Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Chuyển dời mộ tổ và những nghĩ ngợi miên man

Chuyển dời mộ tổ và những nghĩ ngợi miên man

Năm trước vào dịp này, dòng họ Nguyễn Văn bên quê tôi di dời ngôi mộ tổ.

Đến những ngày vào việc thì trời đất chuyển rét. Bầu trời đông xám xỉn và nhiệt độ xuống nhanh. Gió bấc thổi mạnh và rất lạnh. Việc chuyển mộ, ai sinh sống ở đồng bằng Bắc Bộ đều biết, thường lại làm vào nửa đêm đến rạng sáng thôi, ở cả ngoài đồng nên lạnh càng lạnh. Nhưng đã là ngày định trước, ban trưởng họ lại mời “thầy xem” rồi, nên hôm ấy mọi người trong diện vẫn có mặt đông đủ tại nhà thờ họ.

Buổi họp bàn soạn công việc rất tập trung. Chỉ xoáy mỗi vào cách tổ chức và cắt đặt lực lượng con người sao cho tiện nhất tốt nhất để công việc di dời thông đồng bén giọt.

Biết được ngôi mộ tổ này được gìn giữ từ lâu đời nên cánh thanh niên và trung niên đều háo hức được ra mộ chứng kiến.

Nhớ mỗi năm kỳ tảo mộ, ngôi mộ này đều được đắp bồi thêm cao to. Nay quả thực nó được coi là ngôi mộ tổ “to nhất”của cả họ (vì họ tôi giữ gìn xây cất được cả chục ngôi mộ tổ - kể từ hai cụ thủy tổ cho đến các cụ thuộc đời thứ 12). Ngôi di chuyển này gọi chung là mộ tổ cho gọn, thực ra có tới 4 ngôi được các cụ xưa đưa về cát táng tại một khu ruộng bìa Rừng Sặt cũ. Các cụ truyền lại rằng đây cũng là thuận theo ý một ông thày địa lý.

Thế mà nay phải dời, cũng tiếc nơi cũ đã quen thuộc lắm rồi. Tiện đường chăm sóc, vào lễ thanh minh tảo mộ cúng giỗ hằng năm cả họ có dịp đoàn tụ đi một vòng qua hai cổng làng. Nhưng theo các cụ nói chí phải, việc họ mạc gì thì cũng phải tuân thủ quy định, pháp luật nhà nước. Đơn vị doanh nghiệp người ta lấy khu đất ấy vì có dự án xây dựng đã được cấp trên tỉnh, huyện phê duyệt lâu rồi, thì họ ta không thực hiện sao được.

Theo tôi biết qua mỗi lần về quê chơi, mộ phần của các gia đình, của họ mạc khác trong làng tôi ở khu đất đó đều phải di đi cả. Trả đất cho dự án như thế đều được doanh nghiệp đền bù. Mức đền công khai làng xã biết. Trường hợp ai đó chưa tán thành thì có quyền khiếu nại, có quyền đòi hỏi đền bù mức cao hơn. Thương lượng qua lại, rồi cũng đi vào giải quyết bằng hết…

Tránh sao khỏi thôn xã điều ra tiếng vào. Nhưng xầm xì vận động làm gì thì cũng không ai được quyền đi ngược lại quyết định của ông ủy ban địa phương đâu. Đi ngược, không khéo sẽ là vi phạm pháp luật.

Nên các cụ các ông cao tuổi trong họ Nguyễn Văn tôi - vốn là những người biết điều – đã đi đến quyết định vận động con cháu trong họ sớm chấp hành nghiêm chỉnh, trở thành trường hợp di chuyển mồ mả sốt sắng và sớm nhất làng.

Trên kia tôi có nói cuộc họp “trong diện” là vì chỉ triệu tập nam giới đến nhà thờ họ. Theo phong tục làng quê, việc họp họ, sinh hoạt dòng họ trước nay đều thế.

Tức là chỉ có cánh đàn ông trong dòng họ, và cũng phải từ tuổi trưởng thành trở lên mới được tới nhà thờ. Đưa con đưa cháu nhỏ tới dự nhà thờ cũng được, nhưng chỉ là con trai cháu trai và cũng hãn hữu mới có nhà đưa đến.

Đàn bà nữ giới thì chỉ nhân dịp nào đó, cũng có thể cùng với gia đình và người nhà có cơi trầu nén hương đến nhà thờ trình tổ, cúng tổ như cách cáo yết với tiên tổ việc vui mừng gia đình, là một cách "tri ân" tổ tiên. Cũng là lệ tục đẹp.

Lại thảng hoặc có buổi lễ trọng, nhân một sự kiện đặc biệt nào đó trong dòng họ thì mới có chuyện "thành phần mở rộng". Khi đó giới nữ mới được "thỉnh" đến.

Ví như cuối năm Quý Mùi, 2003, gian chính cũng là gian rộng nhất của quần thể ngôi nhà thờ được cả họ đóng góp công của, thuê mướn thợ thuyền xây cất lại trông rất khang trang. Sau khi hoàn công, dòng họ quyết định ngoài thành phần nam giới như cũ, các cụ bề trên và ban trưởng dòng họ đồng ý phương án mời tất cả con dâu họ và con gái họ đến dự lễ khánh thành. Sau lễ cúng tổ là mời mọi người dự bữa cỗ đón mừng sự kiện mà chính các cụ cũng nói là “cả trăm năm mới lặp lại một lần”.

Quan sát suốt tuần di dời mộ tổ, trong tôi cũng nảy ra bao điều ngẫm nghĩ về mối quan hệ, về cách sống cách quan niệm của con người chốn thôn quê, ở đây là thôn quê nơi đồng bằng Bắc Bộ. Nó vẫn có nét không thay đổi là bao nếu so với ngày xưa, khi ta đọc được trong các trang sách văn sử.

Ở cái nước mình, gia tộc và dòng họ vẫn như thế, “sống cũ càng”, nép theo một nếp cư xử phương Đông, nếp sống của người Việt mình, xét kỹ cũng chả mấy thay đổi.

Chả là các xã hội phương Đông có lối cô kết cộng đồng thật mạnh thật bền. Người người chung sống bên nhau trong thôn ấp, thân thích hoặc không, vẫn đều có xu hướng muốn quần tụ, hội họp lại thành đoàn, nhóm. Có lẽ ban đầu là để nương tựa lẫn nhau có sức chống lại những mối đe dọa từ thiên nhiên còn hoang dã.

Rồi kế tới là những đối đầu với giặc giã, cướp bóc từ bên ngoài làng đến quấy nhiễu tàn phá.

Dần dần nó sớm hình thành chòm xóm, trang ấp, hương làng. Người trong cộng đồng chung sống tạo lập nên các gia đình lớn dần lên, rồi phát triển thành các gia tộc.

Rồi do đều sinh ra từ gốc một huyết thống nên càng có sự thân thiết đùm bọc với nhau hơn. Và khuynh hướng giữ gìn nét riêng, nét khác với các nhóm người - dù có thể là gần gặn và thân thích sống bên cạnh trong xóm làng - nó sẽ dần dần tạo nên họ mạc phân biệt.
Lâu đời, qua năm tháng, tạo dựng lên các tộc họ đông đúc hơn nữa - những tộc họ này khi đó trở nên có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó với nhau hơn hết. Nó bảo vệ và tự bảo vệ, nó che chở đùm bọc cho nhau và đương nhiên, trong dòng họ ngày càng thấm sâu tình cảm của con người cùng chung một gốc gác tổ tiên...

Ta chỉ nói chuyện đó ở thôn quê thôi. Vì sau này thị thành sinh ra, phát triển lên thì ít còn mối quan hệ cố kết kiểu như thế này nữa.
Họ mạc ở đô thị, ở thành phố nếu có thì cũng lỏng lẻo ra dần. Nó không còn các chất kết dính sinh ra ngay từ truyền thống như ở trong các làng quê Việt của chúng ta nữa.

Dòng họ Nguyễn Văn của tôi ở cái làng Việt cổ bên đất Kinh Bắc-Bắc Ninh có thể nói là một dòng họ nổi bật trong làng. Nó luôn cùng với hai dòng họ khác ở trong làng tôi là họ Vũ Công và họ Ngô Hữu dẫn đầu về "quân số" - mà ở nông thôn Bắc Bộ gọi là “xuất đinh”- tức là tính số "đầu trai", số nam giới ở trong một dòng họ. Đông người chưa nói lên điều gì cả, nhưng khuynh hướng là muốn đông người, đông đinh, như một niềm để hãnh diện. Còn mức sống, chất lượng sống thế nào, chưa cần tính đến. Thế mới lạ.

Dòng họ tôi theo tộc phả có từ năm 1485. Thời gian này nói ra được là căn cứ vào văn bia để lại trong một ngôi mộ cổ khi họ tôi trùng tu mộ phần năm xưa tìm thấy. Chính tại ngôi mộ hai cụ - là cụ thủy tổ của dòng họ tôi - có những chữ Hán khắc vào mộ chí như sau: “Nguyễn Văn tộc mộ chí, Hồng Đức thập lục niên, Đại tôn Nguyễn quý công tự Phúc Khang, Nguyễn thị hiệu Từ Mẫn”. Điều này cắt nghĩa là chiếc bia đá này cùng hai chiếc tiểu sành (mang kiểu dáng đất nung đặc trưng) là ghi lại "năm tạc bia" như trên, nó thuộc vào đời Hồng Đức năm thứ 16, tức năm 1485.

Cho nên tính tới năm ngoái, 2008, kể từ cụ tổ đầu tiên của dòng họ Nguyễn Văn của chúng tôi thì đã trải qua 524 năm, được cả thảy 18 đời. Duy nhất ở một chi cành có một gia đình có cháu trai sinh tới đời thứ 19. Còn lại cả họ, các chi cành khác đều tới đời thứ 18.
Kể như thế cũng đã là một truyền thống lâu đời, chung một nén hương nối dài. Cũng là chuỗi thời gian rất đáng kể đọng lại trong tình cảm gia tộc gắn kết và thân thiết. Bất chấp thời gian, tình cảm đó vẫn tồn tại và mang ý nghĩa thiêng liêng dòng tộc như đã có từ thời khởi thủy.
Trong một xã hội đã bao đổi thay như hiện nay mà vẫn giữ được sự gắn bó truyền thống với nhau như thế kể cũng là một điều rất đáng suy nghĩ.

*

Bữa nay lần giở lại xem những tấm ảnh ngày chuyển mộ đáng nhớ ấy, tôi bỗng có ý viết ra và post lên bài này trong nhật ký (blog) cùng những tấm ảnh chụp trong mấy ngày đông liên tiếp giá rét năm ngoái ở bên quê.

Ngẫm nghĩ đúng là cái doanh nghiệp họ có dự án xây dựng thì các khu mộ phần nơi đó mới phải tính chuyện di dời đi nơi khác thôi. Chứ người Việt mình rất kỵ rất ngại việc đào lấp, động vào mồ vào mả lắm. Chỉ bất đắc dĩ mới phải đến nước di dời mồ mả. Mà đây lại là mộ phần tổ tiên thì càng ngại, càng phải thận trọng.

Nhưng mà một khi công việc đến - với một gia đình hay với cả một dòng họ cũng̣ thế - đều đón nhận sự nhiệt tâm không đo đếm, không tính toán nơi các thành viên tham gia.

Với người đã khuất, bao giờ người ta cũng dành những tình cảm quý hóa, kính trọng và đầy linh thiêng. Nhất là công việc đặt mồ đặt mả, lại là mồ mả của tổ tiên chung cho một dòng họ thì càng tăng thêm sự lưu tâm, với tất cả sự thành kính và coi trọng.

Nhìn lại các tấm ảnh chụp năm trước – tôi lại gặp ở đây những khuôn mặt người thân quen, những người "có họ" với nhau, như cách nói của làng Sặt chúng tôi.

Những chàng trai, những thành viên tuổi trung niên còn mạnh chân khỏe tay nhất, họ đều buông bỏ ra một bên hết thảy các công việc của gia đình riêng. Họ dừng những phi vụ làm ăn buôn bán, sắp đặt người khác trông coi bán hàng để dành hết thời gian "cung hiến" cho công việc họ mạc. Vui vẻ tự nguyện hiến dâng thôi. Dăm ba ngày, cả tuần lễ cũng được. Mất đi bao cuộc vui cuộc hẹn cũng vâng, để được túc trực bên công việc, được chứng kiến anh em trẻ họ làm.

Kể ra với đa phần, cũng chẳng có việc gì là cụ thể cả. Nhưng cái quan trọng là sự góp mặt vào đó. Và đều tự cho đó là điều vinh dự vinh hạnh "được góp một tay" với công việc di dời, xây lại mới mấy ngôi mộ tổ đầy kính trọng và thiêng liêng.
Hôm đó mới rét mướt làm sao. Khi đào mấy cái huyệt mộ mới để "chuyển cốt" về, công việc lại làm vào ban đêm, lạnh rét càng lạnh rét hơn nữa.
Mặc cho khuya khoắt giá buốt, tốp người trong dòng họ được phân việc vẫn hăm hở tận tụy với công việc chung. Lạnh quá thì đốt lửa sưởi, rồi lại làm tiếp, chẳng một lời than vãn bàn ra tán vào. Quyết để xong một việc lớn.

Mới thấy cái tính đoàn tụ, cô kết cộng đồng là rất mạnh. Mới thấy việc họ tộc đối với người Việt mình còn có sức níu kéo nặng đồng cân khó hình dung ra hết nếu chỉ nhìn nhận khơi khơi bên ngoài.

Tôi không nhận xét phân tích gì thêm ở câu chuyện di chuyển mộ tổ của họ tôi nữa. Việc đã xong, mọi thành viên trong họ mạc đều vui vẻ hài lòng, tuy khi nghĩ kỹ trong lòng thì hình như đã mất công mất sức quá nhiều.

Vì có thể nói cả trăm người bỏ ra mấy ngày trời chỉ để hoàn thành một công việc cỡ như thế. Nói đúng ra chỉ có một nhóm thanh niên, trung niên thực sự bắt tay vào việc thôi, còn nhiều người khác là có nghĩa vụ "trông vào", là chứng kiến mà thôi.

Nhưng nếu họ vắng mặt trong trường hợp này là áy náy không yên. Thế thôi, tự nghĩ thế chứ đâu có thế lực nào bó buộc phải làm phải xử như thế.

Nên thực ra, cứ chịu khó lật lên lật xuống câu chuyện này, nghĩ kỹ mà xem, chúng ta vẫn có thể có "một cách làm khác". Và nó vẫn bảo đảm sự thành kính tốt đẹp đối với tổ tiên. Nó được việc mà hợp lý hợp tình, không mất nhiều công sức và thời giờ mà lại của nhiều người đến mức như trên đã nhắc đến.

Nhưng không một ai dám nói ra. Nhất là không ai mạnh dạn phản biện ngay ra và dám làm một cách khác đi.

Nhưng thôi, chuyện ấy đã qua rồi không nên nêu trở lại nữa. Điều tôi muốn nói hơn là ở chốn thôn quê hiện nay có biết bao nhiêu là chuyện!
Những chuyện như cưới hỏi, làm đám ma, làm cải táng; rồi những chuyện khác như xây mới hay tu bổ đền chùa, rước lễ hội hè; rồi những việc xây nhà mua đất lo cho đời mình lại lo cho đời con trai cháu trai sau này; chưa kể rồi tân gia, đầy tháng con đầy tháng cháu; thích đông con đông của, ăn ở tam tứ đại đồng đường là một mong ước... Xem ra tất cả đều đang quá trình chuyển động, mới cũ xen lẫn, khó mà rạch ròi phân biệt đúng-chưa đúng. Mỗi người mỗi nhóm có cái lý sự của mình.

Nhưng cái đáng lo đáng nghĩ là cái xu hướng phục cổ, theo lối cổ, sống theo các cụ ngày xưa lại đang có phần được ưu chuộng hơn.

Cũng phải nhận thấy đây đó ở nông thôn cũng đã hình thành một luồng gió muốn thay đổi. Họ muốn sống theo nếp mới, không chạy theo lệ tục cũ thuần túy, không nệ cổ. Vì nó gây tốn kém, mất nhiều công sức và thì giờ, có việc còn xâm hại tới sức khỏe bản thân và cộng đồng…
Nhưng xem ra cái nếp sống xưa cũ vẫn có uy lực hơn. Nó cứ như thể mặc sức cuốn hút đi mà xem ra không mấy ai, mấy gia đình cưỡng lại được nó.

Mới thấy ở nông thôn ta, việc chuyển dời một tập tục, một thói quen, thậm chí là tập tục thói quen biết được là lạc hậu chăng nữa, thật là một công việc không đơn giản, cứ muốn mà làm được.

Bởi ở đây phải là sự xoay chuyển của ý thức, nhận thức của con người. Hơn nữa của cả một cộng đồng...

Tự giác của người dân là quyết định, nhưng đã đến lúc "ông nhà nước" với quyền lực quản lý trong tay cũng không thể đứng ngoài.

Nguyễn Vĩnh
-------------

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...