Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Thờ Mẫu & Hầu bóng

Thờ Mẫu & Hầu bóng

Đầu tháng 12/2016 năm ngoái khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu ở VN thì cũng có những ý kiến chưa tán đồng hoặc thậm chi là trái chiều. 

Đến mức vậy thì có thể có một sự lầm lẫn ở đây giữa tín ngưỡng thờ Mẫu mà VN trình lên Unessco xem xét & công nhận và tục hát lên đồng (hầu đồng, đồng bóng) có sự biến tướng để cầu lợi và gây tốn kém  ho một bộ phận con người tham gia. Nếu như thế thì nguy cơ các hoạt động nghi lễ về tôn giáo ở các đền thờ Mẫu sẽ có thể biến dạng thành một thứ tập tục có màu sắc mê tín dị đoan mà chúng ta cần đề phòng và chung lưng gạt bỏ chúng ra khỏi đời sống cộng đồng...

Xin đưa ra vài bài viết về chủ đề này để bà con đọc blog và bạn bè trong ngành ngoại giao, đối ngoại đọc tham khảo, chia sẻ.

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

------



Lại bàn về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam

Huỳnh Thiệu Phong
 



(1) Thờ Mẫu là một hiện tượng văn hóa xã hội rất đặc biệt của Việt Nam. Sự hình thành của nó khởi phát cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của sự hình thành tôn giáo, tín ngưỡng của nhân loại.
Con người là một động vật bậc cao, có khả năng nhận thức và tư duy. Tuy nhiên, khi trình độ khoa học kĩ thuật chưa hình thành, trước thiên nhiên hùng vỹ và vũ trụ bao la, con người chưa có khả năng lí giải chúng từ góc độ khoa học. Họ chỉ mới có khả năng nhận thức mối đe dọa của chúng đối với sự sống của bản thân và cộng đồng của mình. Do đó, những hiện tượng tự nhiên đã được nhìn nhận qua lăng kính “siêu nhiên”. Và vì nhìn nhận chúng dưới lăng kính siêu nhiên, chưa thể lí giải được nên con người phải tôn thờ các đối tượng và lực lượng ấy thông qua những nghi lễ (tôn giáo). Do được tôn thờ nên chúng cũng được nhân loại gắn cho tính thiêng.
Trải qua giai đoạn dài với sự biến thiên của lịch sử, văn hóa, xã hội, niềm tin vào sự linh thiêng của các đối tượng siêu nhiên ấy vẫn không thuyên giảm mà vẫn tồn tại trong tư duy, nhận thức của con người. Đấy chính là tiền đề để tôn giáo, tín ngưỡng ra đời trong đời sống của nhân loại. Vì lẽ đó, bản chất của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính là niềm tin, là sự ngưỡng vọng của con người vào các đối tượng được sùng bái. Các thiêng ở đây chính là sự đối lập với cái trần tục trong đời sống xã hội. Trong nhiều loại niềm tin, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng chính là niềm tin linh thiêng nhất. Nó là biểu hiện cho sự xác tín, sự đảm bảo của các lực lượng siêu nhiên đối với một cuộc sống bình yên cho cộng đồng.
(2) Nhận thức và tư duy của người Việt hiển nhiên cũng không nằm ngoài qui luật vận động ấy. Với người Việt, đời sống tinh thần của họ đã phản ánh một thế giới quan, nhân sinh quan đậm chất nhân văn. Vì lẽ đó, nhiều loại hình tín ngưỡng đã được hình thành. Chúng chính là tấm gương phản ánh tinh thần nhân văn và sâu sắc của cộng đồng. Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là một biểu hiện rõ nét cho tinh thần nhân văn ấy của người Việt.
Từ thuở xa xưa, đàn ông là người phụ trách công việc đi săn bắn, tìm kiếm nguồn lương thực chủ yếu trong mỗi gia đình. Song nguồn thực phẩm này rất bấp bênh vì không phải lần đi săn nào cũng thu được kết quả. Trong khi đó, người phụ nữ lại ở nhà phụ trách việc trồng tỉa chăn nuôi (hoặc đi hái lượm hoa quả trong thời tiền sử). Do đó, mặc dù nguồn lợi thực phẩm không dồi dào như đi săn, nhưng nó lại đảm bảo sự ổn định. Ta có thể xem đó là yếu tố tiên quyết, là nguồn gốc sâu xa của việc con người ngày trước chỉ biết có mẹ mà không biết đến cha vì vai trò của người đàn ông rất mờ nhạt.
Trong rất nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo hiện diện ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu là một dạng thức tín ngưỡng rất đặc sắc. Nó đặc sắc ngay từ cách gọi tên dạng thức tín ngưỡng này. “Mẫu” ()[1]là một danh từ gốc Hán-Việt, mang nghĩa chỉ: mẹ, mụ, mạ, mế, tức dùng để gọi người phụ nữ sinh ra mình.Tại Việt Nam, cũng nằm trong xu thế phát triển trong tư duy của nhân loại, ở một trình độ cao hơn, có lý thuyết khoa học chỉ đạo, có các nhà tư tưởng, các nhà khoa học phân tích, nghiên cứu và nâng lên thành lý thuyết triết học. Nhưng con người ở thời kỳ cổ đại chưa có tư duy như vậy. Vì lẽ đó, từ tư duy “hồn nhiên” như vậy, con người chỉ đủ sức lý giải nó ở phạm trù nhận thức là biến nó thành tín ngưỡng mà thôi. Kể từ đó, các mẹ trở thành đối tượng được sùng bái [1, tr.13].Vai trò của người mẹ đã được GS. Vũ Ngọc Khánh đề cập trong công trình Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam“Mẹ sáng tạo ra con, chăm sóc con từ ngày con ở trong nôi cho đến lúc mẹ từ giã cõi đời. Những ngày đầu tiên của lịch sử nhân loại, con người chỉ biết có mẹ, không biết có cha. Xã hội hình thành cũng phải trải qua chặng đường đầu tiên là thời kỳ mẫu hệ. Do đó trong quan niệm của loài người, không thể thiếu hình ảnh người mẹ” [1, tr.11]. Về sau, quan niệm ấy dần được mở rộng hơn về phạm vi. Con người ai cũng có mẹ, vậy thì ông Trời mặc dù là đấng tối cao, nhưng cũng phải có mẹ; rồi vạn vật trên trái đất này đều có mẹ, tất cả đều phải tuân theo quy luật đó. Và từ những quan niệm đó thì những yếu tố và hiện tượng tự nhiên như: Mây, mưa, nước, núi, đất, … cũng đã “có” mẹ.Trong công trình Bản sắc văn hóa Việt Nam, học giả Phan Ngọc đã đánh giá rất cao cách sử dụng thuật ngữ “tục thờ Mẫu” vì ông cho rằng người Việt đã khái niệm hóa rất thành công một dạng tín ngưỡng vốn đã được tích hợp từ nhiều tín ngưỡng khác theo bốn yêu cầu: Tổ quốc – gia đình – thân phận – diện mạo. Bốn yêu cầu ấy chính là biểu hiện của tâm thức dân tộc; nó đã lý tưởng hóa thế giới siêu nhiên để thỏa mãn nhu cầu của đời sống hiện thực thông qua một hình ảnh rất gần gũi của con người – hình ảnh người Mẹ [3, tr.291].(3) Nhìn nhận sự hình thành của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam nói chung và tại Nam Bộ nói riêng, trên cơ sở thống nhất việc sử dụng bộ ba C-K-T (tức định vị sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu từ ba chiều kích), tác giả xét đến ba góc độ: C –K –T. Như vậy mới có thể có cái nhìn bao quát.Xét tổng thể trên không gian văn hóa Việt Nam (tức yếu tố K), Việt Nam nằm ở ngã ba đường, nơi tiếp nhận và hội tụ các nền văn hóa trên thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng từ văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Một khi có sự tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh vào nền văn hóa bản địa thì chắc chắn sẽ có nhiều yếu tố mới được hình thành; theo Nguyễn Quang Lê, mối quan hệ tương giao kiểu như vậy là khá phổ biến. Chính vì vậy đã tạo cho nền văn hóa bản địa một sức sống mới, tràn đầy sinh lực và phù hợp với thời đại [2, tr.21]. Mặt khác, môi trường tự nhiên chủ đạo của Đông Nam Á là môi trường rừng núi, chính vì vậy mà nó cũng chi phối rất nhiều đến sự cấu thành các hình thức tín ngưỡng. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng vậy, vì theo lý thuyết “Giới và Tôn giáo” của Richley H. Crapo thì: “Có nơi, có lúc các nam thần và nữ thần được xem là một thế lực lớn mạnh khuôn đúc thái độ và giá trị con người Trong những xã hội do nam giới thống trị, những thứ có liên hệ với phụ nữ được coi là nguy hiểm, mang tính siêu nhiên và có nguy cơ đối với nam giới. Thần linh và nữ thần là những thực thể tối thượng” [12, tr.12], do đó mà: “Người Việt có xu hướng nữ tính hóa các hiện tượng tự nhiên, biến các thần tự nhiên thành các nữ thần và tôn phong nhiều vị nữ thần là Mẹ/Mẫu” [6, tr.12].
Mặt khác, xét từ khía cạnh của chủ thể C (tức cộng đồng người Việt), Việt Nam là quốc gia có văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước. Sự sinh sản của Đất-Nước-Lúa gắn với biểu tượng Mẹ – Nữ thần. Điều này đã dẫn đến chất âm tính trong hầu hết các khía cạnh của văn hóa Việt. Do vậy mà nó đã kéo theo nhiều đặc tính văn hóa, có thể phân biệt được với văn hóa gốc du mục. Trần Ngọc Thêm cho rằng chất âm tính của văn hóa nông nghiệp dẫn đến hậu quả trong quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ, và trong tín ngưỡng là tình trạng các nữ thần chiếm ưu thế. Và vì cái đích mà người nông nghiệp hướng tới là sự phồn thực, cho nên nữ thần của ta không phải là các cô gái trẻ đẹp, mà là các Bà Mẹ, các Mẫu.




Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt chính là một sản phẩm mới được hình thành trên cơ sở của Đạo giáo Trung Hoa, kết hợp thêm với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, Phật giáo và Nho giáo [7], [10]. Vì vậy, ta có thể lí giải được một thực tế là mặc dù mang dáng dấp của Đạo giáo Trung Hoa, song nếu với Đạo giáo Trung Hoa, các vị thần linh hầu như là nam giới thì trái lại, với thiên đường Đạo giáo của Việt Nam (biểu hiện bằng tín ngưỡng thờ Mẫu), hầu như đều là các nữ thần.Xét từ góc nhìn lịch sử (tức yếu tố T), đã có một thời gian, sự ảnh hưởng của Nho giáo đã làm giảm đi giá trị và hình ảnh của người phụ nữ Việt vì những quan niệm như: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “Tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử”, “Chỉ hạn đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán…” (Luận Ngữ). Và thực tiễn cũng cho thấy sự chuyển đối vị thế của yếu tố giới trong gia đình. Do đó: “Tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm văn hóa của người Việt trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội mà nền tảng là chế độ nông nghiệp lúa nước với gia đình tiểu nông phụ quyền làm trung tâm trong một môi trường làng xã khép kín” [11, tr.1].Cá biệt, khi xét đến nguồn gốc hình thành của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, còn cần phải lưu ý đến yếu tố xã hội đúng như quan điểm của Philip Taylor [4]. Sự hẫng hụt[2] về thân phận của người dân Nam Bộ như không được chia ruộng công, tổ chức làng xã bị (thực dân) xáo trộn, không có truyền thống văn hóa để gắn kết… đã khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một trong những công cụ, điểm tựa mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà vị thế tọa lạc của hai vị Mẫu có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Nam Bộ là Bà Chúa Xứ và Bà Đen lại nằm ở những vị trí trọng yếu (hai ngọn núi cao ở Nam Bộ và gần với biên giới). Vị trí tọa lạc ấy phản ánhtâm thức của người dân về nhu cầu, khát vọng về cuộc sống bình an, hạnh phúc. Khát vọng đó nói lên tư duy sáng tạo, bắt nguồn từ yếu tố địa-chính trị, địa-lịch sử và địa-văn hóa của Nam Bộ.
(3) Truy nguyên diễn trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là minh chứng cho luận điểm: tín ngưỡng thờ Mẫu là một thực thể mang tính lịch sử, tức nó thuộc về phạm trù lịch sử. Vì vậy, diễn trình phát triển của nó cũng chứa đựng nhiều biến đổi trong các giai đoạn khác nhau, có lúc lắng đọng, có lúc hiển lộ và thăng hoa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Ở tín ngưỡng thờ Mẫu (đặc biệt là vùng đất Nam Bộ), ta vừa thấy có những yếu tố truyền thống, vừa có những yếu tố hiện đại, tức nó vừa cũ lại vừa mới.
Con đường phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu từ khởi thủy đến sự du nhập vào Nam Bộ với biểu tượng quyền năng nhất, linh thiêng nhất là Bà Chúa Xứ núi Sam, về đại thể có thể được đánh dấu bởi những cột mốc đáng lưu ý theo sơ đồ sau:
Diễn trình hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ
(Nguồn: Huỳnh Thiệu Phong)
Căn cứ vào hình 2.1, ta có thể hình dung một cách khái quát diễn trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu được chia làm 3 giai đoạn: (1) Con đường hình thành của tục thờ Mẫu thần từ tục thờ nữ thần; (2) Tục thờ Mẫu thần chuyển hóa thành tín ngưỡng thờ Tam phủ – Tứ phủ; (3) tín ngưỡng Tam phủ – Tứ phủ sau đó theo chân những lưu dân vào Nam và hình thành nên các hình tượng Mẫu mới mà cũ, đó là các Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu…
Ở giai đoạn thứ nhất, nhận thức được vai trò của người phụ nữ trong đời sống văn hóa của dân tộc, người Việt đã có một bước chuyển biến mang tính sáng tạo trong việc đưa những nữ thần sang một vị thế mới: Mẫu thần với danh xưng “Thánh Mẫu”. Sự chuyển biến này là do dạng thức tín ngưỡng bản địa này đã tiếp nhận yếu tố của Đạo giáo (Phù thủy). Trong một công trình gần đây của mình, tác giả đã chỉ ra những đặc trưng nhất định trong việc phân biệt các “Thánh Mẫu” của Bắc Bộ và Nam Bộ[3]; hay nói theo Ngô Đức Thịnh: “Mẫu đều là Nữ thần nhưng không phải tất cả Nữ thần đều là Mẫu thần, mà chỉ một số Nữ thần được tôn vinh là Mẫu thần…” [9, tr.29]. Bước thay đổi trong tư duy này đã giúp cho tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một dạng tín ngưỡng độc nhất vô nhị trên thế giới, bởi lẽ trong văn hóa của nhiều quốc gia đều có tôn thờ nữ thần, song đưa nữ thần lên tôn thờ như một người Mẹ (Mẫu) thì chỉ có ở Việt Nam.
Ở giai đoạn thứ hai, trên cơ sở tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt sau đó tiếp nhận sự du nhập của Phật giáo và sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đã diễn ra như một quy luật. Lúc ấy, tín ngưỡng thờ Mẫu lại bước gần hơn trên con đường biến chuyển thành một tôn giáo sơ khai, với sự xác lập một hệ thống thần linh và điện thờ có lớp lang rõ ràng. Thờ Tứ pháp ở Bắc Bộ là một biểu hiện của sự giao lưu văn hóa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với văn hóa Phật giáo rất rõ nét. Đó là dấu hiệu cho thấy việc tôn thờ tự nhiên, phụ nữ và kết hợp với Phật giáo. Các Mẫu thần lúc này chính là một sự hiện sinh cho tầm ảnh hưởng to lớn của người Mẹ Việt Nam mà theo Phạm Đức Mạnh, ông gọi đấy là sản phẩm của yếu tố nội sinh và ngoại sinh từ Phật giáo và Đạo giáo. Vì vậy, có thể xem đây là một hệ thống phát triển cao hơn, trên cơ sở thờ nữ thần, Mẫu thần bản địa và tiếp nhận các hưởng về quan niệm vũ trụ luận và hệ thống thần linh của Đạo giáo Trung Hoa.
Giai đoạn thứ ba khởi phát từ những biến thiên của lịch sử. Trên bước đường di cư, những lưu dân Việt từ Bắc Bộ – địa bàn phát tích của tín ngưỡng này đã đem theo hành trang là tâm thức tôn thờ các Mẫu để vào vùng đất mới Nam Bộ. Trên bước đường di cư ấy, cộng đồng người Việt phải đi qua “một trạm trung chuyển”, đó là vùng (duyên hải) Nam Trung Bộ. Tại đây, họ đã tìm thấy điểm chung với cộng đồng người Chăm trong tục thờ Mẫu. Vì vậy mà một vị Mẫu mới đã xuất hiện – Thiên Yana Thánh Mẫu (Diễn Ngọc Phi). Đây là vị Mẫu thần của hai tộc người Việt – Chăm được hình thành trên cơ sở tích hợp hình tượng Yang Po Inư Nâgar (“Mẹ Xứ sở” của người Chăm) với tâm thức thờ Mẫu của người Việt.
Hơn nữa, khi đến vùng đất mới, tâm thức ấy (vốn đã tiếp thu tâm thức thờ Mẫu của người Chăm) lại tiếp tục giao thoa thêm một lần nữa với các vị nữ thần của người Khmer (như nữ thần Neang Khmau), sau này có thêm người Hoa (Thiên Hậu Thánh Mẫu) để rồi các Bà Chúa Xứ, Bà Đen – những vị Mẫu thần mới đã được hình thành. Vì lẽ đó, có thể xem Bà Chúa Xứ chính là biểu hiện của tín ngưỡng cổ sơ “Cha Trời, Mẹ Đất” nằm trong truyền thống lâu đời của dân tộc nhưng cũng rất mới vì có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa với các tộc người khác. Đây là lí do dẫn đến hệ thống thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ ở đây rất mờ nhạt.
Tuy nhiên, có một điểm khá khác biệt trong cách gọi các Mẫu của người dân Nam Bộ so với Bắc Bộ mà ta cần lưu ý, bắt nguồn từ tính cách thoáng đạt của người dân Nam Bộ đó là cách gọi “các Mẫu” là “các Bà” đúng như nhận xét của học giả Phan An, đó là “ở Nam Bộ không có thờ Mẫu mà là thờ Bà. Quả thật, trên vùng đất Nam Bộ, có lẽ là nơi có nhiều Bà được thờ cúng nhất trong cả nước ta…”[7, tr.13].





Nói tóm lại, tín ngưỡng thờ Mẫu là sản phẩm văn hóa độc đáo của sự giao lưu văn hóa, có sự kết hợp yếu tố nội sinh (tục thờ Mẹ nguyên thủy) với các yếu tố ngoại snh (văn hóa Đạo giáo phù thủy, Phật giáo). Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ môi trường địa lí, văn hóa, xã hội mà do vậy, tuy có sự tương đồng về ý nghĩa tâm linh nhưng tên gọi cũng như vai trò, vị trí của các Mẫu ở Nam Bộ có sự khác biệt rõ rệt so với các Mẫu ở Bắc Bộ (ví dụ như: Tứ Pháp ở Bắc Bộ trở thành Ngũ Hành Nương Nương ở Nam Bộ).
(4) Sự hiện sinh của các Mẫu trong đời sống văn hóa của người Việt là thiên biến vạn hóa. Nó được biểu hiện qua sự đa dạng trong hình tượng của các Mẫu. Tuy nhiên, có mấy vai trò và chức năng nổi bật đáng lưu ý của các Mẫu có thể kể đến sau đây:
Một là, các Mẫu có thể vừa đảm nhiệm nhiều vai trò như một vị Thành hoàng, một vị Địa Mẫu (theo hệ thống thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ) hay một vị thần ban phát tài lộc cho con người.Vai trò của các Mẫu phụ thuộc vào nhận thức của cư dân từng địa phương.
Hai là, các Mẫu có mối liên hệ mật thiết với cộng đồng cư dân địa phương và môi trường sinh thái. Do đó, có thể xem vai trò này chính là biểu hiện của sự thích nghi sinh thái[12]. Tùy thuộc vào điều kiện môi sinh, các Mẫu sẽ có những vai trò tương thích với môi sinh đó. Chẳng hạn như, thông qua nghiên cứu điền dã, Phan Thị Yến Tuyết đã cho rằng: “Đối với vùng biển Nam Bộ không có nhiều miếu Bà Chúa Xứ như vùng nông nghiệp (không giáp biển) Nam Bộ” [12, tr.382]. Điều này là có thể lý giải vì suy cho cùng, Bà Chúa Xứ là một thổ thần (tức Địa Mẫu) chứ không phải là hải thần.
Ba là, tín ngưỡng thờ Mẫu là minh chứng của sự bình đẳng giới, bởi vì hình tượng của Đất, của Nước, của Hồn dân tộc đã len lỏi vào từng giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Những giá trị đó đã trải qua một quá trình tích hợp lâu dài, trở thành một phần của nền tảng tinh thần người Việt, góp phần vào sự hình thành, tồn tại và phát triển của văn hóa dân tộc. Mặt khác, ý nghĩa về bình đẳng giới của dạng thức tín ngưỡng này cũng có thể được xem như một hồi chuông để cảnh báo cho sự phân biệt giới đã từng một thời tồn tại trong tư duy và nhận thức của người Việt vì ảnh hưởng từ sự tiếp nhận Nho giáo.
Bốn là, nói như học giả Ngô Đức Thịnh, tín ngưỡng thờ Mẫu là một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh, tín ngưỡng hóa. Vì lẽ đó, nội dung của tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng trong đó những triết lí sống mang chức năng giáo dục rất cao. Con người tìm đến các Mẫu phải đến với với cái tâm hướng thiện. Ở khía cạnh khác, các tín đồ không tìm đến các Mẫu với những ý niệm siêu phàm, mà trái lại, đó là những ước mong mang tính hiện thực. Vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu đang được “trẻ hóa” và có thể tồn tại vững chắc trong xã hội đương đại, tiêu biểu là nhận định của Nguyễn Hữu Thụ khi ông cho rằng: “Tín đồ theo các Mẫu không hề suy giảm trong lịch sử bởi lẽ Mẫu không mang trong mình tính sáng thế mà chỉ mang ý nghĩa đùm bọc, chở che, bao dung, nuôi dưỡng con người và vạn vật mà thôi” [11].
Năm là, ngoài chức năng giáo dục, tín ngưỡng thờ Mẫu còn giữ một chức năng quan trọng khác nữa, đó là chức năng cố kết cộng đồng với 4 yếu tố: cộng cư – cộng lợi – cộng mệnh – cộng cảm. Chẳng hạn như ở Nam Bộ, sự tích hợp các giá trị văn hóa của người Việt, người Chăm, người Khmer, người Hoa đã sáng tạo nên những hình tượng Mẫu mới. Đó cũng đồng thời cho thấy sự đoàn kết, chấp nhận để dung hợp lẫn nhau khi có sự hỗn cư giữa các tộc người. Nhờ vậy mà bao đời nay, các tộc người thiểu số đã cùng với người Việt tạo nên một vùng đất Nam Bộ đầy yên bình.
Nói tóm lại, vai trò và chức năng của tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện một tầm nhìn văn hóa vì nó chứa đựng nhiều quan niệm, tư tưởng liên quan đến thiên nhiên (sự đa dạng về vai trò của các Mẫu), con người (khẳng định tính đúng đắn về bình đẳng giới và chủ nghĩa yêu nước đặc trưng của người Việt), cũng như mối quan hệ giữa con người với tự nhiên (thích nghi sinh thái), giữa con người với con người (cố kết cộng đồng). Tầm nhìn văn hóa ấy góp phần vào sự định hình hệ giá trị văn hóa bền vững, mang bản sắc văn hóa của vùng Nam Bộ./.
H.T.P
Sài Gòn, 18/2/2017
(Nội dung trích từ một phần Luận văn tốt nghiệp ngành Việt Nam học:
“Khai thác giá trị văn hóa của Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam trong phát triển du lịch tâm linh tỉnh An Giang” – Huỳnh Thiệu Phong (2017))


*Tài liệu tham khảo:
[1]                   Vũ Ngọc Khánh (2012), Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.
[2]                   Nguyễn Quang Lê (2014), Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Khoa học Xã hội.
[3]       Phan Ngọc (2006), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học.
[4]       Philip Taylor (2004), Gooddess on the Rise: Pilgrimage and Polular Religion in Vietnam, Honolulu, University of Hawaii Press.
[5]       Huỳnh Thiệu Phong (2015), Tương đồng và dị biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ và giá trị của nó đối với hoạt động văn hóa du lịch (Khóa luận tốt nghiệp Cao đẳng Việt Nam học), Đại học Sài Gòn.
[6]       Nguyễn Minh San (1998), Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc.
[7]       Võ Văn Sen, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Lên (Đồng chủ biên) (2014), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ – Bản sắc và Giá trị”, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[8]       Ngô Đức Thịnh (2014), Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Nxb Dân trí.
[9]       Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam (tập 1), Nxb Tôn giáo.
[10]    Nguyễn Hữu Thụ (2010), “Dấu ấn của sự giao lưu văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”, in trongKỷ yếu Hội thảo Khoa học “Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa”, tr.325 – 336.
[11]    Nguyễn Hữu Thụ (2008), “Về thái độ ứng xử của người Việt với tự nhiên trong tín ngưỡng thờ Mẫu”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần 3, bản PDF.
[12]    Phan Thị Yến Tuyết (2016), Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Chú thích: 
[1]Chữ “An” () được hp thành t b miên() có nghĩa là mái che và ch nữ” ()có nghĩa là người ph nữ”; mang ý nghĩa phúc đức ti mu, trong gia đình, vai trò ca người ph n là rt quan trng.
[2]“Frustration” (từ dùng của nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong công trình Bản sắc văn hóa Việt Nam).
[3]Ở Nam Bộ, danh xưng “Thánh Mẫu” là phổ biến hơn Bắc Bộ. Điều này do ành hưởng từ Trung Hoa. Một số vị Mẫu ở Bắc Bộ thực chất chính là Thánh Mẫu, song những vị Mẫu đó lại không có danh xưng là “Thánh Mẫu”. Trái lại, ở Nam Bộ, điều này là phổ biến hơn cả. Thông qua danh xưng, ta có thể dễ dàng phân biệt các nữ thần nào là Mẫu thần [5].



 -----

Đọc Tham khảo:
http://vov.vn/di-san/tin-nguong-tho-mau-duoc-unesco-cong-nhan-la-niem-tu-hao-574389.vov



Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...