Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Câu chuyện tu nghiệp sinh

Câu chuyện tu nghiệp sinh
(hay phản hồi từ một Entry)


Trên blog tôi cách đây hơn một tháng có post một bài viết về câu chuyện đi lao động nước ngoài.

Entry này kể chuyện chú em tôi, một người tốt tính lại chăm chỉ, muốn “làm giàu” (thực ra chỉ là muốn tích lũy ít vốn liếng, đẻ sống mát mặt hơn chút đỉnh trong hoàn cảnh nông thôn nông nghiệp còn "trần ai" lắm. Hết sức cảm thông với chú em tôi.
Rồi chú em tôi quyết chí đi “xuất khẩu lao động”, chấp nhận để đi bằng mọi giá... Bao nhiêu trắc trở, có thể nói là “đoạn trường” đến với chú em và các bạn của chú, lúc sắp đi ở VN và rồi sang bên Séc... Bởi các chú này đi kiểu chui lủi, đi bằng cách “bất hợp pháp”.

Nhỡn tiền thấy hết cái khó cái cực ở đất người (dĩ nhiên cũng nhận ra học được cái tốt) nên một thời gian trần lực "cày bừa", kiếm được ít tiền đủ trả nợ (vay để “chạy” chuyện đi), chú quay trở về để tính một chuyện làm ăn gì đó trong nước, đỡ cảnh xa vợ xa con và nơm nớp lo bị trục xuất.

Bài viết của tôi động đến một vấn đề thiết thực của nhiều gia đình có thân nhân tương tự cảnh ngộ, nên họ chuyển cho tôi những phản hồi, tin nhắn, thư email, gọi điện... đủ kiểu. Trong số này có một bài viết mà tôi giới thiệu dưới đây.

Nội dung, ý tứ toàn bài viết của bạn có tên minhthanhjp này tôi cố gắng giữ lại. Cái ý bao trùm là phê phán cách làm trong vấn đề xuất khẩu lao động mà ta làm lâu nay (ở đây chỉ nói về trường hợp với Nhật Bản).

Bài viết có tính phản biệt mạnh, thậm chí là rất mạnh. Tôi nghĩ mặt này - về ý nghĩa nào đó - là được, là đáng khuyến khích.

Ngay trong ý phản biện, trong nước chúng ta dùng từ ngữ “xuất khẩu lao động” thì tác giả bài viết này cũng đã không tán thành. Nhưng do VN mình chính thức sử dụng trong các văn bản nhà nước rồi, tức đã tồn tại nhóm từ ngữ này lâu nay, nên tôi nghĩ hãy “để ngỏ” vấn đề tác giả này nêu ở đây. Chúng ta sẽ không bàn đến cái chi tiết đầy tranh cãi này vào lúc này.

Bài viết của minhthanhjp bên cạnh các ưu điểm, vẫn bị hạn chế ở một số điểm, có thể nói có chỗ trở thành nhược điểm - điều đáng tiếc - nó làm mất đi tính khách quan và thuyết phục. Có thể là do tâm thế người viết có sự bực dọc nào đó (do va chạm, chứng kiến nhiều điều trái tai gai mắt ở bên đất Nhật chăng?). Hoặc cũng có thể tác giả chưa đủ các thông tin trên đất Việt Nam hoặc các thông tin từ các cơ quan VN nào đó chăng? Nên chúng tôi thấy đôi chỗ tác giả hơi vội khi kết luận, có thể hơi suy diễn... Thậm chí về mặt hình thức biểu hiện, ở rải rác trong bài, tác giả đã dùng những từ ngữ chưa được chuẩn, không tu từ cẩn trọng lắm (vốn lại cần thiết cho các lập luận phản biện chính thức, có địa chỉ và chính thức, một vấn đề nêu ra đúng mực đứng đắn như thế này). Hoặc tác giả đôi chỗ còn dùng từ ngữ nào đó chỉ thích hợp với “văn nói” (trong lúc bực mình, giận dữ...), chứ viết nguyên xi như thế lên mặt bài, mặt giấy e không gây cảm tình, không thuyết phục người đọc người xem...

Song đấy lại là chuyện khác, tức vấn đề có tính nguyên tắc “mọi người viết phải gánh chịu lấy trách nhiệm về những gì mình viết ra”.

Với tôi, người giới thiệu bài viết này chỉ với một ý định hết sức có tính xây dựng: Đánh động dư luận, đánh động phía VN ta – cả những người có trách nhiệm trong bộ máy cơ chế, cả những người công dân bình thường trong xã hội, những bạn đọc blog, bạn đọc tin bài trên mạng internet nói chung – về một thực trạng xã hội như bạn có tên minhthanhjp nêu ra. Nếu bài viết của tác giả tôi dẫn dưới đây có chỗ nào "có sự thiếu/không chính xác”, hoặc một thứ quy kết kết luận nào đó của tác giả bài viết không được chuẩn xác, không thích hợp cho những nơi chỗ, những con người cụ thể nào đó, tôi mong nhận được phản hồi của bạn đọc. Cũng có thể từ đó, qua trung gian là blog Hầu chuyện này, tác giả bài viết sẽ có dịp trao đổi lại chăng?

Chỉ xin phép tác giả bài viết cho tôi được biên tập sửa chữa hoặc cắt bỏ một số đoạn, chi tiết. Đặc biệt là một số từ ngữ và lời lẽ hơi có tính “khẩu ngữ” trần trụi khó nghe thì cũng lược đi, hoặc chuyển sang những ngôn từ chữ nghĩa được coi là thông dụng, đáp ứng cái đẹp và chất văn hóa trong cuộc sống. Miễn sao ý tứ vẫn toát lên vấn đề người viết định nói, định nhắm đến, như vậy chẳng phải là tốt hơn sao.

Đầu đề bài viết nếu sát với nội dung và cũng là "phải chăng" nhất có thể lấy là "Thua thiệt cho Tu nghiệp sinh VN". Nhưng tôn trọng ý tác giả, tôi vẫn giữ nguyên văn không thay đổi đầu đề bài viết này của bạn minhthanhjp.


Nguyễn Vĩnh (Hầu chuyện blog)

-------------

Dưới đây là bài viết của bạn minhthanhjp:

Tu nghiệp sinh ơi ! Buồn thay thân phận của kiếp người VN

Mấy tuần nay dân mạng và ngoài mạng xôn xao về cái chuyện tu nghiệp sinh VN ở Nhật dính vào đường dây ăn cắp hàng mỹ phẩm liên đới với các nhân viên Hàng không VN. Dân Việt thì mắng họ làm mất thể diện quốc gia. Trong khi dân Nhật thì gọi họ là bọn ăn cắp (bài này đưa lên blog minhthanh tháng 1/2009).

Chê trách, nhục mạ, sỉ vả... thôi thì đủ đường. Nhưng ít người đặt câu hỏi "TẠI SAO tu nghiệp sinh lại phải đi ăn cắp" và tìm hiểu nguyên nhân đưa họ đến nông nỗi khốn cùng, làm bậy như vậy.

Tôi là một thông dịch viên trong ban điều tra vụ án nên có cơ hội tiếp xúc với những hoàn cảnh khốn cùng của họ trên đất Nhật.

Một cảnh sát viên điều tra Nhật sau khi kết thúc hồ sơ cũng đã phát biểu thế này về những tu nghiệp sinh bị bắt:"Tôi không căm ghét con người họ, tôi chỉ ghét tội ác, tôi ghét cái chính phủ của họ đã đưa họ đến bước đường cùng này. Ở một cái nhìn khác, với tư cách là một người Nhật, việc để một tu nghiệp sinh ngoại quốc phải đi ăn trộm để sống cũng là một điều sỉ nhục cho người chủ nhà Nhật ".

Một sếp cảnh sát khác có ít nhiều thiện cảm với đất nước Việt Nam cũng phải thốt lên : "Tôi không thể tưởng tưởng và hiểu được, một dân tộc có 4000 năm văn hiến, dũng cãm, dám đánh và đã chiến thắng nhiều cường quốc mạnh nhất thế giới trong chưa đến nửa thế kỷ để giành lấy Độc lập và Tự do lại để thế hệ con cháu phải đi làm nô lệ xứ người ".

Vậy thì tu nghiệp sinh là ai? Cái vụ tu nghiệp sinh này thì “em hơi bị rành”, nên để em kể đầu dây mối nhợ cho các bác nghe, nha. Số là cái thời ông thủ tướng Murayama thuộc Đảng Xã hội (Đảng thiên tả) của Nhật sau bao nhiêu năm tranh đấu mới giành được quyền lập chính phủ Nhật. Công việc đầu tiên của ông ta sau khi cầm quyền là đi xin lỗi các nước Á châu bị phát xít Nhật xâm lược trong cuộc chiến Thái Bình Dương (quen gọi là Thế chiến 2).

Ông ta làm một vòng bắt đầu từ Singapore cho đến chặng cuối là Việt Nam để đi xin lỗi và bồi thường chiến tranh. Ông thủ tướng đi đến đâu cũng nghe dân chúng ở nước đó “chửi”. Rồi ông ký giấy bồi thường chiến phí cho đủ các nước mệt nghỉ. Nhưng khi đến VN thì hội đàm cả buổi với các vị lãnh đạo lại không nghe nhắc gì đến cái vụ đòi xin lỗi và bồi thường chiến tranh cả. Vậy là ông già Murayama lờ luôn cái chuyện xin lỗi và bồi thường cho dân VN.

Báo Asahi của Nhật lúc đó viết bài bình luận và chê rằng những người cố vấn cho các vị lãnh đạo ta hơi bị kém, không hiểu được nội tình của nước Nhật. Nếu mà họ cố vấn ngon lành thì dân Nhật phải è lưng ra trả thuế để mà đền bù cho 2 triệu người VN bị chết đói do nguyên nhân phát xít Nhật gây ra hồi năm 1945... Mà phải công nhận là các cán bộ ngoại giao VN dưới thời ông VD ở Tokyo thạt ít cán bộ rành giỏi tiếng Nhật, nên chắc không đọc được báo chí và hiểu kỹ chuyện của Nhật, nên cũng ít ký kiến đề lên cho lãnh đạo.

Trở lại chuyện ông thủ tướng Nhât, do không thấy lãnh đạo ta đòi hỏi quyết liệt gì nên ông già Murayama mới chuyển sang đề nghị “tạo tình hữu nghị cho thanh niên Nhật - Việt” bằng cách Nhật và VN hàng năm sẽ trao đổi thanh niên với nhau để tìm hiểu đời sống, văn hóa... Nhật Bản sẽ hỗ trợ đào tạo chuyên viên cho VN dưới tên gọi là Đào tạo TU NGHIỆP SINH.

Dư luận Nhật cho rằng ông già Murayama chơi trên cơ lãnh đạo VN. Ông ta dùng từ giúp đỡ chứ không phải là bồi thường. Mà các bạn biết rồi đó, với dân ngoại giao thì cái diện mạo và nhất là chữ nghĩa là quan trọng lắm. Từ cái vụ này mới đẻ ra cái vụ TU NGHIỆP SINH. Mục đích chính của chương trình đào tạo Tu nghiệp sinh là chính phủ Nhật viện trợ, giúp cho VN đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực nghề sản xuất, đồng thời giúp các xí nghiệp Nhật lúc đó đang thiếu trầm trọng nhân công.

Nhật Bản vừa được cả hai điều lợi là giải quyết việc thiếu hụt nhân lực và được tiếng là giúp đỡ VN trên mặt ngoại giao.

Theo tinh thần của hiệp định lúc đó thì Tu nghiệp sinh sẽ học và làm việc ở Nhật là 3 năm. Sau khi sang Nhật trong 10 tháng đầu tiên sẽ là huấn nghệ và họ sẽ nhận tiền trợ cấp huấn nghệ là 70.000 yen/ tháng (gần đây nâng lên 80.000 yen/ tháng). Sau 10 tháng huấn nghệ nếu thi đậu bằng nghề của Nhật thì sẽ được chuyển sang tư cách gọi là "Thực tập sinh", được trả lương tương đương với mức lương người Nhật tập sự trong vòng 26 tháng còn lại. Bộ ngoại giao và Bộ lao động Nhật trực tiếp quản lý chương trình Tu nghiệp sinh thông qua một tổ chức của chính phủ là JITCO. Thái Lan cũng được ký hiệp định hỗ trợ Đào tạo Tu nghiệp sinh giống y chang VN. Vấn đề trên đúng ra thì rất hay nhưng chính phủ và dân VN mình chưa biết tận dụng, có thể gọi là “tiền chẵn không lấy chỉ đi lượm tiền lẻ” nên sau một thời gian thực hiện mới sinh đủ chuyện lùm xùm, tèm nhem... Theo người Nhật thì để đào tạo một tên công nhân từ chỗ mới ra trường đại học cho đến lúc có bằng nghề làm được việc thì họ mất khoảng 200.000 USD cho khoảng 3 năm. Nói thêm về Thái Lan. Do chính phủ của họ hiểu điều này nên khi đưa người đi tu nghiệp ở Nhật thì họ chọn lựa những sinh viên giỏi, những kỹ sư có kiến thức sang Nhật để học những kỹ thuật mà họ chưa có, hoặc chưa bằng Nhật. Ví dụ cái nghề chế tạo khuôn mẫu để đúc kim loại hay nhựa hoặc công nghệ xe hơi.

Chính phủ Thái họ quản lý rất chặt, các tu nghiệp sinh trước khi đi thì họ yêu cấu phía Nhật phải cho họ cái list các công ty tiếp nhận tu nghiệp sinh, sau đó họ sẽ cử nhân viên Đại sứ quán đến điều tra cái công ty Nhật đó đúng kỹ thuật mà họ cần không, điều kiện lao động có an toàn cho con em họ không. Nếu công ty quá nhỏ hoặc không có kỹ thuật họ cần thì họ loại sổ.

Sau khi tu nghiệp sinh Thái Lan sang Nhật thì nhân viên chính phủ Thái hàng tháng họ sẽ cử người đến tận công ty để kiểm tra đời sống sinh hoạt, học tập của con em họ. Và nếu như bị người Nhật hà hiếp hoặc đào tạo không đúng chức năng thì lập tức họ kiến nghị Bộ ngoại giao Nhật cho ngừng ngay lập tức và họ chuyển người qua công ty khác hay trường học khác.

Các tu nghiệp sinh Thái sau khi về nước thì được trọng dụng đúng với ngành nghề họ đã được đào tạo bài bản ở Nhật. Với chính sách quản lý chặt chẽ và lo cho dân như vậy nên chỉ sau 14 năm thì bây giờ ngành gia công khuôn mẫu cho công nghệ xe hơi của Thái Lan đã vượt qua mặt Hàn Quốc, được xếp vào danh sách cường quốc gia công khuôn mẫu đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Nhật. Cụ thể tới 80% khuôn mẫu và sản phẩm đúc của công nghệ xe hơi Nhật hiện được làm ở Thái Lan với số nhân tài ưu tú được đào tạo từ Nhật.

Khoản tiền đào tạo 200.000 USD/ người của Nhật kể như người Thái nuốt trọn, họ đúng là chọn con đường “lấy tiền chẵn”. Quay lại VN thì sao? Theo chúng tôi bên này được biết thì chính phủ Việt Nam đã lợi dụng chương trình này để xuất khẩu lao động và thông qua chương trình xuất khầu lao động để kiếm tiền quản lý. Tức là cái đầu của các quan chức Bộ lao động và thương binh xã hội cũng như Bộ giáo dục đào tạo VN chỉ mới ở mức tính chuyện “lượm tiền lẻ”, không có tầm nhìn xa và chiến lược phát triển nhân tài như Thái Lan.

Chúng tôi nghĩ cái từ xuất khẩu lao động tự nó đã là phản cảm, có tính chất buôn người rồi. Chắc chỉ có ở VN con người được xếp ngang hàng với hàng hóa nên mới có chữ xuất khẩu lao động(sao không chọn từ ngữ khác?).

Thông thường Tu nghiệp sinh sang Nhật thì toàn bộ chi phí họ không phải trả gì hết. Hãng Nhật tiếp nhận tu nghiệp sinh cũng sẽ được chính phủ họ trả tiền trợ cấp cho công việc huấn nghệ. Thế nhưng, ở VN một người muốn sang Nhật làm tu nghiệp sinh thì phải trả chi phí môi giới cho các quan chức cán bộ của các công ty xuất khẩu lao động, trong các công ty này có đơn vị thuộc ngay Bộ lao động, như SULECO, SOVILACO v.v... mà số tiền phí môi giới không rẻ, khoảng 10.000 USD đến 20.000 USD. Nhiều khi không có tiền, người muốn đi lao động phải thế chấp sổ đỏ cho các vị môi giới hoặc cho các công ty này. Rút cuộc số tiền họ bỏ ra chỉ chạy vào túi cán bộ, bọn môi giới thôi chứ nhà nước VN cũng chẳng thu được bao nhiêu. Nếu không chạy phí môi giới thì “còn khuya” mới được đi vì có lẽ không có bao nhiêu người đủ tiêu chuẩn để đưa đi đào tạo theo đúng nghĩa của danh từ TU NGHIỆP.

Sau khi sang Nhật thì chính phủ (các đại diện thay mặt các cơ chế nhà nước), các công ty môi giới phía VN kể như “đem con bỏ chợ”, mặc tình “tụi bây sống sao kệ bây”.
Từ đây mới đẻ ra chuyện các nghiệp đoàn Nhật tiếp nhận tu nghiệp sinh. Bời vì chính phủ VN không trực tiếp quản lý tu nghiệp sinh như kiểu Thái lan nên thông thường SULECO hay SOVILACO sẽ ký hợp đồng với một công ty môi giới việc làm nào đó của Nhật. Theo luật lao động của Nhật thì các công ty môi giới việc làm không được nhận tu nghiệp sinh nên các công ty này mới đẻ ra cái gọi là nghiệp đoàn nhận TU NGHIỆP SINH (tiếng Nhật gọi là KENSHUSEI UKEIRE KUMIAI) có trách nhiệm nhận và phân phối tu nghiệp sinh đến các công ty tiếp nhận huấn nghệ và quản lý họ thay cho cơ quan JITCO của chính phủ, một hình thức lách luật.

Và buồn thay, hiện tượng “buôn người và bóc lột” xảy ra từ đây, từ khâu này.
Các nghiệp đoàn kể trên nhận tu nghiệp sinh mà không cần biết người đó có tư cách của tu nghiệp sinh hay không, cứ theo phía VN tìm được bao nhiêu thì họ nhận bấy nhiêu. Sau đó họ bắt đầu “bán” các tu nghiệp sinh này cho các công ty nhỏ sắp phá sản hoặc không đủ tiền mướn công nhân Nhật. Có khi họ đưa “đổi chác” qua các công ty thứ ba thứ tư nào đó. Họ vừa ăn tiền ủy thác quản lý của JITCO, vừa nhận tiền bán người (tiền môi giới lao động) từ công ty nhận lao động.

Các công ty nhận lao động này sẽ bắt các tu nghiệp sinh làm việc như nô lệ mà họ không cần phải sợ Luật lao động của Nhật bởi vì cảnh sát có bắt thì họ nói là họ giúp VN huấn nghệ, họ là tu nghiệp sinh chứ không phải là người lao động nên không bị chi phối bởi luật lao động ở Nhật.

Về số tiến trợ cấp hàng tháng 80.000 yen này, theo một số nguồn tin từ tu nghiệp sinh cung cấp, các công ty xuất khẩu lao động VN nhờ bọn nghiệp đoàn môi giới lao động của Nhật ăn chặn, thu tới 50% gửi vào trương mục ngân hàng của SULECO hay SOVILACO ở Nhật cộng với tiền gọi là tiền quản lý phí khoảng 10.000 yen (khoảng 100 USD) hàng tháng gửi về phía VN.

Chúng tôi được biết nếu anh em nào không chịu nổi cảnh bị bắt làm việc như nô lệ đã kể ở trên thì buộc phải bỏ trốn, số tiền nói trên họ sẽ tịch thu. Nghe nói SULECO va SOVILACO ăn trọn, chưa tính tới sổ đỏ nhà cửa bị thế chấp họ sẽ phát mãi ở VN với lý do gọi là bồi thường cho phía Nhật...

Trong trường hợp nào đó, sau khi mỗi tu nghiệp sinh bị trừ hết 50.000 yen thì chỉ còn 30.000 yen để sinh sống, nếu may mắn gặp công ty cho ở nhà không lấy tiền thì còn sống được. Còn nếu bị công ty bắt trả tiền nhà, điện, gaz, nước thì kể như không đủ mua mì gói mà sống.

Được biết Bộ Lao động và thương binh xã hội VN sợ mất thị trường xuất khẩu lao động này nên cách đây 5 năm đã cử ông Nguyễn Gia Liêm sang Nhật với danh nghĩa cố vấn, bảo vệ quyền lợi cho tu nghiệp sinh VN. Nhưng mà ông này thì không biết tiếng Nhật, lại bị bọn nghiệp đoàn môi giới người mua chuộc đã quay ra hà hiếp và báo cáo cho người Nhật biết những tu nghiệp sinh nào có ý định bỏ trốn hay chịu không nổi cực khổ để họ canh chừng. Ông Liêm này còn bày cho các nghiệp đoàn Nhật cung cách buộc các tu nghiệp sinh phải nộp passport và thẻ ngoại kiều cho phía Nhật giữ để khỏi còn cơ hội trốn chạy.

Từ đó các tu nghiệp sinh sau này sang Nhật đều bị bắt ký một tờ giấy là: "Tôi nguyện giao hộ chiếu và thẻ ngoại kiều nhờ nghiệp đoàn A,B,C gì đấy giữ hộ, vì sợ làm mất" là từ cái trò “láo khoét” của mít-tờ đại diện Bộ lao động mà ra. Cũng như tiền 50% bị trưng thu hàng tháng cũng phải ký vào tờ giấy gọi là nhờ giữ hộ. Sau 10 tháng huấn nghệ thực chất là làm nô lệ không công cho “các công ty” đa phần không đứng đắn, không đúng với luật pháp Nhật này, thì các tu nghiệp sinh sẽ được bọn này diễn hề bằng cách cho tổ chức thi lấy bằng nghề.

Chúng tôi ở Nhật lâu biết rõ, thực ra thì chả có thi cử gì ráo trọi, bọn nghiệp đoàn quản lý tu nghiệp sinh này sẽ kết hợp với các công ty tráo người của họ vào thi hộ, hoặc là mớm cách thi cho các tu nghiệp sinh trong trường hợp có nhân viên của JITCO đến giám sát. Khi xong việc làm báo cáo lên JITCO là đã tổ chức xong cuộc thi với kết quả em A,B,C nào đó đậu và JITCO gửi bằng chứng nhận nghề xuống.
Cái bằng này không phải là bằng kỹ thuật quốc gia nên nhiều khi cái ông đại diện của JITCO tới cuộc thi cho có mặt.

Vậy là tạm xong, 26 tháng còn lại là các tu nghiệp sinh được chuyển sang thân phận gọi là "Thực tập sinh".

Trên nguyên tắc thực tập sinh cũng không phải là người lao động nhưng được nhận lương thực tập giống như các nhân viên tập sự người Nhật. Thường thì các hãng Nhật sẽ trả cho họ mức lương thấp nhất theo luật lao động, tức là cái lương vừa đủ để sống nếu không bị trừ các khoản thuế, bảo hiểm và hưu trí (thực tập sinh VN cũng bị bắt đóng bảo hiểm hưu trí của Nhật), bảo hiểm sức khỏe ở Việt Nam (cái này là hình thức nhà nước bóc lột họ vì nếu họ có bệnh ở Nhật trong thời gian làm việc thì bảo hiểm của VN cũng không trả “cắc bạc” nào cho người lao động đó cả). Thông thường lương này khoảng bằng 1/4 hay 1/5 lương thấp nhất của người lao động Nhật (khoảng 100.000 đến 130.000 yen) nhưng phải bắt trả tiền sinh hoạt phí ở công ty cũng như tiền trả cho nghiệp đoàn môi giới Nhật và tiền quản lý phí của VN.

Mức lương này nếu bị trừ 50% và tiền quản lý phí tăng lên thì sau khi trừ hết mỗi người chỉ còn khoảng 40.000 yen.

Ở Nhật giá gạo khoảng 300 yen/kg, thì đủ mua 10kg gạo và chút xíu thịt để ăn mà sống. Điều này bắt buộc họ muốn sống còn thì phải trốn ra ngoài làm chuyện gian như cái vụ tham gia vào đường dây ăn cắp của hàng không VN mới đây chẳng hạn.

Hiện tại theo chỗ chúng tôi biết thì cảnh sát tỉnh Saitama phía bắc Tokyo còn giữ một xác chết của một tu nghiệp sinh VN cả năm nay vì anh ta bị chết do tai nạn lao động nhưng mà công ty xuất khẩu lao động VN sợ trách nhiệm và tiền chi phí chở xác về rất cao nên không chịu lãnh. Cơ quan đại diện chính thức của VN ở Nhật (đại sứ quán) thì rất ít trách nhiệm nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, cũng không bảo vệ đúng mức công dân của mình mà bọn này chuyên môn nhũng nhiễu làm tiền tu nghiệp sinh. Chúng tôi còn được nghe kể, nếu ai lỡ dại chịu không nổi mà bỏ trốn chẳng hạn, người đó sẽ không thể lấy lại hộ chiếu từ phía Nhật được, khi đó muốn lấy tờ giấy thế cho hộ chiếu để về VN chẳng hạn thì phải “chung chi” khoảng 50.000 yen đến 100.000 yen mới mong có giấy tờ tạm để trở về nước. Tu nghiệp sinh VN khác với tu nghiệp sinh Thái Lan ở chỗ họ không còn là con người khi đã bước chân lên máy bay. Họ biến thành thân phận kẻ “kéo cày để trả món nợ ở quê nhà”, để đầy túi tham của những quan chức những cán bộ nhân viên biến chất trong bộ máy nhà nước. Cũng là để làm giàu cho bọn người có ý định xấu ở Nhật (một dạng buôn người nào đó) cấu kết ăn chia với phía những con người xấu trong bộ máy, cơ chế của phía VN. Tu nghiệp sinh ơi !

Buồn thay thân phận của kiếp người VN.

(Từ nguồn: minhthanhjp)


Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...