Nga và cuộc chiến chống IS do Mỹ phát động
Có thể đưa ra nhận xét là Nga (và cả Trung Quốc) hiện đang có cách “tảng
lờ” cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo tự xưng IS do Mỹ phát động và phương Tây
hưởng ứng (có tin 5 nước Ả rập là nhất trí đứng về phía Mỹ, điều này ít thấy). Bằng chứng là sau các đợt dội tên lửa và không kích của Mỹ mới đây vào các căn cứ IS tại Syria đã không thấy thái độ đồng tình của cả Nga và Trung Quốc
Vậy riêng với thái độ của Nga? Nó sẽ được coi là đúng, là khôn ngoan? Hay nó sẽ đưa lại bất lợi trong quan hệ quốc tế thời nay khi mà IS hiện nguyên
hình là một quyền lực ghê rợn. Bởi ai cũng biết IS đã xử dụng các biện pháp thời Trung cổ đối xử với các con
tin họ bắt cóc được? Những điều này chắc chắn lịch sử sẽ phán xét.
Trong thời gian rất ngắn vừa qua đã có nhiều bài viết phê phán khi
phân tích quan điểm thủ lợi về mình trong khi để cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan hoành hành một cách man rợ mà nạn nhân sắp tới không biết sẽ rơi vào ai, vào quốc gia nào hứng
chịu? Đây còn là vấn đề đạo đức trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên vẫn có những bài viết khác lại
nói những điều không hẳn như thế khi đề cập đến thái độ của Moscow. Người ta thậm chí còn thông cảm và còn cho "như thế là đối sách khôn ngoan".
Dưới đây là
bài viết như thế.
Vệ Nhi g-th
----
Nga có cao tay khi từ chối tham gia
không kích IS?
(Quan hệ quốc tế)
- Trong bối cảnh tình hình Ukraine đang căng thẳng, Moscow tuyên bố sẽ không
đứng ngoài nhưng cũng không tham gia hoạt động không kích chống IS
Nga từ chối không
kích IS
Ông Ilya Rogachev - Vụ trưởng Vụ những
thách thức và nguy cơ mới thuộc Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố với phóng viên hãng
“Interfax” hôm 19-9 rằng Nga sẽ không tham gia và cũng không có ý định tìm kiếm
lời mời tham gia liên minh chống IS do Mỹ thành lập.
Tuy nhiên ông cũng khẳng định, mặc dù
không tham gia trực tiếp vào chiến dịch không kích chống những kẻ khủng bố từ
“Nhà nước Hồi giáo” IS nhưng Moscow sẽ hết sức ủng hộ các quốc gia đang chiến
đấu với tổ chức này, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tại Hội nghị Paris, diễn ra trong hai
ngày 15 - 16/9/2014, một liên minh mới của thế giới ra đời, do Mỹ thống lãnh
với mục tiêu chống lại cái ác, chống lại chủ nghĩa khủng bố với lời thề đuổi
cùng giết tận Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS. 31 quốc gia đã được
xướng tên trong liên minh “đầy chính nghĩa” ấy với sự dẫn dắt của nước Mỹ.
Trong bài phát biểu trên truyền hình
quốc gia Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama cho biết: "Chúng tôi sẽ săn lùng
các tay súng IS bất cứ nơi nào họ xuất hiện”, lực lượng vũ trang Mỹ có
thể không kích vào các vị trí của IS trên lãnh thổ Syria mà không cần
Damascus cho phép và cũng không cần có sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc.
Được biết, hôm 19-9, Pháp đã thực hiện
cuộc không kích đầu tiên vào lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq. Một thông cáo
do điện Elysee đưa ra cho biết, các máy bay chiến đấu của Pháp đã thực hiện
cuộc tập kích đường không đầu tiên nhằm vào vị trí của phiến quân nhóm Nhà nước
Hồi giáo (IS) ở Iraq.
Các máy bay chiến đấu Rafale của Pháp
đã tấn công kho hậu cần của những kẻ khủng bố từ IS ở phía đông bắc Iraq và phá
hủy hoàn toàn mục tiêu này. Thông báo cũng cho biết thêm, Pháp cũng đã nhắm tới
1 số mục tiêu khác cho các hoạt động không kích tiếp theo.
Về tuyên bố của Nga, ông Rogachev giải
thích thêm rằng hiện Nga cũng đang giúp đỡ Iraq, ví dụ như sự đóng góp của
Moscow cho phép tăng cường khả năng phòng thủ, ngoài ra Nga còn cung cấp viện
trợ phi quân sự và nỗ lực hỗ trợ chính phủ hợp pháp của Syria trong cuộc chiến
của họ chống chủ nghĩa cực đoan.
“Bàn về sự cần thiết phải được mời tham
gia trong bối cảnh này, theo tôi nghĩ, là điều không tế nhị. Chúng tôi sẵn sàng
tiếp tục hợp tác chống khủng bố với các thành viên của liên minh này và hy vọng
rằng họ sẽ hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế mà không chính trị hóa
và áp dụng những “tiêu chuẩn kép” nổi tiếng” - ông Rogachev nói.
Tuy không chỉ đích danh nhưng tuyên bố
của Nga rõ ràng là nhằm vào những “hành động 2 mặt” của Mỹ và NATO ở Ukraine.
Moscow luôn khẳng định Mỹ đứng đằng sau dàn dựng “kịch bản dân chủ” ở quảng
trường Độc Lập ở Kiev, là thủ phạm chính dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị
hiện nay ở Ukraine.
Vì sao Nga không tham dự liên minh do
Mỹ đứng đầu?
Mấy chục nước đã nhận lời tham gia liên
minh chống IS do Mỹ đứng đầu, nhưng trong số đó không có Nga - quốc gia có
tiếng nói quyết định ngăn chặn ngòi nổ chiến tranh ở Syria, đóng góp rất lớn
cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Ngoài nguyên nhân không muốn chịu sự sai
khiến của Washington còn có nhiều lí do khác để Moscow không tham gia vào chiến
dịch này.
Lí do thứ nhất là Moscow phản đối cách
hành xử kiểu “tiêu chuẩn kép” của Washington.
Trong thời gian dài Mỹ từ chối công
nhận "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" là một tổ chức khủng bố.
Washington đã ngăn chặn đề xuất của Nga liệt tổ chức này vào danh sách
tương ứng của Liên Hiệp Quốc. Bởi vì Hoa Kỳ chính là “ông bầu” cung cấp tài
chính và vũ khí cho tổ chức này nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp ở Syria.
Chỉ sau khi các tay súng cực đoan này
tràn sang chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Iraq, cướp đoạt các giếng dầu, tăng
cường chiêu mộ lực lượng, liên tiếp đánh bại quân chính phủ, đe dọa tiến về
Baghdad, đồng thời liên tiếp gửi các thông điệp cứng rắn đến Mỹ-NATO bằng các
vụ chặt đầu công dân Anh-Mỹ, Washington mới cuống cuồng nhận ra “đưa con” của
mình đã vượt tầm kiểm soát.
Trước đó, Mỹ đã từ chối đề xuất của Nga
đưa tổ chức này vào danh sách khủng bố của Liên Hợp Quốc. Tiếp theo, đến tháng
8, Washington đã từ chối đề xuất của Damascus giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc
chiến chống lại “Nhà nước Hồi giáo” (IS) mới thành lập. Vì thế, Nga muốn cho Mỹ
biết rằng, Washington phải tự chịu trách nhiệm trước những hành động kiểu “tiêu
chuẩn kép” của mình.
Lí do thứ 2 là Nga không muốn biến mình
trở thành mục tiêu tấn công số 1 của các tổ chức hồi giáo cực đoan
Hơn nửa thế kỷ qua, Trung Đông luôn
trong tình trạng tranh chấp ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô, sau này là Nga.
Washington luôn nhăm nhe hất cẳng Moscow để độc chiếm nguồn tài nguyên khổng lồ
ở rốn dầu của thế giới. Vì vậy, “chú Sam” tìm đủ mọi cách để dựng lên các chính
phủ thân Mỹ ở khu vực này, bằng các cuộc “cách mạng màu” hoặc can thiệp quân sự
trực tiếp.
Sau những cuộc chiến ở Afghanishtan,
Iraq, Lybia, Syria... Mỹ và đồng minh trở thành kẻ bị căm thù nhất trong thế
giới Hồi giáo. Trong khi đó Nga cơ bản không hề có thù oán gì với các tổ chức
cực đoan, khủng bố. Nếu trực tiếp tham gia không kích IS, Moscow sẽ “tự kiếm”
cho mình một kẻ thù kinh hoàng và cực khó đối phó, Nga sẽ không dại dột làm
điều đó.
Điện Kremlin hoàn toàn không muốn khủng bố tìm đến với nước Nga, không muốn công dân của mình gặp nguy hiểm trên toàn thế giới, không muốn các nhà đầu tư Nga bị gây rắc rối ở những quốc gia Hồi giáo. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng, kẻ nào gây chiến với Hồi giáo sẽ không bao giờ còn được yên ổn.
Vì thế, Nga vẫn tham gia vào các công
việc viện trợ, cứu hộ để không mang tiếng là vô trách nhiệm trong các sự vụ
quốc tế, còn mặc kệ Mỹ và đồng minh tham gia trực tiếp vào các chiến dịch không
kích, gia tăng cừu hận giữa phương Tây và các tổ chức khủng bố, khiến Mỹ và
NATO không còn rảnh tay can thiệp vào các công việc của Nga.
Lí do thứ 3 là Nga muốn Mỹ tiếp tục sa
lầy ở Trung Đông
Sau khi chiếm được miền bắc Iraq, IS
tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo IS. Thu nhập khổng lồ từ các giếng dầu ở
Iraq đã khiến tổ chức này kiếm hàng triệu USD/ngày, để mua sắm vũ khí, chiêu mộ
lực lượng. Hiện nay, quân số của IS đã tăng lên tới gần 100.000 quân với đầy đủ
trang bị nặng.
Trong một tuyên bố, IS cho biết chúng
còn nuôi tham vọng xây dựng một lực lượng không quân hùng mạnh. Chưa rõ tổ chức
này có thể mua sắm máy bay chiến đấu ở đâu nhưng với tuyên bố sẽ bành trướng
lãnh thổ khắp Trung Đông và sang cả châu Âu, thực lực và tham vọng của IS quả
thực là điều rất đáng ngại.
Các chiến dịch không kích của Mỹ và
đồng minh chỉ có thể làm suy yếu một phần lực lượng của IS chứ không thể tiêu
diệt được lực lượng này, nhiệm vụ quân sự chỉ có thể hoàn thành bằng lực lượng
lục quân, trong khi đó quân đội Iraq quá yếu kém không thể “thanh toán” được
lực lượng này trong một sớm một chiều.
Trong điều kiện đó Nga không dại gì
mang tiềm lực quân sự hùng mạnh của mình giúp Mỹ nhanh chóng đạt được mục đích.
Moscow muốn Washington sa lầy càng lâu
càng tốt để mình còn rảnh tay giải quyết các sự vụ ở Ukraine và tìm biện pháp
tháo gỡ những rắc rối xung quanh lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt cho mình.
Vừa qua, do bận tâm về việc đối phó với
IS và cũng không muốn mất lòng Nga hóng lôi kéo Moscow vào khối liên minh chống
IS, Washington đã từ chối quy chế đồng minh đặc biệt, không viện trợ vũ khí sát
thương cho Kiev khiến cục diện ở Ukraine trở nên có lợi cho Nga và phe ly khai.
Trong bối cảnh Donbass đang ráo riết
đòi độc lập và Kiev liên tiếp nhượng bộ trong thế yếu tại cuộc hội đàm của
“Nhóm liên lạc” ở Minsk, Mỹ không còn tâm trí can dự vào “tiến trình hòa bình”
ở Ukraine, trong khi Nga được “rảnh tay tính kế” là điều Moscow rất mong muốn.
Vì thế, Nga từ chối triển khai lực lượng không quân tham gia trực tiếp không
kích Iraq là điều rất dễ hiểu.
Thứ 4: Nga sẽ tiếp tục đóng vai “kẻ gìn
giữ hòa bình”, còn Mỹ tiếp tục nhập vai “kẻ hiếu chiến, bất chấp luật lệ quốc
tế” ở Syria.
Trong cuộc khủng hoảng “vũ khí hóa học
ở Syria”, Mỹ với đại diện là Tổng thống Obama đã sắm vai “kẻ hiếu chiến”,
chuyên gây gổ, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, còn Nga - mà trực
tiếp là Tổng thống Putin đã trở thành “người hùng” trong việc hóa giải nguy cơ
xung đột quân sự ở đất nước này.
Hiện nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama
đã tự cho mình cái quyền ném bom xuống các vị trí của IS trên lãnh thổ
Syria mà không có sự đồng ý của Damascus. Phía Syria đã cực lực phản đối
hành động này và tuyên bố Mỹ cần phải phối hợp hành động với chính phủ
nước này trước khi thực hiện bất kỳ cuộc không kích trên lãnh thổ đất nước
này.
Nga cũng lên tiếng phản đối quyết liệt
tuyên bố của Mỹ và coi đó là hành động xâm phạm chủ quyền của một quốc gia độc
lập, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đó là một hành động sai
trái, Moscow cực lực phản đối và sẽ không bao giờ tham gia.
Đó cũng một phần là do Moscow muốn “đập
lại” những cáo buộc của Washington là Nga đã “xâm lược” Ukraine khi lén đưa
quân sang Donbass và cung cấp trái phép vũ khí cho phe ly khai.
Vấn đề quan trọng nhất là khi Mỹ tiến
hành ném bom các mục tiêu của IS trong lãnh thổ Syria, tất yếu sẽ dẫn tới những
thương vong, thiệt hại cho dân thường. Đặc biệt là không loại trừ tình huống
máy bay chiến đấu Mỹ-NATO sẽ “ném bon nhầm” vào quân chính phủ Syria, gây ra
những tranh cãi gay gắt trong công đồng quốc tế.
Khi mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm, rất
có thể Moscow sẽ đóng vai “người hùng” một lần nữa, đề nghị quân chính phủ
Syria tạm ngưng hoạt động tảo thanh IS để Mỹ rảnh tay không kích, dưới sự giám
sát của Nga. Việc làm này của Moscow vừa giúp Washington tránh được các chỉ
trích vừa làm lợi cho đồng minh Damascus.
Có thể nói rằng, những hành động của
Nga tuy hơi mang màu sắc ích kỷ nhưng quả thực nó là những điều tốt nhất cho
nước Nga trong thời điểm này, khi tình hình thế giới đang hết sức rối ren và
cục diện cuộc nội chiến ở Ukraine đang sắp có những bước chuyển biến trọng đại.
Tác giả bài viết này không phải là fan
của Nga nhưng cũng phải công nhận một điều là các nhà hoạch định chiến lược
Moscow, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Putin đã hết sức tỉnh táo để đưa ra
những quyết định có lợi nhất cho đất nước mình./.
- Thiên Nam