Văn hiến xếp lại, dao búa thôi (!)
Đọc mấy chữ nghe lạnh cả gáy. Nhưng lại là sự thực. Văn hiến văn hóa bị xếp sang bên. Chơi dao búa “hàng nóng” đúng cái cách giang hồ chốn đô hội xô bồ trị xử nhau.
Chuyện vừa mới xảy ra ở làng tôi. Ngay trước thềm một hội lệ hằng năm. Cái năm đặc biệt người làng kỳ vọng. Vì có tổ chức rước kiệu thánh hoàng làng và tế lễ trọng thể ở đền thờ ngài mà phải 5 năm mới quay lại một lần. Nên có chút hẫng hụt lo âu, nhất là ở những người già cả trong thôn.
Cái chuyện án mạng đổ máu vào những ngày cả thôn cầu vui, ai muốn… Một thanh niên tuổi còn rất trẻ bị đâm chết. Câu chuyện ầm làng nước còn bởi, theo quy định trong hương ước, bất cứ ai chết vào dịp hội làng sẽ không tổ chức lễ tang trong suốt 3 ngày hội lệ. Mà để một thi hài trường diễn ba bốn ngày như thế trong nhà, khi tiết trời đã vào hè thì gia đình nào yên tâm được. Nên phải tìm cách đưa tử thi sang Hà Nội ướp lạnh dù tốn kém tiền của để chờ ngày giã đám mới lo ma chay được. Nên cái khổ đau trong trường hợp này nhân lên gấp bội cho thân nhân kẻ bị hại.
Truy nguyên chuyện án mạng cũng lãng xẹt, đâu chỉ chút tranh chấp tiền nong. Nếu khéo bảo ban nhau thì đâu nên nỗi. Anh ruột cậu nhỏ xấu số có tiệm cầm đồ. Đám khách nợ nần gì đó chưa giải quyết được với ông anh, thì anh cho gọi em tới như cách gây uy lực đòi nợ. Lúc đó cậu em đã sắp đi ngủ. Nhưng ông anh nài quá phải vọt con xe tới. Loạng quạng mắt nhắm mắt mở dắt chiếc xe máy tới gần hiện trường, thì “phập” cái, lưỡi dao thái lan bén sắc của kẻ thủ ác rình nấp xuyên trúng ngay cuống tim khiến cậu ta chết ngay. Khiếp đảm, y như phim hình sự bạo lực.
Vụ án đang điều tra, kết quả đúng sai bên nào, ra sao… không phải đích chuyện tôi muốn kể muốn nói. Điều tôi nghĩ ngợi nhiều là một nếp sống, sự đối nhân xử thế giữa con người với nhau ở chốn thôn quê Trước và Nay nó ra làm sao đây.
Nếu làm một cuộc hỏi han dư luận nhè nhẹ ở quê tôi, tôi đoan chắc rằng ý kiến không mấy khác nhau về một nếp sống chủ đạo ở quê tôi hiện nay. Cho dù gần đây có chuyện thôn xóm “lên phường” (sáp nhập vào thị xã Từ Sơn mới lập) thì chất nông thôn quê mùa vẫn hiện rõ trong nếp sống, ngay trong hội làng đang diễn ra lúc này. Vẫn cơ bản là một vùng quê, nếp ăn ở vẫn theo cách nhà quê là chính.
Thế nên chuyện lũ trẻ, nhất là đám thanh thiếu niên mới lớn thời gian gần đây xử sự với nhau theo lối bạo lực dao búa đã dấy lên trong dân làng bao điều nghĩ ngợi lo âu.
Ngay dân đi xa làm ăn như cánh chúng tôi về làng dịp này cũng có phần choáng váng khi nghe một số chuyện cụ thể. Mình ở nơi đô thị đã thấy chán ngấy những chuyện án mạng chém giết nhau trên mặt báo an ninh, tưởng về quê “trốn” được mọi điều như vậy, thế mà vẫn…
Chợt nghĩ về một lối xưa sống nhân hòa tốt đẹp ngày một như phôi pha. Cái nếp sống thực dụng chốn thành thị tiêu cực như đang ào ạt kéo đến quê nhà chúng tôi mất rồi.
Ai cũng rõ, người già người có tuổi ở thôn quê - về mặt đạo lý - như cái nóc nhà, như dường cột tinh thần của gia đình. Họ vẫn cố gắng kiên trì răn dạy điều hay lẽ thiệt cho lớp con lớp cháu. Nhưng tiếc nỗi, việc nghĩa lý này ngày càng như ít tác dụng. Đơn giản vì họ không còn là lực lượng nắm được cuộc sống kinh tế của làng quê nữa. Lớp trẻ dù sao chúng cũng là vai chính kiếm ra đồng tiền. Trong cách sống của lớp người này, ác thay chúng chỉ thấy một mặt trái, nếu có trong tay đồng tiền thì hình như giải quyết được tất cả mọi điều trong cuộc sống.
Những chuyện đại thể dưới đây thì thuộc diện “cả làng” đều biết cả:
Thanh niên làng chạy chọt một công việc đi làm ở cơ quan nhà nước, dù cầm bằng đại học trong tay, vẫn cứ là “xì tiền ra”.
Đi lao động nước ngoài, “chồng đô chồng vàng” lên là có thể đi Nhật đi Hàn dễ dàng hơn những kẻ hội đủ tiêu chuẩn quy định của xã.
Vào học đại học, trung cấp trường B trường A, tốt nhất là đưa phong bì “đi thi trước” thì mới có suất đấy nha.
Không kể chuyện ốm đau bệnh tật, vào viện mổ xẻ thuốc men; rồi xây nhà mua đất, sinh con lập nghiệp… - trăm sự không đồng tiền thì chỉ có mà “hãy đợi đấy”.
Nên cái thói trọng kim tiền, coi mọi cách miễn kiếm ra đồng tiền là được, cho dù bất kể phương cách thủ đoạn nào… chính là nguy cơ làm hư đốn nhanh đạo đức con người.
Sự thoái hóa biến chất về nếp sống, đạo đức suy vi xuống cấp buồn thay nó đi cùng với quá trình đô thị hóa nông thôn. Lẽ ra xu hướng tiến lên lối sống thành thị phải là đích tiến của nông thôn, thì trong trường hợp làng tôi (và có thể nhiều làng quê khác) lại buộc người ta phải nghĩ ngược lại.
Oái oăm chính ở chỗ người dân lương thiện nay lại mong cho quá trình tiến hóa hợp xu thế nhân loại này được hãm bớt, nếu tiến thì cũng chầm chậm lại.
Đơn giản vì hầu như mọi sự chưa được chuẩn bị kỹ. Các điều kiện vật chật và tinh thần “cần và đủ” cho thành thị hóa nông thôn là chưa có, chưa sẵn sàng.
Tất cả vẫn là kiểu a-dua phong trào từ bên trong; hoặc là áp lực xảy đến từ bên ngoài bên trên. Mà nếu vậy thì làm sao mà phát triển bền vững được.
Trang Liệt-Hà Nội, 4/2010
Nguyễn Vĩnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét