Về bên quê Bắc Ninh ăn tết trở ra Hà Nội thì nhận được thư chúc tết và bài viết này của anh bạn Nguyễn Quang Dy. Trong thư tác giả viết: "Đây là bài định viết cho ngày mồng Một để chúc Tết bạn hữu, nhưng vì mắc bận Tết nên hôm nay mới viết xong để kịp ngày "hóa vàng" (mồng ba Tết là ngày đẹp). Chúc chủ blog và độc giả năm mới an lạc và may mắn. Happy new year again!". (NQD).
Cám ơn tác giả Nguyễn Quang Dy, cây bút ghi nhiều dấu ấn trong năm 2016 vừa qua với những bài viết phân tích và bình luận sâu sắc về tình hình VN và thế giới. Nhiều độc giả VN và người đọc được tiếng Việt ở nước ngoài đã thành thói quen là đón chờ và tìm đọc Nguyễn Quang Dy.
Hầu hết các bài viết tiếng Việt của anh thường cũng có tiếng Anh do chính anh viết trực tiếp vì NQD sử dụng thành thạo ngoại ngữ này ngay từ những năm anh còn đi lam như một công chức ngành ngoại giao.
Trở lại bài viết " chúc tết" nhân ngày đầu xuân mới Đinh Dậu, điều mà tôi thích nhất là cái nhóm từ, cái mệnh đề được anh nhắc đi nhắc lại trong bài - là "Trở về Tương lai".
Tương lai là hướng đi tới, là ở thì vị lai. Ấy thế mà NQD lại bảo tương lai là "Trở về"?! Nói thế, viết thế mà không sợ người ta bảo là viết ngược, nói ngược ư ?!
Nhưng thực ra tác giả rất có lý bởi ngày xưa (1986), thời ông Nguyễn Văn Linh là Tbt đảng, chẳng đã có một thời đối mới đất nước rất ấn tượng, thì ngày nay là "quay về thời đổi mới đó", để mà duy trì, để mà đưa đất nước - trong đó có sự nghiệp báo chí - cùng đi tới, tiến lên hơn nữa chứ đâu có gì lạ...
Anh Nguyễn Quang Dy viết về báo chí cần đổi mới. Nhiều năm xưa anh Dy từng là một "hướng dẫn viên" rất có nghề cho đội ngũ báo chí phương Tây hùng hậu xin vào VN đưa tin viết bài về cuộc chiến tranh trước 1975.
Bản thân chủ blog cũng là nhà báo, theo đuổi nghề báo này suốt thời kỳ công tác của mình...
Như vậy là "tri kỷ, tri âm" với nhau, nên rất trân trọng giới thiệu với bà con và bạn bè bài viết của tác giả Nguyễn Quang Dy về báo chí như món quà tinh thần để chúng ta hãy cùng với nhau "khai đọc đầu xuân...
Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh
-----
Đổi mới Báo chí: Trở về tương lai
Nguyễn
Quang Dy
Chính phủ muốn “kiến tạo”, phải đổi mới thể chế (cải cách “vòng hai”), vì tình trạng kinh tế, chính trị, an ninh (đặc biệt là tài chính) đang ở mức báo động. Không có cách gì khác, và không còn chỗ lùi. Muốn đổi mới thể chế, phải đổi mới cả báo chí (vòng hai). Điều đó đã từng diễn ra sau Đại hội Đảng VI (12/1986), với khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”, “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, “nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật…” (Nguyễn Văn Linh). Nói cách khác, đổi mới báo chí là “trở về tương lai” (back to the future).
Bước ngoặt lịch sử
Thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng mới, tạm gọi là khủng hoảng chính trị, mà đặc trưng là khủng hoảng thể chế, với quy mô toàn cầu. Hiện tượng Brexitism (tại Anh), Trumpism (tại Mỹ) có mẫu số chung là sự trỗi dậy của trào lưu dân túy và dân tộc. Chúng ta đang chứng kiến một bước ngoặt lịch sử, kết thúc một giai đoạn (toàn cầu hóa và thương mại tự do) để bước sang một giai đoạn mới (tạm gọi là “hậu toàn cầu hóa”).
Người ta ví tình trạng nước Mỹ (và thế giới) hiện nay gần giống với bối cảnh Liên bang Xô viết bị sụp đổ. Trật tự thế giới (world order) đang trở thành “disorder”, trước khi có một trật tự mới. Tại Mỹ, bầu cử tổng thống trở thành phong trào phản kháng của một bộ phận dân chúng bị toàn cầu hóa gạt ra lề. Nhưng họ bị phái dân túy lợi dụng bằng những khẩu hiệu dân tộc đầy mị dân để giành chính quyền bằng một cuộc “chính biến” (thông qua bầu cử). Trong bối cảnh đó, báo chí cũng bị khủng hoảng, phân hóa, và mất dần vai trò.
Báo chí truyền thống bị suy yếu do sự phát triển của mạng xã hội, và báo cực hữu lên ngôi (như Breitbart News). Công chúng bị thao túng bằng “fake news” và “fake policy”. Những nhà báo chính thống (như Dan Rather) bất bình và bất lực, trong khi những học giả có uy tín (như Paul Krugman) bi quan và thất vọng. Tại Việt Nam, báo chí cũng bị khủng hoảng và phân hóa thành “lề phải” và “lề trái”, cả hai cùng bị thao túng như nhau.
Trong bối cảnh đó, muốn giành lại vai trò và chức năng báo chí (như “Fourth Estate”) giới báo chí (nói chung) phải có tiếng nói độc lập và khách quan. Để có nội lực nhằm khẳng định vai trò phản biện và chức năng phê phán trong quá trình đổi mới thể chế, báo chí Việt Nam (nói riêng) cũng phải độc lập (Make journalism independent again!)
Trở về tương lai
Báo chí độc lập và phê phán (independent & critical journalism) đã có cơ hội khởi sắc sau năm 1986, trong quá trình đổi mới (vòng một) cho tới thập niên 1990. Những nhà báo như Kim Hạnh (nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ) là những tấm gương dũng cảm đi đầu trong phong trào đổi mới báo chí thời kỳ đó. Hãy nhớ lại không khí đổi mới (vòng một) để tìm cảm hứng cho đổi mới (vòng hai). Nói cách khác là “trở về tương lai”.
Thực ra cách đây khoảng một thế kỷ, người Việt đã “khởi nghiệp” nền báo chí độc lập, với những nhân vật tiên phong tiêu biểu như Nguyễn Văn Vĩnh và Trương Vĩnh Ký. Đó là một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ với sự xuất hiện đồng thời của công nghệ in ấn hàng loạt và phong trào dùng chữ quốc ngữ. Giao thoa văn hóa với thế giới phương Tây, đặc biệt là dòng văn học lãng mạn và nhân văn của Pháp, đã truyền cảm hứng và làm hình thành một tầng lớp trí thức Việt mới đầy năng động (như một “giai cấp sáng tạo”).
Đó chính là “cách mạng truyền thông lần thứ nhất”, cái nôi của báo chí hiện đại, cùng với phong trào “Tự lực Văn đoàn”, phong trào “Thơ mới” và “Tranh mới”…Tại Viêt Nam đã xuất hiện một thế hệ trí thức mới gồm những nhà báo, nhà thơ, họa sỹ tài hoa, mà tên tuổi đã đi vào lịch sử như một di sản và “sức mạnh mềm” của dân tộc. Họ mang đậm dấu ấn nhân văn và dân tộc trước buổi hoàng hôn của chủ nghĩa thực dân cũ. Đó là hệ quả không định trước tại một bước ngoặt lịch sử. Liệu lịch sử có lặp lại để “trở về tương lai”?
Ngày nay, sự phát triển bùng nổ của Internet và truyền thông kỹ thuật số, đã làm xuất hiện các thể loại “báo mới” (new media) như “social networks & blogosphere”. Đói là hệ quả và dấu ấn của trào lưu toàn cầu hóa, cái nôi của “cách mạng truyền thông lần thứ hai”. Sự hình thành các “xa lộ thông tin” không chỉ làm hạ tầng kỹ thuật cho sự phát triển công nghệ mới và thương mại tự do, mà còn làm vô hiệu hóa hệ thống kiểm duyệt báo chí truyền thống, mở cửa cho thế giới mạng phát triển và lấn sân báo chí chính thống.
Vai trò của báo chí “chính thống” (mainstream media) với hơn 700 cơ quan báo chí “lề phải”, đang bị lu mờ và mất dần vai trò, trong khi báo chí “ngoài luồng” (fringe media) như các trang mạng “lề trái” và Facebook phát triển vô tội vạ, làm “vàng/thau” lẫn lộn. Vì vậy, muốn báo chí có tiếng nói độc lập, khách quan và xây dựng, phải nâng cao dân trí và đổi mới thể chế báo chí (cả “lề phải” và “lề trái”) để hợp nhất thành một dòng chảy.
Báo chí độc lập
Báo chí muốn độc lập phải khách quan (objective, impartial), một nguyên tắc hàng đầu của báo chí. Điều đó có nghĩa là nhà báo không tham gia phe phái nào, và không ủng hộ bên này chống bên kia. Độc lập còn thể hiện bằng chức năng phản biện và phê phán, để phản ánh đúng sự thực và bênh vực lẽ phải, không khuất phục cường quyền.
Báo chí muốn độc lập phải trung thực (truthful, honest), không nói sai sự thật hoặc làm sai lạc thông tin để bóp méo sự thât (fake news/half truth). Nhà báo không được trở thành công cụ của các phe phái hay nhóm lợi ích (do bị mua chuộc hay bị đe dọa), vì vậy phải liêm chính, không được lợi dụng nghề nghiệp để kiếm tiền hay lợi ích riêng.
Báo chí muốn độc lập (có thái độ khách quan và trung thực) phải kiểm chứng nguồn tin (verify sources). Đó là cam kết và nguyên tắc hàng đầu để tránh hồ đồ và ngộ nhận, và tránh không bị các nhóm lợi ích lợi dụng và thao túng, trở thành cái loa tuyên truyền và làm tay sai cho họ. Trong bối cảnh hiện nay, khi các phe phái đang phân hóa và tranh giành lợi ích quyết liệt, thì báo chí vừa là công cụ vừa là mục tiêu bị tấn công.
Sức mạnh của ngòi bút (power of a pen) không dựa vào thế lực hay tổ chức nào, mà do giá trị thông tin dựa trên sự thật, nhằm mục đích cuối cùng (bottom line) là phục vụ lợi ích công chúng (public interest). Muốn thông tin có giá trị thuyết phục thì nguồn tin phải trung thực, và người đưa tin phải độc lập và khách quan. Trong số các nguyên tắc báo chí hàng đầu, thì cam kết đối với sự thật và trách nhiệm đối với công chúng là cao nhất (first and formost), dù sự thật có thể chưa công bằng (fair) hay thiếu cân bằng (balanced).
Theo Bill Kovach (Chairman, the Committee of
Concerned Journalists), “Mục đích của báo chí là cung cấp cho nhân dân thông
tin mà họ cần để họ được tự do và tự quyết”. (“The Elements of Journalism: What
News People Should Know and the Public Should Expect”. Bill Kovach & Tom
Rosenstiel, Crown Publishers, 2001).
Sự thật (facts & truth) về bản chất không có phe phái và không thể thay thế. Không thể có “sự thật khác” (alternative facts): đó chẳng qua là “fake news” để các nhóm lợi ích hù dọa (bully) hay lừa gạt, làm công chúng lẫn lộn (confused). Báo chí độc lập phải tôn trọng sự thật, vì đó là “nền móng” (bedrock) của nền dân chủ (Dan Rather).
Khó thay đổi
Trong bối cảnh các nước chuyển đổi và khủng hoảng về thể chế (như Việt Nam), nhà báo có thể “tự diễn biến”, đánh mất lòng tin của công chúng. Ví dụ, tổng biên tập một tờ báo “chính thống” đã hồn nhiên dạy đời, “nghề phóng viên là phải như con chó ấy” (biết phục tùng chủ). Gần đây, một số báo “lề phải” đã tham gia vào “cuộc chiến nước mắm”, làm tổn hại lợi ích cộng đồng, do đó đánh mất hết lòng tin của công chúng đối với báo chí “chính thống”. Vì vậy, muốn độc lập, trước hết nhà báo phải có tư cách (integrity).
Trong thời đại Internet, với sự bùng nổ của truyền thông trực tuyến (online media), vai trò của “truyền thông công dân” ngày càng lớn. Các nhà báo (dù là “lề trái” hay “lề phải”) muốn có tư cách trong thế giới truyền thông kỹ thuật số (khó bị kiểm duyệt) thì trình độ dân trí cần phải cao. Không phải chỉ để họ nắm vững và ứng dụng công nghệ mới, mà họ cần hành xử với nhau trên mạng một cách có văn hóa. Tình trạng “chửi bới và ném đá” tràn lan trên mạng chứng tỏ dân trí còn thấp. Làm sao đổi mới để “trở về tương lai”?
Một số quan chức có tư duy độc lập, nhưng phải chờ nghỉ
hưu mới dám lên tiếng (do lo sợ hay ám ảnh bởi quy chế): Hiện tượng đó nay được
gọi là “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Hầu hết những người cộng sản (bên thắng cuộc) và
chống cộng (bên thua cuộc), tuy chống đối nhau quyết liệt, nhưng lại giống hệt
nhau vì cùng cực đoan: Hơn 40 năm sau cuộc chiến, họ vẫn không thể hòa giải chỉ
vì “treo cờ đỏ hay cờ vàng”. Mỗi lần Tết Nguyên đán đến, người Việt lại được
xem chương trình “Gặp nhau Cuối năm” (Táo quân). Suốt 13 năm qua, người Việt vẫn
ăn một món ăn tinh thần ngày Tết, được sào nấu lại mà không chán!
Tết đến, xuân về là thời điểm ý nghĩa nhất của năm mà người ta thường tự vấn để gột sạch lương tâm và mở rộng tấm lòng với đồng loại, để chào đón một năm mới với hy vọng đổi mới. Vì vậy, hãy đổi mới thể chế và báo chí để “trở về tương lai!”
NQD. 30/1/2017 (3 Tết Đinh Dậu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét