hàng hải, không có hàng hải có nghĩa là không có cảng biển, mà chúng ta chỉ có bến sông. Hàng hải phải là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan…Bây giờ là Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhà báo Đinh Đức Lập: Anh Hoàng Đạo Kính nói Việt Nam chưa có đô thị biển là không đúng. Có một bài hát rất hay…
Giáo sự Hoàng Đạo Kính: Anh Lập ơi! Tôi không nói chuyện bài hát ở đây…
Nhà báo Đinh Đức Lập: … “những thành phố bên bờ biển cả, đã mọc lên chưa kịp soi gương. Những thành phố, những nàng tiên…” Ông cha ta và người Việt hiện đại đang vươn ra biển.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Vươn ở đâu? Vươn bao giờ?
Nhà báo Đinh Đức Lập: Nếu không vươn ra thì làm sao chúng ta lấy được hiện vật gốm sứ, tên sắt, tiền đồng,… ở Hoàng Sa, Trường Sa từ thời Nguyễn.
Nguyên cớ gì… nhạt biển?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chúng ta đối thoại và đã vỡ vạc ra nhiều điều chưa biết trong quá khứ ông cha. Nhưng tôi vẫn kiên trì niềm tin rằng: Việt Nam là quốc gia có biển, song chúng ta chưa đánh giá hết tiềm năng và chưa làm giàu từ biển, chúng ta đã để hoài phí sức mạnh vật chất vô cùng to lớn mà thiên nhiên ban tặng. Hàng thiên niên kỉ chúng ta cứ loanh quanh thâm canh ở đồng bằng, cứ đến cửa sông, cứ chạm đến biển, mom men đến biển thì quay lại, không dám nhìn ra biển, không dám đi ra biển. Chúng ta không có những nhà thám hiểm phiêu lưu, can đảm như Magienlăng hay Côlôngbô của Bồ đào nha, hoặc ít ra như Mã Hoan, Trịnh Hòa của Trung Quốc.
Có phải do yếu tố nhân chủng, do tâm lý tính cách dân tộc, do trình độ sản xuất tiểu nông manh mún, nhỏ bé… nên đứng trước cái kì vĩ, mênh mang của đại dương thì sợ hãi, không dám chinh phục biển? Hay còn những lý do gì nữa chằng néo, kìm hãm?
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Tôi cho rằng: Thứ nhất, chúng ta chưa có tư duy chiến lược biển.
Thứ hai, Việt Nam chưa có những bước đột phá cải cách kinh tế như Minh Trị nước Nhật. Có nghĩa là chưa có tư duy quốc gia. Nước ta chưa bao giờ là quốc gia biển, chứ nói gì đến cường quốc biển.
Nhà báo Đinh Đức Lập: Là do tư duy người lãnh đạo đất nước từ xưa đến nay ít chú ý, và chưa thấy tầm quan trọng của biển. Có nghĩa là các triều đại cũ chưa có tư duy chiến lược về biển. Tôi nghĩ: Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không chết sớm thì Việt Nam sẽ có những thương thuyền vượt đại dương và chúng ta sẽ bắt đầu một thế kỉ đại dương từ thời Nguyễn Huệ.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Trong lịch sử, Nguyễn Huệ tư duy đường bộ chứ không phải tư duy đường thủy như Nguyễn Ánh. Cũng trong lịch sử, ông vua Lê Thánh Tông có tầm nhìn xa, đất nước phát triển toàn diện rực rỡ nhất thời phong kiến, có luật Hồng Đức và ông vua Minh Mạng có công thống nhất đất nước, chia địa lý hành chính các tỉnh rất phù hợp với văn hóa vùng miền, nhưng cả hai ông ấy cũng không có tư duy chiến lược về biển.
Về tinh thần dân tộc, chúng ta không nghi ngờ lòng yêu nước của người Việt Nam , yêu nước đã thành chủ nghĩa đến đỉnh cao, nhưng tư duy kinh tế biển thì còn non, thiếu cái vĩ – cái to lớn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Xin nói thêm cho anh Hoàng Đạo Kính rõ để không nên bi quan đến thế: Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam là quốc gia đã đóng góp to lớn về hàng hải xa xưa. Có giả thuyết đặt vấn đề: Bè mảng Thanh Hóa chính là phương tiện nối liền Đông Nam Á với nhiều vùng đảo Thái Bình Dương, hay ghe bầu xứ Quảng có năng lực vận tải rất lớn… Anh Hoàng Đạo Kính, anh Đinh Đức Lập và tôi mới ra Trường Sa về, tôi đã phải viết rằng: Có ra Trường Sa mới biết “biển mênh mông nhường nào”. Có ra Trường Sa mới thấy chí cả của cha ông ta từ nhiều thế kỷ trước đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn.
Nhàbáo Đinh Đức Lập: Anh Hoàng Đạo Kính nói chuyện chiến lược biển xứ người đông tây, kim cổ, nhưng trước sau chúng ta cũng phải quay trở về thời hiện tại. Anh cho rằng Việt Nam không có tư duy quốc gia là không đúng. Mấy chục năm gần, chúng ta đã có tư duy chiến lược biển đông rồi.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Ở đâu? Bao giờ? Xin anh Lập cho biết nào?
Nhìn ra biển, đi ra biển
Nhà báo Đinh Đức Lập: Nếu tôi nhớ không nhầm thì ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) lại thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Nghị quyết nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương” và xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; phấn đấu kinh tế trên biển và ven biển sẽ đạt từ 53-55% GDP và 55-60% kim ngạch xuất khẩu. Góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống ngư dân và người dân ven biển.
Trước đó nhiều năm, Việt Nam đã ký Công ước Biển 1982. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã hoạch định và thực hiện chính sách quốc gia về biển, đó là chiến lược: phát triển mạnh và vững bền ra hướng biển; kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ quốc phòng – an ninh trên biển.
Chứng tỏ anh Hoàng Đạo Kính rất quan liêu và không cập nhật thông tin kịp thời.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Nghe anh Đinh Đức Lập nói thì có vẻ rất lạc quan.
Nhà báo Đinh Đức Lập: Tôi không phải lạc quan, mà tôi nói trên nền tảng thực tế chúng ta đã làm được trên biển và thu lợi từ biển. Chúng ta vừa đi Trường Sa, anh thấy đó: Rất nhiều dàn khoan dầu khí sừng sững giữa đại dương và nguồn thu tài chính từ đó rất lớn. Nếu không nằm trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển từ lâu thì sao lại có sự hiện diện của nó sinh động, hoành tráng thế. Tôi có cảm giác anh Hoàng Đạo Kính chỉ nhìn về quá khứ thấy thành tựu chinh phục biển nhỏ bé mà chưa nhận ra những nỗ lực chinh phục biển của chúng ta suốt mấy chục năm gần đây là không công bằng. Những nỗ lực ấy đã tạo nên những kết quả cực kì to lớn.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi công nhận những điều anh Đinh Đức Lập nói. Nhưng, điều tôi muốn nói xa hơn, rộng hơn là vì sao chúng ta không trở thành cường quốc biển như Hà Lan, không có những hạm đội hoạt động không giới hạn như Liên bang Nga, hoặc xa xưa hơn là không có những chiến thuyền hùng mạnh như Hi Lạp – La Mã? Tôi rất muốn được nghe các anh cắt nghĩa điều đó. Anh Đinh Đức Lập nói: Chúng ta có nhiều giàn khoan khai thác dầu khí, có tầu thuyền đánh bắt ven bờ và cả xa bờ nữa. Nhưng, theo tôi cho dù khai thác tài nguyên và đánh bắt hiện đại đến bao nhiêu thì xét đến cùng về bản chất cũng chỉ là “hái lượm, săn bắt”. Công nghiệp chế biến còn rất nhỏ và manh mún. Dầu khí hút mãi, “hái lượm” mãi cũng hết. Cá tôm “săn bắt” cả con đòng đong cân cấn mãi cũng cạn kiệt. Có nghĩa là chúng ta đang làm cho tài nguyên biển nghèo nàn đi, một ngày nào đó biển sẽ rỗng không. Chiến lược biển là phải làm cho biển giàu có, biển sinh lợi và biển phục vụ con người cơ.
Nhà báo Đinh Đức Lập: Có rồi. Anh Hoàng Đạo Kính có nhớ chúng ta ăn cá ở đảo Đá Tây là cánuôi đấy. Cắt nghĩa điều anh Minh nói dễ thôi: Trung Quốc, Hà Lan bao nhiêu năm không có chiến tranh. Người ta có thời gian hòa bình, trình độ kỹ thuật hơn mình và có bao nhiêu năm để xây dựng kinh tế nội địa và kinh tế biển. Việt Nam chúng ta đánh giặc liên miên, nhân tài vật vực phải tập trung cho thắng lợi cuối cùng, chẳng hở ra lúc nào rỗi rãi thì làm sao mà phát triển kinh tế biển.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Vâng! Các anh bàn về biển rất sôi nổi và thẳng thắn. Thời đại mới, tư duy mới. Vậy, theo các anh, chúng ta nên tư duy về biển và chiến lược biển như thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Theo tôi, giờ đây phải hướng mối quan tâm và tầm nhìn của người dân ra biển Đông. Tất nhiên cần tăng cường đầu tư của Nhà nước để người dân có điều kiện thực hiện mối quan tâm của mình. Nước ta nằm trên bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương, vấn đề không chỉ nhìn ra mà phải đi ra. Muốn phát huy trong cộng đồng khát vọng chinh phục biển cả, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, cần phải tạo thói quen đi biển, tham gia giao thông bằng đường biển.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Trước hết thay đổi tư duy nhận thức về biển. “Đục” thật to “cửa sổ” nhìn ra nước ngoài để hội nhập quốc tế từ phía biển.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Nên có quy hoạch chi tiết kinh tế biển Việt Nam có hệ thống, và khoa học.
Nhà báo Đinh Đức Lập: Tôi đề xuất: Cần phải đánh giá sớm tổng quát về thực lực tiềm năng biển Việt Nam . Lợi ích kinh tế biển hiện nay thể hiện trong trạng thái động, có nghĩa là có nhiều nước đang tranh chấp và xâm hại chủ quyền biển, thêm lục địa của Việt Nam, nên giải quyết vấn đề này thật khôn khéo, mềm rẻo, tế nhị và có hiệu quả thì biển Đông sẽ yên, và chúng ta nhìn ra biển, đi ra biển mới vững chắc.
Thưa các anh! Dù tư duy, ý kiến có khác nhau, nhưng trên hết, tôi vẫn nhận ra ở các anh một tấm lòng yêu biển tha thiết, chân thành, thẳng thắn, vừa lo lắng, trăn trở vừa hi vọng Chiến lược biển sẽ mở ra Một thế kỷ đại dương của Việt Nam .
Thay mặt BBT, tôi xin cảm ơn các anh đã tham gia cuộc Bàn tròn tháng 7 của báo Đại đoàn kết (Nguyệt san).
Nhà văn Sương Nguyệt Minh (ghi chép)
|