Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Trân quý lời người xưa

Trân quý lời người xưa

Nhân Học viện Ngoại giao (tên chính thức Học viện Quan hệ Quốc tế) tiếp tục tổ chức hội thảo về Biển Đông, lần này làm ở Sài Gòn, tưởng cũng nên nhắc ở đây mấy lời tiền nhân để lại (trong đoạn trích dưới đây của vua Trần Nhân Tông).
Lời lẽ người xưa là nói chuyện xảy trên các vùng đất biên thùy Việt Nam - Trung Quốc khi đó. Nay chúng ta đọc thấy được ý tứ nhắm tới là những nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, cũng là vạch rõ nhiều mưu mô xâm lấn bờ cõi nước ta trong lịch sử. Giờ đây thấy ứng vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng đúng. Lời lẽ ông cha chúng ta phải hết sức cầu thị và từ đó hướng về sự cảnh giác cao độ trước các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ cho thời hiện đại. Chứ không bao giờ được phép lơi là coi nhẹ các mưu đồ bành trướng bá quyền của các thế lực phương Bắc về các vấn đề biên giới lãnh thổ, trên đất liền và nay là biển cả, bất cứ lúc nào và ở đâu chúng ta cũng đừng mất cảnh giác mà có tội với cổ nhân.

Nguyễn Vĩnh

-----------------------

TRẦN NHÂN TÔNG DẶN DÒ CON CHÁU MAI SAU

“Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ tự cho mình cái quyền nói một đường, làm một nẻo. Vả lại, phải xem đây là mưu của người Trung Quốc. Chỉ người Trung Quốc mới nghĩ ra các thứ mẹo vặt ấy. Loại trừ những điều nhân nghĩa ra, thì các nhà cai trị Trung Hoa không việc gì mà họ không làm. Từ những việc kinh thiên động địa đến việc tán tận lương tâm, miễn sao họ có lợi. Cũng nên nhớ, đây còn là quốc sách truyền thống của người Hoa Hạ từ ngày họ mới lập nước tới nay. Các ngươi có nhớ, hồi đánh giặc Thát ta chỉ ngại cái đám mưu sĩ người Tống, hàng phục nhà Nguyên, lẫn vào trong đó. Cho tới khi trừ được bọn Lý Hằng, Lý Quán rồi ta mới yên tâm đánh bọn Thoát Hoan, Tích Lệ Cơ Ngọc. Bọn người Thát trước sau gì rồi cũng không nuốt nổi Trung Hoa. Cho nên cái họa lâu dài của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp, không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lần lần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn: – Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó, như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...