Lại nói về người trí thức
Trên trang blog này đã vài ba lần bàn đến chỗ đứng và vai trò của người trí thức nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng.
Bữa nay có thư bạn bè gửi tới một bài viết mới của tác giả Nguyễn An Dân về chủ đề vừa nêu, chủ blog tôi xin được giới thiệu lên đây để chúng ta cùng đọc tham khảo.
Vệ Nhi
-----
Trách nhiệm xã hội
của những người hiểu biết
Tác giả: Nguyễn An
Dân
“Trí
thức và vai trò của trí thức” hay “câu chuyện về trí thức” là một đề tài không
mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Đây cũng là một đề tài rất phức tạp và dễ gây tranh
cãi, nhưng là một đề tài đầy ý nghĩa đối với bất cứ xã hội nào, trong bất cứ
thời đại nào. Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về trí thức, mỗi góc nhìn lại cho
ta một cách hiểu về trí thức và vai trò của trí thức. Nếu ta có được nhiều góc
nhìn về một vấn đề thì ta sẽ có cơ hội hiểu vấn đề đó một cách đầy đủ và sâu
sắc hơn, vì khi đó không chỉ thấy “cây”, mà còn thấy “rừng”.
Trong phạm vi bài viết này, từ một
góc nhìn, tôi cho rằng, trí thức là người có trí và luôn dùng cái trí của mình
để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp.
Nếu ai đó “có trí” (sự hiểu biết)
nhưng lại “không thức” (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội “ngủ” thì bị
gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Nếu ai đó thích làm cái việc
của trí thức là “đánh thức xã hội” nhưng lại “thiểu trí”, “lệch trí” hay “vô
trí” thì gọi là “trí dỏm” (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng,
hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ẫu
trĩ). Và nếu ai đó “có trí”, “có thức”, nhưng “thiếu tâm” (thiếu động cơ trong
sáng) thì gọi là “trí gian” (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả 2 loại “trí dỏm”
và “trí gian” đều là “ngụy trí thức”, còn “trí ngủ” là “trí thức vô trách
nhiệm”.
Có
thể hình dung ba điều kiện để hình thành một con người “trí thức”, đó là: (1)
“sự hiểu biết” (có trí); (2) “thức tỉnh xã hội”; và (3) “vì mục đích cao quý”
(hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân-thiện-mỹ). Nếu
không hội đủ cả 3 điều kiện này (mà chỉ có 1 hay 2 trong 3 điều kiện) thì hoặc
là “trí ngủ”, hoặc là “trí dỏm”, hay “trí gian”, chứ không phải là “trí thức”.
Hay nói một cách nôm na, trí thức là người “có Trí”, “có Thức” và “có Tâm” (có
3T).
Từ
cách hiểu này, chúng ta có thể thấy rằng, bàn về trí thức hay bàn về vai trò
của trí thức thực chất cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những
người hiểu biết.
Tôi
rất thích một câu nói của Einstein “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không
phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì
cả”. Câu nói này nói về trách nhiệm xã hội (trách nhiệm “làm người”) của một
người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một
người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc
và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường
còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách
nhiệm xã hội này còn lớn hơn.
Nói
cách khác, vai trò của những người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết (và cả uy
tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải
trái, chân-giả, thiện-ác, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên… trước những vấn đề
chung mà xã hội đã, đang và sẽ gặp phải hay trải qua; dùng sự hiểu biết của
mình để truyền bá tinh thần, tư tưởng, quan điểm mà mình tin là cần thiết để
góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ; dùng sự hiểu biết của
mình để góp phần xác lập những chuẩn mực xã hội, những thang giá trị xã hội và
đồng thời ra sức bảo vệ những chuẩn mực và giá trị đó; dùng sự hiểu biết của
mình để góp phần định hướng, định hình xã hội… Tất nhiên sự phân định, sự
truyền bá, sự xác lập hay sự định hướng, định hình này cũng cần phải dựa trên
cái nền là những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, những giá trị có
tính phổ quát của thế giới đương đại hay thế giới tương lai.
Và tất nhiên, để thực hiện trách
nhiệm xã hội của mình thì người hiểu biết có thể nói, có thể viết, hay có thể
làm gì đó (bởi lẽ không phải tất cả những người hiểu biết đều giỏi nói hay giỏi
viết). Vì làm một điều tốt cũng là cách gián tiếp góp phần đấu tranh tiêu diệt
cái xấu; làm một điều đúng, cũng là cách gián tiếp góp phần chỉ cho người khác
thấy những cái sai…
Thêm
nữa, khi nói đến trí thức là nói đến vấn đề “chân lý”. Không ai được phép độc
quyền chân lý, nhưng ai cũng được quyền góp phần xác lập chân lý. Giới trí thức
thường tự phân biệt giới mình với những giới khác ở chỗ luôn nỗ lực khám phá
chân lý, xác lập chân lý và bảo vệ chân lý. Đó cũng là lý do vì sao mà người ta
thường nói, chân lý thường không thuộc về số đông hay “kẻ mạnh”, mà thường
thuộc về những người có hiểu biết (hay còn gọi là giới trí thức, giới tinh
hoa). Nếu chân lý có thuộc về “kẻ mạnh” (nhưng thiếu hiểu biết) thì điều đó
chắc chắn cũng chỉ là tạm thời mà thôi.
Khi
bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò, trách nhiệm, công việc, sứ
mệnh, thiên chức của trí thức. Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của
trí thức, dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ, trí thức cũng là con người,
mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết;
Bởi lẽ, trí thức cho dù có trí thế nào đi nữa thì sự hiểu biết vẫn chỉ là hữu
hạn. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết” hay
“mình cứ tưởng mình hiểu rất rõ một thứ nhưng thực ra mình chẳng hiểu gì cả hay
hiểu một cách lệch lạc”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người
nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là
lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình
không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Đó cũng là điều kiện
để mình có thể hiểu biết thực sự và là cơ hội để đẩy nhận thức và hiểu biết của
mình đi xa hơn.
Do
vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách
nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm
mù (nếu có) của mình. Nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay thậm chí là
“phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay
người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở
trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò
“thức tỉnh xã hội” vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.
Ở
bất cứ xã hội nào thì sứ mệnh của trí thức vẫn thế. Và đối với những xã hội mà
trong đó còn đầy rẫy sự bất thường thì một trong những sứ mệnh lớn nhất của trí
thức chắc hẳn là góp phần đưa sự bất thường đó trở về sự bình thường. Nói cách
khác, trong những xã hội mà sự bất thường của sự việc, sự vô minh của cái đầu,
vô cảm của trái tim đang bao trùm thì trách nhiệm của người trí thức, của những
người có hiểu biết còn nặng nề hơn (vì có quá nhiều cái cần phải khai sáng, cần
phải thức tỉnh) và nguy hiểm hơn (vì không dễ dàng gì để làm cái chuyện khai
sáng hay thức tỉnh trong những xã hội này).
Nhưng,
đã là người có hiểu biết thì không thể không làm gì cả, bằng cách này hay cách
khác, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù ồn ào hay lặng lẽ…
N.A.D
Dưới đây là 2 ý kiến
tham khảo khi luận bàn về danh nghĩa và vai trò của người trí thức trong đời
sống xã hội.
Nguyễn Minh Tuấn
Sau
khi GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ ý kiến của mình trên Báo Tuổi trẻ đã có
rất nhiều những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau luận bàn về vấn đề
thế nào là “trí thức”. Tạm gác lại những khía cạnh khác, chỉ xét riêng về khía
cạnh trao đổi thuật ngữ thì thấy có hai luồng ý kiến: Người thì đồng tình cho
rằng trí thức là lao động trí óc, việc đánh giá là dựa trên kết quả, không liên
quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Người thì phản đối cho rằng trí thức
không chỉ là người chú trọng đến chuyên môn hẹp của mình, mà cần phải là một
nhà khoa học có lương tri, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, dấn thân vì cộng
đồng, phản biện, lên tiếng vì dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.
Tôi
nghĩ mỗi người vốn dĩ không ai giống ai, từng người tùy theo sức lực, khả năng,
sự đam mê mà lựa chọn cách thức, con đường đi riêng cho mình. Những trí thức có
cách cống hiến bằng chính kết quả lao động hoặc bằng những hành động cụ thể của
mình góp ích cho xã hội thì đã là đáng quí.
Những
trí thức mà không những giỏi chuyên môn, ngoài ra còn thể hiện sự cảm thông
trước nỗi đau của người dân, dám lên tiếng phản biện, dùng trí của mình để dẫn
dắt, thức tỉnh xã hội thì lẽ dĩ nhiên sẽ còn đáng quí hơn. Như vậy, có thể
thấy về bản chất giữa các khái niệm “trí thức” hay “trí thức của công chúng”
theo tôi không hề có sự mâu thuẫn.
Phản biện xã hội thời
nào cũng cần, vì đó chính là tác nhân quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển.
Tuy nhiên khi liên hệ với trường hợp Việt Nam cũng nên đặt ngược lại vấn
đề liệu dư luận xã hội, thể chế ở Việt Nam đã đủ rộng lượng, đủ khoan
dung, luật pháp Việt nam đã đủ thông thoáng để mở đường cho phản biện và tiếp
thu phản biện chưa? Cần phải làm gì để cải thiện tình hình hiện nay và cần bắt
đầu từ đâu?
Nói gì thì nói vẫn không
khác với cách phân loại của người xưa đó là Nhân - Trí - Dũng.