Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Biển Đông: TQ áp đặt sức mạnh; VN không nín nhịn lép vế

 

 

Biển Đông: TQ áp đặt sức mạnh; VN không nín nhịn lép vế



Dù quốc nội đang đặt ra biết bao những vấn đề nóng bỏng và nhức nhối về kinh tế-xã hội mà bất cứ công dân đúng mực nào cũng không thể bưng mắt thờ ơ, thì rồi cũng chính là họ chứ không ai khác lại có thể lãng quên các vấn đề đang đặt ra mãi ở chỗ cách xa ta về không gian địa lý nhưng lại luôn luôn bên cạnh trái tim mọi người – đó là Biển Đông, nơi người Việt Nam chúng ta phải bằng mọi giá bảo vệ chủ quyền.

Bởi vì sinh mệnh đất nước này, tương lai của lớp lớp con cháu, niềm hãnh diện về danh dự về chủ quyền quốc gia chính là vấn đề này đây. Là người Việt Nam không ai có thể dửng dưng với mối đe dọa của Trung Quốc lâu nay và thực tế là TQ đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa của chúng ta, bắt đầu từ năm 1956 chiếm cụm đảo phía đông, tới 1974 đánh chiếm toàn bộ quần đảo HS; và sau này, năm 1988 thì đánh chiếm một số đảo ở TS.

Cho nên đương nhiên công dân Việt mình những lúc này là ngóng trông ra biển khơi ngoài kia với cả nỗi niềm lo lắng và buồn phiền. Tình hình xem ra không có gì cải thiện vì các trò diễn khiêu khích gây hấn của phía Trung Quốc cứ liên tục tiếp diễn…

Hơn năm trước thì ngư chính rồi hải giám TQ đã vung dao búa thật sự bắt nạt Việt Nam (vụ cắt cáp kể từ tháng 5/2011, rồi tiếp diễn những vụ khiêu khích sau đó, và trong đó rất nhiều vụ là bắt giữ rất trắng trợn tàu thuyền đánh cá của ta...).

Còn vài tháng nay thì Bắc Kinh đe nẹt và áp lực rất mạnh đối với Philippines bằng nhiều phi vụ tàu chiến thật sự hành quân qua lại vùng bãi cạn Scarborough.

Cùng với động tác giương đông kích tây bằng vũ lực nóng trên biển cả như thế thì cái giàn khoan được coi là “khổng lồ” nhất của TQ từ trước đến nay đã được phái đến áp sát các vùng biển tranh chấp kể trên... “Ồ, chúng tôi sẽ hút dầu ở đây đấy quý vị à”, cái thông điệp phát ra từ phía TQ đã quá rõ ràng. Mục đích, ý đồ của TQ độc chiếm Biển Đông trước sau là không thay đổi.

Những động thái rất hung hăng táo tợn kiểu đó trong các mối quan hệ quốc tế thời hiện tại của TQ làm người ta nhớ lại “chính sách pháo hạm” của bọn thực dân đế quốc năm xưa. Cái chính sách hiếu chiến và mang đặc tính ăn cướp trắng trợn đó tưởng đã lỗi thời, bị lịch sử lên án không tiếc lời thì nay chúng có cơ sống lại.

Thật quá ư nghịch lý! Vì không thể nghĩ một nước tự xưng là xã hội chủ nghĩa (thực ra là “không phải như vậy”!), lại luôn khoe khoang là bạn bè của các nước đang phát triển, cũng là đất nước trỗi dậy hòa bình với thế giới hóa ra lại đi hành xử với các quốc gia lân bang như TQ đang tiến hành ở Biển Đông được sao?

Những người tinh ý thì lại thấy ở đây là cái món võ mà Bắc Kinh rất hay sử dụng trong quan hệ quốc tế. Hùng hùng hổ hổ gây sự. Rồi lại to tiếng đổ lỗi cho đối phương. Đối phương nhụt chí thì lấn tới luôn. Nhưng một khi ngừoi ta không những không lùi mà “làm già” trở lại (như Nhật Bản, Hàn Quốc từng thể hiện – dĩ nhiên hai nước này có một anh siêu cường to tớng cho dựa lưng) thì TQ lại có cách thoái lui, “thoát ra” rất bài bản… Tóm lại là các ngón đòn ngón võ rất
gian ngoan xảo quyệt.




Xung quanh vụ bãi cạn Scarborough thời gian vừa qua chúng ta thấy TQ cố tình đẩy mọi động thái quân sự-chính trị căng thẳng lên đỉnh điểm. Bắc Kinh dàn thế trận như sắp đánh nhau to (ở trong đất liền và đảo Hải Nam đều có dấu hiệu tăng cường các quân chủng…); nhưng sau đó chính Bắc Kinh lại cho xì van... Đây chính là cách vừa đấm vừa xoa quen thuộc của TQ khi xử sự trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là đối với các nước yếu và nhỏ hơn mình. Nghĩa là vừa tạo áp lực rất mạnh vừa nghe ngóng phản ứng. Trong trường hợp này là phản ứng của Phi và các quốc gia khác sát gần và cả khối các quốc gia lớn ở đằng xa xa... Đây cũng là một cách bắn đi 1 mũi tên nhắm hai ba bốn đích. Là kiểu nắn gân các nước có tranh chấp ở khu vực Biển Đông - và cũng trước hết là phản ứng ra sao đó của Việt Nam chúng ta.


*

Trong bối cảnh như vậy, việc chúng ta vẫn lặng lẽ và tuần tự tăng cường sức mạnh hải quân, mua sắm tàu chiến và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển… là những việc làm thiết thực. Liên quan đến Biển Đông, đến Hoàng Sa Trường sa, đến đội ngũ hải quân là quân chủng trực tiếp sát sườn với công chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo chắc mọi người để ý đến một “đột phá khẩu” – đó chính là hành động chính thức đầu tiên về mặt tinh thần, về mặt đạo lý đối với các chiến sĩ hải đội Trường Sa hy sinh năm 1988.

Liên tiếp diễn ra các nghi lễ kỷ niệm trang trọng cuộc huyết chiến bảo vệ đảo của các chiến sĩ ta vào đầu năm 1988: 64 chiến sĩ hy sinh anh dũng trước mũi súng xâm lược của hải quân Trung Quốc nay đã được làm lễ vinh danh chính thức ngay trên các đảo lớn ở quần đảo Trường Sa...

Chưa kể cả loạt các đoàn đại biểu từ các địa phương trên đất liền tới thăm đảo trong thời gian hai ba tháng vừa qua. Là các buổi trao tượng thánh Trần Hưng Đạo để dựng tại Trường Sa, tặng các kỷ vật có ý nghĩa của nhân dân khắp nơi cho các chiến sĩ đang ngày đêm giữ vững biển đảo...; đấy là những việc làm rất đúng với nguyện vọng của nhân dân, cũng là của toàn dân tộc Việt Nam dù họ đang ở bất cứ nơi đâu trên quả đất này.

Trước sự tác oai tác quái của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông, cách đáp trả của chúng ta là không làm căng thẳng thêm tình hình. Chúng ta vẫn có các mối giao lưu trao đổi về các khía cạnh cũng như các cấp bậc về ngoại giao với TQ... Nhưng chúng ta phải biểu lộ công khai trước âm mưu và hành động xâm lấn biển đảo của hải quân TQ cũng phải bằng những cử chỉ và hành động kiên quyết và kiên trì như chúng ta vừa tiến hành trong thời gian qua. Đó là một cách đáp trả có ý nghĩa đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.


* Tới đây xin được trích đoạn về sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo:

Lời phát biểu của một vị chỉ huy hải quân:  
Đại tá Nguyễn Đức Vượng kết thúc diễn văn tưởng niệm bằng một lời thề khảng khái: “Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông”.

Tại buổi gặp mặt ở Học viện Kỹ thuật quân sự:
Ngày 16/4, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, động viên các sĩ quan, thủy thủ lực lượng tàu ngầm đi đào tạo ở nước ngoài, tại Trung tâm huấn luyện 125 (Học viện Kỹ thuật quân sự).

Phát biểu và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm chuẩn bị đi đào tạo ở nước ngoài, đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Tàu ngầm là loại vũ khí trang bị rất hiện đại, được quân đội ta sử dụng vào mục đích bảo vệ Tổ quốc - một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa quân đội của Đảng và Nhà nước hiện nay. Do đó lực lượng được tuyển chọn cần phải xác định tốt quyết tâm, phải tận dụng mọi thuận lợi để học tập, nắm chắc cấu tạo, tính năng, tác dụng... làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

(NGUYÊN VĂN CÁC THÔNG TIN TRÍCH DẪN TRÊN ĐÂY CÓ ĐƯA Ở CUỐI BÀI VIẾT NÀY)


Trở lại chủ đề bài viết, như thế để đối lại với sự bành trướng bằng sức mạnh vũ lực có thể đến bất kỳ lúc nào từ phía TQ thì đương nhiên chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng... Chúng ta bày tỏ thiện chí, giải quyết bất đồng tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Chúng ta không gây sự gây chiến, nhưng không bao giờ mất đi sự cảnh giác. Và quan trọng hơn là trong mọi cư xử giàn xếp, chúng ta không thể quá nín nhịn lép vế. Vì TQ bao giờ chẳng thế, được đằng chân lân đằng đầu như các cụ ta ngày xưa vẫn nói đó sao.

Vệ Nhi

-------


Xin mời đọc thêm thông tin dưới đây trên báo điện tử Dân trí và Đất Việt:



Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa
(Dân trí) - Chiều 16/4, tại vùng biển Cô Lin, Đoàn công tác các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Điện Biên và TTXVN ra thăm huyện đảo Trường Sa đã tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc.
Tham dự lễ tưởng niệm có các đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Ngô Hà Thái - Phó Tổng giám đốc TTXVN.

"Các thế hệ tiếp nối của lực lượng Hải quân Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc" (Ảnh minh họa)



Đọc diễn văn kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Đức Vượng - Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân nhấn mạnh: Cách đây 24 năm, tháng 3/1988, tại chính nơi đây, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu, kiên quyết giữ đảo. Từ cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam của cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 80 Hải quân. Đó là Anh hùng liệt sĩ Trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, mưu trí, chỉ huy con tàu HQ 505 lên bãi ngầm Cô Lin, để con tàu trở thành chiến hạm nổi, khẳng định chủ quyền của đảo...
Đại tá Nguyễn Đức Vượng khẳng định: Các thế hệ tiếp nối của lực lượng Hải quân Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời xây dựng huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông.

Tiên Minh
TTXVN
Nguồn:  http://dantri.com.vn/c20/s20-586417/tuong-niem-cac-anh-hung-liet-si-hy-sinh-tai-quan-dao-truong-sa.htm

------

Lời thề trước 64 liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa
Cập nhật lúc :8:56 AM, 17/04/2012
Hôm 16/4, cán bộ chiến sĩ tàu HQ 936 cùng đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ anh dũng hi sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền ngày 14/3/1988.




Chiều 16/4, cán bộ chiến sĩ tàu HQ 936 cùng đoàn công tác các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Điện Biên tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa tại khu vực đảo chìm Cô Lin, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày 14/3/1988.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng, phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân, đọc diễn văn tưởng niệm, phác họa lại cuộc chiến đấu hi sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ quần đảo: “Cách đây 24 năm, với âm mưu và thủ đoạn thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông của nước ngoài, cuối năm 1987 và đầu năm 1988, họ đã sử dụng một lực lượng quân sự chiếm đóng trắng trợn và phi lý đối với một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, gây lên sự kiện 14/3/1988 tại cụm đảo Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin. Trong những trận chiến đấu ngoan cường đó, 64 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông - phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ đại úy Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng tàu HQ 604.

Anh hùng liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương - phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa trên tàu HQ 936.

Đó là anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đứng trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy con tàu HQ 505 vừa chiến đấu với tàu địch, vừa nhanh chóng đưa tàu vào bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành chiến hạm nổi chiến đấu chống lại đối phương, và còn rất nhiều gương anh dũng đã hi sinh khác.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng kết thúc diễn văn tưởng niệm bằng một lời thề khảng khái: “Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông”.

Sáng cùng ngày, tập thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa đã long trọng tổ chức mít tinh kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2012).

Cũng trong ngày 16/4, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, động viên các sĩ quan, thủy thủ lực lượng tàu ngầm đi đào tạo ở nước ngoài, tại Trung tâm huấn luyện 125 (Học viện Kỹ thuật quân sự).

Phát biểu và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm chuẩn bị đi đào tạo ở nước ngoài, đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Tàu ngầm là loại vũ khí trang bị rất hiện đại, được quân đội ta sử dụng vào mục đích bảo vệ Tổ quốc - một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa quân đội của Đảng và Nhà nước hiện nay. Do đó lực lượng được tuyển chọn cần phải xác định tốt quyết tâm, phải tận dụng mọi thuận lợi để học tập, nắm chắc cấu tạo, tính năng, tác dụng... làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Nguồn: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Loi-the-truoc-64-liet-si-hi-sinh-tai-Truong-Sa/20124/204707.datviet
--------


Tưởng niệm các liệt sĩ ở thềm lục địa phía Nam

TTO - Ngày 24-5, đoàn công tác thành phố Hà Nội và sáu tỉnh, thành phố khác cùng Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.


Đại tá Trương Công Thế - phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân - đọc lời viếng các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa phía Nam tại buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trên tàu Trường Sa HQ-571 vào trưa 24-5


Đọc lời viếng các liệt sĩ tại khu vực cụm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật (DK1) Tư Chính, đại tá Trương Công Thế - phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân - cho biết 23 năm qua kể từ khi hệ thống nhà giàn DK1 được thiết lập trên thềm lục địa phía Nam, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự hung dữ của bão biển đã làm đổ các nhà giàn vào các năm 1990, 1996, 1999 và 2000 khiến nhiều cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hải quân bảo vệ nhà giàn DK1 hi sinh.

Dù vậy, lực lượng hải quân trên các nhà giàn DK1 vẫn luôn dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, trụ vững trước đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với quyết tâm “còn người, còn nhà giàn”.

Đại tá Trương Công Thế nhấn mạnh: “Với tham vọng thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, nước ngoài đã và đang tìm mọi thủ đoạn lấn chiếm biển, đảo của Việt Nam. Do vậy, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có thềm lục địa phía Nam là trọng trách, đồng thời là mệnh lệnh trái tim của mọi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam”.

Gần 200 người trong đoàn công tác trên tàu Trường Sa HQ-571 dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa phía Nam

Lãnh đạo Hà Nội và sáu tỉnh, thành phố khác cùng lãnh đạo Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn DK1

Thả hương hoa viếng các liệt sĩ nhà giàn tại vùng biển cụm DK1 Tư Chính

Tiếp đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và quân chủng hải quân đã thả vòng hoa, hương, hạc giấy xuống biển để tưởng niệm các liệt sĩ.

Trưa cùng ngày, kế hoạch tổ chức cho toàn đoàn công tác gần 200 người trên tàu Trường Sa HQ-571 vào thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn DK1/14 cụm Tư Chính đã không thực hiện được trọn vẹn vì gió to, sóng lớn. Nhiều người chỉ biết tiếc nuối đứng trên boong tàu gửi tình cảm của mình qua ánh nhìn vào nhà giàn.

Tin, ảnh: DUY THANH



-----
<><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><>

<><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><>

<><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><>
Đặt tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại Trường Sa lớn
Đăng: 07:18:00 25/05/2012
Bức tượng cao 1,59m, rộng 32cm, là một sản phẩm của làng gốm Chu Đậu nổi tiếng. Bức tượng Hưng Đạo Đại vương - vị danh tướng của dân tộc với 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh, một tay đặt lên đốc kiếm, một tay cầm chiếu văn, chân đạp sóng mặt nhìn thẳng ra phía trước.
* Tỉnh Hà Giang trao tặng Trường Sa biểu tượng cột cờ Lũng Cú và lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.
Ngày 24/5, ngày thứ 8 của chuyến hành trình, đoàn công tác số 14 đã đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa. Tại đây, đoàn công tác đã đi thăm hỏi trao quà cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nhiều hiện vật có ý nghĩa, thể hiện truyền thống vẻ vang, ý chí và tình đoàn kết son sắt của dân tộc cũng đã được gửi đến Trường Sa.
Đoàn đại biểu của tỉnh Hải Dương đã trao tặng bức tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và nhiều ấn phẩm thời Trần để động viên cổ vũ tinh thần quân dân huyện đảo. Bức tượng cao 1,59m, rộng 32cm, là một sản phẩm của làng gốm Chu Đậu nổi tiếng. Bức tượng Hưng Đạo Đại vương - vị danh tướng của dân tộc với 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh, một tay đặt lên đốc kiếm, một tay cầm chiếu văn, chân đạp sóng mặt nhìn thẳng ra phía trước như một thông điệp của nhân dân Hải Dương nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, mong quân dân Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, chắc tay súng để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau khi tiếp nhận, quân dân huyện đảo Trường Sa đã thỉnh bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vào đặt tại chùa Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.






Đại diện tỉnh Hải Dương trao tượng Hưng Đạo Đại vương.

Được biết, trước đó chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định - nơi khởi thủy vương triều nhà Trần cũng đã cung tiến bức tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tạc bằng đá nguyên khối, cao 11m cho quân, dân đảo Song Tử Tây. Cả hai bức tượng đặt tại đảo Trường Sa và Song Tử Tây đều dựa trên nguyên mẫu bức tượng Trần Hưng Đạo hiện đặt tại Quảng trường Ba tháng Hai ở thành phố Nam Định.
Chiều cùng ngày, trước cột mốc bia chủ quyền tại huyện đảo, đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang do đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu cũng đã gửi tặng Trường Sa lá cờ 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đã từng được treo trên cột cờ Lũng Cú, địa đầu phía Bắc của Tổ quốc. Cùng với đó, một phiến đá khắc biểu tượng cột cờ lấy từ cao nguyên đá Đồng Văn và bức tranh cột cờ Lũng Cú được trao tặng. Thượng tá Nguyễn Văn Hải, chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa lớn cũng đã gửi tặng đoàn lá cờ Tổ quốc và 2 cây bàng vuông, loài cây có sức sống mãnh liệt, là một biểu tượng của Trường Sa quật cường

Vũ Hân

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...