Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Tri ân

Tri ân

Entry này không định trước mà trùng khớp là entry thứ 1.000 trên blog của tôi. Tôi dành nó cho ngày 27/7 - ngày Thương binh Liệt sĩ. Gia đình tôi là gia đình liệt sĩ. Nên sự trùng hợp bất ngờ này khiến tôi nao nao lòng tưởng nhớ đến chú em ruột Nguyễn Văn Yên của tôi.

Yên sinh 1948, tuổi Mậu Tý. Đi bộ đội khi 18 tuổi, tập luyện rèn quân trên đất Bắc khoảng gần 1 năm là vào Nam, lúc hành quân vào trong đó rơi đúng mùa hè 1968. Sau gần 4 năm có mặt trên các chiến trường phía Nam, ngày 5/7/1972 Nguyễn Văn Yên hy sinh ở "chiến trường B2 Nam Bộ" như giấy báo tử gửi về gia đình ghi như vậy. Tính ra năm đó em tôi mới 24 tuổi.

Thời gian trôi nhanh thật, bởi nếu không là liệt sĩ mà trở về với gia đình được thì đến Tết này, Nguyễn Văn Yên đã là một ông lão thất thập như cách tính tuổi ta trên quê hương Kinh Bắc của chúng tôi...

Mấy dòng mở đầu dành riêng cho người em liệt sĩ, giờ xin trở lại chủ đề 27/7.  

Hôm nay trên các nghĩa trang liệt sĩ khắp đất nước, những nén hương tri ân lại được thắp lên. Tôi nhớ cũng vào dịp này vài năm trước anh bạn tổng biên tập tờ báo trước tôi làm có đặt tôi viết một bài ngắn cho ngày 27/7. Tôi đoán chắc anh bạn đồng nghiệp được ai đó biết mà ghé tai bảo là tôi có em trai liệt sĩ nên trực tiếp đặt bài...

Về tôi, khi bài viết xong, rất nhanh tôi đặt tên là "Nén hương tri ân". Ban biên tập tờ báo đã dành một vị trí trang trọng đặt vào bài viết này. Đó là điều đặc biệt vì đây là một tờ báo đối ngoại, báo của bộ ngoại giao, thế mà các bạn lứa sau vẫn xử lý trân trọng một vấn đề dù sao cũng chỉ là một vấn đề, một chủ đề đối nội.

Bài báo cũ mà tôi viết tôi vẫn trân trọng giữ nó trong toàn vẹn cả số báo đó. Hôm nay lại được nhớ đến một ngày đáng nhớ này. Tôi trộm nghĩ, ngày hôm nay, đứng trước những bàn thờ từng gia đình liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc, các bà mẹ và người vợ liệt sĩ Việt Nam lại giấu giọt nước mắt (như là muốn linh hồn người ngã xuống đỡ buồn lòng). Các mẹ và các chị một lần nữa lại trân trọng lau cho trong mặt kính của những khung ảnh mà phía sau đó là đôi mắt các anh mãi mãi một nụ cười nhẹ nhàng không bao giờ tắt ở trên các di ảnh để lại kia...

Trên thế gian rộng lớn bao la này, tôi tự nghĩ cái tình người cũng như đạo nghĩa thủy chung bền chặt cuả gia đình giữ lại trong nhau - người ở lại và kẻ ra đi mãi mãi - chắc chắn ở người Việt chúng ta chả thua kém dân tộc nào, quốc gia nào về độ bền chắc, nghĩa sâu rộng nếu không muốn chủ quan nói là chúng ta ở vào hàng đầu của thứ tình cảm thiêng liêng và đầy chất người, chất nhân văn nhân đạo đó.



Bản thân tôi do nghề nghiệp cũng có dịp đi đến rất nhiều vùng đất xa xôi ngoài biên giới nước mình, có những lưu tâm tìm hiểu phong tục tập quán cũng như đời sống người bản địa... thì nói thật nhé, tịnh không/chưa thấy dân tộc nào, quốc tịch nào có đạo thờ gia đình tổ tiên "chặt chẽ" và "phổ biến rộng khắp" như dân tộc Việt Nam mình. Sau những cuộc chiến tranh mà đất nước ta buộc phải trải qua, rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống nơi chiến trường - bên này hay bên kia mặc lòng -, thì những bàn thờ tổ tiên/gia tiên kia bao giờ cũng là nơi dành thờ ông bà, cụ kỵ, rồi cha sinh mẹ dưỡng, thì nay được đặt thêm ảnh hoặc di vật của người liệt sĩ để cùng thờ, cùng thắp nén hương tưởng nhớ.

Đấy là nét đẹp, rất đẹp của văn hóa Việt Nam, của tính cách Việt Nam, của tình nghĩa Việt Nam, thật vậy!

Mọi điều, mọi cái dù quý đến đâu, dù tưởng như trơ trơ, bất hoại, nhưng rồi vẫn cứ xoay vần, đổi thay, thậm chí mỏi mòn và biến mất. Ấy nhưng thứ tình cảm thiêng liêng cố kết của gia đình Việt Nam kia, thứ đạo nghĩa ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn luôn luôn là thứ báu vật không bao giờ thay đổi trong con người Việt Nam.

Tôi nghĩ ngày 27/7, ý nghĩa sâu xa của ngày kỷ niệm này, chắc chắn nó sẽ trường tồn cùng lịch sử...

Vệ Nhi






     

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...