Người bạn tôi vừa gửi cho bài viết của một nhà khoa học nói về chuyện lúc sinh thời ông Võ Văn Kiệt đã "dạy" nhà khoa học này viết báo ra làm sao. Bài viết có nhiều chi tiết rất hay, có ích cho người làm nghề báo, xin phép được post lên đây để bạn bè, các đồng nghiệp cùng chia sẻ.
Tác giả: Tô Văn Trường
Các bạn thân mến (trong nguyên văn lá thư viết: Dear All,)
Thấm thoát, đã gần 3 năm, kể từ ngày Ông Sáu Dân đi xa. Cũng trong thời gian ấy, nghe theo lời dạy của Ông, tôi mạnh dạn tiếp tục viết khoảng gần trăm bài báo được anh em, bạn bè, bạn đọc chú ý và ủng hộ. Chắc chắn tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp (nhà báo có cái nghiệp phải mang), mà chỉ là người làm công tác khoa học thích viết báo, nhưng cũng đã đủ say sưa, tỉnh táo và can đảm để nói lên những điều tâm huyết của mình và của người dân. Nhân sắp đến ngày giỗ Ông Sáu, thắp nén hương thành kính, tưởng nhớ đến Ông là con người đến từ dân, song luôn ở trong dân, dẫu đã đi về cõi vình hằng. Viết đến đây, tôi lại nhớ lời Ông dạy ngày nào: “ Đừng bao giờ nản chí, nghề viết không dễ, để viết cho đúng, cho trúng không chỉ có tâm hồn nghệ sĩ mà trước hết phải có tinh thần chiến sĩ”. Tính đến nay, đã có nhiều cuốn sách, bài viết về Ông. Để tránh trùng lặp, chúng tôi trải lòng mình, thành kính tưởng nhớ đến vị Thủ tướng của nhân dân dưới góc nhìn qua bài viết "Ông Sáu Dân dậy tôi nghề viết báo". Bài báo này dành riêng cho VNN và Tuần VN dự kiến sẽ đăng vào sáng thứ hai 16/5/2011. Nếu các bạn hữu, có nhã ý muốn sử dụng, nhớ đề nguồn từ VNN. Xin cám ơn.
Kính
Tô Văn Trường
PS. Thời gian tới, tôi sẽ giảm tốc độ viết báo vì mới nhận lời tham gia 2 dự án với đồng nghiệp ở nước ngoài, tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học và dành thời gian ít ỏi còn lại cho việc học Triết.
Dưới đây là nguyên văn bài viết:
Trước kia, tôi đã từng nghe người ta nói: “Làm báo là làm nghệ thuật và nhà báo phải là nghệ sĩ”. Từ khi còn rất trẻ, là học sinh phổ thông, là sinh viên, tôi đã thích viết báo tường ở lớp, ở khoa. Khi đã trưởng thành làm cái nghề khoa học kỹ thuật khô khan, tôi càng ham “ viết lách” không phải để trở thành nghệ sĩ mà chỉ muốn trải lòng mình với mọi người vì thấy có quá nhiều điều muốn nói. Nhưng chỉ đến khi được gặp và gần gũi Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), tôi mới ngộ ra rằng viết báo không phải dễ, muốn làm được như một nhà báo chân chính, thực sự là một công việc “đội đá, vá trời”! Nhưng cũng chính Ông Sáu Dân đã quan tâm, động viên cho tôi viết chỉ có điều Ông luôn căn dặn :”Viết báo không chỉ cần có tâm hồn nghệ sĩ, mà trước hết phải có gan của người chiến sĩ cầm súng ra chiến trường nghĩa là phải luôn chiến đấu cho sự thật và tôn trọng, phản ánh sự thật”.
Có thể nói Ông Sáu chính là người thầy, người chỉ dẫn cho tôi, thổi ngọn lửa nhiệt huyết và trách nhiệm của người cầm bút. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” dậy nửa chữ cũng là thầy. Tuy Ông không dạy tôi con chữ nhưng cao hơn tất cả, Ông dạy tôi làm người.
Trung tuần tháng 11 năm 2007, nhân sắp đến sinh nhật lần thứ 85 của Ông Sáu (23/11/1922 - 23/11/2007) nhà báo Lê Phú Khải đến chỗ tôi làm việc “rủ rê” cùng đến thăm Ông Sáu. Lúc ấy, tôi đang bận thu xếp công việc ở cơ quan để ngày hôm sau cùng GS Võ Tòng Xuân và Kỹ sư Đặng Minh Sơn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và xây dựng quốc tế (ICIC) đi Sierra Leone để thảo luận với các quan chức của chính phủ về chương trình an ninh lương thực và giúp nước bạn trồng lúa, làm thủy lợi thí điểm ở vùng Mange Brureh cho nên chỉkịp trao đổi tóm tắt với Anh Khải một số ý kiến hiểu biết của mình về Ông Sáu. Khi từ Tây Phi trở về, được đọc bài báo “Phong độ, bản lĩnh và sáng tạo” của nhà báo Lê Phú Khải viết vê Ông Sáu Dân, đăng trên báo Sài gòn giải phóng ngày 23/11/2007, tôi nhớ nhất câu đối mừng thọ đồng chí Võ Văn Kiệt:
“Áo vải cờ đào, thuở thanh xuân là anh hùng đi cứu nước
Giấy trắng mực đen, tuổi tám lăm thành hào Kiệt của Dân”
Theo một số anh em có điều kiện nhiều năm làm việc với Ông Sáu Dân, tóm tắt trong Ông có mười con người, lần lượt xuất hiện, con người sau không loại bỏ con người trước, đến tuổi trung niên của Ông Sáu Dân thì hội tụ đủ cả mười con người, hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau và tôn nhau lên. Mười con người ấy là: (1) Con người dân nghèo, làm việc lam lũ và thất học từ nhỏ; (2) Con người Nam Bộ đất Vĩnh Long; (3) Con người yêu nước đến với cách mạng như đến một cuộc hẹn gặp; (4) Con người tự làm ra mình; (5) Con người trong dân, của dân, do dân, vì dân, từ cấp cơ sở lên cấp quốc gia và quốc tế,qua các nấc thang, từ miền Nam đến khắp nơi trong cả nước, từ chiến tranh đến hòa bình, trải qua các cương vị, các dạng hoạt động, các vùng miền, các thời kỳ lịch sử; (6) Con người trí thức; (7) Con người chính khách; (8) Con người nghệ sĩ, yêu cái đẹp, thưởng thức cái đẹp, làm ra cái đẹp theo cách của mình; (9) Con người chiến sĩ, thách đấu không ngừng nghỉ,mạnh dạn sáng tạo như hít thở để sống, đồng thời tuân thủ và đòi hỏi kỷ luật nghiêm minh; (10) Con người thật người, rất người, yêu sống say mê, mãnh liệt, với những ưu điểm người và khiếm khuyết người.
Một số đồng nghiệp, bạn bè của tôi khi thảo luận về 10 con người trong Ông Sáu Dân, họ nhìn nhận, đánh giá tùy theo góc đứng, cách nhìn của mỗi người nhưng đều cóđiểm chung là kính trọng, ngưỡng mộ vị Thủ tướng của nhân dân. Nếu trong 10 con người Sáu Dân trên đây, cần chọn 1, cho ngắn gọn, tuy không đầy đủ,thì tôi chọn con người thứ 5.
Theo chúng tôi hiểu, Ông Sáu Dân là con người của lý trí sáng suốt, đồng thời là con người của tình nghĩa đồng bào, đồng chí giữa những người Việt Nam, tình nghĩa con người giữa những con người với nhau. Tình nghĩa chân thực, vững bền,đậm đà, thắm thiết. Tình nghĩa với từng cộng đồng người, và tình nghĩa với từng người, kể cả với những người chỉ cùng gặp gỡ, cùng làm việc, cùng chung sống một thời gian ngắn. Trong tình nghĩa con người với nhau, Ông Sáu là người biết dâng đi, mà cũng biết nhận về. Ông ghi nhớ, trân trọng, cảm kích từng tình nghĩa mà mình nhậnđược.
Trong công việc, khi ở cấp địa phương cũng như khi ở cấp quốc gia, Ông Sáu rất coi trọng xác định quan điểm vàphương hướng hoạt động trong từng lĩnh vực, từng loại việc, song không quá thiên về quan điểm và phương hướng, mà luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp, những cách thức hoạt động thiết thực, cụ thể. Nhiều anh em đã gọi Ông Sáu Dân là “con người của phương pháp", phương pháp ấy nẩy sinh chủ yếu từ trong dân, trong việc Ông Sáu Dân sống trong dân, cùng dân, học tập và phát huy dân.
Ông Sáu là người có tầm nhìn, tư duy sâu sắc, mạnh mẽ để lại nhiều dấu ấn trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước. Kể cả khi được quyền nghỉ ngơi, Ông vẫn không ngừng tư duy, trăn trở làm sao để đất nước phát triển giầu mạnh, người dân được thực sự tự do, sung sướng. Ông không có bằng cấp học vị nhưng rất thông tuệ nhờ chịu khó tự học, ham đọc sách, học ở trường đời, và biết trọng dụng người tài. Ông học từ thực tế qua công việc từ nguyên thủ quốc gia của các nước đến những buổi trò chuyện, đối thoại với các nhà khoa học, người dân, lắng nghe, suy nghĩ, kiểm nghiệm, sáng tạo để tạo thành trí thức của riêng mình. Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ, Ông nhìn ra những việc trọng đại lớn lao của đất nước, của dân tộc. Năm tháng trôi qua, lịch sử ngày càng chứng minh các đề xuất, kiến nghị của Ông luôn đi trước thời đại và được thực tế minh chứng.
Nhớ tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhớtới nhân cách của ông. Có thể nói Ông là người lãnh đạo tiên phong suy nghĩ nói và viết về nỗi đau chiến tranh, về sự cần thiết phải hàn gắn nỗi đau đó cho người dân ở cả 2 chiến tuyến. Chính vì tấm lòng nhân văn đó mà người dân càng yêu mến, kính trọng Ông. Phải là người có tầm nhìn, một nhân cách lớn như Ông mới hiểu được thấu đáo hai chữHiếu Dân và ý nghĩa của hòa giải dân tộc.
Phẩm chất của người lãnh đạo ở Ông còn thể hiện từ việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông luôn quan tâm đi thực tế kiểm tra để cập nhật, đối chiếu với nhu cầu đòi hỏi của thực tế và sẵn sàng điều chỉnh, bổ sung các quyết định vì quyền lợi của người dân. Tầm vóc, nhân cách, sự sáng suốt, quyết đoán., dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Ông đã được nhiều người nhắc đến trong các cuốn sách và bài báo viết về Ông.
Mặc dù là người vào sinh, ra tử, hào quang của quá khứ rất đỗi tự hào, có vị thế được nể trọng trong xã hội nhưng Võ Văn Kiệt, luôn sống và hành động vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm huyết cuối đời của Ông là suy nghĩ để góp ý với đại hội Đảng lần thứ XI, vai trò trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ đủ mạnh để lãnh đạo đất nước phát triển bền vững. Ông quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các thành phần kinh tế. Một trong những nghiên cứu ấp ủ của Ông là phát triển tổng hợp Vịnh Cam Ranh thành khu kinh tế hùng mạnh, hỗ trợ cho chiến lược tiến ra biển, không phải chỉ đứng trước biển. Ông chia sẻ, day dứt về cuộc sống của người dân vẫn còn nghèo khó lại luôn phải hứng chịu trước các hiểm họa, của thiên tai nhất là bão lũ, hạn hán.
Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Ông là tấm gương về một nhà lãnh đạo dân chủ, luôn chân thành học hỏi từ nhân dân, từ giới trí thức tất cả để phục vụ Dân, phục vụ Nước với hàng loạt những quyết sách hệ trọng còn đểlại vai trò và dấu ấn sâu đậm cho đến ngày nay. Liên hệ đến thực tế, chúng tôi hiểu để đất nước ổn định và phát triển thì người lãnh đạo thời nào cũng phải biết tin yêu, lắng nghe, kính trọng dân, phục vụ lợi ích của dân, tôn trọng các quyền của dân và phát huy các nguồn lực của dân.
Nhân kỷ niệm 49 ngày Ông Sáu đi xa, tôi viết bài “Lỡ chuyến đi xa” đăng trên báo Sài gòn giải phóng. Kỷ niệm ngày giỗ đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi trải lòng mình qua bài “Nhịp đập của một trái tim lớn” đăng trên VNN và Tuần VN. Thấm thoát đã gần 3 năm, kể từ ngày Ông Sáu Dân đi xa. Cũng trong thời gian ấy, nghe theo lời dạy của Ông, tôi mạnh dạn tiếp tục viết khoảng gần trăm bài báo được anh em, bạn bè, bạn đọc chú ý vàủng hộ. Chắc chắn tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, chỉ là người làm công tác khoa học thích viết báo, nhưng cũng đã đủ say sưa, tỉnh táo và can đảm để nói lên những điều tâm huyết của mình và của người dân. Nhân sắp đến ngày giỗ Ông Sáu, thắp nén hương thành kính, tưởng nhớ đến Ông là con người đến từ dân, song luôn ở trong dân, dẫu đã đi về cõi vình hằng. Viết đến đây, tôi lại nhớ lời Ông dạy ngày nào:“ Đừng bao giờ nản chí, nghề viết không dễ, để viết cho đúng, cho trúng không chỉ có tâm hồn nghệ sĩ mà trước hết phải có tinh thần chiến sĩ”.
Xin mượn mấy câu thơ của Anh Bẩy Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang viết về Ông Sáu Dân để kết luận cho bài viết này:
"Vẫn là Thủ Tướng của nhân dân
Là Anh Sáu của mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước
Đời nặng ân tình đất nặng chân".
T.V.T
(Nguồn: VNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét