Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Nghề viết Diễn văn cho Tổng thống

Nghề viết Diễn văn cho Tổng thống

Nhân cái stt mình viết trên fb về việc ông thủ tướng tặng chút quà cho các cộng sự viên (các thành viên chính phủ) khi chia tay giã biệt họ (ông không làm Ttg; và họ là các thành viên chính phủ), mình có nảy ra một ý để gợi mở vấn đề, thế "có ai trợ thủ" để chuẩn bị diễn văn/hay bài nói cho các vị lãnh đạo quốc gia hay không? 

Có nhiều bạn đọc trên Phây, và cả các bạn bè nơi này nơi kia nữa, cho rằng chả lẽ nói ít lời, ít câu mà tổng thống, chủ tịch, thủ tướng không tự nói được, lại phải để cho các trợ thủ, giúp việc, trợ lý giúp sức kia ư?

Xin thưa, ở các nước, nhất là bên Mỹ, giúp việc trên cho tổng thống Mỹ có hẳn một đội ngũ, vì đây là một nghề hẳn hoi (gọi là speechwiter). Giúp, chuẩn bị tốt nhất "xương cốt" cho bài nói là một chuyện lớn, nhưng là một quá trình (dù gấp rút mấy), đều phải tuân thủ qua sự tiếp thu của người lãnh đạo sẽ nói (vì người trợ thủ có trực tiếp ra nói trước công chúng, cử tọa nào đâu!). 

Nên vấn đề ở đây, cũng là quan trọng bậc nhất, là người lãnh đạo phải đủ giỏi, giỏi cả năng lực dùng người, tự mình xác tín, tin tưởng tin dùng các trợ thủ. Nếu như tâm đầu ý hợp thì càng tốt, càng ăn ý, và "diễn văn tung ra" càng thành công... 

Thôi không nói thêm nữa, xin mời bạn đọc đọc trực tiếp vào văn bản.

Sau đây mình xin phép tác giả đưa lên bài viết sau đây được "viết lại" (rewriting/réécriture) từ một Website chính thức của một đài phát thanh lớn bên châu Âu.   

Vệ Nhi

-----

Mỹ : Nghề viết ‘diễn văn’ tại Tòa Bạch Ốc

0
whhite-house-speech-writer
Tổng thống Obama với speechwriter Cody Keenan, trong bộ đồ cướp biển.

Bức ảnh được dùng để minh họa cho câu nói hài của Tổng thống Mỹ với hiệp hội ký giả WHCA (ngày 9/4/2009): “Chúng ta cũng cần phải nói chuyện được với kẻ thù. Tôi bắt đầu làm thế”.Ảnh chính thức của Phủ Tổng thống Mỹ. Người chụp Pete Souza

Có một nghề tại Nhà Trắng ít ai biết đến, ít lộ diện công khai, nhưng lại vô cùng quan trọng vì ‘sản phẩm’ được cả thế giới chờ đợi, theo dõi và bàn tán : Đó là nghề viết diễn văn cho tổng thống – tiếng Anh gọi là ‘speechwriter’.


Đây là một công việc không ít phần vất vả : Phải viết từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, nhưng lại cho một người khác ; phải tìm ra từ ngữ đúng đắn, công thức ghi đậm dấu ấn trong đầu óc người nghe, và phải tính đến cả nhịp điệu của bài văn, cách ngắt câu, chỗ cần nhấn mạnh…

Theo tìm hiểu của hãng tin Pháp AFP, bài diễn văn truyền thống về Tình trạng Liên Bang mà ông Obama đọc vào ngày 20 tháng Giêng 2015 chẳng hạn, là kết quả của nhiều tuần lễ làm việc không ngơi nghỉ của cả một êkíp speechwriter, hiện gồm 9 người.

Theo lời kể của Jeff Shesol, một thành viên trong nhóm này, thì đó là « một khối công việc to lớn, quá trình soạn thảo bắt đầu vào khoảng lễ Tạ ơn Thanksgiving – tức cuối tháng 11 ».

Jeff Shesol từng là một trong những ngòi bút của Bill Clinton, và đã làm việc vào năm 2009 và 2010 trên văn kiện rất được chờ đợi này, được xem là dấu mốc truyền thống của chính sách Mỹ.

Theo kinh nghiệm của nhân chứng này, mỗi tổng thống Mỹ có một phong cách khác nhau, như cựu Tổng thống Bill Clinton chẳng hạn, ông luôn luôn muốn có được bản phác thảo đầu tiên của bài diễn văn trước các ngày nghỉ lễ Giáng sinh.

Hiện nay, trong êkíp 9 người viết diễn văn tại Nhà Trắng, một số còn làm việc cho phu nhân Tổng thống, bà Michelle Obama, cũng như cho Hội đồng An ninh Quốc gia.

Dù ở Nhà Trắng hay trên chiếc máy bay Air Force One của Tổng thống, họ đều phải sống theo nhịp điệu của ông chủ là Tổng thống Mỹ. Theo truyền thống, họ là những người rất kín đáo, trong thời gian làm việc phải tạm sống theo phương châm được ghi trong báo cáo của Brown cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1937 về hoạt động của Nhà Trắng. Tài liệu này nói rõ là các cố vấn của tổng thống phải có được một « năng lực to lớn, một sự cường tráng về thể chất và đam mê sự ẩn danh ».

Đánh đổi lại thì ai cũng biết rằng công việc viết lách tại Nhà Trắng là một bệ phóng tuyệt vời cho sự nghiệp về sau, sự nghiệp chính trị hay trong lãnh vực tư nhân.

Adam Frankel, một ngòi bút của Tổng thống Obama cho đến năm 2011, đánh giá đó là ‘một vị trí tuyệt vời’, và cũng như các đồng nghiệp, ông nhấn mạnh đến sở thích của vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ về viết văn : « Ông ấy có tài thật sự đấy, hiểu rõ tiến trình viết, biết tôn trọng, và rất chăm chú tham gia ngay từ đầu. »

Cody Keenan, 33 tuổi, ngòi bút chính của Obama và ở tuyến đầu trong việc soạn thảo Diễn văn về Tình hình Liên Bang, đã từng so sánh công việc của mình như công việc của một sinh viên mãn đời, « làm việc suốt đêm hay bắt đầu vào lúc rạng sáng, trao bài, rồi chờ xem bài có được ưa thích hay không ». Đối với Cody Keenan : « Cái hay nằm ở những điều tổng thống ghi chú chi tiết và giải thích tại sao ».

Trong thế giới khép kín và có phần bí hiểm này, vài gương mặt đã ghi đậm dấu ấn và còn được nhắc đến, như Ted Sorensen, đã viết cho cố Tổng thống John F.Kennedy, mà các diễn văn có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Mỹ.

Sorensen có một con chủ bài quan trọng : Ông vừa là ngòi bút của Kennedy, nhưng đồng thời cũng là cố vấn chính của Tổng thống. Luôn ở bên cạnh tổng thống, Sorensen ở một ví trí lý tưởng để hiểu được tâm trạng, và thế giới quan của Kennedy.

Sự gần gũi, tương đồng về mặt trí tuệ giữa hai người làm cho khó có thể nói ai là tác giả của các công thức nổi tiếng từng được ông Kennedy đưa ra.



Xem thêm

” Đầy tớ văn chương “, một nét đặc thù văn hóa Pháp

“Thoát khỏi bóng tối
Cùng với thời gian, xã hội tiến bộ tạo thời điểm thuận lợi cho sự minh bạch. Vị thế người viết thuê cũng có những thay đổi theo. Những « đầy tớ văn chương » muốn thoát dần ra khỏi bóng tối, mạnh dạn lên tiếng đòi hỏi được công nhận. Cùng với những đòi hỏi đó, thuật ngữ « nègre littéraire », đôi khi vẫn bị phê phán là hơi phân biệt chủng tộc, từ từ được thay thế bằng những cụm từ lịch lãm hơn « prête-plume » (cho mượn ngòi bút), « écrivain fantôme » (nhà văn ma, dịch từ tiếng Anh « Ghostwriter 




Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Sông Mê Công đang khô cạn

Sông Mê Công đang khô cạn


Lúc này đang nóng lên chuyện dòng Mê Công cạn kiệt. Một trong mấy nguyên nhân gây khô cạn dòng chảy là ở thượng nguồn người ta xây quá nhiều đập chắn làm thủy điện, tệ nhất là trên dong sông Lan Thương bên Trung Quốc (tên sông Mê Công nằm ở TQ do TQ đặt tên này). 

Cho đến hiện tại có nhiều chứng cớ là TQ họ xây rất nhiều đập lớn lấy cớ thủy điện hoặc thủy lợi chính là cách chặn nước lại. Một khi tích đầy các hồ chứa khổng lồ trên thượng nguồn, dưới hạ nguồn dần khô kiệt chính là lúc biến thành thứ "vũ khí nước" lợi hại để nước này gây sức ép lên các quốc gia hạ nguồn (cả trung nguồn nữa, nếu có thể coi Miến, Thái và Lào là như vậy). 

Còn 2 nước có sông bị khô hạn mà ảnh hưởng mạnh nhất đến nông nghiệp, ngư nghiệp, chế độ thủy văn là Việt Nam và CPC ở hạ nguồn, trong đó VN là hạ nguồn có nguồn sông đổ ra Biển Đông. Một khi cạn nước VN bị hạn như CPC đã đành, VN lại còn bị thấm mặn từ biển vào các cánh đồng trù phú của đồng bằng sông Cửu Long (9 cửa sông của Mê Công là Cửu Long, nước đổ ra biển nên có tên gọi như vậy).

Ngay từ cuối 2009, được một tổ chức "đặt hàng" mình đã viết, rồi tập hợp thêm các bài, biên soạn thành một cuốn Đặc săn, định đặt tên là Mê Công, dòng sông hữu nghị. Bản thảo đã tương đối hoàn chỉnh thì vì một vài mắc míu về kỹ thuật, cùng với ""không khí chính trị"" khi ấy do Ủy ban sông Mê Công của VN rất muốn thuyết phục các nước chung dòng sông này hợp tác trên cơ sở cùng có lợi. Trong số này có TQ mà thái độ hết sức kẻ cả, muốn đứng ngoài. Vì thế phía VN không muốn làm các động tác truyền thông báo chí "rùm beng" thêm chuyện này. Thái độ của VN rõ ràng thiện chí, nhưng 5 - 7 năm trôi qua, tình hình dòng sông ngày càng lộ rõ cái nguy cơ suy kiệt vì cái hội chứng chặn dòng làm thủy điện. TQ đầu têu và triển khai một chiến dịch mạnh mẽ, huy động tài lực khổng lồ, lôi kép phân hóa các nước dưới nguồn nước của mình. Thậm chí với bạn Lào gần gũi, bạn cũng tỏ ra phớt lờ lời đề nghị của chúng ta không làm nhà máy thủy điện Xakhaburi rất lớn.

Và sau hết, đáng buồn là bản thảo về dòng Mê Công của mình chuẩn bị xong đã phải tạm bỏ trong ngăn kéo, trong bộ nhớ máy tính.

Chính có "tiền sử", có duyên nợ với dòng sông Mê Công từ lâu, nên khi tìm thấy bài viết nào, công trình nghiên cứu nào về dòng sông nổi tiếng này, mình đều hết sức trân trọng và như người ta nói, thấy là "đọc một lèo". 

Xin đưa bài viết vừa nói trên mà mình mới nhận được theo con đường hòm thư bạn bè trao đổi thông tin... 

Vệ Nhi g-th

-------------

21/03/2016


Tình trạng thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Minh Quang, P.E.
Tháng 3 năm 2016

Sơ lược về tác giả

Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.

Phần tóm tắt

Tuy chưa là cao điểm của mùa khô 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã lên đến mức báo động. Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đều cho rằng “các hồ chứa thượng lưu” là nguyên nhân “chi phối chủ đạo.”
Dữ kiện lưu lượng của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) cho thấy các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa hay trên phụ lưu trong hạ lưu vực Mekong không phải là nguyên nhân. Cũng không phải do hạn hán (hay thay đổi khí hậu) vì ĐBSCL hiện đang ở trong mùa khô. “Thủ phạm” chính là việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và Cambodia; lên đến 2.991m3/sec tức 49% lưu lượng sông Mekong tại Kratié. Đó là chưa kể lượng nước do Cambodia sử dụng cho các dự án thủy nông ở hạ lưu Kratié.
Việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và Cambodia không phải là nguyên nhân duy nhất. Tình trạng thiếu nước hiện nay ở ĐBSCL, thực sự, bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận ở ĐBSCL, nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực Mekong, và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học kéo dài từ năm 1975 cho đến nay.
Để cứu hạn mặn ở ĐBSCL, chánh phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Hoa xả nước sông Mekong từ đập Cảnh Hồng, nhưng trên thực tế, biện pháp nầy “quá ít và quá trễ.” Biện pháp thực tiễn và khả thi cấp thời là (1) sử dụng khôn ngoan số nước hiện có để cứu vãn diện tích lúa Đông-Xuân chưa bị thiệt hại và (2) tránh tối đa việc “lấy ngọt chống hạn” để giảm thiểu sự xâm nhập của nước mặn và duy trì nguồn nước ngọt cho các thành phố như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và Mỹ Tho.
Các biện pháp ngắn hạn có thể bao gồm việc (1) thực hiện hệ thống đo đạc lưu lượng và độ mặn dùng cho việc quản lý nguồn nước, (2) giảm bớt số lượng nước dùng cho nông nghiệp trong vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn, và (3) nghiên cứu khả thi việc sử dụng các hồ thủy điện hiện có trên Cao nguyên miền Trung cho mục đích thủy nông. Các biện pháp dài hạn có thể bao gồm (1) thay đổi chánh sách phát triển ĐBSCL, (2) “cải tạo” hệ thống thủy lợi hiện nay cho phù hợp với chánh sách phát triển mới, (3) “phục hồi” các nguyên tắc của Ủy ban Quốc tế Mekong (Mekong Committee (MC)) 1957 và điều lệ của Thông cáo chung 1975, và (4) thương thảo với các quốc gia thượng nguồn để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong việc phát triển sông Mekong.

Phần dẫn nhập

Kể từ giữa tháng 2 năm 2016, tuy chưa phải là cao điểm của mùa khô, báo chí trong nước [1-5] cũng như các đài phát thanh quốc tế [6-8] đã lên tiếng báo động về tình trạng hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở ĐBSCL vì thiếu nguồn nước ngọt. Tình trạng nầy gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn ha lúa cũng như gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày của người dân ĐBSCL.
Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam gần như “nhất trí” về nguyên nhân của tình trạng thiếu nước nầy. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (VKHTL) cho rằng “hai yếu tố thượng lưu quan trọng chi phối chủ đạo đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratié (đầu châu thổ Mekong) trong mùa khô… do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu” [9]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNNPTNT), qua Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, “…thì khẳng định, hạn hán, ngập mặn có nguyên nhân trực tiếp từ hiện tượng suy thoái các con sông. Và thủ phạm của sự suy thoái đó, chủ yếu là do quá trình phát triển hồ chứa ở thượng nguồn” [4]. Tiến sĩ (TS) Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (UBSMC), thì cho rằng “…vấn đề điều tiết trong các công trình trong lưu vực sông Mê Kông cũng là tác nhân. Hiện trên dòng chính sông Mê Kông có các công trình của Trung Quốc, còn các công trình trên sông nhánh do bị hạn, thiếu nước cũng không xả nước xuống dòng chảy sông Mê Kông. Thái Lan cũng có một số công trình chuyển nước trong khu vực, các quốc gia gia tăng sử dụng nước, làm hạn ở hạ lưu sông Mê Kông trầm trọng hơn” [10].
“Các hồ chứa thượng lưu” có chi phối chủ đạo đến nguồn nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL? Nguyên nhân trực tiếp của hạn hán và ngập mặn ở ĐBSCL là sự suy thoái các con sông qua quá trình phát triển hồ chứa ở thượng nguồn? Việc điều tiết các công trình trên dòng chính sông Mekong ở Trung Hoa và các công trình trên sông nhánh là tác nhân của hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL? Các quốc gia như Thái Lan gia tăng sử dụng nước làm hạn hán ở hạ lưu vực sông Mekong trầm trọng hơn? Bài viết nầy có mục đích trả lời các câu hỏi đó và trình bày những nguyên nhân thực sự của tình trạng thiếu nước hiện nay ở ĐBSCL.

Ảnh hưởng của hồ chứa ở thượng nguồn

Ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng chính ở Trung Hoa
Ảnh hưởng thủy học của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở Trung Hoa đối với mực nước và lưu lượng sông Mekong ở hạ lưu được lượng định bằng cách so sánh dữ kiện đo đạc tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan (Hình 1). Trạm nầy là trạm đầu tiên, nằm ngay cửa ngỏ của hạ lưu vực sông Mekong và không có một công trình nào ở thượng lưu ngoài các đập thủy điện của Trung Hoa. Theo dữ kiện đo đạc được công bố trên website của MRC [11], lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 1999 tại Chiang Saen là 817m3/sec. Vào thời điểm nầy, chỉ có đập Manwan (1992). Khi các đập Dachaosan (2003), Jinghong (2008) và Xiaowan (2010) được hoàn tất [12], lưu lượng trung bình trong cùng thời kỳ năm 2010 là 1.081m3/sec, cao hơn lưu lượng trung bình trong cùng thời kỳ năm 1999, mặc dù 2010 là một trong những năm khô hạn tồi tệ của lưu vực sông Mekong [13]. Lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 2016 là 1.211m3/sec, cao hơn năm 2010 với việc hoàn tất đập Gongguoqiao (2011) và Nuozhadu (2012) [12].
clip_image004
Hình 1 – Trạm thủy học ở thượng hạ lưu vực [11]
Dữ kiện lưu lượng tại trạm Chiang Saen, Thái Lan cho thấy các đập thủy điện trên dòng chính Mekong ở Trung Hoa đã gia tăng lưu lượng của sông Mekong ở hạ lưu, ít nhất là trong hai tháng đầu năm của mùa khô. Điều nầy phù hợp với nguyên tắc thủy học của một đập thủy điện, đó là, trữ nước trong mùa mưa để chạy máy điện trong mùa khô với một lưu lượng lớn hơn lưu lượng tự nhiên của sông tại nhà máy. Số nước nầy được trả lại dòng sông ở hạ lưu đập, vì thế, sông không bị mất nước. Như vậy, các đập thủy điện trên dòng chính Mekong ở Trung Hoa không phải là nguyên nhân của hạn hán và xâm nhập nước mặn ở ĐBSCL.
Ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông nhánh (phụ lưu)
clip_image006
Hình 2 – Trạm thủy học ở hạ lưu vực [11]
Ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông nhánh (phụ lưu) của sông Mekong đối với tình trạng thủy học của ĐBSCL có thể được lượng định bằng cách so sánh dữ kiện đo đạc tại trạm Kratié ở Cambodia (Hình 2). Trạm nầy là cửa ngỏ của châu thổ sông Mekong.
Theo dữ kiện đo đạc được công bố trên website của MRC [11], lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 1999 tại Kratié là 2.919m3/sec. Vào thời điểm nầy, chỉ có đập trên các sông nhánh ở Thái Lan và các đập Nam Ngum 1 (1971), Theun-Hinboun (1998), và Houay Ho (1999) ở Lào. Lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 2016 tại Kratié là 2.942m3/sec sau khi một số đập quan trọng được hoàn tất như Nam Theun 2 (2010) và Nam Ngum 2 (2011) ở Lào; Lam Ta Khong (2002) ở Thái Lan; và Yali Falls (2001) và Plei Krong (2008) ở Việt Nam [12].
Dữ kiện lưu lượng tại trạm Kratié, Cambodia cho thấy các đập thủy điện trên phụ lưu Mekong ở Lào, Thái Lan và Việt Nam đã gia tăng lưu lượng của sông Mekong ở hạ lưu, ít nhất là trong hai tháng đầu năm của mùa khô. Mức gia tăng lưu lượng tại Kratié không cao bằng mức gia tăng tại Chiang Saen vì nước sông Mekong được dùng cho các dự án thủy nông dọc theo sông Mekong.
Kết quả của một cuộc nghiên cứu trong năm 2013 [14] cho biết các đập thủy điện hiện nay trên phụ lưu sông Mekong có thể làm cho lưu lượng trung bình trong mùa khô của sông Mekong tại Kratié tăng 406m3/sec. Như vậy, các đập trên phụ lưu ở hạ lưu vực Mekong cũng không phải là nguyên nhân của hạn hán và xâm nhập nước mặn ở ĐBSCL.

Ảnh hưởng do việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong

clip_image008
Hình 3 – Trạm bơm Huay Laung [GoogleEarth]
Việc gia tăng sử dụng nước trên dòng chính Mekong được báo chí Việt Nam đề cập đến, vào giữa tháng 1 năm 2016, sau khi chánh phủ Thái Lan chấp thuận việc nghiên cứu khả thi dự án bơm nước sông Mekong vào các hồ chứa trên sông Huay Laung, một phụ lưu của sông Mekong ở Nong Khai, để chống hạn và phục vụ nông nghiệp. Theo TS Lê Đức Trung, “…Thái Lan đang có 2 đạng dự án là chuyển nước trong chính lưu vực sông Mê Kông (không gây ảnh hưởng nhiều) và chuyển nước ra ngoài lưu vực sông Mê Kông (gây tác động mạnh đến vùng hạ lưu)… Vấn đề sông Mê Kông rất quan trọng nên chắc chắn chúng tôi sẽ luôn bám sát, trao đổi thường xuyên với phía Thái Lan. Nếu họ chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Kông hay chuyển nước vào mùa khô, chắc chắn VN sẽ có ý kiến.” [15] Nhưng đến cuối tháng 1, Nha Thủy nông Hoàng gia (Royal Irrigation Department (RID)) Thái Lan cho biết “…đã hoàn tất việc nghiên cứu khả thi dự án rẽ nước sông Mekong - để dẫn tưới từ 80.000 đến 208.000 ha trong lưu vực Huay Laung - vào cuối năm ngoái… và bắt đầu giai đoạn 1 với việc thiết lập 3 máy bơm có công suất 12m3/sec (Hình 3) để bơm nước sông Mekong vào phía trên cửa cống Huay Laung ở Phon Phisai, Nong Khai… và có khả năng tưới cho 2.400 ha.” [16]
clip_image010
Hình 4 – Các dự án thủy nông trong hạ lưu vực Mekong [17]
Theo dữ kiện đo đạc tại các trạm thủy học, dọc theo dòng chính của sông Mekong, được công bố trên website của MRC [11], ngoài dự án Huay Laung, trong 2 tháng đầu năm 2016, nước của sông Mekong dường như được bơm từ dòng chính qua nhiều dự án thủy nông khác (Hình 4) trong vùng thượng hạ lưu vực ở Thái Lan và Lào (Bảng 1) và trong vùng trung hạ lưu vực ở Lào và Cambodia (Bảng 2).
clip_image012
Bảng 1 – Lưu lượng sông Mekong trong thượng hạ lưu vực [11]
clip_image014
Bảng 2 – Lưu lượng sông Mekong trong trung hạ lưu vực [11]
Sử dụng nước sông Mekong ở Lào
Dựa vào dữ kiện lưu lượng của MRC, ít nhất, Lào đã sử dụng toàn phần số sai biệt lưu lượng giữa Luang Prabrang và Chiang Khan là 167m3/sec (Bảng 1), vì hai trạm nầy hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Lào (Hình 1). Đối với sự sai biệt lưu lượng giữa Vientiane và Nong Khai là 86m3/sec và giữa Nong Khai và Paksane là 515m3/sec (Bảng 1), có lẽ Lào chỉ sử dụng một phần vì các trạm nầy nằm trên biên giới của Lào và Thái Lan (Hình 1).
Đa số nước sông Mekong được dùng để trồng lúa trong mùa khô, một phần rất nhỏ (từ 2m3/sec lên 5.5m3/sec trong năm nay [18]) để cung cấp nước gia dụng cho Vientiane (Hình 5).
clip_image016
Hình 5 – Trạm bơm nước Vientiane [Internet]
Tương tự, Lào có thể chỉ sử dụng một phần nhỏ sự sai biệt lưu lượng giữa Savannakhet và Khong Chiam lên đến 1.653m3/sec (Bảng 2), để dẫn tưới đồng bằng Savannakhet. Phần còn lại, có lẽ do Thái Lan sử dụng vì hai trạm nầy nằm trên biên giới Lào và Thái Lan (Hình 2).
Việc trồng lúa trong mùa khô ở Lào, phần lớn là dọc theo các con sông, bùng phát trong thập niên 1990 với việc chánh phủ Lào lắp đặt 8.000 máy bơm điện và diesel dọc theo sông Mekong và các phụ lưu chảy qua 3 đồng bằng quan trọng trong tỉnh Vientiane, Savannakhet và Khuammuan để tưới cho 110.000 ha vào năm 2000. Do việc điều hành kém cỏi, nông dân từ chối trồng lúa mùa khô, khiến diện tích giảm xuống còn 69.000 ha vào năm 2006. Diện tích trồng lúa mùa khô hiện nay khoảng 99.000 ha và dự trù sẽ tăng lên 333.000 ha trong vòng 20 năm tới [19].
Tuy dữ kiện không có sẵn, nhưng dựa trên kết quả nghiên cứu ở đồng bằng Vientiane (cần 1 lưu lượng 48m3/sec để tưới cho 20.000 ha trong mùa khô) [20], số nước sông Mekong do Lào sử dụng trong mùa khô hiện nay có thể lên đến khoảng 240m3/sec và tăng lên đến 800m3/sec trong vòng 20 năm tới.
Sử dụng nước sông Mekong ở Thái Lan
Như đã trình bày ở trên, Lào chỉ sử dụng khoảng 240m3/sec trong tổng số sai biệt lưu lượng giữa các trạm thủy học nằm trên biên giới Lào-Thái Lan là 2.254m3/sec; vì vậy, lưu lượng còn lại – khoảng 2.000m3/sec - có thể được xem như do Thái Lan sử dụng.
clip_image018
Hình 6 – Dự án Khong-Loei-Chi-Mun [21]
Thái Lan hiện có khoảng 5.700 dự án thủy nông, với 974 dự án cần đến bơm, để dẫn tưới khoảng 1.400.000 ha trong mùa mưa và 171.000 ha trong mùa khô. Thái Lan đã có kế hoạch thực hiện thêm 447 dự án mới để tưới cho 134.000 ha trong mùa mưa và 79.000 ha trong mùa khô [19]. Dựa trên dữ kiện của giai đoạn 1 [16], nhu cầu nước để trồng lúa trong mùa khô của Thái Lan sẽ tăng từ 855m3/sec như hiện nay lên 1.250m3/sec trong tương lai.
Vào năm 2003, chánh phủ Thái Lan loan báo kế hoạch thực hiện một “mạng lưới nước (water grid)” quốc gia, gấp ba khả năng của hệ thống thủy nông hiện nay. Tuy mang tầm vóc quốc gia, mạng lưới chú trọng vào vùng Đông Bắc với dự án chuyển nước từ dòng chánh sông Mekong gây nhiều tranh cãi: dự án Khong-Loei-Chi-Mun (Hình 6). Dự án sẽ bơm nước sông Mekong vào sông Loei để dẫn tưới 2.860.000 ha trong lưu vực sông Chi và Mun và 640.000 ha trong lưu vực sông Mun. Dự án Khong-Loei-Chi-Mun, tăng diện tích dẫn tưới lên 1.800.000 ha trong mùa mưa và 900.000 ha trong mùa khô [19], sẽ cần một lưu lượng 1.200m3/sec [21].
clip_image019
Hình 7 – Các dự án chuyển nước sông Mekong của Thái Lan [22]
Ngoài dự án Khong-Loei-Chi-Mun, Thái Lan còn có những dự án khác sử dụng nước sông Mekong cho mục đích thủy nông như Mekong-Songkhram (70.400 ha), Ban Bung Khieo-Yasothon (16.000 ha) và Mekong-Sirindhorn (64.000 ha) (Hình 7). Nếu các dự án nầy được thực hiện, cũng theo dữ kiện của gia đoạn 1 [16], Thái Lan cần đến 752m3/sec nước sông Mekong trong mùa khô.
Với một lưu lượng khoảng 2.000m3/sec của sông Mekong bị thất thoát, rất có thể Thái Lan đã âm thầm thực hiện và đưa vào hoạt động một phần của dự án Khong-Loei-Chi-Mun và các dự án chuyển nước sông Mekong khác giữa hai trạm thủy học Savannakhet và Khong Chiam.
Sử dụng nước sông Mekong ở Cambodia
Dựa vào dữ kiện lưu lượng của MRC, Cambodia đã sử dụng toàn phần số sai biệt lưu lượng giữa Stung Treng và Kratié là 737m3/sec (Bảng 2), vì hai trạm nầy hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cambodia (Hình 2). Hiện nay, Cambodia có khoảng 261.000 ha được dẫn tưới trong mùa khô và 16.700 ha lúa vụ ba. Con số nầy có thể tăng lên 378.000 và 21.100 ha trong vòng 20 năm tới [19]. Vì diện tích dẫn tưới trong mùa khô hiện nay chỉ có 9.325 ha [23] (với nhu cầu được ước tính khoảng 50m3/sec) trong 2 tỉnh Stung Treng và Kratié, rất có thể Cambodia đã hoàn tất và đưa vào sử dụng các dự án thủy nông sử dụng nước sông Mekong giữa 2 trạm Stung Treng và Kartié.
clip_image021
Hình 8 – Kinh đào của dự án Vaico ở Sithor Kandal [GoogleEarth]
Vào năm 2003, qua khẩu hiệu “chánh phủ thủy nông,” Thủ tướng Hunsen đã nỗ lực gây quỹ từ các cơ quan viện trợ ngoại quốc để phục hồi và xây mới hệ thống thủy nông với tham vọng biến “…Cambodia thành một trong những quốc gia xuất cảng gạo hàng đầu của thế giới” [24]. Tính đến tháng 6 năm 2014, đã có 1 hồ chứa, 4 trạm bơm và 117 km kinh đào được hoàn tất trong các tỉnh Takeo, Kampot và Kampong Thom [25].
clip_image023
Hình 9 – Đập tràn của dự án Stung Schinit [Internet]
Những dự án quan trọng khác đã được thực hiện như dự án trên sông Stung Sreng (dẫn tưới cho 25.000 ha trong mùa mưa và 3.750 ha trong mùa khô trong các tỉnh Oddar Meancheay, Siem Reap, và Banteay Meancheay [26]), dự án Stung Schinit (dẫn tưới cho 2.960 ha trong tỉnh Kampong Thom [27]), và dự án Vaico (chuyển nước sông Mekong từ Koh Sotin – qua 1 hệ thống kinh đào dài 78 km, rộng 44-55 m, và sâu 18-25 m (Hình 8) - để dẫn tưới 300.000 ha trong tỉnh Kampong Cham, Prey Veng và Svay Rieng. Giai đoạn đầu của dự án sẽ dẫn tưới 108.300 ha trong mùa mưa và 27.100 ha trong mùa khô [28]). Nếu diện tích dẫn tưới trong mùa khô của dự án Vaico là 100.000 ha, lưu lượng cần thiết được ước tính khoảng 500m3/sec.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL

Như đã trình bày ở trên, dữ kiện lưu lượng tại các trạm thủy học do MRC công bố cho thấy (1) các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa và trên phụ lưu trong hạ lưu vực Mekong không phải là nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL và (2) việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong để dẫn tưới trong mùa khô của Lào, Thái Lan, và Cambodia đã làm giảm lưu lượng trung bình trong hai tháng đầu năm 2016, ít nhất, là 2.991m3/sec, tức 49% lưu lượng sông Mekong tại Kratié, cửa ngỏ của châu thổ sông Mekong. Đó là chưa kể một lượng nước quan trọng do Cambodia sử dụng cho các dự án thủy nông ở hạ lưu Kratié, chẳng hạn như dự án Vaico và Stung Schinit.
Việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong trong mùa khô của Lào, Thái Lan, và Cambodia; tuy nhiên, không phải là nguyên nhân duy nhất của tình trạng thiếu nước hiện nay ở ĐBSCL. Nó càng không phải do tình trạng hạn hán (hay thay đổi khí hậu) vì ĐBSCL hiện đang ở trong mùa khô, mà bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận, nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực, và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học kéo dài từ năm 1975 cho đến nay.
Chánh sách phát triển thiển cận
clip_image025
Hình 10 – Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL [19]
Sau tháng 4 năm 1975, đoàn Quy hoạch Thủy lợi ĐBSCL (ĐQHCL), gồm một số “chuyên viên thủy lợi thượng thặng” của miền Bắc, đã được điều động vào Nam để khảo sát, nghiên cứu và thiết lập kế hoạch phát triển ĐBSCL. Nhiệm vụ của ĐQHCL là “thực hiện thắng lợi chính trị to lớn” của Đảng giao phó là “…biến tất cả đất đai có thể trồng trọt còn lại của ĐBSCL thành ruộng lúa có thể trồng nhiều vụ một năm, nhằm đạt chỉ tiêu 20 triệu tấn/năm trong kế hoạch ngũ niên 1975-1980” [29]. Lúc bấy giờ, chánh sách nầy có vẻ hợp lý để “khắc phục tình trạng ăn độn khoai, sắn, bo bo… triền miên” ở miền Bắc; nhưng Đảng quên rằng, thay vì trồng lúa, đất đai ở ĐBSCL còn có thể dùng để sản xuất nhiều nông phẩm khác có giá trị hơn để “ăn độn” như gà, vịt, cá, tôm… Thế là “…ta đấp đê, xây đập hay cống ngăn mặn dọc theo duyên hải và dọc theo sông ở hạ lưu thường bị nước mặn xâm nhập; dọc theo hai bờ sông Cửu Long, nơi nào nước lụt chảy tràn bờ, ta đắp đê ngăn lũ, xây các công trình lấy nước; nơi nào không có nước ngọt để thâm canh tăng vụ, ta đào kênh dẫn nước sông Cửu Long vào, nếu nước không tự chảy, ta xây dựng trạm bơm điện; nơi nào bị úng, ta thực hiện các công trình tiêu úng, chống úng,” [29] (Hình 10) với giả thiết là lúc nào cũng có sẵn nước ngọt trong sông!? Do đó, diện tích trồng lúa ở ĐBSCL đã tăng lên đến 1.963.000 ha (khoảng 49% diện tích của ĐBSCL) với 740.000 ha dẫn tưới trong mùa khô và 1.479.000 ha canh tác 3 vụ một năm [19].
Nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực Mekong
Việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong trong mùa khô của Lào, Thái Lan, và Cambodia bắt nguồn từ nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” của Việt Nam trong việc thành lập MRC vào năm 1995 để thay thế cho MC 1957. Vì muốn được “độc lập, tự do” để “làm thủy lợi” ở ÐBSCL (sử dụng tất cả lưu lượng kiệt của sông Mekong để trồng lúa trong mùa khô!), Việt Nam đã loại bỏ các nguyên tắc sử dụng nước trong dòng chánh ở hạ lưu sông Mekong của MC 1957, điều mà Thái Lan mong muốn để tiến hành các dự án thủy nông và thủy điện trong lưu vực sông Mekong như dự án thủy điện Pak Mun và thủy nông Kong-Chi-Mun. Nhận thấy hậu quả tai hại của nó, Việt Nam “muốn” thương thảo (bằng cách phản đối) nhưng phải “nhượng bộ” Thái Lan để “giúp” Cambodia vì Thái Lan xem việc loại bỏ các nguyên tắc của MC 1957 là điều kiện tiên quyết (preconditions) để cứu xét yêu cầu tái gia nhập MC của Cambodia vào tháng 6 năm 1991 [30].
Cuối cùng, vào ngày 5 tháng 4 năm 1995, Cambodia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam ký kết Thỏa ước Hợp tác Phát triển Khả chấp Lưu vực sông Mekong (Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River Basin) tại Chiang Rai, Thái lan để thành lập MRC. Thỏa ước 1995 không có một điều khoản ràng buộc pháp lý nào về việc sử dụng nước sông Mekong. Nói cách khác, Thỏa ước 1995 dành quyền quyết định cho “mỗi quốc gia thành viên được tự do thực hiện kế hoạch cho tương lai của mình (each member nation is free to carry out whatever plan or plans it has for its future)” [30].
Quản lý nguồn nước thiếu khoa học
Dựa vào dữ kiện lưu lượng của MRC [11], lưu lượng trung bình trong hai tháng đầu năm 2016 của sông Tiền tại Tân Châu là 3.265m3/sec và của sông Hậu tại Châu Đốc là 1.646m3/sec. Như vậy, lưu lượng trung bình của sông Mekong chảy vào ĐBSCL trong hai tháng đầu năm 2016 là 4.911m3/sec; tuy thấp hơn năm 2003 (7.042m3/sec) nhưng cao hơn năm 2004 (4.490m3/sec) [31]. Nếu diện tích trồng lúa Đông-Xuân 2015-2016 là 1.563.300 ha [9] với mức sử dụng nước tưới chỉ bằng ½ của dự án Huay Laung – Giai đoạn 1 (cần 6m3/sec cho 2.400 ha), phải cần một lưu lượng gần 3.910m3/sec, tức gần 80% số nước sông Mekong chảy vào ĐBSCL. Và đây chính là lý do của tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL.
Để đối phó với tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL, VKHTL đã đưa ra những biện pháp thiếu khoa học và không mang lại kết quả cho người dân, chẳng hạn như thiết lập trạm bơm hoặc đập tạm, nạo vét kênh mương, và nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa ở ven biển! Tệ hại hơn, VKHTL đề nghị “…các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh; Thực thi quyết liệt hành động chống hạn, hạn–mặn…” [9] và “…để tận dụng nguồn ngọt xảy ra rất ngắn (chỉ trong vòng 1 tuần), đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy ngọt, trong đó đặc biệt chú ý là mở các cống (ở các hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít,...), bơm,... khi nước ngọt xuất hiện (thường khi mực nước vừa và thấp)”[32]. Chính việc “lấy ngọt chống hạn” nầy càng làm giảm lưu lượng của sông, khiến cho nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền hơn! Việc nước mặn trên sông Hậu đã vào đến Cần Thơ [33], một sự kiện chưa từng có trong lịch sử của ĐBSCL, cho thấy mức tai hại của biện pháp “lấy ngọt chống hạn” của VKHTL. Và cuối cùng, VKHTL đề nghị tiếp tục “…đầu tư xây dựng các công trình chủ yếu chủ động kiểm soát, cấp nước ngọt cho các vùng ven biển” [34].

Biện pháp khắc phục thực tiễn và khả thi

Biện pháp cấp thời
Đồng ý với lập luận cho rằng “các hồ chứa thượng lưu” chi phối chủ đạo đến nguồn nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Trung Hoa gia tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam - làm nhiều đợt từ tháng 3 đến tháng 6, tháng 8, mỗi đợt kéo dài khoảng 7 ngày với lưu lượng tối thiểu là 2.300m3/sec [35] - để khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Trung Hoa cam kết sẽ xả nước từ đập Cảnh Hồng, từ ngày 15 tháng 3 đến 10 tháng 4 năm 2016, với lưu lượng là 2.190m3/sec [36].
clip_image026
Hình 11 – Lúa chết ở Sóc Trăng [TTXVN]
Việc xả nước sông Mekong của Trung Hoa có lẽ chỉ nhắm vào mục đích tuyên truyền và chính trị. Bộ trưởng Thủy lợi Trần Lôi của Trung Hoa cho biết: "Trung Quốc và Việt Nam vừa là đồng chí, vừa là anh em, lại là láng giềng hữu hảo liền sông liền núi. Do đó chúng tôi đã trao đổi với Bộ Ngoại giao, bắt đầu từ hôm qua chúng tôi quyết định tăng lưu lượng xả nước trên đập Cảnh Hồng lên 2000 mét khối trên giây [gấp đôi] mỗi ngày xuống hạ du. Thời gian xả nước bắt đầu từ ngày 15/3 kéo dài liên tục đến 10/4, sau đó tùy vào tình hình sẽ điều chỉnh thích hợp." Còn đài Phượng Hoàng ở Hongkong thì bình luận rằng: “Mặc dù giữa Trung Quốc với Việt Nam có những tranh chấp trên Biển Đông, hay một số nước phương Tây đặc biệt thích tuyên truyền lôi kéo một bộ phận người dân Việt Nam, khiến cho một số thành phần trong tầng lớp tinh anh của xã hội Việt Nam có cảm giác đề phòng Trung Quốc… Người Trung Quốc có câu, bán anh em xa mua láng giềng gần. Lúc Việt Nam và Thái Lan cần nước thì Trung Quốc liền cấp nước. Đó là điều Ấn Độ không thể làm, Nhật Bản và Hoa Kỳ càng không thể nào làm được. Do đó tôi nghĩ, sự kiện này sẽ là gợi ý cho một bộ phận người dân Việt Nam" [37]. Trên thực tế, việc xả nước của Trung Hoa là quá ít và quá trễ vì “…hầu hết các vùng canh tác lúa, hoa màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại gần hết rồi, đưa một lượng nước ít ỏi như vậy vào chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa” [38].
Biện pháp thực tiễn và khả thi cấp thời là sử dụng khôn ngoan số nước hiện có trong sông Tiền và Hậu để cứu vãn diện tích lúa Đông-Xuân chưa bị thiệt hại trong vùng không bị nhiễm mặn và dễ dẫn tưới. Tránh tối đa việc “lấy ngọt chống hạn” cho các vùng ven biển để giảm thiểu sự xâm nhập của nước mặn trong sông Tiền và Hậu hầu duy trì nguồn nước ngọt cho các thành phố lớn như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và Mỹ Tho.
Biện pháp ngắn hạn (2-3 năm)
Để việc khai thác ĐBSCL có hiệu quả, nước sông Mekong chảy vào Việt Nam cần được quản lý một cách chặt chẻ với dữ kiện lưu lượng và độ mặn đầy đủ và chính xác (đến mức có thể đạt được). Dữ kiện đó phải được thu thập bởi một hệ thống trạm thủy học đặt ở các vị trí quan trọng trên sông Tiền và Hậu và ở các cửa sông hay kinh đào lấy nước từ sông Tiền và Hậu. Vào ngày 17 tháng 3 vừa qua, UBSMC cho biết “…sẽ đặt hai trạm quan trắc để theo dõi lượng nước Trung Quốc xả vào sông Mekong.” Vị trí của hai trạm nầy không được loan báo [39], nhưng có lẽ là trạm Tân Châu và Châu Đốc, nơi sông Mekong chảy vào ĐBSCL. Việc đặt hai trạm nầy là quá ít và quá trễ để quản lý nguồn nước sông Mekong ở ĐBSCL trong mùa khô năm nay, nhưng hệ thống trạm thủy học vừa nói có thể được thực hiện trong vòng 1 hoặc 2 năm. Hệ thống nầy có thể giúp ấn định số lượng nước sử dụng ở ĐBSCL để duy trì mức xâm nhập nước mặn có thể chấp nhận được trong tương lai.
clip_image028
Hình 12 – Xâm nhập mặn ở ĐBSCL [VKHTL]
Giảm bớt số lượng nước dùng cho nông nghiệp bằng cách trồng một vụ lúa trong mùa mưa và hoa màu trong mùa khô ở vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn (Hình 12). Biện pháp nầy có thể giảm 2/3 nhu cầu nước tưới trong mùa khô trong vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn. Số nước tiết kiệm được đủ để ngăn chận sự xâm nhập của nước mặn vào sông Tiền và Hậu và duy trì nguồn nước gia dụng cho người dân.
Nghiên cứu khả thi việc sử dụng hồ chứa của các dự án thủy điện hiện có trên Cao nguyên miền Trung như Yali Falls, Plei Krong, và Sesan 4 cho mục đích thủy nông. Dựa theo diện tích của các hồ chứa nầy [12], một lượng nước lên đến 210 triệum3 có thể tích trữ nếu tăng mực nước điều hành của hồ lên 1 m. Số nước nầy, dùng để dự phòng cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay, đủ để cung cấp cho ĐBSCL một lưu lượng trung bình khoảng 500m3/sec trong 5 ngày; dĩ nhiên, với sự đồng ý và hợp tác của Cambodia.
Biện pháp dài hạn (trên 5 năm)
Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận và nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực sông Mekong; vì vậy, chánh sách phát triển từ năm 1975 và nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” cần phải được thay đổi, nếu muốn giải quyết dứt khoát tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL.
Chánh sách phát triển mới cần được cụ thể hóa trong kế hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL. “Nói một cách cụ thể, chánh sách biến tất cả đất đai có thể trồng trọt được thành ruộng lúa từ năm 1975 cần phải thay thế bằng chánh sách phát triển đa dạng và uyển chuyển dựa theo điều kiện tự nhiên của ÐBSCL. ÐBSCL cần phải được phân vùng để chọn lựa những vùng sản xuất tối ưu cho việc trồng lúa, trồng hoa màu, trồng cây ăn trái và cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản nước ngọt lẫn nước mặn, duy trì hệ sinh thái nội đồng và ven biển, và thiết lập những vùng đệm nhằm mục đích bảo vệ môi trường và vùng sinh thái. Những vùng sản xuất phải được chọn lựa như thế nào để tối ưu phúc lợi (benefit optimization) trong khi giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đối với các vấn đề đang gặp phải hiện nay; đó là, tình trạng lũ lụt, sạt lở bồi lắng, xâm nhập của nước mặn, ô nhiễm môi trường, và suy thoái hệ sinh thái.” [29]
Ngoài những “…bất cập của nhiều công trình thủy lợi bấy lâu nay được xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long” [40], “…hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL cũng phải được quy hoạch lại cho phù hợp với kế hoạch phát triển mới. Nói cách khác, ÐBSCL cần phải có một hệ thống thủy lợi hoàn toàn mới, được quy hoạch dựa theo quan niệm và nguyên tắc hoàn toàn khác với quan niệm và nguyên tắc được áp dụng cho hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL. Những công trình và dự án nào của hệ thống thủy lợi hiện nay không phù hợp với kế hoạch phát triển mới, không có hiệu năng, hoặc gây ảnh hưởng tai hại phải được tháo gỡ hoặc hủy bỏ… Nguyên tắc thích hợp nhất cho ÐBSCL là giảm thiểu sự can thiệp của con người càng nhiều càng tốt với mục tiêu ‘điều thủy’ chứ không phải là ‘trị thủy.’ Số lượng công trình thủy lợi ở ÐBSCL cần được giảm thiểu đến mức thấp nhất, nhất là những công trình ‘đào đấp,’ nhưng cần phải có những hồ chứa nước ở những vùng trũng sâu hay ở ngoài đồng bằng để điều tiết lưu lượng trong sông Tiền và Hậu trong mùa nắng lẫn mùa mưa.” [29]
Tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực sông Mekong cần phải được chấm dứt càng sớm càng tốt với việc “phục hồi” nguyên tắc của MC 1957 và Tuyên cáo chung 1975 về việc sử dụng nước ở hạ lưu sông Mekong. Hai nguyên tắc đầu tiên của MC 1957 là “(1) lưu lượng kiệt của sông Mekong hiện tại không thể bị giảm bằng bất cứ cách nào và bất cứ ở đâu; và (2) nước dùng cho thủy nông chỉ được dự trữ trong lúc mực nước sông dâng cao” [30]. Hai điều khoản quan trọng nhất của Tuyên cáo chung 1975 gồm có Ðiều X: “Nước trong dòng chánh là tài nguyên chung, không một quốc gia duyên hà nào được đơn phương sử dụng nếu không được các quốc gia trong lưu vực chấp thuận trước qua Ủy ban” và Ðiều XI: “Các quốc gia duyên hà có thẩm quyền ngang nhau trong việc sử dụng nước trong dòng chánh” [30].
Thỏa ước 1995 cũng cần có những ràng buộc pháp lý và biện pháp chế tài nếu các quốc gia vi phạm những điều khoản đã ký kết. Nếu cần, Việt Nam có thể thương lượng song phương với các quốc gia ở thượng lưu để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong việc phát triển sông Mekong.

Phần kết luận

Từ giữa tháng 2/2016, tuy chưa phải là cao điểm của mùa khô, báo chí trong nước cũng như các đài phát thanh quốc tế đã lên tiếng báo động về tình trạng hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở ĐBSCL, gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn ha lúa cũng như gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam như BNNPTNT, VKHTL, và UBSMC đều cho rằng “các hồ chứa thượng lưu” là nguyên nhân “chi phối chủ đạo.”
Dữ kiện lưu lượng tại các trạm thủy học do MRC công bố cho thấy nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL, không phải do các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa hay trên phụ lưu trong hạ lưu vực Mekong, mà chính là do việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong để dẫn tưới trong mùa khô ở Lào, Thái Lan, và Cambodia. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, lưu lượng trung bình do các nước nầy sử dụng lên đến 2.991m3/sec, tức 49% lưu lượng sông Mekong tại Kratié. Đó là chưa kể một lượng nước quan trọng do Cambodia sử dụng cho các dự án thủy nông ở hạ lưu Kratié, chẳng hạn như dự án Vaico và Stung Schinit.
Nhưng việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong trong mùa khô của Lào, Thái Lan, và Cambodia không phải là nguyên nhân duy nhất của tình trạng thiếu nước hiện nay ở ĐBSCL. Nó càng không phải do tình trạng hạn hán (hay thay đổi khí hậu) vì ĐBSCL hiện đang ở trong mùa khô. Nó bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận, nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực, và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học kéo dài từ năm 1975 cho đến nay.
Để cứu hạn mặn ở ĐBSCL, chánh phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Hoa xả nước sông Mekong từ đập Cảnh Hồng. Nhưng trên thực tế, biện pháp nầy “quá ít và quá trễ” vì hầu hết vùng canh tác lúa và hoa màu ở vùng ven biển đã bị thiệt hại gần hết.
Biện pháp thực tiễn và khả thi cấp thời là (1) sử dụng khôn ngoan số nước hiện có trong sông Tiền và Hậu để cứu vãn diện tích lúa Đông-Xuân chưa bị thiệt hại trong vùng không bị nhiễm mặn và (2) tránh tối đa việc “lấy ngọt chống hạn” cho các vùng ven biển để giảm thiểu sự xâm nhập của nước mặn trong sông Tiền và Hậu hầu duy trì nguồn nước ngọt cho các thành phố lớn như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và Mỹ Tho. Các biện pháp ngắn hạn có thể bao gồm việc (1) thực hiện hệ thống đo đạc lưu lượng và độ mặn đầy đủ và chính xác (đến mức có thể đạt được) dùng cho việc quản lý nguồn nước ở ĐBSCL, (2) giảm bớt số lượng nước dùng cho nông nghiệp bằng cách trồng một vụ lúa trong mùa mưa và hoa màu trong mùa khô ở vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn, và (3) nghiên cứu khả thi việc sử dụng hồ chứa của các dự án thủy điện hiện có trên Cao nguyên miền Trung cho mục đích thủy nông. Các biện pháp dài hạn có thể bao gồm (1) thay đổi chánh sách biến tất cả đất đai ở ĐBSCL thành ruộng lúa bằng một chánh sách đa dạng, uyển chuyển dựa theo điều kiện tự nhiên của ĐBSCL, (2) “cải tạo” hệ thống thủy lợi hiện nay ở ĐBSCL cho phù hợp với chánh sách phát triển mới, (3) “phục hồi” các nguyên tắc của MC 1957 và điều lệ của Thông cáo chung 1975 bị hủy bỏ khi ký kết Thỏa ước MRC 1995, và (4) thương thảo – song phương hoặc đa phương - với các quốc gia thượng nguồn để đạt đến thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý và có biện pháp chế tài để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong việc phát triển sông Mekong.
N.M.Q
Tác giả gửi BVN
----------

Tài liệu tham khảo

[1] Trung Chánh. 15 tháng 2 năm 2016. “Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn, mặn.” KinhtếSàigònOnline.http://www.thesaigontimes.vn/142287/Dong-bang-song-Cuu-Long-doi-mat-voi-han-man.html
[2] Quốc Thanh – Chí Quốc. 17 tháng 2 năm 2016. “Hạn, mặn đặc biệt trong gần 100 năm.” Tuổi Trẻ.http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160217/han-man-dac-biet-trong-gan-100-nam/1052728.html
[3] Thu Trang. 23 tháng 2 năm 2016. “Hạn, mặn kỷ lục do hồ chứa thượng nguồn.” Tin Tứchttp://baotintuc.vn/xa-hoi/han-man-ky-luc-do-ho-chua-thuong-nguon-20160225222551141.htm
[4] Thắng Quang – Minh Anh. 23 tháng 2 năm 2016.”Hạn, mặn kỷ lục 100 năm do hồ chứa ở thượng nguồn.” Zing.vn.http://news.zing.vn/Han-man-ky-luc-100-nam-do-ho-chua-thuong-nguon-post628410.html?google_editors_picks=true
[5] Nhóm Phóng viên. 1 tháng 3 năm 2016.”ĐBSCL khốn đốn vì hạn, mặn.” Sài Gòn Giải Phóng Online.http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/DBCuuLong/2016/3/413262/
[6] VOA Express. 22 tháng 2 năm 2016. “Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán tồi tệ nhất 1 thế kỷ.” VOA.http://www.voatiengviet.com/media/video/3198766.html
[7] BBC Tiếng Việt. 24 tháng 2 năm 2016. “Thiên tai ngập mặn tràn vào miền Tây.” BBC.http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/160224_mekong_delta_drought
[8] Gia Minh. 1 tháng 3 năm 2016. “Xâm nhập mặn và khô hạn nặng vùng ĐBSCL.” RFA.http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/severe-salinization-n-drought-mekong-delta-gm-03012016113436.html
[9] Trần Bá Hoằng. 28 tháng 12 năm 2015. “Dự báo xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp chống hạn. Cập nhật cuối tháng 12 năm 2015.” Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. TP Hồ Chí Minh, Việt Nam. http://www.siwrr.org.vn/tv3_files/Dubao_man_DBSCL_29_12_2015.pdf
[10] Thu Trang. 2 tháng 3 năm 2016. “Sử dụng hài hòa lợi ích nước sông Mê Kông.” Tin tứchttp://baotintuc.vn/xa-hoi/su-dung-hai-hoa-loi-ich-nuoc-song-me-kong-20160302225351088.htm
[11] Mekong River Commission (MRC). Updated weekly, 2010 and 2016. “Tabular rated and forecasted discharges.”Mekong River Commissionhttp://ffw.mrcmekong.org/tabulardata.htm
[12] Wikipedia. Accessed March 9, 2016. “Hydropower in the Mekong River Basin.”https://en.wikipedia.org/wiki/Hydropower_in_the_Mekong_River_Basin#cite_note-11
[13] Thomas Fuller. April 1, 2010. “Countries Blame China, Not Nature, for Water Shortage.” The New York Times.http://www.nytimes.com/2010/04/02/world/asia/02drought.html
[14] Nguyễn Minh Quang. Tháng 10 năm 2014. “Ảnh hưởng của các đập trên phụ lưu sông Mekong.” Chính danh hóa Việt Namhttp://chinhdanhhoavietnam.com/a124/anh-huong-cua-cac-dap-tren-phu-luu-song-mekong
[15] Khánh An – Lê Quân. 16 tháng 1 năm 2016. “Thái Lan ‘nắn’ dòng Mê Kông: Tác dụng ít, tai hại nhiều.” Thanh Niênhttp://thanhnien.vn/thoi-su/thai-lan-nan-dong-me-kong-tac-dung-it-tai-hai-nhieu-658451.html
[16] The Bangkok Post. January 24, 2016. “Mekong pumps to ease Isan drought.” The Bangkok Post.http://www.bangkokpost.com/news/general/836792/mekong-pumps-to-ease-isan-drought
[17] Mekong Flows. Accessed March 15, 2016. “Water Abstractions.” Mekongriver.info.http://www.mekongriver.info/water-abstractions
[18] Khonesavanh Latsaphao. November 13, 2015. “Floating Vientiane pump stations to access river water.” VientianeTimeshttp://www.vientianetimes.org.la/FreeContent/FreeConten_Floating.htm
[19] Adrian Young. March 2009. Regional Irrigation Sector Review for Joint Basin Planning Process. MRC.http://www.mrcmekong.org/assets/Other-Documents/BDP/BDP2-Irrigation-Sector-Review-Main-Report-Final-Mar2010.pdf
[20] Lacombe, Guillaume; Douangsavanh, Somphasith; Thepphavong, B.; Hoanh, Chu Thai; Bounvilay, B.; Noble, Andrew; Ongkeo, O.; Johnston, Robyn; Phongpachith, C. 2011. “Is there enough water in the Vientiane Plain?”International Water Management Institute.http://www.mpowernetwork.org/Knowledge_Bank/Key_Reports/PDF/Research_Reports/Nam_Ngum_Report_I.pdf
[21] Chawalit Chantararat. 17 september 2015. “Japanese Construction Technology to be utilized for Construction Projects in Thaland and Neighboring Countries. TEAM Consulting International Co.http://www.netisplus.net/seminar/pdf/151001/team.pdf
[22] Philippe Floch, François Molle and Willibald Loiskandl. January 2008. “Marshalling Water Resources: A Chronology of Irrigation Development in the Chi-Mun River Basin, Northeast Thailand.” IRD, M-Power, IWMI, and BOKU.https://www.researchgate.net/publication/280636510_Marshalling_water_resources_a_chronology_of_irrigation_development_in_the_Chi-Mun_river_basin_northeast_Thailand
[23] MRC. 27-28 January 2010. “Cambodia Baseline Assessment Perspective.” Regional Workshop on SEA Baseline Assessment.” Phnom Penh, Cambodia. ICEM.http://www.icem.com.au/documents/envassessment/mrc_sea_hp/2.%20baseline/presentations/pdf/10.%20Cambodia%20Baseline%20Assessment%20Perspective.pdf
[24] Yang Saing Koma, Khim Sophanna and Seng Sophak. January 19, 2011. “Irrigation development in Cambodia: Challenges and Opportunities.” TrustBuilding. https://trustbuilding.wordpress.com/2011/01/19/irrigation-development-in-cambodia-challenges-and-opportunities/
[25] Cambodia Agriculture Value Chain Program (CAVAC). Accessed March 16, 2016. “Promoting Irrigation.” Australian Aid and CAVAChttp://www.cavackh.org/promoting_irrigation/index/en
[26] The Phnom Penh Post. May 31, 2011. “Irrigation project on the Steung Streng river in Northwest Cambodia.” Agro Cambodiahttps://agrocambodia.wordpress.com/2011/05/31/irrigation-project-on-the-steung-streng-river/
[27] WLE and ICEM. 16 February 2014. Cambodia case study report. WLE and ICEM.http://www.optimisingcascades.org/wp-content/uploads/2014/04/AAS1205-REP-003-02_Stung-Chinit_final.pdf
[28] The Cambodia Herald. 21 February 2013. “Cambodia launches $200 mln irrigation project in eastern provinces.”The Cambodia Heraldhttp://www.thecambodiaherald.com/cambodia/cambodia-launches-200-mln-irrigation-project-in-eastern-provinces-3456
[29] Nguyễn Minh Quang., P.E. Tháng 9 năm 2006. “Những vấn để thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long.” Mekonginfo.http://www.mekonginfo.org/assets/midocs/0002375-environment-nhung-van-de-thuy-loi-o-dong-bang-song-cuu-long.pdf
[30] Nguyễn Minh Quang. Tháng 7 năm 2009.”Mối đe dọa lớn nhất của sông Mekong và hiểm họa thật sự của Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.” Mekonginfohttp://www.mekonginfo.org/assets/midocs/0003047-inland-waters-m-i-e-d-a-l-n-nh-t-c-a-s-ng-mekong-v-hi-m-h-a-th-c-s-c-a-ng-b-ng-s-ng-c-u-long-vi-t-nam.pdf
[31] MRC. No Date. Lower Mekong Hydrologic Yearbook 2003-2004 (CD-ROM). MRC. Vientiane, Lao PRD.
[32] Trần Bá Hoằng. 16 tháng 2 năm 2016. “Thông báo khẩn cấp về xâm nhập mặn và lấy nước chống hạn Đồng bằng sông Cửu Long.” VKHTLhttp://www.siwrr.org.vn/tv3_files/Thong%20bao%20lay%20nuoc_16-2-2016.pdf
[33] Huy Phong – Thư Quỳnh. 14 tháng 3 năm 2016. “Nước mặn đã vào đến Cần Thơ.” Sài Gòn Giải Phóng.http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/DBCuuLong/2016/3/414598/
[34] Trần Bá Hoằng. 29 tháng 2 năm 2016. “Dự báo xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp chống hạn. Cập nhật cuối tháng 2 năm 2016.” VKHTL.http://www.siwrr.org.vn/tv3_files/VKHTLMN_Dubaoman_DBSCL_Cap%20nhat%20Cuoi%20T2_2016_End.pdf
[35] Lê Anh Tuấn. 16 tháng 3 năm 2016. “Hạn, mặn ở ĐBSCL: Có nên trông chờ vào thủy điện TQ?”KinhtếSàigònOnlinehttp://www.thesaigontimes.vn/143651/Han-man-o-DBSCL-Co-nen-trong-cho-vao-thuy-dien-TQ.html
[36] Sơn Ca. 16 tháng 3 năm 2016. “Thủ tướng cứu nguy ĐBSCL: Lời cam kết từ Trung Quốc.” Đất Việt.http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/thu-tuong-cuu-nguy-dbscl-loi-cam-ket-tu-trung-quoc-3302968/
[37] Hồng Thủy. 17 tháng 3 năm 2016. “Quan chức, truyền thông Trung Quốc nói gì về xả nước sông Mekong?” Giáo dục Việt Namhttp://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Quan-chuc-truyen-thong-Trung-Quoc-noi-gi-ve-viec-xa-nuoc-song-Me-Kong-post166469.gd
[38] Lê Anh Tuấn. 16 tháng 3 năm 2016. “Hạn, mặn ở ĐBSCL: Có nên trông chờ vào thủy điện TQ?”KinhtếSàigònOnlinehttp://www.thesaigontimes.vn/143651/Han-man-o-DBSCL-Co-nen-trong-cho-vao-thuy-dien-TQ.html
[39] VietnamNet TV. 17 tháng 3 năm 2016. “Đặt hai trạm quan trắc theo dõi Trung Quốc xả nước vào hệ thống sông MeKong.” VietnamNet TVhttp://vietnamnettv.vn/trong-nuoc/dat-hai-tram-quan-trac-theo-doi-trung-quoc-xa-nuoc-vao-he-thong-song-mekong-a20160317230051508-c110.html?utm_source=BoxNhung_vietnamnettv.vn&utm_medium=BoxNhung_vietnamnettv.vn&utm_campaign=BoxNhung
[40] Đài Tiếng nói Việt Nam. 13 tháng 3 năm 2016. “Các giải pháp phòng chống hạn mặn cho vựa lúa quốc gia.” Giáo dục Việt Namhttp://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Cac-giai-phap-phong-chong-han-man-cho-vua-lua-quoc-gia-post166354.gd

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Cu Ba sẽ tiến nhanh


Cu Ba sẽ tiến nhanh

Cái khó nhất của nước Cu Ba là mối quan hệ và các đối sách với nước Mỹ. Sống cạnh một nước láng giềng to lớn như Mỹ, lại bị chính nước này cấm vận triệt để kéo theo chuỗi cấm vận của hầu như toàn bộ thế giới phương Tây trong hơn 5 thập kỷ qua, Cu Ba gặp muôn vàn khó khăn mà ai cũng biết...
 
Về mặt nội bộ, trong các nước XHCN trước kia và tính cho đến nay, về khía cạnh gọi chung là "Đổi Mới" thì Cu Ba được coi là không thay đổi gì. Nước bạn rất "kiên trì" con đường đã chọn. 

Tưởng như vô vọng mỗi khi nghĩ về Cu Ba...

Ấy thế mà, sau những cuộc mật đàm giữa nước này với Mỹ, kết thúc của nó là Bình thường hóa quan hệ, thì bước tiếp là cánh cửa của đất nước đã mở ra nhanh chóng với thế giới bên ngoài. Hiếm có quốc gia nào quan hệ có thể gọi một từ là "thâm thù" với đế quốc Mỹ mà lại có những bước đi nhanh chóng với Washington như vậy! Thoáng ngày tháng nào lãnh đạo 2 nước thỏa thuận và cam kết quá trình bình thường hóa sẽ tiến hành nhanh và toàn diện thì chỉ ít lâu sau 2 Đại sứ quán đã chính thức khai trương trở lại (vì trước kia 2 nước đã có quan hệ rồi cắt đứt) với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của 2 quốc gia... Rồi nay lại đến chuyến thăm của vị tổng thống nước Mỹ tới Cu Ba, một sự kiện ít người nghĩ tới là diễn ra nhanh như vậy.

Theo dõi lâu về đất nước này, quan sát các sự việc của một vài năm nay, người viết mấy dòng này tự nghĩ (và chắc nhiều bạn cũng có ý nghĩ như vậy), là CU BA SẼ TIẾN NHANH.

Vệ Nhi

-----

Dưới đây xin đưa lại  --->>> BÁO CHÍ MỸ ĐƯA TIN VỀ CHUYẾN ĐI THĂM CU BA CỦA TỔNG TỔNG THỐNG MỸ OBAMA

Tổng thống Obama đặt chân xuống Cuba trong chuyến thăm lịch sử



Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong chuyến thăm lịch sử của ông tới Cuba, bước khỏi chuyên cơ Không lực Một chỉ sau 4 giờ 30 phút một chút vào một buổi chiều Chủ nhật oi ả, trời nhiều mây và có mưa nhỏ tại sân bay Jose Marti ở Havana.




Trước khi ra khỏi chuyên cơ, ông Obama viết trên Twitter "¿Que bolá Cuba?" như một lời chào hỏi và nói ông "mong được gặp gỡ và nghe trực tiếp từ người dân Cuba."

Trên đường băng, Tổng thống, phu nhân, hai con gái của ông và mẹ vợ của ông được đón tiếp bởi một phái đoàn nhỏ của Cuba do Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez dẫn đầu. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Cuba, Tham tán Jeffrey DeLaurentis, cũng có mặt để đón tiếp gia đình Obama.

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, hai con gái Sasha và Malia, và mẹ của bà Michelle Marian Robinson được tặng hoa.

Ông Obama dẫn theo một phái đoàn gồm những nhà lập pháp của cả hai chính đảng của Mỹ, những giám đốc điều hành của những công ty lớn và những người Mỹ gốc Cuba có tiếng.

Tổng thống Mỹ vẫy chào đám đông đứng gần đó khi ông bước lên xe limousine tại sân bay và được chở đi đến dự một buổi gặp mặt những nhân viên Đại sứ quán Mỹ và gia đình họ tại Khách sạn Melia Habana ở Havana.




Trong bài phát biểu tại khách sạn, ông Obama nói: "Có một Đại sứ quán Hoa Kỳ (ở Cuba) có nghĩa là chúng ta thật ra có thể thăng tiến những giá trị của chúng ta, lợi ích của chúng ta và hiểu biết một cách hữu hiệu hơn" những mối quan tâm của người dân Cuba. "Đây là một chuyến thăm lịch sử và một cơ hội lịch sử."

Ông cũng nói đùa rằng, "Thời năm 1928, Tổng thống (Calvin) Coolidge đến (Cuba) trên một chiến hạm. Phải mất ba ngày ông ấy mới đến được đây. Tôi chỉ mất có ba giờ."

Ông Obama và gia đình chủ yếu sẽ làm khách du lịch vào đêm đầu tiên trên đảo quốc ở vùng Caribe này, đi tham quan những địa điểm nổi tiếng của Phố Cổ Havana.

Gia đình Tổng thống Obama cũng đã được dẫn đi tham quan Phố Cổ Havana cùng trong ngày 20 tháng 3. 2016.

------

THAM KHẢO BÁO CHÍ VIỆT NAM

Obama mang gì tới Cuba?

Chuyến thăm lịch sử tới Cuba sẽ giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ mở ra chương mới cho mối quan hệ sóng gió giữa hai nước.

Chuyến công du của ông Obama kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 20/3. Đây là sự kiện mang tính biểu tượng cho một cuộc thử nghiệm ngoại giao đầy tham vọng mà nhà lãnh đạo Mỹ cùng Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo cách đây gần một năm.
Mỹ, Cuba, Obama, Barack Obama, công du, chuyến thăm, lịch sử, công cụ, ngoại giao, công cụ ngoại giao, Havana
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng gia đình đặt chân tới thủ đô Cuba trong mưa. (Ảnh: Reuters)
Sau hơn một nửa thế kỷ băng giá, hai cựu thù Chiến tranh Lạnh giờ đây quay trở lại bình thường hóa quan hệ. Du khách và doanh nghiệp Mỹ đang háo hức nắm bắt cơ hội ở đất nước nhỏ bé cách bang Florida chưa đầy 150km.
Cây viết Gregory Korte bình luận trên tờ USA Today rằng chuyến thăm có thể được coi là một phép thử đối với "học thuyết Obama", rằng việc lôi kéo một số nước xa lánh Mỹ có thể mang lại hòa bình, dân chủ và thịnh vượng lớn hơn. Washington bước đầu đã thành công với Myanmar và đang trên đà tiến với Iran.
Theo một cách nào đó, có thể nói Tổng thống Mỹ đang lội ngược dòng lịch sử kéo dài đã hơn 60 năm. Và trong hành trang ông mang tới Havana có rất nhiều công cụ ngoại giao: 11 CEO Mỹ đang nóng lòng đạt được các thỏa thuận ở thị trường mới nổi; khả năng dỡ bỏ thêm nữa các giới hạn đã áp đặt nhiều chục năm qua về thương mại và du lịch; và cả một tình yêu chung nồng nhiệt về bóng chày.
Cùng với gia đình, Tổng thống Obama sẽ tản bộ trên các con phố ở Havana Cổ và gặp Chủ tịch Raul Castro - những hình ảnh mà mới cách đây vài năm ít người có thể nghĩ tới. Ông sẽ ngồi ở khán đài cùng nhiều người Cuba mê bóng chày để xem trận đấu lịch sử giữa đội tuyển quốc gia ưa thích của họ và đội Tampa Bay Rays của Liên đoàn Bóng chày Major League Baseball.
Trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã chỉ trích Obama vì bình luận rằng ông sẽ tận dụng chuyến công du để thúc đẩy thay đổi. Rodriguez khẳng định nhiều thay đổi về chính sách ngoại giao của Obama không có ý nghĩa gì.
Theo báo Mass Live, trong khi ở Havana, Obama sẽ dự một quốc tiệc và đặt vòng hoa tại tượng đài Jose Marti, một anh hùng độc lập Cuba. Ông cũng sẽ có bài phát biểu tại Nhà hát Lớn Havana và sự kiện này sẽ được phát sóng trên đài truyền hình Cuba. Các trợ tá Nhà Trắng cho biết Tổng thống của họ sẽ định ra một tầm nhìn về tự do và cơ hội kinh tế nhiều hơn.
Trước chuyến thăm, ông Obama đã thông báo các bước đi để dỡ bỏ thêm cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Cuba, trong đó có nới lỏng hạn chế đi lại cho người Mỹ và phục hồi sự tiếp cận của Cuba với hệ thống tài chính thế giới.
Phía Cuba tỏ ra chậm chạp hơn trong việc chấp nhận cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại quốc đảo này và thực hiện các bước đi khác mà Mỹ mong muốn. Tuy nhiên, Havana đã thông báo các kế hoạch bỏ khoản phí chuyển đổi 10% áp lên đồng đôla Mỹ.
Thanh Hảo 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/295183/obama-mang-gi-toi-cuba.html

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Sự thực thế nào thì phải phản ánh khách quan đúng như vậy

  Sự thực thế nào thì phải phản ánh khách quan đúng như vậy

Nhận được bài phỏng vấn này thấy có những thông tin và nhận định mới về cuộc chiến đấu của quân dân ta chống TQ xâm lược 2/1979. Nhưng điều quan trọng hơn nữa của bài viết chính là cái ý mà bài phỏng vấn muốn nhắm tới được thể hiện "toàn bộ" ở đầu đề mà chủ blog tôi rút ra trong một câu trả lời của người được phóng vấn. Nó liên quan đến chuyện chép sử, đến chuyện gần đây có người nói sách giáo khoa "vì sao" lại đánh trống lảng về cuộc chiến tranh ở 6 tỉnh biên giới chống quân xâm lược TQ?

Xin mời bà con và bạn bè đọc toàn văn bài phỏng vấn dưới đây và tự đưa ra ý kiến riêng của mình.

Vệ Nhi

Tít bài phỏng vấn giữ nguyên văn từ email nhận được. 

------

Viện trưởng Lịch sử Đảng: "Vì hòa bình chúng ta đã chấp nhận cho Trung Quốc rút quân"


Năm 1979, Lệnh Tổng động viên được ban bố, các quân đoàn chủ lực đã vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng truy quét tiêu diệt quân xâm lược, nhưng Việt Nam đã chấp nhận cho Trung Quốc rút quân vì hòa bình của dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308 trả lời phỏng vấn VnExpress, nhân kỷ niệm 37 năm ngày Việt Nam phát lệnh tổng động viên bảo vệ biên giới phía bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.
- Thưa ông, 18 ngày sau khi Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc, ngày 5/3 Việt Nam đã ra lệnh tổng động viên. Đúng ngày này, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Ông có thể phân tích động thái này của Trung Quốc trong bối cảnh lúc bấy giờ?
vien-truong-lich-su-dang-vi-hoa-binh-chung-ta-da-chap-nhan-cho-trung-quoc-rut-quan
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: "Trung Quốc đã nhận lấy hậu quả khi tiến hành cuộc chiến tranh biên giới". Ảnh: Hoàng Phương.
- Trước khi đưa quân tràn sang biên giới vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" và lý luận rằng đây chỉ là "phản kích, tự vệ" vì "Việt Nam đưa quân sang đánh một số điểm trong nội địa Trung Quốc". Nhưng cả thế giới không tin câu chuyện đó, bởi "phản kích" thì không ai đưa hàng trăm nghìn quân sang đánh phá lãnh thổ nước khác.
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc chưa tròn 4 năm, hơn ai hết nhân dân Việt Nam hiểu thấu giá trị của hòa bình. Dù trước đó Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam rất nhiều nhưng chủ quyền biên giới là bất khả xâm phạm. Trung Quốc tấn công thì chúng ta phải tự vệ và lệnh tổng động viên là một mệnh lệnh phù hợp với tình thế đó.
Một trong những lý do quân Trung Quốc đưa quân tràn sang Việt Nam là để kiểm tra khả năng chiến đấu của quân đội. Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách, và hiện đại hóa quân đội là một trong 4 mục tiêu của họ. Chiến tranh biên giới 1979 như một cuộc thử nghiệm khả năng đánh trận của quân đội Trung Quốc bởi gần ba thập kỷ họ không tham gia trận đánh lớn nào từ sau chiến tranh Triều Tiên 1953.
Cuộc chiến chính thức diễn ra chưa đầy 3 tuần. Có lẽ chúng ta cũng không biết trước họ sẽ rút quân vào ngày 5/3. Khi Trung Quốc biết Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ cơ động các đơn vị chủ lực từ mặt trận phía Nam và từ Campuchia lên phía Bắc thì họ tuyên bố rút quân.
- Việt Nam đã phản ứng như thế nào trước tuyên bố hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học" và rút quân của Trung Quốc?
- Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18/3 thì rút hết. Chúng ta để cho họ thực hiện và giám sát việc này. Khi đó, các quân đoàn chủ lực của ta đã cơ động lên đến biên giới phía Bắc và vào vị trí chiến đấu, thậm chí là bao vây và sẵn sàng tiêu diệt các lực lượng quân Trung Quốc. Nhưng chúng ta kiềm chế không đánh, đề phòng họ lấy cớ quay trở lại khiến cuộc chiến tranh kéo dài. Các đơn vị cũng nhận lệnh để cho họ rút và không tiến hành truy quét, tiêu diệt.
Nếu nói về trình độ thì quân đội Việt Nam vẫn rất thiện chiến, vũ khí cũng còn dồi dào, nhưng dân tộc Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc trường kỳ kháng chiến, kinh tế còn khó khăn và thẩu hiểu giá trị của hoà bình. Do đó, chúng ta lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề.
- Vậy theo ông, Trung Quốc đã sai lầm như thế nào khi động binh tấn công Việt Nam năm 1979? 
- Thay vì dạy cho Việt Nam một bài học thì chính Trung Quốc đã nhận lấy hậu quả khi tiến hành cuộc chiến tranh này. Ban đầu, khi đưa hàng chục vạn quân, vũ khí và phát động chiến tranh trên toàn tuyến biên giới thì ắt hẳn họ phải có một sự chuẩn bị lâu dài. Nhưng xét cho cùng, hành động đó lại là thiếu tính toán.
Ngoài quân số tổn thất lớn, không đạt được mục tiêu, Trung Quốc còn làm cho mối quan hệ hai nước rơi vào một thời kỳ đen tối, tạo ra hố sâu ngăn cách giữa hai dân tộc, sự nghi kỵ giữa nhân dân hai nước. Hậu quả ấy vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay và là một vết đen không xóa ngay được. Thế giới cũng nhận ra Trung Quốc là một "anh bạn" khó chơi, hảo hảo thì bắt tay nhau, nếu không thì sẵn sàng trở mặt. Đó là điều mà họ không lường được.
- Từ cuộc chiến biên giới phía Bắc có thể rút ra bài học gì cho việc giải quyết bất đồng hiện nay về biên giới, lãnh hải?
- Cuộc chiến chính thức kéo dài từ 17/2 đến 5/3/1979, nhưng xung đột biên giới thì kéo dài đến tận năm 1988. Việt Nam đã mất một phần không nhỏ nhân lực, vật lực trong cuộc chiến này. Để giảm bớt căng thẳng, chúng ta bắt đầu giảm quân, cho phục viên số lượng lớn bộ đội song vẫn giữ lực lượng thường trực để bảo vệ biên giới. Năm 1988, Việt Nam chủ động rút quân chủ lực cách đường biên giới 40 km. Trước động thái đó, Trung Quốc cũng cho rút dần quân khiến tình hình biên giới lắng dịu. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các "ngòi nổ" căng thẳng chính thức được tháo ra ở cả phía Bắc lẫn phía Nam. Đây là một trong số các yếu tố để hai nước bình thường hóa quan hệ.
Cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động, các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu đứng trước sự sụp đổ. Trung Quốc nhận ra rằng nếu không có đồng minh thì chế độ xã hội chủ nghĩa cũng không giữ được. Điều họ mong muốn là có một chỗ đứng trên trường quốc tế. Đó là một trong những lý do họ quay lại đàm phán với Việt Nam. Năm 1991, sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô (Trung Quốc) thì hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ. Điều đó cho thấy, nếu Trung Quốc cũng chủ trương giải quyết vấn đề bằng hòa bình, mềm mỏng như Việt Nam thì đã không có những hậu quả xảy ra.


vien-truong-lich-su-dang-vi-hoa-binh-chung-ta-da-chap-nhan-cho-trung-quoc-rut-quan-1
Hà Nội ngày 5/3/1979 - ngày Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên. Ảnh tư liệu. 
 
 - Cho đến nay, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 vẫn chưa được nhắc đến đúng với vị thế của nó trong lịch sử. Là một người lính, lại là một nhà sử học, ông đánh giá gì về điều này?
 
- Phải nói rằng đây là một cuộc chiến tranh quy mô lớn, cuộc động binh xâm lược mà không thể dùng từ nào khác để diễn tả đúng bản chất của nó. Quan điểm của chúng tôi - những người viết sử, rằng sự thực thế nào thì phải phản ánh khách quan đúng như vậy. Nếu chúng ta không đề cập đến thì mười lăm, hai mươi năm nữa, con cháu chúng ta lớn lên không hiểu gì về mối quan hệ Việt - Trung giai đoạn này, không biết thực chất cuộc chiến tranh đã diễn ra như thế nào. Đây là cuộc chiến đã giết chết hàng chục nghìn người, tàn phá 4/6 thị xã của các tỉnh biên giới phía Bắc, gây ra hậu quả nặng nề. Để cho thế hệ mai sau không biết gì hoặc hiểu sai về cuộc chiến là có tội với lịch sử.





Chúng tôi cũng đã có tổng kết trong một số công trình nghiên cứu nhưng vẫn còn hạn chế. Có một điều đáng tiếc hơn là dung lượng cuộc chiến đưa vào sách giáo khoa để giảng cho học sinh vẫn còn quá ít, chỉ hơn 10 dòng.
Tháng 12/2013, khi Thủ tướng gặp Ban Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, giới sử học đã có văn bản kiến nghị phải giáo dục về lịch sử dựa trên những sự thực đã diễn ra. Trên bộ thì phải đưa chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa, trên biển thì phải cho học sinh biết lịch sử chủ quyền biển đảo… Giáo dục phải dựa trên những chứng cứ, sự thực lịch sử. Đây là bài học cho hiện tại và tương lai, cho mối quan hệ giữa hai nước để rút ra bài học phải ứng xử như thế nào trong hoàn cảnh đó và cho cả hiện nay.
Thủ tướng đồng ý ngay và trả lời bằng văn bản, yêu cầu các bộ ban ngành phải thực hiện. Song không biết khúc mắc ở khâu nào mà sách giáo khoa lịch sử vẫn chưa thực hiện được đầy đủ như kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử. 

Hoàng Phương thực hiện


  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...