Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Không chỉ là cái tên

Không chỉ là cái tên

Có một chuyện tôi định viết từ lâu mà rồi cứ chần chừ. Vì có chút thông tin chưa thật rõ nên băn khoăn cân nhắc. Song nghĩ việc đời cũng đừng quá cầu toàn. Cứ thử nêu ra đây bạn bè ai biết nói thêm cho một câu tin là sẽ hay hơn là giữ nó trong lòng.

Với những người sống ngoài bắc dù có vào Sài Gòn nhiều lần cũng khó mà biết được rành rẽ phố phường trong đó. Cũng như Hà Nội mình, nội thành không thể so với Thành phố HCM về nhiều mà nào mấy ai ở thủ đô dám bảo mình đã đi hết phố xá Hà Nội.

Nên chắc cũng chẳng nhiều khách vãng lai Sài Gòn mà để ý kỹ đến cái đoạn đường khuất nẻo này. Đường phố chỗ đó không to tát gì, nằm trên đất quận 3 gần sát con kênh Nhiêu Lộc. Kênh này thì nổi tiếng nhiều người nghe tên. Nhưng oái oăm cái điều nổi tiếng nhất của nó lại là nổi tiếng vì bẩn thỉu, nước tù đọng và là nỗi ngại ngùng mỗi khi ai đó có việc phải chạy xe dọc con kênh. Chẳng may gặp lúc nóng bức hoặc ngày trở trời thì không khổ cực nào hơn là phải hít hà cái mùi hôi tanh nồng nặc.

Nhưng chuyện tôi muốn nói ở đây lại không phải chuyện kênh rạch. Mà là chuyện cái tên của đường phố.

Chúng ta hãy cùng trở lại với đoạn đường phố này. Nếu đến đường Lê Văn Sĩ, chỉ cần bạn tiến lên giữa cây cầu chỗ này là thấy được hai con đường. Chúng chạy song song với nhau dọc theo hai bên bờ con kênh. Chỉ có thế thì là chuyện quá bình thường. Đâu có gì đáng nói đáng kể.

Ở đây cái điều rất đặc biệt, là cái sự không bình thường chính là hai cái tên được ghi cho hai con đường kể trên. Phải nói ngay đó không phải đơn thuần chỉ là hai cái tên được ghi. Quan trọng hơn là danh xưng này nó mang theo một thông điệp nhiều ý nghĩa với người dân Việt lúc này - “Đường Hoàng Sa” và “Đường Trường Sa”. Tức là không đơn giản như một cái tên đặt khác cho bất cứ đường phố nào.

Đương nhiên còn nhiều điều phải bàn phải góp ý kiến về việc chọn nơi này đặt tên cho hai con đường mà tôi vừa nhắc tới.

Tại sao không tìm những đường phố lớn rộng hơn, khang trang hơn? Tại sao không chọn những vị trí không gian tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh để làm nổi bật hơn hai cái tên có ý nghĩa thiêng liêng kia? Nhưng thôi, đó không phải là mục đích tôi muốn nói tới trong bài viết nhỏ này.

Điều tôi muốn nói là qua chuyện Sài Gòn có tên phố Trường Sa Hoàng Sa thì không biết đã có bao nhiêu tỉnh thành phố thị xã ở nước mình có được cách đặt tên như vậy? Tức là việc đặt tên Hoàng Sa Trường Sa cho đường phố, cho khu dân cư; hoặc là đặt các tên đó cho một trường học một bệnh viện ở địa phương mình có nên nâng lên thành một chủ trương một nguyên tắc cho hoàn cảnh cụ thể lúc này của đất nước chúng ta hay chưa?

Theo dõi báo chí tôi cũng mới biết lác đác nơi này nơi kia có những cái tên như vậy. Có nơi còn mang đặc sản sản vật ở các đảo trên quần đảo Trường Sa về bày đặt trang trọng tại thị xã thành phố mình, phần nhiều là ở các tỉnh miền Trung nơi dù sao cũng liền kề với Biển Đông đang ngày đêm dậy sóng. Tuy nhiên có vẻ như chúng ta còn có sự dè dặt nào đó. Hoặc như trong việc này như còn có sự quá lo xa về một sự phức tạp rắc rối nào đó trong ứng xử đối ngoại chẳng hạn.

Nhân đây tôi cũng tự đặt ra câu hỏi với mình thôi là, không biết được cấp nào, giới nào ở trong Thành phố HCM nghĩ ra, đã đề đạt trình bẩm lên các cấp có thẩm quyền để cho cái khu phố cụ thể chỗ kênh Nhiêu Lộc kia gắn tên hai con đường là Hoàng Sa Trường Sa như vậy? Bởi mọi người đều biết việc đặt tên đường phố không bao giờ là việc tự phát mà phải có chủ trương hẳn hòi, phải là cấp nào đó mới thông qua được mới duyệt y được chứ đâu phải chuyện làm ngẫu hứng địa phương bản vị. Vậy khi Thành phố làm như thế có vướng mắc trở ngại gì không. Hoặc lúc đề đạt đặt tên đó là vào ngay khu phố này hay cũng đã gợi ý đặt vào những đường phố khác rộng rãi đàng hoàng hơn mà không được thông qua thì đến giờ tôi chắc rất nhiều người khác cũng đâu được biết..

Nhưng quả thực, chỉ riêng việc Thành phố HCM của chúng ta có được hai đường phố mang tên Hoàng Sa và Trường Sa tại dọc bờ con kênh Nhiêu Lộc cũng đã là một điểm son lớn của Thành phố lớn nhất phương Nam này. Đặt tên như vậy là một cách nhắc nhở, là một biểu thị tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo thường trực cho mọi công dân thành phố. Đây là việc đáng phải làm.

Nói vậy bởi là người sống ở Hà Nội, tự nhiên tôi có liên tưởng tức thì. Không biết thủ đô mình đã có con phố con đường nào được đặt tên là Trường Sa Hoàng Sa hay chưa? Tôi nghĩ là chưa.

Nếu tôi nghĩ vậy là không chính xác thì đó lại là điều ta mong như thế. Bởi như vậy thủ đô Hà Nội đã nhớ tới hai địa danh thiêng liêng này mà có cách làm cho mọi người, nhất là giới trẻ biết đến và nhớ đến hai vùng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Còn đúng là chưa có thì thủ đô chúng ta còn đợi chờ gì nữa mà không chọn ngay ra những nơi chốn, đường phố, công trình xứng đáng để đặt tên hai địa danh kia ở thủ đô chúng ta?

Thật ra thì cái việc đặt tên cho những công trình do con người tạo ra bảo là việc bình thường thì cũng rất là bình thường thôi. Bởi không ai ngây thơ cho rằng chỉ bằng vào việc đặt tên cho nơi này là Hoàng Sa nơi kia là Trường Sa thì ta đã có thể giành giật lại chủ quyền. Tuy nhiên việc cho đặt những cái tên như vậy trên mọi miền đất nước vào hoàn cảnh Biển Đông đang đêm ngày dậy sóng như lâu nay là một cách nhắc nhở kịp thời tất cả các thế hệ người Việt Nam về một nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, tôi thiết nghĩ là một công việc các địa phương rất nên làm.

Nguyễn Vĩnh

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1337&prev=-1&next=1325

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...