Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Xấu hổ


Xấu hổ 

ĐỌC TRÊN MẠNG




Những lời bàn về tính cách người Việt đã có khá nhiều. Đương nhiên có niềm tự hào là một dân tộc giàu lòng yêu nước và tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm. Đó chính là nét đặc trưng được ghi dấu vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước... Nhưng khách quan công bằng mà nói, tính cách Việt cũng lắm chuyện đáng bàn. Nhất là vài chục năm lại đây có vô khối sự việc sự kiện khiến dân tình suy tư và lo lắng...

Đó là sự xuống cấp quá sá của nhiều bộ phận dân cư, nhất là những người sống tại các đô thị. Đúng là tệ nạn xã hội đã phát sinh và phát triển hết sức nhanh chóng, nó thậm chí đã phá hoại nghiêm trọng mọi thuần phong mỹ tục trong dân gian, bôi xấu vào các nét sống đẹp đã từng có trong đời sống cộng đồng truyền thống… Đáng tiếc là sự xuống cấp này dù được nhiều "tiếng nói văn hóa" cảnh báo hết sức sớm sủa và cũng rất kiên tâm kiên trì, nhưng xem ra mội chuyện đều đổ xuống sông xuống biển. Nếp sống văn hóa đẹp không những bị vi phạm, biến dạng, thậm chí trong nhiều trường hợp hình như đã bị một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng xã hội chối bỏ vì tính ích kỷ, vô trách nhiệm kiểu ma-kê-nô, sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi. Rất đáng lo và cũng rất đáng sợ trước thực trạng xã hội như vậy.
Xin mời bà con và các bạn tham khảo chủ đề bài viết dưới đây về sự tự phán tự phê trước thói hư tật xấu của người Việt mình hình như ngày một diễn biến rất đáng báo động… 

Vệ Nhi g-th
 
------
 

Người Việt đã 'đứt dây thần kinh xấu hổ'


Không biết xấu hổ thì có nghĩa là không bao giờ có thể tự mình tu tỉnh, rèn luyện, khắc phục những yếu kém, sai lầm của mình. Và cứ như vậy, họ như đôi giày đã giẫm bùn… Không cần gìn giữ nữa, cứ thế mà giẫm bạt mạng, bất kể là vào đâu.

1. Cách đây mấy năm, tôi sang Hàn Quốc. Trong một buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Thông tin Hàn Quốc, chúng tôi có đặt câu hỏi rằng, tại sao Hàn Quốc lại có sự phát triển về kinh tế thần kỳ đến như vậy? Không cần suy nghĩ lâu, ngài Bộ trưởng nói: “Chúng tôi có được như ngày hôm nay chính là vì dân tộc chúng tôi cảm thấy rất nhục nhã, xấu hổ khi phải thua kém các nước khác, đặc biệt là với nước Nhật”.


 

Rồi ông kể cho chúng tôi nghe rằng, vào những năm 60, 70 thế kỷ trước khi người Nhật đã chế tạo ra được những chiếc đài bán dẫn chỉ to hơn bàn tay thì người Hàn Quốc mới làm ra chiếc đài bán dẫn nặng gần 2kg. Mặc dù hàng hóa mẫu mã xấu xí, chất lượng thua rất xa hàng Nhật, hàng Mỹ nhưng người Hàn Quốc vẫn dùng và kiên quyết không dùng hàng Nhật, hàng Mỹ. Họ coi việc sử dụng hàng nội địa là yêu nước. Và cho đến bây giờ, hàng điện tử của Hàn Quốc đã “đánh” cho hàng điện tử của Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khác “xất bất xang bang”.

Ở Hàn Quốc, rất hiếm thấy hàng Nhật, hàng Mỹ. Ô tô chạy trên đường có đến 99% là xe Hàn, còn hàng điện tử và hàng tiêu dùng thì khỏi phải nói đất Hàn không có chỗ đứng cho hàng Nhật. Đúng là sự “cảm thấy xấu hổ” khi thua kém bạn bè đã tạo động lực tinh thần cho người Hàn Quốc. Văn hóa Hàn Quốc đang xâm nhập một cách sâu rộng vào Nhật Bản, Trung Quốc. Còn ở Việt Nam này, người ta mê văn hóa Hàn Quốc đến mức độ đặt tên con cái theo các ngôi sao Hàn, rồi những fan hâm mộ đến hôn cả ghế mà ngôi sao Hàn Quốc vừa ngồi. Chỗ nào cũng thấy sự hiện diện của người Hàn Quốc, từ đồ điện tử, chăn ga gối đệm và đến cái món kim chi vốn khó ăn với người Việt, nay cũng ngự trị trên menu của rất nhiều nhà hàng.

2. Nhìn về nước Việt ta, bấy lâu nay cái dây thần kinh “xấu hổ” đã bị đứt ở rất nhiều người và thực sự đã phần nào làm triệt tiêu tinh thần sáng tạo và vươn lên trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa của người Việt. Không ít cán bộ Việt Nam khi đi sang Cuba đã chê bai, dè bỉu rằng, Cuba nghèo quá, người dân sống khốn khổ quá, thiếu thốn quá và nhiều người đã thẳng thừng tuyên bố, một xã hội như Cuba thì không thể chấp nhận được. Nhưng họ lại không biết rằng, không một trẻ em nào ở Cuba dưới 6 tuổi thiếu sữa uống. Họ không biết rằng, Cuba không có một trẻ em nào thất học và họ càng không biết rằng, ở đất nước này trẻ em đi học không những không phải đóng học phí, mà còn được cấp sách vở, quần áo và một bữa ăn ở trường. Còn khám chữa bệnh cho người dân thì khỏi phải nói, chúng ta đừng bao giờ mơ thấy được như vậy. Thế vận hội Olympic London vừa rồi, Cuba xếp hạng 15 về thành tích thể thao. Trong khi đó, Việt Nam tự hào vỗ ngực với đủ mọi thứ thành tựu thì đứng ở hàng 86, cùng với 20 quốc gia khác “đem quân” đi thi đấu mà trắng tay không được một mảnh huy chương nào. Ấy thế mà cấm thấy có một ai ở ngành thể dục thể thao có lời xin lỗi. Cũng rất nhiều người nghĩ rằng, CHDCND Triều Tiên đang kiệt quệ. Ấy vậy mà họ xếp thứ 20 về thành tích thể thao trên thế giới đấy. Bao nhiêu năm nay, chúng ta tự vẽ ra một vòng hào quang cho mình và người ta lầm tưởng rằng, một quốc gia có thể đánh thắng các đế quốc sừng sỏ nhất trên thế giới thì có thể làm gì cũng được, kể cả trong xây dựng và phát triển kinh tế. Nhưng tất cả đều nhầm. Và thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang “đứng ở đâu”. Chúng ta có rất nhiều đại gia mà về thói ăn chơi của họ thì có lẽ các tỷ phú trên thế giới cũng còn phải chào thua. Nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân vươn ra được thị trường thế giới? Hay là loanh quanh chỉ có vài ba doanh nghiệp cò con… Bao nhiêu năm chúng ta đã sống trong những vầng hào quang giả tạo và không dám thừa nhận một thực tế rằng, trí tuệ Việt Nam ngày càng thấp đi trên bảng xếp hạng toàn cầu. Người Việt Nam ngày càng kém đi về sức lực (mặc dù tuổi thọ cao hơn); môi trường sống ngày càng bị tàn phá nặng nề; trật tự an toàn xã hội ngày một lộn xộn… Còn trong phát triển kinh tế thì khỏi phải bàn. Chúng ta chẳng có gì đáng tự hào ngoài việc là nước xuất khẩu nhiều gạo, nông sản nhiệt đới... Nhưng xuất khẩu lắm gạo, đứng vị trí cao mà giá thấp, khiến người nông dân vẫn cứ nghèo khó? Tôi đã tiếp xúc với không ít doanh nhân Việt. Điều mà tôi nhận thấy nhất ở nhiều người đó là thói huênh hoang, vỗ ngực, nhìn thiên hạ bằng con mắt “mục hạ vô nhân” và nặng về thói làm ăn chộp giật. Rất hiếm người có những khát khao, trăn trở và có suy nghĩ xấu hổ rằng, tại sao chúng ta lại không vươn được ra thế giới?

3. Một sự không biết xấu hổ nữa, đó là người ta đã coi những kẻ tham nhũng, những kẻ phạm tội là… “rất bình thường”. Đã có không ít những trường hợp khi giám đốc bị bắt vì tội tham nhũng thì công đoàn, cấp ủy đơn vị vào tận trại giam tiếp tế thăm nuôi, động viên. Đã có không ít những kẻ khi được mãn hạn tù trở về được người ta tổ chức đón tiếp, thậm chí mang cả hoa đến cổng trại giam để tặng. Chao ôi! Thời bao cấp nhà nào có con hư đốn bị công an bắt; có người đảo ngũ, có người mắc vòng lao lý thì người thân trong gia đình khi ra đường chỉ cúi mặt, không muốn để thiên hạ nhìn thấy.

Nhưng bây giờ, khái niệm “xấu hổ” trong rất nhiều, rất nhiều người khi mắc sai phạm hầu như không còn nữa. Một người không biết xấu hổ thì cũng có nghĩa rằng họ không còn liêm sỉ. Mà với kẻ không có liêm sỉ thì có thể làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích cá nhân.

Cách đây ít hôm, tôi có dịp được trò chuyện với một Bí thư Tỉnh ủy. Ông đã cay đắng thốt lên rằng, cán bộ, đảng viên bây giờ nhiều người không còn biết xấu hổ nữa. Họ không biết xấu hổ khi đã không làm tròn chức trách được Đảng, nhân dân giao phó. Và vì không biết xấu hổ cho nên họ trở nên vô cảm đối với dân. Cái họa cũng chính từ đây mà ra. Tôi có hỏi ông rằng: Vậy tình hình như thế này thì phải làm thế nào? Ông cười như mếu và nói: Nghị quyết Trung ương IV có rồi, vấn đề bây giờ là làm thế nào để cho cán bộ thấy rằng cần phải biết xấu hổ với những việc làm của mình. Có xấu hổ thì mới biết tu tỉnh.

Nhân dân ta vốn là một dân tộc rất rộng lòng tha thứ. Người dân cũng sẽ sẵn sàng bỏ qua cho những lỗi lầm của người khác nhưng vấn đề ở chỗ là người ấy phải biết xấu hổ và còn phải biết giữ liêm sỉ cho mình. Không biết xấu hổ thì có nghĩa là không bao giờ có thể tự mình tu tỉnh, rèn luyện, khắc phục những yếu kém, sai lầm của mình. Và cứ như vậy, họ như đôi giày đã giẫm bùn… Không cần gìn giữ nữa, cứ thế mà giẫm bạt mạng, bất kể là vào đâu.

Như Thỏ (Theo Báo điện tử Năng lượng Mới) 



Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...