Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Cũng là một thứ chỉ số phát triển

Cũng là một thứ chỉ số phát triển

Tình cờ thao tác trên máy tính thấy một dòng đề là “Watch Internet TV” (hoặc có khi đổi là “Online Live TV Channels”), tôi vào địa chỉ này và biết được các đường link của hầu hết các đài và từng kênh truyền hình của các nước trên thế giới (195 quốc gia và lãnh thổ). Mới thấy ngành truyền hình nhờ ở những phát minh và tăng tốc của công nghệ thông tin nên đã có phát triển lớn mạnh như vũ bão.

Trước kia mỗi lần ra nước ngoài, thấy các đài đóm người ta phát vài ba kênh truyền hình thấy mê tít. Về nước mong cho đài Giảng Võ nhà mình tiến nhanh lên để dân ta được xem nhiều kênh, chứ cứ VTV1, 2 rồi 3, cộng với cái đài Hà Nội mỗi 1 kênh, hết giờ làm về ngồi trước máy thu hình cứ tức anh ách. Gặp vài ông bạn làm bên đài là nói tức nói kháy, sao bên các ông khôngđầu tư nhanh vào khâu kỹ thuật công nghệ truyền hình, vào sản xuất các chương trình để dân mình mỏi mắt chờ mong.

Thế rồi lãng quên đi một thời gian, đài truyền hình nhà mình thay đổi hẳn. Mới đầu là ăng-ten chảo to đùng, rồi thu nhỏ dần lại; kế tới kỹ thuật số,thu từ vệ tinh; sau gần đây là truyền hình cáp... Các chương trình trong nước nhân đôi, nhân ba, thậm chí nhân nhiều lần. Đến nay đạt tới 28 kênh của Việt Nam - theo bản thống kê của cái Web mà tôi dẫn tới trên kia.

Tuy nhiên nếu đi vào chi tiết, thống kê trên có 28 kênh của VN là đúng thì ngành truyền hình của chúng ta cũng mới đứng ở các nước gần chót của bảng xếp hạng về số lượng kênh phát (chắc đây là nói ở số lượng các kênh có tính chất quốc gia của từng nước mới được họ công nhận, chứ người ta không thống kê, không tính đến các đài các kênh của địa phương phát sóng).

Nhìn tổng thể gần 200 nước thống kê, tạm liệt ra thấy Mỹ là có quá nhiều kênh phát: 702 kênh được lên sóng.

Đứng thứ nhì là Anh: 548.

Các nước có trên 300 kênh là Đức 395, Nhật 389, Canada 370, Pháp 349, Ý 334 và Úc 331.

Phải kể đến có rất nhiều nước có trên 200 kênh hoặc kế đến là vượt qua 100 kênh phát.

Không một nước nào trong bảng thống kê này chỉ có 1 chữ số về kênh phát. Nước cuối cùng của bảng xếp hạng này là Armenia, chỉ có 11 kênh.

Trong khối các nước Đông Nam Á, thì Singapore có tới 99 kênh ; Malaysia 98 kênh ; Indonesia 89 kênh ; Thái Lan 79 kênh ; Brunei 42 kênh. Việt Nam xếp trên Philippines (28 và 24 kênh). Không thấy thống kê tới các nước như Lào, Campuchia và Miến Điện. Nước cũng sát gần ta là Trung Quốc thấy ghi 233 kênh (không biết là TQ lục địa hay tính cả Hồng Công và Ma Cao). Còn lãnh thổ Đài Loan họ ghi riêng, 97 kênh.

Tôi không có điều kiện kiểm chứng các thông tin và số liệu kỹ thuật trên đây. Điều này chắc chỉ ngành truyền hình và bộ 4 T là biết chắc. Bài viết này chỉ muốn nói lên một điều, là trong các chỉ số phát triển bền vững và phúc lợi mang lại cho con người thì số lượng các kênh truyền hình của một quốc gia cũng là một thứ chỉ số phát triển đáng phải tính đến và cần có kế hoạch nâng cao lên dần cả về số lượng kênh và cả chất lượng của các kênh truyền hình.

Nguyễn Vĩnh


1 nhận xét:

Thợ cạo nói...

Đúng là số lượng kênh cũng là chỉ số phát triển. Nhưng Việt Nam có thêm nữa mà không tạo nên khác biệt thì chỉ tổ phí tiền dân đóng thuế thôi, bác Vĩnh à!

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...