Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Kênh Nhiêu Lộc



Kênh Nhiêu Lộc

Người định cư ở Tp HCM quen với hình ảnh và câu chuyện truyền miệng nhau về kênh (kinh) Nhiêu Lộc thì ít thấy/hoặc không để ý nhiều về sự thay đổi cuộc sống của người dân hai bờ kênh.

Chứ như mình chỉ vào thành phố phương Nam này công tác rồi trở về Bắc thì ấn tượng về Nhiêu Lộc có cái gì đó đặc biệt, thậm chí là khắc sâu ghê gớm.

Nhớ năm 1975 lần đầu phải đến Lăng Cha Cả gặp đưa quà và thư cho người nhà của bạn gửi, qua cây cầu Công Lý (sau đó đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi) nhìn xuống 2 bên bờ kênh thì quả là sốc. Bẩn thỉu quá.
Bao nhiêu lần sau này vào đây công tác vẫn một ấn tượng rất xấu về con kênh. Những kiếp người thật cơ khổ sống lay lắt trên một con kênh thối đen, chứa toàn nước thải thành phố…
…...
 Rồi cả chục năm vừa qua, cái dự án cải tạo quật lên vật xuống, cũng đầy chuyện không hay của bất cứ thứ dự án công chính đô thị nào là có sự thất thoát, bầy nhầy kéo dài để tăng vốn đầu tư (vật liệu công sá tăng), nên những cán bộ vào công tác ít ngày lại kéo ra thì cũng lờ quên đi, thôi kệ họ với nhau mình ảnh hưởng gì…

Song vài năm nay thì mình đâm để ý, mỗi khi qua đây thấy những cây cầu bắc ngang vừa lớn to vừa sạch sẽ thì cũng thấy nhẹ nhõm. Nhất là dòng nước kênh thối xưa kia nay chưa sạch trong như ý muốn, nhưng quả thật “cải thiện” rất nhiều lần…

Để ý đâm ra hình thành một ý định ghi lại đây một cái gì, để cất đi lưu giữ như một kỷ niệm. Thế là cũng phải lượn qua lượn lại nhiều lần ở khu vực này, qua lại rất nhiều lần mấy cây cầu quanh đó... Nghĩa là chú ý "tia/ngắm" cái chủ đề, cái đề tài sẽ viết bài hoặc chụp ảnh về kênh Nhiêu Lộc mỗi khi có dịp vào thành phố từ năm 2010 cho đến nay.

Đúng là hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc giờ sạch sẽ khang trang hẳn. Chợt nhớ về Hà Nội, đố ai đủ cảm hứng và cả lòng cam đảm nữa mà chạy xe đi chạy xe lại hai bờ Tô Lịch hoặc Kim Ngưu đấy!?

Và hôm rày đó mình quyết dành hẳn một buổi sáng, rất may mắn là tương đối mát mẻ với Sài Gòn thời kỳ nắng khô này để chọn bằng được các góc ưng ý để "bấm máy"…

Xin trình làng sê-ri ảnh mình chụp bữa di chuyển hết bên tả ngạn lại  chạy qua bên hữu ngạn con kênh Nhiêu Lộc, cũng là lướt suốt dọc hai con đường (ngoài Bắc mình kêu là phố) đã được Tp HCM đặt tên là đường Hoàng Sa và đường Trường Sa...




Vệ Nhi

-------

Mời xem 46 bức ảnh chủ blog tôi chụp để ở bên trang FB tại đường Link sau đây: --->>>
http://www.facebook.com/media/set/?set=a.598435596836841.1073741825.100000112179315&type=1



Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Đừng làm ngược tiền nhân

Đừng làm ngược tiền nhân


Nhớ gần 2 năm trước mình có viết bài “Đốt tiền” trên blog, tờ Tuổi trẻ lấy entry này in trên chuyên san Tuổi trẻ Cười.

Viết bài này mình có ý nêu bật chính kiến là không được lạm dụng việc cúng tế, từ lấy cớ thế rồi mang vàng mã đồ cúng phải mua sắm rất tốn tiền đó cho vào mồi lửa tất cả... Đó không còn là tục đốt mã nhằm dành sắm sanh tưởng nhớ ông bà tổ tiên mong điều phúc đức nữa mà chính là ta đi “đốt tiền” - những đồng tiền thật sự - gây nên những tốn kém lãng phí vô chừng kể cho xã hội.

Bữa nay lên mạng thấy có ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đăng trên báo Đại Đoàn Kết cũng đề cập tới các góc cạnh rất có ý nghĩa thực tiễn về các tập tục, về niềm tin và truyền thống văn hóa cũng như cách ứng xử sao cho xứng với ý định tốt đẹp của tiền nhân trong sự cúng lễ thờ phụng. 

Bài phỏng vấn ông Phan Cẩm Thượng đã công bố trên mặt báo từ trong tết Nguyên đán nhưng vì thấy vấn đề vẫn đầy ý nghĩa “thời sự” trong cái tháng Giêng là tháng ăn chơi, là hội hè đình đám diễn ra khắp mọi nơi trên đất nước…, nên chủ blog tôi xin phép tác giả đưa lại đây để bà con thêm điều kiện tham khảo và đối chiếu với cuộc sống thực tế.

Vệ Nhi



-------



Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Đừng nghĩ tổ tiên sẽ vui lòng với đồ lễ lớn (02/02/2013)

Với người Việt, nghi lễ thờ cúng Táo quân là một tập tục cổ truyền, là một nét đẹp văn hóa tồn tại hàng ngàn đời nay. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình hạ giới với Ngọc Hoàng Thượng đế. Nhưng nghi lễ truyền thống ấy nay đang  ít nhiều bị biến đổi. Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng xung quanh vấn đề này.




Tranh dân gian Táo ông - Táo bà

Nhà nghiên cứu
 Phan Cẩm Thượng
Thưa ông, trong khuôn khổ Hội hoa chợ Tết  tôn vinh làng nghề đang diễn ra tại Hà Nội, năm nay lần đầu tiên Lễ hội ông Công- ông Táo do làng nghề Bát Tràng tổ chức với quy mô hoành tráng (vào đúng ngày 23 tháng Chạp AL). Theo như thông tin công bố thì  biểu tượng "ông đầu rau” sẽ cao 1,2m, cá chép dài 3,5m…Nhiều người đang háo hức đón xem những đồ lễ kỷ lục này. Vậy, dưới con mắt của một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có chia sẻ gì không?

- Lần đầu tiên tôi được biết là có lễ hội ông Công ông Táo như vậy, hy vọng đó là hoạt động văn hóa sinh động đúng ý nghĩa của đời sống cổ truyền ở phương Đông. Tuy nhiên, tôi phải xin lỗi là không quan tâm đến các kỷ lục to cao dài, như kiểu bánh chưng to nhất, nhiều người hát Quan họ nhất…Nếu như chúng ta có kỷ lục về nhiều sáng tạo khoa học nhất thì hay bao nhiêu.

Bát Tràng là một làng nghề lâu đời làm gốm, nếu nung được hai tác phẩm ông đầu rau và cá chép lớn như vậy thì thật là một thành tựu lớn về gốm sứ. Đó mới thật sự là kỷ lục.

Lễ cúng ông Công- ông Táo là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng giờ đây, nét văn hóa này đã và đang bị lạm dụng, bị thương mại hóa với những món đồ mã lên tới hàng triệu, hàng chục triệu đồng, vừa  gây lãng phí lớn cho xã hội; đồng  thời còn làm hại môi trường…

Cũng đã có những qui định hành chính về việc cấm đốt vàng mã với kỳ vọng giảm lãng phí, nhưng xem ra không mấy hiệu quả.

Theo ông, làm thế nào để giữ được vẹn nguyên những giá trị truyền thống của Lễ tiễn ông Táo về chầu Giời?

- Ý nghĩa chính của lễ ông Công ông Táo là năm hết tết đến, mọi gia đình bầy tỏ lòng ngưỡng vọng tổ tiên, báo cáo với tổ tiên về đời sống công việc của mình năm qua, và đề cao tình vợ chồng chung thủy, tình bạn tốt đẹp (sự tích ông Công ông Táo). 

Từ ý nghĩa này một số nghi thức hình thành được làm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch hàng năm, trước ngày tết Nguyên đán. Như làm một mâm cỗ cúng, đốt chút vàng mã, phóng sinh động vật…tất cả những nghi thức này hoàn toàn có tính tượng trưng, dù vàng mã to hay nhỏ, mâm cỗ nhiều hay ít hoàn toàn tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình, chứ không hề có ý nghĩa làm vui lòng tổ tiên hơn bằng lễ nghĩa nhiều hơn.



Đồ tùy táng (vàng mã), tranh in giấy,
 thế kỷ 18 - 19 , chùa Bút Tháp

Riêng tục phóng sinh hiện đã mang mầu sắc hoàn toàn khác. Trong thời đại săn bắn, chăn thả và làm nông nghiệp cổ xưa, có những ngày mà người ta sám hối không săn bắn, giết hại động vật hoang và nuôi nữa, chứ không phải là mua cá ở chợ rồi đem thả xuống sông, mua chim nhốt vào lồng rồi lại thả ra như hiện nay. Trên thực tế chim cá dùng cho phóng sinh hoặc bị bắt lại, hoặc sẽ chết ngay bởi một môi trường khác, không có ý nghĩa gì cả, chưa kể vô số chúng đã chết trước khi được thả.

Các nghi lễ, người ngày xưa cũng đều hiểu rằng chủ yếu nhằm giáo dục đạo đức, truyền thống gia đình, uống nước nhớ nguồn cho con cháu hiện tại, chứ cha ông qua đời rồi, không biết có hưởng được gì không ? Nên ca dao có câu: Lúc sống con chẳng cho ăn / Khi chết thì lại làm văn tế ruồi.





Tập tục đốt vàng mã vốn xuất phát từ tục chôn đồ tùy táng (của cải thật của người chết), rồi vì thế quá tốn kém mà chuyển sang chôn đồ minh khí (tức là đồ làm giống như thật, dạng minh họa tượng trưng với chất liệu như đồ thật, ví dụ Trống đồng minh khí), rồi lại làm thay thế bằng giấy (đồ vàng mã) và tranh đốt (tranh vẽ các đồ tùy táng), tiền giả để đốt. Như vậy chính quá trình này mang ý nghĩa tượng trưng, giảm bớt tốn kém, gánh nặng tín ngưỡng không cần thiết, mà cha ông thực tế đã nhận ra.

Có một thực tế là không phải gia đình nào cũng biết cách cúng ông Công- ông Táo cho đúng nghi lễ. Vậy, thưa ông, phải cúng thế nào mới đúng các nghi lễ truyền thống?

- Tôi không có quyền đưa ra một quy định tín ngưỡng. Cái đó thuộc về con người nói chung. Tín ngưỡng thực ra cũng thay đổi, phát triển, tất nhiên tôn giáo cũng vậy. Ở đâu mà lòng người bất an, xã hội bất trắc, thì mê tín dị đoan cũng có nhiều cơ hội, như cỏ dại gặp đất hoang vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Lê (thực hiện)

Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1420&chitiet=60947&Style=1



Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Dóng to hồi chuông "bảo tồn di tích"



Dóng to hồi chuông "bảo tồn di tích"

Trên báo chí truyền thông ông kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thường nêu được những ý kiến cá nhân sắc sảo khi bàn về bảo tồn di tích. Trang điện tử báo Đại Đoàn Kết mới đây có một bài phỏng vấn ông Kính về chuyện này khá hay, xin phps đưa về dây mọi người cùng đọc.

Cho được nói thêm một câu: Rất nhiều nơi ở nước ta người ta hiểu và làm sai lạc tinh thần bảo vệ di tích lịch sử và văn hóa. Mang theo ý thức và suy nghĩ theo hướng này, trong dịp tết và xuân mới Quý Tỵ này mình có qua lại vãn cảnh chùa cũng như thăm thú vài ba nơi được gọi là di tích lịch sử văn hóa ở Tp HCM và tỉnh Bình Dương thì thấy được nhiều hiện trạng có khi còn tệ hơn cả những gì GS-TS họ Hoàng đề cập đến.

Đã đến lúc phải dóng thật to lên nữa hồi chuông báo động! Báo động cả về nạn xâm hại cũng như nguy cơ tiềm tàng dẫn đến xâm hại trong công việc được nhân danh là "bảo tồn các di tích văn hóa - lịch sử" trên đất nước ta hiện nay.

Vệ Nhi

-----


GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia:

Bảo tồn di tích đang biến thành một dịch vụ (29/01/2013)

Hiện việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích được xem là "thảm họa” bởi sau đó phần lớn những di tích đó đều được làm mới từ 70 -80%, nhiều di tích thậm chí bị phá bỏ, làm mới không thương tiếc. Vừa qua, Viện Bảo tồn di tích cũng có cuộc tọa đàm với nhiều ý kiến gay gắt của giới chuyên môn trong hoạt động tôn tạo, trùng tu phát huy giá trị di tích thời gian qua.




Lăng Minh Mạng (Huế) 
Ảnh: T.L

Với cách lý giải của một chuyên gia di sản và trùng tu, GS Hoàng Đạo Kính cho biết:

Vấn đề quan trọng thứ nhất và thật sự cơ bản là phải tổng rà soát lại số lượng các di tích đã được xếp hạng. Hiện nay chúng ta xếp hạng quá tràn lan, dễ dãi theo kiểu cả nể… nhưng thiếu các tiêu chí để xếp hạng theo khoa học và Luật Di sản quy định. Có thể nói việc bảo tồn di tích đang biến thành một dịch vụ, một phong trào, thậm chí là cuộc chạy vạy để nâng đời cho di tích. Trong khi đó, việc công nhận di tích là việc rất khoa học, khách quan, hàn lâm. 

Xếp hạng di tích cũng phải cân đối các loại di tích. Ví dụ Hà Nội có tới gần 500 đình đền, chùa được xếp hạng, như vậy có nhiều quá không? Cả nước có tới 7.000 di tích xếp hạng. Nhà nước không thể bỏ ra số tiền khổng lồ để trùng tu các di tích. Cho nên càng mở rộng di tích, càng tạo ra mâu thuẫn gay gắt là di tích đổ nát, nhưng tiền không có. 

 Đặc biệt trong lúc này Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền vào di tích trọng điểm, trùng tu quá tay, tôn tạo quá đà những di tích như là: Khu Di tích Kim Liên, Khu ATK Định Hóa, Cụm kiến trúc cung đình Huế… Trong khi hàng ngàn di tích khác đã xếp hạng đang kêu cứu, thì không có tiền để tu bổ. 

Chuyện trùng tu vi phạm Luật Di sản vẫn đang diễn ra, và cụ thể là đình cổ Ngu Nhuế (Hưng Yên) vẫn nằm phơi sương chờ phương án giải quyết chính thức. Qua đây, ông đánh giá ra sao về sự quản lý di tích các cấp?

-  Sự việc đình Ngu Nhuế (Hưng Yên) xảy ra đòi hỏi cách giải quyết hết sức cơ bản, chứ không phải là vấn đề cách thức trùng tu. Việc này được nói đi nói lại rất nhiều, nhưng vì sao nó vẫn xảy ra như vậy. Thứ nhất nhà nước cho địa phương 100 triệu để trùng tu đình Ngu Nhuế. Nhưng số tiền đó thậm chí không đủ tiền để đảo ngói. Trong khi đó đình sập tới nơi, thì 100 triệu ấy để làm gì? Vấn đề ở đây là vốn không những thiếu mà còn cực kỳ thiếu. Cho nên, không nên đặt vấn đề trùng tu với 1 ngôi đình khi có 100 triệu.

- Thứ 2 là vấn đề liên quan đến sự quản lí. Hiệu quả quản lý gần như bằng không, cho nên câu chuyện xảy ra với đình Ngu Nhuế là rất dễ hiểu. Thứ 3, là do ý thức của người dân và chính quyền địa phương cho rằng, việc làm cho đình khang trang hơn sẽ tốt hơn là cái đình vá víu. Chưa nói tới việc các nhà quản lý cũng có quan điểm các di tích phải khang trang, rất mới, rất vững bền. Na ná như vậy là những câu chuyện ở chùa Trăm Gian, ở đình Cam Lâm…

Những ngôi chùa đang hoạt động bình thường mà hễ cứ xếp hạng là bắt không được thay đổi gì, phải giữ nguyên 100%. Điều đó có đúng không, thưa ông?





Nhiều di tích sau trùng tu trở nên hết sức mới mẻ 
Ảnh: T.L


- Tôi cho rằng, những ngôi đình, chùa xây cách đây 100 năm, thậm chí 40 – 50 năm thì nó là thiết chế của xóm làng, tín ngưỡng, hãy để cho người ta trùng tu, cải tạo. Còn cái gì là di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt thì dứt khoát phải làm bằng chuyên môn, bằng đồng tiền tương ứng. Nhà nước không nên "ôm” hết vào. Cuộc sống đòi hỏi sự thay đổi, những thiết chế đó phục vụ cho hôm nay. Ở đình, chùa đang hoạt động, nếu cái gì  có giá trị thực sự thì xếp hạng. Cái gì không trong diện bảo vệ thì người ta có quyền cải tạo, mở rộng. Nhưng mà phải làm sao những cái mới đó không đè bẹp cái nguyên gốc. Nhưng tôn tạo thế nào lại phải có hướng dẫn của cơ quan quản lý. 

Và hiện nay, tình trạng bức xúc nhất là công tác trùng tu di tích đã biến thành công tác tôn tạo di tích. Cần phải hiểu rõ những quan niệm này như thế nào?

- Trùng tu sinh ra để giữ nguyên hiện trạng, giữ cho di tích gốc không bị biến đổi. Còn tôn tạo là những việc cần thiết để tạo điều kiện cho di tích tồn tại tốt hơn, điều kiện để người ta tiếp cận di tích tốt hơn. Nhưng trùng tu phải là việc chính, nó có bổn phận lớn lao là duy trì hiện trạng của di tích. Nhưng hiện nay chúng ta đã biến trùng tu, bảo tồn thành tôn tạo. Cho nên các di tích sau trùng tu trở thành hết sức mới mẻ, cải lão hoàn đồng. Trí tuệ, kinh phí của chúng ta bỏ ra cốt là để giữ lấy cái lịch sử để lại, chứ không phải giữ quan điểm thẩm mỹ của chúng ta.

Tuấn Kiệt (thực hiện

Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1420&Chitiet=60799&Style=1



Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Những người chăm sóc tuổi già Bộ Ngoại giao

Những người chăm sóc tuổi già Bộ Ngoại giao
Thăng Sắc 





Trên trang blog cá nhân của nhà văn Thăng Sắc (tên blog "Lều văn Thăng Sắc") có bài viết dưới đây. Mình cũng là hội viên của Câu lạc bộ hưu trí anh Thăng Sắc nói đến, lại đang ở xa không đến gặp mặt được dịp đầu xuân với CLB, vậy xin phép tác giả đưa bài về trang nhà. (Vệ Nhi)

Ngày đầu năm (Mồng 9 Tết Quý Tỵ), thấy tôi xách máy ảnh lên Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao, thằng cháu hỏi :

- Ông ơi, rồi đến bố mẹ cháu cũng nghỉ hưu à ông ?

Câu hỏi quá hay, ngây thơ mà quá hay, hay ở chỗ nó "triết học". "Triết học" ở chỗ nó đề cập đến thân phận con người một cách thật hồn nhiên. Về hưu chẳng phải là một "đoạn" trong cái "quá trình" từ chỗ sống đến chỗ chết hay sao, sống là tồn tại, chết là không tồn tại, vậy thì cái câu hỏi đó, suy ra cho cùng, chẳng phải là "to be or not to be" đấy sao !



 Sáng mồng 9 Tết tại Câu lạc bộ, các cụ gặp gỡ đầu năm, chúc Tết, đọc thơ, tặng thơ, hẹn nhau đi du lich do Câu lạc bộ tổ chức. Thật là "Thời gian năm tháng chứng minh, Câu lạc bộ điểm hẹn mình dừng chân" (Thơ ông Trần Tam Giáp)

 Về hưu là một "đoạn" trong cái "quá trình" "to be or not to be", trong cái đoạn ấy có một cái Câu lạc bộ, ở đấy có những người chuyên chăm sóc cho "tuổi già Bộ Ngoại giao", tất nhiên là chăm sóc tinh thần, nhưng cũng vô cùng quan trọng bởi vì chết về tinh thần thì sao còn gọi là sống ! Những người chăm sóc tuổi già của Bộ ấy cũng là những người già, già lắm rồi, như ông Chủ tịch Trần Tam Giáp ấy, già rồi nhưng các cụ già không cho thôi Chủ tịch, buộc ông phải làm "Président à vie" (Chủ tịch suốt đời). Thế là sướng hơn các Chủ tịch khác rồi ! (Ông Giáp đính chính lại Chủ nhiệm chứ không phải Chủ tịch, ờ thì có gì khác nhau đâu !).



 Dù đi trăm nẻo ngàn phương (Ông Bùi Xuân Nhật chẳng đi khắp nơi vì làm Du lịch là gì !), Lại về chung một cội nguồn Ngoại giao (Thơ ông Trần Tam Giáp)

Ngày đầu năm gặp nhau ở đây, mà cả năm cũng vậy, gặp nhau ở đây thật chan hòa, thân thiết, chẳng còn phân biệt ông là Đại sứ tôi là Bí thư, hỏi nhau bệnh tật gì, con cháu ra sao, hứng lên thì bình báng dăm câu ba điều về quan hệ quốc tế. Cũng là "chém" cho vui, ai chấp nữa !  



Mong ngành Đối ngoại được mủa, Gặt hái thành tích không thua lớp già (Thơ ông Trần Tam Giáp)

Mà vui thật, chuyến du hành đầu xuân vào ngày mồng 10 Tết do Câu lạc bộ tổ chức là chuyến về Hải Phòng, có tới hai trăm cụ tham gia, đi một đoàn năm xe, rất hoành tráng, thật thỏa sức các cụ giao lưu.



 Càng già gừng lại càng cay, Giao lưu các cụ thế này mới Xuân !

Đầu năm Quý Tỵ, xin cùng anh em hội viên Câu lạc bộ kính chúc Chủ Nhiệm Trần Tam Giáp cùng các anh Đắc, anh Quyên, anh Cược, chị Cư, anh Phán và các canh chị trong Ban Chủ nhiệm khỏe như trăn nhanh như rắn để vác cho thật khỏe "cái tù và hàng tổng" mà Bộ cũng như các cụ về hưu đã khoác cho các bác, thật ra thì đó là sự đóng góp đến cùng và thiết thực nhất đấy. 

Nguồn: http://chienthang47.blogspot.com/2013/02/nhung-nguoi-cham-soc-tuoi-gia-bo-ngoai.html?spref=fb

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Những con người thành danh quê hương Bắc Ninh



Những con người thành danh quê hương Bắc Ninh

Vẫn đang trong Tp HCM thì nghe trên báo chí là tại Đền Đô (đền Lý Bát Đế) thuộc Từ Sơn Bắc Ninh vừa khai mạc hôm mùng 8 Tết Quý Tỵ cuộc triển lãm ảnh với chủ đề “Mùa xuân Kinh Bắc”.

Triển lãm gồm nhiều bức ảnh phong cảnh, di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Bắc Ninh và 99 chân dung những con người quê Bắc Ninh thành danh, có người còn ở ngay ở tỉnh nhà nhưng phần đông sống và làm việc tại khắp mọi vùng miền của đất nước - do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ thực hiện.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ đã có nhiều cuộc triển lãm ảnh quy mô lớn trong đó ông khắc họa được nhiều khuôn mặt “những con người đương thời”. Có triển lãm ông lựa chọn chụp chân dung nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam thành đạt trên các lĩnh vực. Cũng có khi ông tập trung vào chuyên đề những người thày giáo có nhiều cống hiến quý báu cho sự nghiệp giáo dục của đất nước…
     
Tại cuộc triển lãm Mùa xuân Kinh Bắc đang mở mình cũng vinh hạnh được Nghệ sĩ Văn Thọ chọn chụp.
Xem mạng thấy báo Bắc Ninh điện tử và một số báo khác đưa tin ---à  xin đưa lại dưới đây.

Cũng nhân đây post lên ít ảnh mình mới nhận được từ người thân và bạn bè khi đi xem triển lãm gửi email vào cho mình biết.

Vệ Nhi


-----

   
Triển lãm ảnh “Mùa xuân Kinh Bắc”
Từ ngày 17-2 đến ngày 25-2, tại Đền Đô (thị xã Từ Sơn) diễn ra triển lãm ảnh cá nhân với chủ đề “Mùa xuân Kinh Bắc” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ, nhà báo, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.




Triển lãm trưng bày 99 bức ảnh chân dung những người thành danh xuất thân từ quê hương Kinh Bắc nhằm tôn vinh quê hương và con người Bắc Ninh đã có nhiều cống hiến cho đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... qua các thời kỳ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ năm nay tròn 80 tuổi, đây là cuộc triển lãm cá nhân thứ 10 của ông.

Tin, ảnh: Thùy Vy


http://baobacninh.com.vn/news_detail/77426/trien-lam-anh-mua-xuan-kinh-bac.html

------


MỘT SỐ BỨC ẢNH NGÀY KHAI MẠC:


































-----


THAM KHẢO THÊM:

Triển lãm ảnh “Mùa xuân Kinh Bắc”

(Petrotimes) - Sau hơn 40 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ ao ước một lần được trực tiếp phục vụ quê hương của mình, bằng những tác phẩm chụp về quê hương và về những con người Bắc Ninh thời nay thành danh trên các vùng miền.
Được bạn bè và đồng nghiệp khuyến khích và gợi cho nhiều ý tưởng hay, ông đem “dự án” mang tên Mùa xuân Kinh Bắc trình bày và nhận ngay được sự đồng tình ủng hộ của những người có trách nhiệm của tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Bút tháp
Điều thú vị là, cuộc triển lãm ảnh trở về quê hương của cá nhân ông lại được tổ chức trên chính đất tổ Đền Đô – Lý Bát Đế (phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi xưa có “hương Cổ Pháp”, ngôi làng đầy vượng khí, linh thiêng, được cho là nơi phát tích của triều đình nhà Lý, với vị vua đầu Lý Công Uẩn.
Đúng như lời nói cửa miệng: Đi đến đâu trên vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, đều bắt gặp lịch sử và truyền thống văn hóa của đất nước mình. Bắc Ninh - Kinh Bắc có những làng mạc trù phú trải rộng khắp tỉnh nhưng đặc biệt nhất có lẽ là dải màu xanh lúa ngô hai bên triền sông Đuống. Ở Thuận Thành, Gia Lương có thành cổ Luy Lâu, có những ngôi chùa đẹp như cổ tích là chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích - chứng tích cho một vùng phát tích của Đạo Phật xa xưa nhất của nước ta.
Bắc Ninh cũng là quê hương của những danh thần và danh tài như Lê Văn Thịnh, Nguyễn Gia Thiều. Bắc Ninh cũng chính là nơi có khúc sông Như Nguyệt thuộc huyện Yên Phong ngày nay, nơi từng âm vang lời thơ hào hùng của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở). Còn nữa như di tích “Văn Miếu Bắc Ninh”, nơi thờ trên 600 tiến sĩ quê hương Kinh Bắc, chiếm tới 1/3 các vị đại khoa thời phong kiến…
Tất cả những vẻ đẹp phong cảnh và con người này sẽ được tôn vinh qua 99 bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ.
Quan họ ngày xuân
Triển lãm mở cửa ngay sau Tết Nguyên đán 2013, từ ngày 17 - 25/2, như một món quà nhỏ của nhà nhiếp ảnh quê Kinh Bắc dành cho những người xuất hành, vãn cảnh đầu xuân.
Vài nét về nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ:
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thọ (Văn Thọ) - nhà báo, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên phóng viên TTXVN. Ông sinh tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh, năm nay ông đã 80 tuổi.
Từ năm 2003 đến nay, ông đã tổ chức trưng bày 10 cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Hải Phòng và hai lần tại TP Hồ Chí Minh và ra mắt bạn đọc một số đầu sách “Người đương thời – Hoa đất nước”, “Trái tim người Thầy”, “Nét đẹp phụ nữ Việt Nam” tập 1 và 2.

Thanh Huyền

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DuLich/www.petrotimes.vn/Trien-lam-anh-Mua-xuan-Kinh-Bac/10402590.epi




Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Sự kiện 17/2 trên mặt báo



Sự kiện 17/2 trên mặt báo


Ngày hôm qua đúng 34 năm ngày Trung Quốc đưa hàng chục vạn quân tấn công đồng loạt các tỉnh biên giới phía Bắc của chúng ta, Ban biên tập báo Thanh Niên đã đưa “sự kiện” này lên trang Nhất của tờ báo, một việc hiếm gặp suốt trong một thời gian dài kể từ sau khi 2 nước Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa năm 1990.   à>> bài đây:   

http://vinhnv43.blogspot.com/2013/02/mot-cach-nhin-ve-ngay-1721979-iem-son.html   

Trong khi đó thì tờ báo Tuổi trẻ đã không đi theo hướng này mà khéo “giấu” vào một bài viết dài kỳ cũng có chung chủ đề trên, lại chỉ cho nó xuất hiện một cách “nhẹ nhàng” ở góc trái của trang Nhất mà thôi. Cái entry đưa lên hôm qua của chủ blog tôi giới thiệu bài trên báo Thanh Niên cũng đã có vài lời về cách đề cập này như "một góc nhìn nghề nghiệp" cùng nhau rút kinh nghiệm nghề...

Nhưng sang hôm nay, 18/2, báo Tuổi trẻ đã đề cập trở lại sự kiện 17/2 đã dẫn ở phần trên bài.. Tại ngay trang Nhất chủ đề nóng hổi về ngày Trung Quốc xua quân đánh Việt Nam tờ báo của Thành đoàn Thành phố đã cho đăng bài phỏng vấn ông viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Tiến sĩ NGUYỄN MẠNH HÀ. Ông Hà nguyên là đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, ông có nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Bài viết tuy ngắn nhưng có khá đầy đủ các ý cần nói với độc giả, với người dân khi tìm hiểu và nhớ lại sự kiện 17/2 năm xưa. 

Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng đối với một tờ nhật báo có uy tín như Tuổi trẻ. Phải chăng đây là sự “sửa sai” của tờ báo, một sự rút kinh nghiệm mà trong một ngày trôi qua báo Tuổi trẻ chắc chắn là nhận được từ nhiều kênh thông tin phản hồi, lề trái và lề phải ở nước ta khi tờ báo chưa đề cập trực diện sự kiện TQ xâm lược ta năm 1979?... Dù gì thì việc Tuổi trẻ đã đăng bài nổi bật như vậy vào ngày hôm nay, 18/2/2013 tại trang Nhất là rất có ý nghĩa…

Như vậy là bữa qua Thanh Niên đi tiên phong, có bài phỏng vấn rất có giá trị một vị tướng ngành công an, TS Lê Văn Cương, thì hôm nay tiếp đến báo Tuổi trẻ đã nêu bật sự kiện kể trên đã làm cho ngày 17/2 trở nên một ngày được đặt đúng vị trí của nó trước lịch sử: “Ngày TQ xâm lược Việt Nam, cũng là Ngày quân dân ta đứng lên anh dũng chống trả quân xâm lược, nêu cao chủ nghĩa yêu nước và ý chí quật cường đánh đuổi kẻ xâm lăng”.

Kể từ sau khi hai nước Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa (năm 1990) đúng là sự kiện 17/2 như bị một sự chỉ đạo kín đáo bất thành văn nào đó từ các cấp ở trên cao phổ biến xuống cho các cấp thấp hơn như thể là hãy bước qua quá khứ, kết cục là đặt ra bên ngoài trí nhớ của người dân về ngày TQ đánh VN tháng 2/năm 1979! Nói được điều đó là chúng ta cứ xem thực tế của công tác thông tin tuyên truyền đối với sự kiện này thì rõ. Hầu như sự kiện 17/2 nhiều năm qua đã bị xem nhẹ, nếu không muốn nói thẳng là có ý chỉ đạo hãy tảng lờ "như không có". Nhìn vào báo chí và truyền thông dịp đó các năm trước thì rõ.

Thế mà 2 hôm nay trên 2 tờ báo lớn ở phía Nam đất nước, sự kiện 17/2 nói trên đã được nêu bật trở lại.

Cũng có thể có những tờ báo, những trang báo điện tử của nhà nước của đoàn thể khác trong đất nước ta đã nêu sự kiện 17/2 (mà tôi không có điều kiện tìm đọc được), nhưng ở entry này tôi chỉ muốn dẫn ra 2 tờ báo phía Nam. Vì nó đều có lượng độc giả luôn vào loại dẫn đầu của nhật báo ở Việt Nam, đây cũng là 2 nhật báo được người đọc trực tiếp tìm mua chứ không phải báo nhận theo tiêu chuẩn, hoặc từ ngân sách túi tiền nào đó mua hộ. 

Về nội dung, báo Tuổi trẻ có bài hỏi chuyện TS Nguyễn Mạnh Hà như trên đã nói, số báo này còn đăng 2 bài viết khác cũng có chủ đề tương tự để nêu bật truyền thống quật cường yêu nước chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam chúng ta.      

Với cái nhìn khách quan, muốn có sự công bằng và thực sự cầu thị, chủ blog tôi viết những dòng này trước hết là giới thiệu mấy trang báo Tuổi trẻ ngày hôm nay, 18/2, đã đề cập rất trực diện đến một trong những vấn đề “nhạy cảm” nhất hiện nay về chính trị đối ngoại. Và điều nữa cũng là muốn nhân sự việc 2 tờ báo phía Nam nối tiếp nhau đưa lên trang Nhất một vấn đề phức tạp trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc lâu nay đúng là bị né tránh... chủ blog tôi muốn nêu lên một nhận xét sau đây: 

Phải chăng có một tín hiệu nào đó được phát đi khích lệ cho công tác tuyên truyền thông tin về biển đảo, về thái độ đáp trả rõ ràng nhưng luôn giữ đúng mực của Việt Nam với Trung Quốc kể từ nay trở đi đã và sẽ nhận được sự ủng hộ trực tiếp hoặc ngấm ngầm từ những người cầm cân nảy mực, của hệ thống cơ chế quản lý thường là rất "cứng rắn" trong lĩnh vực tư tưởng và truyền thông ở nước ta?...  

Vệ Nhi

(Tp Hồ Chí Minh, 18/02/2013)    

--------


Bài học từ cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979

THU HÀ THỰC HIỆN | 18/02/2013 08:06 (GMT + 7)

TT - Quân và dân VN ngày 17-2-1979 buộc phải cầm súng một lần nữa, chiến đấu kiên cường trước quân  Trung Quốc đông hơn nhiều lần, trên một phòng tuyến biên giới dài gần 600km.



Một người dân đến thắp hương tri ân các liệt sĩ tại đài tưởng niệm Pò Hèn (Quảng Ninh) tháng 2-2013 -  Ảnh: Lê D9ức Dục

Một người dân đến thắp hương tri ân các liệt sĩ ở Đài tưởng niệm Pò Hèn (Quảng Ninh) tháng 2/2013/Ảnh: Lê Đức Dục  

TS NGUYỄN MẠNH HÀ, viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng). Những ngày tháng 2 này, ông chia sẻ với Tuổi Trẻ về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ ngày 17-2 đến 5-3-1979.

* Thưa ông, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra đến nay đã được 34 năm. Ông nói về sự kiện này như thế nào?
- Cuộc chiến tranh biên giới không chỉ bắt đầu từ ngày 17-2-1979, không chỉ bắt đầu sau câu chuyện “nạn kiều” 1978, cũng không chỉ bắt đầu từ những rạn nứt trong quan hệ Việt - Trung sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975, một chiến thắng mà một số nhà sử học trên thế giới đã cho rằng Trung Quốc không mong muốn. Cũng không phải hoàn toàn như vậy mà nó có gốc rễ sâu xa từ những tính toán trong lợi ích chiến lược của cả Liên Xô và Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ với một nước nhỏ như VN.
Lịch sử dân tộc ta có tới 17 cuộc chiến tranh chống xâm lược thì chúng ta đã chiến thắng 14, còn ba cuộc kháng chiến dai dẳng, hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chúng ta bị nước ngoài đô hộ nhưng rồi dân tộc ta vẫn chiến thắng.
Có thể trong lịch sử hiện đại, khái niệm biên giới quốc gia không còn được tính bằng các cột mốc nữa mà bằng “biên giới mềm”, “sức mạnh mềm”, bằng sự xuất hiện của hàng hóa, hình ảnh, văn hóa của quốc gia nào đó trên đất nước mình, nhưng tôi vẫn tin là chúng ta sẽ bảo vệ được nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình, một khi cả dân tộc kết thành một khối, dưới sự lãnh đạo của Đảng dày dạn kinh nghiệm cả trong chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Sai sót lớn là chúng ta đã nhận ra quá muộn bản chất của chế độ Pol Pot. Năm 1977, đồng chí Lê Trọng Tấn được Quân ủy Trung ương cử vào biên giới Tây Nam nghiên cứu tình hình xung đột biên giới với Campuchia trở về, khi trở ra Hà Nội đã bức xúc khẳng định: “Đây không còn là xung đột nữa. Đây là một cuộc chiến tranh biên giới thật sự”. Lúc đó, chúng ta mới tìm hiểu đằng sau Pol Pot là ai. Là rất nhiều cố vấn nước ngoài từng giúp chúng ta trong cuộc kháng chiến trước đó.
Khi chúng ta tổ chức phản kích, tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979, giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh thì đúng 40 ngày sau, Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới, với chiêu bài “dạy cho VN một bài học”. Quân chủ lực VN lúc đó đã tăng cường cho chiến trường Campuchia, Trung Quốc hi vọng VN sẽ gục ngã vì bất ngờ.
Quân và dân VN bị buộc phải cầm súng một lần nữa, đã chiến đấu kiên cường trước một đội quân đông hơn nhiều lần, trên một phòng tuyến biên giới dài gần 600km, và đã đánh bật được quân Trung Quốc về bên kia biên giới sau khi làm tổn thất đáng kể sinh lực đối phương.
* Liệu việc bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh có làm chúng ta chịu những thiệt thòi nhất định như những điều kiện đi kèm thường thấy trong các hiệp định mà nước lớn thường áp đặt cho nước nhỏ?
- Cuộc chiến tranh biên giới chính thức kéo dài chỉ 17 ngày, từ 17-2 đến 5-3-1979. Nhưng những cuộc xung đột còn kéo dài đến tận năm 1988. Trong suốt chín năm, một phần đáng kể nhân tài vật lực của chúng ta đã phải dồn cho biên giới phía Bắc, trong khi Mỹ cấm vận, viện trợ của Liên Xô cắt giảm so với trước và Trung Quốc thì từ bạn thành thù. Có thể nói VN đã hao tốn nhiều sức lực vì cuộc chiến biên giới đó. Nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, VN càng ngày càng bất lợi. Chính vì vậy, năm 1988, khi VN chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay, và đến năm 1991 thì VN và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô, Trung Quốc.
Là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.
Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà đằng đẵng đó. Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm xương máu từ thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, lợi ích các bên đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Cần hiểu rõ bạn - thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.
Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/534311/bai-hoc-tu-cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-1979.html

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Bắc Triều Tiên qua ống kính nhà báo Thụy Điển


Hình ảnh từ đất nước kín bưng

(Bắc Triều Tiên qua ống kính nhà báo Thụy Điển)


Nhà báo khác thế nào không biết, riêng tôi rất muốn theo đuổi những hình ảnh về đất nước, cuộc sống người dân ở Cu Ba, Bắc Triều Tiên và Miến Điện. Đó là các quốc gia theo tôi quá đặc biệt, nó thật sự là rất “bí hiểm” với thế giới bên ngoài trong liền mấy chục năm nay.  

Gần đây thấy Miến - và ở một chừng mực nhất định là Cu Ba - đã có những bước “sáp vô” với thế giới bằng những chủ trương đổi mới cải cách đất nước… Riêng ông bạn Bắc Triều Tiên thì cứ vậy, tự giăng bức màn khá vững chãi như là thép để cộng đồng quốc tế không thể hoặc khó lòng tiếp cận đất nước và con người nước này.

Không những thế, Bắc Triều Tiên còn là quốc gia đang gây sự đau đầu nhất đối với Mỹ và khá nhiều cường quốc phương Tây với màn trình diễn hết phóng vệ tinh (thực chất là thử tên lửa đạn đạo) và thử hạt nhân dưới lòng đất?

Trên blog này đã nhiều lần tôi đưa bài, ảnh về 3 nước, nhất là gần đây có chùm bài (12 bài) về Miến Điện và một số bài khá đặc biệt về Bắc Triều Tiên.

Tết năm nay bạn bè mới gửi cho tôi một sê-ri ảnh của một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Thụy Điển, ông Björn Bergman. Xin mời bà con xem những bức ảnh không phải ai cũng có thể đến đấy và chụp được. Cùng với ảnh là những dòng giới thiệu về một đất nước đóng kín nên thông tin nào lộ ra cũng thật đáng giá với người xem chúng ta.

Vệ Nhi    

-------

Bên trong Triều Tiên

Björn Bergman, một nhiếp ảnh gia Thụy Điển, trải qua 9 ngày ở Triều Tiên và ghi lại hình ảnh về cảnh sắc và cuộc sống con người ở đất nước bí ẩn bậc nhất thế giới này.
 

Björn Bergman spent nine days in North Korea capturing the life of locals. It took him two years to get a visa and once inside the secretive nation, he was whisked around the country on an official tour bus. Björn said: "My rule as a photographer is shoot first, then ask. The guards were very hostile. At the hotels they told us to stay in and would not allow us to leave without guides. We tried three times but didn't get further than three metres before they told us to go back.

Björn Bergman phải mất đến hai năm để lấy visa và có cơ hội bước chân vào quốc gia Triều Tiên bí ẩn. Ông đi tham quan khắp đất nước này bằng xe buýt du lịch. 

"Nguyên tắc của tôi khi là nhiếp ảnh gia đó là chụp trước, hỏi sau. Các anh bảo vệ rất khó tính. Tại các khách sạn, chúng tôi được yêu cầu ở yên bên trong và không được phép ra ngoài mà không có hướng dẫn viên. Chúng tôi đã thử ba lần rồi nhưng không lần nào đi được quá 3m trước khi bị họ gọi quay lại", Björn kể.

Trong hình là sông Taedong nhìn từ tháp Chủ thể
  
An eight-lane super highway in North Korea is almost devoid of traffic in this image taken by Swedish photographer Björn Bergman. The road - which stretches around 160km from capital Pyongyang to the border with South Korea - is also in a state of disrepair.

Đường cao tốc 8 làn xe của Triều Tiên hầu như không có mấy phương tiện lưu thông khi Björn chụp bức ảnh này. Con đường kéo dài 160 km từ thủ đô đến biên giới với Hàn Quốc và đã hư hỏng nhiều đoạn
"During our bus trips, there was three guards and they didn't allow us to take any pictures besides what they asked us to shoot, such as monuments.

"Trong suốt chuyến đi của chúng tôi, có 3 người bảo vệ không cho chúng tôi chụp bất kỳ bức ảnh nào và luôn hỏi chúng tôi định chụp gì, ví dụ những tượng đài này", ông kể.

He said: "My kids and friends thought I was one hundred per cent crazy for going to North Korea and asked me to stay at home. But North Korea is one of the safest countries for tourists according to the UN.


"Bọn trẻ và bạn bè tôi nghĩ tôi hoàn toàn điên cuồng khi muốn sang Triều Tiên và họ bảo tôi nên ở nhà. Tuy nhiên, Triều Tiên là một trong những đất nước an toàn nhất cho khách du lịch, theo Liên Hợp Quốc", ông kể tiếp. 

Trong hình là Bình Nhưỡng vào một sớm sương mù
"The trip was scary, horrible, and beautiful all at the same time. We weren't allowed to talk to the locals - they wouldn't even so much as look at us."

"Chuyến đi rất đáng sợ, kinh khủng nhưng cũng tươi đẹp. Chúng tôi không được phép hỏi chuyện người dân địa phương, họ thậm chí còn không nhìn chúng tôi", ông nói. 

Trong hình là Tượng đài Thống nhất ở Bình Nhưỡng
Björn added: "I want to go back, but I'm not sure they will let me in again."

Hình ảnh đoàn xe tham gia diễu hành quân sự nhân 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành. Björn thêm rằng ông muốn quay lại nơi đây, nhưng ông không chắc họ có cho ông quay lại lần nữa không

A hostess stands outside the train at a Pyongyang Metro station

Một nữ nhân viên tại ga tàu điện ngầm Bình Nhưỡng.

East European trams are pictured in Pyongyang

Xe điện kiểu "Đông Âu" ở Bình Nhưỡng
  
The entrance to the zoo in Pyongyang

Cổng vào Vườn thú Bình Nhưỡng
A guide at the Victorious Fatherland Liberation War Museum gives the 'truth' about the Korean War

Nữ hướng dẫn viên tại Bảo tàng Chiến tranh Giải phóng Tổ quốc về cuộc chiến tranh Triều Tiên
Apartments under construction in Pyongyang

Các tòa nhà đang xây dở ở Bình Nhưỡng
Children buy things from a local rural shop

Vùng nông thôn Triều Tiên còn nghèo và lạc hậu

A farmer rides on an ox wagon between Pyongyang and the DMZ

Một người nông dân ngồi trên xe bò kéo ở Khu Phi quân sự (DMZ)

Anh Ngọc (Ảnh: Barcroft Media)


  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...