Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Ngã ba đường...



Ngã ba đường...

Hồi này tác giả Nguyễn Quang Dy chắc mệt mỏi? Anh không viết đều như những tháng trước, có tháng tới 3 - 4 bài. Tuần vừa qua anh nhắn và gửi cho blog tôi bài mới, nhưng do việc bận rộn, mãi hôm nay tôi mới đưa lên được.

Xin giới thiệu với các bạn bài viết mới này của Nguyễn Quang Dy.

Vệ Nhi

-------
 
Việt Nam tại ngã ba đường: Thập diện Mai phục


Nguyễn Quang Dy

Tuy không biết ai dịch tên bộ phim “Thập diện Mai phục” (2004) của Trương Nghệ Mưu thành “House of Flying Daggers”, nhưng cái tên phim đó có vẻ hợp với thực trạng Việt Nam lúc này. Đất nước tại ngã ba đường, có quá nhiều rủi ro nguy hiểm, không chỉ có thiên tai mà còn nhân họa, không chỉ có thù trong mà còn giặc ngoài, rất dễ bị bắc thuộc. 




Tai họa đến hẹn lại lên

Như đến hẹn lại lên, mỗi năm khi đến mùa bão lụt, cả nước lại rộ lên bức xúc trước những tai họa kinh hoàng, gây tổn thất nặng nề về người và của. Nhưng khi mùa bão lụt qua đi, người ta lại chóng quên, để rồi đến năm sau tai họa lại ập đến lớn hơn. Trong khi các quan chức mải mê thu hồi vốn vì “tư duy nhiệm kỳ”, thì người dân vẫn quen sống tạm bợ (như thời chiến). Trong khi các tượng đài hàng ngàn tỷ tại Sơn La, Lai Châu làm cạn kiệt ngân sách, thì các biệt phủ trăm tỷ tại Yên Bái góp phần làm người dân càng thêm nghèo đói.

Tuy thiên tai vẫn xảy ra tại nhiều nước (do biến đổi khí hậu) nhưng nhân họa tại Việt Nam nổi cộm hơn (do lòng tham và ngu dốt). Người ta hồn nhiên tàn phá rừng đầu nguồn đến cạn kiệt, và đổ xô đầu tư vào quá nhiều dự án thủy điện, làm thay đổi môi trường. Đến mùa bão lụt, người ta lại hồn nhiên xả lũ “đúng quy trình” và để cho đê vỡ “theo kế hoạch”. Không chỉ phá rừng đầu nguồn, người ta còn hồn nhiên định chặt hết cây xanh tại Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên mà viện Gallup (năm 2012) đã xếp hạng Việt Nam là một trong những nước vô cảm nhất thế giới. Người Việt không những hồn nhiên đầu độc lẫn nhau bằng thực phẩm bẩn, mà còn vô tư hủy hoại môi trường sống của mình và đồng loại, như phá rừng, gây ngập lụt bằng thủy điện, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước bằng nhiệt điện (như Vĩnh Tân) bằng khai thác bauxite (như Nhân Cơ), và siêu dự án thép (Formosa).   

Tài nguyên và lòng tin cạn kiệt

Nước Việt Nam nổi tiếng về “rừng vàng biển bạc”, người Việt nổi tiếng thông minh, cần cù, giàu lòng yêu nước. Nhưng tại sao đất nước vẫn tụt hậu? Trong khi rừng vàng bị phá gần hết, biển bạc ô nhiễm nặng, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ngân sách quốc gia gần trống rỗng, thu không đủ chi, phải tận thu ngân sách, thì lòng tin của người dân cũng cạn kiệt. Cả quan lẫn dân đổ xô “tìm đường cứu nước” bằng cách chạy ra nước ngoài.    

Có những cái chết bất ngờ (đột tử) nhưng cũng có những cái chết từ từ (đẳng tử). Người dân chết do tai nạn giao thông (mỗi ngày trung bình 22 người), do lũ quét và sạt lở kinh hoàng (như tại Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình), do xả lũ “đúng quy trình” (tại “khúc ruột miền Trung”), do hạn hán và ngập mặn (tại đồng bằng Nam Bộ), do bệnh tật hiểm nghèo (như ung thư), do dịch bệnh nguy hiểm (như sốt xuất huyết), do ngộ độc thực phẩm hay tai nạn y tế vì nhầm thuốc và thuốc giả (như vụ Pharma), do bạo lực đường phố, học đường, và ngay tại các lễ hội truyền thống. Từ lừa đảo, trộm chó, trộm bò, đến cướp ngân hàng, đang làm xã hội bất an. Rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập người dân, mọi nơi, mọi lúc, như “Thập diện Mai phục”.

Tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng thực trạng giáo dục khủng hoảng, văn hóa suy đồi, môi trường sống không an toàn, đang gây tâm lý bất an trong cộng đồng (cả dân lẫn quan). Chất lượng giáo dục thấp nên năm 2016 có 225.000 sinh viên có bằng cử nhân hay thạc sỹ bị thất nghiệp (theo Dân Trí, 2016). Do khủng hoảng giáo dục, nên các gia đình nghèo khó ở nông thôn cũng như các gia đình khá giả ở thành phố đều tìm mọi cách để chạy cho con vào “trường quốc tế” (như Vinschool) hay đi học nước ngoài (như chạy loạn).    

Bức tranh vẫn ảm đạm  

Tuy chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, nhưng có vẻ chững lại (tại TƯ 6), như có dấu hiệu thỏa thuận ngầm giữa các phe phái. Thế và lực của phe Tổng Bí thư tuy đã mạnh lên đáng kể, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức áp đảo đối phương. Cuộc chiến giữa các phe phái tuy căng thẳng nhưng vẫn chưa đến hồi kết (phải chờ TƯ 7). Tuy sức ép đòi đổi mới thể chế chính trị ngày càng mạnh, nhưng hồ sơ nhân quyền ngày một xấu.



Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số kinh tế của Việt Nam (năm 2017) tuy có dấu hiệu cải thiện (tăng trưởng quý 4 sẽ là 7,12%), nhưng không bền vững (lạm phát quý 4 sẽ vượt mức 4%) và bức tranh tài chính vẫn ảm đạm. Tình hình thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn nan giải, thu không đủ chi, dự trữ ngoại hối chỉ đủ trả nợ nước ngoài đến hạn. Tỷ lệ bội chi ngân sách khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (là 3%). Dư nợ Chính phủ (năm 2015) là $94,3 tỷ (chiếm 61% GDP), trong khi nợ nước ngoài là $39,6 tỷ.

Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã vay thì tổng số nợ công của Việt Nam (năm 2016) khoảng $431 tỷ (chiếm 210% GDP). Trong khi đó, các chủ trương lớn của “chính phủ kiến tạo” như đổi mới thể chế và “nhất thể hóa” bộ máy cồng kềnh tốn kém, cũng như cổ phần hóa và chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (bị thua lỗ), vẫn đang dậm chân tại chỗ và trì trệ như những khẩu hiệu suông. Nếu bán các doanh nghiệp hàng đầu, thì nguy cơ sẽ bị các doanh nghiệp Trung Quốc thôn tính.  

Phải đổi mới vòng hai

Về đối ngoại, Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị, nhưng quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ lại bấp bênh (vì Trump thắng cử, bỏ rơi TPP). Quan hệ đối tác chiến lược với Đức lâm vào khủng hoảng (sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh). Quan hệ đối tác chiến lược với Nhật ngày càng quan trọng (nhưng chưa thật vững chắc). ASEAN càng bị phân hóa và suy yếu (do Trung Quốc thao túng), Việt Nam càng cô đơn.

Về an ninh quốc phòng, nguy cơ Việt Nam bị Trung Quốc bắt nạt, có thể mất nốt chủ quyền tại Biển Đông ngày càng lớn, sau khi Trung Quốc dọa tấn công các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa, buộc Repsol (Tây Ban Nha) phải rút khỏi mỏ dầu “Cá Rồng Đỏ” (lô 136/03). Nếu Trung Quốc tiến thêm một bước nữa, buộc OVL (Ấn Độ) rút lui khỏi dự án thăm dò dầu khí (tại lô 128), và buộc ExxonMobil (Mỹ) không được hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí “Cá Voi Xanh” (lô 118), thì Biển Đông sẽ thành cái ao của Trung Quốc.

Đất nước bị các phe nhóm tranh giành quyền lực và lợi ích, “ăn không từ cái gì”, gây tụt hậu và chia rẽ ngày càng nghiêm trọng, làm dân chúng mất hết lòng tin (mà vụ Đồng Tâm là một ví dụ). Nếu không đổi mới thể chế và dân chủ hóa thì người Việt không thể hòa giải, và Việt Nam dễ trở thành miếng mồi ngon cho bắc thuộc lần nữa. Người Việt đang đứng trước ngã ba lịch sử, như “thập diện Mai phục”, phải sớm tỉnh ngộ để đổi mới vòng hai.

NQD. 16/10/2017


Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

RA RÀNG, RA VỚI THẾ GIỚI...

RA RÀNG, RA VỚI THẾ GIỚI...


Một khi ra với thế giới, muốn được bầu bán để điều hành các tổ chức thế giới, tổ chức của toàn cầu thì đừng quá nhấn mạnh đến "(ngồi) vào thì có lợi ích cho nước mình". Nói thế ai người ta muốn bầu cho mình, muốn lựa chọn mình nữa.

Ngồi vào cái ghế chót vót kia (của tổ chức thế giới, toàn cầu nào đó) thì không những cần có đủ năng lực mà cần nhất là sự vô tư, trong sáng, minh bạch. Phải vì cái chung, vì quyền lợi của chính tổ chức toàn cầu mà mình tham gia - phụng sự, vì quyền lợi của (các) nước thành viên khác... chứ không chỉ nhăm nhăm giành quyền lợi về cho nước mình - mặc dầu ngầm ý cũng là có quyền lợi nước mình.
Tháng 5 sơ tuyển (chọn bầu) cho chức TGĐ tổ chức UNESCO đã có chuyện ứng cử viên (ƯCV) của ta mang chai nước uống của một doanh nghiệp VN sản xuất đặt lên bàn trước ghế ngồi của mình. Dư luận rộ lên như thế ƯCV ta liệu có ý tiếp thị, tức mang lợi ích cho doanh nghiệp của VN hay không, một điều dễ bị ban giám khảo "soi" và giảm cảm tình khi quyết định cho điểm...

Nay chẳng biết sao khi vào vòng cuối lựa chọn cho cái chức cao ở trên nói tới, nước mình lại để báo chí nói đậm, viết nhiều nào là vào được chức này thì sẽ góp phần quan trọng "đẩy mạnh cả hợp tác song phương và đa phương của VN chúng ta trên trường quốc tế...", cứ đều đều một giọng quá "vơ vào" cho ta như thế, như thế.

Vun vén cho nước mình nhiều quá (trong khi tranh chức cao của một tổ chức có uy tín toàn cầu nào đó) là một hành xử không khôn ngoan, nếu không muốn nói là dại dột. Làm thế vô hình chung gây hại đến ƯCV của nước mình.
 Mới biết để đi ra và bay cao cùng thế giới là khó. Phải hiểu biết toàn diện, chứ cái cách nói, chỉ đạo, rồi thông tin tuyên truyền kiểu cũ lâu nay, nặng về vụ lợi, ích kỷ, nói hoặc viết lấy được, thì nhiều khi vô tình làm mất điểm cho chính ứng viên của chúng ta cũng nên.

Nhưng thôi, con chim muốn bay được, bay cao không tránh được thời khắc "ra ràng". Đó là thời gian con chim tập luyện bay, tiếp đến tự đi kiếm mồi...

Rồi thời gian, (những) thực tiễn, cọ xát - cạnh tranh quốc tế...sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm cho chúng ta để một mai chúng ta "vững bước hơn trên con đường vào thế giới hội nhập".

NGUYỄN VĨNH

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Có phải phim Vietnam War đặt ra một vấn đề mới và khác?




Có phải phim Vietnam War đặt ra một vấn đề mới và khác?

Hôm nay nhận được bài viết mới của tác giả quen thuộc trên blog này là Nguyễn Quang Dy. Hôm nay nhận được bài viết mới của tác giả quen thuộc trên blog này là Nguyễn Quang Dy.

Dịp vừa qua anh Dy ít viết hơn (chắc bận nhiều việc khác). Cuối tuần này Câu lạc bộ Cà phê thứ Bảy chỗ nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì có xếp sắp anh Nguyễn Quang Dy và một diễn giả nữa (NNC Hồ Đăng Hòa, nhân vật mới lần đầu tiên xuất hiện ở diễn đàn này), cả hai dự định trình bày một Chủ đề có tên “CHIẾN TRANH VIỆT NAM: CÓ THỂ BẠN CHƯA HIỂU RÕ”

Ở đây Chiến tranh Việt Nam được hiểu sẽ nói về bộ phim The Vietnam War của 2 tác giả Mỹ mới công chiếu trên truyền hình Mỹ và một số nước khác.

Với bài viết của anh Nguyễn Quang Dy chúng ta sẽ đọc dưới đây. Vì chủ blog tôi có vào mạng xem được trọn bộ 10 tập phim này nên tcó ít dòng về bộ phim này như sau:

Cũng giống như nhiều bộ phim khác về cuộc chiến tranh khác (mà Mỹ tiến hành ở VN), phim 10 tập The Vietnam War của Ken Burns & Lynn Novick không thể trả lời cho rất nhiều vấn đề đặt ra cho cuộc chiến này (ở cả 2 phía).  Bở có vô số những sự kiện và tình tiết (thậm chí quan trọng) đã không được tác giả nhắc tới ở phim này. 

Dù cuộc chiến đã trôi qua được 42 năm nhưng rất nhiều khúc đoạn quanh co, phải gọi là những uẩn khúc mới đúng, đối với cuộc chiến đẫm máu này tới nay cả hai phía (nếu tính Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam VN của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì coi như 4 phía, đều vẫn chưa có đầy đủ những lời cắt nghĩa và giải đáp cho đủ sức thuyết phục “với lịch sử”). Ngay phía Hà Nội chúng ta nhiều tài liệu vẫn chưa được hoàn toàn giải mật, tức các vấn đề về hậu trường, khía cạnh khuất của cuộc chiến.   

Tuy nhiên,phim ảnh cũng như sách vở, mỗi một tác phẩm khi trình bày ra công chúng nó chỉ có sứ mệnh cung cấp một vài ba lát cắt mà tác giả nhìn cuộc chiến tranh. Nhưng ai tự phong cho mình là trình bày được thiên biên niên sử về cuộc chiến tranh dài tới 2 thập kỷ này cũng chỉ là một cách nói.
Về một mặt nào đó The Vietnam War là một bộ phim mà tác giả của nó đã biết khai thác khá rộng và sâu vào kho tư liệu lịch sử của nhiều phía nên tôi nghĩ những ai nghiên cứu về cuộc chiến 20 năm này rất nên bỏ công xem phim. Phim về chính trị, về lịch sử nhưng cách dựng lại hấp dẫn và lôi cuốn người xem.    

Xem phim xong một mệnh đề đặt ra như treo lơ lửng: Liệu có phải  tác giả phim Vietnam War có ý muốn đặt ra một vấn đề mới và khác về cuộc chiến tranh ở Việt Nam chúng ta? 

Vệ Nhi    

------



Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc?

Nguyễn Quang Dy

“Chưa kết thúc” (unfinished business) không phải là chữ của tôi mà là của đạo diễn phim này. Một số bạn bè bảo tôi bình luận về phim “The Vietnam War” (Ken Burns & Lynn Novik, PBS, Sept 2017). Khó quá vì tôi đã xem hết đâu mà dám bình luận. Ở Việt Nam làm sao xem được PBS. Dù có trong tay trọn bộ 10 tập phim (dài 18 giờ) thì cũng phải mất vài ngày mới xem hết. Vì vậy đành phải xem lướt qua một lượt (fast forward) để có khái niệm, chỉ dừng lại xem đoạn nào cần thiết, như đọc lướt (skim-reading) một cuốn sách quá dầy. Thứ nhất, phim này dài quá, dù có kiên trì xem hết thì cũng dễ bội thực. Thứ hai, mới xem qua một lượt đã có cảm tưởng “Déjà Vu” nên cũng mất hứng thú. Thứ ba, tôi tò mò muốn lắng nghe xem các bên bình luận thế nào (tuy không biết các vị đó đã xem hết chưa). Vì vậy, bài viết này đơn giản chỉ là một số ấn tượng chung ban đầu, chứ không phải bình luận chi tiết.

Thành công gây tranh cãi  

Ấn tượng đầu tiên là một bộ phim tài liệu làm rất công phu (chuẩn bị 10 năm), khá tốn kém (kinh phí hơn $30 triệu) và đầy tham vọng. Tuy nó không thua kém “Vietnam: A Television History”, Richard Ellison & Stanley Karnov, 1983, (gồm 13 tập, dài 780 phút), nhưng Ken Burns & Lynn Novik còn tham vọng hơn. Họ muốn dùng cái nhìn mới mẻ và “cân bằng” (balance) để lý giải lại cuộc chiến tranh, và tìm cách “hàn gắn” vết thương (healing). Họ đã công phu sưu tầm và sử dụng nhiều tư liệu, hình ảnh, bản nhạc đa dạng (như sử dụng 25,000 ảnh tư liệu và phỏng vấn 80 nhân chứng thuộc các bên liên quan). Kết quả là một bộ phim lớn được dư luận đánh giá cao như một “bộ sử thi” (Epic).  Nhưng một số người khác lại cho rằng bộ phim này chỉ đạt được “cân bằng giả tạo” (false balance), vì tìm cách đánh đồng “hai phía đều có lỗi”, để gián tiếp thanh minh cho chính sách của Mỹ. Nhưng có một nghịch lý là phim nào càng gây tranh cãi ồn ào thì lại càng nổi tiếng và ăn khách.

Thứ hai, chính vì muốn “cân bằng” và “hàn gắn” mà phim này dễ gây tranh cãi và dễ bị cả hai phía phê phán. Trong khi người Mỹ nói chung đánh giá cao bộ phim này thì một số người khác (kể cả các cựu chiến binh) tỏ ra thất vọng vì tác giả đã vô tình (hay cố ý) chọn các câu chuyện và nhân chứng một cách có chủ định, nhưng bỏ qua nhiều câu chuyện và nhân chứng quan trọng khác liên quan đến cuộc chiến. Đa số người Việt (cả hai phía) gồm cả “bên thắng cuộc” (Chính quyền Cộng sản) và “bên thua cuộc” (những người Chống Cộng) lại tỏ ra không hài lòng đối với bộ phim này. Có thể do lòng hận thù của những người cực đoan (cả hai phía) vẫn chưa nguôi, nên cuộc chiến chưa thực sự chấm dứt trong tâm thức của họ, mặc dù chiến tranh đã chấm dứt cách đây 42 năm. Có thể các nhà làm phim sơ suất. Ví dụ trong phim không thấy bóng dáng mấy nhân vật huyền thoại gắn liền với Chiến tranh Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn (“Điệp viên Hoàn hảo”), Daniel Ellsberg (đã cung cấp tài liệu mật của Lầu Năm Góc), Neil Davis (nhà báo huyền thoại người Úc, NBC Bureau Chief, mất 1985), Tim Page (photographer), Nayan Chanda (tác giả “Brother Enemy” và YaleGlobal Online editor).

Thứ ba, dù có nhiều cố gắng đáng kể để “cân bằng”, nhưng bộ phim này vẫn gây ấn tượng là phim của Mỹ, nói về các vấn đề của người Mỹ chứ chưa thực sự đề cập đến các vấn đề mà người Việt quan tâm. Điều đó cũng dễ hiểu vì tác giả là người Mỹ. Trong số 24 cố vấn và trợ lý, có một số người Việt tham gia, nhưng tiếng nói của họ chắc là thiểu số. Tuy có nhiều người Việt (gồm cả hai phía) được phỏng vấn, nhưng một số người vẫn cho là “thiếu công bằng”, trong khi cuộc chiến diễn ra tại Việt Nam (mà chủ yếu là tại Miền Nam). Tuy nói rằng chiến tranh đã lan sang tới Mỹ (như bạo lực tại Kent State University đã làm 4 sinh viên thiệt mạng) nhưng đó chỉ là “sideshow” khá nhỏ. Theo thống kê chính thức, “bên thắng cuộc” có khoảng một triệu lính chết, và “bên thua cuộc” có khoảng 310.000 lính chết, trong khi cả hai bên có khoảng hai triệu thường dân bị thiệt mạng, tổng số có 3-4 triệu người Việt bị thiệt mạng, so với 58.000 lính Mỹ bị chết (và 305.000 bị thương). Trong chiến tranh, tỷ lệ thương vong của Việt Cộng so với phía Mỹ thường gấp mười lần (“ten to one” ratio), nhưng người Mỹ chỉ quan tâm đến số lính Mỹ bị chết, và việc “đếm xác” (body count) là một trò chơi gian lận.    

Tù nhân của quá khứ

Trong khi hầu hết, nếu không phải tất cả (gần 2.000) lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh (MIA) đã được thống kê, xác minh và tìm kiếm hài cốt để trao trả, nhiều nhà báo quốc tế (có quốc tịch khác nhau) bị mất tích trong chiến tranh (MIA) vẫn chưa được thống kê, xác minh để tìm kiếm hài cốt. Các nhà báo còn sống sót trong nhóm “Vietnam Old Hack” như Tim Page (phóng viên nhiếp ảnh) đã thống kê được một danh sách hơn 70 nhà báo bị mất tích (hầu hết trong giai đoạn 1970-1971). Nhưng các nhà báo còn sống sót nay đã già yếu, không có nguồn lực và thông tin cần thiết để tìm kiếm, trong khi các chính phủ (bao gồm chính phủ Mỹ và Việt Nam) hầu như không quan tâm. Bộ phim Chiến tranh Việt Nam cũng bỏ qua chuyện này. Đối với những người đã chết (dù của phía nào) và gia đình hay bạn bè của họ, đây không chỉ là “Nỗi buồn Chiến tranh”, mà còn là món nợ tâm linh và đạo lý, có thể để lại một vết đen đáng xấu hổ về nhân cách trong lịch sử mà con cháu chúng ta sẽ truy vấn. Tại sao bóng ma Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa chết, vẫn ám ảnh và trỗi dậy mỗi khi có dịp?  

Hệ quả thảm khốc và lâu dài của Chiến tranh Việt Nam đối với người dân (chết/mất tích/thương tật) trong chiến tranh (trực tiếp do bom đạn) và sau chiến tranh (gián tiếp do môi trường bị hủy diệt và nhiễm độc) thật khủng khiếp. Theo số liệu chính thức, Mỹ đã ném xuống Việt Nam 7,8 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn tổng số bom đạn Mỹ đã sử dụng trong Đại chiến II. Người Việt tiếp tục là nạn nhân của chất độc da cam (với 19 triệu gallons Agent Orange được rải), và bom mìn chưa nổ (với hơn 40.000 người dân bị chết vì UXO). Nếu sau chiến tranh, nhiều cựu binh Mỹ trở về nước bị “hội chứng PTSD” (Post-Traumatic Stress Disorder) thì hầu hết người Việt sau chiến tranh cũng bị chấn thương tâm lý bởi “hội chứng chiến tranh” (chẳng khác gì “Hội chứng Stockhom”), tuy họ là những người dân vô tội. Cho đến nay, trong tiềm thức và ẩn ức của nhiều người Việt, dường như họ vẫn chưa thoát khỏi cuộc chiến, như “tù nhân của quá khứ” (prisoners of the past). Chắc nhiều người còn nhớ, năm 1964 tướng không quân Curtis LeMay đã ngạo mạn kêu gọi ném bom Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”.

Không biết Chiến tranh Việt Nam có xô đẩy đất nước này trở về thời đồ đá hay không, nhưng hệ quả khôn lường của nó đã làm tổn thương và ám ảnh hai quốc gia này suốt nửa thế kỷ qua như một định mệnh (karma). Ai cũng biết không thể thay đổi được quá khứ và muốn hướng tới tương lai, nhưng làm thế nào là chuyện không hề dễ. Ý tưởng của Ken Burns & Lynn Novik về bộ phim “The Vietnam War” tuy tuyệt vời, nhưng rất khó làm, vì kể chuyện gì và kể thế nào về một bi kịch đẫm máu và vô cùng phức tạp khi đã có quá nhiều người kể rồi. Tôi nhớ lần gặp Lynn Novik tại Hà Nội (hình như năm 2013), tôi không muốn tham gia vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì lý do cá nhân. Cuối tháng 4/1995, khi nhận lời tham gia “Speaking Tour” tại Mỹ cùng một số nhà báo quốc tế trong dịp kỷ niêm “20 năm kết thúc chiến tranh”, tôi đã trót nói rằng đây là “lần chót” tham gia bàn về Chiến tranh Việt Nam. Kỷ niệm “10 năm” (1985) là cần thiết. Kỷ niệm “20 năm” (1995) là quá đủ rồi. Hãy bàn về tương lai. Tại sao chúng ta không bàn về những bài học thời hậu chiến, hay xung đột tại Biển Đông?    

Quá ít và quá muộn

Tại sao 20 năm sau chiến tranh, Robert McNamara mới thừa nhận sai lầm? (“In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam”, 1995). Đối với một người “thông minh tài giỏi” như ông ấy, điều này là “quá ít và quá muộn” (too little too late). Ngay từ đầu thập niên 1960, George Ball (thứ trưởng ngoại giao thời Kennedy và Johnson) đã khuyên Tổng thống đừng đưa quân vào Việt Nam, nhưng chẳng ai nghe lời khuyên của ông ấy. George Ball đã từ chức (1966). Tương tự, Archimedes Patti (đại diện OSS tại Hà Nội, năm 1945) cũng nói rằng chẳng ai nghe lời khuyên của ông ấy về Việt Nam (“Why Vietnam: Prelude to America’s Albatross”, 1982). Trong phim không thấy nhắc đến Archimedes Patti và George Ball, nhưng lại nói nhiều đến Leslie Gelb và John Negroponte. Tại sao Việt Nam? Tại sao Iraq? Tại sao không tránh được sai lầm? TNS Fulbright gọi đó là sự “Ngạo mạn của Quyền lực” (Arrogance of Power). Một số người khác gọi đó là vô minh vì không hiểu kẻ thù (ignorance) hay thiếu tử tế (indecency). Nó lý giải tại sao 42 năm sau, bi kịch Việt Nam vẫn chưa kết thúc.

Người ta tiếp tục viết sách, làm phim về Chiến tranh Việt Nam (nếu có kinh phí) để mô tả và lý giải nguyên nhân cũng như hậu quả kinh hoàng của nó. Nhưng người ta thường dễ ngộ nhận và tiếp tục mắc sai lầm. Sai lầm lớn nhất của người Mỹ (và cả người Việt) là đã choảng nhau chí mạng như kẻ tử thù, tưởng là để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, nhưng hóa ra lại giúp họ trỗi dậy và từng bước gạt Mỹ ra khỏi khu vực này để độc chiếm Biển Đông. Nay khi người Mỹ và người Việt tỉnh ngộ ra, muốn bắt tay nhau làm đồng minh thì e rằng hơi muộn. Chiến tranh Việt Nam là một nghịch lý lớn. Nhưng các sự kiện diễn ra sau đó là một nghịch lý còn lớn hơn. Đó là những nghịch lý chết người đã xô đẩy hai quốc gia này vào cạm bẫy ý thức hệ và bãi lầy lịch sử mà lối thoát còn chập chờn như ảo ảnh tận cuối đường hầm.   

NQD. 30/9/2017  
-----

Bản tiếng Anh của tác giả:


The Vietnam War: Unfinished Business?

By Nguyen Quang Dy

The phrase “unfinished business” is not mine but from the film directors.  Friends asked me to comment on the film, The Vietnam War (Ken Burns and Lynn Novick, PBS, September 2017).  How can I comment on something I haven’t seen it all? PBS is not available in Vietnam.  Even if I have in my hands 10 episodes (18 hours) it may take a few days to watch them. That is why I have to play “fast forward” to go through them quickly to get an idea and then pause to watch some necessary parts, like skim-reading a thick book. First, this film is too long like a marathon and even if you are patient enough to get to the end, you cannot digest it easily. Second, as you are skimming through quickly, having a sense of déjà vu, you may lose your appetite. Third, you may be curious to see how other people from different backgrounds comment (though I am not sure if they all have thoroughly watched them). This article therefore simply offers only some general observations, rather than specific comments.  
Controversial success 
My first observation is that it is a well-made documentary film (taking almost 10 years), quite expensive (over $30 million budget) and very ambitious. While this film is no less painstaking than Vietnam: A Television History by Richard Ellison and Stanley Karnov, 1983 (includes 13 episodes, 780 minutes long), Ken Burns and Lynn Novick are even more ambitious. They have taken a fresh and balanced look in revisiting the war and trying to figure out how to heal the wounds. They have taken pains to collect a wide range of documents, photographs, and music (using 25,000 photographs and interviewing 80 people involved in the War). The result is a great film being appreciated by the general public as an Epic. But others think this film only achieves a “false balance” as it tries to put both sides on the same boat as “equally guilty parties,” so as to indirectly justify the war. But the paradox is that the more controversial the film is the more it may become renowned and successful.
Secondly, precisely because they want it to be balanced and healing, the film is controversial and vulnerable to criticism. While the American public has largely appreciated this film, others (including war veterans) are disappointed that the filmmakers have either unintentionally or intentionally selected certain witnesses and their stories while ignoring others involved in the Vietnam War. Most Vietnamese (from both sides) including the “winning side” (the communist government) and the “losing side” (anti-communist people) have shown displeasure at this film. It might be that the hatred harbored by extremists (from both sides) is still boiling, thus the hostility still rages in the back of their mind, though the war ended 42 years ago. Or the film makers might have missed out on something. For instance, nowhere in the film you can see such renowned witnesses identified with the Vietnam War as Phạm Xuân Ẩn (the “Perfect Spy”), Daniel Ellsberg (who released the Pentagon Papers), Neil Davis (the legendary Australian cameraman who died 1985 as NBC Bureau Chief), Tim Page (photographer), Nayan Chanda (author of “Brother Enemy” and editor of Yale Global Online).
Thirdly, while great efforts have been made to make the film balanced, it leaves the impression that it is an American film, talking about American problems, not really about problems that the Vietnamese care about. It is understandable as the filmmakers are American. Yet among the 24 advisors and assistants, there are some Vietnamese, but their impact might be insignificant. Although many Vietnamese (from both sides) were interviewed, some still believe it was “unfair” as the War took place in Vietnam, largely in South Vietnam. While the War was said to have moved to the US, causing violence in Kent State University claiming the lives of four students,  it was only a minor “sideshow.”  According to official figures, “the winning side” lost one million soldiers, the “losing sides” lost 310,000 soldiers, and both sides lost two million civilian lives, making up the total losses of 3-4 million local lives, compared with 58,000 American soldiers dead and 305,000 wounded. During the War, the casualties of the Viet Cong and American sides were a ten-to-one ratio, but the American military only cared about American lives, even though “body count” was a cheating game.   
Prisoners of the past
While most if not all of the nearly 2,000 American soldiers classified as MIAs were searched for and their remains accounted for to be repatriated, many international journalists of different nationalities went missing as MIA, still unaccounted for with no searches for their remains. The surviving journalists known as “Vietnam Old Hacks,” like photographer Tim Page, have drawn an incomplete list of more than 70 missing journalists (mostly during 1970-1971). But these surviving journalists are quite old, without resources and necessary information to search for MIA colleagues, while governments (including American and Vietnamese) pay little attention to this issue. The Vietnam War film has also glossed over this story. For the dead of whichever side, as well as their family and friends, this is not only “the Sorrow of War,” but also a spiritual and moral debt which may leave a shameful black gap of humanity in the history of war that our children may question.  Forty-two years after the War, is the ghost of Vietnam not really dead and still haunting and waiting for a chance to rise again? 
The extensive and lasting consequences of the Vietnam War to Vietnamese civilians dead or missing or injured, during the War (directly from bombing) and after the War (indirectly by devastation and the contaminated environment) are terrible. According to official figures, the US dropped 7.8 million tons of ordnance on Vietnam, more than the total of that used by the US during the Second World War. Vietnamese continue to be victimized by Agent Orange (19 million gallons sprayed) and unexploded ordnance (killing 40,000 civilians by UXO since the war ended). After the War, if American veterans returning home suffered from PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder), most Vietnamese as innocent civilians also psychologically suffered from the “war syndrome” – not much different from the “Stockholm syndrome.”  Until now, in their state of mind, many Vietnamese have failed to free themselves from the war obsession as “prisoners of the past.”  It should be remembered that in 1964 US Air Force General Curtis LeMay arrogantly demanded to bomb North Vietnam “back to the Stone Age.”
Although it is not really clear if the Vietnam War has driven this nation back to the Stone Age, its huge consequences have hurt and obsessed these two nations for half a century as karma. Everyone knows we cannot change the past, we want to look to the future, but how to do it is not so easy. While Ken Burns and Lynn Novick’s idea to make the Vietnam War film is excellent, it is not easy to know what to tell and how to tell this bloody and complicated story which so many people have already done. When I met with Lynn Novick in Hanoi (perhaps in 2013) I did not want to join this film project for personal reasons. At the end of April 1995, when I joined a “speaking tour” in the US with a group of American journalists on the occasion of the 20th Anniversary of the end of the Vietnam War, I said this was the last time I would talk about the Vietnam War.  “The 10th Anniversary” in 1985 was necessary. The 20th Anniversary, in 1995, was more than enough. We should talk about the future, about the lessons of post-war developments and the new conflict in the South China Sea.   
Too little too late
Why did it take 20 years for Robert McNamara to admit the folly (In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam”, 1995)? For such a “Best and Brightest” man, this was too little, too late. As early as in 1961-1962, George Ball, Under Secretary of State in the Kennedy and Johnson Administrations advised the President not to escalate US intervention in Vietnam, but nobody listened to his advice. George Ball resigned in 1966. Similarly, Archimedes Patti, OSS representative in Hanoi in 1945, also shared the same vision, but nobody listened to his advice on Vietnam (Why Vietnam: Prelude to America’s Albatross, 1982). In this documentary film, Archimedes Patti and George Ball are not mentioned, while Leslie Gelb and John Negroponte are widely quoted. Why Vietnam? Why Iraq? Why was the folly not avoided? Senator William Fulbright called this the “Arrogance of Power”. Others called this “ignorance of the enemy” and “indecency.” This explains the Vietnam tragedy even 42 years after.  
People continue to write books and make films on the Vietnam War (given enough budget) to analyze shocking reasons and consequences. Yet, people continue to make mistakes and repeat the folly. The greatest folly by the Americans was to fight Vietnam as a deadly enemy, believing they were containing Chinese expansionism, but in fact they have facilitated Red China to rise and push America out of this region in order to rule the South China Sea. Now that America and Vietnam have awakened, trying to shake hands as new allies, it is a little too late. The Vietnam War was a great paradox. Yet, what happened after that was an even greater paradox. These deadly paradoxes have driven these two nations into an ideological trap and historical quagmire, and getting out is still uncertain as a mirage at the end of the tunnel.   

Nguyễn Quang Dy studied and researched at the Australian National University (ANU, 1976-1979), Harvard University (Nieman Fellow, 1992-1993), and worked at Viet Nam’s Ministry of Foreign Affairs (1971-2005). He is an expert in international research, media, and training. He has been a senior consultant for a number of training organizations and programs.  Currently Dy is a freelance journalist and an independent researcher and consultant.








  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...