Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Nỗi sợ tăng lương tăng giá


Nỗi sợ tăng lương tăng giá

Vài ba tuần nay bạn bè chúng tôi vẫn trao đổi email với nhau thì hầu hết đều than vãn chuyện đời sống hằng ngày. Nào là “các bà xã nhà mình nhà tớ” cứ bạc nhược ủ rũ mỗi khi đi chợ đi siêu thị về… Đôi khi họ còn kêu toáng lên như vừa bị mất cắp. Bởi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu không mua không được cho cuộc sống thì hầu như đều thi nhau phi nước đại. Nghĩa là tăng vùn vụt, “thi đua” tăng mà chẳng mấy người bán nào thèm giải thích cắt nghĩa nguyên do sao nữa! Chỉ có đôi chị bán rau bán cá, cô bán thịt đầu chợ vốn xưa nay lắm lời thì không nhịn được: Thì chúng em mua vào nó thế rồi bác ạ, bán thấp xuống thì có mà chúng em ăn cám, sức đâu phơi mày phơi mặt chợ búa thế này phục vụ các bác…

Cùng cánh hưu trí cả nên các chuyện thường ngày ở huyện như thế đám bạn bè trao đổi với nhau thì đều hiểu hết nông nỗi... Thì cũng than vãn với nhau mong nguôi ngoai, chia sẻ thôi chứ giúp nhau được gì bây giờ? Có chăng là vài lời động viên chung chung gửi qua gửi lại cho nhau. Thôi thì thời gạo châu củi quế, lương hưu ba cọc ba đồng, có sao thì cũng gắng gượng mà sống với con với cháu... Ít chi tiêu đi, ít đi lại, ít thăm nhau ngồi quán, tức là ít “cầu” đi, giảm đến mức tối thiểu là “coi như xong”, bạn hữu đùa nhau thế. Còn “phản ứng tiêu cực” thì kiểu gì cho xuể đây! Nên vẫn có vị sẵn óc trào lộng, còn “cao hứng” reply cho nhau mấy câu thơ vui. Nhưng ai đọc lên cũng chẳng cười tươi được mà buồn muốn chết. Vị này kể trong bài thơ hài của mình đại ý rằng, “Ừ cứ hoắng lên nhong nhong cái xe gắn máy gặp nhau cho nhiều vào, xà quán cà phê cà pháo mà chuyện phiếm đi! Xăng gần 1 đô một lít, rửa con ngựa sắt giờ lên mười lăm hoặc hai chục nghìn đồng - tùy nơi; đồ uống quán giải khát giờ chẳng “món” nào dưới mười lăm nghìn. Đảm bảo là các ông sẽ “cháy túi” sớm trước mồng 5, mồng 7, khéo không vợ nó cấm vận còn sớm hơn đấy nha!” 

Cứ tưởng dân hưu kêu than vậy, bữa nay đọc trên thông tin lề phải - tờ báo điện tử nổi tiếng VietnamNet cũng có đến 2 bài liền về vụ “lương ơi đừng tăng nữa” (nhại một giai điệu bài hát).

Chủ blog đưa lên đây một bài trong số đó để cùng thấy bà con nhà mình - cả hưu cả đương chức đương nhiệm đều đang nháo nhác cả lên vì cái sự tăng giá, tăng lương gần đây.

Câu chuyện đời sống hằng ngày đó cả thôi. Nhưng từ góc độ người quản lý và lãnh đạo xã hội thì chớ có coi thường! Họ cần phải biết lắng nghe rất nghiêm túc qua cái “hàn thử biểu sống động” kia mà cân chỉnh chính sách, đưa ra những biện pháp thích hợp. Đó mới là cách an dân tốt nhất lúc này (sát ngày tổng tuyển cử bầu bán rồi) chứ không tụng mãi những lý thuyết xuông hoặc đưa ra những liều an thần mà chắc chẳng ai muốn uống nó bây giờ nữa.

Nguyễn Vĩnh  

-----------------

'Lương ơi, đừng tăng nữa!'

Cập nhật lúc 19/04/2011 06:10:00 AM (GMT+7)

– Sau khi VietNamNetđăng tải bài viết “Dân công sở buồn vì... được tăng lương”, nhiều bạn đọc như được “gãi đúng chỗ ngứa” đã gửi không ít phản hồi bày tỏ ý kiến đồng tình.

TIN LIÊN QUAN:

Tăng lương chưa đủ bù trượt giá

Bạn đọc Lê Huy là một trong những độc giả đầu tiên gửi phản hồi về nghịch lý tăng lương nhưng vẫn không vui. Bạn Huy cho biết: “Từ khi tôi bước chân vào nghề dạy học đến nay (khoảng 10 năm) theo tôi, lương chưa bao giờ tăng về mặt thực tế (tức là kéo theo cả việc tăng chất lượng sống, mức sống).

10 năm trước tôi sống như thế nào thì bây giờ có khi mức sống ấy lại là ước mơ mà tôi đang hướng tới”.

Bạn đọc Nguyễn Đức Dư viết: "Đọc bài này, tôi cũng như tất cả các viên chức thông thường thấy đúng quá. Lương chưa tăng nhưng trường học của con tôi đã tăng thêm 500 nghìn học phí vì lý do tăng lương. Với 1 viên chức đã công tác 10 năm như tôi, để sống bằng lương thấy khó quá. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tháo gỡ khó khăn này???".


Cùng chung quan điểm với bạn đọc Lê Huy, bạn đọc Đỗ Nghị đánh giá: “Tăng lương cơbản, người dân lo sợ cũng đúng thôi, vì mỗi lần tăng lương thì giá cả mặt hàng các nhu cầu thiết yếu tăng. Lương tăng 1 giá cả tăng gấp nhiều theo một hiệu ứng. Muốn biết giá trị thật của đồng tiền thì chỉ cần quy đổi ra sức mua của nó là biết. Thiết nghĩ, cách tăng lương càng làm cho 'bão giá hoành hành' thêm mạnh...”.

Đợt 'bão giá' này không chỉ khiến công chức thu nhập thấp khốn khổ mà nó còn khiến cả những người làm doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài phải lên tiếng vì sau hơn 1 tháng chạy theo 'bão giá', đến nay họ đã cảm thấy mình đang “giật lùi tứ phía”.


Bạn đọc Hải Nam làm cho một công ty nước ngoài cho biết: “Công ty tôi được tăng từ 1/4/2011 với mức tăng là 50 USD, vậy mà cũng thấy bị giật lùi tứ phía. Các bạn làm công chức Nhà nước được tăng 100 ngàn đồng/tháng quả là không tưởng...”.

Trong khi đó, bạn Trần Tiến, làm cho doanh nghiệp tư nhân vừa than thở chuyện lương lậu thời bão giá, vừa lo lắng về nguy cơ thất nghiệp đang hiện hữu: "Lương người lao động ư? Bạn là công chức có nhà nước trả, nhà nước lo các loại bảo hiểm bắt buộc. Còn chúng tôi làm trong doanh nghiệp nếu có đủ việc thì không sao nhưng không đủ việc thì thu nhập lại ít đi bởi tiền bảo hiểm Xã hội, BHYT, phí công đoàn phải tăng theo. Chủ doanh nghiệp họ cũng phải tăng nộp các loại bảo hiểm cho người lao động. Doanh thu không tăng có nghĩa người lao động “càng móm”khi tăng lương tối thiểu...”.

“Lương ơi, đừng tăng nữa”

Trong bài viết “Dân công sở buồn vì... được tăng lương” có đề cập đến trường hợp chị Thuận, thu nhập 10 triệu đồng/tháng (cả hai vợ chồng) nhưng vẫn chật vật sống giữa thủ đô đắt đỏ. Nhiều bạn đọc vẫn cảm thấy chị Thuận còn may mắn hơn mình, bởi họ cũng đang phải thuê nhà, nuôi con nhỏ và trang trải hàng trăm khoản nhưng thu nhập của hai vợ chồng chỉ chưa đầy 7 triệu đồng/tháng.

“Tôi cũng đang chật vật phải xoay sở cho 4 miệng ăn và phải thuê nhà với mức 7 triệu/tháng đây. Thật không biết làm thế nào để chung sống lâu dài với cảnh bão giá này nữa. Vậy mà xung quanh tôi nhiều người thu nhập còn thấp hơn nữa. Có những cặp vợ chồng công nhân lương cả hai chỉ 4 triệu/tháng, cũng thuê nhà, cũng nuôi con. Lương thấp giá cao, không ai chết cả nhưng ai cũng khổ lắm”,(bạn đọc Lê Đào).

 Tính đến thời điểm này, các dịch vụ như internet, truyền hình cáp, v..v… đã tăng phí thêm 1,5 lần. Mỗi ngày cầm tiền đi chợ, người dân có cảm giác như bị “ăn cắp” bởi mỗi bữa ăn muốn đầy đủ một chút cũng đã “ngốn” hết cả trăm ngàn đồng. Bạn đọc Hoàng Ánh Hồng than thở: “Lương ơi đừng tăng nữa”.

Hiện nay, điều mà đại đa số độc giả quan tâm là làm sao những người làm quản lý các cấp phải kìm hãm cơn bão giá này bằng các biện pháp thiết thực, cấp bách và xử lý nghiêm những trường hợp tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.


“Tại sao đầu giá nơi nhà vườn và giá người tiêu dùng chênh lệch có thể đến 300% mà không ai xử lý? Vấn đề tăng giá kiểu té nước theo mưa của con buôn không được xử lý đích đáng và nghiêm minh đã khiến bão giá hoành hành thêm”(bạn đọc Quốc Cường).

Tuy nhiên, cũng có những người 'động viên' người khác: "Bài viết rất sâu sắc, nhưng trong hoàn cảnh hiện này chúng ta cần phải thông cảm và gánh vác khó khăn cùng Chính phủ. Xem thời sự sẽ thấy các nước ngoài vấn đề kinh tế còn phải đối mặt với những vấn đề khác... Hãy vững tâm lên!".

N.Anh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...