Dự báo chính sách đối ngoại của chính quyền Biden (P3)
Tác giả: Nguyễn Quang Dy
2 phần tiếp theo
(phần 3 và phần 4)
Xem lại 2 phần 1 và 2 tại đường Link sau đây:
http://vinhnv43.blogspot.com/2021/01/du-bao-chinh-sach-oi-ngoai-cua-chinh.html
-----
Phần 3
Đánh giá các thách thức đến từ Trung
Quốc
Thời kỳ chiến tranh lạnh, để đối phó
với Liên Xô, George Kennan đã viết “Nguồn gốc Hành vi của Liên Xô”, sau đó đã trở thành kinh điển. Nay để đối phó với Trung
Quốc, một số tác giả bắt chước Kennan lý giải hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy và
đề xuất cách đối phó. Giáo sư Odd Arne Westad (Đại học Yale) viết The
Sources of Chinese Conduct (Nguồn gốc hành vi của Trung Quốc).
Tháng 11/2020, Vụ Hoạch định Chính
sách Bộ Ngoại giao Mỹ đã báo cáo về “Các khía cạnh của thách thức từ Trung
Quốc” cho rằng Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới để phục vụ mục tiêu
độc đoán và tham vọng bá quyền của họ. Theo Odd Arne Westad,
để đối phó với Trung Quốc, Mỹ không thể hành động một mình.
Tuy báo cáo của Bộ Ngoại giao chuẩn
bị cho “nhiệm kỳ hai của Trump”, nhưng nó liên quan đến các vấn đề của chính
quyền Biden. Có lẽ chỗ yếu nhất của báo cáo là ý tưởng “dùng giải pháp của thế
kỷ 20 để giải quyết vấn đề của thế kỷ 21”. Dù nhận định của báo cáo gần đúng
với sự thật, nhưng giải pháp mà nó đề xuất có thể thất bại vì Bộ Ngoại giao đã
hiểu sai về Bắc Kinh. Vì vậy, cần xem xét các mục tiêu cơ bản của Bắc Kinh là
gì?
Một là, Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy
để kinh tế mạnh hơn và củng cố sự lãnh đạo lâu dài của đảng ở trong nước. Hai
là, Trung Quốc tiếp tục triển khai sức mạnh vượt trội tại Châu Á gồm phía Tây
Thái Bình Dương, khu vực Trung Á và Đông Nga, vùng Himalaya và Ấn Độ Dương. Các
mục tiêu này khá thuận lợi vì Nga và Nhật đều ốm yếu, còn Mỹ thì thất thường.
Nhưng thái độ của Trung Quốc còn bị tác động bởi các yếu tố trong nước. Vì vậy,
nếu báo cáo chỉ đổ lỗi cho sai lầm của Mỹ thì không chỉ chủ quan và sai lầm mà
còn nguy hiểm.
Cách tốt nhất để Mỹ triển khai chiến
lược là lợi dụng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu cơ bản của Trung Quốc là vừa tăng
trưởng kinh tế, vừa bành trướng ra ngoài. Mỹ cần tăng sức ép để buộc Trung Quốc
phải chọn giữa hai mục tiêu đó. Chính quyền Biden cần nỗ lực hơn chính quyền
Obama và Trump để giúp các nước Châu Á chống lại sức ép của Trung Quốc, như
tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại Indo-Pacific và thúc đẩy thương mại, đầu
tư, công nghệ, khuyến khích Trung Quốc tuân thủ hiệp định và trừng phạt nếu họ
vi phạm.
Báo cáo đề xuất rằng lợi ích của Mỹ
là phải hủy bỏ và xây dựng lại có chọn lọc các thể chế quốc tế hiện hành. Với
so sánh lực lượng hiện nay, đó là một ý tưởng điên rồ. Việc chính quyền Trump
không thiết tha ủng hộ các tổ chức khu vực như EU và ASEAN nhằm tăng cường hợp
tác đa phương, cũng là một sai lầm. Mỹ chỉ dựa vào sức mình là quá sức do thực
tế hiện nay không giống thời Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Lúc đó, Mỹ chiếm gần 50%
GDP toàn cầu, nhưng Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ của các nước đồng minh để giành thắng
lợi.
Hiện nay, Mỹ chỉ chiếm một tỷ trọng
GDP bằng một nửa thời trước. Nếu kinh tế Mỹ không đổi mới thì nó sẽ tiếp tục đà
suy thoái. Hơn nữa, hệ thống chính trị gồm hai đảng của Mỹ không ổn định, và
Washington không đủ năng lực để đối phó với đại dịch Covid-19, làm bộc lộ những
điểm yếu của Mỹ. Hiện nay, đối với các nước trên thế giới, các chính sách và
thể chế của Mỹ không còn là hình mẫu để họ noi theo. Việc báo cáo đề cao các
chính sách của Mỹ nhằm “đem lại tự do” đã hoàn toàn bỏ qua một thực tế cơ bản
hiện nay là Mỹ chỉ có thể cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc nếu họ chịu cải
cách thể chế trong nước.
Theo Joseph Nye
(cựu thứ trưởng quốc phòng), nhiều đồng minh tự hỏi điều gì đang xảy ra với nền
dân chủ Mỹ. Nếu Mỹ đã sinh ra một lãnh đạo như Donald Trump năm 2016 thì liệu
có thể lặp lại vào năm 2024 hay 2028? Phải chăng nền dân chủ suy thoái, làm cho
Mỹ không còn đáng tin. Nhưng bất chấp dự đoán của cánh tả về sự suy sụp và của
cánh hữu về sự gian lận, nền dân chủ Mỹ đã chứng tỏ sức sống bền bỉ. Nếu Trump
kiểm soát được đảng Cộng hòa và nếu Cộng hòa vẫn nắm đa số tại Thượng viện thì
Biden sẽ rất khó khăn. Điều đó lý giải tại sao tranh cử tại bang Georgia lại
quan trọng như vậy.
Để đánh giá về nguồn gốc sức mạnh
của Trung Quốc, James Homes
(Đại học Hải chiến) đã nhận định: “Bắc Kinh muốn thắng mà không cần phải đánh”.
Bắc Kinh tin tưởng có thể thắng dù Trung Quốc yếu hơn Mỹ về tổng thể, vì Quân
đội Trung Quốc (PLA) có thể đảo ngược so sánh lực lượng tại chiến trường để áp
đảo đối phương tại nơi và lúc quyết định. Trung Quốc có thể tồn tại lâu hơn Mỹ
bằng “chiến tranh nhân dân trên biển”, một học thuyết được Bắc Kinh vận dụng để
đối phó với liên minh gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ…
PLA ngày nay có nhiều sự lựa chọn
hơn Hồng quân trước kia. Thay vì chiến tranh nhân đân thuần túy kiểu Mao, PLA
sẽ vận dụng tổng hợp các đơn vị lớn/nhỏ gồm tuần duyên, hải giám, và “dân quân
biển” để đối phó với liên mình do Mỹ cầm đầu. Chiến sự có thể xảy ra khi “ngoại
giao bằng cái gậy bé” (small-stick diplomacy) được Trung Quốc vận dụng để kiểm
soát vùng biển họ đòi chủ quyền. Một khi điều đó trở thành “bình thường mới”
hay “chuyện đã rồi” (fait accompli) thì nó sẽ có chính danh.
Theo báo chí,
các nước phương Tây trước đây thường tránh làm mất lòng Bắc Kinh, nay đang xích
lại gần hơn lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc. Nếu trước đây, lãnh
đạo EU coi Trung Quốc là “cơ hội” thì nay họ coi Trung Quốc là “đối thủ”. Năm
ngoái, một báo cáo về chính sách của EU đã không coi Trung Quốc là đối tác
(partner) hay đối tượng cạnh tranh (competitor) mà là “đối thủ hệ thống”
(system rival). Khi một nhà ngoại giao Trung Quốc hỏi có thật EU coi Trung Quốc
là đối thủ không, Tổng thống Pháp Macron đã nói thẳng “đúng thế” (You are a
rival).
Theo một khảo sát của Pew Research
(10/2020) mức độ bất tín nhiệm (distrust) đối với Tập Cận Bình lên rất cao ở
hầu hết các nước được khảo sát. Tâm trạng này ở Châu Âu ngày càng lan rộng. Đại
sứ EU ở Bắc Kinh nói năm ngoái sự ủng hộ Trung Quốc tại Châu Âu và các nơi khác
đã giảm sút mạnh. Theo Wess Mitchell (cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Châu Âu)
“đồng minh tốt nhất của chúng ta để coi Trung Quốc là đối thủ, chính là thái độ
của họ”. Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ coi Châu Âu là “đối tác
chiến lược” (strategic partner) chứ không phải “đối thủ” (rival), thì Bắc Kinh
luôn đe dọa trừng phạt các nước mỗi khi có bất đồng. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy
Điển có lần nói với báo chí: “đối với kẻ thù, chúng tôi có súng săn” (for our
enemies, we got shotguns).
Tuy Úc phụ thuộc vào Trung Quốc về
kinh tế, nhưng là nước đầu tiên cấm công nghệ Huawei và kêu gọi thế giới điều
tra Trung Quốc xử lý coronavirus. Tuy Ấn Độ là một trụ cột của phong trào không
liên kết trên thế giới nhưng đang mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và đồng minh
trong khi có chiến sự với Trung Quốc tại biên giới hai nước. Trong khi Đức vẫn
thận trọng thì cuộc tranh luận về sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc ngày
càng bức xúc. Đức có hơn 5.200 công ty kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng đang
chịu nhiều sức ép phải lên tiếng vì lợi ích của Châu Âu.
Nhiều người ảo tưởng
Tập Cận Bình sẽ đưa Trung Quốc đi theo trật tự thế giới của Mỹ, nhưng đó là
“một trong những tính toán chiến lược sai lầm lớn nhất thời hậu chiến tranh
lạnh”. Tám năm qua, Tập theo đuổi tầm nhìn về tương lai Trung Quốc theo chủ nghĩa
dân tộc cực đoan, bộc lộ tham vọng kiểm soát và thao túng chính trị làm ngạc
nhiên giới tinh hoa Mỹ và Trung Quốc. Nay nhìn lại, người ta ngạc nhiên là Tập
tìm cách khôi phục Mao để củng cố chính danh cho mình và cho Đảng, trước những
cảnh báo về sự bất ổn trong 5 năm tới và lên án Tập đã biến Đảng thành “hình
nhân chính trị”.
Triển vọng quan hệ Mỹ-Trung và khu
vực
Cách đây mấy thập niên, Samuel
Huntington đã viết trên Foreign Affairs rằng Mỹ có khả năng tự chỉnh
sửa, và những người thuộc “trường phái suy thoái” (declinists) đóng vai trò
không thể thiếu “trong việc ngăn chặn những gì mà họ dự báo”. Đối với Mỹ, suy
thoái là do chính trị nên đó là một sự lựa chọn, vì vậy suy thoái là sự lựa
chọn chứ không phải điều hiển nhiên. Suy thoái diễn ra trong hệ thống chính trị
phân cực, với tổng thống Dân chủ sắp nhậm chức, trước một Thượng viện vẫn do
Cộng hòa nắm đa số. Nhà báo Noah Smith (Bloomberg) cho rằng nếu đối nội Mỹ
không thay đổi thì chỉ vài thập niên nữa “Mỹ sẽ giống như một nước đang phát
triển”.
Theo Kurt Campbell
(cựu trợ lý ngoại trưởng), chính sách Trung Quốc là tâm điểm của sự lựa chọn
này. Trung Quốc càng quyết đoán thì Quốc hội và người dân càng đoàn kết xung
quanh lo ngại về ý đồ lâu dài của Bắc Kinh và tác động của chủ nghĩa trọng thương (mercantilism). Đề ra chương trình nước Mỹ không dựa trên
đối nội mà như là một phần của nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh của Mỹ đối
với Trung Quốc có thể được lưỡng đảng ủng hộ.
Gần đây, giáo sư David Shambaugh
(Đại học George Washington) đã xuất bản cuốn Where Great Powers Meet:
America and China in Southeast Asia (Oxford University Press, 2020). Trong
cuốn sách đó, Shambaugh đã nhấn mạnh vị trí sống còn của Biển Đông trong bàn cờ
địa chiến lược Mỹ – Trung. Hàng năm, khoảng 50.000 tàu thuyền qua lại trên Biển
Đông, chiếm 40% thương mại và 25% vận tải dầu khí trên thế giới. Đặc biệt,
Trung Quốc đã thay đổi thực địa, bồi đắp các đảo họ chiếm đóng trái phép thành
“chuyện đã rồi”, và quân sự hóa các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thành các căn
cứ quân sự.
Các nước ASEAN tự hào về phong cách
riêng của mình (ASEAN Way), như nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào nội
bộ của nhau, và hợp tác tự nguyện. Tuy điều đó giúp các nước ASEAN gắn kết
nhưng cũng bộc lộ các điểm yếu cơ bản, làm vô hiệu hóa khả năng của ASEAN đối
phó với các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và ngăn chặn
Trung Quốc quân sự hóa các đảo họ chiếm đóng. Giới quan sát cho rằng các diễn
đàn ASEAN chỉ là nơi “tranh cãi” (talk shops) mà không thực sự hiệu quả về mặt
hành động.
Một số nước ASEAN bị mắc kẹt trong
thế đối đầu Mỹ-Trung đã ngả theo Bắc Kinh (như Campuchia và Philippines). Tuy
xu hướng này đáng lo ngại, nhưng không nên quá lo lắng và phóng đại, vì xu
hướng đó có thể đảo chiều trong thời gian tới. Một là Bắc Kinh có thể đi quá xa
và ra tay quá đà, như đòi hỏi quá nhiều và bóc lột quá đáng. Hai là các nhà
ngoại giao Trung Quốc quen với lối tuyên truyền một chiều, dễ vô cảm với tâm
trạng của khu vực. Ba là nhiều nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý
“hậu thực dân”, nên rất dễ phản ứng trước thái độ ngạo mạn và quan hệ bất đối
xứng.
Tổng giá trị thương mại giữa Mỹ và
ASEAN là 350 tỷ đô la Mỹ (2018) trong khi tổng giá trị thương mại giữa Trung
Quốc và ASEAN là 587,8 tỷ đô la Mỹ (2018). Tuy con số của Trung Quốc với ASEAN
lớn hơn con số của Mỹ với ASEAN nhưng không quá xa, và ASEAN vẫn là bạn hàng
lớn thứ tư của Mỹ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư trực tiếp của Mỹ tại các
nước ASEAN là $329 tỷ đô la Mỹ (bằng cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng
lại).
Khi Trung Quốc bành trướng ở khu vực
thì giới quan sát cho rằng quyền lực Mỹ bị suy yếu. Đó là một ngộ nhận vì ảnh
hưởng kinh tế, văn hóa, an ninh của Mỹ ở khu vực còn rất lớn, xét trên nhiều
mặt lớn hơn Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc được đánh giá quá cao, còn Mỹ
bị đánh giá quá thấp. Tuy Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ nhưng chưa thống trị được khu vực.
Chính quyền Biden sẽ hàn gắn quan hệ
với các nước đồng minh, nên vai trò của Nhật, Ấn Độ, Úc, và Hàn Quốc tại khu
vực càng quan trọng. Đặc biệt, vai trò của Nhật ngày càng quan trọng đối với
kinh tế và an ninh khu vực. Trong khi chính phủ Narendra Modi triển khai chính
sách “Hành động Hướng Đông” (Act East) của Ấn Độ, thì Tổng thống Moon Jae-in
thúc đẩy chính sách “Hướng Nam” (Southward Policy) của Hàn Quốc. Vì quan hệ
Úc-Trung căng thẳng, nên Thủ tướng Morrison cũng đang điều chỉnh chính sách của
Úc đối với khu vực.
Tuy vai trò của Mỹ với các nước đồng
minh là then chốt, nhưng chính thái độ của Trung Quốc cũng là một lợi thế so
sánh cho Mỹ ở khu vực. Bắc Kinh càng hung hăng bắt nạt các nước khu vực bằng
“ngoại giao chiến lang”, tuyên truyền thô thiển, vô cảm với tâm trạng của khu
vực, và không biết lắng nghe ý kiến phê phán, thì càng góp phần làm suy yếu
quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì vậy, nếu chính quyền Biden biết lựa
chọn ưu tiên, làm việc với khu vực một cách nhất quán như họ mong đợi, thì Mỹ
có thể đối phó được với Trung Quốc.
Theo Kurt Campbell và Jake Sullivan (hai cố vấn đối ngoại chủ chốt của Joe Biden), mục tiêu của
Washington là kiến tạo điều kiện thuận lợi để cùng tồn tại với Bắc Kinh trên
bốn lĩnh vực cạnh tranh chính là quân sự, kinh tế, chính trị, và quản trị toàn
cầu. Sai lầm cơ bản trước đây khi Mỹ hợp tác với Trung Quốc là cho rằng nó sẽ
làm thay đổi cơ bản hệ thống chính trị, kinh tế, và chính sách đối ngoại của
Trung Quốc. Nay Mỹ có thể mắc lại sai lầm tương tự khi cho rằng cạnh tranh có
thể làm Trung Quốc thay đổi, phải đầu hàng hay sụp đổ, điều mà hợp tác trước
đây đã thất bại.
Trung Quốc ngày nay là một đối thủ
khác hẳn với Liên Xô trước đây: đáng gờm hơn về kinh tế; tinh tế hơn về ngoại
giao; linh hoạt hơn về hệ tư tưởng. Trung Quốc đã hội nhập sâu hơn với thế giới
và nền kinh tế Mỹ. Chiến lược ngăn chặn của Mỹ được dựa trên dự báo là Liên Xô
sẽ đến lúc sụp đổ vì nó mang theo “hạt giống suy tàn” như George Kennan đã tự
tin vạch ra chiến lược ngăn chặn. Nhưng ngày nay không thể dự báo Trung Quốc
như vậy vì thiếu cơ sở cho một chính sách ngăn chặn mới trên tiền đề là Trung
Quốc cuối cùng sẽ sụp đổ. Mặc dù Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức về dân
số, kinh tế, và môi trường, nhưng đảng cộng sản đã chứng tỏ năng lực đáng kể có
thể thích nghi với hoàn cảnh khó khăn.
Mỹ và Trung Quốc đối đầu tại
Indo-Pacific, nơi có bốn điểm nóng là Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài
Loan, và bán đảo Triều Tiên. Washington lo Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái
Bình Dương còn Bắc Kinh lo Mỹ dồn Trung Quốc vào bẫy. Đài Loan không chỉ là một
điểm nóng, mà còn là một bài học thành công lớn trong lịch sử bang giao Mỹ –
Trung, trong khi Biển Đông là tâm điểm của đối đầu Mỹ-Trung. Để hai siêu cường
có thể chung sống hòa bình, Washington cần tăng cường răn đe và quản trị khủng
hoảng, không để Bắc Kinh tự do đe dọa sử dụng vũ lực để tranh chấp chủ quyền và
làm “chuyện đã rồi”. Elbridge Colby lập luận “có thể răn đe mà không cần sức
mạnh để đương đầu với đối thủ đáng gờm”.
Để đảm bảo răn đe tại Indo-Pacific,
Mỹ cần giảm đầu tư vào các hệ thống vũ khí đắt tiền nhưng dễ tồn thương như tàu
sân bay, mà nên tăng đầu tư vào các hệ thống vũ khí bất đối xứng, được tạo ra
để hạn chế sự phiêu lưu của Trung Quốc mà không quá tốn kém. Washington cần đa
dạng hóa sự có mặt của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á và vùng Biển Ấn Độ Dương mà
không cần phải lập căn cứ quân sự cố định. Vì vậy, Mỹ cần xây dựng một mặt trận
thống nhất gồm các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng.
Dự báo chính sách đối ngoại của chính quyền Biden (P4)
Tác giả: Nguyễn Quang Dy
Phần 4
Triển vọng quan hệ Mỹ-Việt và Biển
Đông
Theo Lê Hồng Hiệp
(ISEAS – Yusof Ishak Institute), Mỹ và Việt Nam có lợi ích chiến lược song
trùng tại Biển Đông. Trung Quốc càng hiếu chiến thì càng thúc đẩy hợp tác chiến
lược Mỹ-Việt, giúp nâng cao năng lực hàng hải cho Việt Nam, phù hợp với cơ chế
an ninh khu vực và theo tầm nhìn Indo-Pacific, trong khuôn khổ “Bộ tứ mở rộng”.
Dù Chính quyền Biden có bỏ qua khoản thặng dư thương mại ($58 tỷ) hay không thì
Biden, với quan điểm thân thiện với Việt Nam, chắc sẽ có cách đề cập hợp lý
hơn.
Theo Carl Thayer, lợi ích cơ bản của
Mỹ sẽ không thay đổi sau khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46
(20/1/2021). Các thỏa thuận Hà Nội ký với Robert O’Brien là nhằm tăng cường hợp
tác hàng hải và mua thiết bị quân sự để đối phó với Trung Quốc đang gây sức ép
tại Biển Đông. Quan điểm chính thống của Mỹ thời Biden là coi trọng chủ nghĩa
đa phương, như một điểm khác biệt cơ bản so với Trump vốn coi nhẹ đồng minh.
Biden sẽ tăng cường ủng hộ Bộ Tứ (Quad) và ý tưởng “Bộ Tứ Mở rộng” (Quad Plus),
để phối hợp tập trận không chỉ với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, mà còn với các nước
khác như Việt Nam.
Derek Grossman (RAND) tin rằng Việt
Nam có thể đóng góp tốt cho “Bộ tứ Mở rộng” để đối phó với Trung Quốc. Nếu Bộ
Tứ mở rộng có một nước khu vực như Việt Nam tham gia sẽ làm suy yếu lập luận
của Bắc Kinh cho rằng “Bộ Tứ” chỉ là một nhóm các nước bên ngoài khu vực muốn
“ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Theo Kent Calder (giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Johns Hopskins), chính quyền Joe Biden sẽ thắt
chặt quan hệ với Việt Nam. Sự ủng hộ rộng rãi của các nước Bộ Tứ, trong đó có
các nước trong Indo-Pacific, sẽ mở rộng thêm các thỏa thuận thương mại đa
phương.
Gần đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc
biệt ở Thái Bình Dương (SOCPAC) đề cập khả năng hợp tác giữa lực lượng đặc biệt
của Mỹ với đặc công của Việt Nam. Bộ Chỉ huy Tiếp vận Lục quân Mỹ (USAMC) cũng
muốn xây dựng một hệ thống kho tiếp liệu và dự trữ quân nhu tại Việt Nam để Mỹ
có thể triển khai nhanh các hoạt động nhân đạo nhằm giúp Việt Nam đối phó với
thiên tai. Nhưng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt còn hạn chế chừng nào Viêt Nam vẫn
duy trì nguyên tắc “ba không”. Trong một báo cáo gần đây của RAND về đối đầu
Mỹ-Trung ở khu vực Indo-Pacific, Derek Grossman
có năm nhận xét:
Một là, tuy Mỹ duy trì ưu thế về an
ninh, nhưng lại đứng sau Trung Quốc về các chỉ số kinh tế và xấp xỉ nhau về
chính trị và ngoại giao, vì vậy không thuận cho Việt Nam “chọn Mỹ”. Thực ra,
Viêt Nam chọn cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Do đó, Washington nên để
cho quan hệ với Việt Nam diễn ra một cách tự nhiên (organically), tức là để cho
lãnh đạo Việt Nam tự đi đến kết luận về thái độ của Trung Quốc và sự cần thiết
phải chơi với Mỹ. Nếu thúc Hà Nội phải chọn bên khi đối đầu Mỹ-Trung căng lên có
thể phản tác dụng.
Hai là, giống nhiều nước khác ở khu
vực, Việt Nam nghi ngờ chiến lược Indo-Pacific của Mỹ có bền vững với thời gian
và có thể răn đe hiệu quả các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông
hay không. Mỹ nên cân nhắc làm sâu sắc thêm và thường xuyên trao đổi với các
đối tác Việt Nam, ưu tiên về chất lượng hơn là số lượng, để tránh những thách
thức không đồng bộ. Làm như vậy sẽ giúp thuyết phục Hà Nội rằng Washington là
một cường quốc Thái Bình Dương trong tương lai có thể giúp ích Việt Nam đối phó
với Trung Quốc.
Ba là, ngoài vấn đề Biển Đông, Việt
Nam muốn Mỹ tập trung xem tác động của chương trình Vành đai và Con đường (BRI)
của Trung Quốc ở các nước láng giềng Đông Dương tác động trực tiếp đến Việt Nam
thế nào. Việt Nam lo ngại rằng Campuchia và Lào đang gắn chặt với Trung Quốc,
và trên thực tế làm xói mòn quan hệ đặc biệt của Việt Nam với các nước này. Mỹ
nên cam kết cạnh tranh với BRI để giúp Việt Nam tránh bị bao vây bởi các nước
thân Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cần cam kết sâu hơn để chống tác động tiêu cực
của BRI tới môi trường các nước này, nhất là các đập thủy điện của Trung Quốc
trên sông Mekong.
Bốn là, Mỹ nên tiếp tục hợp tác với
các đồng minh và đối tác để tìm kiếm sự bổ sung cho các mục tiếu cơ bản nhằm
tránh chồng chéo các nỗ lực ở Việt Nam. Ví dụ, Nhật, Ấn Độ, và Hàn Quốc ủng hộ
các mục tiêu an ninh hàng hải của Việt Nam. Úc làm rất tốt và Canberra sẵn sàng
giúp lực lượng gìn giữ hòa bình (PKO) huấn luyện quân sự chuyên nghiệp (PME) và
thậm chí lực lượng đặc biệt của Việt Nam. Nhật cũng tích cực trong công tác cứu
hộ (SAR) và tăng cường luật biển trong và ngoài Indo-Pacific. Úc, New Zealand,
Anh có thể hỗ trợ đào tạo tiếng Anh, công tác gìn giữ hòa hòa bình, và huấn
luyện quân sự chuyên nghiệp.
Năm là, trong các chuyến thăm cấp
cao của Bộ Quốc phòng, không quân Mỹ (USAF) đề xuất hợp tác binh chủng trở
thành thường xuyên hơn để làm giảm thiểu khả năng gián đoạn trong tương lai.
USAF nên tìm kiếm cơ hội để xây dựng năng lực tổ chức của VAD-AF, nhất là chức
năng hỗ trợ, bao gồm bảo dưỡng, duy tu và an toàn, có nhiều khả năng đem lại
kết quả lâu bền. Vì tính chất nhạy cảm của VAD-AF tại căn cứ quân sự do “chính
sách quốc phòng ba không”, nên USAF có thể đề xuất hợp tác tại các địa điểm dân
sự.
Tuy Biden không chỉ trích Trung Quốc
nặng nề như Mike Pompeo nhưng sẽ giữ nguyên thuế quan và trừng phạt, coi Trung
Quốc như đối thủ chính của Mỹ. Biden sẽ ủng hộ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, ASEAN,
và Bộ tứ (Quad), hàn gắn quan hệ kinh tế song phương với khu vực. Trong một hay
hai năm đầu, Biden sẽ khó tham gia CPTPP và RCEP vì phải được Thượng viện chấp
thuận, và trong nhiệm kỳ đầu rất ít khả năng Mỹ thông qua Công ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Nhưng Biden chắc có chính sách khác hẳn Trump về
WHO và WTO, sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu như
COVID-19, biến đổi khí hậu, phục hồi tăng tưởng kinh tế thế giới, và phi hạt
nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Dưới thời Biden, Mỹ không đối đầu
với Trung Quốc như thời Trump, nên Việt Nam không bị Mỹ ép phải chọn bên. Tuy
quan hệ Mỹ-Trung còn căng thẳng, nhưng hai bên sẽ tìm cách hợp tác, tạo cơ hội
hơn là thách thức. Việt Nam có thể hợp tác với cả Trung Quốc và Mỹ, nhất là về
kinh tế và thương mại. Trung Quốc không muốn Việt Nam đi theo quỹ đạo của Mỹ
nên Việt Nam có cơ hội tranh thủ kịch bản này. Chính quyền Biden sẽ coi Việt
Nam như “đối tác chiến lược” và ủng hộ vai trò Việt Nam lãnh đạo ASEAN. Khả
năng quan hệ thân thiện giữa Mỹ và Trung Quốc (G2) rất khó hình thành để Mỹ
phải hy sinh Việt Nam hay khu vực.
Trong bốn năm tới, quan hệ Mỹ-Trung
chắc sẽ “không quá ấm” cũng “không quá lạnh”. Biden sẽ không quá cứng rắn với
Trung Quốc như Mike Pence và Mike Pompeo, nên có thể hợp tác về các vấn đề toàn
cầu để chống dịch (WHO), phục hồi kinh tế toàn cầu (WTO), chống biến đổi khí hậu,
và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục chống
Trung Quốc đe dọa và bắt nạt ở Biển Đông trong khi tăng cường đối tác chiến
lược với ASEAN về các vấn đề khu vực. Vì vậy, ASEAN sẽ có vai trò quan trọng để
gìn giữ hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác khu vực trước những khó khăn mới.
Chính quyền Biden cần ít nhất nửa
năm để ổn định, phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử bổ sung hai ghế Thượng viện
ở tiểu bang Georgia. Nếu đảng Cộng hòa nắm đa số Thượng viện, họ có thể phủ
quyết đề cử nhân sự như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc Tình báo
Quốc gia. Ưu tiên số một của Biden là kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế.
Theo luật Mỹ, Chính quyền Biden phải trình Quốc hội Chiến lược An ninh Quốc gia
(NSS) trong vòng 150 ngày. Nếu được phê chuẩn thì Bộ Quốc phòng đề xuất Chiến
lược Quốc phòng (NDS) và chiến lược Indo-Pacific. Trước khi có NDS, chính sách
đối ngoại của Mỹ thường dựa trên cơ sở lâm thời (ad hoc basis). Dự kiến lưỡng
đảng sẽ đồng thuận một chính sách cứng rắn với Trung Quốc liên quan đến thặng
dư thương mại và can thiệp vào nội bộ Mỹ.
Theo Carl Thayer, nếu đại dịch
Covid-19 được kiểm soát tốt năm 2021 thì ASEAN và Trung Quốc có thể tiếp tục
đàm phán về DOC và COC ở Biển Đông. Tuy quan hệ Việt – Trung về kinh tế và thương
mại tương đối ổn, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra căng thẳng trên Biển Đông. Nếu
Việt Nam tiếp tục thăm dò hay khai thác dầu khí tại mỏ Lan Đỏ (lô 06-01) gần
Bãi Tư Chính thì Trung Quốc chắc chắn sẽ gây căng thẳng, có thể lặp lại tình
huống đối đầu như năm 2019. Năm 2020, các tàu tuần duyên Trung Quốc vẫn tiếp
tục quấy rối tại khu vực này, để cảnh báo Việt Nam không được khai thác.
Hiện nay PetroVietnam đang hợp tác
với Idemitsu và Teikoku (của Nhật) để khai thác hai mỏ Đại Nguyệt và Sao Vàng
(lô 05-01). Các công ty Nhật mạnh hơn Repsol và Rosneft vì (1) Họ có thể thuê
tàu khảo sát và tàu khoan của Nhật; (2) Trung Quốc và Nhật đã có quan hệ làm ăn
tốt trong mấy năm qua nên chắc Trung Quốc không muốn làm mất lòng Nhật; (3)
Chính quyền Biden sẽ mau chóng phối hợp chính sách với Nhật ở khu vực; (4) Nhật
có thể điều tàu tuần duyên hay hải quân phối hợp với tàu hải cảnh của Việt Nam
để bảo vệ lô 05-01; (5) Trung Quốc phải tính đến yếu tố Nhật Bản có hiệp ước an
ninh với Mỹ.
Trong khi đó, Việt Nam là khâu yếu
nhất, như vụ Respol và Rosneft đã chứng minh khi lãnh đạo Việt Nam phải xuống
thang trước sức ép của Trung Quốc, phải bỏ hợp tác với Repsol (Tây Ban Nha).
Hiện nay các công ty dầu khí của Nhật đã bỏ vốn và kế hoạch khai thác của họ đã
được chính phủ Việt Nam phê duyệt. Trong khi ExxonMobil (của Mỹ) có thể rút
khỏi dự án Cá Voi Xanh trước một số khó khăn mới, tập đoàn này muốn xây dựng
nhà máy điện khí hóa lỏng có vốn đầu tư hơn 5 tỷ đô la Mỹ tại Hải Phòng.
Hợp tác Mỹ-Việt về năng lượng, bao
gồm các dự án nhà máy điện chạy bằng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ là một
di sản của chính quyền Trump mà chính quyền Biden chắc sẽ đẩy mạnh. Đây là lĩnh
vực hợp tác đang được hai nước ưu tiên thúc đẩy vì “ý nghĩa chiến lược đúp”,
vừa giúp giảm thiểu sức ép về thặng dư thương mại, vừa hỗ trợ Việt Nam về an
ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Rủi ro trong thương mại Mỹ – Việt
Gần đây, Chính quyền Trump đã “gắn
mác” Việt Nam “thao túng tiền tệ” (16/12) sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kết
luận Việt Nam (và Thuỵ Sỹ) đã vượt cả ba ngưỡng về thao túng tiền tệ bao gồm
(1) các tiêu chí về can thiệp vào thị trường ngoại hối, (2) thặng dư tài khoản
vãng lai và (3) thặng dư thương mại. Trước khi rời nhiệm sở (20/1), Trump dọa
đánh thuế hàng may mặc và giày dép, đồ gỗ, điện tử và gia dụng của Việt Nam. Mỹ
nhập khoảng $65 tỷ hàng hóa từ Việt Nam (trong 10 tháng đầu năm 2020) so với $
66,6 tỷ (cả năm 2019).
Theo chỉ đạo của Trump, Cơ quan Đại
diện Thương mại Mỹ (USTR) đã tiến hành điều tra (từ tháng 10/2020) việc định
giá tiền tệ của Việt Nam (theo điều khoản 301) và sẽ điều trần công khai (ngày
29/12) trước khi công bố kết quả (ngày 7/1/2021). Động thái này của Trump không chỉ làm khó cho Chính quyền Biden với một di sản bất
lợi, mà còn làm hại cho quan hệ Mỹ-Việt vì Việt Nam là đối tác quan trọng nhất
của Mỹ trong ASEAN, theo tầm nhìn Indo-Pacific và trước diễn biến ở Biển Đông.
Nhưng Mỹ có trừng phạt Việt Nam hay
không còn phụ thuộc vào chính quyền mới, khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen
sẽ xem xét lại (tháng 4/2021). Tuy quan điểm của Yellen đối với các nước dùng
đòn bẩy vĩ mô trong chính sách tiền tệ và tài khóa khá linh hoạt, nhưng Blinken
nói (tháng 9/2020) sẽ “kiên quyết thực hiện luật lệ thương mại của Mỹ mỗi khi
gian lận nước ngoài đe dọa việc làm của Mỹ”. Dù quyết định của Mỹ là “tượng
trưng”, nó có thể làm lãnh đạo Hà Nội phải suy nghĩ lại xem có thể tin vào Mỹ
như một đối tác chiến lược hay không và tác động đến sắp xếp nhân sự và quyết
sách của Hà Nội cho 5 năm tới.
Giám đốc Amcham tại Viet Nam Adam Sitkoff
nói “thao túng tiền tệ không phải là một vấn đề đối với các thành viên của
chúng tôi, và bất cứ hành động tiềm ẩn nào trong những ngày cuối của chính
quyền này làm tổn hại cho kinh tế Việt Nam qua trừng phạt bằng thuế quan sẽ làm
tổn hại cho quan hệ đối tác gần gũi mà hai nước đã đạt được”.
Theo Nikkei,
thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng từ 32 tỷ đô la (2016) lên 38,3
tỷ (2017), 39,4 tỷ (2018), 55,7 tỷ (2019) và 58 tỷ đô la (2020), còn lớn hơn cả
Nhật (57 tỷ, 2020). Việt Nam xếp thứ tư trong số các đối tác thương mại của Mỹ
(2019), nay đã vượt qua Nhật để xếp thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Mexico (2020)
về thặng dư thương mại song phương. Đáng chú ý là tuy Mỹ là thị trường xuất khẩu
lớn nhất của Việt Nam nhưng Việt Nam chỉ chiếm 2,7% nhập khẩu của Mỹ. Chưa biết
Việt Nam có thoát các biện pháp “trừng phạt” của Mỹ hay không nhưng cuộc điện
đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump (ngày 22/12) có
thể coi là một nỗ lực của Việt Nam để thoát khỏi viễn cảnh này.
Thực ra trong mấy năm qua (2018 và
2019), chính quyền Trump đã gây sức ép với Việt Nam, và đánh thuế nhập khẩu 456
% lên thép của Việt Nam, và gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” (single
worst abuser of everybody). Do hệ quả của chiến tranh thương mại, nhiều công ty
nước ngoài đã rời Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, nhưng “Việt Nam đã lợi
dụng chúng ta còn tồi tệ hơn cả Trung Quốc”.
Để triển khai chiến lược “Trung Quốc
cộng một”, nhiều công ty nước ngoài đã rời Trung Quốc. Việt Nam đã thu hút được
hơn 38 tỷ đô la đầu tư FDI năm 2019, tăng 7,2% so với năm 2018. Samsung
Electronics đã chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam
và xuất khẩu của họ chiếm 1/4 giá trị xuất khẩu của Việt Nam (năm 2019). Ngoài
Samsung, còn nhiều công ty khác có nhà máy ở Việt Nam như Canon, Toyota, Honda,
Panasonic, LG Electronics, Hyundai, TCL Technology, Foxconn Technology, v.v…
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và
đại dịch Covid-19 đã gây khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ chương tách
Mỹ khỏi Trung Quốc về kinh tế và công nghệ là một cách đối phó bị động của
Chính quyền Trump làm nhiều doanh nghiệp phải rời Trung Quốc và chuyển đến các
nước Châu Á khác như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, v.v… Tuy Việt Nam được hưởng
lợi từ dòng chuyển dịch này nhưng dễ tiếp tục sa vào “bẫy gia công” nếu không
cơ cấu lại doanh nghiệp và đổi mới thể chế để tăng cường nội lực. Theo các
chuyên gia, thay vì trừng phạt Việt Nam “thao túng tiền tệ”, Mỹ có thể ép Việt
Nam nhập thêm hàng hóa của Mỹ và ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc tuồn qua Việt
Nam để xuất sang Mỹ.
Lời kết
Theo thông báo chính thức, Đại hội
Đảng lần thứ 13 sẽ họp từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 để chuyển giao lãnh đạo và xác
định đường lối cho 5 năm tới. Năm 2020, Việt Nam đã đạt được thành tích ấn
tượng trên ba mặt chính. Một là kiểm soát được đại dịch Covid-19 (đến nay chỉ
có 1.454 người nhiễm bệnh và 35 người chết). Hai là tiếp tục chống tham nhũng
và “tự diễn biến”; Ba là kinh tế vẫn tăng trưởng dương (2,9%) trong khi đại
dịch làm kinh tế toàn cầu suy thoái. Năm 2021 (dưới thời Biden) có hai vấn đề
nổi cộm mà Việt Nam phải tháo gỡ là nhân quyền và vấn đề thao túng tiền tệ.
Năm 2020 Việt Nam làm chủ tịch ASEAN
và tổ chức thành công các Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hội nghị Cấp cao Đông Á 15
(trực tuyến), và sau đó tổ chức lễ ký trực tuyến hiệp định thương mại RCEP
(15/11/2020). Nhưng các sự kiện quan trọng nói trên vẫn chưa đem lại đổi mới
thể chế như dư luận mong đợi. Ngoài nguyên nhân nội tại, Viêt Nam vẫn mắc kẹt
trong thế đối đầu Mỹ – Trung ở khu vực nên vẫn phải tiếp tục giữ thế cân bằng
như tại “ngã ba đường” với trò chơi “hedging” (phòng bị nước đôi) với hai nước
lớn. Tiếp theo chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đại dịch Covid-19 đã đẩy Việt
Nam và thế giới vào nguy cơ khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là khủng hoảng chuỗi
cung ứng toàn cầu. Sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính cuối năm 2020 đã
trùm lên nước Mỹ và thế giới đám mây đen khủng hoảng chính trị và khủng hoảng
truyền thông.
Còn quá sớm để nhận định về chính
sách đối ngoại của chính quyền mới khi chính sách đó còn đang hình thành và khi
Joe Biden chưa chính thức tuyên thệ nhậm chức. Nhưng sẽ quá muộn nếu để đến lúc
đó mới bắt đầu tìm hiểu và trao đổi về chính sách đối ngoại mới, vì tầm quan
trọng của nó đối với Việt Nam và ASEAN cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, do chính
sách mới còn đang hình thành, chúng ta cần tiếp tục cập nhật thông tin và đổi
mới tư duy cùng hệ quy chiếu để phân tích các sự kiện.
Thích hay không, nước Mỹ và thế giới
phải chuẩn bị tinh thần cho bốn năm hay tám năm của Chính quyền Joe Biden.
Trong khi chính quyền mới ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ cấp
bách như đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và hàn gắn đất nước, chính sách
đối ngoại của chính quyền mới liên quan đến Trung Quốc và khu vực Indo-Pacific
nhiều khả năng sẽ không thay đổi mấy về thực chất, ngoài cố gắng hàn gắn các
quan hệ đồng minh và cam kết quốc tế của Mỹ.
NQD.
3/1/2021