Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Thư góp ý xây dựng Đảng



Đừng càng chỉnh càng đốn

Suốt tuần nay rộ lên câu chuyện thu hồi đất mất lòng dân trầm trọng dẫn đến người dân đặt mìn và nổ súng quyết liệt chống lại lực lượng của nhà nước gây nhiều thương vong, vụ anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng.

Đằng sau câu chuyện này, báo chí nhà nước phát lộ dần một số chi tiết mới hết sức quan trọng. Đó là sự lạm dụng chức quyền, huy động lực lượng có vũ trang quá mức cần thiết và nhất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về trình tự, quản lý và thu hồi đất đai của lãnh đạo địa phương cấp xã và cấp huyện tại đây. Những điều vừa nói tới lúc đầu báo chí đưa tin theo “những gì địa phương cung cấp”, mấy hôm sau như một cách “cải chính ngầm”, đó là cả loạt những cuộc điều tra riêng của các nhà báo khi đến gặp dân.

Bức tranh tổng thể của báo chí chính thức vì thế đã khác hẳn ngày mới đưa cái tin nóng này. Đó là chưa kể cả trăm bài báo và hàng ngàn comment trên các trang mạng cá nhân, tức thứ báo chí công dân đã ngay từ đầu vạch trần bản chất câu chuyện thu đất như là sự tước đoạt của cải của công dân được ngụy trang nhân danh pháp luật. Vụ thu hồi đất có cái gì đó rất bất nhẫn, làm lấy được, dồn người dân vào bước đường cùng khiến họ buộc phải chống lại, mắc vào cái bẫy “vi phạm pháp luật”.  

Qua vụ Tiên lãng này rất có khả năng bung ra những bê bối về lợi ích nhóm, tệ cửa quyền cường hào ở địa phương, bọn này câu kết với nhau lũng đoạn luật pháp, chèn ép người dân lành… Chẳng hạn cái chi tiết đầy nghi vấn: chủ tịch xã nơi thu hồi đất là em ruột chủ tịch huyện ký quyết định thu hồi, điều đó tự tố cáo tại sao huyện lại sốt sắng đến thế khi ra lệnh lực lượng vũ trang địa phương vào cuộc…

Mọi việc còn chờ các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc theo trách nhiệm và pháp luật hiện hành quy định. 

Chuyện ở Tiên Lãng càng nóng vì vừa đây trung ương đảng họp phiên 3 đã có nghị quyết mới về chỉnh đốn đảng. Hai bài phát biểu khai mạc và bế mạc hội nghị quan trọng này của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh đến nguy cơ sụp đổ nếu đảng không kịp thời chỉnh đốn. Như vậy đảng lại một lần nữa nói tới sự an nguy nếu đảng không ngăn chặn sự tha hóa thậm chí đổ đốn của một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất đang làm hư nát xã hội. 

Tất nhiên nói là một chuyện, liệu đảng có làm được hay không lại là chuyện khác. Quan trọng là đảng đừng đi lại những bước đi cũ, tức là chỉ nói, nói rất nhiều rất mạnh nhưng chẳng thấy hành động cụ thể được bao nhiêu! Thậm chí sau các đợt học tập kiểm điểm chỉnh đảng trước đây có nhiều vị đảng viên thiếu tư cách, tham nhũng xa dân... nhưng do khéo nịnh hót, trú chân vào những nhóm lợi ích nào đó… không những họ chẳng bị loại trừ mà còn trụ vững, có kẻ còn tiến lên cao hơn chức trách cũ. Cái điều mà dân gian râm ran trong những chuyện kể hài hước và châm biếm, đó là đảng càng chỉnh lại càng thêm đốn... Đó là những hiện tượng rất không nên tái diễn trong đợt chỉnh đốn lần này. 

Nhân mấy sự kiện đang diễn ra, cùng với nhiều diễn đàn mạng đã và đang nóng rẫy những lời tham bàn, xin mời các bạn dõi theo những dòng chữ dưới đây được viết ra từ một cựu chiến binh ở Hà Nội. Đây là bức thư ngỏ gửi tới ông tổng bí thư đảng. Nội dung thư có thể ở điểm này điểm khác còn cần sự bàn bạc hoặc xác minh thêm để các chi tiết và nhận định có sức thuyết phục hơn nữa, nhưng nhìn tổng quát thì đây là bức thư tâm huyết và mang tính xây dựng với một đảng cầm quyền. Hơn nữa chính đảng đó lại đang yêu cầu người dân góp ý xây dựng cho đảng.

Trên tinh thần như vậy, blog tôi xin phép tác giả Nguyễn Anh Dũng giới thiệu toàn văn bức thư ngỏ này.          

Vệ Nhi g-th

-------

Thư của một cựu chiến binh Hà Nội gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hà Nội, ngày 08/01/2012

THƯ NGỎ

KÍNH GỬI: Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam
Nhân dịp năm mới 2012, dân tôi xin gửi tới Quý Ông lời chào trân trọng, lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc để lãnh đạo đất nước ngày một tốt hơn.

clip_image002

Địa chỉ: Số 5, ngách 12/87 Chính Kinh, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đ-th và Fax: (84) 38583514; Di động: 0984535494; Địa chỉ e-mail: xuannho.vu1@gmail.com

Biết rằng không thể trực tiếp gặp được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, song với quyền và nghĩa vụ, cùng với tình cảm và trách nhiệm của mình, dân tôi xin trình bày một số vấn đề, mong được quý Ông chỉ giáo.

1. Ngày 31/12/2011 trong bài kết thúc hội nghị TW Đảng lần thứ 4, khoá XI. Ông đã nói nhiều lời hay ý đẹp, mạnh dạn một cách khác thường, đề cập tới “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay. Nghe mà sướng cái lỗ tai! Nhưng vấn đề là hành động ra sao để thực hiện những điều đó hay vẫn chỉ là vấn đề muôn thủa: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” để rồi vẫn chỉ còn lại sự hoài nghi và thất vọng.

Ông đã từng nói:

- “Lãnh đạo từ trung ương trở xuống cam kết không tham nhũng” (báo Tiền Phong 09/8/2006),
- Lãnh đạo các cấp ủy và người đứng đầu các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chịu trách nhiệm về các hiện tượng tham ô, lãng phí, tham nhũng xảy ra tại đơn vị mình (HN TW 4. khoá XI).

Điều này có thật lòng và có tính khả thi hay không khi mà tham nhũng giờ đây không chỉ còn là những vụ đơn lẻ, ăn mảnh của một vài cá nhân, mà đã mang tính chất có tổ chức liên quan đến nhiều người từ trung ương đến địa phương, trong các cấp các ngành.

Trung ương hô hào chống tham nhũng, nhưng lại ngầm cho phép hành hạ người chống tham nhũng như nhà giáo Đỗ Viết Khoa, thậm chí bị trả thù, kể cả những người trong cơ quan điều tra của Bộ Công an như thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, của phóng viên Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh niên). Gần đây nhất là trường hợp PV Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ bị công an TP HCM bắt giữ.

Chắc chắn bộ máy khổng lồ của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra thừa sức để xác minh, làm rõ hành vi của người khiếu tố, khởi kiện, cũng như người bị khiếu tố, khởi kiện trong từng vụ tham nhũng theo luật định. Nhưng vì sao rất nhiều đơn thư bị chìm trong im lặng? Chưa có một vụ án, một quyết định xử lý người đứng đầu, cấp trên trực tiếp bao che cho cấp dưới tham nhũng, được công khai, rõ ràng.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế gần đây xếp Việt Nam tham nhũng đứng thứ 122/182 nước trên thế giới, đứng thứ 3 ở khu vực Châu Á, trong đó ngành tư pháp là một trong ba ngành tham nhũng nặng nề nhất (báo đã dẫn). Đó quả là một sự xếp hạng chính xác, đủ nói lên một cách khách quan về tình trạng tham nhũng được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm, đã làm nghèo đất nước và vi phạm nhân quyền. Liệu Ông có biết không?

2. Ông cũng đã từng nói:

Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì không còn là lãnh đạo.
Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi vì nếu chỉ kiểm tra, giám sát mà không xử lý thì cũng chẳng có tác dụng gì.

Các vụ bắt giữ người không xét xử hoặc xét xử oan sai theo kiểu “Án bỏ túi” (báo An ninh thế giới 22/12/2004), những người đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, cho tự do dân chủ, tự do tôn giáo, các vụ công an đánh chết người ngay tại hiện trường hoặc nơi tạm giam bởi các lỗi vớ vẩn, lãnh đạo có biết không?

Với tư cách từng là Chủ tịch Quốc hội nay là Tổng Bí thư Đảng, Ông đã thực hiện quyền kiểm tra, giám sát như thế nào và giải quyết sự việc ra sao? Nếu không biết thì đó là sự quan liêu, năng lực trình độ yếu kém, một sự vô trách nhiệm đến mức tàn bạo. Nếu biết mà không xử lý có nghĩa Ông đã bao che, dung túng để trở thành đồng phạm (Đ 20 LHS) rồi đó. Vì vậy kẻ tội phạm đã coi thường sự lãnh đạo của Ông hoặc Ông cũng liên quan đến tội phạm nên không đủ tư cách để lãnh đạo?

Vì vậy theo ý dân tôi, Ông nên bổ sung câu nói của mình như sau: “Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát và xử lý theo luật định thì không còn là lãnh đạo. Để từ đó trở thành hành lang pháp lý cho việc quản lý xã hội bằng pháp luật (Đ 12 HP).

3. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII, Uỷ viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng chính phủ ông Nguyễn Sinh Hùng nói: Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp”. (Vnconomy ngày 12/6/2010).

Phải chăng đây là đường lối lãnh đạo của Trung ương, hay chỉ là câu nói bất hủ theo kiểu “Những người thích đùa” phỏng theo chuyện ngẵn của Azit Nexin, nhằm giúp cho các vị đại biểu Quốc hội đỡ ngủ gật. Không cần phải lý sự cao xa, chỉ nhìn vào thực tiễn sẽ thấy câu nói này có ý:

Một: Đây là đường lối cai trị theo chế độ độc tài, ở đó các đảng viên là lãnh đạo, được tự do hành động, nhằm thoả mãn lòng tham và sự độc ác của mình mà không sợ bị pháp luật xử lý.

Hai: Đây là sự lộng quyền, coi thường kỷ cương phép nước, một cách cư xử thiếu văn hoá, không tôn trọng người nghe, có đủ dấu hiệu vi phạm điều 88 bộ Luật Hình sự của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Chính xác dân tôi phải hiếu như thế nào, thưa Ông?

Có lẽ Ông đang đứng trên đỉnh cao của quyền lực, cùng với những đặc quyền, đặc lợi, nên đã hoa mắt, tự bằng lòng với mình khi thấy đời sống người dân từ chỗ phải ăn hạt bo bo nay đã có cơm ăn, phải mặc áo vá vai quần thủng đít nay được mặc lành lặn hơn, mơ ước có xe đạp nay đã có xe máy làm phương tiện đi lại...

Đất nước đã có một vài con đường to, một vài cao ốc, khách sạn nhà hàng sang trọng, những khu nghỉ dưỡng, vui chơi cao cấp, những tập đoàn kinh tế lớn, những khu công nghiệp dàn trải, v.v. Để rồi cho rằng “Đảng lãnh đạo – nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (Báo Nhân dân 29/3/2006), thì đó chỉ là sự ngộ nhận tự lừa dối mình và lừa dối cả dân tộc Việt Nam.

Dân tôi không lý sự nhiều mà chỉ nhìn vào thực tế để phân biệt chế độ tốt hay xấu, chính sách hay hoặc dở. Một là xem việc cải thiện đời sống, tôn trọng quyền con người, hai là xem tốc độ phát triển của đất nước như thế nào.

4. Vụ Nguyễn Thị Minh Châu, kẻ lưu manh côn đồ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Đ 139 LHS). Liên quan đến kẻ tham nhũng: Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, nguyên UV TW Đảng, đại biểu Quốc hội khoá XI, chánh án toà án NDTC, uỷ viên BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng và đồng bọn.

Bằng các bản án, quyết định trái pháp luật (Đ 295, 296 LHS), đã đồng loã cướp đoạt đoạt tài sản hợp pháp trị giá 28.374.230.000 đ (hai tám tỷ, ba trăm bảy tư triệu, hai trăm ba mươi nghin đồng - Thời điểm tháng 12/2010), dồn dân vào bước đường cùng để bức tử (Đ 100 LHS). Xảy ra tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội từ 12/9/2003.

Cựu Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh, người đứng đầu cấp trên trực tiếp đã bao che, dung túng cho Nguyễn Văn Hiện và đồng bọn bằng sự im lặng, đã xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Đ 132 LHS), tự bôi nhọ, hạ mình xuống ngang hàng và trở thành đồng phạm (Đ 20 LHS). Liệu ông ta có phải chịu trách nhiệm hay sẽ trở thành vô can để trở về “Vui thú điền viên”?

Sau Đại hội lần thứ XI đảng CS Việt Nam, trở thành người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ. Ông sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ tham nhũng nổi cộm do đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, theo quy định kèm theo quyết định số 190-QĐ/TW ngày 29/9/2008 của Bộ chính trị như thế nào? Hay lại là sự im lặng đi theo vết xe đổ của ông tổng họ Nông?

Thưa Ông!

Dân tôi tuy không có học hàm, học vị cao như quý Ông, nhưng cũng hiểu được lẽ đời để “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Lẽ tất nhiên những gì trái với khẩu hiệu hành động nêu trên thì không có lý do để tồn tại.

Việt Nam giờ đây không còn là một ốc đảo, nhờ có quan hệ quốc tế mà đã có những bước phát triển nhất định. Nhưng đồng thời cũng phải có các nghĩa vụ nhất định là thực hiện các công ước quốc tế như đã cam kết, trong đó có công ước quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Dân oan đã trở thành một tầng lớp dân cư mới, họ không thể chấp nhận được khi bị thu hồi đất chỉ được bồi thường như bị ăn cướp. Các chủ doanh nghiệp được giao đất như cho, còn phần lớn sự chênh lệch lại rơi vào túi các loại quan tham.

Tổng Bí thư nêu rõ: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi sự cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại”. (Bế mạc HN TW 4, khoá XI).

Mong sao những ý tưởng tốt đẹp trên đây sẽ biểu hiện thành hành động cụ thể, đừng trở thành những lời nói sáo rỗng, mỵ dân theo kiểu Nói một đằng làm một nẻo, hay như câu ca: “Nói lời thì giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”.

Cuối thư, một lần nữa dân tôi xin gửi tới Tổng Bí thư lời chào trân trọng, lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc.

Rất mong nhận được hồi âm.

Nơi nhận
- Trung ương Đảng và Nhà Nước.
- Các cơ quan bao chí trong và ngoài nước.
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- Các cơ quan, tổ chức có liên quan:............
.....................................................................
.....................................................................
Kính thư
Nguyễn Anh Dũng
HV Hội Cựu Chiến binh Việt Nam

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...