Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Ông Nguyễn Bá Thanh nổi bật ở Gú-gồ


BÀI ĐỌC THAM KHẢO\


Ông Nguyễn Bá Thanh nổi bật ở Gú-gồ (Google)


Tên của ông Nguyễn Bá Thanh, tân Trưởng Ban Nội chính Trung ương được tìm kiếm nhiều một cách ‘đột biến’ trên Google thời gian qua.

Theo thống kê của Google Trends, một công cụ đo lượng tìm kiếm của một từ hoặc cụm từ qua Google, tên ông Thanh bắt đầu được tìm nhiều lên kể từ tháng 12, thời điểm Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm ông làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Cụm từ “Nguyễn Bá Thanh” trong thời gian từ tháng 12 tới tháng Một nhảy vọt lên mức cao nhất (Điểm A trên đồ thị) trong nhiều năm trở lại đây dưới ảnh hưởng của việc nhiều báo trong nước đồng loạt đăng bài ca ngợi ông này, theo ghi nhận trên Google Trend đến cuối ngày 1/2/2013.
Nếu như hồi tháng Bảy, khi gõ “Nguyễn Bá Thanh” vào Google chỉ hiển thị ra khoảng 3,1 triệu kết quả thì vào đầu tháng Hai, con số này là trên 7,3 triệu, tăng 135% chỉ trong vòng 6 tháng.

Biểu đồ hiển thị lượng tìm kiếm "Nguyễn Bá Thanh" trên Google
Biểu đồ hiển thị lượng tìm kiếm “Nguyễn Bá Thanh” trên Google

Một lãnh đạo Việt Nam nữa mà tên được tìm nhiều ‘đột biến’ trên Google Trend nữa là thủ tướng đương nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng.

Biểu đồ của Google Trends cho thấy tên ông Dũng được tìm kiếm nhiều nhất trên Google vào thời điểm tháng Mười năm ngoái.

Đây là thời điểm diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6.
Trong thời gian này, nhiều tin đồn rộ lên trên mạng xã hội và các trang blog xung quanh việc ông Dũng có thể không giữ được chức vụ vì các sai phạm xảy ra ở tập đoàn kinh tế nhà nước.



Biểu đồ hiển thị lượng tìm kiếm cụm từ "Nguyễn Tấn Dũng" trên Google
Biểu đồ hiển thị lượng tìm kiếm cụm từ “Nguyễn Tấn Dũng” trên Google

Tuy nhiên sau khi hội nghị này bế mạc ngày 6/10 với lời tuyên bố quyết định ‘không thi hành kỷ luật một đồng chí trong Bộ Chính trị’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì lượng truy cập tên vị thủ tướng cũng đã giảm xuống hẳn. Trong tháng 12, lượng tìm kiếm cụm từ “Nguyễn Tấn Dũng” giảm xuống chỉ còn 1/3 so với tháng 10.

Một điều đáng chú ý là ngay khi lượng tìm kiếm cụm từ “Nguyễn Tấn Dũng” giảm xuống, cụm từ “Đồng chí X”, một thuật ngữ Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang dùng để ám chỉ ‘đồng chí trong Bộ Chính trị không bị thi hành kỷ luật’ nói trên trong bài phát biểu trên VTV1 ngày 7/10, lại bắt đầu tăng vọt về lượng tìm kiếm trên Google và cho đến hiện nay vẫn không ngừng tăng.

Tính đến thời điểm đầu tháng Hai, nếu gõ “Đồng chí X” vào Google sẽ hiển thị ra khoảng 99 triệu kết quả tìm kiếm.

Cụm từ "Đồng chí X" chỉ trong ba tháng đã mang lại 99 triệu kết quả tìm kiếm trên Google
Cụm từ “Đồng chí X” chỉ trong ba tháng đã mang lại 99 triệu kết quả tìm kiếm trên Google


Các cụm từ liên quan


Điều thú vị là những người gõ tên tân Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào Google, cũng thường xuyên tìm tên thủ tướng đương nhiệm.

Kết quả là cụm từ “Nguyễn Tấn Dũng” trở thành từ liên quan hàng đầu của “Nguyễn Bá Thanh” trong 12 tháng qua, theo thống kê của Google Trends.

Ông Thanh là người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích công khai sai phạm của các tập đoàn Nhà nước mà thủ tướng Dũng đứng đầu.
Tuy nhiên gần đây nhất, chính ông Dũng cũng là người đã chỉ đạo điều tra vụ sai phạm gây thiệt hại 3400 tỷ đồng tại Đà Nẵng, nơi ông Thanh làm Bí thư thành ủy.
Các cụm từ được tìm liên quan đến "Nguyễn Bá Thanh" (trái) và "Nguyễn Tấn Dũng" (phải)
Các cụm từ được tìm liên quan đến “Nguyễn Bá Thanh” (trái) và “Nguyễn Tấn Dũng” (phải)

Một tên nữa cũng hay được tìm trên Google kèm với ông Thanh, đó là “Trần Văn Thanh”, Giám đốc công an thành phố Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Thanh được biết đến là người đã tố cáo ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận hối lộ số tiền tổng cộng 4,4 tỷ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.

Ông này sau đó bị lãnh án 18 tháng tù treo vì tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Về phía thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những người hay tìm tên ông trên Google cũng thường xuyên tìm kiếm “Trương Tấn Sang”, “Nguyễn Phú Trọng” – các lãnh đạo trong Đảng Cộng sản mà giới quan sát cho rằng đang đối đầu với ông Dũng trong một cuộc xung đột quyền lực.

Ngoài ra, cụm từ “Nguyễn Tấn Dũng” cũng hay đi kèm với “Nguyễn Thanh Phượng” – con gái ông và “biệt thự”.

Theo BBC

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Va vấp ngoại giao đầu tiên của TQ đối với Vatican



Va vấp ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc đối với Vatican

Va vấp đó là từ thái độ quyết đoán của người đứng đầu mới của Vatican khi tiếp nhận phái đoàn Giáo hội từ Đài Bắc Đài Loan tới đây dự lễ Khai mạc Sứ vụ Thánh Phêrô của tân giáo chủ Giáo hội Công giáo toàn thế giới. Điều đó cũng có nghĩa là không có đại diện Giáp hội của Bắc Kinh tại Đại lễ này bởi Trung Quốc thi hành chính sách “một nước TQ”.

Đương nhiên Trung Quóc phản ứng mạnh mẽ với vị đại diện tối cao mới được bầu của Giáo hội toàn cầu. 

Dư luận nhận xét rằng, trái với sự tức giận của Trung Quốc, phản ứng của Vatican và đặc biệt của người đứng đầu là Tân Giáo hoàng về vụ việc này lại rất ôn hòa và mô phạm.Người phát ngôn của Vatican là cha Federico Lombardi đã nhấn mạnh là Toà thánh "không bao giờ mời ai dự thánh lễ, không lựa chọn khách thăm viếng, cũng như không xem ai có đặc quyền". Đồng thời qua kinh nghiệm người ta cũng đoan chắc rằng vị Tân Giáo hoàng Francis, người sống gần suốt cuộc đời tại một quốc gia Nam Mỹ từng có cac chế độ độc tài nhiều va chạm với Giáo hội bản địa chắc sẽ có đủ "bản lãnh và kinh nghiệm để xử lý các hồ sơ liên quan đến bang giao giữa Vatican và châu Á"

Đây là một bàn thua ngoại giao mà Bắc Kinh buộc phải ngậm trái đắng từ cú va vấp ngoại giao đầu tiên với Giáo hoàng mới.

Bản tin của đài Pháp RFI dưới đây mô tả kỹ về sự kiện này.

Vệ Nhi

-----


Tân Giáo hoàng Francis thản nhiên trước cơn thịnh nộ của Trung Quốc 




                                       


Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Thánh Phêrô, Vatican














(RFI, 19-3-2013) - Tổng thống Đài Loan đến Roma tham dự lễ Khai mạc Sứ vụ Thánh Phêrô của Đức tân Giáo Hoàng làm Bắc Kinh tức giận và tẩy chay Thánh lễ. Trong cuộc trắc nghiệm ngoại giao đầu tiên này, Trung Quốc đụng phải thái độ khoan hòa, nhưng cứng rắn của tân giáo chủ Giáo Hội Công giáo Hoàn Vũ, một tu sĩ Argentina giàu kinh nghiệm sống trong chế độ áp bức.

Trong số hơn 130 quốc khách dự lễ Khai mạc Sứ vụ Thánh Phêrô của tân giáo chủ Giáo Hội Công giáo Hoàn Vũ không có đại diện của Bắc Kinh. Tuần trước, khi được tin tổng thống Mã Anh Cửu chuẩn bị sang Ý tham dự thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Thánh Phêrô của tân Giáo Hoàng Phanxicô, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh kêu gọi: "Trung Quốc hy vọng Vatican sẽ có những biện pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện quan hệ song phương". Bắc Kinh muốn qua thông điệp này thúc giục Tòa thánh hủy bỏ lời mời lãnh đạo Đài Loan. Trước đó vài hôm, ngay khi Dức Hồng y Tổng Giáo phận Buenos Aires Jorge Bergoglio được Cơ Mật viện bầu làm Giáo Hoàng, Trung Quốc đã lập tức gửi thông điệp: "Hy vọng dưới sự lãnh đạo của tân Giáo Hoàng, Vatican sẽ chọn thái độ mềm dẻo và thực dụng" đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ với Vatican từ năm 1957 sau khi Tòa Thánh công nhận Đài Loan, trong bối cảnh tại Hoa Lục, chế độ Mao Trạch Đông đàn áp tín đồ Thiên chúa và thành lập giáo hội Nhà nước độc lập với Vatican.

Vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 đã gửi một thông điệp "lịch sử" đến giáo dân Trung Quốc và đề nghị một giải pháp dung hòa "chung sống hòa bình": Giám mục phải do Vatican bổ nhiệm đổi lại Tòa Thánh tôn trọng các quyết định chính trị của chính quyền. Tổng giám mục Hồng Kông, Đức Hồng y Trần Nhật Quân, sau khi về hưu, xác nhận Tòa Thánh sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Đài Loan, với điều kiện Trung Quốc tôn trọng quyền tự do tôn giáo trong phương án thỏa hiệp này.




Trong 8 năm vừa qua, có lẽ để tỏ thiện chí với Bắc Kinh, Tòa Thánh không đón tiếp một lãnh đạo Đài Loan nào, mặc dù hai bên có quan hệ ngoại giao. Chuyến viếng thăm sau cùng diễn ra vào năm 2005, khi tổng thống Trần Thủy Biển sang dự tang lễ cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị.

Tuy nhiên, thay vì đón nhận bàn tay của Tòa Thánh, Bắc Kinh tăng cường kiểm soát hoạt động của Giáo hội thầm lặng và tìm cách xây dựng một giáo hội Nhà nước, bổ nhiệm Giám mục trung thành với đảng Cộng sản. Quan hệ đôi bên, do vậy, đã căng thẳng thêm khi Bắc Kinh không cho Vatican bổ nhiệm Giám mục.

Giờ đây, để tỏ thái độ bất bình về sự kiện Tổng thống Đài Loan sang thăm Vatican, Trung Quốc, một mặt, tẩy chay Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Thánh Phêrô của tân Giáo Hoàng Phanxicô, mặt khác, phản đối chính phủ Ý đã cấp visa cho ông Mã Anh Cửu.

Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của Bắc Kinh chạm phải phản ứng vừa nhẹ nhàng, vừa mô phạm của tân giáo triều. Phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi, nhấn mạnh là Toà thánh "không bao giờ mời ai dự thánh lễ, không lựa chọn khách thăm viếng, cũng như không xem ai có đặc quyền". Thái độ bất lực của Bắc Kinh được cha Bernado Cervellera, Giám đốc hãng tin Công giáo Asia News chuyên về thông tin châu Á phân tích như sau: "Phản ứng của Trung Quốc giống như một đĩa hát rè, nó che dấu thực tế là họ không biết phải làm gì, bản thân họ cũng lúng túng trong chuyện bầu bán" lãnh đạo trong suốt tuần vừa qua.

Theo Giám đốc Asia News thì tân Giáo Hoàng Phanxicô có đủ "bản lãnh và kinh nghiệm để xử lý các hồ sơ liên quan đến bang giao giữa Vatican và châu Á". Là tu sĩ trải qua nhiều thập niên trong chế độ quân phiệt và chăm lo cho dân nghèo, tân giáo chủ Giáo Hội Công giáo được "người Á châu cảm nhận là một người gần gũi với mình".

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Ngoái xem người ta chút..., và nghĩ ngợi chút...


Ngoái xem người ta chút..., và nghĩ ngợi chút...

Mình mới nhận được một thư email có nội dung giải trí thư giãn... Âu cũng là cách xả tress lúc này vì những bàn cãi thế sự xem ra như lạc mê cung. Có cảm giác người nào nói người nấy ráng "tự nghe", nha. Chán như con gián! 

Nhân nói chuyện thế sự, mình có theo dõi báo chí viết và tin tức trên mạng suốt từ hồi tết ở Sài Gòn cả tháng trời; sau đó trở về nhà Hà Nội vẫn ráng theo, nhưng mình vẫn một cảm giác không thay đổi, nó được thể hiện bằng mấy dòng trong Note ở cái máy tính bảng, như sau: Lãnh đạo với tư cách cai trị thì có thể diễn dịch là trên/dưới, cái trị/bị trị, người dân cần tôn trọng kỷ luật pháp luật mà tuân thủ...; nhưng lãnh đạo để toàn dân góp ý, tranh luận tìm ra cái đúng & lẽ phải thì phải cùng lắng nghe nhau và nhất là phải tuyệt đối bình đẳng. Không tuân theo được phương châm đó thì cũng chẳng cần chẳng nên kêu gọi góp ý và thể hiện góp ý mà làm gì nữa. Phải nói ra điều này thì buồn lắm nhưng biết sao vì cuộc sống thực tế đang diễn ra là như vậy... 

Thôi tạm dứt chuyện nước mình, mời bà con bỏ ít phút đọc/xem những dòng và ảnh dưới đây. Vừa là thư giãn chút, vừa để thấy và ngẫm nghĩ chút nữa: Thế giới người ta chẳng chờ mình. 

Điều cụ thể nhãn tiền là thế giới người ta có của nả vì người ta tự do cái đầu sáng tạo. Người ta có quyền nghĩ ra nhiều điều tốt đẹp và được thúc đẩy để thực hiện được những điều đó. Người ta xứng đáng hưởng thụ thành quả lao động của mình đã bỏ ra. 

Đến đây lại phải nghĩ, ở mình còn "lùng bùng" nhiều thứ quá. Cứ lướng vướng lủng củng đủ điều, cung cách như gà mắc tóc trong mớ luận cứ cũ càng đáng phải xếp ra bên mà nhiều người lại cứ giả vờ bầy biện lên chứ trong thâm tâm chưa chắc họ còn nghĩ như vậy nữa... 

Vệ Nhi 

--------


Tàu chở khách lớn nhất thế giới

Chiếc tàu khách khổng lồ của Phần Lan vừa hoàn thành, phải chạy ngang qua Đan Mạch... để có đường đến Mỹ (Florida). Chiếc tàu này cao quá... nên buộc lòng phải gỡ ống khói tàu xuống, rồi mới chạy xuyên qua lòng cầu được ! Dân chúng được xem một màn ngoạn mục !... Chiếc tầu được thắp đèn sáng choang trong đêm tối !...

 
Chuyến ra khơi của con tàu chở khách lớn nhất thế giới diễn ra trên biển Baltic, và nó đã vượt qua thử thách đầu tiên một cách ngoạn mục.


Con tàu đã hạ thấp ống khói để lướt qua dưới cây cầu Great Belt với khoảng cách chỉ 50 cm. Ảnh: Daily Mail.
Con tàu mang tên Oasis of the Seas (Ốc đảo giữa biển) trị giá 1,3 tỷ USD, cao tương đương tòa nhà 20 tầng, có 16 khoang, tải trọng 220.000 tấn và có sức chứa hơn 6.000 hành khách và hơn 2.000 thủy thủ.Oasis of the Seas được cho là lớn gấp 5 lần tàu Titanic. Giá khởi điểm cho một chuyến đi biển Caribbean dài 9 đêm trên con tàu này là khoảng 2.200 USD.Tàu được đóng tại Phần Lan trong suốt 6 năm qua, và nó sẽ về đến cảng nhà ở Mỹ vào ngày 11/11, theo Australian News. Đêm 31/10, hàng trăm người tụ tập ở bờ biển, hai đầu cây cầu Great Belt, nối đảo Zealand và Funen của Đan Mạch để được thấy con tàu khổng lồ này đi ra khỏi biển Baltic. 

Đám đông trở nên hồi hộp khi con tàu trườn dưới cầu và chỉ cách cầu 50 cm. Lúc đó tàu đã phải hạ ống khói phía trên. Giao thông thủy ở khu vực được dừng lại 15 phút để đảm bảo an toàn và phòng khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, cô nàng "Ốc đảo" khổng lồ và sang trọng đã vượt qua thử thách đầu tiên thành công. 

Oasis of the Seas được trang bị một hệ thống giải trí xa hoa bao gồm nhà hát, thiết bị mô phỏng lướt sóng, sân trượt băng, sân chơi golf, những bức tường leo núi, xoáy nước và một con đường dạo mát trải dài gần hết chiều dài 400m của con tàu. Tàu được chia làm 7 khu vực gồm công viên trung tâm, nhà hát kịch, đường dạo, khu vực hồ bơi và thể thao, trung tâm thể dục thẩm mỹ, cung điện giải trí và khu vực cho giới trẻ.

Con tàu lớn nhất thế giới trị giá 1,3 tỷ USD của hãng Royal Caribbean. Ảnh: Daily Mail.
Oasis of the Seas được cho là lớn gấp 5 lần tàu Titanic. Ảnh: DailyMail.
Tàu tương đương tòa nhà 20 tầng. Ảnh: DailyMail.
Khung cảnh bên trong tàu. Ảnh: DailyMail
Một tổ hợp giải trí gồm mô hình lướt sóng, sân chơi bóng chày, bóng rổ, sân gôn mini, tường leo núi, thậm chí có cả một phòng nghiên cứu khoa học. Ảnh:DailyMail
Khu công viên trên tàu. Ảnh: ursispaltenstein.ch
HẢI MINH

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Ngôi chùa để lại ấn tượng


Ngôi chùa để lại ấn tượng





 Chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn Tp HCM là một ngôi chùa gây ấn tượng với người đến lần đầu như mình.

Hôm ấy mồng 3 Tết, cả nhà mình đi lễ chùa đầu năm tại đây. Về nhà mình đọc nhiều bài viết về chùa Hoằng Pháp, nhất là xem-nghe tập đĩa hình do nhà chùa phát hành, mình học được rất nhiều điều về Phật pháp, nhất là khi lắng nghe trực tiếp các buổi thuyết pháp ghi hình hết sức sâu sắc và giản dị của Thượng tọa Thích Chân Tình trụ trì ở chùa này, mình hiểu thêm về lý lẽ sống ở trên đời, vai trò của đạo Phật đối với đời sống tâm linh của con người. Biết thế nên càng biết trọng những nhà tu hành chân chính, tỉ như Thượng tọa Thích Chân Tình.

Bữa nay đọc được tin này xin đưa lại đây như một tư liệu cất cho riêng mình.

Vệ Nhi


-----

Giảng pháp tại nhà hàng chay Mandala, Q. 1, Tp HCM








Ngày 23/3/2013 (12/2 Quý Tỵ) Thượng tọa Thích Chân Tính quang lâm nhà hàng chay Mandala - 110 Sương Nguyệt Ánh Q.1 giảng pháp cho thiện nam tín nữ Phật tử theo lời mời của Ban tổ chức.

Thông qua bài pháp thoại ngắn, Thượng tọa chia sẻ tới quý Phật tử đôi lời về chánh mạng và chánh nghiệp. Tất cả chúng ta hiện hữu trên cuộc đời không biết từ đâu đến, sau khi từ giã cõi đời cũng không biết đi về đâu. Sự có mặt của chúng ta là một thực tế, do cha mẹ sanh thành dưỡng dục. Khi đã có thân phải có những nhu cầu ăn, mặc, ở, bệnh v.v… Để có được những thứ đó ta phải làm việc, phải có nghề nghiệp. Muốn có nghề nghiệp phải học.

Khi lớn lên bước vào cuộc sống có gia đình, nhu cầu này lại càng nhiều. Để lo cho chồng, vợ, con có cuộc sống đầy đủ ấm no hạnh phúc ta phải làm nhiều hơn. Nếu người có học Phật pháp, tin sâu nhân quả sẽ sống theo chánh mạng, làm ra của cải bằng nghề chân chính. Ngược lại sẽ rơi vào tà mạng, gây nghiệp xấu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Người học Phật phải biết cân đối công việc, không nên tham đắm làm giàu mà quên đi bổn phận trách nhiệm chăm sóc chồng, vợ, con cái, quên đi giữ gìn sức khỏe. Khi có tiền nhiều mà gia đình tan nát, bệnh tật nằm một chỗ. Đó là sự bất hạnh không phải hạnh phúc.



Theo quy luật con người sinh ra phải già, bệnh, chết. Chết là kết thúc một đời người. Cả một quảng đời với bao vui buồn, hạnh phúc đau khổ, hơn thua, được mất nay chỉ còn ghi lại trên mộ bia ngày sinh ngày tử. Có những người đã sống trọn kiếp con người, có những người sống chỉ để làm khổ mọi người. Là Phật tử phải sống theo năm giới để làm tấm gương đạo đức cho con cháu, cho cuộc đời.

Kết thúc buổi pháp thoại Thượng tọa gởi tặng đại chúng phần quà pháp bảo bao gồm: “Diệu Âm Hoằng Pháp 4, Viễn Hành, Vu Lan, Luân Hồi Thật Đáng Sợ”.

------

Hình dưới đây mình chụp hôm đến vãn cảnh chùa, mồng 3 Tết Quý Tỵ 2013









  



Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Mũ thật mũ giả thành chuyện!



Mũ thật mũ giả thành chuyện!

Trên facebook ít hôm nay có bài viết của anh bạn được nhiều người quan tâm & trao đổi. 

Chỉ là cái mũ bảo hiểm giả và thật mà đã làm khổ dân, hành dân. Xuýt nữa thì 4 cái bộ, tức cấp chính quyền trung ương, đổ xô vào gây khó dễ cho dân bằng việc phạt tiền người đi xe máy đội phải mũ bảo hiểm giả. Chuyện vô lý mà gần như thành sự thật khi một văn bản chính thức là Thông tư liên "4" bộ đã ra đời rồi. Rất may mà tất cả chỉ dừng ở một văn bản đã ký tá rồi, nhưng chưa kịp ban hành mà đã mau chóng... chết yểu!

Xung quanh câu chuyện cười ra nước mắt này, với ngòi bút dỉ dỏm, Vũ Đức Tâm đã sáng tạo nên một tản văn đọc rất thú vị và có ý nghĩa thế sự để người đọc được dịp ngẫm nghĩ có lẽ ngoài cả chuyện cái mũ bảo hiểm thật-giả? Xin đưa lên đây để hầu bà con làng blog.

Vệ Nhi

-----




« CHỢ TRỜI THẬT GIẢ ĐÂU CHÂN LÝ ? »


Tác giả: Vũ Đức Tâm


Phải thừa nhận Tố Hữu là nhà thơ, thơ ông có bài, có câu hay mà đến nay nhiều người vẫn nhớ . Trong số những câu hay ấy, có hai câu đang rất thời sự : « Chợ trời thật giả đâu chân lý/Hàng hóa lương tâm cũng thiếu thừa ».




Đọc bài « Bốn bộ thống nhất không phạt người đội mũ bảo hiểm « dỏm » » trên Dân trí ngày 14/3/2013 của P. Thảo thấy tức anh ách. Tức không chịu được nên phải giãi bày vậy. Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm. Nhà nước phân cho gì thì nhận và là hàng thật. Trong nền kinh tế thị trường thì hàng hóa ê hề, người dân thấy bán gì, mua nấy, người buôn có hàng gì buôn hàng ấy, theo kiểu « thuận mua vừa bán ». Cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lí thị trường, hàng hóa và có đủ thẩm quyền để xác định hàng thật, giả và truy tận gốc để xử phạt kịp thời người làm và bán hàng giả. Đó là điều hiển nhiên mà ai ai cũng hiểu. Thế nhưng, ở cái xứ ta thì hình như có lúc người ta không hiểu điều đó. Điều minh chứng rõ rệt là người ta cứ để mũ rởm sản xuất ồ ạt, rồi mang bày bán công khai khắp hang cùng ngõ hẻm. Cho đến khi vượt quá tầm kiểm soát thì họ họp lại với nhau để đối phó bằng cách kí xoẹt cái Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT, ngày 28/2/2013 và sẽ có hiệu lực ngày 15/4/2013.

Họ muốn dùng Thông tư này làm công cụ để « oánh » tuốt tuột người ngay và kẻ gian. Bọn người làm ăn phi pháp lo đã đành. Người lương thiện đội mũ trên đầu cũng lo ngay ngáy vì có thể bị phạt bất cứ lúc nào, vì không biết mũ mình thật hay giả vì nó bày bán công khai, trông cũng bắt mắt và gõ vào cũng thấy chắc nình nịch, và có mũ dán cả tem nữa… Đồ giả thời công nghệ cao tinh xảo đến mức ngay người đi phạt cũng có lúc phân vân thật, rởm. Người đội vì thế sợ mũ mình tưởng thật hóa giả hay ngược lại…dễ bị mất tiền oan lắm lắm. Ngày trước có câu : « Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi », nay, dân gian đã có ngay câu: « Bốn Bộ đồng tình bóp nặn tiền dân »

Nhưng thời Internet, Bốn Bộ chưa kịp thò tay bóp thì dân tình kêu la, phản đối ầm ĩ đến độ họ phải họp lại với nhau, có cả Văn phòng Chính phủ tham dự để tìm hướng xử lí. Đại diện các Bộ liên quan đều thấy không khả thi. Ông Bộ trưởng GTVT còn đăng đàn khẳng định « không thể phạt người dân vì đội MBH rởm hay mũ kém chất lượng », rất chi là hợp lòng dân. Quan phụ mẫu thương dân như thế mà người ta cứ đồn ông ta thế này, thế nọ… Cuối cùng rồi họ nhất trí « không phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm ».





Thế là mọi người thở phào. Nhiều người còn bảo rất đáng khen, đó là một quyết định sáng suốt, hợp lí…Tuy nhiên, qua việc này, nhân dân khoan dung tha cho là may, chứ không phải kiểm điểm cả Bốn Bộ và có hình thức phạt cho tương xứng. Phạt vì họ yếu kém quá thể trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật. Lẽ ra phải có điều tra, khảo sát, xem xét kĩ, cân nhắc từng câu chữ ở các cấp từ thấp đến cao, thì có cảm tưởng họ cho đó như một trò thử nghiệm, làm theo ngẫu hứng. Cấp dưới soạn thảo lấy lệ, ỉ lại cấp trên, cấp trên duyệt đại khái, tin vào cấp dưới và cấp cao nhất thì giơ bút kí đại chứ chưa chắc đã đọc kĩ văn bản. Ta tạm hiểu thế vậy. Biết bao công bộc ăn lương từ thuế của dân, tổn biết bao thời gian, tiền của, giấy mực…để đẻ ra « đứa con tinh thần » mới chỉ kịp làm giấy khai sinh đã chết yểu. Dân thoát nạn lần này, nhưng vẫn sống trong nỗi phấp phỏng lo âu : Liệu còn có văn bản nào phi lí như thế này đang được thai nghén không ? 

Trong nền kinh thế thị trường, mặc dù đã có định hướng, cứ rối tinh rối mù, thật giả lẫn lộn, không biết đằng nào mà lần. Ông Tố Hữu chí lí thật !

15/3/2013

VĐT

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Từ góc nhìn của nhà văn



Từ góc nhìn của nhà văn 

Chiều nay vào blog “Thời 2 Đ” của nhà văn Nhật Tuấn, thấy một bài viết của một nữ văn sĩ đang có những tác phẩm "làm nóng văn đàn Việt Nam" vốn lâu nay hơi nguội lạnh - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. 

Dịp vào Sài Gòn vừa rồi mình cũng ngẫu nhiên ngồi ăn bữa tối với Thu Huệ, được tác giả tặng đúng tập sách mà chị vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhất về văn xuôi năm 2012, cuốn "Thành phố đi vắng" (tập truyện ngắn). Có cuộc gặp hơi ra ngoài những dự định ở Tp HCM kỳ này của mình là do ông bạn phương Nam Tô Hoàng thiết kế. Cùng có mặt Nhật Tuấn từ Bình Dương cuối tuần thường trở về SG. Và Nguyễn Thị Thu Huệ từ Hà Nội vào có công việc của Đài truyền hình - nơi Thu Huệ làm biên kịch phim. Qua cuộc gặp thấy mối quan hệ giữa Tô Hoàng Nhật Tuấn với Nguyễn Thị Thu Huệ vốn có từ rất lâu, rất thân tình, do "chú Hoàng" "chú Tuấn" đều là chỗ bạn bè chị em thời xa xưa với mẹ Thu Huệ là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.  

Trở lại tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ. Sách được tặng mình đã đọc hết hơn chục cái truyện ngắn trong tập sách chỉ mất vài ba buổi chiều. Phải nói là truyện có tính hấp dẫn thì mình mới đọc nhanh như vậy chứ có tập sách kéo co cả tuần không đọc hết! Laị đọc thêm bài viết về Nguyễn Thị Thu Huệ, về Thành phố đi vắng của nhà văn Nhật Tuấn (đăng trên trang của chính anh và trang trannhuong.com). Nên khi đọc chính bài viết của Thu Huệ giới thiệu dưới đây, quả thật là mình tiếp nhận được ngay những ý tứ từ cây bút nữ này gửi gắm cho văn chương và cuộc đời. Cái góc nhìn và phát hiện đời sống đương đại của Thu Huệ là một trong những đóng góp nổi bật ở tác giả này. Chị không lẩn tránh những vấn đề gai góc khi phải mổ xẻ phân tích tâm lý con người cùng thời với mình, những thân phận cuộc đời với bao tâm trạng buồn vui, yêu ghét sống ngay bên chúng ta. Trong sự quan sát của tác giả về xã hội hiện đại, Nguyễn Thị Thu Huệ chừng như đã nhìn ra một khúc quanh ghê gớm đã xuất hiện, nó đang xô đẩy bằng một sức mạnh ma mị đối với con người - vốn là một cá thể sinh động và riêng biệt - nay có nguy cơ rơi vào cách sống xa lạ của đám đông, nhiễm tâm lý đám đông, dồn tụ cả một khối lớn những người là người nhưng lại vô cảm ngay chính với đồng loại. Tóm lại là có rất nhiều điều phải nói là cay đắng chua chát trong đời sống hiện tại, và hiện thực của nó đang như khoan xoáy vào tâm can chúng ta những người cả nghĩ, gợi ý hoặc cả bắt chúng ta phải nghĩ ngợi và lo lắng chứ không thể bàng quang, đứng ngoài cuộc cho được... Có thể là tác giả đã khải ngộ ra những điều đó mà thúc hồi chuông "báo động" với mọi người chúng ta trong tư cách một nhà văn như chị? Một cách đặt vấn đề như thế chắc là thiết thực đối với đời sống của những con người đương thời...  

Mời bạn bè và bà con "trên mạng" cùng đọc và cùng ngẫm nghĩ...

Vệ Nhi 

----

Cõi riêng của văn chương


Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Nhà văn thường sống trong hai cõi. Một cõi thực, là đời sống hàng ngày với  hỉ nộ ái ố như bất cứ ai đang sống. Một cõi mộng, là thế giới riêng. Ở cõi riêng đó, người viết mới trở về với sự xâu xa nhất của bản thân, để hiểu mình đang nghĩ về điều gì và có ước mơ hay đau đớn vì  điều gì.

Mỗi một tuổi, một thời điểm, cõi riêng của tôi lại đổi khác. Mười năm trước, tôi cảm nhận cuộc sống này theo hướng mở. Tiếp nhận, khám phá và tận hưởng ngày tháng khá thoải mái. Thoải mái thời gian. Thỏai mái tâm trạng và ít phải chịu sự bất lực khi muốn làm điều gì nhưng không làm được.

Bây giờ, mọi chuyện đã khác. Tôi thích nghi dần với  sự bất lực, rồi nó trở thành nỗi  ám ảnh, và ngầm chảy trong những truyện ngắn mới viết. Không còn là những lát cắt, những câu chuyện rất cụ thể về những con người cụ thể như “Hậu thiên đường”” Phù thủy”, nhân vật của tôi ngày hôm nay ở góc này, góc khác là đại diện cho một số đông, mang những dấu ấn của thời tôi đang sống. Vẫn là những số phận, những mối quan hệ gia đình cha con, ông cháu, nhưng đằng sau đó, là một tâm lý đám đông khá phổ biến với  sự bế tắc trước một đời sống lộn xộn, các ác hoành hành, buộc người tốt đôi khi thành vô cảm.

Vô cảm là mầm mống của sự hủy diệt

Xã hội những năm 2012 dẫn người ta đi rất xa với bản chất cần có của con người, đấy là sự bình yên.  Sự bất an xâm chiếm tôi mỗi ngày, và nặng dần lên đến mức tôi luôn hoang mang, truy vấn tìm nguyên nhân tại sao đời sống lại ra thế này? Nhìn bề nổi, cuộc sống tiện nghi hơn, nhu cầu sử dụng vật chất tăng bội phần, cảnh vật, con người có vẻ “nguyên vẹn”, mỗi khi mình đi xa về. Những con phố, bà bán nước chè, anh bảo vệ chung cư, hay hàng quán quen. Thế nhưng, nhìn kỹ thì không phải vậy.  Người ngày càng đông, nụ cười ngày càng hiếm . Phận người vô cùng mỏng. Mọi sự đã thay đổi từ trong máu, trong tinh thần của mỗi cá nhân, theo những cách ứng xử khác nhau. Mọi người tự tăng dần sự tự bảo vệ, tăng dần những lo toan, và lạnh lùng bởi họ mải mang vác ngày tháng với những khó khăn mỗi ngày một nặng.       
       
Tôi càng ngày càng hay tự hỏi mình, suy cho cùng, đời một con người từ lúc sinh ra, đến già rồi cuối cùng cũng bệnh tật mà chết. Tại sao người Việt nam  chúng ta phần lớn không yêu quý ngày tháng sống trên cõi đời này của mình? Phần đông mọi người mất thời gian vào rất rất nhiều chuyện vô ích. Không biết ở đâu trên thế giới có kiểu đàn ông nhậu nhẹt buổi trưa nhiều như Việt nam? Ăn trưa để chiều làm việc tiếp nhưng phải có bia, rượu? Xong rồi ngủ trưa say sưa. Chiều ngất ngư ra vẻ làm việc để đợi tới hẹn, ra hàng bia nhậu tiếp. Ở đâu trên thế giới mà cán bộ đi làm ít người đọc sách, xem phim như ở Việt nam? Thường mọi người  làm nghề gì, quan tâm đúng nghề đấy, ngoài ra, với những lĩnh vực khác là câu trả lời, không có thời gian. Nơi những phòng chờ ở sân bay, hay trong những chuyến bay, hiếm thấy người Việt nam đọc sách. Hiếm thấy người Việt nam bình tĩnh đợi máy bay dừng hẳn mới đứng lên lấy đồ và chen lấn chui ra…Khắp nơi, khắp chốn, người Việt hình như chưa quen với phương tiện sinh hoạt tiến bộ, để chỉnh đốn sự văn minh vốn không được nhà trường hay gia đình quan tâm dạy dỗ từ nhỏ, để tới ngày, không biết phải ứng xử với đời sống văn minh thế nào.

Những chuyện đâu đâu nếu chỉ nghe, để biết rồi cho qua, có lẽ không làm mình buồn đến thế, ngẫm ngợi trong cay đắng đến thế. Một ngày, người Việt nam chết vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đâm chém nhau và nhiều lý do khác chắc đến trăm người. Những tin lãng xẹt trên báo như chìm tàu, xe đổ đèo mất phanh không hôm nào không có đến nỗi, việc người chết thành bình thường. Mạng người Việt vừa mỏng, vừa rẻ. Nghĩ mà chạnh lòng, xót cho cái xứ này, khi gần đây nhất, một vụ tai nạn ở Bỉ, chiếc xe bị nạn trong đường hầm, làm hơn hai chục người chết. Tin đó chấn động thế giới, và các nguyên thủ quốc gia đã đau xót gửi lời chia buồn đến nước Bỉ và gia đình những ngừoi thân.

Ở Việt nam, sao người ta chết càng ngày càng nhiều và dễ dàng thế?

Tôi bây giờ nhìn cuộc sống này khác xưa. Mọi chuyện dường như chảy ngược vào trong, buồn bã, hoang mang lo lắng là cảm giác thường trực. Và tiếc. Đứng ở trên cửa sổ phòng làm việc, nhìn người đi nườm nượp, kẹt xe tối ngày thấy ai cũng được sở hữu một cuộc đời, có sự giỏi giang sức khỏe  như nhau, vậy mà số người làm được những điều giá trị, có ích cho nhân loại ít quá. Gốc rễ từ đâu nhỉ? Từ sự giáo dục của gia đình và nhà trường không khuyến khích mỗi cá nhân phát triển cái tôi, phát huy sáng tạo? Học thì rập khuôn, làm theo mẫu và lấy điểm số cao làm chuẩn cho một học sinh giỏi? Bố mẹ thì theo nhà trường, con điểm kém, hay có trò nghich gì đấy, cô gọi tới phê bình là về đánh mắng con…Cứ như thế, một đời sống tin thần mất cá tính bao trùm lên từng thế hệ. Để rồi, nhãng đi vài chục năm, chúng ta có một đám đông không bản sắc, không làm nên những giá trị hữu ích mang tính đột phá cá nhân.

Tâm lý đám đông là bộ mặt hôm nay của xã hội,  nhưng phủ trùm lên nó là sự vô cảm, với mầm mống của những điều ác đang lên ngôi và dần loang như một vệt dầu tràn mang tính hủy diệt.

 NTTH

  

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Tư vấn, hội đồng khoa học... đang làm gì?



Tư vấn, hội đồng khoa học... đang làm gì?

Bài viết có cái tên rất gợi tò mò, pha chút hài hước nữa, đó là Hội đồng "Chuột" của Tiến sĩ Tô Văn Trường. Có thể là tác giả chưa hoàn toàn ưng ý với bài viết của mình, muốn sửa chữa thêm gì đó tiếp đây hay không nên tác giả ghi rõ ngay ở đầu bài: Bản thảo (ghi bằng tiếng Anh: Draft).

Cái tên đặt Hội đồng "Chuột" là có nhiều ý tứ gửi gắm, mà nó cũng có rất nhiều ý nghĩa thực tiễn giúp ích cho việc nhìn nhận và xây dựng chính sách đối với bất cứ nhà lãnh đạo cấp bậc nào..., tuy nhiên chủ blog tôi chú ý nhất là khi tác giả viết về vai trò của người cố vấn (anh Trường nói trong nghề/lãnh vực khoa học kỹ thuật gọi là tư vấn), tác giả đã viết như sau: Những người giữ vai trò cố vấn thường là 5 không (1) Không ở tổ chức thứ bậc trên, dưới; (2) Không đại diện cho ai cả; (3) Không ai đại diện cho cố vấn; (4) Không là cấp trên của ai; (5) Không là cấp dưới của bất kỳ ai. Chỉ có như thế , cố vấn mới phải đào sâu, suy nghĩ, thể hiện chính kiến của mình".

Đấy là chỉ nhấn vào một ý, chứ đọc hết toàn bộ bài viết thì khách quan nhận thấy tác giả đã để nhiều tâm huyết góp ý về quan niệm và cách vận hành cho những thứ “Hội đồng” mà nhà nước mình lập ra lâu nay. 

Nếu nói rất đơn giản thì chức năng nhiệm vụ của những hội đồng trên đây nói tới ai cũng biết là để xem xét đánh giá các dự án lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước… Từ đó kiến nghị nên chủ trương chính sách và sau hết là phê duyệt các dự án đưa vào quá trình thực thi thực hiện...

Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, theo tác giả bài viết, là ở những hội đồng như vậy đã và đang tồn đọng tồn tại cả núi vấn đề, trong đó có không ít những điều bất cập cần phải định hướng lại và chấn chỉnh nếu muốn các công trình xây dựng đạt thành tựu và có hiệu quả cho xã hội, nhân sinh... Trong bài viết này bằng kinh nghiệm nhiều năm tham gia và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nói chung và lĩnh vực chuyên sâu là khoa học kỹ thuật ngành thủy lợi nói riêng, TS Tô Văn Trường đã đi vào phân tích những vấn đề đặt ra trong dự án xây dựng cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng.   

Với cách đặt ra những vấn đề thiết thực như vậy, chủ blog tôi xin phép tác giả đưa bài lên đây để bà con mình cùng tham khảo.

Vệ Nhi

        -------

(DRAFT)

Hội đồng "chuột"!

Tô Văn Trường

Trong bài “Bàn về sự ấu trĩ” của tác giả Giản Tư Trung có đoạn bình luận “Một biểu hiện của bênh ấu trĩ ở những người có quyền là họ thường xuyên đưa ra những quyết sách tồi nhưng bản thân họ lại không nhận ra điều đó. Một nhà lãnh đạo giỏi có thể không cần phải biết tất cả mọi thứ, giỏi tất cả mọi việc nhưng sẽ biết ai là người mình nên lắng nghe và ai là người mình nên tin tưởng sẽ phân biệt đâu là quân tử và đâu là ngụy quân tử, đâu là thực tài, đâu là ngụy tài. Nhà lãnh đạo ấu trĩ thường không có khả năng này bởi họ đã mất đi khả năng phân biệt ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai. Người có tiếng ấu trĩ không tự ý thức được cái “tiếng” mà mình có được là theo kiểu nào (danh tiếng hay tai tiếng).”




Theo tôi hiểu, công luận hiện nay có cụm từ khá phổ biến “Hội đồng lú lẫn” để chỉ về những người hay bàn và đưa ra các chủ trương đường lối chính sách phát triển của đất nước “không giống ai” gây tổn hại đến uy tín của hệ thống chính trị và tác động xấu đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là cái yếu kém nhất của chế độ nào quá tùy thuộc vào con người lãnh đạo, cho phép nó thao túng  bộ máy cầm quyền. May được người cầm đầu tốt thì còn đỡ, gặp những kẻ không ra gì thì cả nước khốn nạn. Đối với các Hội đồng thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật,  nếu kết quả  thể hiện sự bất lực, vô bổ do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nó đều được gán cho cụm từ “Hội đồng chuột”! Suy cho cùng cả 2 dạng Hội đồng nói trên đều nằm trong phạm trù của Hội đồng khoa học công nghệ.

Những người làm công tác tham mưu cho các nhà chính trị thường gọi là cố vấn, còn dân khoa học hay sử dụng thuật ngữ tư vấn. Trong lịch sử phát triển của đất nước, các nguyên thủ quốc gia thường lập ra Ban cố vấn vì dù có là vĩ nhân, cũng chẳng thể nào biết tất cả và không thể không có lúc sai lầm.

Đối với những người làm cố vấn có trình độ, bản lãnh, họ có nguyên tắc sống :“Cố vấn là người cho lời khuyên nên làm chứ không phải đệ trình, kiến nghị”.  Những người giữ vai trò cố vấn thường là 5 không (1) Không ở tổ chức thứ bậc trên, dưới; (2) Không đại diện cho ai cả; (3) Không ai đại diện cho cố vấn; (4) Không là cấp trên của ai; (5) Không là cấp dưới của bất kỳ ai. Chỉ có như thế , cố vấn mới phải đào sâu, suy nghĩ, thể hiện chính kiến của mình.       Đối với những người làm tư vấn kỹ thuật, không thể có vị trí độc lập và vai trò, trách nhiệm như cố vấn nhưng đôi khi đòi hỏi phải có bản lãnh của người cố vấn. 




Gần đây, tôi lại được nghe một số người nhận xét đại ý về Dự án cảng Lạch Huyện đầy rẫy các khuyết điểm cả về tầm nhìn quy hoạch, “lách luật” để không trình xin ý kiến chủ trương của Quốc hội,  lãng phí về kinh tế, tác động lớn đến môi trường như đã bị công luận và các nhà  khoa học chỉ rõ  nhưng trước sức ép của số vị lãnh đạo,  Hội đồng đánh giá tác động môi trường đã phải thông qua với thời gian kỷ lục bất thường, phải chăng đây là hội đồng chuột”!.


          Nhận xét trên, công tâm mà nói vừa đúng, vừa sai. Đúng ở chỗ công luận đã thấy rõ ý đồ của lãnh đạo lấn át tất cả đạo lý và khoa học. Có thông tin, người ta sẽ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)  cảng Lạch Huyện trước Tết năm Quý Tỵ để kịp khởi công theo dự định, bất chấp các ý kiến phản biện của Hội đồng. Nhiều thành viên Hội đồng không tin vì báo cáo chưa đủ thời gian để sửa chữa 20 điểm góp ý của Hội đồng nêu trong kỳ họp lần trước (đặc biệt chưa xin chủ trương về đầu tư của Quốc hội, chưa được sự đồng ý của Bộ Văn hóa  Thể thao và Du lịch bằng văn bản) nhưng éo le thay thông tin trên được thực tế chứng  minh là sự thật! Trưa ngày thứ tư, 6/2/2013 (ngày 26 Tết) nhiều đại biểu mới nhận được báo cáo sửa chữa ĐTM và chưa kịp mở đọc nhưng buổi chiều cùng ngày đã phải họp. Buổi họp vắng mặt 6/20 thành viên. Nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra để tư vấn nghiên cứu xem xét lại nhưng chỉ 2 ngày sau, tức là 28 Tết, người ta đã hoàn chỉnh hồ sơ và soạn thảo Quyết định trình lãnh đạo Bộ phê duyệt. Một kỷ lục nhanh chưa từng có đến nỗi nhiều thành viên Hội đồng nghe tin chỉ biết lắc đầu hay nói như tụi trẻ bây giờ thì đúng là "chán chả buồn chết"!

Nhận xét gọi là Hội đồng chuột sai ở chỗ theo tôi biết cụm từ Hội đồng chuột dùng để chỉ những cuộc họp bàn vô bổ, viển vông, không thực hiện được, xuất xứ từ câu chuyện cười kể về một lũ chuột bàn với nhau làm thế nào tránh khỏi bị mèo bắt và ăn thịt. Một con chuột nêu sáng kiến treo vào cổ mèo một cái chuông nhỏ, để nó đi đến đâu cũng có tiếng chuông báo hiệu biết mà tránh. Tất cả lũ chuột hoan nghênh khen là sáng kiến hay nhưng đến khi hỏi làm thế nào treo được chuông vào cổ mèo, ai xung phong làm việc đó thì tất cả im thin thít. Nếu đi từ xuất xứ thì không thể gọi Hội đồng các nhà khoa học là Hội đồng chuột được, vì Hội đồng bàn chuyện thiết thực, nêu kiến nghị có căn cứ khoa học; đáng chê không phải là Hội đồng mà là các nhà lãnh đạo lập ra (hoặc buộc phải lập ra) Hội đồng nhưng không chịu nghe. Gọi tên gì thì tôi chưa nghĩ ra nhưng không phải là tìm tên cho Hội đồng mà là cho các nhà lãnh đạo.  

 Lựa chọn kinh tế biển là ngành mũi nhọn là đúng nhưng phải làm trên luận cứ khoa học tin cậy, công khai minh bạch không để bọn lạm dụng chính trị làm giầu bất chấp các hậu quả. Phải xem xét lại bài toán quy hoạch cảng biển vì quy hoạch là tiền đề cho sự phát triển đúng hướng (nhu cầu tăng trưởng, nguồn hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, vv...). Các bài học đắt giá về tư duy sai lầm xây dựng cảng ở những nơi không đủ điều kiện dẫn đến bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng nạo vét hoặc làm luồng lạch mới, hầu hết hệ thống cảng biển làm ăn thua lỗ vv...hình như chưa làm những người có trách nhiệm của ngành giao thông ”sáng mắt”! 

Ngay trong Hội đồng ĐTM cũng đã nêu rõ các bài học sử dụng 05 cửa sông chính đổ ra biển từ mảnh đất Hải Phòng trong 20-30 năm vừa qua cho thấy sự thất bại của sự can thiệp của con người đối với dải đất ven biển giàu tiềm năng này. Bắt đầu từ hiện tượng nông hóa và bồi lấp không còn khái niệm cửa sông Thái Bình theo đúng nghĩa của nó, đến đắp đập Đình Vũ (năm 1978) lấp cửa sông Cấm - một trong những cửa luồng chính vào cảng Hải Phòng gây sa bồi nghiêm trọng đối với vùng cửa Nam Triệu – luồng chính vào cảng Hải Phòng hiện nay và làm thay đổi toàn cảnh bức tranh phân bố phù sa trong diện rộng của vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng (từ bắc Đồ Sơn đến Lạch Huyện). Cửa Nam Triệu (cửa mở chính của hệ cửa sông hình phễu Bạc Đằng) bị sa bồi nông dần, đến nay chỉ còn sâu 2,5-2,7m, sẽ rất khó khăn cho tàu thuyền qua lại, đặc biệt là tàu trọng tải lớn, ảnh hưởng lớn đến vị thế của Tp biển Hải Phòng. Gần 150 năm về trước nhà địa lý hàng hải người Pháp Gouru trong một chuyến khảo sát luồng lạch đã cắm sào và không lầm lẫn khi nói rằng nơi đây (bến Ninh Hải xưa) chính là địa điểm đẹp nhất để làm cảng nước sâu ở phía Bắc châu thổ sông Hồng và bắc Việt Nam. Bức tranh ảm đạm về sa bồi vùng cảng Hải Phòng do các sai lầm về khai thác, sử dụng không hợp lý và quản lý phát triển thiếu hiệu quả dải đất ven biển này gây ra mà những bài học thất bại nhìn thấy của nó chưa được cân nhắc cho việc chọn vị trí tiền cảng nước sâu của hệ thống cảng Hải Phòng hiện giờ!





Kéo theo sai lầm nói trên đáng lẽ cần nói cả về tác động về kinh tế khi phải tốn kém xây dựng một loạt công trình phụ trợ cho cảng này bằng ngân sách nhà nước và vốn vay ODA (đường, công trình,…). Cách làm này vẫn là để giải quyết tình thế như đã nói trên: lấp cửa Cấm thì đi cửa Nam Triệu, mất cửa Nam Triệu thì đào kênh Cái Tráp, hỏng kênh Cái Tráp thì đào kênh Hà Nam hiện nay và Lạch Huyện 20 năm nữa sẽ lập lại bài học nói trên. Khi đó thành phố Hải Phòng không còn “lỗ mũi” nào để thở và cái thế “cửa ngõ hướng biển” sẽ bi đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tăng trưởng kinh tế của một “cực phát triển” trong bình đồ tổ chức lãnh thổ duyên hải mang tầm chiến lược của đất nước. Thiết nghĩ, lịch sử không thể làm lại, nhưng học được các bài học thất bại của quá khứ lại là một sự khôn ngoan và lợi thế của người đi sau và cần người có bản lĩnh và trí tuệ! 
Chất lượng quy hoạch cảng (dự báo lượng hàng) đang là dấu hỏi lớn! Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng- giai đoạn khởi động là dự án có thể nói là rất lớn (cảng tỷ đô) trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nợ công đại vấn đề thì việc gấp rút triển khai có hợp lý hay không? Mặt khác việc vận chuyển hàng của các công ty vận tải lớn của chúng ta trong giai đoạn này đang gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu chở hàng loại lớn bị bỏ hoang cả trong nước và nước ngoài, không có lương cho thủy thủ.
Tác động của việc nạo vét 40 triệu m3 bùn cát (kể cả thành phần kim loại nặng) đến môi trường xung quanh và phương án đổ ra biển chưa thuyết phục. Báo cáo chưa đề cập vấn đề đổ thải ở vị trí khác nếu như Dự án không được phê duyệt và cho phép đổ thải ra khu vực ngoài khơi như đã nghiên cứu. Báo cáo hoàn toàn thiếu các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do dự án đối với vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà – Long Châu, Khu di sản thiên nhiên thế giới Cát Bà, các bãi tắm. Bởi thế, tại các  phiên họp thẩm định báo cáo ĐTM, đại diện của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phát biểu (kể cả công văn chính thức của Bộ VHTTDL) trả lời Bộ Tài nguyên & Môi trường không có câu nào khẳng định sự ủng hộ thực hiện dự án cảng Lạch Huyện!?.      
Chỉ nói riêng phần mô hình toán thì đã đủ thấy giải trình của Tư vấn là không thể chấp nhận. Tư vấn sử dụng phần mềm IDEA  tính toán dòng chảy và bùn cát 3 chiều nhưng kỹ thuật tính toán chưa tiên tiến. Lưới tính theo phương ngang vuông góc không mô phỏng tốt khu vực gần bờ và cũng không đủ độ phân giải để cung cấp kết quả tính tin cậy cho khu vực quan trọng là tuyến luồng. Lưới tính theo phương đứng không đúng phép biến hình nên các lớp lưới cũng nằm ngang một cách cứng nhắc dẫn đến vùng sát đáy cũng như vùng sát mặt nước mô phỏng không tốt. Mô hình cũng chưa được hiệu chỉnh cho phù hợp với khu vực Lạch Huyện để có độ tin cậy cần thiết. Kết quả tính tại nhiều vị trí kiểm tra rất khác với thực đo. Tuy nhiên đơn vị tư vấn đã không phân tích tìm nguyên nhân để khắc phục mà lại giải trình một cách ngang ngược "Số liệu tính toán và số liệu quan trắc thực tế trong mô hình mô phỏng thường không hoàn toàn giống nhau". ?
 Tài liệu cơ bản đầu vào không chuẩn xác, không đưa ra được kết quả hiệu chỉnh bộ thông số và bộ thông số mô hình đã hiệu chỉnh. Nhiều nội dung giải trình sơ sài chỉ nêu là đã chỉnh sửa bổ sung ở phần nội dung nào tại báo cáo ĐTM . Giải trình tổng P lớn hơn tổng N là do hiện tượng phú dưỡng là không đúng. Cần phải bổ sung quá trình khuếch tán trong các bước tính toán mô hình.  Giải trình về việc “cần sử dụng chung số liệu đầu vào khi sử dụng hai công cụ MIKE 21 và IDEA” là không phù hợp  vì về nguyên tắc nếu một trong hai công cụ trên có thể mô phỏng được cả 02 quá trình (1) bùn cát, (2) tràn dầu thì chỉ sử dụng một công cụ đó để mô phỏng tính toán cho cả hai quá trình để đảm bảo thống nhất trong mọi kết quả tính toán. Với bất cứ công cụ mô hình toán nào khi ứng dụng đều phải thực hiện tuần tự qua 03 bước: Hiệu chỉnh mô hình, kiểm định mô hình và mô phỏng dự báo. Trong nghiên cứu này không cung cấp kết quả của bước hiệu chỉnh mô hình là sai.  Một công cụ khi áp dụng thành công ở một vùng đặc thù này vẫn không thể đảm bảo rằng sẽ tốt khi sử dụng cho một vùng đặc thù khác nhất là ở nước khác. Hầu hết các công cụ mô hình toán đều tuân thủ nghiêm các “cơ sở lý thuyết chung” tuy vậy cách xử lý toán cụ thể trong mã nguồn sẽ tác động đáng kể, nhiều khi quyết định công cụ nào sẽ đảm bảo độ tin cậy của kết quả tính.  Vì  lý do đó nên có nhưng công cụ được ứng dụng rộng khắp, trong khi có công cụ chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu phục vụ trình diễn, giảng dạy. Không người nào có thể khẳng định được công cụ nào tốt hơn khi chưa đầu tư nghiên cứu? Để lựa chọn công cụ phù hợp thì tư vấn phải tuân thủ/có trách nhiệm tuân thủ các bước cơ bản/bắt buộc trong phát triển/ứng dụng công cụ mô hình toán.  Giải trình về tái khuếch tán (tại Trang 19) “Do hiện tượng tái khuếch tán không xảy ra ở khu vực nước sâu” chỉ có thể áp dụng cho trường hợp khuếch tán động học (do xáo động của nước); và không thể áp dụng (sai) cho trường hợp khuếch tán phân tử (do chênh lệch về hàm lượng vật chất tham gia khuếch tán) – do vậy cả cho trường hợp nước sâu vẫn có quá trình khuếch tán, trong đó khuếch tán phân tử sẽ đóng vai trò lớn!  Giải trình về mô hình bùn cát, khuếch tán bùn cát (tại các Trang 20, 21, 22 & 23) là không phù hợp. Tư vấn chưa giải trình được về tính ổn định của kết quả tính, cụ thể giá trị về Courant, Peclet;  Chưa cung cấp thông số sau khi hiệu chỉnh, kiểm định công cụ mô hình; Giải trình về công cụ mô hình tràn dầu (Trang 23) chưa phù hợp;

Minh họa số điểm cụ thể dưới đây (chú ý cột thứ tư phần ĐÁNH GIÁ chi tiết của người viết bài này).

Do các mục giải trình không được đánh số nên sẽ sử dụng số trang và số dòng trong bảng giải trình để định vị.


Vị trí
Ý KIẾN HỘI ĐỒNG
Giải trình
Đánh giá
Trang 19, dòng 3
Mức độ tin cậy cửa các mô hình thủy động lực và mô hình mô phỏng lan truyền bùn cát lơ lửng: phương pháp? Kiểm định?
Kết quả tính toán bằng mô hình khó có thể trùng khớp với số liệu thực đo
Kiểm định mô hình để chứng minh công cụ sử dụng trong nghiên cứu là có thể tin cậy được. Kết quả tính và đo lệch nhau nhiều lại được giải thích như trên thì cần xem lại tính nghiêm túc của nghiên cứu.
Trang 19, dòng 5:
Trong nghiên cứu cảng Lạch Huyện thành phần khuếch tán bao gồm thành phần nào? Trả lời không chấp nhận được bởi vì vận chuyển bùn cát (cả lơ lửng và đáy) ở vận tốc tới hạn bùn cát đáy lại bốc lên, nhất là khi nạo vét làm tăng dòng chảy, khi dòng chảy nhỏ bùn cát lại lắng đọng, cho nên cần xét total load nhất là cho điều kiện ở Việt Nam.
3 quá trình Advection+ Dispersion+ Disfusion đã được xét tới trong mô hình, tuy nhiên mô hình khuếc tán bùn cát không xét tới quá trình tái khuếc tán. Tuy nhiên mục đích của mô hình khuếc tán bùn cát là nghiên cứu phạm vi khuyếc tán bùn cát lơ lửng gây ra bởi hoạt động thi công. Do hiện tượng tái khuếc tán sẽ không xảy ra tại khu vực nước sâu nên mô hình không xét tới sự tái khuếc tán bùn cát.
Cần chứng minh tại khu vực nước đủ sâu đảm bảo không có xảy ra sự tái khuếch tán bùn cát.
Trang 19, dòng 6
Cần phải tiến hành chạy mô hình bồi lắng với toàn bộ khu vực cửa sông chứ không phải chỉ tính với luồng tàu trong nhiều năm
Rất tiếc là sự biến đổi địa hình trong thời gian dài do việc xây dựng công trình cảng không được tiến hành trong nghiên cứu này
Việc tính toán theo ý kiến Hội đồng là cần thiết. Không thể chấp nhận sự “rất tiếc” trong một nghiên cứu có tính quan trọng như dự án cảng Lạch Huyện.
Trang 19, dòng 7
Lưới tính toán còn quá thô


Do mục tiêu …
Nghiên cứu cần phải đảm bảo đủ rộng cho toàn bộ vùng bị ảnh hưởng bởi sự nạo vét nhưng cũng phải đủ chi tiêt cho khu vực quan trọng là luồng tàu. Với bề rộng luồng là 120m thì lưới 50m là quá thô. Giải trình không cho thấy có sự cải thiện chất lượng nghiên cứu sau khi có ý kiến của Hội đồng.
Trang 20, dòng cuối
Công cụ: kỹ thuật tính toán chưa tiên tiến
Sau khi đã ứng dụng các mô hình thương mại của nước ngoài nhưng không đạt kết quả tốt, Công ty IDEA Consultants Inc đã bắt đầu tự phát triển các mô hình gốc từ thập niên 1980. Mô hình do công ty IDEA tự phát triển đã đạt được kết quả tốt, thuyết phục hơn so với các mô hình của nước ngoài.
Để phục vụ nghiên cứu không nhất thiết phải sử dụng công cụ tiên tiến nhất mà chỉ cần công cụ có mức độ tiên tiến đủ đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tự cho rằng “Mô hình do công ty IDEA tự phát triển đã đạt được kết quả tốt, thuyết phục hơn so với các mô hình của nước ngoài” thì giải thích thế nào việc nó không thể mô hình hóa khu vực tuyến luồng ở độ phân giải đủ đảm bảo chất lượng nghiên cứu?
Với cách giải trình vòng vo như thế thì chỉ có 1 kết luận là mô hình của IDEA không đủ mức độ tiên tiến để đáp ứng bài toán ở cảng Lạch Huyện.
Trang 21, dòng 1
+ Mô hình chưa được hiểu chỉnh đủ tốt về mặt thủy lực. Các vecto vận tốc không trùng khớp.
+ Các thông số của mô hình khuếch tán SS không được trình bày.
+ Cần chứng minh về tính ổn định của mô phỏng vận chuyển và khuếch tán chất lơ lửng, hòa tan.
+ Khi tính toán mô phỏng mô hình lan truyền chất thì phải thỏa mãn hệ số Peclet number

+ Hiệu chỉnh mô hình chưa tốt. Hình thái sai nghĩa là sai cơ bản nên tổng khớp cũng chẳng có ý nghĩa gì.
1 Kiểm chứng mô hình mô phỏng khuyếch tán bùn cát lơ lửng
Số liệu tính toán và số liệu quan trắc thực tế trong mô hình mô phỏng thường không hoàn toàn giống nhau.
Trong nghiên cứu mô phỏng, mô phỏng dòng chảy dư (dòng chảy trung bình) đã được thực hiện trên cơ sở vĩ mô (trên toàn khu vực) chứ không phải trên cơ sở vi mô (tại từng vị trí).
Cụ thể:
- Toàn bộ chế độ dòng chảy (ngoại trừ dòng chảy có vận tốc thấp) tại tuyến luông được coi là rất quan trọng
- Mô phỏng sự biến đổi vận tốc dòng chảy theo hướng từ sông và từ biển dọc tuyến luồng đã được thực hiện.
- Mô phỏng hướng dòng chảy tại từng vị trí đã được thực hiện.
Theo các cơ sở trên, chúng tôi cho rằng kết quả mô phỏng là hợp lý, mặc dù có sự khác nhau giữa số liệu tính toán và số liệu quan trắc.
2. Kiếm chứng mô hình mô phỏng vận chuyển sa bồi
Đề nghị xem phần trình bày về quá trình bồi lắng và xói mòn trong Báo cáo ĐTM
Giải thích ngắn gọn:
- Trầm tích đáy sau khi bị xáo trộn bởi sóng hoặc dòng chảy sẽ trở thành bùn cát lơ lửng thông qua quá trình khuyếch tán, đối lưu và bồi lắng. Bùn cát lơ lửng sau khi lắng sẽ tạo thành lớp bùn lỏng tại tầng đáy.
- Khối lượng sa bồi tại tuyến luồng có thể được xác định trên cơ sở các quá trình bồi lắng và xói mòn do tác động của ngoại lực
- Trong mô hình mô phỏng, ngoại lực được xác định dựa trên số liệu quan trắc và cho thấy khối lượng sa bồi phù hợp với kết quả nghiên cứu đo sâu
Chúng tôi cho rằng việc xác định khối lượng sa bồi do tác động của ngoại lực là cần thiết. Do đó, chúng tôi không trình bày kết quả nghiên cứu quá trình bồi lắng và xói mòn.
Như đã biết, trong nghiên cứu mô phỏng luôn có sự băn khoăn về sự phù hợp của kết quả mô phỏng với số liệu thực đo. Rất khó có thể đạt được kết quả mô phỏng phù hợp hoàn toàn với số liệu thực đo.
Ngoài ra, Trong nghiên cứu này, kết quả mô phỏng dòng dư (trung bình) đã được so sánh với kết quả thực đo để đánh giá cho toàn khu vực chứ không chỉ cho một vị trí cụ thể.
Nghĩa là:
- Chế độ dòng chảy tổng hợp (không kể dòng chảy có vận tốc thấp) tại khu vực tuyến luồng đã được xét tới do tầm quan trọng của dòng chảy tổng hợp.
- Kết quả mô phỏng sự biến đổi dòng chảy theo các hướng (về thượng lưu và hạ lưu).
- Kết quả mô phỏng về hướng dòng chảy tại một vị trí cụ thể đã được kiểm tra.
Như ở trên đã nói, tuy có sự chênh lệch với kết quả thực đo nhưng có thể khẳng định kết quả mô phỏng như vậy là phù hợp
Kết quả tính toán và số liệu quan trắc thực tế trong mô hình mô phỏng không hoàn toàn giống nhau là điều bình thường nhưng khác nhau nhiều quá, khác tới mức dòng chảy lệch hẳn đi, khác tới mức chỗ bị bồi thì tính ra là xói và chỗ bị xói tính ra là bồi thì không ai có can đảm tin vào kết quả tính toán đó.
Điển hình vận tốc tại điểm V1 tính cho ngày 11/12/2009. Đây là điểm quan trọng vì nằm ngay giữa tuyến luồng và ngay tại cửa sông. Ellip dòng triều cho thấy vận tốc tính tại tầng gần đáy chưa tới 50% giá trị thực đo và hướng của nó bị lệch khoảng 200 so với thực đo. Vận tốc tại tầng đáy sẽ được dùng để tính vận chuyển bùn cát và với một sai số lớn như vậy thì sai số của tính toán bùn cát cũng sẽ rất lớn (lưu lượng bùn cát tỷ lệ với vận tốc ở bậc m với m>1 tùy công thức cụ thể. Như vậy sai số tính bùn cát luôn lớn hơn sai số tính vận tốc). Hay như ellip dòng triều ở điểm V4 cũng vậy. Sai lớn từ tầng mặt tới tầng đáy.
Kết luận “Như ở trên đã nói, tuy có sự chênh lệch với kết quả thực đo nhưng có thể khẳng định kết quả mô phỏng như vậy là phù hợp” là không thể chấp nhận.
Chưa giải trình chất vấn “Các thông số của mô hình khuếch tán SS không được trình bày”
trang 22, 3 dòng cuối
Mô hình mô phỏng vận chuyển bùn cát:
+ Chắn sóng, chắn cát được sử dụng như thế nào trong mô hình?
+ Chưa đánh giá được độ tin cậy do thiếu mô tả thông số
+ Hiệu chỉnh mô hình chưa tốt. Hình thái sai nghĩa là sai cơ bản nên tổng khớp cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Trong mô hình khuếc tán bùn cát lơ lửng không xét tới sự hiện hữu của đê chắn sóng và đê chắn cát vì trong thời gian thi công nạo vét chưa có hai công trình này.
Quá trình bồi, xói đã được trình bày trong báo cáo.
Xin giải trình bổ sung như sau:
- Sau khi bùn cát đáy bị khuấy lên bởi sóng hoặc dòng chảy, thì sẽ thành bùn cát lơ lửng qua các quá trình khuyếc tán, bình lưu và lắng tụ. Và bùn cát lơ lửng khi đã lắng tụ tạo thành lớp bùn lỏng tại đáy biển.
- Khối lượng sa bồi ở tuyến luồng có thể tính toán được dựa trên thông tin về quá trình bồi xói do ngoại lực.
-Trong mô hình, ngoại lực được xác định dựa trên số liệu thực đo và kết quả tính toán khối lượng sa bồi được đánh giá là phù hợp với kết qả khảo sát đo sâu.
- Theo chúng tôi sự phù hợp về khối lượng sa bồi do ngoại lực là yếu tố quan trọng, do đó không trình bày về kết quả chi tiết về quá trình bồi xói.
Kết luận là:
Sự phân bố sa bồi không khớp vì kết quả khảo sát đo sâu được thực hiện ngay khi có bão xảy ra vào tháng 9 năm 2005 gây ra sự xáo trộn lớn ở lớp bùn đáy.
Giải trình không đúng nội dung chất vấn.
Giải trình viết “Sự phân bố sa bồi không khớp vì kết quả khảo sát đo sâu được thực hiện ngay khi có bão xảy ra vào tháng 9 năm 2005 gây ra sự xáo trộn lớn ở lớp bùn đáy”. Vậy tính toán hiệu chỉnh mô hình đã không dựa vào điều kiện thực tế?
Trang 23, dòng 2
Mô hình tràn dầu Lạch Huyện:
+ Không hiệu chỉnh mô hình
+ Cần xem xét kịch bản tràn nhanh hơn cho phù hợp với thực tế  từng xảy ra
+ Làm rõ các loại dầu và các thông số mô hình cụ thể
Nếu hiệu chỉnh được mô hình tràn dầu là quá tốt, nhưng điều kiện thực tế không cho phép, không có thông tin tư liệu số liệu về tràn dầu tại khu vực dự án, bộ phần mền MIKE21 cũng đã được áp dụng vào thực tiễn mô phỏng tràn dầu tại một số dự án, đề án cấp nhà nước, cấp bộ đã nghiệm thu.
- Kịch bản về lượng dầu tràn được chọn lựa dựa trên kết quả thống kê về các sự cố tràn dầu đã xẩy ra ở Việt Nam, vì khu vực dự án chủ yếu là tàu vận tải qua lại nên nguồn dầu tràn được chọn là dầu DO (dầu DIESEL) , đặc tính kỹ thuật (tính chất lý hóa) theo tiêu chuẩn TCVN 5689:2005.
Các thông số của mô hình được khai báo theo hướng dẫn sử dụng mô hình và kế thừa các kết quả điều tra, khảo sát và nghiên cứu tại khu vực dự án (ví dụ: tỷ trọng nước, nhiệt độ, độ mặn, hệ số nhớt, ....)
- Mô hình tràn dầu có 2 bộ thông số để hiệu chỉnh là thủy lực và quá trình loang dầu. Chưa từng xảy ra tràn dầu nên không có số liệu hiệu chỉnh thông số cho quá trình loang dầu thì có thể chấp nhận nhưng không hiệu chỉnh cả mô hình thủy lực thì không được.
- Giải trình sai địa chỉ. Chất vấn về tốc độ tràn chứ không phải là lượng dầu tràn.
- Cần con số cụ thể của các thông số được dùng trong mô hình chứ không cần số của TCVN.







Tôi không có thời gian và  đủ kiên nhẫn để tiếp tục chỉ ra hàng loạt các khiếm khuyết không thể chấp nhận của công cụ tính toán mà tư vấn đã sử dụng cho bài toán cảng Lạch Huyện .

Thay cho lời kết

Một số nước Xã hội chủ nghĩa trước đây đã gây ra những thảm họa khi ý chí chủ quan của nhóm lợi ích lại núp dưới chiêu bài chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Xét cho cùng đây là căn bệnh chung của nhà nước toàn trị nên Hội đồng ”Chuột” cũng giống như một kép hát mua vui trong cung đình mà thôi. Cái  Hội đồng ”chuột” ấy chỉ tác yêu, tác quái và tỏ ra "tinh tướng" khi chưa gặp phải Mèo thôi tức là chưa bị thực tiễn khách quan cọ xát va đập

Tầm lãnh đạo và nhân cách của khá nhiều người giữ trọng trách quốc gia của nước ta có quá nhiều vấn đề. Họ là chủ của dân, chứ không phải là đầy tớ của dân. Nếu so sánh tinh thần trách nhiệm và thái độ đối với dân của các vị chính khách của các nước tiên tiến với thái độ của những người giữ trọng trách quốc gia ở nước ta, phải nói rằng có sự khác biệt đáng hổ thẹn.

Đất nước đã nghèo, đầu tư lại tràn lan không hiệu quả, chỉ số ICOR ((Hệ số tăng vốn – sản lượng) cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nợ công đến mức báo động đỏ, dự án cảng Lạch Huyện như ”dầu đổ vào lửa” cho bài toán nợ công mang nhiều mầu sắc tư duy nhiệm kỳ, lãng phí, cơ hội và thất thoát tài sản của nhân dân. Các vị lãnh đạo Bộ giao thông được sự tiếp tay của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang “nhắm mắt” ký Quyết định phê duyệt ĐTM bất chấp các góp ý, phản biện của các nhà khoa học và công luận, đòi hỏi những người có trách nhiệm ở Ban chấp hành Trung ương Đảng và các đại biểu Quốc hội còn quan tâm đến vận nước phải vào cuộc!

T.V.T.  




  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...