VỪA QUA CỤ VĂN CAO ĐƯỢC TRUY TẰNG GIẢI THƯỞNG HỒ
CHÍ MINH. BẠN BÈ GỬI CHO BÀI VIẾT DƯỚI ĐÂY, XIN POST LÊN ĐỂ BÀ CON VÀ BẠN BLOG CỦA
TÔI CÙNG ĐỌC VÀ CHIA SẺ.
THỰC RA BÀI VIẾT ĐÃ XUẤT HIỆN TRÊN TRANG TNc TỪ ĐẦU NĂM 2013,
NHƯNG HỒI ĐÓ ÍT NGƯỜI ĐỂ Ý ĐẾN, NAY GIA ĐÌNH CỤ VĂN CAO ĐƯỢC NHÀ NƯỚC MỜI ĐẾN NHẬN
DANH HIỆU VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CAO QUÝ NÊN NHỮNG CÂU CHUYỆN XUNG QUANH NGƯỜI NGHỆ
SĨ TÀI NĂNG NÀY LẠI MỘT LẦN NỮA ĐƯỢC NÓI ĐẾN VỚI SỰ KÍNH TRỌNG VÀ KHÂM PHỤC.
Cụ Văn Cao là người tài, rất tài. Tài hơn là cuộc đời của cụ đầy bầm dập nhưng ở cụ không nản chí (chí hướng về văn nghệ), không đố kỵ hoặc thù hận gì ai ngay cả khi biết rõ những người ghen ghét và bày kế hại mình. Chung quy là bởi ở tầm văn hóa và đạo đức của con người Văn Cao, đó là những điều rất đáng trân trọng.
Về bài viết, có thể ghi lại đây ý kiến của người
bạn nhóm chung hòm thư của chúng tôi, anh VQD, khi anh tâm sự rằng, “... bài viết hay quá, sâu sắc và
xúc động quá. Rất nhiều người trong đó có mỗ mỗi khi nghe, hát bài ca
"Mùa Xuân đầu tiên" này đều ứa lệ, cảm thương. Mỗ từng so
sánh Bài ca này như "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" (Thorn
Bird), con chim gồng hết tâm sức mình hót lên réo rắt trước khi lao vào bụi mận
gai đi vào cõi chết! Cảm thương thật sự! Xin lấy ý này thay cho câu kết lời giới thiệu
này.
Vệ Nhi
------
Trần Mạnh Hảo
“Trong âm nhạc, Văn Cao sang
trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ
mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần
tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm
khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...” -Trịnh Công Sơn -
"Năm 2013 này là năm kỷ niệm 90
năm ngày sinh của thiên tài văn nghệ Văn Cao - người đã tự lưu đầy
mình vào vĩnh cửu bằng ba tài năng lớn : hội họa, thi ca và âm nhạc. Văn Cao
nhà cải cách tiền phong cả ba nghệ thuật : hội họa, âm nhạc và thi ca. Bài
này chỉ nói về kiếp nhạc của Văn Cao.
Không đợi khi xuân đến, tết về
như dịp này, chúng tôi mới nghe lại bản nhạc bất hủ : “Mùa xuân đầu tiên” Văn
Cao khởi viết cuối tháng 12-1975, hoàn thành trong dịp tết Bính
Thìn năm 1976. ( Xin quý bạn đọc vào công cụ tìm kiếm : www.google.com
, rồi đánh tên bản nhạc để có thể nghe rất nhiều ca sĩ hàng đầu hát bài : “
Mùa xuân đầu tiên” này).
Đây là bài hát có số phận đặc
biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều
tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa : vui ít, buồn nhiều,
mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều,
bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than
nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc
nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít,
bơ vơ nhiều…
Hầu như tất cả các trạng thái
tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này : ai
vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau khổ hát
lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế giới sầu thảm
đang đồng cảm cùng mình…
Nghe đi nghe lại bản nhạc này,
ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể dùng ngôn
ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian, nghe bản nhạc “
Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn đạt nỗi lòng mình.
Riêng lời bài hát đã là một bài
thơ hay :
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông một trưa nắng cho bao tâm hồn. Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về Người mẹ nhìn đàn con nay đã về Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh Niềm vui phút giây như đang long lanh. ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người Từ đây người biết thương người Từ đây người biết yêu người . Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”
Rất nhiều chim én, nhiều nắng
gió, có nước mắt vui gặp gỡ của đàn con nay đã về, có cuộc đời êm ấm…nhưng
sao hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông” lặp lại hai lần
làm không gian của “Mùa xuân đầu tiên” xa xôi, bơ thờ thế, xao xác thế, hoang
vắng thế, hiu quạnh thế, đơn độc có phần cô đơn thế ? Chợt nhớ nỗi buồn thiếu
quê hương của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu xưa, cũng một tiếng gà trưa Văn
Cao nay, một khói sóng trên sông xa Văn Cao nay, u hoài khôn
xiết : “ một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông” :
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Trời về chiều tối, tự hỏi quê
nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!)
Chợt nhớ Lưu Trọng Lư “thời con
nai vàng ngơ ngác” với câu thơ tiền chiến xưa sao rất đồng cảm với nỗi vui
não nùng Văn Cao nay : “ Tiếng gà trưa xao xác não nùng”.
Bài hát như một điệu valse bằng
nước mắt; sự thướt tha, quý phái của một giai điệu bi thương; sự sang trọng
của ngậm ngùi, day dứt; sự lãng mạn của một phiêu linh, xô dạt; sự mê đắm của
một vu vơ; sự đoan trang của cái đẹp lỡ thì; sự liêu trai của ngơ ngác, đìu
hiu; sự dịu dàng của nỗi thương đau, xót nhớ….
Chừng như đã mấy chục năm chiến
tranh liên miên chưa từng có xuân về ? Chừng như gần hết cả đời người bận
chuyện đấu tranh giai cấp giành giật miếng ăn chưa từng thấy chim
én báo xuân ? Chừng như đã rất lâu rồi sự căm thù trùm lên xã hội không còn
ai biết thương người ? Chừng như đã lâu lắm rồi ta tha hương trên chính quê
hương mình ? Chừng như suốt mấy cuộc chém giết kinh hoàng mạo danh cách mạng,
không còn ai biết yêu con người ? Chừng như mấy mươi năm rồi con người đã
quên mình còn nước mắt ? Chừng như lâu rồi tâm hồn người không được sưởi nắng
mùa xuân ?
Và chừng như lâu lắm rồi Văn Cao
quên không còn nhớ mình từng là nhạc sĩ lãng mạn đã có cả chục ca khúc vào
hàng kiệt tác ? Chừng như cây đàn piano cũ kỹ do Hội nhạc sĩ Việt Nam cho Văn
Cao thuê mỗi tháng 07 đồng, ( thuê căn gác chật hẹp cũ kỹ 108 Yết Kiêu 15
đồng) đã bị thời gian phủ bụi đầy rêu mốc ? Chừng như đôi tai Văn Cao đã bị
súng đạn thời cuộc, sự hò hét xướng ca hò vè phục vụ chính trị một thời làm ù
đặc, khi tất cả các kiệt tác âm nhạc của ông đều bị chế độ Việt Nam dân chủ
cộng hòa ( Miền Bắc) cấm hát, trừ bài quốc ca ( kể cả thơ Văn Cao
cũng bị cấm) ?
Và chừng như toàn bộ vết thương
cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay ông mà nhỏ
xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến những vết thương
chợt mở miệng ca hát : “Mùa xuân đầu tiên”
Chừng như nỗi niềm ngày 30 tháng
tư năm 1975 : “ có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người
Việt Nam buồn” ( lời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã hiện ra nơi bài hát :
“ Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao ? Trong bài hát ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe có
một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và một nửa nước buồn thua trận cũng
trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau,
cười khóc mếu máo bầm dập nhau, nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh
phiêu bạt thế, nức nở nghẹn ngào thế ?
Có lẽ, chính vì những điều trên
mà kiệt tác “ Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao sau khi được báo “Sài Gòn giải
phóng” in trước tết Bính Thìn: 01- 01 - 1976, được hát trên Đài
Tiếng nói Việt Nam mấy lần liền bị cấm suốt 24 năm ( 1976-2000). Sinh thời, Văn
Cao không được nghe, được nhìn thấy đứa con tinh thần lớn lao này của mình
được trình diễn. Sau khi ông mất ( 1995) 05 năm, “ Mùa xuân đầu tiên” mới ra
khỏi nhà tù kiểm duyệt của chế độ.
Xin quý bạn đọc hãy nghe nhà
thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể sơ qua về sự ra
đời của bài hát này :
“Sau khi bài TIẾN VỀ HÀ NỘI ra
đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố
đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa... Nhưng rồi những năm tháng
sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng
được dàn dựng...
Tôi còn lưu giữ được một số tác
phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông
không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30 năm thì tôi
chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt
Nam.
Những ngày tháng sau đó, căn gác
nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ
cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có
cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ
“bị vỗ vai”.
Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn.”
(trích bài “Văn Cao với ca khúc
“Mùa xuân đầu tiên” của Văn Thao in trên “Tạp chí Sông Hương” số 179-180).
Văn Thao tiết lộ tiếp rằng, bài
hát bị cấm ở Việt Nam nhưng bên nước Liên Xô người ta lại dịch sang tiếng
Nga, phát trên Đài phát thanh Matxcova :
“Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN đã được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.””
Qua tiết lộ trên của anh Văn
Thao, con trưởng nhạc sĩ thì nhà ông Văn Cao trên căn gác nhỏ 108 Yết Kiêu
suốt một thời luôn luôn có công an ngầm canh gác, ai đến đều “ bị vỗ vai” hỏi
tên tuổi, xem đến nhà tên phản động “Nhân Văn” làm gì ? Người viết bài này
sau năm 1975 có lần đến thăm nhạc sĩ Văn Cao để cho ông mượn cuốn tiểu thuyết
vĩ đại : “Giờ thứ 25” của văn hào Romania Constantin
Virgil Gheorghiu ( 1916-1992) mang ra từ Sài Gòn như đã hứa, cũng
đã từng bị công an mật “vỗ vai” hỏi đi đâu ? Bèn bảo : đi phỏng vấn tác giả
“Quốc ca” viết bài in báo cũng bị cấm à ? Người “ vỗ vai” hất đầu cộc lộc :
“Vào đi “.
Người ta đã cầm giữ Văn Cao như
một tù nhân lương tâm bị giam lỏng, một thứ nhà tù tại chỗ, nhà tù nhân dân
kiểu xã hội chủ nghĩa. Rằng Văn Cao bị vô hiệu hóa suốt 30 năm vì tội Nhân
Văn - Giai Phẩm. Rằng suốt 30 năm ấy, nhạc sĩ Văn Cao sống rất nghèo khổ, “
bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu “.
Chúng ta lại được nghe người con
trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nghiêm Bằng kể sơ qua về sự ra đời của
“ Mùa xuân đầu tiên” :
“Đó là một đêm vào giữa tháng
12-1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa
đông Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy,
tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn
piano - đối diện với chiếc đivăng tôi đang ngủ.
Một giai điệu khe khẽ vang lên,
nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã đàn trên
chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ VN cho thuê lại với giá 7 đồng rưỡi một tháng
(lương tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15 đồng); từ ngày kỷ niệm
30 năm Tiến quân ca (1974), chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi thì cha
lại rất ít có dịp dùng đến.
Bài hát đã được báo Sài Gòn Giải
Phóng số năm mới 1-1-1976 in trang trọng ở bìa 4 và thu thanh ngay sau đó,
được phát trên sóng Đài Tiếng nói VN, nếu tôi không nhầm thì do ca sĩ Trần
Khánh và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN trình bày. Bài hát được phát khoảng
mươi lần trong chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được truyền bá chủ yếu qua
sóng phát thanh), rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng.
Như mọi lần, trong suốt mấy chục
năm, cha không tỏ ra bực bội gì, chỉ hơi buồn thôi. Cha tôi nói chắc chắn bài
hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó. Và như mọi lần, cha tôi
lại đúng. Chỉ có điều lúc đó cha tôi không còn nữa. Khi bài hát lần đầu tiên
được phát trên sóng truyền hình Việt Nam năm 2000, cha tôi đã mất được năm
năm.”Nhà thơ NGHIÊM BẰNG
THU HÀ ghi
http://vietbao.vn/Van-hoa/Mua-xuan-dau-tien-cua-cha-toi/40186268/181/ (Tít bài do TNc sửa) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét