Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Vu Lan đã tới và chút nghĩ ngợi

Vu Lan đã tới và chút nghĩ ngợi
Hôm nay vào Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy năm Canh Dần, 2010.
Xưa bé tôi chỉ biết đó là ngày lễ “Xóa tội vong nhân”. Ngày ấy tôi nhớ nhất việc người ta cúng cháo lá đa lá đề để các linh hồn lang thang có một bữa ăn đạm bạc…
Nhưng lớn hơn, tôi biết thêm Vu Lan là lễ “báo hiếu mẹ cha”. Thực ra ở mức độ triết lý thì Vu Lan chính là một truyện triết lý về tu tâm rộng lớn cho con người ta, để nhìn sâu vào lòng mình mà định ra, mà cư xử sao cho đúng cho phải với ơn mẹ nghĩa cha như trời cao biển rộng.

Tôi nhớ “người thơ” nổi tiếng Nguyễn Duy có những câu thơ nao lòng người đọc là khi thi sĩ phác họa chân dung người mẹ của mình, và cũng là một người mẹ chung của Việt Nam ta (bài này tôi nhớ là bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” ông viết từ năm 1986}, có những câu tôi thuộc “láng máng”: “Mẹ ru cái lẽ ở đời / Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn… rồi nữa: “Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa”, và thi sĩ khẳng định: “Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết những lời mẹ ru”… (nếu không chính xác, tôi xin lỗi tác giả). Như vậy đấy, nên những sự báo hiếu của người đời, của chúng ta thì biết bao giờ mới lấp đầy, mới trọn vẹn cho được cái ơn lớn lao kia của những bậc mẹ cha.
Vu Lan có người dẫn là âm của từ chữ Phạn “ullambana”, có nghĩa là “treo ngược”. Người Trung Quốc gọi là “đảo huyền”, vì vậy họ gọi lễ Vu Lan là “giải đảo huyền”, tức giải thoát khỏi treo ngược... Về câu chuyện xưa, chúng ta đều biết chuyện đại tăng Mục Kiền Liên xuống điạ ngục cứu mẹ. Theo Phật sử, Mục Kiền Liên Bồ Tát là đệ tử của Phật Tổ Như Lai, tuy đã đắc thành chánh quả nhưng ngài vốn là một hiếu tử, nên lòng vẫn xót xa vì mẹ đẻ là Thanh Đề lúc này còn đang bị quỷ sứ giam giữ hành tội tại ngục A Tỳ. Nên ngài đã khẩn cầu Đức Thế Tôn cứu vớt mẹ mình khỏi vòng nghiệp chướng. Phật Tổ cho phép nhưng bắt Mục Liên khi xuống âm phủ cứu me đồng thời cũng phải giải thoát luôn những vong linh khác đang bị giam cầm và hành tội nơi địa ngục. Đây cũng là ngày cuối mùa hạ, đúng vào dịp giữa tháng bảy âm lịch. Mục Kiền Liên đã nhờ gậy phép của Phật Quan Âm để vượt qua chín tầng địa ngục. Và với lòng hiếu thảo vô biên đã làm cảm động Phật Trời, nên Bồ Tát Mục Kiền Liên chẳng những cứu được mẹ già mà còn giải thoát được những oan hồn đang bị đọa đày ở A Tỳ...
Cũng theo phong tục xa xưa trong ngày lễ Vu Lan, có tục cúng cháo và đốt vàng mã, xuất phát từ tình thương bao la với các vong hồn cô đơn tội nghiệp.
Chúng ta ngày nay đều vẫn có thể quan sát thấy tục cúng cháo nhân ngày xóa tội vong nhân. Trong ngày Rằm Tháng Bảy này tại nhà dân cũng như chốn chùa chiền, nhất là các vùng nông thôn Bắc Bộ, ngoài bày mâm cỗ cúng Trời Phật cũng là cúng Tổ tiên, Thổ công Thổ địa còn có tục cúng cháo cho các cô hồn đang vất vưởng nơi cõi hư vô, không ai thờ phụng cúng tế.
Theo tập tục cổ truyền, mâm cỗ cúng cô hồn được đặt trước cửa nhà, chùa, cầu quán chợ búa hay bãi tha ma... Đồ cúng thường được bày trong một nia lớn, gồm có cháo hoa nấu bằng gạo, chút ít hoa quả, bánh kẹo, trầu cau và vàng mã. Tại chùa chiền lễ cúng cháo được tổ chức lớn hơn, đôi chỗ người ta lập đàn tràng để cầu siêu cho các vong linh trước khi thí cháo cho mọi người.
Ở quê tôi vùng Bắc Ninh, cháo hoa nấu xong được đựng trong các “bồ đài” làm từ các lá mít mà các bà vãi tự nguyện đến ngồi chùa trước cả ngày trời sắp xếp. Các mâm cỗ như thế được đặt dọc theo hai bên vệ đường dẫn vào ngôi chùa thường nằm ven làng... Với các gia đình thì trên mâm cúng trước nhà thế nào cũng có vài ba bát nho nhỏ đựng cháo hoa như vậy... Ngoài ra ở đình chùa còn thêm một nồi cháo lớn đặt ngay trước sân, nơi mọi người dễ trông thấy nhất.
Những năm tháng xưa tôi nhớ lại khi cúng cháo hoa xong, những người nghèo và trẻ chăn trâu như đã chực chờ sẵn từ bao giờ. Đến một thời khắc nào đấy, mọi người kia đồng loạt xông vào tranh giật cháo. Tục này gọi là "cướp cháo thí". Từ lâu hình như hoàn toàn biến mất cảnh tượng này.
Còn tục đốt vàng mã thì hình như cũng có từ xa xưa, chắc cũng truyền vào từ Trung Quốc hồi Bắc thuộc. Là bên Tàu thời xưa, trong ngày lễ Vu Lan người ta dùng bạch ngọc làm lễ vật, cúng đốt cho người chết. Về sau, thấy bạch ngọc quý hiếm người ta lại dùng tiền thật để thay thế. Số tiền này cũng được đốt bỏ sau khi đã cúng cho người chết. Trước sự phí phạm như thế, vua Đường Minh Hoàng ban lệnh dùng tiền giấy thay thế tiền thật để cúng cho người cõi âm. Về sau, vào thời Ngũ Đại, trong ngày Lễ Vu Lan, ngoài việc đốt tiền giấy, còn thêm tục đốt vàng mã cho người đã khuất, gồm quần áo, đồ dùng, kể cả xe ngựa và nhà cửa.
Có thời kỳ tôi nhớ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, hầu như tục đốt vàng đốt mã bị xóa sổ. Người sản xuất vàng mã bị cấm đoán, phát hiện hàng hóa này là bị tịch thu còn người làm ra thì bị giữ và “đả” cho thông suốt mới tha về... Nghĩ lại thấy ai oán cái thời ấy nhưng dù sao cũng có cái hay là hạn chế một việc làm phí phạm nếu quá lạm dụng...
Buồn thay vài chục năm lại đây, cùng với chủ trương kinh tế đổi mới, cuộc sống đôi lúc cảm thấy như bị "thị trường hóa" ráo riết, người ta rủng rỉnh đồng tiền, thì đốt vàng mã như lên ngôi trở lại. Việc này gây tốn kém một cách khó tưởng tượng! Nó vượt xa “hủ tục” này quy mô nhỏ bé ngày xưa. Mỗi năm "ông hỏa" thiêu đốt cả ngàn ngàn tấn giấy các loại, tiền bạc tính ra cả trăm tỉ đồng ra tro bụi.
Trước khi về nhà để viết Entry này, tôi chạy con xe máy thấy phố xá có nhiều người buôn bán, thì thấy vàng mã ùn ùn đưa ra các vỉa hè đốt cháy rực. Lửa rần rật liếm vào các cột điện, các gốc cây lớn. Nhìn mà xót thương những cái cây xanh chịu trận. Tịnh không thấy nhà nào cúng cháo cho cô hồn nữa (có thể chỉ còn ở chùa chiền) trong khi vàng mã đốt nhiều quá thể... Cái ý nghĩa Vu Lan, báo hiếu mẹ cha kia hình như đã biến thể đi mất rồi chăng?
Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...