Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Nhật Bản và Biển Đông: Trở về tương lai


Một bài viết mới của tác giả Nguyễn Quang Dy về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Tác giả bài viết nhấn mạnh rằng. "trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Viêt-Nhật là quan trọng bậc nhất và cần được ưu tiên cao".
Bài viết dài nhưng có nhiều thông tin và nhận định đáng giá, rất nên đọc...

----

Nhật Bản và Biển Đông: Trở về tương lai 

Nguyễn Quang Dy

Tôi viết bài này nhân kỷ niệm 45 năm lập quan hệ ngoại giao Viêt-Nhật (21/9/2973-21/9/2018) để nhân mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Viêt-Nhật là quan trọng bậc nhất và cần được ưu tiên cao.

Theo đánh giá chính thức, quan hệ Việt-Nhật trải qua thăng trầm, đã tiến một bước dài và đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất. Hai nước nay là đối tác chiến lược toàn diện (từ 3/2014). Tuy bài viết này chỉ điểm lại mấy nét chính để tham khảo và nghiên cứu tiếp, nhưng đây là dịp tốt để hai bên nhìn lại quá khứ và hiện tại, để định hướng tương lai, nếu muốn thúc đẩy đối tác chiến lược toàn diện ngày càng sâu rộng và bền vững. Quan hệ Viêt-Nhật rất quan trọng.

Thứ nhất, hai nước chia sẻ nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng chung, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung;

Thứ hai, dưới thời Trump, Tokyo và Hà Nội cùng có những lo ngại chung về vai trò của Mỹ ở Châu Á (sau khi Mỹ bỏ TPP);

Thứ ba, quan hệ Việt Nam với EU không thuận buồm xuôi gió (nhất là với Đức) nên triển vọng EVFTA còn khó khăn; và,

Thứ tư, Nhật là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhưng Tokyo đã từng ngừng viện trợ ODA vì lý do tham nhũng.

Trong mấy năm qua, quan hệ hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, với nhiều chuyến thăm ở cấp cao nhất. Thủ tướng Nhật Bản đã thăm chính thức Việt Nam 5 lần. Thủ tướng Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản 6 lần. Tổng Bí thư (Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng) cũng như Chủ tịch Nước (Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang), đã thăm chính thức Nhật Bản. Đặc biệt là Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu đã thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên (28/2-5/3/2017) như một mốc son trong lịch sử quan hệ hai nước.

Bối cảnh lịch sử

Biển Đông và Viêt Nam không xa lạ với người Nhật. Trong đại chiến thế giới II (1939-1945) quân đội Nhật đã từng chiếm đóng Trường Sa. Trong lịch sử, người Nhật đã từng đến Việt Nam (Hội An) để buôn bán và sinh sống. Trong một bài nghiên cứu viết cho seminar class “Japan and the world” của giáo su Ezra Vogel (một chuyên gia hàng đầu về Nhật tại Harvard) tôi có đề cập đến câu chuyện này. Đó là vào thế kỷ 16 và 17, người Nhật đã đến Việt Nam (Hội An và Đà Nẵng) để buôn bán, và một số người Nhật đã định cư tại Hội An (gọi là Faifo).

Vào thời đó, Faifo đã trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, giao thương phát triển với người Nhật (cũng như Hà Lan và Bồ Đào Nha). Nhưng đáng tiếc sau đó giao thương đã bị đứt quãng (vào năm 1635) khi chính quyền Tokugawa thi hành một chính sách bế quan tỏa cảng (seclusion). Mãi tới năm 1868, dưới thời Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration) thì giao thương giữa người Nhật với Việt Nam mới được nối lại. (Japan and Việt Nam: Lessons of the past and vision for the future, Nguyen Quang Dy, Harvard, December 1992).

Chiến tranh thế giới II đã để lại những kỷ niệm đau buồn mà chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã gây ra cho cả người Nhật và người châu Á. Bóng đen của quá khứ vẫn còn ám ảnh hậu thế đến tận ngày nay. Thời hậu chiến là một bước ngoặt lịch sử để người Nhật bước sang trang mới. Nước Nhật đã trỗi dậy đầy ấn tượng như một người khổng lồ về kinh tế, nhưng vẫn là một người lùn về chính trị, vì những ràng buộc hiến pháp (như điều 9). Nhưng gần đây, Trung Quốc đã trỗi dậy như một con rồng khổng lồ (hay quái vật Frankenstein), không những đã vượt qua Nhật về kinh tế (năm 2010) sau khi khủng hoảng tài chính châu Á (năm 1997) đã làm kinh tế Nhật suy yếu, mà còn bắt nạt các nước láng giềng tại Biển Đông, và thách thức Mỹ.

Trong gần ba thập kỷ qua, sự trỗi dậy đầy ấn tượng của Trung Quốc và cách mà Mỹ và đồng minh ứng xử với Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân lực lượng tại khu vực có lợi cho Trung Quốc, và từng bước biến Biển Đông thành “cái ao riêng” của họ. Nay khi Mỹ và đồng minh Nhật lo lắng và tìm cách ngăn chặn Trung Quốc, thì đã quá muộn. Con rồng Trung Quốc đã biến thành quái vật Frankenstein như “hệ quả không định trước” của chính sách “tham dự xây dựng” (Constructive Engagement) mà phương Tây theo đuổi một cách hồ đồ (gần như vô điều kiện). Nay nhìn lại, đó là một sai lầm lớn như hệ quả của sự ngộ nhận.

Với tầm nhìn Đông Á, Nhật cần đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực gồm các nền kinh tế tăng trưởng cao, trong đó Nhật cần phát huy sức mạnh kinh tế của mình, vừa là mô hình phát triển, vừa có vai trò lãnh đạo tích cực hơn. Nếu Nhật muốn trở thành cường quốc thế giới, thì trước hết phải là cường quốc khu vực. Nhưng thách thức của Nhật là phải thoát khỏi cái bóng của lịch sử, gồm nghi ngại của các nước láng giềng khu vực, và ràng buộc trong nước về hiến pháp, là là những cản trở chính cho vai trò lớn hơn của Nhật Bản.

Đồng thời, Nhật cần tìm cách khác để thay thế dần chính sách đối ngoại “checkbook”, vì Nhật không thể vừa là một người khổng lồ về kinh tế, vừa là một người lùn về chính trị và quân sự.

Muốn có vai trò tích cực và lớn hơn tại khu vực, Nhật phải có vai trò lãnh đạo mạnh dạn hơn, được các nước khu vực chấp nhận.
Nếu trước đây (năm 1990), Campuchia là sân chơi để Nhật “tập dượt chính trị” với vai trò của ông Yashushi Akashi trong UNTAC, nay Biển Đông là “sân chơi mới” của Nhật trong trò chơi quyền lực mới (tại Indo-Pacific), để xây dựng một khuôn khổ an ninh tập thể của khu vực, vì hòa bình và thịnh vượng chung.

Nếu Nhật không làm được điều đó, Trung Quốc sẽ trỗi dậy giành mất vai trò cầm đầu khu vực Đông Á, không chỉ vượt qua Nhật trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà còn kiểm soát cả khu vực này. Nhật và các nước khu vực không thể trông chờ Mỹ đóng vai trò bảo hộ an ninh khu vực mãi, vì quan tâm chiến lược của Mỹ có thể chuyển sang khu vực khác, và tầm nhìn về trật tự thế giới của Mỹ có thể thay đổi. Lúc đó có thể quá muộn để Nhật có cơ hội xây dựng quan hệ hợp tác song phương hay khuôn khổ an ninh tập thể theo tầm nhìn mới.

Tóm lại không ai dám chắc sai lầm lịch sử sẽ không lặp lại một lần nữa.
Trong bài essay viết cách đây 26 năm, tôi đã lập luận rằng tuy Việt Nam phải gia nhập ASEAN để trở thành “ASEAN lớn hơn” (hay “ASEAN-10”), Việt Nam cũng nên mở rộng tầm nhìn vượt ra khỏi khuôn khổ ASEAN. Nói cách khác, Việt Nam cần trở thành một phần của cộng đồng Đông Á gồm Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, (và nay là tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở). Tầm nhìn Đông Á không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, mà còn vì an ninh khu vực dựa trên luật pháp, phòng khi sự có mặt của Mỹ tại Đông Á sắp tới sẽ giảm sút, trong khi Trung Quốc trỗi dậy như con rồng hung hãn, phủ bóng đen lên khu vực.

Trở về tương lai

Đầu tháng 5/2014 Trung Quốc bất ngờ đưa dàn khoan HD-981vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam, có mấy chục tàu hải quân và hải giám đi theo hộ vệ (gần Trường Sa).
Dù muốn hay không, Việt Nam buộc phải đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông (hầu như một mình). Mùa hè nóng bỏng đó đã đi vào lịch sử như một bước ngoặt chiến lược, không chỉ làm quan hệ Trung-Việt khủng hoảng, mà còn biến Biển Đông thành “thùng thuốc súng”, và tâm điểm tranh chấp quyền lực và lợi ích chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh. Vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông và vụ khủng hoảng dàn khoan ở Biển Đông là một yếu tố thay đổi cuộc chơi (game changer), làm Tokyo giật mình, phải điều chỉnh bàn cờ khu vực.

Tuy Việt Nam vẫn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc (cho tới lúc đó), nhưng sự kiện dàn khoan HD-981 là một nhân tố thay đổi làm Hà Nội bị sốc, buộc phải điều chỉnh tư duy chiến lược.
Trong khi Washington và Tokyo tỉnh ngộ về hiểm họa Trung Quốc tại Biển Đông, Người Việt coi Trung Quốc là “nửa bạn nửa thù” (franemy). Trong khi quan hệ Trung-Việt giảm xuống tới mức xấu nhất kể từ cuộc chiến tranh biên giới (từ 2/1979), quan hệ Mỹ-Việt và Nhật-Việt lại tốt lên và xích lại gần nhau hơn, như một “hệ quả không định trước”.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, thúc đẩy Việt Nam có bước ngoặt mới về đối ngoại. Tin tức về dàn khoan HD-981 và tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm và đánh chìm tàu thuyền Việt Nam, đã dẫn đến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên toàn quốc, thậm chí đốt phá các dự án của người Trung Quốc tại Việt Nam. Bước ngoặt này đã làm cho Hà Nội và Bắc Kinh xa nhau hơn, trong khi Hà Nội mở rộng cửa để Tokyo và Washington xích lại gần Việt Nam, không chỉ để hợp tác kinh tế mà còn vì chiến lược. Nói cách khác, Nhật và Mỹ đang “trở về tương lai” (back to the future) tại Biển Đông và Việt Nam.

Theo một số chuyên gia, có ba yếu tố cơ bản thúc đẩy Nhật trở lại Biển Đông, nay trở thành “thùng thuốc súng” tại châu Á, nơi Trung Quốc trỗi dậy muốn làm bá chủ khu vực:

Thứ nhất, Nhật muốn duy trì trật tự tại Biển Đông theo luật quốc tế (bao gồm UNCLOS);

Thứ hai, vì Biển Đông bất ổn, Nhật phải theo Mỹ “xoay trục” sang châu Á để giữ nguyên trạng và ngăn chặn Trung Quốc; và,

Thứ ba, vì lợi ích an ninh của mình và địa chính trị Đông Á, Nhật buộc phải cạnh tranh với Trung Quốc đang trỗi dậy. (Japan’s Grand Strategy in the South China Sea, Takashi Inoguchi & Ankit Panda, in Anders Corr (ed), 2018, Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea, Naval Institute Press. Kindle Edition).

Trong mấy năm qua, khi nào quan hệ Trung-Việt xấu đi thì quan hệ Nhật-Việt và Mỹ-Việt sẽ tốt lên. Có sáu lý do chính thúc đẩy Nhật phải có lập trường cứng rắn hơn: Thứ nhất, Tokyo sợ Mỹ quá lo về Triều Tiên, nên không dám đối đầu với Trung Quốc; Thứ hai, tuy Shinzo Abe thân mật với Trump, nhưng lập trường của Trump vẫn khó lường; Thứ ba, Tokyo cần triển khai Izumo và Kaga tại Biển Đông để huấn luyện hải quân Nhật; Thứ tư, Tokyo cần triển khai lực lượng ở khu vực để hỗ trợ Shinzo Abe sửa đổi hiến pháp (điều 9); Thứ năm, Tokyo lo một số nước ASEAN ngả theo Trung Quốc vì “Nhất đới Nhất lộ”; và,
Thứ sáu, Tokyo tham gia tập trận hải quân Malabar tại Ấn Độ Dương cùng hải quân Mỹ và Ấn (hy vọng sẽ thêm Úc) để tăng cường khả năng “phối hợp tác chiến” (interoperability) và đối phó với rủi ro mới trên Biển.
Theo kế hoạch, Nhật định đóng 4 tàu sân bay loại “Izumo class” (trọng tải 27.000 tấn). Izumo và Kaga là hai tàu sân bay đầu tiên, được xếp loại trung bình, tuy không lớn bằng tàu sân bay của Mỹ và Nga, nhưng tương đương với các tàu sân bay của châu Âu. Vì hiến pháp Nhật không cho sở hữu tầu sân bay, nên Tokyo phải xếp Izumo và Kaga vào loại “khu trục hạm chở trực thăng” (chủ yếu có nhiệm vụ chống tàu ngầm). Trên tàu Izumo và Kaga có 5 bãi đỗ trực thăng, và chở được 28 trực thăng. Theo thiết kế, có thể sửa Izumo thành tàu sân bay cho máy bay chiến đấu cần đường băng ngắn (VSOL) như F-35B mà Nhật định mua 42 chiếc.

Trong khi Tokyo cùng Washington triển khai sức mạnh cứng (hard power) tại Biển Đông và Việt Nam (để răn đe Trung Quốc), về lâu dài họ cần triển khai cả sức mạnh mềm (soft pwer) bao gồm hợp tác kinh tế và văn hóa. Tuy tàu sân bay USS Carle Vinson đến thăm Đà Nẵng hát “nối vòng tay lớn” và tàu ngầm Kuroshio đến Cam Ranh giao lưu bóng đá là một sáng kiến, nhưng họ phải nghĩ đến cái gì đó lâu dài hơn.
Di sản văn hóa Nhật tại Hội An là một biểu tượng “sức mạnh mềm” (soft power) không chỉ có giá trị du lịch mà còn là cầu nối văn hóa giữa hai nước. Ý tưởng kết nghĩa giữa hai “thành phố xanh” (green city) là Yokohama và Đà Nẵng cũng là một dự án có ý nghĩa, cần được hai chính phủ ưu tiên thúc đẩy.

Biển Đông dậy sóng


Theo Bộ Quốc phòng Nhật, tàu ngầm Kuroshio (attack submarine) đã cập bến quân cảng Cam Ranh trong chuyến thăm 4 ngày (từ 17/9/2018), sau khi tập trận chống tàu ngầm tại khu vực gần bãi cạn Scaborough (13/9) cùng với tàu sân bay Kaga và hai tàu khu trục Inazuma và Suzutsuki. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm của Nhật tham gia tập trận tại Biển Đông và đến Cam Ranh, tiếp theo sự kiện tàu sân bay Izumo đến Cam Ranh lần đầu (20/5/2017) trong một hải trình dài để tham gia tập trận tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. (SCMP, 17/9/2018).

Trong khi đó, Nhật và Mỹ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam (làm Trung Quốc lo ngại). Trong khi Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam tàu tuần duyên Morgenthau (Hamilton class, trọng tải 3.250 tấn) và 6 xuồng tuần tra tốc độ cao Metal Shark (5/2017), Nhật cũng cam kết sẽ chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đa năng MRRV (trong năm 2018). Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tới Cam Ranh (3/2018) chắc không phải để thủy thủ Mỹ hát “nối vòng tay lớn”, và tàu ngầm Nhật Kuroshio tới Cam Ranh (9/2018) chắc không phải để thủy thủ Nhật giao lưu bóng đá. Ngoài Mỹ và Nhật, các nước khác (Úc, Ấn, Hàn, Anh, Pháp và Canada) cũng điều động tàu chiến đến Biển Đông để tuần tra (FONOP).
Theo giáo sư Narushige Michishita (National Graduate Institute for Policy Studies, Tokyo) “Nhật muốn gửi một thông điệp chiến lược tới Trung Quốc và các nước khu vực, để chứng tỏ Nhật quyết tâm cân bằng lực lượng. Vì vậy, việc triển khai tập trận chống tàu ngầm tại Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt”. (Japan Challenges China With Submarine Exercise, Chieko Tsuneoka & Peter Landers, Wall Street Journal, September 17, 2018).

Các sự kiện nói trên diễn ra trong bối cảnh khu vực Indo-Pacific có một số đặc điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, vai trò an ninh của Nhật tại khu vực đang được tăng cường với tầm nhìn Indo-Pacific và “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Úc-Ấn;

Thứ hai, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang chuyển sang giai đoạn 2 (từ 24/9/2018), khi Mỹ chính thức đánh thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD;

Thứ ba, quan hệ Liên Triều và Mỹ-Triều diễn biến theo hướng hòa hoãn và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; và,

Thứ tư, quan hệ Trung-Nhật đang hòa hoãn, và thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ thăm Bắc Kinh vào tháng tới.

Mấy năm gần đây, tranh chấp Trung-Nhật tại quần đảo Điếu Ngư, và Trung Quốc tuyên bố “khu vực nhận diện phòng không” (ADIZ) tại biển Hoa Đông, làm quan hệ hai nước khủng hoảng. Nay tuy quan hệ đang đi vào “một giai đoạn mới”, nhưng Nhật điều tàu sân bay Kaga và tàu ngầm tấn công Kuroshio đến biển Đông tập trận làm hòa hoãn Trung-Nhật vốn mỏng manh càng dễ rủi ro, vì lịch sử hai nước có nhiều uẩn khúc, rất khó tin nhau (deep distrust). Theo các nhà quan sát, gần đây Nhật đã quyết định nhảy vào vũ đài Biển Đông. (The Izumo deployment: Japan’s hat in the ring, Rupakjvoti Borah, Japan Times, May 23, 2017).

Gần đây, Bắc Triều Tiên và Malaysia là hai trường hợp điển hình (case study) về xoay trục chiến lược, theo xu hướng “thoát Trung”. Tuy hai nước này ở hai khu vực khác nhau và có bối cảnh quốc gia khác nhau, nhưng có chung mẫu số là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, và đang điều chỉnh chiến lược để thoát khỏi “chủ nghĩa thực dân mới”. Tuy diễn biến tại bán đảo Triều Tiên có thể làm Tokyo lo ngại, nhưng hiện tượng Malaysia là một tin mừng.
Tại Malaysia, Mahathir Mohamad đã thắng cử và lên làm thủ tướng một lần nữa (khi đã 93 tuổi). Người ta gọi sự kiện đó là “cơn địa chấn về chính trị”, vì đã tạo ra một bước ngoặt mới không chỉ cho Malaysia mà còn cho cả khu vực (trong đó có Việt Nam).
Khác với Rajib Razak, Mahathir đang dẫn dắt Malaysia thoát khỏi “bẫy nợ” của Trung Quốc (mà ông gọi là “chủ nghĩa thực dân mới”). Nhưng để “an toàn”, Malaysia vừa phải thân thiện với Trung Quốc, vừa tăng cường quan hệ hợp tác với các cường quốc khác, đặc biệt là Nhật, theo chính sách “Hướng Đông” (Look East), mà trước đây Mahathir đã từng theo đuổi. Đây là tầm nhìn mà Việt Nam có thể chia sẻ về chiến lược “Indo-Pacific” và “Bộ Tứ” tại Biển Đông.

Tầm nhìn Indo-Pacific


Biển Đông không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng (như eo biển Malacca) mà còn giàu tài nguyên thiên nhiên (như dầu khí và hải sản). Theo số liệu thống kê, mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải đi qua Biển Đông, trong đó có hơn 200 tàu chở dầu, chiếm 1/3 lượng dầu thô và 1/2 lượng khí hóa lỏng. Trong số 90% lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển qua đường biển, khoảng 45% phải đi qua Biển Đông. Hàng năm, khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật được vận chuyển qua Biển Đông. Trong khi đó, khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đông. Lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông của các nước ASEAN là 55%, của Úc là 40%, của Việt Nam là 100%.

Trong mắt Bắc Kinh, Biển Đông đối với Trung Quốc cũng như vịnh Mexico đối với Mỹ, nên họ coi Mỹ và Nhật là “người ngoài” (outsider) không được can dự vào Biển Đông (vì đây là vùng ảnh hưởng của Trung Quốc). Trung Quốc tự coi mình có quyền thay đổi luật chơi để kiểm soát Biển Đông (như cái ao riêng của họ) bằng cách áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA). Nhưng trong mắt Washington và Tokyo, Trung Quốc là một “cường quốc xét lại” (revisionist power) muốn thay đổi luật lệ và quân sự hóa Biển Đông (Hoàng Sa và Trường Sa), bắt nạt các nước làng giềng (như không cho Việt Nam khai thác dầu khí tại thềm lục địa của mình), bất chấp luật biển quốc tế (UNCLOS).
Đối với Tokyo, vị trí chiến lược của Biển Đông quan trọng không kém Biển Hoa Đông, vì bàn cờ địa chính trị khu vực Đông Á liên quan đến Trung Quốc và gắn liền với lợi ích kinh tế và an ninh của Nhật trong trật tự thế giới và khu vực. Nói cách khác, tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư là một yếu tố quan trọng thúc đẩy Nhật triển khai lực lượng tại Biển Đông. Dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, Tokyo điều chỉnh (recalibration) chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật như “một nước hòa bình tích cực” (proactive pacifist country).

Gần đây, Tokyo đang tiến hành sửa đổi hiến pháp (điều 9), theo đó, “Tư duy chiến lược của Nhật về Biển Đông sẽ tiếp tục được định hình với ngôn ngữ của trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp” (Japan’s grand strategic thinking about the South China Sea will continue to be framed in the language of the rules-based global order). (Japan’s Grand Strategy in the South China Sea, Takashi Inoguchi & Ankit Panda, in Anders Corr (ed), 2018, Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea, Naval Institute Press).
Trong bối cảnh Mỹ điều chỉnh chiến lược theo “tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP) dựa trên khuôn khổ “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, thì vai trò của Nhật tại khu vực này càng quan trọng hơn.
Có 2 lý do, Thứ nhất, “Quad” là ý tưởng của Shinzo Abe từ nhiệm kỳ trước, nay mới có điều kiện triển khai (bằng cách đặt vào tay Trump) trong chiến lược an ninh và quốc phòng (NSS và NDS); và Thứ hai, với tầm nhìn của Trump vì nước Mỹ trước (America First) Nhật và các đồng minh ở Đông Á cũng phải “tự lo cho mình trước khi Mỹ cứu”.
Đối với Việt Nam, Hà Nội ủng hộ chiến lược FOIP “một cách kín đáo và thận trọng” (low key and cautious). Trong khi tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và chiến lược (song phương) với các nước trong “Bộ Tứ”, Hà Nội vẫn ngại Bắc Kinh cho rằng Việt Nam muốn tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc. Vì vậy, Hà Nội chọn cách tham gia vào “một mạng lưới hợp tác an ninh mềm dẻo” với các nước lớn và đối tác cùng chính kiến nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo hướng tự do thông thương, và tôn trọng pháp luật.
Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, FOIP vẫn còn là tầm nhìn, chứ chưa phải một kế hoạch cụ thể, hay một cơ chế tổ chức (institutionalized mechanism), nên đối với khu vực, đó vẫn là một câu hỏi lớn mà Mỹ phải giải đáp. Washington có thể không tổ chức “Bộ Tứ” như một liên minh chặt chẽ về an ninh để thực hiện chiến lược FOIP, mà “thiết lập và tăng cường một mạng lưới đồng minh và đối tác an ninh để cộng tác nhằm bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật” (establish and strengthen a network of allies and security partners that will work together to defend the rules-based order). (America’s Free and Open Indo-Pacific Strategy: A Vietnamese Perspective, Le Hong Hiep, Yusof Ishak Institute, Issue 2018 No. 43, August 7, 2018).

Lời cuối

Trong thời đại bùng nổ thông tin (với internets & social media) và cơn bão trí tuệ nhân tạo (AI) đang ập tới, giới nghiên cứu và báo chí đang đứng trước những thách thức mới. Thế giới “hậu sự thật” (post-truth) mà Yuval Harari cảnh báo là một con dao hai lưỡi. Trong cái thế giới thật giả lẫn lộn đó, người ta có thể bị hacked bởi Facebook hoặc “thẻ tính điểm tín nhiệm xã hội” (social credit score cards), như trong “1984” của George Orwell. Trên mạng ngày càng nhiều “tin vịt” (fake news) và thông tin “nửa thật nửa hư” (half-truth) khó phân biệt thật giả, dễ làm người ta ngộ nhận.
Thế giới ngày càng diễn biến khó lường, với nhiều biến số (như Trump), nên khó phân biệt thực chất vấn đề (như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung).
Gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều khi đánh giá một vấn đề. Tuy lý giải khác nhau là chuyện bình thường, nhưng nếu đánh giá trái ngược nhau lại là chuyện khác. Trong khi một số người khen Trump hết lời và khẳng định Mỹ nhất định thắng, Tàu nhất định thua, thì một số khác lại phục Tàu sát đất và khẳng định Tàu nhất định thắng, Mỹ nhất định thua. Điều đó có thể do xu hướng đơn giản hóa vấn đề vốn phức tạp, do người ta thích trắng đen rõ ràng (black or white), trong khi thực tế toàn màu xám (gray area), hoặc do chủ quan duy ý chí, thích nhìn sự việc qua lăng kính của mình, nên người ta dễ ngộ nhận, hoặc do tâm trạng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, nên người ta dễ kết luận vội vàng (như “hội chứng mì ăn liền”).

Tham khảo

1. Japan’s Grand Strategy in the South China Sea, Takashi Inoguchi & Ankit Panda, in Anders Corr (ed), 2018, Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea, Naval Institute Press. Kindle Edition.
2. Russia and the South China Sea Issue: Paradoxes Abounding, Stephen Blank, in Anders Corr (ed), 2018, Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea, Naval Institute Press. Kindle Edition.
3. The Izumo deployment: Japan’s hat in the ring, Rupakjvoti Borah, Japan Times, May 23, 2017.
4. America’s Free and Open Indo-Pacific Strategy: A Vietnamese Perspective, Le Hong Hiep, Yusof Ishak Institute, Issue 2018 No. 43, August 7, 2018.
5. Russias massive military exercise with China aimed at Pacific leverage, Stephen Bryen, Asia Times, September 7, 2018.
6. Japan challenges China with submarine military exercise in South China Sea, Laura Zhou, SCMP, September 17, 2018.
7. Japan Challenges China With Submarine Exercise, Chieko Tsuneoka & Peter Landers, Wall Street Journal, September 17, 2018).
8. Why Japan’s First Submarine Visit to Vietnam Matters, Prashanth Parameswaran, diplomat, September 19, 2018.
NQD. 27/9/2018

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

NHỚ NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU DƯƠNG DANH DY

Nhớ những kỷ niệm với NNC Dương Danh Dy

Nhà nghiên cứu nổi tiếng (NNC) về Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, đã qua đời ở tuổi 85 (ông Dy sinh năm 1934, nhưng ở VN tuổi thọ đưNHỚ ợc tính như vậy).

Xin kể lại một vài chuyện nhỏ, cũng là những kỷ niệm khó quên với nhà nghiên cứu TQ kỳ cựu có rất nhiều đóng góp này.

Với báo Quốc Tế thuôc Bộ ngoại giao (nay là báo Thế giới & Việt Nam), bác Dy - hay anh Dương Danh Dy - luôn là một cộng tác viên đầy nhiệt tình cùng một tình cảm như gia đình hết sức thân thuộc. Hình ảnh bác Dy tự đi xe buýt hoặc xe ôm (lúc đó bác Dy đã về hưu lâu và khá cao tuổi) đến với tòa soạn báo ở phố Chu Văn An, trèo lên tầng 2, đưa đến tập bài viết cho tổng biên tập khó phai mờ trong tâm trí nhiều anh chị em trong tòa báo hồi đó chứng kiến.

Nói tập bài viết vì những lần đó bác Dy không đưa từng bài đơn lẻ, mà nhân tiện đưa dăm ba bài khác nhau để tòa soạn tự lựa chọn. Hồi đó (là khoảng cuối những năm 1998 đến 2005) tôi nhớ bài bác Dy viết được chọn in ra chỉ là những bài vở ngắn, tiểu phẩm nhỏ chứ những bài viết dài thì ít sử dụng. Bởi các bài này đều viết về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc với nhiều ý kiến “độc lập”, khác "dòng chảy chung" nên khó đăng.

Nên nhớ là thời kỳ này Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh mới có chuyến đi Trung Quốc dài ngày, tới cả thủ phủ Tứ Xuyên là Thành Đô, nơi diễn ra sự kiện bình thường hóa VN-TQ mà TQ có ý bố trí để đoàn đến tận nơi (bản thân tôi là tổng biên tập cũng đi tháp tùng trong đoàn nay), nên việc một tờ báo trực thuộc trong Bộ Ngoại giao rất “khó xử lý” nội dung bài vở nếu như trong bài viết đụng chạm tới các chuyện “nhạy cảm, tế nhị” trong quan hệ 2 nước.

Chắc biết như vậy nên sau khi gửi bác Dy những tờ báo biếu, bác cũng chẳng phản ứng gì khi không đăng các bài mà bác đặt nhiều kỳ vọng tờ báo chính thức của Bộ sẽ công bố. Thường là bác Dương Danh Dy lặng lẽ sửa chữa ít nhiều rồi gửi cho một số cơ quan truyền thông báo chí khác của ta, và họ đã biên tập rồi đăng; một số bài khác tôi biết cứ được giữ nguyên và đã công bố trên đài BBC mà sau này tôi đều tìm đọc được cả (ở đài BBC và một số cơ quan truyền thông nước ngoài khác đã liên hệ và đặt bài bác Dy).

Nhắc lại chuyện trên không phải đến bây giờ tôi băn khoăn sao không sử dụng bài bác Dương Danh Dy. Tôi nghĩ nếu mình phụ trách một tờ báo khác không phải nằm trong Bộ ngoại giao thì chắc cũng sẽ xử lý như các tờ báo bạn đã xử lý, đăng với một chút ít chỉnh lý hoặc sửa chữa là được. Nằm trong Bộ, biết rõ chủ trương về đối ngoại, về TQ, mà đưa ra những gì chưa chuẩn về đối tượng phương Bắc này là thường bị "soi", bị phạt việt vị (hors-jeu). Cũng bài như thế đăng báo khác chắc không vấn đề gì, nhưng báo Quốc Tế đăng là thể nào phía TQ họ cũng có cách phản ứng (thường là qua con đường Đại sứ quán của họ - hoặc gọi điện, hoặc một buổi nhân có gặp gỡ tiếp xúc với ai đó trong BNG là họ tìm cách nói thế nào đó như một cách bắn tin, cách nhắc nhở). Điều này mấy anh tiền nhiệm của tôi đã trải qua và thường luôn kể lại công khai để anh em trong tòa soạn cùng biết mà tránh khi nhận bài, khi biên tập những bài vở có liên quan đến TQ.

Nhưng thôi đó là câu chuyện cũ đã qua. Bác Dy không đăng được một số bài bác muốn với tờ báo Quốc Tế thì chính bác Dy cũng chẳng khi nào tỏ ý trách móc, không hài lòng với tòa soạn. Bởi vì hơn ai hết bác Dy biết cái cách Bộ ngoại giao “vận hành”, xử lý trong mối quan hệ và va chạm với đối tượng TQ ở Vụ xưa bác làm (Vụ Trung Quốc), hay Văn phòng Bộ cùng một số Vụ chính trị khác. Tờ báo của Bộ không nằm ngoài sự chỉ đạo và điều tiết đó.

Còn việc bác Dương Danh Dy gửi bài cho tòa báo trong Bộ trước khi gửi đi các nơi, công bố ở các nơi ngoài biên giới VN lại có những lý do khác. Đó không là chủ đề, là ý chính của stt này.
Nhưng ở thời kỳ đó, cái ý định, cái cách mà bác Duơng Danh Dy đã tiến hành cho những bài vở bác nghiên cứu và viết thì không những đúng, chuẩn mà lại rất “kín võ”. Làm như thế khó mà ai phàn nàn, chê trách sao bác Dy viết về đối ngoại, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà không ưu tiên gửi cho “báo nhà” chuyên về đối ngoại (chứ bác Dy cũng thừa biết đăng trên Quốc Tế là khó xảy ra trong tình hình quan hệ song phương lúc đó).

Bác Dương Danh Dy làm như vậy - như lời bác Dy kể lại với người viết những dòng này - cũng là bác có ý tránh cái đám “thọc gậy bánh xe vào” một khi nội dung những bài vở này bị săm soi, bị “gây sự” lúc này lúc khác.

Sau này đúng là đây đó có những điều tiếng, đồn thổi này khác về bài này bài kia “chống TQ, không ưa TQ…” của bác Dy nhưng bác Dy thường nhẹ nhàng yên lặng. Tức bác không tỏ phản ứng gì ngoài cái cách tìm một vài diễn đàn - mà người ta, tức là những nơi sở hữu diễn đàn dư luận này cũng muốn thế -, là nêu lên câu chuyện bị đồn đại để "nói lại cho rõ" hơn lập trường, chỗ đứng, cách nhìn nhận mà bác Dy cho là phải, là đúng đắn nhất khi xử lý mối quan hệ Việt - Trung. Như thế thôi. Tôi nghĩ đó là cách phản ứng có văn hóa, phản ứng của một nhà nghiên cứu uyên thâm, của một học giả.
Kể lại vậy thôi cứ đó là những câu chuyện hậu trường, chuyện “đằng sau bức tường” mà không phải lúc nào cũng đem ra vô tư thuật lại cho nhiều người nghe được, nhất là lúc này bác Dương Danh Dy đã rời xa chúng ta.

Báo Quốc Tế ít đăng các bài “cỗ món” về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chẳng một chút ảnh hưởng tới mối quan hệ rất thân tình của bác Dương Danh Dy với (dành cho) tờ báo của chúng tôi.
Nhớ lại hồi tôi làm tổng biên tập có 3 lần mời được bác Dy cùng đi “dã ngoại” với anh chị em trong tòa soạn.

Đó là những chuyến đi xa ba bốn ngày liền (có lần đi sang Đông Hưng, Trung Quốc). Là vào những dịp nghỉ bù khi ra 2 số báo gộp lại, hoặc xuất bản 1 số kỷ niệm bài vở dày gấp đôi, gấp ba số báo bình thường nhân ngày thành lập ngành ngoại giao (28/8) và đó cũng sát với ngày nghỉ lễ Quốc khánh... là công đoàn tờ báo tổ chức cho anh chị em và gia đình đi picnic, đi nghỉ ở các địa phương xa xa.
Khách mời đi chơi, đi nghỉ chỉ vài ba người nhưng không bao giờ thiếu bác Dy. Biết tòa soạn không dư dật tài chính bác Dy muốn đóng góp, nhưng chúng tôi luôn khéo thoái thác, nói rằng quỹ phúc lợi của tòa báo đảm đương được.

Để an lòng bác Dy, tôi thường phân trần thêm, rằng “công sức anh – tôi kém NNC Dương Danh Dy 9 tuổi nên thường xưng hô như thế) có những đóng góp thường xuyên cho mục Góc nhà ngoại giao, Câu chuyện đối ngoại, Lượm lặt gần xa... của báo mà chúng em trả nhuận bút còm thì nay cho chúng em sửa sai chút đỉnh thôi…”.

Nghe câu ấy xong bác Dy chấp nhận, rồi thường cười rất tươi, và bác cũng lại thường “to tiếng” đáp lại, cốt như để anh em tòa báo đứng xung quanh nghe được, “đấy là điều khiến tao rất thích, rất quý (tờ báo) chúng mày” – ý nói là ở sự chân tình, mộc mạc, tình nghĩa con người. Nên biết là bác Dương Danh Dy rất hay dùng từ "mày, tao" vô cùng thân mật khi đối thoại với lớp người mà bán thân tình quý mên ở dưới tuổi của mình.

Hôm nay gia đình, người thân và bạn bè, đồng nghiệp tiễn đưa bác Dương Danh Dy đi xa. Tôi cũng ở một chân trời rất xa không có mặt để đưa tiễn bác, đưa tiễn anh Dương Danh Dy (anh Dy còn là đồng môn trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh với tôi, anh thuộc lớp đàn anh học trước tôi gần chục khóa), xin viết những dòng này như một nén hương thơm vái vọng, một cái lễ viễn bái hướng về nơi Anh - một góc trời nước Việt xa xăm kia mà Anh yêu quý và luôn bảo vệ đến cùng lợi ích của đất nước trên dư luận và trên nhiều đấu trường quốc tế.

Cầu mong Anh yên bình - an nghỉ giấc ngàn thu.

Sự nghiệp và nhân cách của anh sẽ mãi mãi còn lại với đời, với các thế hệ đàn em, đàn cháu chúng tôi đã và sẽ được là đồng nghiệp của Anh trong Bộ ngoại giao.


@ Ảnh một lần bác Dương Danh Dy trong một chuyến đi dã ngoại với anh chị em tòa soạn tại tỉnh Lạng Sơn.

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Giáo dục Việt Nam đang đi về đâu?

BẠN VIẾT NGUYỄN QUANG DY LẠI MỚI GỬI CHO TÔI MỘT BÀI VIẾT MỚI CỦA ANH VỀ GIÁO DỤC.

BÀI HAY, SÂU SẮC., XIN POST LÊN ĐỂ MỌI NGƯỜI VÀ BẠN BÈ XA GẦN CÙNG ĐỌC VÀ CHIA SẺ...

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

---
 
Giáo dục Việt Nam đang đi về đâu ?

Nguyễn Quang Dy

“Giáo dục không phải là đổ đầy bình, mà là thắp một ngọn lửa” (Education is not the filling of a pail, but the lighting of a fire). (William Butler Yeats).

Hiện tượng bất thường

Gần đây, cách đánh vần trong sách giáo khoa CNGD trở thành chủ đề tranh cãi “như mổ bò” trong dư luận, che khuất các mảng tối của khủng hoảng giáo dục (như “phần nổi của tảng băng chìm”). Có hai hiện tượng bất thường đáng chú ý. Thứ nhất, trong khi công chúng bị phân hóa làm hai phe tranh cãi gay gắt, thì Bộ Giáo dục hầu như im lặng quá lâu một cách khó hiểu, như không liên can trách nhiệm. Thứ hai, trong khi tranh cãi phản ánh tâm trạng bức xúc của công chúng, như đống rơm khô dễ bắt lửa, nó bộc lộ tình trạng dân trí thấp.

Tuy vai trò sách giáo khoa rất quan trọng trong giáo dục truyền thống, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định trong giáo dục khai phóng. Tại Việt Nam, sách giáo khoa trở thành vấn nạn đối với học sinh và phụ huynh, vì tình trạng độc quyền xuất bản và phát hành. Nói cách khác, sách giáo khoa đã bị thao túng bởi nhóm lợi ích vì lợi nhuận khổng lồ, nhưng chất lượng còn nghèo nàn vì chưa được coi trọng. Sách giáo khoa CNGD có lúc “bị dìm” vì dám cạnh tranh với sách truyền thống, nhưng có lúc “được nổi” vì sách CNGD có lợi.

Chắc mọi người còn nhớ hình ảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm, để xông vào trường nộp đơn xin cho con học. Hình ảnh độc đáo đó đáng lẽ phải được đưa vào Guinness Book of World Records. Có thể nói với Gs Hồ Ngọc Đại rằng đây là một sự cố hy hữu, có giá trị quảng cáo còn hiệu quả lớn hơn bất cứ một ý tưởng quảng cáo chuyên nghiệp nào khác (mà lại không mất tiền). Nhưng thật là nghịch lý vì sau khi “ba chìm bảy nổi”, Gs Hồ Ngọc Đại nay lại đang bị dư luận “ném đá tơi bời” vì chính sự thành công của mình.

Không biết đó là quá trình “ba chìm bảy nổi” hay là “ba nổi bảy chìm” của chương trình thực nghiệm CNGD (của Gs Hồ Ngọc Đại). Nhưng nếu người ta chỉ chúi mũi vào tranh cãi về sách giáo khoa hay cách “đánh vần” (như “đánh vật”) dù vì lý do học thuật hay vì động cơ lợi nhuận, thì có thể bị lạc đường, vì “thấy cây mà không thấy rừng”. Trong khu rừng rậm giáo dục Việt Nam từ thời dựng nước (sau 1945), đã có quá nhiều phong trào: từ “bình dân học vụ” đến “bổ túc công nông”, đến “vừa hồng vừa chuyên”, đến “tiên học lễ hậu học văn”, đến “con ngoan trò giỏi”, đến “kiên cố hóa trường lớp”, đến “thực nghiệm CNGD”, v.v.

Trong lần tranh cãi này, không thấy dư luận bàn cãi về vai trò của giáo viên, tuy quan trọng không kém sách giáo khoa, cũng không thấy nói đến vai trò của Bộ Giáo dục (nhất là Bộ trưởng). Quan trọng hơn là không thấy nói đến vai trò của thể chế đã dẫn đến các vấn nạn đó, mà nay người ta hay gọi một cách văn hoa là “lỗi hệ thống”. Xét cho cùng, nếu lỗi ở sách giáo khoa, thì có thể thay sách. Nếu lỗi ở giáo viên thì có thể thay giáo viên. Nếu lỗi ở Bộ Giáo dục (hay Bộ trưởng) thì cũng có thể thay Bộ trưởng, nếu “chính phủ kiến tạo” thấy cần. Nhưng nếu do “lỗi hệ thống”, thì người ta có dám thay hệ thống và thể chế không?

Với văn hóa chụp giật của các các nhóm lợi ích thân hữu, chính sách giáo dục “từ trên xuống” (top down) và tình trạng dân trí thấp “từ dưới lên” (bottom up) đã làm thui chột nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập quốc tế. Trung Quốc đã cất cánh về kinh tế vì cách đây hơn hai thập kỷ, họ đã quyết tâm đầu tư lớn cho giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đứng đầu (như Bắc Kinh và Thanh Hoa) để đạt “đẳng cấp quốc tế”. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố sống còn để phát triển, phải đổi mới thể chế và đầu tư đúng chỗ.

Chúng ta nói quá nhiều về khủng hoảng giáo dục (như cái ngọn) nhưng vẫn chưa đổi mới thể chế (là cái gốc). Nếu không thoát khỏi hệ tư tưởng giáo điều đã lỗi thời, coi thường trí thức, thì không thể nâng cao dân trí. Mọi cố gắng cải cách giáo dục chỉ luẩn quẩn và duy ý chí như tự cầm tóc nhấc mình lên. Nếu không từ bỏ tư duy độc quyền thì không thể bỏ được độc quyền giáo dục, và không thể kiểm soát được quyền lực. Độc quyền sách giáo khoa là một loại tham nhũng chính sách của các nhóm lợi ích được thể chế độc quyền bảo kê.

Hệ quả khó lường

Văn hóa-Giáo dục là hai lĩnh vực gắn liền với nhau như hình với bóng, và tương tác theo luật nhân quả. Giáo dục mà thiếu văn hóa làm nền cũng giống như làm nhà mà thiếu móng. Học gì và học thế nào thường liên quan đến giáo dục-đào tạo, nhưng học để làm gì thường liên quan đến văn hóa-tư tưởng. Thời trước, khi nói đến “khai dân trí và chấn dân khí”, chắc cụ Phan Châu Trinh nghĩ đến cả giáo dục-đào tạo và văn hóa-tư tưởng. Nhưng ngày nay, vào thời “mạt pháp” (theo phật lịch) thì văn hóa-giáo dục đang bị suy đồi và khủng hoảng.

Khủng hoảng giáo dục-đào tạo thường kéo theo khủng hoảng văn hóa-tư tưởng và khủng hoảng lòng tin. Khi mất lòng tin, môi trường sống bị ô nhiễm, môi trường giáo dục-đào tạo suy đồi và khủng hoảng, nhiều người (cả quan chức và trí thức) sẽ bỏ đất nước, tìm nơi khác cho gia đình cư trú như “tị nạn giáo dục” (thay vì “tị nạn chính trị”). Nhưng người ta không di cư sang Trung Quốc (vì đại cục “16 chữ vàng”), mà thường cho gia đình di cư sang Mỹ, Úc, Canada, và châu Âu, vì ai cũng muốn một môi trường sống và giáo dục an toàn.

Vậy điều gì đã xảy ra tại Việt Nam làm chất lượng giáo dục xuống cấp như vậy? Sau giải phóng (1954 tại Miền Bắc và 1975 tại Miền Nam), cách mạng đã phá bỏ mọi thứ của “đế quốc thực dân” (kể cả hệ thống giáo dục). Tại nhiều nước khác (như Ấn Độ) người ta không làm như vậy, mà vẫn giữ nguyên hệ thống giáo dục của Anh (hay Pháp). Chính vì vậy, cho đến nay hệ thống giáo dục của họ (về cơ bản) vẫn còn nguyên, nên chất lượng vẫn tốt.

Khi lập chính phủ thời VNDCCH, cụ Hồ cũng chú trọng đến giáo dục và văn hóa, nên chọn được các trí thức hàng đầu làm bộ trưởng, như ông Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu (Bộ Giáo dục) và ông Hoàng Minh Giám (Bộ Văn hóa). Tại Miền Nam, hệ thống giáo dục kiểu Pháp (về cơ bản) vẫn được duy trì đến 1975. Nếu so bộ trưởng giáo dục và văn hóa thời nay với thời trước thì hơi xấu hổ. Bằng cấp của họ tuy không thiếu (vì không giáo sư cũng tiến sỹ) nhưng chỉ thiếu văn hóa, nếu không ngọng tiếng Anh cũng ngọng tiếng Việt.

Lẽ ra khi phá cái cũ thì phải thay bằng cái mới tốt hơn, nhưng càng cải cách giáo dục, tình trạng suy thoái và tụt hậu về giáo dục càng tệ hơn. Cũng như kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, Văn hóa-Giáo dục cũng phải “vừa hồng vừa chuyên”. Cách đây đã lâu, một lãnh đạo (hình như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng) nhận xét: “chất lượng giáo dục nước ta rớt nhanh như nhảy dù”. Khủng hoảng giáo dục nay đã trở thành vấn nạn quốc gia. Gần đây, cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nói: “cán bộ yếu thì cho đi học, bắt cán bộ giỏi làm thay; đến khi bổ nhiệm thì nhờ có bằng cấp nên cán bộ yếu được đề bạt”. (Tuổi Trẻ, 18/7/2006).

Nếu ngành xây dựng “ăn nhà đất” và ngành giao thông “ăn cầu đường”, thì ngành giáo dục “ăn sách giáo khoa” và các đề án cải cách giáo dục. Tuy không biết ngành nào ăn to hơn và phá nhiều hơn, nhưng chỉ biết họ “ăn không chừa thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan). Nếu ngành y tế thiếu trách nhiệm, họ có thể làm nhiều người mất mạng hay tàn tật. Nếu ngành xây dựng làm hỏng vài tòa nhà và ngành giao thông làm hỏng vài con đường (là hạ tầng cứng), người ta có thể đập đi xây lại. Nhưng nếu ngành giáo dục làm hỏng một hai thế hệ (như hạ tầng mềm) thì không thể đập đi xây lại, và hệ quả của khủng hoảng giáo dục khó lường.

Nếu vấn nạn giao thông hay vấn nạn y tế có thể gây ra “đột tử” cho hàng trăm sinh mạng, thì vấn nạn giáo dục có thể gây ra “đẳng tử” (chết từ từ) cho một hai thế hệ (vì dân trí thấp). Không biết cái chết nào nguy hiểm hơn. Câu chuyện tụt hậu về kinh tế (so với nhiều nước trong khu vực) chắc chắn có nguyên nhân từ sự tụt hậu về chất lượng giáo dục-đào tạo. Suy thoái và tụt hậu về kinh tế hay công nghệ (là hạ tầng cứng) có thể làm lại và phục hồi trong một hai thập kỷ, nhưng suy thoái và tụt hậu về văn hóa và giáo dục, đạo đức và dân trí, (là hạ tầng mềm) thì rất khó phục hồi, có lẽ phải mất một vài thế hệ (hoặc không bao giờ).

Càng cải cách càng tụt hậu

Năm 2008, Bộ Giáo dục đã tổ chức đối thoại trực tuyến với dân một cách “rất cầu thị”, thừa nhận sai lầm trong chương trình dạy ngoại ngữ và “hứa sẽ cải tổ”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lúc đó đã ký quyết định số 1400/QĐ-TTg, ngày 30/9/2008, duyệt kinh phí 10,000 tỷ đồng (gần 500 triệu USD) cho “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”). Theo chương trình đó, đến năm 2020 “đa số thanh niên Việt Nam sẽ có đủ năng lực ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong khuôn khổ triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia đó, các tỉnh tranh thủ “tát nước theo mưa”. Long An duyệt chi 437 tỉ đồng, Kon Tum duyệt chi 135 tỉ đồng, Đà Nẵng duyệt chi 140 tỉ đồng. Không biết vì sao lại cần đến ngần ấy kinh phí, chẳng khác gì phong trào xây tượng đài. Sau 7 năm (kể từ khi ký duyệt) hay 5 năm kể từ khi bắt đầu triển khai giai đoạn hai (2011-2015), bức tranh toàn cảnh về đề án này đã dần lộ rõ chân tướng, làm dư luận bức xúc về tính hiệu quả. Nhiều người nghi vấn về động cơ tham nhũng, làm lãng phí ngân sách.

Việc cải tổ cách dạy tiếng Anh là rất cần, nhưng có cần một kinh phí khủng đến thế không (gần 500 triệu USD) khi Việt Nam còn nghèo và ngân sách đang cạn kiệt? Số tiền đó đủ để lập ra 5 trường đại học đẳng cắp quốc tế (như đại học Fulbright). Ông Lý Quang Diệu chắc cũng không dám chi nhiều đến như vậy cho Singapore, tuy ông ấy thường kêu gọi “học tiếng Anh là vấn đề số một” để tiếp tục phát triển đất nước giàu mạnh. Nhưng vấn đề không phải là mất bao nhiêu tiền, mà là được cái gì. Tại sao đầu tư lớn đến như vậy nhưng năng suất lao động của người Việt vẫn thấp nhất khu vực, và không có đủ nhân lực để hội nhập quốc tế?

Trong khi người dân còng lưng đóng thuế và trả nợ thay cho những đề án cải cách lãng phí khủng khiếp đó mà không được hưởng một nền giáo dục tử tế, thì các nhóm lợi ích thân hữu và các quan chức tham nhũng (là “đầy tớ nhân dân”) tiếp tục làm giàu, để rồi tuồn tiền ra nước ngoài cho con cháu họ du học và chuẩn bị “hạ cánh an toàn”. Đó là một nghịch lý đáng buồn. Không chỉ ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm, mà các ngành khác (stakeholders) và các nhà tài trợ quốc tế (donors) cũng phải chịu một phần trách nhiệm liên đới.

Sau nhiều chương trình cải cách ồn ào, và nhiều “đề án quốc gia” hoành tráng, được vẽ ra chủ yếu vì kinh phí, nhưng lại “đầu voi đuôi chuột”, đâu lại hoàn đấy. Hàng năm, hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, hoặc không làm được việc, vì chất lượng đào tạo quá thấp và xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết cục là sinh viên tốt nghiệp vẫn thừa và thất nghiệp, trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực. Người Việt “không thua kém ai” nhưng tại sao đất nước tiếp tục nghèo hèn và tụt hậu? Việt Nam có một cái mỏ người rất quý (hơn 90 triệu dân), nhưng đến nay vẫn không biết cách khai thác.

Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập quốc tế và có năng suất lao động cao hơn, phải nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách nâng cao dân trí và xây dựng một xã hội công dân. “Xã hội hóa” chỉ là khẩu hiệu suông, nếu không thực sự đổi mới tư duy cải cách giáo dục. “Kiên cố hóa trường học” là một khẩu hiệu ngược đời, vì gía trị cốt lõi của giáo dục không phải là phần cứng (hardware) mà là phần mềm (software). Melinda Gates nói, “Chỉ trang bị cơ sở vật chất đơn thuần không giải quyết được những vấn đề giảng dạy…”.

Nói như vậy để thấy sự bất cập và phân liệt (dysfunctional) trong cơ chế quản trị đất nước. Một chính phủ “kiến tạo” không thể “trên nóng dưới lạnh” hay “trên bảo dưới không nghe” và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “tay phải, tay trái” khác nhau. Hàng năm, tại các Diễn đàn Kinh tế, đại diện ngành giáo dục có tham gia không? Các nhà quản trị và các doanh nghiệp có “đặt hàng” với ngành giáo dục hay không? Tại sao 40% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hoặc không làm được việc? Chẳng lẽ suy thoái và tụt hậu kinh tế không liên quan đến giáo dục-đào tạo? Chẳng lẽ khủng hoảng về đạo đức và nhân cách, tình trạng vô cảm và bạo lực đến mức báo động hiện nay trong xã hội không liên quan đến Văn hóa-Giáo dục?

Đi tìm triết lý giáo dục

Người ta hay nói đến cải cách giáo dục (như cái ngọn), nhưng vẫn ít đề cập đến triết lý giáo dục (như cái gốc). Trong khi tham khảo các triết lý giáo dục khác nhau, chúng ta thử đề cập đến một triết lý giáo dục (educational philosophy) được nhiều nước trên thế giới vận dụng (trong đó có Việt Nam). Đó là “lý thuyết kiến tạo” (Constructivism & Constructionism) do các nhà khoa học Jean Piaget (1896–1980) và Seymour Papert (1928-2016) đề xướng. Papert là học trò xuất sắc của Piaget, đã phát triển constructionism trên cơ sở constructivism. (*)

Theo Jean Piaget, lý thuyết constructivism giúp học sinh phát triển nhận thức (cognitive), qua thực nghiệm và quan sát (experience and observation), trong khi lý thuyết constructionism của Seymour Papert chú trọng thực hành (physical) thông qua “cách học thế nào” (learning how to learn). “Lý thuyết kiến tạo” cho rằng học sinh làm việc hiệu quả khi họ chủ động và tự giác làm ra những thứ hữu hình trong thế giới thực (maker place) bằng thực nghiệm, chú trọng đến cấu trúc sinh học hữu hình và những quy luật phổ quát của sự phát triển tri thức. Tuy lý thuyết này phát huy hiệu quả tốt với các lớp học sinh giỏi (và các lớp luyện thi), nhưng nó lại có nhược điểm là khó nhân rộng và khó áp dụng cho những lớp đông học sinh.

Các nguyên lý và tiêu chí cơ bản của “lý thuyết kiến tạo” là “học tích cực” (Active learning), “học bằng thực hành” (Learning by doing), “lấy học sinh làm trung tâm” (Student-centered), “học qua vấn đề” (Problem-based learning), “học qua dự án” (Project-based training), “học qua trải nghiệm” (Experiential learning), “học qua khám phá” (Discovery learning), “học bằng làm việc nhóm” (Group work in learning), “dạy trên cơ sở khảo cứu” (Inquiry-based teaching), “học qua kiến tạo và phối hợp” (Constructivism-based Blended learning)…

Lý thuyết kiến tạo (constructivism & constructionism) chú trọng tạo cơ hội cho học sinh học một cách tích cực (active educational opportunities), để phát triển văn hóa thực nghiệm (maker culture) trong các lĩnh vực “STEAM” bao gồm khoa học (science), công nghệ (technology), chế tạo (engineering), nghệ thuật (arts), và toán học (mathematics). Tại MIT, Papert đã lập ra Nhóm Nghiên cứu mà sau này đã trở thành “MIT Media Lap” nổi tiếng. Cũng chính tại MIT mà ông đã nghiên cứu và phát triển “lý thuyết kiến tạo” (constructionism).

Từ nghiên cứu trẻ em bắt đầu hiểu về thế giới thế nào (how children make sense of the world) Papert đã nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo để ứng dụng vào học, thông qua thiết kế và chia sẻ trong môi trường cộng tác (learning through designing and sharing within collaborative environments). Trong lý thuyết kiến tạo, học sinh sẽ học hiệu quả nhất nếu được tiếp cận tri thức cao hơn tại “vùng phát triển liền kề” (zone of proximal development).

Theo các nhà nghiên cứu, ý tưởng về “kiến tạo” (constructs) thực ra đã xuất hiện từ thời xa xưa, từ thời Phật Tổ (Buddha) và Lão Tử (Lao Tzu). Sau đó, ý tưởng này được các triết gia và học giả khác tiếp tục phát triển (như Khổng Tử, Socrates, Immanuel Kant, Chu Văn An). Vì kiến tạo là quá trình phát triển tự nhiên, nên các mô hình học tập thuở ban đầu thường dựa trên phương pháp kiến tạo. Sau này, các nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục đã tìm cách kết hợp các lý thuyết khác nhau và gắn với thực tế cuộc sống. Trong cuốn sách “The Evolving Self” (Robert Kegan, Harvard University Press, 1982), Kegan đã tìm cách phát triển lý thuyết gắn kết đó vào lĩnh vực giáo dục (becoming embedded and emerging from embeddedness).

Tại Việt Nam, trường PTCS Thực nghiệm đã vận dụng “lý thuyết kiến tạo” từ 1978 (qua con đường Nga). Theo thống kê, đến 2013 đã có 1.591 học sinh tham gia các lớp thực nghiệm cấp tiểu học và THCS. Chương trình thực nghiệm được triển khai tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh/thành. Tuy chương trình này được triển khai trên diện rộng, trong bốn thập kỷ qua, nhưng vẫn chưa được chính thức đánh giá và tổng kết để xác nhận tính phù hợp (conformity) với các tiêu chí của “lý thuyết kiến tạo” (ở cấp quốc gia hay quốc tế) để trở thành chính thống (như tại Nga), nên vẫn còn là thực nghiệm (chưa hoàn chỉnh), dễ gây tranh cãi.

Lời cuối

Đó không phải là lỗi của chương trình thực nghiệm CNGD (vì đó chỉ là một sáng kiến trong quá trình cải cách và xã hội hóa giáo dục) hay của người đề xướng (vì Gs Hồ Ngọc Đại chỉ là một nhà khoa học chứ không phải là nhà quản trị). Nếu chương trình thực nghiệm CNGD (của Gs Hồ Ngọc Đại) hay các chương trình khác như “Nhóm cách Buồm” (của nhà giáo Phạm Toàn) chưa hoàn chỉnh hay chưa hoàn thiện, vì thiếu nguồn lực và thiếu hỗ trợ, thì đó không phải lỗi của họ, mà là “lỗi hệ thống” của Bộ Giáo dục và “chính phủ kiến tạo”. Đó là bức tranh giáo dục màu xám, với những khoảng tối khó lý giải và thật đáng tiếc. Lẽ ra, một đất nước với hơn 90 triệu dân là một cái mỏ nhân lực rất quý, thì nay là một gánh nặng. Sắp tới, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy phát triển, vấn đề nhân lực chắc còn nan giải hơn.

Trong khi đó, bức tranh về văn hóa cũng không khá hơn. Theo thống kê của bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, hàng năm nước ta có tới 7.966 lễ hội (Lao Động, 5/3/2018). Hầu hết các lễ hội đó không những tốn kém kinh phí và lãng phí thời gian, mà còn thiếu văn hóa và thừa bạo lực. Bên cạnh “hội chứng lễ hội” (như “cờ đèn kèn trống”), Việt Nam còn nổi tiếng vì “hội chứng tượng đài”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Việt Nam có hơn 400 tượng đài có vốn đầu tư khoảng vài chục tỷ đến vài trăm tỷ VNĐ, thậm chí có dự án đến hàng ngàn tỷ VNĐ, không những làm cạn kiệt ngân sách quốc gia, mà còn làm méo mó hình ảnh đất nước. Ngoài ra, Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu đến mức phản cảm (với nhiều tai tiếng). Nói cách khác, tham nhũng và suy thoái về văn hóa-giáo dục đang làm xói mòn các giá trị cốt lõi.

NQD. 17/9/2018

(*) Nhân đây, tôi xin nhắc lại một sự cố đáng tiếc đã xảy ra với Gs Seymour Papert khi ông đến Hà Nội dự một hội nghị toán học quốc tế (ICMI, Hanoi Dec. 2006). Có lẽ nhiều người Việt Nam đã quên mất sự cố bất hạnh đã xảy ra với nhà khoa học này (lúc đó đã 78 tuổi). Chắc họ quá mải mê tranh cãi về sách giáo khoa CNGD nên quên mất tác giả của “lý thuyết kiến tạo”. Seymour Papert không chỉ quan tâm đến toán học và phát triển “trí tuệ nhân tạo”, mà còn tìm cách ứng dụng công nghệ mới vào khoa học giáo dục, và muốn góp phần tháo gỡ vấn nạn ách tắc giao thông tại Hà Nội (mà bây giờ người ta sính gọi là 4.0).

Trong khi Papert đang nghĩ cách ứng dụng “lý thuyết tổ ong” (beehive theory) vào giải pháp tháo gỡ ách tắc giao thông Hà Nội, ông đã bị một xe máy đâm khi qua đường, gây chấn thương sọ não, phải cấp cứu tại bệnh viện Việt-Pháp một tuần trước khi được đưa về Mỹ. Thật trớ trêu thay, Papert đã trở thành nạn nhân của chính vấn nạn mà ông tìm cách tháo gỡ. Sau khi được đưa về Mỹ điều trị, tuy ông đã may mắn thoát chết nhưng bị tàn tật và sống thêm gần 10 năm. Seymour Papert đã mất ngày 31/7/2016 (tại Blue Hill, Maine).

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Giải mã khủng hoảng truyền thông Mỹ: Một góc nhìn khác

MỘT BÀI VIẾT MỚI CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN QUANG DY

@ Tác giả có gửi cho tôi cả bản tiếng Anh (tự viết thẳng bằng tiếng Anh), bạn nào quan tâm xin đọc văn bản post dưới bản tiếng Việt.

-----

Giải mã khủng hoảng truyền thông Mỹ: Một góc nhìn khác

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Không có một quốc gia nào trên thế giới có tần suất sự cố truyền thông nhiều như Mỹ. Khủng hoảng truyền thông thường xuyên làm người Mỹ cũng quen như “chuyện bình thường” (new normal). Đó là một đặc thù kiểu Mỹ không nên nhầm lẫn, làm cho nước Mỹ hấp dẫn và mạnh. Tu chính án Thứ nhất (the First Amendment) về tự do báo chí là một trụ cột của sức mạnh Mỹ (đang bị Trump thách thức). Đối với nhiều người, thật khó phân biệt khi nào khủng hoảng truyền thông biến thành khủng hoảng chính trị, hay khủng hoảng hiến pháp. Có lẽ bóng ma Watergate không bao giờ chết, và Tu chính án Thứ 25 là một răn đe đối với bất kỳ tổng thống nào không muốn làm theo luật chơi này. Đó là nghịch lý của hệ thống chính trị đã làm cho nước Mỹ trở thành độc đáo (exceptionalism), nhưng cũng dễ tổn thương.

Những quả bom truyền thông 


Tuần qua có hai sự cố truyền thông lớn làm rung động chính quyền Trump, trong khi cuộc điều tra của Robert Mueller vẫn như “thanh gươm Damocles” đang treo lơ lửng trên đầu tổng thống. Thứ nhất là bài báo nặc danh (anonymous op-ed) đăng trên báo New York Times (5/8/2018) mà tác giả là “một quan chức cao cấp của chính quyền” (a senior administration official) cùng một nhóm phản kháng ngầm chống đối Trump. Tuy hiện tượng “dò rỉ thông tin” (leaking) là chuyện thường xuyên trong Nhà Trắng, nhưng sự kiện đầy kịch tính này đang làm cho các quan chức Nhà Trắng đau đầu đối phó, như phải dập một đám cháy lớn. Tuy các quan chức hàng đầu Nhà trắng đã lên tiếng phủ nhận (là “không phải tôi”), và Trump đã yêu cầu Bô trưởng Tư pháp phải điều tra, nhưng sau một tuần vẫn chưa biết ai là thủ phạm viết bài đó.

Sự kiện thứ hai là cuốn sách mới của nhà báo Bob Woodward (“Fear: Trump in the White House, Simon & Schuster”, September 11, 2018) như một quả bom truyền thông. Cuốn sách này được công bố chỉ một ngày sau sự kiện bài báo nặc danh trên New York Times. Sự trùng hợp về thời điểm, cũng như nội dung câu chuyện được kể lại làm cho đám cháy và quả bom này tai hại hơn nhiều đối với Trump (khi cuộc bầu cử giữa kỳ đang tới gần). Cách đây không lâu, có mấy sự cố truyền thông khác cũng làm dư luận xôn xao. Đó là cuốn sách của nhà báo Michael Wolff (“Fire and Fury”, Holt, January 5, 2018), và cuốn sách của Omarosa Manigault là một trợ lý Nhà Trắng bị sa thải, (“Unhinged: An Insider's Account of the Trump’s White House”, Simon & Schuster, August 14, 2018). Nhưng so với hai sự cố truyền thông đó, quả bom Woodward có sức công phá lớn hơn nhiều, như một quả “bom tấn” (blockbuster).

Bob Woodward là một nhà báo kỳ cựu của Washington Post, không phải là một tác giả bình thường mà là một tên tuổi lớn của báo chí Mỹ mà các tổng thống đều biết tiếng (và e ngại). Ông là tác giả của 18 cuốn sách viết về các đời tổng thống Mỹ, từ thời Richard Nixon (và bi kịch Watergate), trong đó có 12 cuốn được xếp hạng “bán chạy nhất toàn quốc” (number one national best seller). Woodward giành được 2 giải Pulitzer (một thành tích hiếm có đối với các nhà báo). Woodward nổi tiếng không phải chỉ vì viết nhiều về các nhân vật cung đình, mà còn do uy tín và tiếng tăm. Woodwar thường cẩn trọng kiểm tra lại các nguồn được trích, và trong cuốn sách mới ông đã trích dẫn theo cách gián tiếp (mà ông gọi là “deep background”).

Tuy hãy còn quá sớm để đánh giá hệ quả của các sự cố truyền thông nói trên, nhưng có thể hình dung rằng nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng truyền thông, gắn liền với một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, đụng chạm đến những vấn đề cơ bản của thể chế chính trị. Có lẽ đây là vấn đề toàn cầu chứ không riêng nước Mỹ, nhưng nó được bộc lộ rõ hơn ở Mỹ. Những giá trị cơ bản của dân chủ tự do (liberal democracy) và tự do ngôn luận (freedom of speech) đang bị thách thức. Không phải ngẫu nhiên mà Trump tỏ ra thù địch với báo chí, thường gọi báo chí là “tin vịt” (fake news) và gọi các nhà báo là “kẻ thù của nhân dân” (enemy of the people). Không phải chỉ tự do ngôn luận, mà “chính trị bản sắc” (identity politics) cũng bị thách thức, phản ánh xu hướng bảo thủ mới (neo-conservatism) và dân túy (populism).

Một nước Mỹ bị chia rẽ

Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới (11/2018) có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, nó định vị lại tâm trạng và thái độ của cử tri Mỹ đối với Trump mà họ đã bỏ phiếu ủng hộ cách đây gần hai năm, và dự báo xu hướng chính trị hai năm tới khi cử tri Mỹ bầu lại Tổng thống. Thứ hai, nó xác lập lại cán cân chính trị giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội. Trump dễ sa vàò một cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp, nếu phe Dân chủ chiếm được đa số, và nếu điều tra của Robert Mueller khẳng định sự dích líu của Trump với người Nga trong tranh cử năm 2016, mở ra khả năng phế truất (theo Tu chính án Thứ 25).

Ngày 16/8/2018, có 343 tờ báo khắp nước Mỹ đã hưởng ứng lời kêu gọi của báo Boston Globe, cùng đăng xã luận để phản đối “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” (dirty war) của Trump chống lại tự do báo chí. Tuy có rất nhiều báo tham gia, trong đó có những báo lớn như New York Times, nhưng cũng còn nhiều báo khác không tham gia (như Wall Street Journal). Không phải chỉ nước Mỹ bị chia rẽ mà báo chí Mỹ cũng đang bị phân hóa. Có lẽ đó là “hệ quả không định trước” của bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 như một sự kiện chính trị chia rẽ nước Mỹ chưa từng có, làm nhiều người gọi nước Mỹ là “the Divided States of America”.

Trong bài xã luận với tiêu đề “Báo chí Tự do cần các bạn”, báo New York Times viết rằng nếu gọi sự thật mà mình không thích là “tin vịt” (fake news) “là nguy hiểm cho dòng chảy của dân chủ” (dangerous to the lifeblood of democracy), và gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân” là nguy hiểm cho các nhà báo. Khi gặp riêng Tổng thống Trump (tháng 7/2018), ông AG. Sulzberger (Chủ báo New York Times) đã nói “ngôn từ của tổng thống đang góp phần làm tăng nguy cơ đối với các nhà báo, và dẫn đến bạo lực”. Tuy Trump nổi tiếng hay nói dối, nhưng ông cũng hay dùng những từ ngữ thô thiển để thóa mạ những người mà ông không thích, thậm chí cả phụ nữ như Omarosa Manigault, là “hạ đẳng” (lowlife) và “đồ chó” (dog).

Theo kết quả khảo sát dư luận của đại học Quinnipiac University, trong khi “51% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng báo chí là “kẻ thù của nhân dân”, thì 65% cử chi nói chung cho rằng báo chí là một phần quan trọng của nền dân chủ. Một khảo sát khác trong tháng này cũng có kết quả tương tự: 48% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng báo chí là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”, và 28% bất đồng. Trong khi đó, 23% những người ủng hộ đảng Cộng hòa (và 1/8 người Mỹ nói chung) cho rằng Trump nên đóng cửa CNN, Washington Post và New York Times.

Đổi mới tư duy và hệ quy chiếu

Đó là vắn tắt mấy nét (hơi tiêu cực) về bức tranh chính trị nội bộ của Mỹ vào thời điểm này, trong khi bức tranh kinh tế và chính trị quốc tế của chính quyền Trump có vẻ sáng sủa và tích cực hơn, nhất là về triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đang bước vào giai đoạn hai (từ 6/9/2018). Thành tích đối ngoại của Trump (với Triều Tiên chẳng hạn) cũng không thể phủ nhận. Trong số các tổng thống Mỹ còn sống, chỉ có Trump dám đối đầu với Trung Quốc. Nhưng các thực tế đó có thể bị hình ảnh tiêu cực trong nước làm lu mờ và méo mó. Đó là những khác biệt dễ nhầm lẫn, cũng như tính cách bất thường, khó đoán của Trump.

Vì vậy, đánh giá về Trump là một việc khó, dễ ngộ nhận và nhầm lẫn. Gần đây, quan điểm đánh giá về Trump có sự phân hóa theo hướng hơi vũ đoán (như “thầy bói sờ voi”). Một số người chỉ trích Trump thậm tệ (bất chấp những thành tích khó phủ nhận), trong khi một số khác khen ông hết lời (bất chấp những bê bối cũng khó phủ nhận). Không phải chỉ có Trump (hay Trumpism) có vấn đề, mà cả những người ủng hộ hay phản đối Trump cũng vậy, vì thế giới này không chỉ có sự thật, mà còn có nửa sự thật (half-truth), hay “hậu sự thật” (post-truth).

Muốn hiểu và lý giải được những biến đổi chính trị đang diễn ra tại Mỹ và trên thế giới với những ẩn số và biến số khó lường (giống như biến đổi khí hậu hiện nay), người ta cần đổi mới tư duy và hệ quy chiếu (paradigm). Nếu muốn hướng tới thế giới công nghệ 4.0 mà vẫn bám giữ vào hằng số tư tưởng 0.4 của thế giới cũ, người ta sẽ tiếp tục mắc kẹt vào tư duy nguyên trạng (status quo mindset) của trật tự thế giới cũ (như tù binh của quá khứ), và lạc trong ma trận của trật tự thế giới mới vẫn chưa định hình, nên càng dễ ngộ nhận và nhầm lẫn. Không chỉ Mỹ và trật tự thế giới đang bị đảo điên, mà tư duy con người đang bị khủng hoảng.

NQD. 11/9/2018
------

Decoding American Media Crisis: A Different Perspective

Nguyen Quang Dy

There is no other country in the world having such a high frequency of communication hiccups as the US. News media crisis, in fact, has become so frequent that people would get used to it as the “new normal”. It is an exceptional paradox that would make America attractive and strong. The First Amendment on the freedom of speech is a key pillar for the power of the US as a nation, but now being challenged by Trump. For many people, it is quite difficult to make sure when a communication crisis is turning into a political crisis or constitutional crisis. Perhaps, the ghost of Watergate never dies, and the 25th Amendment is the only available deterrence to any president who is not following the rules of the game. That is a typical paradox of the political system that makes America so exceptional, yet so vulnerable to crises.

Communication bombshells

Last week, there were two major communication events exploding like bombshells shaking the Trump administration, while Robert Mueller’s investigation seems like the Damocles Sword hanging over Trump. First, the anonymous op-ed in the New York Times (August 5, 2018) reportedly penned by “a senior administration official” is like a bushfire raging in Washington. While leaking may be a common game in the White House, this dramatic event is giving White House officials a big headache as they try to put out this bushfire. As senior White House officials denied it (that “it wasn’t me”), Trump has asked the Attorney General to investigate, but after one week nobody has been identified as the one (who did it).

The second event was a new book by senior journalist Bob Woodward (“Fear: Trump in the Whitehouse”, Simon & Schuster, September 11, 2018) as a communication bombshell just exploding. The book was announced only one day after the anonymous op-ed in the New York Times. The coincidence in the timing and content of the story has made this fire and bomb much more damaging for Trump (as the mid-term election is coming soon). Not long ago, two other communication events also touched on some nerves in Washington. It was a book by journalist Michael Wolff (“Fire and Fury”, Holt, January 5, 2018), and another by (fired) White House assistant Omarosa Manigault (“Unhinged: An Insider's Account of the Trump White House”, Simon & Schuster, August 14, 2018). But compared with these communication events, the Woodward bombshell is much more devastating (as a “blockbuster”).

Bob Woodward (a veteran journalist from the Washington Post) is not just another author, but a big name in American journalism that most presidents knew (though reluctant to associate). Woodward is the author of 18 books written about American presidents since Richard Nixon (and the Watergate drama), among them 12 were number one national best sellers. Woodward won 2 Pulitzers (that few other journalists could). He was known not only for writing big stories, but also for his reputation and credibility, as he was meticulous about sources to be quoted. In this new book (Fear), Woodward has resorted to “deep background”.

While it is still too early to gauge the impact of these events, it seems the US is undergoing a major communication crisis, associated with a profound political crisis, touching on basic values of political institutions. Perhaps, this is a global problem (not just in the US) but it gets more exposure there. As the basic values of liberal democracy and freedom of speech are challenged, Trump seems so hostile to the news media that he often called “fake news” and called journalists “enemy of the people”. Not only freedom of speech but also identity politics is attacked, leading to the rise of neo-conservatism, excessive nationalism and populism
.
The Divided States of America

In that context, the up-coming mid-term election (in November 2018) is significant. First, it would redefine the mood and attitude of American voters as many of them had voted for Trump nearly two years ago, and refocus on the political trend in the next two years when voters are supposed to choose their next president again. Second, it would reset the political balance between the Republican and Democratic parties in Congress. Trump may be in trouble in a new political and constitutional crisis if the Democrats gets the majority, and if Robert Mueller’s investigation confirms Trump’s collusion with the Russians during the 2016 campaign, leading to possible impeachment process (according to the 25th Amendment).

On August 16, 2018, 343 news media outlets across America responded to the Boston Globe’s call to run editorials protesting Trump’s “dirty war” against press freedom. While many news organizations joined this effort, including some major newspapers like the New York Times, many others did not participate, including the Wall Street Journal. Not only America is divided but also the news media is polarized. Perhaps, this is an unintended consequence of the 2016 presidential election which has been seen as one of the most divisive political events in electoral history, ironically leading to “the Divided States of America”.

In an editorial headlined “A Free Press Needs you”, the New York Times wrote that calling the truth you don’t like as “fake news”, is “dangerous to the lifeblood of democracy”, and calling journalists as “enemy of the people” is dangerous to them. During a private meeting with Trump (in July 2018), AG. Sulzberger (owner of the New York Times) said that the President’s words are “contributing to the rise of threats to journalists, and leading to violence”. While Trump is well known for his big ego and lies, he often used dirty words (as “lowlife” and “dog”) to insult people he did not like, including women (as Omarosa Manigault).

According to a public opinion poll conducted by Quinnipiac University, “51% of Republican voters believed the news media was the “enemy of the people”, while 65% of voters in general believed the press was an important part of democracy. Another survey this month also came up with similar results that 48% of Republican voters agreed that the news media was the “enemy of the American people”, with 28% disagreeing. And 23% of Republican supporters (and about 1/8 of Americans in general) believed Trump should close down such mainstream news media as the CNN, the Washington Post, and the New York Times, etc…

Changing mindset and paradigm

Those are some quick (and critical) review of the broad picture of domestic politics, while the picture of Trump’s economics and international politics seem better and positive, especially the prospects of the Sino-US trade war now in the second phase (since September 6, 2018). Trump’s record of achievements in international relations (with North Korea, for example) cannot be denied. Among living US Presidents, only Trump could stand up to China. But these facts could easily be colored and distorted by negative images at home. These contrasts could be easily confused, like the unusual and unpredictable character of Trump.

That is why it is difficult to assess Trump (on face values) as it could easily be confused. Recently, assessments of Trump have been polarized to some extremes (like blind men describing an elephant). Some would criticize Trump so severely, despite his obvious achievements, while others would praise him so much, despite his obvious follies. Not only Trump (or Trumpism) is at fault, but also those who support or oppose him may be mistaken in a world based not only on truth but also on half-truth or “post-truth”.

For better understanding and explanation of those political changes in the US and the rest of the world with hidden factors and changing variables (like climate change going on right now), people should change their mindset and paradigm. If they want to join the new world of 4.0 technologies, they cannot hold on to the old world of 0.4 permanent ideologies. They would get trapped in the status quo mindset (like prisoners of the past), and get lost in the matrix of the new world order (or disorder) that is yet to be defined, and further confused. Not only the US and world order is in turmoil, but also the human mind is in crisis.

 NQD. September 11, 2018

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Nhất đới Nhất lộ hay Thoát Trung


 Một vành đai, Một con đường

 Câu chuyện Một vành đai, Một con đường (Nhất đới Nhất lộ) chúng ta được nghe nói tới nhiều lần trên báo chí Trung Quốc và báo chí Việt Nam (mỗi khi có các đoàn cấp cao 2 nước đi thăm nhau). Nói và hiểu cho "rõ nghĩa" của cụm từ này (khái niệm, nội hàm của 4 từ tiếng Hán / 6 từ tiếng Việt) là khác nhau, không đơn giản. Với lãnh đạo TQ họ ẩn trong đó rất nhiều mưu lược, tính toán để thâu tóm thiên hạ. Còn với những nước mà họ (là TQ) "mời chào" đến với Nhất đới Nhất lộ  này cũng có những cách tiếp cận, thực hiện khác nhau, chung quy lại hầu hết đã bước đầu kiểm chứng: lợi chưa thấy đâu cho đất nước dân tộc mà cái nguy cái hại nhỡn tiền: kinh tế quốc gia trồi sụt cùng với bẫy nợ không khéo sập xuống...
Bài viết đầu tháng 9 này post dưới đây của tác giả Nguyễn Quang Dy đã đáp ứng nhiều khúc mắc của người đọc và theo dõi tình hình một cách khái quát nhưng khá đầy đủ về 2 mệnh đề tác giả đã nêu lên: Nhất đới Nhất lộ và Thoát Trung.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc và bạn bè cùng chia sẻ.
Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh.g-th

----

Nhất đới Nhất lộ hay Thoát Trung

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Trí khôn của con người rất mạnh, nhưng chúng ta không nên coi thường sự ngu xuẩn của con người(“Human wisdom is very powerful, but we should never underestimate human stupidity” - Yaval Noah Harari, “It takes just one fool to start a war”).
Ba cơn địa chấn
Ngày 9/5/2018 đi vào lịch sử đương đại Malaysia, như một “cơn địa chấn chính trị” (New York Times, May 17, 2018). Sự kiện ông Mahathir Mohamad (93 tuổi) thắng cử còn là một “bước ngoặt chiến lược” trong quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc và sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ”, với những hệ quả “không định trước” (unintended consequences).
Trước đây, sáng kiến “Nhất đới Nhất Lộ” của Trung Quốc được triển khai thuận lợi tại Malaysia dưới thời ông Najib Razak, nay bỗng nhiên bị đảo lộn bởi ông Mahathir Mohamad. Hãy hình dung cái cầu khổng lồ “Nhất đới Nhất Nhất lộ” bắc ngang qua vùng Đông Nam Á, thì nay “nhịp cầu Malaysia” đang bị cơn địa chấn làm rung chuyển (tuy chưa sụp đổ).  
Ông Mahathir trở lại chính trường ở tuổi “xưa nay hiếm”, liên minh với Anwar Brahim (là đối thủ chính trị) đánh bại Najib Razak để lên làm thủ tướng. Nhưng ông không chỉ điều tra để luận tội tham nhũng của Najib Razak, mà còn đang xoay trục để “thoát Trung”, đảo ngược nhiều chính sách của chính phủ cũ, trong đó có các dự án “Nhất đới Nhất lộ”.
Bước ngoặt này đang làm Bắc Kinh giật mình, đối phó lúng túng (vì bị bất ngờ). Tuy Bắc Kinh buộc phải xem xét lại để điều chỉnh chính sách, nhưng điều chỉnh như thế nào, và có kịp hay không lại là chuyện khác vì “thiệt hại đã xảy ra rồi” (damage is done). Làn sóng “thoát Trung” trước đây còn âm ỷ thì nay đang lan rộng nhanh sau cơn địa chấn Mahathir. Thực ra, trong năm 2018, Bắc Kinh đã giật mình và bị động đối phó với ba cơn địa chấn.
Thứ nhất, Kim Jung-un tìm cách xoay trục để “thoát Trung”, thông qua hòa hoãn Liên Triều và Mỹ-Triều nhằm “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp cấp cao đầy kịch tính Moon-Kim (Panmunjion, 27/4) và Trump-Kim (Singapore, 12/6/2018) làm Bắc Kinh đau đầu vì để mất vai trò chủ đạo khi bị Mỹ và hai bên Triều Tiên gạt ra khỏi cuộc chơi mới.
Cơn địa chấn thứ hai là Mahathir lên cầm quyền tại Kuala Lumpur (9/5/2018), đang xoay trục để “thoát Trung”, và từng bước rút khỏi cuộc chơi “Nhất đới Nhất lộ”. Cơn địa chấn thứ ba là Trump bất ngờ quyết định (6/7/2018) đánh thuế 25% hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, mở màn cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, sau khi phó thủ tướng Lưu Hạc sang Mỹ đàm phán nhưng thất bại. Đó là ba bước ngoặt lớn có ý nghĩa chiến lược.
Có thể nói, ba cơn địa chấn nói trên không chỉ làm Bắc Kinh đau đầu đối phó, mà còn làm nhiều nước khác (trong đó có Việt Nam) cũng giật mình, phải suy nghĩ lại để điều chỉnh chiến lược, (trước khi quá muộn). Tuy Malaysia và Bắc Triều Tiên khác nhau, nhưng ý định “thoát Trung” không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà là một xu hướng tất yếu. Trong một bài gần đây tôi có viết: “nếu một số nước ngả theo Trung Quốc là nhất thời do hoàn cảnh hay vì thực dụng nên có thể đảo ngược, thì xu hướng thoát Trung không thể đảo ngược”.  
Xu hướng thoát Trung 
Sau nhiều năm ngả theo Trung Quốc, nên bị mắc kẹt vào cái “bẫy nợ” (debt trap) của kế hoạch  “Nhất đới Nhất lộ”, ông Najib Razak đã đưa Malaysia đến bờ vực phá sản. Nay ông Mahathir Mohamad lên cầm quyền, phải dọn dẹp cái đống tham nhũng và nợ công (250 tỷ USD) do chính phủ cũ để lại. Malaysia là một nước ASEAN có quá trình phát triển đầy ấn tượng (trong thập niên 1980 và 1990), nhưng Malaysia nay đang suy thoái và có nguy cơ trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa thực dân mới” (neo-lolonialism) mang bản sắc Trung Quốc.  
Trong chuyến thăm Trung Quốc (17-21/8/2018), Mahathir đã tuyên bố hủy bỏ hai dự án lớn “bất công” mà chính phủ cũ đã ký với Trung Quốc (trị giá hơn 22 tỷ USD), trong đó dự án đường sắt cao tốc phía Đông (trị giá 20 tỷ USD) và dự án đường ống dẫn khí đốt (trị giá 2,3 tỷ USD). Ngoài ra, Mahathir còn đang cân nhắc một số dự án lớn khác như khu đô thị Forest City (trị giá 100 tỷ USD) và dự án cảng Melaka (trị giá 10,5 tỷ USD). Forest City là một khu đô thị mới được xây trên 4 hòn đảo nhân tạo, có đủ diện tích cho 700,000 người (chủ yếu nhắm vào người Trung Quốc di cư) làm người ta lo ngại về sự đảo lộn cân bằng sắc tộc.  
Tại cuộc họp báo cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Băc Kinh (20/8/2018), Mahathir đã phát biểu thẳng thừng: “Chúng ta phải luôn nhớ rằng trình độ phát triển của các nước không giống nhau. Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống có một loại chủ nghĩa thực dân kiểu mới diễn ra vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu, do đó chúng ta cần thương mại công bằng”.  Tuy đã 93 tuổi, nhưng ông Mahathir làm người ta phải kính nể. 
Thật là trớ trêu khi Mahathir chỉ trích Trung Quốc là chủ nghĩa thực dân mới, vì trước đây khi còn đang cầm quyền (trong thập niên 1980 và 1990) ông thường chỉ trích phương Tây đúng như vậy. Lúc đó, chính Trung Quốc cũng hay dùng lá bài “chống chủ nghĩa thực dân mới” để chỉ trích phương Tây, nhưng nay chính họ lại trở thành “thực dân mới”. “Nhất đới Nhất lộ” chẳng khác gì các hiệp ước bất bình đẳng mà trước đây các nước phương Tây áp đặt cho Trung Quốc. Nó còn nhằm răn đe không cho ai chống đối hay chỉ trích Trung Quốc.
Tuy Mahathir không sợ Trung Quốc, nhưng ông vẫn đủ khôn ngoan để không làm mất mặt Bắc Kinh, bằng cách đổ mọi chuyện tồi tệ tại Malaysia cho Najib Razack. Chắc Bắc Kinh không hài lòng với Mahathir, nhưng lúc này đành phải nhịn để cứu vãn tình thế, và điều chỉnh lại chính sách “Nhất đới Nhất lộ” cho phù hợp hơn với các đối tượng khác nhau.   
Sau hội nghị Bắc Đới Hà, Tập Cận Bình đã dự môt cuộc họp tại Bắc Kinh (cuối 8/2018) để xem lại chính sách. Tập nói, “Nhất đới Nhất lộ” là sáng kiến hợp tác kinh tế, chứ không phải một liên minh quân sự hay địa chính trị. Đó là một quá trình cởi mở và quy nạp, chứ không phải lập hội kín hay câu lạc bộ…”. Việc đầu tư sẽ dựa trên “tham khảo rộng rãi, cùng nhau đóng góp, và chia sẻ lợi ích” (extensive consultation, joint contributions, and shared benefits). (Mahathir, China and neo-colonialism, Richard McGregor, Nikkei, August 30, 2018).
Tuy nhiên, có nhiều khả năng Mahathir sẽ dùng “lá bài Nhật” để tránh dựa quá nhiều vào Trung Quốc. Mahathir tin rằng trong khu vực chỉ có Nhật là thực sự có khả năng đối trọng với Trung Quốc về đầu tư và xây dựng hạ tầng. Trước đây, Mahathir đã nổi tiếng là bài ngoại và chống phương Tây, trong khi ngưỡng mộ và muốn hợp tác với Nhật. Nay chắc Mahathir sẽ trở lại chính sách “Hướng Đông” (Look East) như trước, và có thể tăng cường quan hệ với nhóm “tứ Cường” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (theo tầm nhìn Indo-Pacific).  
Nhất đới nhất lộ và bẫy nợ
Theo các nhà quan sát, sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc đang bị thụt lùi (setbacks), vì các nước Đông Nam Á bắt đầu chống lại kế hoạch đó do Trung Quốc dẫn dắt nhằm thay đổi trật tự khu vực. Bài học Sri Lanka làm nhiều người tỉnh ngộ khi nước này nợ Trung Quốc quá nhiều, nên buộc phải cho thuê cảng Hambantota tới 99 năm. (Backlash builds against China as Belt and Road ties fray, Hiroyuki Akita, Nikkei, September 2, 2008).
Theo Philip Bowring (Yale Global Online, August 30, 2018), có 75 nước lớn nhỏ đã tham gia sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc. Nhưng một số nước đang lo ngại gánh nợ ngày càng chồng chất, và một số dự án đang trở thành vấn đề chính trị quốc gia. (Rethinking Belt and Road Debt. Philip Bowring, Yale Global Online, August 30, 2018).
Ngoài trường hợp Malaysia, các nước khác trong khu vực ngả theo Trung Quốc nay đều đứng trước vấn đề tương tự về “bẫy nợ”, chủ quyền quốc gia, và phản ứng của nhân dân, nên sớm muộn cũng sẽ đảo chiều. Philippines là một ví dụ. Gần đây Tổng thống Duterte đã thay đổi thái độ đối với Trung Quốc. Trong vòng 10 ngày tháng 8/2018, Duterte đã ba lần phát biểu khác trước về Biển Đông, chứng tỏ có sự rạn nứt giữa Manila và Bắc Kinh.  
Người Philippine ngày càng thất vọng vì Manila đã thỏa hiệp nhiều với Trung quốc về Biển Đông, nhưng không được đáp lại tương ứng. Vì bầu cử giữa kỳ sắp tới (5/2018) nên Duterte không thể bỏ qua dư luận. Điều chỉnh của Manila phản ánh hai thực tế: Một là Bắc Kinh dùng lợi ích kinh tế của các dự án “Nhất đới Nhất lộ” để lôi kéo các nước khu vực theo họ không hề dễ dàng. Hai là Trung Quốc tuy không có vấn đề lớn về huy động vốn để hỗ trợ các dự án này, nhưng triển khai kém, thiếu minh bạch, và làm nước chủ nhà bất bình.    
Điều này làm cho các nước vay tiền Trung Quốc sẽ phản ứng lại mỗi khi bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong khu vực có một số nước láng giềng có vẻ thân Trung Quốc như Thailand, Myanmar, Lào và Campuchea. Lúc đầu, Bắc Kinh muốn chia dự án “đường sắt cao tốc” Thái-Trung (trị giá 5,5 tỷ USD) cho các nhà đầu tư, nhưng sau đó Bangkok quyết định tự làm chủ, vì không muốn Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát. Chính phủ quân sự Thái còn đề nghị lập “ngân hàng phát triển khu vực Đông Nam Á” (Southeast Asian regional development bank) làm đối trọng với sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Bắc Kinh.
Myanmar cũng đòi Trung Quốc giảm quy mô dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu (trị giá 7,3 tỷ USD) vì giá quá cao và sợ sa vào bẫy nợ Trung Quốc, và chưa nhất trí triển khai dự án đường sắt cao tốc nối liền hai nước, vì lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng nó vào mục đích quân sự. Tại Lào, đặc khu kinh tế Boten và tuyến đường sắt Boten-Vientiane (trị giá 6 tỷ USD), và tại Campuchia, cảng Shihanoukville và dự án Koh Kong, cũng đang gây tranh cãi. Theo ông Gareth Evans (cựu ngoại trưởng Úc) “Lào và campuchia, mỗi nước đã vay hơn 5 tỷ USD, nên hiện nay là “chi nhánh của Trung Quốc” (wholely owned subsidiaries of China).
Theo Joshua Kurlantzick (Council on Foreign Relations) kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc tuy làm các quan chức Mỹ kinh ngạc và lo ngại, nhưng nó chứa đựng những mầm mống bất ổn, có thể làm cho các nước trong cuộc sẽ đảo chiều chống lại Bắc Kinh chứ không giúp họ có được ảnh hưởng và uy tín như người ta vẫn tưởng. (Chinas Risky Play for Global Power, Joshua Kurlantzick, Washington Monthly, September/October 2018). 
Theo các chuyên gia kinh tế, kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc còn lớn hơn cả Kế hoạch Marshall. Nhưng Kế hoạch Marshall viện trợ chủ yếu là không hoàn lại (grants) trong khi Trung Quốc chủ yếu cho vay làm hạ tầng với lãi suất cao hơn các nhà tài trợ chính (như Nhật). Theo ADB, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á cần khoảng 1.700 tỷ USD/năm để duy trì tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu của các nước đó như Trung Quốc với kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ”.    
Cuộc chiến thương mại giai đoạn hai
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có ba vấn đề chính: Thứ nhất là công nghệ, vì Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào công nghệ Mỹ (ví dụ ZTE); Thứ hai là tài chính (ví dụ Broadcom muốn mua Qualcomm); Thứ ba là chiến lược, vì Bắc Kinh có thể dùng “bẫy nợ” để kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng, thậm chí kiểm soát cả một nước. Trong khi chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, thì kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ” đang làm cho một số nước phải nghĩ lại (second thought) và dẫn tới một làn sóng đảo ngược (backlash). 
Về lâu dài, “bẫy nợ” có thể thúc đẩy các nước khu vực phản kháng, làm Bắc Kinh khó đạt được các mục tiêu kinh tế và chiến lược tại Châu Á như muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Tuy Mỹ không có khả năng đáp ứng nhu cầu của các nước như Trung Quốc (với “Nhất đới Nhất lộ”), nhưng sáng kiến này ẩn chứa nhiều bất ổn lâu dài đối với Trung Quốc cũng như các nước vay vốn. Malaysia là một ví dụ về tâm lý dân chúng có thể gây bất ngờ, và thái độ nghi ngại Trung Quốc có thể biến thành tâm lý bài ngoại và xung đột sắc tộc nguy hiểm.
Theo Bloomberg (30/8/2018), Trump đã nói với các trợ lý rằng ông sẵn sàng áp thuế 25% lên thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 6/9 (sau khi lấy ý kiến dân chúng). Như vậy, giai đoạn hai sẽ chính thức bắt đầu vào tuần tới, và chắc sẽ không dừng lại cho đến sau bầu cử giữa kỳ (11/2018). Vừa qua, đàm phán (cấp thứ trưởng) không có kết quả. Tuần trước, khi trả lời Reuters , Ông Trump đã nói rằng việc giải quyết chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ “mất thời gian” và “chưa có khung thời gian” để kết thúc cuộc chiến này.
Tuy dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh lên đến 3.200 tỉ USD, nhưng nợ công đã vượt 250% GDP. Nay cuộc chiến thương mại đã làm thị trường chứng khoán Shanghai sụt 20%, làm vốn đầu tư đang chạy ra khỏi Trung Quốc, tăng trưởng không thể vượt mức 6%. Mới đấu hiệp một (trị giá 50 tỷ USD), Trung Quốc đã mất hơn 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối. Nếu đấu hiệp hai (trị giá 200 tỉ USD) thì Trung Quốc sẽ mất bao nhiêu? Sẽ đến lúc Bắc Kinh không còn ddue tiền để đầu tư vào các dự án “Nhất đới Nhất lộ” tại khu vực (kể cả “ba đặc khu”).
Trong khi chờ các chuyên gia kinh tế và chuyên gia luật pháp phân tích kỹ hơn về hai vấn đề (hay quả bom) “Đặc khu Kinh tế” và “Nhân dân Tệ”, tôi xin chia sẻ vài nét về bối cảnh quốc tế hiện nay để cùng tham khảo. Thực ra, quyết định cho đồng NDT được chính thức lưu thông trên toàn tuyến biên giới, hay dự luật “ba đặc khu kinh tế”, hay ý tưởng lập các “khu hợp tác kinh tế qua biên giới” theo mô hình “hai nước một khu” là một chuỗi sự kiện có chung nguyên nhân và hệ quả như phương trình của một bài toán đã được cài đặt từ trước.   
Đặc khu kinh tế và nhân dân tệ
Gần hai tháng qua, dự luật ba đặc khu kinh tế bị dư luận phản đối dữ dội nên Quốc hội phải hoãn (đến hết năm nay), như một quả bom nổ chậm được hẹn giờ lùi lại, nhưng chưa tháo ngòi nên vẫn nguy hiểm, trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đúng lúc đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại đổ thêm dầu vào lửa bằng thông tư 19/2018/TT-NHNN (28/8/2018) hướng dẫn thực hiện điều 8 Hiệp định Thương mại Biên giới do Bộ trưởng Công thương ký (12/9/2016). Thông tư 19 cho phép đồng Nhân dân Tệ (Yuan) được lưu thông và thanh toán tại 7 tỉnh biên giới từ ngày 12/10/2018. Một tháng nữa quả bom này có thể phát nổ.         
Thứ nhất, theo hiến pháp Việt Nam, trên toàn quốc chỉ được lưu hành một đồng tiền duy nhất (là VND). Chủ quyền tiền tệ là chủ quyền quốc gia, được hiến pháp quy định. Thông tư 19 của NHNN cho phép đồng NDT được lưu hành (cùng với VNĐ) có thể vi hiến và lạm quyền, cần phải xem lại. Trên thế giới không có nước nào làm như vậy (trừ Zimbabwe).      
Thứ hai, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra (và sẽ kéo theo chiến tranh tiền tệ), việc NHNN cho phép đồng NDT được lưu hành hợp pháp (dọc biên giới), trong khi vẫn cấm đồng USD được lưu hành, thì đó là một hành động ủng hộ bên này (Trung Quốc) chống lại bên kia (Mỹ), vi phạm nguyên tắc “ba không” trong chủ trương đối ngoại.  
Thứ ba, trong khi Mỹ đang leo thang trừng phạt Trung Quốc (giai đoạn hai), thì NHNN lại công khai hậu thuẫn Trung Quốc bằng cách mở toang cửa ngõ cho đồng NDT được lưu thông hợp pháp như “quốc tế hóa” NDT để thay thế đồng USD. Hành động này chẳng khác gì cung cấp cho Mỹ lý do chính đáng để trừng phạt Việt Nam và không hợp tác với Việt Nam nữa. Đó chính là điều mà Trung Quốc mong muốn, để Việt Nam mãi phụ thuộc vào họ.  
Thứ tư, khi NNHN cho đồng NDT được chính thức lưu hành và thanh toán (song song với VNĐ) trên 7 tỉnh biên giới thì cũng đồng nghĩa cho đồng NDT được lưu hành trên khắp lãnh thổ Việt Nam, vì tiền tệ hầu như không biết biên giới. Trong khi đồng NDT mạnh hơn thì đương nhiên VND sẽ bị NDT bóp chết ngay trên sân nhà, đe dọa an ninh tiền tệ. Đây là quá trình “Nhân dân Tệ hóa” nền kinh tế Việt Nam, mà NHNN lẽ ra phải chống. Tại sao NHNN đã từng  chống “Đô La Hóa”, nhưng nay lại tiếp tay cho “Nhân dân Tệ hóa”.  
Thứ năm, Sau khi Việt Nam đã mở toang cửa ngõ biên giới cho người Trung Quốc tự do ra vào Việt Nam mà không cần thủ tục XNC, nay NHNN lại mở toang cổng tài chính cho tiền và hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam như sân sau của họ. Để tránh thuế của Mỹ (đợt hai), chắc hàng hóa Trung Quốc sẽ được tuồn sang Việt Nam nhiều hơn, và chủ trương cho phép thanh toán bằng đồng NDT tại Việt Nam sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy quá trình này.
Thứ sáu, đáng chú ý là thông tư 19 được NHNN ban hành một tuần sau khi ông Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư) sang thăm Bắc Kinh và gặp Tập Cận Bình (20/8/2018), và ngay trước khi chính quyền Trump công bố sẽ đánh thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, bắt đầu từ 6/9/2018 (giai đoạn hai). Đây là thời điểm rất nhạy cảm vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, bước vào một giai đoạn quyết liệt.  
Thứ bảy, trong một báo cáo gửi chính phủ (VNEconomy, 15/8/2018 ), Bộ Kế hoạch Đầu tư đã khuyến cáo “cần xem xét và cân nhắc” khi vay vốn Trung Quốc vì các dự án có nhiều vấn đề. Trong khi đó, Bộ Công Thương và NHNN lại mở toang cửa ngõ để đồng NDT có thể tràn vào trong một cuộc “xâm lăng mềm” về tiền tệ khó tránh, làm các chuyên gia kinh tế cũng ngỡ ngàng khó hiểu, vì chính phủ kiến tạo “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.   
Lời cuối
Trong khi các nước khác trong khu vực (như Malaysia) đang tỉnh ngộ để tìm cách thoát Trung và tránh cái “bẫy nợ” của “Nhất đới Nhất lộ”, thì Việt Nam vẫn chưa tỉnh và vẫn làm ngược lại bằng dự luật “Ba Đặc khu” và “Thông tư 19” cho phép đồng NDT được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Đây là hai quả bom nổ chậm đang đe dọa an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ, và an ninh quốc gia mà hệ quả trước mắt cũng như lâu dài chưa thể lường hết được.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang đặt ra những vấn đề mới, với những thách thức và cơ hội mới về đối nội và đối ngoại chưa từng có. Đây là một bước ngoặt mà Việt Nam phải lựa chọn vì lợi ích dân tộc trên hết (Vietnam First) bằng cách tái cân bằng quan hệ quốc tế và điều chỉnh chiến lược, nhằm thoát khỏi cái vòng kim cô ý thức hệ đã kìm hãm Việt Nam quá lâu. Nếu không cải cách thể chế toàn diện (cả kinh tế và chính trị) thì sẽ quá muộn.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Linh đã từng nói: “Đổi mới hay là chết”. Nay ông Trương Tấn Sang (đã nghỉ hưu) cũng nói: “Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta”…
Tham khảo
1. China’s debt traps around the world are a trademark of its imperialist ambitions, John Pomfret, Washington Post, August 27, 2018
2. Xi Jinping’s aggressive pursuit of global power triggers a praiseworthy backlash, Editorial Board, Washington Post, August 30, 2018
3. Mahathir, China and neo-colonialism, Richard McGregor, Nikkei,  Asian Review, August 30, 2018
4. Rethinking Belt and Road Debt. Philip Bowring, Yale Global Online, August 30, 2018
5. Backlash builds against China as Belt and Road ties fray, Hiroyuki Akita, Nikkei Asian Review, September 2, 2008
6. Chinas Risky Play for Global Power, Joshua Kurlantzick, Washington Monthly, September/October 2018
NQD. 4/9/2018


  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...