Một góc nhìn về cuộc nội chiến Syria
Chuyện liên can và cả ân oán
nữa của Mỹ với khu vực Trung Đông vốn dĩ từ lâu, trải qua hơn tới 70 năm nay.
Vùng này là dầu lửaMỹ nên tại đây Mỹ có những nước sát cánh với họ (về quyền
lợi), thậm chí Mỹ coi họ là đồng minh, mang hết sức mạnh của Mỹ trợ giúp, ủng
hộ họ bằng mọi giá.
Tuy nhiên có nhiều nước khác
trong khu vực lại không ưa Mỹ, không theo Mỹ. Nên Mỹ chống lại họ và sử dụng tất
cả vũ lực để đe dọa tới mang bom dạn, xua quân đội tràn vào lãnh thổ chủa những
quốc gia này.
Cắt nghĩa được những điều
trên không phải dễ dàng. Mỹ có tư tưởng nước lớn, áp đặt ý chí chính trị lên
phần đất nhiều đau thương chinh chiến này là cách ứng xử khó chấp nhận. Nhưng
việc một số nước có chế độ độc tài, quân phiệt, toàn trị, lợi dụng sự khác biệt
về tôn giáo và chủng tộc để triệt phá nhau cũng là một thực té lịch sử. và thực
tế này khiến an ninh khu vực ảnh hưởng. Và đó chính là cái cớ tốt để Mỹ và các
nước phương Tây can thiệp vào tình hình tại khu vực giàu có vàng đên này (dầu
lửa).
Vụ Mỹ và các đồng minh Nato bắn
tên lửa hành trình vào Syria 1 năm trước, mới đây lại tái diễn đã thu hút sự
quan tâm của dư luận toàn thế giới. Mâu thuẫn giữa Nga (và cả Trung Quốc) trong
cuộc tranh chấp ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây tại vùng Trung Đông này càng
ngày càng thêm sâu sắc và có thể châm ngòi cho một chiến tranh khó kiểm soát.
Xin mời bạn đọc tham khảo
bài viết trên đây để thấy tình hình và cuộc chiến ở vùng đất này - ở bài này
chỉ nói về Syria – có tính chất phức tạp như thế nào…
Vệ Nhi g-th
------
Từ mưa tên lửa Tomahawk nhìn lại Nội chiến Syria
Tác giả ký
tên là Sơ Nguyên
Hàng trăm loại vũ khí mới được Nga
và phương Tây thử nghiệm trong cuộc chiến Syria. Dù chúng “thông minh”, “đẹp
đẽ”, “mới mẻ” đến đâu cũng đều nhằm một mục đích: hủy diệt.
Thế kỷ 16, khi thực dân Châu Âu đặt
chân đến Bắc Mỹ, họ rất ngạc nhiên khi thấy thổ dân da đỏ nơi đây sử dụng loại
rìu đặc biệt tiện dụng mang tên Tomahawk. Chiếc rìu gọn nhẹ, vừa có thể làm
dụng cụ dắt lưng, vừa có thể làm vũ khí sát thương cao bằng cách ném trực tiếp
vào đối phương từ xa. Các đế quốc Châu Âu nhanh chóng học cách sử dụng loại rìu
này để xây dựng thuộc địa và dần tiêu diệt các tộc người thổ dân da đỏ bản xứ.
Năm thế kỷ tiếp sau, nước Mỹ ra đời,
vươn lên thành cường quốc số một thế giới, với niềm tự hào về công nghệ quân sự
không ai bì kịp. Tomahawk được sử dụng để đặt tên cho loại tên lửa hành trình
tầm xa vô cùng tinh vi. Giống chiếc rìu của người da đỏ, tên lửa Tomahawk có
thể được lắp đặt ở bất cứ đâu, dù là trên bộ, trên tàu chiến hay từ tàu ngầm.
“Đẹp đẽ, mới mẻ và thông minh”
Khi khai hỏa, tên lửa Tomahawk phóng
đi với tốc độ và độ chính xác cao, rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Kể từ
cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 đến nay, tên lửa Tomahawk liên tục được cải
tiến và đã được sử dụng hơn 17 lần với khoảng 2.200 quả. Nó trở thành biểu
tượng của nỗi khiếp sợ sức mạnh Mỹ tại khu vực Trung Đông.
Cái tên Tomahawk được nhắc lại vào
tháng 4 này, khi cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 7 năm tại Syria tưởng chừng
đang vào hồi kết. Một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thành phố Douma của
quân nổi dậy đã khiến 70 người chết và hơn 500 người bị thương. Tổng thống Mỹ
Donald Trump nhanh chóng đổ lỗi cho chính quyền Syria và tuyên bố sẽ oanh tạc
Syria bằng những quả tên lửa “đẹp đẽ, mới mẻ và thông minh”.
Phía Nga đã đe dọa sẽ đánh chặn bất
cứ tên lửa nào, và sẽ đáp trả vào nơi khai hỏa chúng. Hai cường quốc hạt nhân
khác là Anh và Pháp sau đó đã nhanh chóng đứng về phía Mỹ.
Sáng sớm 14/4, liên minh Mỹ-Anh-Pháp
oach kích thủ đô Damacus với trận “mưa sao băng” hơn 100 quả tên lửa, bất chấp
cảnh báo của Nga. Chỉ trong vòng vài ngày, khu vực Trung Đông tưởng chừng như
tạm bình ổn nay lại rầm vang khói lửa. Cả thế giới rúng động trước nguy cơ một
cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 – chiến tranh giữa các vì sao với tên lửa
và hạt nhân.
Không chiến tranh giữa các vì sao
Tuy nhiên, những ai lo lắng thì hãy
yên tâm. Bất chấp những tuyên bố của Mỹ và Nga tạo ra cảm giác cận kề miệng hố
chiến tranh, các bên đều đã đạt được điều mình mong muốn và chẳng có lý do gì
để đẩy khủng hoảng đi quá xa.
Với Mỹ, mối quan tâm truyền thống
của họ ở Trung Đông là dầu mỏ. Nhưng dường như người ta quên mất một điều: kể
từ khi đạt được đột phá với kỹ thuật khoan đá phiến và năng lượng tái tạo,
những năm gần đây nước Mỹ không còn phụ thuộc vào các nguồn cung dầu thô từ
Trung Đông. Từ vị trí tự chủ về năng lượng, hiện nay khả năng sản xuất của Mỹ
thậm chí ở mức có thể tác động lên giá dầu thế giới, điều mà trước đây chỉ có
OPEC và phần nào đó là Nga làm được.
Điều quan tâm thứ hai của Mỹ tại khu
vực này trong hơn một thập kỷ qua là chống khủng bố. Từ sau 11/9 đến nay, Bush
và Obama đã tiến những bước dài, từ việc đảm bảo an ninh nội địa, tiêu diệt Bin
Laden, cho đến sự sụp đổ của nhà nước Hồi giáo IS (mà phần lớn nhờ công của
nước Nga).
Mối lo về hạt nhân cũng đã thuyên
giảm đáng kể khi Iran và phương Tây đạt được thỏa thuận JCPOA nhờ nỗ lực của
cựu ngoại trưởng John Kerry cuối thời Obama. Mặc dù Tổng thống Trump từng đe
dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này, nhưng không thể phủ nhận JCPOA đã góp phần giải
quyết mối lo cuối cùng về an ninh của Mỹ tại khu vực.
Công việc của Mỹ hiện nay tại Trung
Đông chỉ còn là đảm bảo “cân bằng từ xa” thông qua các hệ thống đồng minh là
Israel và Arab Saudi, thay vì can dự trực tiếp như trước. Thay vào đó, họ đang
trong quá trình chuyển đổi trọng tâm chiến lược sang Châu Á, nhằm kiềm chế sự
vươn lên của Trung Quốc.
Mưa tên lửa và những tính toán đối
nội
Sự chuyển dịch này đã có từ năm 2010
với “Tái cân bằng sang Châu Á” của chính quyền Obama, nhưng khi đó họ không
rảnh tay được vì chuỗi những sự kiện xảy ra ở Trung Đông và Châu Âu. Tổng thống
đương nhiệm Donald Trump hiện nay cũng có những lý do ngắn hạn khác trong bàn
cờ Trung Đông, nhưng sẽ không thay đổi sự chuyển dịch chiến lược này.
Sự kiện tấn công hóa học ở Syria
diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang cần một thành tích đối ngoại để phục vụ
đối nội đang rối ren. Cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 đang tới gần và ông vừa mới
phải sa thải Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh Quốc gia. Việc lên tiếng đe
dọa Nga sẽ làm lu mờ đi những chỉ trích rằng ông Trump thắng cử nhờ tình báo
của Nga.
Đồng thời, quyết định oanh tạc Syria
đúng vào thời điểm nổ ra scandal gian díu với cựu ngôi sao khiêu dâm khiến
người ta so sánh với việc Tổng thống Clinton bắn tên lửa vào Afgranistan và
Sudan năm 1998 khi sắp bị luận tội sau vụ “léng phéng” với cô thực tập sinh
Monica Lewinsky.
Về đối ngoại, ông Trump cũng muốn
thể hiện tâm thế khác so với người tiền nhiệm. Tổng thống Obama đã bị chỉ trích
rất nhiều khi tuyên bố tấn công hóa học sẽ là “ranh giới đỏ” tại Syria nhưng
sau đó không làm gì. Trước đó vào tháng 4/2017, chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức
tổng thống, ông Trump đã bắn 59 quả tên lửa vào Syria ngay trong bữa tối khi
tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Rộng hơn nữa là câu chuyện “trong
nhà” của phương Tây. Chính quyền Anh quốc của nữ Thủ tướng Theresa May đang vật
vã trong rạn nứt Brexit với EU và chịu nhiều chỉ trích sau vụ điệp viên hai
mang người Nga bị ám sát. Tại nước Pháp, vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron đang
chứng kiến mức tín nhiệm của mình đi xuống thảm hại trước đó đã tuyên bố với
ông Putin rằng tấn công hóa học tại Syria sẽ là giới hạn đỏ. Và khi mà quan hệ
giữa Mỹ với Châu Âu nói chung đang ngày một lạnh nhạt, thì cuộc oanh kích thực
hiện bởi Mỹ – Anh – Pháp sẽ tạo ra hiệu ứng củng cố đoàn kết của phương Tây tại
Châu Âu. Đồng thời phương Tây cũng muốn gỡ gạc lại phần nào đó khi họ đã để
nước Nga gần như kiểm soát toàn bộ ảnh hưởng trong vấn đề Syria.
Mũi tên với 100 quả tên lửa bắn ra
trúng quá nhiều đích. Cơ hội tốt, với chi phí thấp, chẳng tội gì không làm. Vẫn
còn đó câu nói “đừng bao giờ bỏ phí một cuộc khủng hoảng”. (never let a good
crisis go to waste)
Về phía Nga, Tổng thống Putin hiểu
rằng kết cục của Syria hiện đã an bài. Nhà nước Hồi giáo IS sụp đổ, quân nổi
dậy chỉ còn thành trì cuối, lực lượng người Kurd quá yếu. Thắng lợi hoàn toàn
của chính quyền Syria của Tổng thống Assad mà Nga hậu thuẫn chỉ còn là vấn đề
thời gian.
Chắc chắn phương Tây sẽ không cử
quân đến Syria, mà các cuộc oanh kích sẽ là giới hạn của họ. Về lâu dài, ông
hiểu rằng rồi quan hệ Nga với phương Tây sẽ phải hòa dịu, nước Nga cần phương
Tây gỡ bỏ cấm vận, và phương Tây cũng cần Nga để đảm bảo ổn định ở Trung Đông,
mặc dù chẳng bên nào ưa bên nào. Vì thế, mặc dù tuyên bố sẽ phản ứng mạnh,
nhưng ông Putin không cần thiết phải đáp trả thực sự về mặt quân sự với phương
Tây.
Thực tế là sau đó, các đường dây
nóng giữa phương Tây và Nga đã được kích hoạt. Ngày 15/4, ông Trump tuyên bố
trên Twitter là nhiệm vụ oanh kích đã hoàn thành “không thể tốt đẹp hơn”.
Nước nhỏ, thế yếu giữa những mâu
thuẫn chính trị âm ỉ
Tuy nhiên, liệu rằng Trung Đông có
bình ổn hay không thì đó lại là một câu hỏi khó trả lời khác. Bàn cờ khu vực
này không chỉ bị chi phối bởi những người khổng lồ Nga, Mỹ và Châu Âu, mà còn
những người chơi đáng gờm khác, tiêu biểu là Iran, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và
Israel. Mối thâm thù ngàn đời giữa Iran và Arab Saudi, sự cọ xát mang tính lịch
sử giữa người Do Thái Israel và thế giới Hồi giáo, hay niềm mong muốn trở lại
đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỹ – là những nhân tố cho thấy cạnh tranh quyền lực
ở khu vực này sẽ khó chấm dứt. Những quốc gia này mong muốn giữ chân Mỹ và Nga
tại khu vực để làm đồng minh bảo trợ cho mình.
Những kẻ tin vào thuyết âm mưu thậm
chí đặt dấu hỏi liệu chính quyền Assad có thực sự gây ra vụ tấn công hóa học
cách đây mấy hôm, hay đó là sự ngụy tạo. Bởi lẽ khi chiến thắng chỉ còn là vấn
đề thời gian, chẳng có lý do gì họ phải gây ra vụ tấn công hóa học để giết dân,
tạo cớ “vi phạm ranh giới đỏ” cho bên ngoài can thiệp vào. Trong lịch sử, cũng
không thiếu những trường hợp một quốc gia ngoại bang tạo ra sự kiện để lấy cớ
gây chiến, gặp gián tiếp buộc kẻ khác gây chiến.
Trong khi bốn cái tên vừa nêu lại là
những quốc gia có tiềm lực quân sự, kinh tế và vị thế độc lập, không chịu nhiều
ảnh hưởng từ Nga – Mỹ, Syria là một quốc gia nhỏ bé, với một chính quyền thất
bại (failed state). Đất nước Syria không thể tự quyết định số phận của mình, mà
phải chịu sự định đoạt từ những người khổng lồ thế giới và những kẻ láng giềng
đầy toan tính.
Nồi da nấu thịt và máu dân thường
Có lẽ ông Assad cũng chẳng mong muốn
nước mình trở thành nơi nồi da nấu thịt cho cạnh tranh của ngoại bang. Nhưng đó
lại là bi kịch của kẻ độc tài phải nắm giữ quyền lực của mình bằng mọi giá. Ông
Assad sẽ nhìn vào ví dụ Saddam Hussein ở Iraq hay Qaddafi ở Lybia, đều gặp kết
cục bi thảm khi không có được sự hậu thẫm của một cường quốc và không được nhân
dân ủng hộ.
Với người dân Syria, chưa điều gì có
thể khẳng định là sự đau khổ của họ sẽ chấm dứt. Mùa Xuân Ả Rập năm 2010 từng
mang lại cho họ hi vọng thoát ra khỏi chế độ Assad, vươn tới ước mơ tự do dân
chủ. Nhưng thay vào đó là triền miên 7 năm nội chiến, với sự tàn độc của ISIS
và sự tang thương của bom đạn. Hàng trăm cuộc thảm sát, hàng chục cuộc tấn công
hóa học tại Syria đã được ghi nhận, với số thương vong lên đến gần nửa triệu
người. Số lượng người dân di cư khỏi đất nước ước tính khoảng 6 triệu, tức là
1/3 dân tộc Syria.
Sự thống khổ của người dân Syria
được cộng đồng quốc tế biết đến, nhưng dường như không một ai lên tiếng hành
động, mà chỉ có những tên lửa xé toạc bầu trời. Đứng trước làn sóng tị nạn và
hình ảnh thi thể cậu bé Alan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Địa Trung Hải, Châu Âu
đã mở cánh cửa đón những người dân Syria. Thế nhưng sau đó cánh cửa cũng dần
đóng lại khi các nước Châu Âu không thể thống nhất được với nhau về việc phân
bổ trách nhiệm thu nhận, và những khó khăn nội tại về kinh tế – xã hội, về
phong trào dân túy.
Câu chuyện Syria có lẽ là sự thất
vọng lớn nhất đối với vai trò của Liên Hợp Quốc và Luật pháp quốc tế. Cách đây
hơn hai thập kỷ, vào năm 1994, sau sự kiện thảm sát ở Rwanda, Tổng thư ký Liên
Hợp Quốc Kofi Annan đã vận động LHQ và cộng đồng quốc tế thống nhất một chuẩn
tắc về bảo vệ loài người.
“Trách nhiệm bảo vệ” (Responsibility
to Protect – R2P) ghi nhận rằng bảo vệ người dân là trách nhiệm của nhân loại,
cao hơn chủ quyền của quốc gia. Và sau đó là lời thề nổi tiếng “Never again” –
sẽ không bao giờ trên thế giới có thảm sát hàng loạt nữa. Khi đó người ta đã hi
vọng vào một hệ thống quản trị toàn cầu, vào hòa bình thế giới bền vững, và vào
niềm tin đạo đức loài người.
Sự trở lại của cường quyền?
Tuy nhiên, sau đó những gì xảy ra ở
Lybia và Syria sau sự kiện Mùa Xuân Arab, người ta chỉ thấy Liên Hợp Quốc họp
đi họp lại, bàn tới bàn lui mà không đưa ra được biện pháp gì. Có lẽ sự nghi
ngờ đã quá ăn sâu trong tâm trí của nhóm P5 các nước Ủy viên Thường trực Hội
đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, khi nước Mỹ vi phạm lời hứa với Nga lật đổ chính
quyền Lybia.
Đến trận oanh kích của Mỹ – Pháp –
Anh vào tháng 4 này, họ cũng chẳng thiết đem vấn đề ra Liên Hợp Quốc, chẳng
thiết nhắc đến “trách nhiệm bảo vệ”, chẳng thiết vận động sự ủng hộ của Nga và
cộng đồng quốc tế. Cần nhớ rằng: luật pháp quốc tế không cho phép một nước đơn
phương tấn công dù bất kỳ vì lý do gì, nếu như không được sự phê chuẩn của Liên
Hợp Quốc. Khi một thế giới mà luật pháp quốc tế và chuẩn mực bị bỏ rơi, sẽ chỉ
còn cường quyền áp đặt. Một quốc gia không thể tự bảo vệ mình đã trở thành địa
bàn cạnh tranh quyền lực và là nơi thử lửa của các cường quốc xung quanh.
7 năm đã trôi qua và cuộc chiến ở
Syria vẫn chưa thực sự đến hồi kết. 7 năm cũng là quãng thời gian mà một đứa
trẻ có thể được ra đời, bước vào học lớp 1. Sẽ phải rất lâu sau nữa, đất nước
Syria mới có thể hồi phục lại từ kiếp nạn này. Dù hòa bình có lập lại thì đất
nước cũng chỉ còn là tro tàn, với những mỏ dầu nhưng lại luôn là thứ thu hút
chiến tranh.
Hàng trăm loại vũ khí mới đã được
Nga và phương Tây thử nghiệm trong cuộc chiến Syria. Dù chúng có “thông minh”,
“đẹp đẽ”, “mới mẻ” đến đâu thì cũng đều nhằm vào mục đích: sự hủy diệt. Dưới
đáy của bậc thang quyền lực, những người dân Syria đang tiếp tục sống dưới làn
bom đạn ngoại bang và chính những người đồng hương của mình. Và tiếng than của
họ chẳng ai nghe đến.
Những người nghiên cứu chính trị
quốc tế và lịch sử vẫn hay nhắc đến cuộc đối thoại ở
Melos, Hy Lạp. Vào thế kỷ thứ 5 trước
Công nguyên, Melos là hòn đảo nhỏ muốn giữ trung lập trước cuộc cạnh tranh
quyền lực giữa hai cường quốc là Athens và Sparta. Khi người Athens đem quân
đến chinh phạt và ép phải liên minh, người Melos đã nói về chuẩn mực, đạo đức,
và công lý với hy vọng được hòa bình.
Người Athens đáp trả rằng: “Kẻ mạnh
làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu phải chấp nhận những gì họ phải
chấp nhận”.
S.N.