Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

 CHUYỆN NHÀ VĂN, GIỚI VĂN...


Văn tài của Đỗ Chu đã có rất nhiều lời bàn và khen ngợi. Có một "tài lẻ" nữa của Chu là vẽ và làm thơ thì đến nay chưa có nhiều bài viết luận bàn đến.
Mới đây đến thăm Đỗ Chu, chủ nhân hào hứng cho tôi giơ điện thoại chụp ông đứng bên mấy họa phẩm treo trên tường ở phòng khách, nên tôi thấy có thể "treo" chúng công khai lên tường này, là để fb-ker bạn bè khắp nơi quen biết và những người đọc tác giả văn xuôi này cùng biết.
Hai chân dung: nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Khải (nét họa theo cách truyền thống) cùng với chân dung cụ giáo sư triết học Trần Đức Thảo (nét họa theo trường phái tượng trưng). Cụ bà Đỗ Thị Hạp mẹ nhà văn Đỗ Chu là em gái của cụ Trần Đức Thảo, người bên làng Tháp thuộc phủ Từ cũ (là Từ Sơn bây giờ), nơi cũng rất gần với quê làng Sặt của tôi. Đỗ Chu bảo với tôi, cụ Thảo là "người nhà Giời", ý là người rất tài, đặc biệt hiếm có, là người nhà Trời. Tôn trọng thôi vì đấy là một cách đánh giá riêng của nhà văn.
Góc phòng, tôi nhác trông thấy trên bàn viết một tập giấy dày mà chủ nhân Đỗ Chu đã viết lên trang đang mở một bài thơ dài (Chu vẫn thế, viết tay bản thảo chứ không biết dùng máy tính đánh chữ). Biết ý Chu không muốn tôi xem tập giấy (mà chắc trong đó đang ghi rất nhiều bài thơ khác Chu đã làm), thôi vậy thì tôi không bàn về thơ Đỗ Chu ở đây nữa.
Lâu không gặp Chu, thấy bạn 77 tuổi vẫn tương đối khỏe mạnh so với lứa tuổi, nhẩn nha ngồi bó gối, thỉnh thoảng làm một bi thuốc lào bằng cái điếu cày tre ngà - vật "bất khả li thân" - thì mừng cho sức khỏe của bạn già. Cô Nhu, vợ Đỗ Chu hồi này khá bẫy chẫy, đi lại trong phòng nhanh nhẹn hơn những lần xưa đến thăm thì càng mừng hơn cho gia đình bạn.
Mỗi lần gặp ông lão nhà văn có một nếp sống, một cách "lập ngôn" không giống ai, có thể gây nên sự khó chịu cho người ngồi nghe, cho người đối thoại này, là dịp được biết khá nhiều câu chuyện thú vị bên lề của giới văn nhân. Lần này (chắc là vừa sau sự kiện họp Đại hội nhà văn lần 10 mới đây), ông cứ mấy lần thốt lên, "văn chương cần, nước nào cũng cần", nhưng tới "hơn 1 nghìn các ông các bà nhà văn" như ở xứ ta thì nhiều quá, đông quá. Phải chi độ "trăm, hơn trăm văn nhân thôi thì tốt hơn", và "mọi sự mọi điều theo đó mà tốt hơn"..., được như thế thì hay biết mấy. Ông bạn tôi nói thế là có cái lý riêng của ông, ông muốn có một giới nhà văn chuyên nghiệp, thực sự chuyên nghiệp, có tài về nghề, và nhất là sống được bằng chính ngòi bút của mình mới đúng, mới tốt. Chứ văn chương không thể là một nghề làm nghiệp dư, được chăng hay chớ, làm nó theo cách tài tử, a-ma-tơ (amateur) kiểu đồng loạt phong trào, ào ào đại trà mà có thành tựu được...
Còn nhiều chuyện khác nữa theo cách xét đoán, bình giá của Đỗ Chu về sinh hoạt văn giới. Một dịp khác, khi thấy thuận tiện và xét có ích thêm cho "thông tin văn chương" thì tôi sẽ viết, sẽ bàn đến sau.
Có thể nói đây là một buổi đi chơi bạn bè, cố nhân thăm nhau, dù là ngẫu hứng thế thôi mà bản thân thấy là khá thú vị...











Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...