Truyền hình và câu chuyện bản lĩnh chính trị
Sự việc ông Trần Bình Minh được ngồi vào ghế cao nhất Đài truyền hình Việt Nam (THVN) xảy ra đã lâu chẳng nên nói lại nữa dù biết đó là lối cắt đặt có mùi vị con ông cháu cha của tổ chức. Chứ có một ông họ Trần khác tại đấy xứng đáng hơn với chỗ ngồi này, đó là ông Trần Đăng Tuấn thì lại phải dứt áo ra đi… Thôi thì (thì-mà-là) bộ máy nó thế, ai có khả năng, thêm cổ cánh giúp sức và nhất là được tổ chức chấm thì việc ngồi vào một chỗ thơm như ông Minh là điều dễ hiểu. Thiên hạ thích hay không thích là việc của thiên hạ, hoặc là có muốn cản trở phản đối cũng chẳng được đâu.
Tuy nhiên vấn đề đáng nói là đã ngồi ghế lớn cỡ quốc gia thì
phải có bản lĩnh của người cầm cân nảy mực tầm cỡ quốc gia. Ở ông Minh đó phải là
bản lĩnh chính trị của một người làm công tác tư tưởng, công tác thông tin
tuyên truyền một cách có trách nhiệm nhất trước nhân dân và đất nước lúc này. Cụ
thể ở đây, với cương vị một trung ủy đứng đầu một cơ quan báo chí lớn nhất nhì
nước thì phải có tầm nghĩ tầm làm cỡ quốc gia chứ không phải lui cui chạy theo những
lệnh chỉ kiểu sai bảo, gật đầu chấp hành, hoặc tệ hơn là nghĩ cách làm vừa lòng
những người ngồi ghế cao hơn mình.
Đành rằng nghề làm báo ở ta, ngay các chức vị tổng biên tập và chủ bút khôn ngoan và có nghề khác cũng đa phần là vậy, tức biết phận thì chịu mà nghe ngóng, cứ theo chỉ đạo mà làm thì vững ghế, thậm chí còn tiến thêm trên con đường danh vọng.Nhưng ở cỡ như ông Trần Bình Minh là phải chủ động tham bàn, định hướng công việc tuyên truyền chứ không đơn giản là cấp răm rắp thực hiện. Việc nhận định tình hình trong nước và quốc tế, từ đó vạch ra định hướng thông tin tuyên truyền sâu sát và phù hợp phải luôn là công việc chính của những con người được phân công ở lĩnh vực này như ông Minh.
Đòi hỏi cao hơn nữa là từ cấp cỡ như vậy, không những chỉ đưa ra đối sách thông tin tuyên truyền đúng đắn mà còn phải đủ trí lự để đóng góp với trung ương đảng tìm ra phương cách tuyên truyền sao cho lọt tai dân, tranh thủ được tầng lớp trí thức đang rất tâm tư lúc này. Tình hình tư tưởng trong dân và trong đảng lúc này phức tạp như thế nào thì ai cũng biết, chẳng đã được nhiều lần nhắc đến trong các văn kiện chính thức của đảng đó sao.
Đáng tiếc những điều này với ông Trần Bình Minh hầu như chưa đạt tới mặc dầu ai cũng biết về sự năng động và thông minh thì ông đâu có thiếu lắm! Thế nên một loạt những lầm lạc trong chỉ đạo điều hành đối với THVN, đưa vào chương trình phát sóng những nội dung phản cảm, bị dư luận phản ứng mạnh đã là một dấu hỏi lớn trước nhiều người quan tâm. Vậy nó là gì nếu không muốn nói thẳng ra là tính cơ hội chủ nghĩa ở con người này.
Đến đây chủ blog chẳng muốn viết gì thêm nữa mà chỉ đưa về đây (nguyên văn) bài viết về chủ đề trên để bạn bè cùng đọc và tự rút ra kết luận cho mình.
Vệ Nhi g-th
---------
Ở thế giới bên kia, ông Trần Lâm...
Lương Kháu Lão
(Lương Kháu Lão là bút hiệu của An Thanh Lương, một nhà giáo về hưu và nhà báo tự do)
Việc Trần Bình Minh, con trai thứ ông Trần Lâm – một lão thành cánh mạng, người đã tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội và sau đó làm Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam – trở thành người nối nghiệp cha với chức vụ Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam như đã được báo trước.
Đó là con đường đi của các con cha cháu ông theo kiểu rất phong kiến “con vua thì lại làm vua” của Tổ chức Đảng. Bởi lẽ bây giờ tìm đâu ra những cán bộ có lí lịch ba đời công nhân! Vậy nên tìm người kế cận trong số con cái lãnh đạo là có vẻ hợp lí và yên tâm hơn cả.
Trần Bình Minh là một con người khá năng động. Tôi đã chứng kiến anh ta chê lãnh đạo thẳng thừng (Tất nhiên lúc đó không có mặt người anh ta phê phán). Anh ta cũng dám đề xuất nhiều ý kiến mạnh bạo và trên cương vị Trưởng ban Thời sự VTV1 – Ban quan trọng nhất của Đài Truyền hình, công bằng mà nói anh ta đã làm khá tốt công việc
Trần Bình Minh cũng đã xây dựng cho riêng mình một ê kíp làm việc bao gồm những người có năng lực như Thanh Lâm, Trần Uy…những người có khả năng trở thành “ngôi sao” truyền hình trong tương lai. Rất tiếc những nhân vật này đã gặp phải những “sai lầm” về chính trị và lặn mắt tăm.
Trong số các nhân vật có thể thay thế Tổng giám đốc Vũ Văn Hiến khi ông này nghỉ hưu có Phó Tổng Giám đốc Trần Đăng Tuấn, tuy nhiên ông này không được Tổ chức tin dùng nên đã quyết định rời khỏi biên chế nhà nước để tạo lập con đường đi cho riêng mình. Vì thế Trần Bình Minh hầu như không có đối thủ.
Con đường đưa Trần Bình Minh lên chiếc ghế cao nhất của Đài Truyền hình đã được dọn sẵn sau khi anh ta được chuyển đổi về Nghệ An làm công tác Đảng một thời gian và sau đó trúng cử Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Những tưởng một con người được học hành tử tế, có bản lĩnh dám nói dám làm, có lí lịch rất trong sạch, Trần Bình Minh sẽ viết những trang sử mới của Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn anh ta cầm quyền ở Đài Truyền hình quốc gia đã bộc lộ nhiều yếu kém không thể chấp nhận. Không phải yếu kém về kĩ thuật mà là yếu kém về chính trị. Thể hiện rõ nét ở ba sự vụ sau đây:
Một là việc cho phóng viên đi điều tra, phỏng vấn không trung thực nhằm bôi xấu cá nhân Cù Huy Hà Vũ đã gây phản tác dụng. Không những không hạ bệ được uy vũ của họ Cù mà Đài Truyền hình Việt Nam đã tự làm mất uy tín của chính mình.
Hai là việc đưa tin không trung thực về các “cuộc tụ tập” đông người chống sự bành trướng của Trung Quốc đã bị dư luận chê trách. Hóa ra Đài Truyền hình Việt nam chả có bản lĩnh chính trị (con mẹ) gì cả mà tất cả đều nghe theo răm rắp sự chỉ đạo của cấp trên.
Ba là mới cách đây mấy hôm thôi, nhà Đài đã tổ chức “giao lưu hữu nghị” với một Đài Truyền hình địa phương là Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc. Ôi! Một Đài Truyền hình quốc gia mà chơi ngang tầm với một Đài tỉnh lẻ? Sao lại có chuyện nhục nhã như vậy? Chả lẽ Việt Nam chỉ ngang tầm một tỉnh của Trung Quốc? Cái chúng ta cần là làm cho người dân Trung Quốc, cả một tỉ người hiểu rõ thái độ thiện chí của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông thì chúng ta đã không làm được. Hữu nghị với mấy ông bà dân tộc thiểu số chả biết Biển Đông có dậy sóng hay không thì giải quyết được vấn đề gì? Những nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc cũng phải phì cười khi Đài Truyền hình Việt Nam làm cái chuyện ngớ ngẩn như vậy. Đấy là chưa kể trong một lần phát sóng, chúng ta đã (không biết vô tình hay cố ý) in thêm một ngôi sao nhỏ vào lá cờ một sao lớn bốn sao nhỏ của Trung Quốc. Phải chăng Trần Bình Minh muốn Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc?
Qua ba việc kể trên có thể thấy sự non kém quá đáng của Đài Truyền hình Việt Nam kể từ sau khi Trần Bình Minh lên nắm quyền. Không biết dưới suối vàng, ông Trần Lâm có thể mỉm cười được hay không?
Lương Kháu Lão
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét