Nước Mỹ… năm 2011
Hoa Kỳ có 50 bang và thủ đô vuông 16kmx16km là Washington DC có từ mấy trăm năm, và Quốc hội cấm Thủ đô không được mở rộng.
Xứ cao bồi bát nháo tìm vàng nên quản lý bằng nhà nước pháp quyền, không ai được ngồi trên pháp luật, thằng nào sai là đòm cho một phát, hết chuyện. Tổng thống lơ mơ cũng bị đưa ra tòa hay bị phế truất.
Vì thế, nói rằng năm qua có gì lạ trên đất Mỹ, thì chẳng có gì. Dẫu vậy, cũng nên điểm vài tin cho có vẻ Cua Times hiểu biết. Ăn tiền thuế của dân chả lẽ không làm gì như EVN “lương to trách nhiệm nhỏ – làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Chiến lược toàn cầu
Tin Osama Bin Laden bị lính biệt động Mỹ tiêu diệt ở Pakistan là quan trọng nhất. Vì hắn mà cả thế giới mất ăn mất ngủ. Nước Mỹ suy thoái trầm trọng vì mải đánh nhau với khủng bố, như hiệp sỹ Đông-Ky-Sốt múa kiếm với cối xay gió. Trong lúc đó Trung Quốc trỗi dậy và trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.
Giải quyết Bin Laden xong thì Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq. Đây không phải là cuộc tháo chạy của đồng minh ở Sài Gòn năm 1975, nhưng cũng nói lên, khi mà quyền lợi của Mỹ không còn nhiều, mất nhiều hơn được, cao bồi lên lưng ngựa rút lẹ. Win-Win là thế. Không Win là anh xin chào các em, anh ngược.
Cũng may là Obama nghĩ đến mấy anh nhược tiểu bên xứ châu Á đang bị Trung Quốc bắt nạt. Rút quân Iraq, chuyển sang châu Á, cũng là một đòn chiến lược mang tính toàn cầu khác của Hoa Kỳ.
Trung Quốc nằm ở châu Á như một con gà. Mỏ là bán đảo Triều Tiên, chân là Việt Nam, thân là đại lục. Nếu cắt mỏ, chặt chân thì còn gì là gà. Người Hoa chắc hiểu về phong thủy nên biết rõ là mất VN nghĩa là què cẳng. Vì thế mới có bác Tập Cận Bình sang thăm Hà Nội vừa qua.
Chuyến thăm của Hillary sang Myanmar, hàng xóm thân cận của Trung Quốc, không phải là chuyện đùa. Thả bà Aung San Suu Kyi, bắt tay với Mỹ, chính quyền Myanmar đã gửi thông điệp rất mạnh tới thế giới rằng, họ muốn thay đổi.
Afghanistan thuộc về Hoa Kỳ, Ấn Độ chả vui gì với Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên luôn nóng bỏng, Nhật gầm ghè, Đài Loan sẵn sàng mua vũ khí mới nhất của Mỹ, Việt Nam đang leo dây, mấy nước Mongolia, và các loại stan vùng Trung Á, chẳng có nước nào thích Trung Quốc. Nhìn qua cũng biết đó là đòn “quây hội đồng” của Hoa Kỳ.
Về đối ngoại và chiến lược toàn cầu, cặp bài trùng Obama-Hillary với kiểu ngoại giao “mềm” và răn đe quân sự, quả là lợi hại.
Trung Quốc đã phải xuống giọng với các nước khu vực vì nhận ra chẳng có bạn bè, hàng xóm. Quay đi quay lại toàn kẻ thù. Ngay cái ông bạn 16 chữ vàng, 4 tốt cũng chỉ là “đồng sàng dị mộng” mà thôi.
Trong nước
Tin về Steve Jobs mất làm thế giới trẻ đau buồn. Apple, iPod, iPhone, iPad mang đến cho người tiêu dùng những thiết bị máy tính phức tạp nhưng lại nằm trong lòng bàn tay, dùng ngón tay trỏ kéo thả, phóng đại thu nhỏ, thật đơn giản mà bất kỳ bà nội trợ nào cũng dùng được. Người ta nói Steve Jobs góp phần thay đổi thế giới rất có lý.
Khi nhắm mắt, Jobs chỉ nói được vài từ “Oh, wow. Oh, wow. Oh, wow!”. Có thể đó là tiếng than đau đớn và thế giới mất Jobs từ lúc đó.
Steve Jobs mất đi cũng nghĩa là mất jobs (công ăn việc làm) theo đúng nghĩa đen. Số người thất nghiệp luôn dao động ở 8-9% làm Obama ăn không ngon, ngủ không yên. Thất nghiệp nhiều thì khó trụ lại trong Nhà Trắng trong năm 2012.
Quả thật, nếu VN có tấn công Trung Quốc, Putin và nước Nga rối loạn, Trung Đông nội chiến, châu Âu đổ bể kinh tế, thì Obama cũng không lo bằng thêm 1% dân Mỹ thất nghiệp.
Theo dự đoán, đến 31-12-2011, dân số Mỹ sẽ là 312,8 triệu người. Nếu 50% trong số đó ở tuổi lao động, 9%-10% tương đương với 15 triệu người không có việc làm. Thất nghiệp là chửi chế độ, lật đổ chính phủ bằng lá phiếu bầu cử. Nếu Obama mất đi vài triệu phiếu chỉ có cách về đuổi gà cho Michelle.
Chuyện thất nghiệp sinh ra bất lương, chán chường. Phong trào Occupy (chiếm) ra đời. Đầu tiên là Wall Street, rồi về DC, lan ra khắp nước Mỹ và thế giới.
Trong một cuốn sách “The Price of Civilization – Cái giá của nền văn minh”, tác giả Jeffrey Sachs cho rằng, 1% dân số là những kẻ giầu có đã chiếm số tài sản khổng lồ bằng 25% GDP.
Phong trào Occupy kia chính là đòi quyền lợi công bằng giữa 99% và 1%.
Jeffrey cũng viết thêm, Hoa Kỳ bị chính cuộc toàn cầu hóa cuốn trôi vì việc làm đã ra khỏi biên giới, thu nhập quốc gia giảm sút, kéo theo nghèo đói và hiểm họa môi trường trong khi xã hội hướng tiêu dùng chưa biết thay đổi theo thời cuộc.
Kinh tế Mỹ khủng hoảng là do phẩm hạnh công dân của những nhà chính trị và kinh tế gia cao cấp có chiều hướng đi xuống. Hệ thống pháp luật, xã hội tiêu dùng, và kể cả bầu cử tự do dân chủ cũng không đủ nếu như người giầu (1%) kia không hành xử một cách đàng hoàng, trung thực, có tấm lòng đối với xã hội và nói xa hơn là cả thế giới.
Nền tảng đạo đức lung lay đã làm cho nền kinh tế khủng hoảng. Nếu không tìm ra cách chữa chạy kịp thời thì Hoa Kỳ khó mà giữ được vị trí siêu cường.
Phong trào Occupy nói lên chính điều lo lắng này của Jeffrey Sachs. Cách biệt giầu nghèo đã lôi người dân ra phố và biểu tình đủ kiểu “nằm, ngồi, cắm trại, và ở lỳ”. Nếu chính quyền không xử lý khéo léo, dễ dẫn đến rối loạn. Đây là thách thức khác của nước Mỹ ngay trong nội tại.
Tương lai 2012 của Mỹ và thế giới
Theo lịch của người Maya, thì ngày 21-12-2012 sẽ là ngày tận số của trái đất. Lịch của họ có từ hàng ngàn năm trước và dừng ở năm 2012.
Tuy vậy, người Mỹ sẽ bầu cử Tổng thống vào tháng 11-2012. Từ đó đến 20-1-2013, Obama vẫn nắm quyền trong Nhà Trắng vì Tổng thống mới nhậm chức vào ngày đó.
Nếu Obama thắng thì Michelle không phải chuyển nhà. Nếu thua và dự đoán của người Maya đúng thì gia đình đệ nhất cũng không phải làm gì vì thế giới sụp rồi còn đâu.
Có người Mỹ còn dự đoán vui, năm 2012 có đảo chính quân sự tại Mỹ và tướng Thomas E T Brutus, phụ trách quân đội chính qui, sẽ chiếm Nhà Trắng làm đại bản doanh. Dân Mỹ cũng khôi hài chả kém gì giới blogger Việt Nam khi bàn chuyện cờ 6 sao.
Nói chuyện cờ sao, nhớ thời dân Mỹ chống lại người Anh, George Washington yêu cầu Besty Ross may một lá cờ để động viên tinh thần binh sỹ của mình. Lá cờ gốc này có 7 vạch đỏ, 6 vạch trắng và góc trái trên có 13 ngôi sao trắng trên nền xanh tượng trưng cho 13 bang lúc đó.
Sau này, bang nào nhập thêm vào Hoa Kỳ thì cờ lại thêm một sao, nhưng số vạch 13 vẫn giữ nguyên. Hiện có 50 ngôi sao trắng, và thủ đô DC không có ngôi sao nào làm đại diện.
Nếu Tổng thống Obama sang Hà Nội mà dân ta giương cờ 51 sao ra vẫy thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ. Đương nhiên là ông đại sứ râu ria Shear sẽ phản đối mạnh mẽ. Phía ta bảo là “sự cố kỹ thuật” của Bộ Ngoại giao.
Trong lúc ta đón Tập Cận Bình bằng cờ 6 sao thì bạn 16 chữ vàng lại im lặng, chẳng nói gì. Rất lạ như tầu lạ đâm tầu quen.
Ta nên giơ cờ 6 sao của Trung Quốc hay là cờ 51 sao của Mỹ? Nếu lựa chọn một trong hai thì bạn đã dự đoán đúng tương lai nước Mỹ và thế giới. Bạn không lựa chọn gì thì người Maya cũng bảo là năm 2012 thế giới sẽ diệt vong.
Nói vui thế thôi, từ nay đến đó còn gần năm nữa. Rượu Champaign đang đầy tại sao không nổ cho sướng. Nào ta nâng cốc chúc mừng năm mới 2012.
Chúc các bạn tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe. Cảm ơn các bạn đã đọc và đóng góp trí tuệ cho Cua Times.
Hiệu Minh - 30-12-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét