Ơ hay… các vị (!)
Qua một ngày Chủ nhật không mấy vui khi lướt lại mấy cái tin “chẳng muốn tin” của tuần.
Nào là dân mình, cả thiếu nhi nữa, bên con sông Pôkô (tôi nhớ dòng sông đã vào lời hát đẹp đẽ một thuở) phải sang sông bằng dây cáp, treo mình lên đó mà đu qua đu lại(!).
Rồi ông “ban quản lý” Hồ Gươm được cấp phép xây trụ sở 3 tầng (và 1 tầng hầm) ở sát cạnh cái hồ nước xanh độc đáo của Thăng Long Thành lẽ ra phải được bảo vệ để giữ cho được là lá phổi xanh.
Cũng vẫn quanh Hà Nội thôi, chỗ này người ta sơn phết bằng sơn bằng vôi ve lên nhà cửa cổ và cả chùa chiền miếu mạo…; chỗ kia thì lật gạch lát hè (còn mới, tốt) cũng là để đặt lại viên gạch viên đá lên trên cái nền cát sơ sơ sài sài…
Ơ hay, đất nước mình kinh tế tăng trưởng, chỗ này chỗ kia ầm ầm đổ tiền đổ của. Đều cả trăm, ngàn tỉ cho cầu cho đường mà cái vùng đất Kôn Tum từng là căn cứ kháng chiến kia sao dân không có cầu phà đi lại? Đến nỗi phải liều mạng làm diễn viên xiếc đến mức khó tưởng tượng như vậy?
Rồi chuyện cái quận sở tại lẽ ra phải bảo vệ môi trường không gian xanh cho Hồ Gươm hơn ai hết lại đi cấp phép cho một công trình mà nếu được xây lên chỉ làm cho khung cảnh hồ thêm sự bức bối chật chội vì lại thêm bê-tông thêm gạch đá bịt bùng.
Và cũng không biết cái nguyên tắc nào, cái cơ chế chi tiêu cho thủ đô Hà Nội nó ra làm sao mà con dân chúng ta cứ “khổ lắm”, “nói rồi nói mãi” (mà chẳng mấy khi có câu trả lời rõ ràng) là cái chuyện hè đường hè phố. Cứ đào lên đặt xuống. Mau mau đều đều, lặp đi lặp lại. Chữa hoài, vá víu mãi mà chẳng thấy dứt, thấy xong… Hình như cứ có đợt gạch mới đá mới nào, có kinh phí có tiền được duyệt là người ta lật vỉa hè lên. Làm mới. Làm cả khi hè phố chưa kịp cũ. Vừa mới ngày nào làm, quay đi quay lại nay đã lại làm. Điệp lại mãi nên cũng chẳng ai ở ngay đường phố mình ở còn nhớ là bao lâu một lần làm lại nữa.
Mà cái kiểu làm mới cũng rất kỳ lạ. Chỉ san san lớp cát sơ sài. Ghép gạch ghép đá cho xuống là… nghiệm thu. Là xong. Đa phần không vôi vữa xi măng, cũng OK. Cốt cho nó… chóng xô lệch, chóng hỏng. Thì càng tốt. Rồi lại có kinh phí để làm hè phố đợt mới.
Nhân chuyện “làm mới”, thì chuyện này còn kỳ hơn nũa. Nhà phố cổ, đền chùa miếu phủ trên đất Thăng Long xưa cổ kính rêu phong nay đang được “mới hóa”. Tức là có kinh phí thì ta làm đại. Thì sơn phết, tô vẽ phấn son cho nó đẹp nó trẻ. Như người ta có… “con gái đi lấy chồng mà” (ông văn hóa Hà Nội ví von thế có hay không nào?). Đà này không khéo ông cụ tổ ngàn năm tuổi Thăng Long mà thế giới nhiều người mơ có lại biến thành chú hài nhi… 1 tuổi ở kỳ đại lễ. Kinh hoàng!
Đúng là cái nước mình nó lắm chuyện… “lạ đời”. Mà như thế thật, đúng thật cả đấy.
Nhưng mà “ơ hay”, thế các vị… Là các vị - như các cụ làng tôi xưa hay nói - cứ là chẳng biết “đằng mù” nào sất đó thôi, chứ người ta làm sao làm gì là đều có lý cả đấy.
Thì có làm những dự án lớn, cả trăm-nghìn tỉ, các khoản chi quản lý, chi trách nhiệm mới có phết phẩy “hoành tráng” ăn theo. Chứ người ta thiết gì đi vào ba cái cầu phà nhỏ lẻ. Tiêu pha ở đấy chỉ ít triệu bạc thì sơ múi nhằm nhò gì mà phải hăng hái nhao vào?
Còn khi người ta bỏ tiền xây trụ sở ở những chỗ “đắc địa” như ven Hồ Gươm là đúng phóc đấy. Thế sai gì nào? Là xây cho ban quản lý Hồ Gươm có chỗ làm việc, hợp lý nào hơn? Nhưng cái đích nhằm tới là các “di-vu” sớm muộn sẽ biến thái. Chứ ai lại “vích” đến mức để cho mấy vị công chức (của người ta) sớm chiều xách túi mang cặp ra ngồi hóng gió hồ. Đâu đó trong quận người ta thừa sức bố trí được cho họ ngồi. Còn chỗ xây mới, của đống đồng tiền mỗi mét vuông, thì khi ấy lại trình bẩm “đổi công năng” tí tị là…xong. Ai mà hoài phí mảnh đất vàng mười như vậy chỉ để người ngồi mấy cái bàn giấy.
Chuyện đào hè có gì nào? Có cơ chế xin được kinh phí để cho thủ đô văn minh hiện đại thì chúng tôi trình bẩm lên. Được duyệt thì còn tạo công ăn việc làm cho bà con nông nhàn (Hà Nội có vùng nông nghiệp nông thôn rộng lắm, tuyển nhân công loại này giờ dễ ợt). Người ta có làm dối dá thì cũng là “đỡ tốn kém” cho nhà nước thôi mà. Dôi thừa đôi chút ra thì có cả trăm cách “tiêu khéo”. Nộp lại làm gì cho khó sổ sách, lôi thôi quyết toán. Miễn sao “trên” lơ cho. Dưới thì hể hả, cả làng. Đều vui là được. Có chết cái làng Vũ Đại nào đâu.
Tóm lại chỉ là “ơ hay”, kính các vị nhé! Nhất là các vị viết blog chơi Web(!).
Sao các vị cứ hay vẽ chuyện. Cứ suy ra lắm điều làm vậy! Chúng tôi hỏi, thế các vị phơi bày ba cái chuyện lạ (mà ai cũng biết này) ra để làm gì? Rách việc quá.
Nguyễn Vĩnh
-----------------------
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1338&prev=-1&next=1337
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét