Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Mô hình Cu Ba, tạm biệt

Mô hình Cu Ba, tạm biệt
Cập nhật sáng 12/9: Bài post lên (tối 10/9) tôi vào VietnamNet cũng thấy đã chạy một tin biên dịch tóm tắt nội dung bài báo của phóng viên Mỹ khi phỏng vấn Fidel Castro; sau lại thấy báo ấy gỡ xuống nhưng không rõ thời điểm gỡ. Đến hôm qua, 11/9 thấy một bản tin nói Cu Ba phản ứng là tinh thần lời văn của Fidel nói về mô hình Cu Ba đã bị diễn dịch sai. Chả biết thực hư sai đúng ra làm sao nếu không là người trong cuộc, nên tôi vẫn để y nguyên bài trên Blog như bữa đã viết như cách để bạn đọc suy ngẫm và rút ra kết luận trước một sự việc không được bình thường ở Cu Ba như thế này.
Các trang tin thế giới đang nhắc nhiều tới tuyên bố mới đây của Fidel Castro. Vị lãnh tụ Cu Ba khi trả lời câu hỏi của một nhà báo Hoa Kỳ đã nói đại ý “mô hình Cu Ba là không còn vận hành được nữa”.
Câu nói khẳng định giống như một lời thú nhận sự không thành công của mô hình Cu Ba phát đi từ một người cả nửa thế kỷ lãnh đạo đất nước Cu Ba phải được hiểu là lời phán xét quyền uy và cũng là có thẩm quyền nhất cho đến lúc này: hãy tạm biệt một mô hình không vận hành được nữa. Thực chất đây là lời vĩnh biệt mô hình đó mới là chính xác.
Mấy hang từ ngữ ngắn ngủi của cụ Fidel là rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh Cu Ba hiện nay. Nên lập tức nó được nhân rộng trên nhiều phương tiện truyền thông khắp hoàn cầu với hàng núi lời luận bàn thật đa dạng. Người ta bảo, thế giới đã phải chờ đến lúc này, đầu tháng 9/2010 mới được nghe ý tứ rõ ràng như thế từ chính Fidel Castro. Tức là phải sau 2 năm ngày cụ trao lại hầu hết sự điều hành đất nước cho em trai mình, ông Raul Catro; và cũng phải đến gần 4 năm kể từ khi sức khỏe của Fidel “có vấn đề” sau cú ngã gẫy xương tay và đầu gối tháng 10/2004 lúc vừa kết thúc một cuộc mít tinh.
Sự thật về một mô hình xây dựng đất nước và xã hội mà theo đó, hơn hai thập niên trước đây, Liên Xô, Đông Âu và bên châu Á, Việt Nam và Trung Quốc đều trước sau “ngộ ra”, từ đó có thay đổi. Các quốc gia vừa nói tới ở trên đều chèo lái con tàu kinh tế của đất nước mình rời bỏ một nền kinh tế quốc dân kế hoạch hóa tập trung để chuyển sang một nền kinh tế hướng ra thị trường. Kể từ đó các nơi này đều thu hái những thành quả nhìn chung là “có điểm tích cực” trở lên.
“Mô hình Cu Ba” nêu ở trên là một cách nói “hình tượng” chứ thực ra đó là một mẫu hình xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, chính xác là xây dựng kinh tế theo cách “kế hoạch hóa tập trung cao độ vào nhà nước”.
Thôi thì bao nhiêu căng thẳng, thậm chí khủng hoảng trong đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia đi theo mô hình xã hội chủ nghĩa cũ đã tồn tích những bất hợp lý trải dài mấy chục năm, tới thập niên 1980 và 1990 thế kỷ trước trở nên nghiêm trọng và đe dọa bùng nổ hoặc sụp đổ. Khi thấy được, cởi bỏ được nó, các nước nêu trên đều như cất khỏi một gánh nặng trì kéo ghê gớm. Bộ mặt kinh tế đất nước đổi thay dần dần, thậm chí có nơi được coi là rất nhanh chóng. Đời sống người dân dễ thở hơn thậm chí được cải thiện rất rõ rệt. Đó là chưa nói tới nhiều bước tiến khác trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã thành tựu sau những năm đất nước đổi mới cải cách mở cửa.
Tuy nhiên Cu Ba (và tương tự là trường hợp Bắc Triều Tiên) đều vẫn “kiên trì” giữ nguyên nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ.
Cu Ba hai chục năm vừa qua không chịu thay đổi, không chuyển hướng theo kinh tế thị trường. Bạn chân thành cho rằng, con đường bạn chọn mới đích thực là xã hội chủ nghĩa. Đổi mới cải cách mở cửa theo kinh tế thị trường là đưa xã hội trở lại kinh tế tư bản chủ nghĩa, còn đâu là cách mạng nữa!
Kết quả như thế nào ở bạn thì chính nhân dân Cu Ba hiểu rõ nhất. Và đương nhiên cả thế giới cũng đã quan sát thấy. Bản thân người viết bài cũng từng có lần được mắt thấy tai nghe ngay tại đất nước này trong một chuyến đi mấy năm về trước. Nếu được tóm trong một câu cho đủ nghĩa thì đó là nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, rất trì trệ nên khó mà tăng trưởng thực sự, còn đời sống người dân thì khó khăn thiếu thốn trăm bề… Điều may là xã hội thuộc dạng “khép kín” với bên ngoài thế giới, và nhất là trên dưới tuân thủ thứ “kỷ luật sắt” nên chưa có “bất ổn xã hội” nghiêm trọng xảy ra mà thôi…
Thế hệ người viết những dòng này bao giờ cũng coi Cu Ba là mẫu bạn bè tốt đẹp nhất mà Việt Nam có được trong những thời điểm khó khăn của dân tộc ta nếm trải. Nên chúng ta yêu qúy mến trọng Cu Ba là điều tất nhiên. Nhân dân Cu Ba với nhân dân Việt Nam chúng ta xiết bao gắn bó. Lãnh tụ như cụ Fidel in sâu trong tâm khảm bao người Việt Nam , nhất là với câu nói bất hủ của cụ, “vì Việt Nam Cu Ba sẵn sàng hiến dâng máu của mình” (cho cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của Việt Nam ).
Chính vì mến yêu Cu Ba, trong chỗ riêng tư nhiều thế hệ trí thức Việt Nam tử tế không phải không băn khoăn và bày tỏ lo lắng cho con đường các bạn Cu Ba đã đi. Muốn, rất muốn bạn đổi mới cải cách mở cửa đất nước. Muốn góp một lời cho người bạn tốt nhưng trở ngại tầng nấc khó khăn quá. Nên nhiều năm tháng đã trôi đi trong thất vọng và nuối tiếc cho bạn.
Chết nỗi, “con đường đi” cho một đất nước về lý thuyết là do nhân dân nước nào đó lựa chọn. Nhưng oái oăm là ở các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, cụ thể hơn nữa là ở Cu Ba, thể chế này và với uy tín tuyệt đối như trường hợp cụ Fidel, điều này không hề đơn giản. Nếu bậc trưởng thượng, người lãnh tụ tinh thần chưa có ý kiến thì hình như cả xã hội vẫn nhẫn nại trong phấp phỏng đợi chờ… Dân chủ trong bối cảnh này tuy vẫn được nói tới nhưng trong thực thi là dân chủ không thực chất.
Cho nên câu nói dẫn ở đầu bài viết này của cụ Fidel Castro với nhà báo Mỹ Jeffrey Goldberg của Tạp chí The Atlantic vừa qua là dấu hiệu tốt lành cho đất nước có niềm kiêu hãnh “Hòn đảo Tự do” và một dáng Hiên ngang Cu Ba.
Fidel theo nhiều ngôn ngữ gốc la tinh có nghĩa là trung thành. Tuy nhiên trung thành chỉ có ý nghĩa tốt đẹp khi sự trung thành đó phục vụ cho cái đúng cái thiện. Cụ Fidel đã từng nghĩ và làm theo một mẫu hình mà cụ cho rằng đúng, là chính xác phải đi theo. Đến khi cũng chính cụ thấy là nó chưa đúng, không đúng, thậm chí là sai lầm thì nay cũng lại là cụ tự thấy, tự ngộ lại cho “một sự thật” cao sâu hơn sau nhiều chiêm nghiệm bản thân.
Cụ Fidel là người đọc rộng hiểu nhiều, trải bao kinh lịch của một chính khách hàng đầu thế giới ở thế kỷ cụ sống và trực tiếp lãnh đạo nên sự “trung thành” trước đây cũng như nhận thức đã đổi thay hiện nay là một thực thể thống nhất và biện chứng trong tư duy cụ. Nhận thức nay mới và đúng, thì dù buộc lòng phải nói trái ngược với các tín điều trước đó phải là người có dũng khí cao cả mới chấp nhận được. Đây còn là thái độ thực sự cầu thị đích thực.
Hồ Chí Minh của chúng ta cũng hơn một lần công nhận trước công chúng dân Việt là đã sai lầm, tỉ như vụ cải cách ruộng đất. Tôn trọng sự thật là phẩm chất cao quý nhất của một con người ở vị trí lãnh đạo, nhất là lãnh đạo tầm lãnh tụ dân tộc như cụ Hồ, như cụ Fidel.
“Mô hình Cu Ba không còn thích hợp với chính người Cu Ba nữa” cũng là cách thú nhận về một sự thật cần thay đổi ở Cu Ba, là chọn con đường khác xây dựng kinh tế, thay vì kế hoạch hóa tập trung thái quá vào nhà nước để bước vào hướng thị trường - dù vì lý do này khác người ta đang còn gắn sau nó “các định ngữ” thế nào mặc lòng - bởi đơn giản nó vẫn là kinh tế thị trường mà thôi. Trong trường hợp Cu Ba là tạm biệt, đúng là vĩnh biệt với mô hình cũ lạc điệu và không hiệu quả.
Nghe tin này những bạn bè Việt Nam chúng ta đều vui mừng cho Cu Ba anh em. Dù cho nhận thức đã muộn màng nhưng với một con người tầm cỡ như Fidel Castro thì nhận thức đó được nói ra vào lúc này cho Cu Ba vẫn là dũng cảm. Trước đất nước và dân tộc mình, cụ Fidel đủ khí phách nhận mình đã đi nhầm, hoặc “sai nước đi” (nói nhẹ hơn là có lúc “ngỡ là đúng”) vẫn là một điều rất đáng trân trọng trên vai trò lãnh tụ một quốc gia.
Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...