Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Đôi lời về chuyện "dựng tượng vua ở trụ sở tòa án"

Đôi lời về chuyện "dựng tượng vua ở trụ sở tòa án"
Định không góp lời nào vào câu chuyện TAND tối cao dự kiến dựng tượng một vị vua ở trụ sở tòa án các cấp, nhưng vừa đây thấy vị trưởng/chánh văn phòng của TANDTC cải chính rằng mới chỉ định dựng tượng ở tòa tối cao thôi, còn các cấp tòa khác mới đề đạt, muốn cũng xin được dựng tượng mà... chưa xét đến.

Trong khi đó, mới trước đây ít ngày chính một quan chức có trách nhiệm cao hơn ông chánh văn phòng này (phó chánh án TANDTC) - mà báo chí phản ánh - đã nói rằng ý định là sẽ dựng tượng một ông vua ở trụ sở tòa án tối cao và tòa các cấp.

Bất luận tình tiết cụ thể hơn nữa như thế nào, thì chỉ như vậy thôi đã có một sự tiền hậu bất nhất. Tức nói rồi lại chối, đó là một cử chỉ không 'fair play' của những người có vị trí lãnh đạo, chỉ đạo của ngành bảo vệ công lý.

Nhìn trở lại sự vụ vừa qua, các vị ở ngành tòa án đã phạm phải sai lầm cũng như có sự nhận thức nhầm lẫn đáng tiếc, cả về ngành của mình, cả về cái nhìn, quan điểm lịch sử.

Các vị chọn ra bất cứ vị vua nào trong lịch sử để làm biểu tượng cho ngành tòa án - ngay cả là một vị "minh quân nhất" -, thì theo tôi cũng không nên chọn.

Bởi đã là vua, người đứng đầu một triều đại phong kiến thì ở ngôi vị này người ta tất phải bảo vệ lợi ích của triều đại, lợi ích của hoàng gia hoàng tộc mình đang trị vì. Chắc chắn lợi ích đó không thể trùng hợp với lợi ích thuần túy của người dân, với lợi ích bách tính trong nhân quần được.

Đó là điều tất yếu, không khác được. Bởi nếu làm điều gì khác đi thì hoàng tộc cũng không cho phép, và ông vua này sẽ sớm muộn - hoặc phải chấp nhận, hoặc buộc rút khỏi vũ đài.

Vả lại đã đội lên vương miện, thì "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" (nghĩa là vua bảo chết mà không chịu chết là bất trung) kia mà. Vua là nhất rồi, luôn luôn đúng mà, dân - ở đây là "thần" được hiểu là tầng lớp quan lại, xếp cao hơn dân một bậc - dù oan ức cũng mặc, cũng phải chết, kẻo mang tội lớn là bất trung. Nếu thế thì còn có gì là công bằng nữa, còn điều gì là công lý gì nữa?


Tóm lại, đi tôn phục một vị vua, dù vua hiền tài nhất, để dựng lên một hình tượng tiêu biểu cho ngành tòa án, ngành bảo vệ công lý là một sự nhận thức và lựa chọn đều rất không đúng, tức là rất sai lầm.
Tôi nghĩ ngành tòa án sau khi tiếp nhận được những ý kiến người dân phát biểu trên mạng xã hội (và báo chí chính thống) đã và đang sôi nổi bàn luận mấy hôm nay, cần tiếp thu và sớm có quyết định dứt khoát.
Đó là xếp lại (nói thẳng ra là dẹp bỏ) cái ý tưởng và dự án dựng tượng vua Lý Thái Tông ở các trụ sở tòa án các cấp. Và thậm chí chỉ dựng tượng này riêng tại TANDTC (vừa mới xây lại tại 43 phố Hai Bà Trưng) cũng không nên tiến hành nữa.

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...