Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Tiêu tiền cũng phải học

Tiêu tiền cũng phải học


Bài “Đốt tiền” tôi viết được bán nguyệt san “Tuổi trẻ Cười” số Tân niên vừa qua (ra ngày 15/2/2011) đăng lại. Nói đăng lại vì bài ấy tôi chỉ post lên blog cá nhân rồi một số blog, báo mạng khác đưa lại, chứ tôi không gửi bài đó cho “Tuổi trẻ”. Chắc các bạn ở tòa soạn bên đó thấy bài hợp thì lấy trên mạng xuống đăng.


Gần đây bài ấy lại được xuất hiện trên Mạng xã hội “Doanh nhân&Trí thức”, một “tờ báo” internet mới ra đời "nghe nói" là thuộc Tập đoàn báo điện tử VietnamNet (không đúng thì tôi rút ý này).

Vì cũng đươc mọi người quan tâm như thế, tôi thấy cũng nên viết thêm ít dòng dưới đây.

Và cũng nhân việc đó, tôi post lại bài “Đốt tiền” kể trên cùng với một bài viết khác trên VNNet cũng rất liên quan đến việc “tiêu tiền”. Nhưng ở đây là tiêu tiền ở một thái cực khác, nếu không nói là hoàn toàn ngược lại.

Cách tiêu tiền tôi viết là một sự đốt tiền, hoang phí vô tội vạ. Còn cách chi tiêu của một “đại gia”, một tài năng của ngành công nghệ thông tin – Tổng giám đốc tập đoàn FPT – thì lại được “kế hoạch hóa” và có sự chế định hết sức rạch ròi và hợp lý.
Giàu có và đi lên rất nhanh qua việc đổ mồ hôi kiếm tiền lúc vừa lập nghiệp, đến khi tương đối thành danh được trọng dụng, Trương Đình Anh luôn biết tiết kiệm đồng tiền kiếm ra. Người ta không ngớt ca ngợi chàng trai trẻ tuổi bốn chục tuổi đầu đã rất giàu có này có một cách tư duy kinh doanh rất thông minh xen lẫn một sự “mạo hiểm” có tính toán. Đầu óc anh được ví như cấu thành từ toàn những con chip điện tử thông thái vượt bực nên sự kiếm ra tiền nhanh của anh làm cho Trương Đình Anh từ lâu đã rất tự tin.

Tôi nhớ câu nói nổi tiếng khi anh chưa ba chục tuổi đầu, rằng mình sẽ “ứng cử”, hoặc có thể hiểu là ước mơ của anh cũng được, là mình sẽ vào chức thủ tướng khoảng năm bốn chục tuổi. Khẩu khí vậy ở ta không quen cái lỗ nhĩ, khiến không ít lời đàm tiếu. Nhưng với những ai có đầu óc thoáng đạt, tư duy rộng mở, thì một tuyên bố như thế của một thanh niên có tri thức và tự tin, người ta có thể lại coi đó như một câu nói “có cánh”, một sự phá rào đối với nếp nghĩ tĩnh tại và thường là bảo thủ.

Năm nay Trương Đình Anh đã vượt tuổi 40, anh cũng chỉ là một tổng giám đốc tập đoàn công nghệ thông tin và kinh doanh - đầu tư tổng hợp khá mạnh ở nước ta, chứ chức thủ tướng anh nói kia thì còn xa vời vợi... Nhưng điều đó tôi cho cũng chẳng sao cả, nếu Trương Đình Anh cứ làm tốt công việc điều hành quản trị một tập đoàn kinh tế và công nghệ cao và mạnh về tiềm lực tài chính như FPT anh đang đảm đương thì sự đóng góp của anh vẫn đầy ý nghĩa.

Trở lại việc kiếm tiền và tiêu tiền, cái cách mà Trương Đình Anh quan niệm và thực hiện, tôi cho như một điều gì đó - tự khách quan chứ có thể anh không cố ý nhắm tới - như là anh muốn nhắn gửi với giới trẻ, và cả với những ai cũng có thể đang kiếm được “bộn tiền” như anh trong xã hội, là tất cả chúng ta hãy biết tiêu tiền vào việc không những có ích cho bản thân mà sao cho còn có ích cho cả xã hội.

Theo Trương Đình Anh, đây sẽ là một sự chi tiêu đúng cách và tiết kiệm. Phải nghĩ đồng tiền mình kiếm ra dù bằng lao động chân tay hoặc lao động trí óc thì đều quý hóa và đáng trân trọng như nhau. Chúng phải được chi dùng vào những nhu cầu hợp lý cho mình và gia đình, và một khi dư dả đồng tiền thì hãy biết mở hầu bao để giúp ích cho nhân quần xã hội.

Theo bài viết trên báo Thanh Niên, từ mấy năm nay khi đã có nhiều tiền, TGĐ Trương Đình Anh thường nói: “Tôi mong muốn các con mình được học hành đầy đủ và rồi tự tìm cho mình một con đường, để gắn bó lâu dài, trung thành như tôi đã từng trải nghiệm ở tập đoàn FPT”. Anh còn thêm: “Đối với gia đình tôi, 5% những gì chúng tôi có (hiểu đó là tài sản riêng của anh) là hoàn toàn đủ để chúng tôi sống tốt. 5% nữa có thể giúp chúng tôi sống một cách thoải mái hơn. Vậy 90% còn lại, tôi có thể làm gì để cuộc sống của mình có ích hơn, phù hợp với những gì mình tâm huyết?”. Đây thật là một cách nghĩ của một con người giàu có mà rất đáng trân quý. Ta có thể tưởng tượng trước mắt mình một nhà triệu phú (đô la) mà không một chút tự mãn khoe của, và biết lánh xa kiểu sống trọc phú hoặc học đòi làm sang đang có xu hướng tăng lên không những ở đô thị mà ở cả các vùng huyện lỵ, nông thôn ta.

Như thế, người có tiền không đừng quá thắt lưng buộc bụng như những vị nhà giàu keo kiệt bủn xỉn, nhưng có chi tiêu mua sắm cũng chớ bao giờ được hoang phí. Tiêu xài không đúng chỗ không chỉ thiệt hại cho người chi tiêu nó mà còn tạo nên các hiệu ứng xã hội tiêu cực.

Ý nghĩ post bài viết dưới đây (cả từ blog của Trương Đình Anh và bài trên báo Thanh Niên) tập trung quanh chủ đề đại gia Trương Đình Anh tiêu đồng tiền mình kiếm được như thế nào (nếu chữ 'đại gia' không nên dùng ở đây thì tôi xin lỗi TGĐ Trương Đình Anh), tôi tự đánh giá việc làm này của mình như một tuyên ngôn tẩy chay quyết liệt với lối sống “đốt tiền” hoang phí mà bài tôi đã viết trước đây nhắc tới. Sự hưởng ứng rộng rãi của cả báo chí “lề trái” cũng như “lề phải” về chủ đề này là một minh chứng cho sự kiếm tiền và tiêu tiền (tất yếu xảy ra trong nền kinh tế thị trường) đều cần phải học, là phải có sự giáo dục. Chứ không đơn giản nghĩ rằng đây là "ý thích", là "tự do cá nhân" không ai được động chạm đến.

Nguyễn Vĩnh

----------------

Post lại bài “Đốt tiền”:


Đốt tiền

Nguyễn Vĩnh

Vài tuần trước tôi có mấy chuyến đi. Chuyến đầu xe chạy một vệt từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang, thăm ATK rồi quay về nhà theo ngả Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên. Chuyến sau đi về mạn Uông Bí, Quảng Ninh rồi ghé Chí Linh, Côn Sơn, Kiếp Bạc trở lại Hà Nội qua Nam Sách, Hải Dương, Hưng Yên.

Ngoài những ghi nhận tích cực cảm kích mà một chuyến “về nguồn” đọng lại mãi thì cảnh đền chùa cúng bái tràn lan hiện nay lại gây một ấn tượng không đẹp mà tôi ghi lại đây để cùng bạn bè chia sẻ.
Đến đâu cũng thấy dân mình đi lại cúng bái chùa chiền đền phủ miếu mạo khiếp quá, đông đúc quá. Đến mức mà ngồi nhà thì khó mà tưởng tượng ra nổi. Đúng cảnh “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Chỉ tội nghiệp là đông mà không đẹp, đông mà không văn minh thanh lịch chút nào. Còn lắm sự lôi thôi nhếch nhác nữa - từ người đến quang cảnh… Vui ít buồn nhiều.

Lẽ thường tấp nập đông đảo dân tình đi chơi thì phải mừng? Bởi một bộ phận dân cư khá giả lên thì mới có được hiện tượng này, làm cho du lịch nội địa khởi sắc, du khách tiêu tiền thì bà con nghèo các vùng danh thắng có được thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên quan sát kỹ thì điều mừng vui chóng vánh vụt qua. Thấy chua chát nữa là nó để lại không ít nỗi niềm bức xúc và lo nghĩ.

Đấy là hiện tượng phổ biến các nơi là cứ có chùa chiền phủ đệ được coi là linh thiêng là lễ bái túa ra, dịch vụ chạy theo phục vụ thượng đế quá ư nhốn nháo, nên mặc sức chặt chém khách. Và bày vẽ, lãng phí không xiết đâu mà kể. Chẳng mấy còn nét văn hóa thanh tao của ông cha ta xưa, của người Việt mình nữa.

Tôi chỉ nói riêng về hiện tượng đốt vàng đốt mã ngày nay mới ghê gớm làm sao.

Ở một ngôi đền khá nguy nga bên con sông Lô đầy chiến công oai hùng năm xưa, mấy anh em cùng đi trong đoàn của tôi hôm ấy thực sự kinh ngạc thấy ngoài sân đền bày cả “quả núi” những đồ vàng mã. Mấy chục con ngựa và voi kích cỡ rất to, màu mè rực rỡ. Chắc chắn hàng xấp "tiền thật" thì mới sắm nổi cả đống "hàng giả" để đốt này. Hỏi ra đây chỉ là đồ mã chỉ của một gia đình đi cúng tạ cho con cháu chết nạn và cũng là để giải hạn luôn cho gia đình họ. Một ngày một tuần một tháng rồi sẽ còn bao nhiêu đám lễ tạ, giải hạn như thế này nữa? Thật là những tiêu xài quá phí phạm.

Chúng tôi còn thấy ở những đám cúng bái cho người đã khuất khác có cả đống áo quần và giương hòm, những lọng cờ kiệu rước thuyền mảng… Thậm chí có đám đặt cả đồ mã là xe máy tay ga đắt tiền, xe hơi mác xịn “mẹc” (Mercedes), hoặc BMW cùng với biệt thự 3 tầng đồ sộ cúng xong là đốt hóa cho con cháu chết trẻ, với ý nghĩ dương sao âm vậy, gửi xuống dưới âm đó để người thân mình dùng...

Buổi trưa ở đền Kiếp Bạc tôi còn nghe một người tuổi trung niên kể với giọng phẫn uất là anh vừa bị bọn đầu nậu lễ bái “lột” mất 4 triệu tiền đồ lễ. Số là nhà doanh nhân này cùng mấy bạn buôn bán làm ăn với nhau đi lễ đền cầu lộc. Đỗ xe chưa kịp định thần thì đám người ào tới, các chú ơi cháu có đầy đủ đồ lễ, cứ việc theo cháu là tới “đủ các cửa”, đi lấy một mình không chu tất được đâu các chú… Ngọt lời, anh chẳng kịp mặc cả thống nhất tiền nong đồ cúng, dịch vụ, thế là mấy người cứ xô đẩy cùng bước theo đám đầu nậu kia, xì xụp hết ban này bệ kia…, rồi kết quả qua mọi cửa, thoát khỏi cổng hậu cung ra đến bên ngoài ngôi đền thiêng Trần Hưng Đạo Đại vương kia, bọn người buôn thần bán thánh hét “bốn triệu rưỡi thôi chú ạ”. Anh bạn nghe tá hỏa, định cãi không trả mức tiền ngất trời như vậy. Nhưng phàn nàn bớt xớ lúc này là vô ích (vì đã mắc lỡm không mặc cả từ đầu), anh cay đắng móc hầu bao trước lũ “ác nhân” mượn tín ngưỡng niềm tin của ông khách hàng trông có máu mặt đi lễ bằng xe hơi đắt tiền này, ông mà hớ hênh thì "chúng tao cứ việc bóp nặn".


Đồ mã và những chiếc xe máy "như thật" thế này đều đốt sạch ra tro, với quan niệm là người cõi âm cũng cần dùng đến...

Đấy là chưa nói tới các hoạt động xin thẻ sắp thẻ, bói toán lấy lộc cầu may công khai ngồi cả dẫy ở khắp các phủ đền ngày nay. Đôi chỗ còn mượn cớ được tụ tập lễ hội để chọi gà ăn tiền ăn hồ, hùn hạp trò cờ bạc mà phần lớn là kiểu cờ gian bạc bịp. Lạ nhất là thanh niên và tuổi choai choai bây giờ đi lễ rất đông.

Rồi đáng kinh khiếp nữa là tình trạng “quá tải” ở các nơi phủ đền, chùa chiền nổi tiếng làm cho môi trường lâm nguy. Nói gọn là cảnh xô bồ chợ búa chen lấn san sát tới nơi thờ cúng, và người ta vứt bỏ rác rưởi lung tung, chưa kể phóng uế bừa bãi bẩn thỉu đến hãi hùng. Chỉ cần khách thập phương chịu khó đi vào tới sân sau, ngó qua ngay bên ngoài bức tường chùa hoặc đền thờ là thấy các đống rác như núi không kịp chôn vùi hoặc tải đi kịp, mặc cho ruồi nhặng bu đầy... Bạn không tin cứ đi viếng chơi thử mà xem.

Ở đây câu chuyện tín ngưỡng niềm tin của người dân ta không bàn. Vì nó nhạy cảm và rất tế nhị. Đây là quyền của mọi công dân tôn thờ kính ngưỡng điều linh thiêng, hướng về hình tượng người anh hùng hoặc vị thánh, bà chúa mà trong tâm người ta đinh ninh sẽ che chở ban phát tài lộc cho họ…

Cái bàn được cũng như rất cần được gióng tiếng chuông báo động là sự tiêu pha tốn kém vô cùng mà người ta trông thấy được cho các việc cúng bái thờ phụng tràn lan ấy. Bởi vì ở đây cái sự tiêu xài chi trả bằng đồng tiền này nó mang ý nghĩa xã hội. Chính là nó động chạm đến chi tiêu tiền của, tức tiêu phí mất những giá trị lao động được tích lũy chung của con người, của xã hội. Tất nhiên rồi nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội nói chung mà bất cứ người dân nào đang cùng chung sống cũng có liên đới tới.

Lướt qua một thực trạng buồn như vậy, bất cứ ai còn tỉnh táo với các suy nghĩ có lý bình thường nhất cũng phải đồng tình thốt lên, đốt tiền, thật là phí phạm quá sức. Chư a kể ngoài tiền của còn mất bao thời gian công sức của nhiều con người đi theo cùng với các hình thức cúng bái đã bị biến tướng trên đây.

Lạ nhất là các cơ quan văn hóa thông tin của địa phương, các thiết chế nhà nước về văn hóa - trong đó có các quy định thông tri chỉ thị nếu nghe qua là thấy đều khá chặt chẽ và tồn tại ở khắp các tỉnh thành quận huyện, thậm chí được cụ thể bảng biểu căng dán khắp các nơi đó -, nhưng không hiểu sao trong hành động “điều tiết” hoặc nhất là sự “chế tài” thì hầu như là biệt tăm dạng. Hoặc giả bây giờ tất cả bộ máy cơ chế quản lý đặt ra kia chỉ tồn tại hình thức, hay cũng rơi vào bất lực hoặc đầu hàng trước thực trạng trái tai gai mắt này?

NV
------------------------

Bài viết mới đây trên VietnamNet:


Trương Đình Anh tiêu tiền và dạy con ra sao?

Cập nhật lúc 25/02/2011 02:16:42 PM (GMT+7)

Từ khi tay trắng đến khi có tiền, cách sống của tôi rất ít thay đổi. Khi bạn tự tay kiếm ra từng đồng tiền, bạn sẽ ít khi tiêu chúng một cách hoang phí. Tôi cũng không định dành cho các con mình một sự khởi đầu xa xỉ, ông Trương Đình Anh, 41 tuổi, Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm của Tập đoàn FPT chia sẻ trên blog của mình.

Nếu có trong tay 1 triệu USD, bạn sẽ làm gì?

Trương Đình Anh viết trên blog của mình: Tôi cùng từng suy nghĩ rất nhiều khi tự đặt cho mình câu hỏi này. Lúc chưa có tiền, tôi nghĩ mình sẽ tậu nhà to, sẽ chơi "siêu xe", sẽ ăn tiêu thỏa thích.


Tôi vào đời rất sớm với hai bàn tay trắng. Tôi rời trường đại học nhưng không được nhận bằng vì "trốn học" nhiều quá. Tôi là một trong vài sinh viên hiếm hoi bị giữ bằng.
Tôi rời ngân hàng vào cuối năm 1993 và gia nhập FPT với mức lương 800.000 đồng/tháng tương đương 70 USD thời bấy giờ. Những năm đầu tiên ở FPT, tôi luôn sống trong tình trạng lương không đủ tiêu. Tôi may mắn là nhiều lần được lãnh đạo tăng lương, rồi nghe theo nhiều đề nghị của tôi và tôi tiếp tục phục vụ FPT.

Tôi có được 100 USD đầu tiên vào năm 1984, khi mới 14 tuổi. Tôi có được 100 ngàn USD đầu tiên vào năm 2001 nhưng không phải từ FPT. Tôi có được 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2004 cũng không phải từ FPT.

Cuối năm 2001, tôi đến Phú Mỹ Hưng (PMH), Quận 7, TP HCM. Tôi và bà xã tiến hành "đầu tư mạo hiểm" vào PMH, bỏ ngoài tai nhiều lời can ngăn. Là những người tiên phong, chúng tôi đã cầm đầu trong hầu hết các trào lưu đầu tư ở PMH.
Trong 12 năm, tôi đã thăng tiến từ một lập trình viên thành một Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT. Kinh nghiệm của tôi là nắm thật chặt bất cứ cơ hội nào có được và đặt vào đây tất cả tâm huyết.
Tôi đầu tư vào FPT đầy hứng thú như khi đầu tư vào PMH. Tôi quan niệm những giá trị mà mình có được từ FPT là một quá trình tự nhiên khi đã đặt toàn bộ niềm tin và cả cuộc đời mình vào FPT.

Không dành cho các con sự khởi đầu xa xỉ

Từ khi tay trắng đến khi có tiền, cách sống của tôi rất ít thay đổi. Khi bạn tự tay kiếm ra từng đồng tiền, bạn sẽ ít khi tiêu chúng một cách hoang phí. Tôi cũng không định dành cho các con mình một sự khởi đầu “xa xỉ”. Tôi mong muốn các con mình được học hành đầy đủ và rồi tự tìm cho mình một con đường, để gắn bó lâu dài, trung thành như tôi đã từng trải nghiệm ở FPT.

Trương Đình Anh từng có tuyên bố gây sốc là “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Đầu năm 2011, bước vào tuổi 41, Đình Anh đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc tập đoàn FPT.

Đối với gia đình tôi, 5% những gì chúng tôi có là hoàn toàn đủ để chúng tôi sống tốt. 5% nữa có thể giúp chúng tôi sống một cách thoải mái hơn. Vậy 90% còn lại, tôi có thể làm gì để cuộc sống của mình có ích hơn, phù hợp với những gì mình tâm huyết?

Tôi rất hâm mộ nhiều doanh nhân thành đạt đã dùng phần lớn thời gian và tài sản để phục vụ xã hội, chỉ có như vậy 90% tài sản kia mới được sử dụng một cách nhân bản, hiệu quả và có ích - thay vì cứ giữ chặt chúng ở trong két sắt hay trong ngân hàng.

Tôi dự kiến trong tương lai, khi rời khỏi việc điều hành doanh nghiệp sẽ quyên phần lớn tài sản của mình vào một Quỹ và dành toàn bộ thời gian để phát triển và phục vụ cho nhiều lợi ích xã hội.

(Nguồn: Blog Trương Đình Anh)



Năm 1998, Đình Anh lấy vợ. Tám năm kể từ ngày cưới, vợ chồng Đình Anh liên tục “ra lò” tới 4 cậu con trai.


Điều khiến rất nhiều người ngạc nhiên là không hiểu lý do vì sao vợ của Trương Đình Anh, vốn là một phụ nữ có năng lực và năng động (trước khi lấy chồng là Thư ký Giám đốc của Mitsubishi Constrution) lại chấp nhận ở nhà và chỉ... đẻ.


Thế nhưng, cũng rất ít người biết rằng, ngay sau khi hết việc tại công ty, Trương Đình Anh về thẳng nhà với vợ, chơi với con và gần như không giao du với ai sau giờ làm việc.


Bốn cậu con trai của Trương Đình Anh đều được đặt tên là Anh. Con trai lớn được đặt tên giống hệt bố là Trương Đình Anh, con trai thứ hai là Trương Quốc Anh, con trai thứ ba là Trương Vũ Anh, con út là Trương Hiếu Anh.


Giải thích về quyết định sinh con hàng loạt và đều mang tên Anh của 2 vợ chồng, Đình Anh nói: “Lên 10 tuổi bố mẹ tôi mới có thêm em bé, tuổi thơ của tôi khá buồn vì thiếu bạn chơi. Vì thế, tôi và vợ sinh nhiều con để chúng có bạn chơi với nhau. Chúng tôi đặt tên Anh cho con của mình với kỳ vọng chúng sẽ làm được những điều chúng tôi chưa thể hoàn thành”.


(Nguồn: Thanh Niên)


Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...