Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Giải thưởng và xét giải thưởng

Giải thưởng và xét giải thưởng

Lúc này có thể còn sớm để đánh giá tác động như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc (và cả chính sách đối nội một phần nào) trong quyết định của Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy trao giải này cho ông Lưu Hiểu Ba. Tác động này có thể tích cực hoặc tiêu cực là tùy cách nhìn và phản ứng của Bắc Kinh chứ tại Oslo thì một khi đã quyết định như thế thì khó có sự thay đổi hay nhân nhượng.
Chuyện ông Lưu, một nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù thì lẽ thông thường chẳng ai muốn mạo hiểm chọn trao giải để chuốc thêm thách thức cùng nỗi tức giận của chính quyền sở tại. Mà nước đó lại là Trung Quốc thì càng phải dè chừng, tính toán. Đúng là Chính phủ Trung Quốc đã không ngần ngại tung ra những chỉ trích mạnh mẽ và một sự ngăn cản ra mặt về việc Ủy ban tại Na Uy dự tính trao giải năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba.
Mặc vậy, cái Ủy ban đầy quyền uy ở xứ Bắc Âu kia vẫn bất chấp và quyết định chọn nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc để trao Giải Nobel Hòa bình năm 2010. Thật là một quyết định bạo dạn và cũng được ví như tung một đường quyền ngoại giao “vỗ mặt”.
Nên nhớ Ủy ban này là một tổ chức độc lập nhưng lại do Quốc hội Na Uy lập ra. Cho nên việc chọn ứng viên chống đối ở Trung Quốc, Oslo không phải là không tính đến các “đổ vỡ” ngoại giao và những thiệt hại kinh tế-tài chính có thể xảy ra với Na Uy. Tính toán mọi điều, Ủy ban Nobel Hòa bình này vẫn không nhượng bộ càng thấy cái sức mạnh mềm - trong đó bao gồm sức mạnh từ ngoại giao - của một Na Uy nhỏ bé trong tương quan với Trung Quốc, chúng ta càng thấy thái độ kiên quyết của Oslo là đáng nể trong cảnh huống này. Và về Trung Quốc, cái sức mạnh mềm của họ cũng đâu phải xem thường được, nhưng chúng ta vẫn thấy lộ ra “những giới hạn đáng kể” trong bàn cờ thế giới ngày nay. Nói thẳng ra với lần này, chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc đã phải dừng bước nếu không muốn nói đã bị cú đúp thủng lưới.
Nói về thua thắng tưởng cũng nên nhắc Na Uy là một quốc gia không tới 5 triệu người và tiềm lực quân sự đâu được hùng cường. Nhưng đây là một quốc gia độc lập thật sự, nghĩa là không phải thứ độc lập trên giấy tờ. Na Uy là một nước nằm ở bên tây âu tư bản nhưng không a-dua trong các lựa chọn toàn cầu. Điều quan trọng nhất là họ sớm biết vượt nhanh qua những năm tháng khó khăn sau thế chiến 2 để tập trung xây dựng một đất nước kinh tế giàu mạnh, khoa học giáo dục tân tiến và con người được phát triển tự do thật sự. Và vì thế họ mạnh thật sự. Cái mạnh nhất ở Na Uy là nhìn vào một loạt các chỉ số như thu nhập đầu người, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường, chỉ số minh bạch thế giới (chỉ số này liên quan đến việc chống tham nhũng)… của đất nước này đều ở hạng đầu của thế giới. Cho nên tiếng nói độc lập của họ trong các vấn đề quốc tế, cụ thể ở đây là trong việc lựa chọn người trao một giải thưởng danh giá như giải Nobel, phía Na Uy đã không chịu sức ép của ai, sức ép từ đâu là một điều đáng nói và đáng vì nể.
Nguyên nhân chính là họ có sức mạnh thật, mạnh về kinh tế và mạnh về thể chế chính trị - nhất là sức mạnh của những con người thụ hưởng một nền học vấn chung vững chắc, được sống trong một môi trường tự do sáng tạo thật sự - nên họ không e sợ bất cứ một thế lực nào khi quyết định các vấn đề mà họ cho rằng mình đã đi đúng, đã đánh giá đúng.
Ở đây tôi không đi vào tranh luận việc chọn ông giáo sư, nhà văn, nhà bất đồng Trung Quốc Lưu Hiểu Ba là đúng hay chưa đúng. Tùy từng góc nhìn, chỗ đứng mà đưa ra ý kiến, việc đó tuy quan trọng nhưng chưa phải là chuyện chính yếu nhất. Và từ nay đến ngày 15/12 khi tổ chức trao giải tại thủ đô Na Uy cho ứng viên chiến thắng kia còn có thể xảy ra bao nhiêu kịch bản, bao nhiêu tình huống khác nhau – người được giải có nhận không, có được sang Oslo nhận trực tiếp không, phía quyền lực Trung Quốc có còn can thiệp gì nữa không… đều vẫn là chuỗi những câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng riêng việc chọn lựa của Na Uy hằng năm cho giải thưởng danh giá trên đây, chúng ta có thể thấy được tính chất “độc lập” rất rõ ràng và tính không lệ thuộc vào áp lực từ đâu, áp lực của ai trước đề xuất mà Ủy ban chọn giải này đưa ra.
Chúng ta có thể tham khảo đôi nét về Giải thưởng Nobel Hòa bình cũng như danh sách cá nhân và tổ chức đã được trao giải (kê dưới đây) trong 5 năm gần đây nhất (2005 – 2010) * để thấy sự đa dạng, tính toàn diện của các nhân vật nổi tiếng và tổ chức được nhận giải Hòa bình Nobel.
Ở nước mình có biết bao nhiêu thứ xét thưởng, những ban giám khảo, ban tổ chức và cũng là vô số các cơ chế để đề cử, tuyển chọn cho người trúng thưởng từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Rồi từ đó cũng là “cấp số nhân” những ì xèo ca thán về tính khách quan, nghi ngờ về sự độc lập của các ban bệ khi xem xét quyết định tặng giả suốt trong và sau các kỳ tuyển chọn rồi trao giải…
Vậy thì đây, trong trường hợp Na Uy, phần ta nhận thức được cách ứng xử đàng hoàng và đầy tính độc lập khi họ dám - tạm gọi là “tranh hùng” – đối với một quốc gia đầy thế lực như Trung Quốc; phần khác có thể là bài học ta nên học và học được cũng từ Na Uy - cụ thể là từ cách làm để xét thưởng - của một Ủy ban hoạt động hợp hiến như Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình Na Uy đối với các công việc tương tự ở nước ta thường gặp phải.

Nguyễn Vĩnh

--------------------

* Giải Nobel Hòa bình (tiếng Thụy Điển và tiếng Na Uy: Nobels fredspris) là một trong năm nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel. Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình". Có nhiều người cho rằng Nobel đã lập ra giải thưởng này trong di chúc như một cách đền bù cho các chất nổ phát minh của ông vốn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh như dynamit hay ballistite. Thực tế thì ngoại trừ ballistite, không một loại chất nổ nào của Nobel được sử dụng trong chiến tranh khi ông còn sống[1].
Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10 tháng 12, ngày mất của Alfred Nobel tại thủ đô Oslo của Na Uy. Trong khi phần lớn các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, thì người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Chủ tịch hiện tại của ủy ban này, tiến sĩ Ole Danbolt Mjøs cũng là một người từng được trao Giải Nobel Hòa bình. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì vào thời điểm Alfred Nobel viết di chúc, Thụy Điển và Na Uy gần như là một liên bang trong đó Chính phủ Thụy Điển chịu trách nhiệm lĩnh vực đối ngoại còn Quốc hội Na Uy chịu trách nhiệm lĩnh vực đối nội. Alfred Nobel chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông lại chọn Na Uy là nước chịu trách nhiệm xét giải Nobel Hòa bình chứ không phải Thụy Điển[2], nhiều người cho rằng có lẽ Nobel muốn loại trừ việc các chính phủ nước ngoài có thể thao túng Giải Nobel Hòa bình, vì vậy ông đã chọn Quốc hội Na Uy, vốn không chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.

2010

Lưu Hiểu Ba (Trung Quốc
vì cuộc đấu tranh trường kỳ và bất bạo động nhằm đòi nhân quyền cở bản ở Trung Quốc

2009

Barack Obama (Hoa Kì)
vì nỗ lực phi thường để tăng cường đối ngoại quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc

2008

Martti Oiva Kalevi Ahtisaari
Viipuri (Phần Lan)
vì những nỗ lực đặc biệt của ông ở nhiều châu lục và hơn 3 thập kỷ để giải quyết các xung đột quốc tế để giải quyết một cuộc xung đột kéo dài lâu năm ở Kosovo

2007

Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu
Al Gore (Hoa Kỳ)
Hoạt động cảnh báo về thay đổi khí hậu

2006

Mohammad Yunus (Bangladesh)
Ngân hàng Grameen
Tham gia chống đói nghèo

2005

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...