Một nhà ngoại giao đáng kính trọng (2)
Lá thư cuối cùng của Đại sứ Sakaba gửi người Việt Nam
(hay là 9 việc làm của ông Đại sứ Nhật Bản trước khi rời VN)
Hà Nội với tôi như một giấc mơ
Ngày 16 tháng 9 năm 2010
Hai tuần cuối ở Hà Nội trôi đi thật nhanh. Mỗi ngày trôi qua nhanh khi tôi chỉ có thể đến chào tạm biệt những người đã từng giúp đỡ tôi trong thời gian tôi công tác tại Hà Nội. Thời gian là một cái gì đó rất lạ, khi người ta mong chờ điều gì thì rất lâu, nhưng khi nhìn lại những gì đã qua thì cảm thấy thời gian trôi đi rất nhanh. Không phải là câu nói trăn trối của tướng Toyotomi Hideyoshi, nhưng “Hà Nội là giấc mơ của giấc mơ” là những cảm nhận thực tế của tôi. Tôi sẽ trở về Nhật Bản vào chuyến bay tối ngày mai. Công việc ở Tokyo cũng đã được giao vì thế những gì đã có ở Hà Nội sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ trong tôi, phấn chấn lại, tôi sẽ cố gắng hết sức mình còn lại để cống hiến cho đất nước mình.
Chuyến thăm Hà Nội của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt
Vào ngày 7~ 9 tháng 9, 6 hạ nghị sĩ do Ông Takebe Tsutomu làm Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt (nguyên là Trưởng ban thư ký Đảng Dân chủ Tự do), đã đến thăm Hà Nội. Khá lâu rồi đây là chuyến thăm Việt Nam lại của Đoàn, bản thân Ông Takebe Tsutomu cũng đã 2 năm rồi mới lại sang thăm Việt Nam . Cấu tạo của nhóm không theo một đảng phái nào, trong chuyến thăm này có 1 nghị sĩ của Đảng Dân Chủ và 1 nghị sĩ của Đảng Công Minh đã thay đổi. Ngoài cuộc hội đàm với Ngài Trương Tấn Sang, Thường trực ban bí thư Trung ương Đảng (tương đương với chức Trưởng ban thư ký Đảng của Nhật Bản), Đoàn còn có cơ hội hội đàm với các thành viên của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật (phía Việt Nam) do Ngài Hồ Đức Việt (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng), làm chủ tịch nhóm. Về phía Chính phủ Việt Nam , Đoàn đã có buổi gặp mặt trao đổi với Ngài Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra Đoàn có lịch trình dày đặc dành một ngày để đi thăm các tỉnh gần Hà Nội, gặp gỡ các chủ tịch tỉnh và đi thị sát các khu công nghiệp. Vào ngày 10, Đoàn đã đi thăm tỉnh Miền Trung như Đà Nẵng và Miền Nam như Sài Gòn. Đoàn đã về nước vào chuyến bay tối ngày hôm đó.
Tôi đã có dịp ngồi ăn tối cùng Đoàn tại Nhà riêng vào tối ngày 7/9. Vì tôi đã có mối quan hệ thân quen cũ với Chủ tịch Takebe Tsutomu và các thành viên của Đoàn, nên đó là một buổi ăn tối rất vui vẻ, mọi người nói chuyện rất sôi nổi. Các vấn đề tình hình chính trị của Nhật Bản, ngoại giao, đảm bảo an ninh v.v. được trao đổi rất thẳng thắn, các nghị sĩ đã cảm nhận được những nguy cơ về tình hình chính trị trong và ngoài Nhật Bản. Một vấn đề được quan tâm nhiều nhất đó là một nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do nói rằng “Khi Đảng Dân chủ Tự do còn là Đảng cầm quyền, cho dù là có nói về vấn đề đảm bảo an ninh ngoại giao đi nữa, thì cũng sẽ không được những người ủng hộ ở địa phương quan tâm, còn khi họ ở vị trí của Đảng đối lập, nếu nói như vậy thì sẽ nhận được phản ứng của những người dân bầu cử”. Điều đó có nghĩa là gì? Nghị sĩ của Đảng cầm quyền thường được những người ủng hộ quan tâm theo hướng đem lợi ích về đia phương, ngược lại thì Đảng đối lập không hề có điều này và họ có thể nói tự do hay phê phán về vấn đề an ninh ngoại giao.
Hội liên hợp kinh tế miền trung Nhật Bản đến thăm Việt Nam
Vào ngày 3 tháng 9, tôi đã mời 32 thành viên của Đoàn kinh tế do Ông Kawaguchi Fumio, Tổng Giám đốc tập đoàn Năng lượng điện ChuBu, làm chủ tịch hội tới Nhà riêng của tôi và đã có buổi nói chuyện thân mật tại đây. Lịch trình ở Hà Nội của Đoàn trùng với 4 ngày nghỉ liên tiếp của Việt Nam tính từ ngày Quốc khánh 2/9, vì thế tôi đã rất lo lắng Đoàn sẽ khó có thể gặp được các vị lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, nhưng tôi đã yên tâm bởi lịch trình không bị hoãn lại. Trong bài phát biểu tôi đã bày tỏ mong muốn rằng Việt Nam là một nước dân số trẻ, có khuynh hướng tiêu dùng rất nhiều vì thế nhu cầu là rất lớn, các doanh nghiệp Nhật Bản cần thiết phải nắm bắt các cơ hội kinh doanh ở đây. Ông Kawaguchi cũng nói rằng mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và giới kinh tế miền trung Nhật Bản sẽ ngày càng mở rộng vì thế Đoàn cũng rất muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ này.
Sau khi đến Việt Nam , Đoàn sẽ thăm Campuchia và Singapore , sau đó sẽ đến miền nam của Trung Quốc. Khoảng 2,3 năm trước, tôi rất không bằng lòng bởi trong giới kinh tế của Nhật Bản, họ nói về kinh doanh tại Việt Nam với quan điểm tránh rủi ro có tên là “Chine + 1”, tôi đã đề nghị rằng Việt Nam là một nước đang phát triển và hãy nhìn nhận đúng ý nghĩa tích cực của nó với nền kinh doanh của một nước đang phát triển như vậy. Ông Kawaguchi có nói rằng “Đến bây giờ không còn một nhà kinh tế nào nhìn Việt Nam với quan điểm tránh các rủi ro nữa”, tôi thật sự đã rất vui mừng vì việc này.
Kỉ niệm ngày Quốc khánh 2/9 lần thứ 65
Ngày 1/9, lễ kỉ niệm ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm đã được tổ chức tại Hà Nội, tôi với tư cách là một thành viên của Đoàn ngoại giao, đã tham dự sự kiện này. So với các sự kiện 2 năm trước đó khi tôi tham dự, sự kiện lần này khá là lớn hơn bởi nhân dịp kỉ niệm tròn 65 năm Quốc khánh. Cũng như hàng năm Đoàn ngoại giao có đến viếng Lăng Bác và Đài tưởng niệm liệt sĩ, sau đó có buổi lễ kỉ niệm được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Ngoại giao, các vị lãnh đạo trong quá khứ và hiện tại đều có mặt đông đủ, Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam đã có bài diễn thuyết tại đây. Sau đó là đại diện cho các Đảng viên trẻ ưu tú có bài “tuyên thệ” được diễn ra rất trang nghiêm. Trước lễ khai mạc, các bạn trẻ biểu diễn ca nhạc và múa, trên màn hình chính diện có chiếu hình ảnh ghi lại “Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn đương thời”, phần chiếu sau cùng là những hình ảnh mới nhất về “Việt Nam ngày nay”, hình ảnh cây cầu Cần Thơ (được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản mới được hoàn thành gần đây) được chiếu rất rõ đã làm tôi rất ngạc nhiên và vui mừng.
Vào buổi tối ngày hôm đó, như thường lệ, buổi chiêu đãi mời Đoàn ngoại giao tại Trung tâm hội nghị Quốc tế tại Hà Nội. 2 năm trước dịp này là “Sự kiện của Chính phủ” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm chủ trì, nhưng năm nay thì hơi khác, đầu tiên kể đến là Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngài Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Quốc hội, 4 vị lãnh đạo đứng đầu đều có mặt đầy đủ, khiến buổi lễ này thành một “Sự kiện quốc gia”. Ngoài ra còn có các quan chức khác của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đều là những người quen đã giúp đỡ tôi trong thời gian tôi công tác tại Hà Nội, cũng có mặt đông đủ. Vì thế, đối với một người sắp về nước như tôi, đây là một cơ hội rất tốt để tôi cùng một lúc có thể chào tạm biệt mọi người. Tôi thấy rất cảm ơn phía Việt Nam hàng năm tổ chức những sự kiện như này nhằm tăng thêm mối quan hệ mật thiết với các Đoàn ngoại giao.
Những cuộc gặp cuối cùng tại Việt Nam với nhiều người Nhật
Sáng 8/9, Lễ khai trương Trung tâm Risupia đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của ông Nakamura Kunio (Chủ tịch HĐQT Công ty Panasonic). Như tôi đã giới thiệu trong Câu chuyện số 58, Trung tâm Risupia là cơ sở giáo dục nhằm khơi dậy niềm đam mê và sự quan tâm của các em học sinh (chủ yếu là cấp 2, cấp 3) đối với vật lý và toán học. Hà Nội là địa điểm xây dựng Trung tâm Risupia thứ 2 trên thế giới, sau Odaiba ở Tokyo . Tôi như cảm nhận được cảm tình đặc biệt mà Công ty Panasonic dành cho Việt Nam . Đại diện Chính phủ Việt Nam tới tham dự buổi lễ là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - đương nhiên rồi, vì việc Trung tâm Risupia được mở tại Hà Nội bắt nguồn từ chuyến đi khảo sát cơ sở ở Odaiba của Phó Thủ tướng, khi ông sang Nhật Bản hồi tháng 3/2008. Về phần mình, tôi mong rằng các em học sinh Việt Nam sẽ đến Trung tâm thật đông, thật vui.
Ngày 10/9, tôi có buổi nói chuyện với ông Morisaki Takashi (Trưởng bộ phận Châu Á của Ngân hàng Mitsubishi Tokyo UFJ). Thị trường Việt Nam với các hoạt động thương mại mở rộng nhanh chóng đang được giới tài chính Nhật quan tâm. Như ông nói “Sau Trung Quốc, Ấn Độ, bây giờ là Việt Nam !”, tôi kỳ vọng vào sự phát triển của các dự án đồng hành cùng Việt Nam . Tôi cũng nêu nguyện vọng muốn giới tài chính có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Việt Nam .
Cũng trong ngày 10/9, đã lâu tôi mới gặp lại ông Iida Nobuyasu (Phó Giám đốc Công ty Khai thác dầu khí JX Nippon), nhân dịp ông tới thăm Đại sứ quán. Đây là công ty mới thành lập trên cơ sở sáp nhập Công ty Dầu mỏ Shin-Nihon và Công ty Khai khoáng Nippon, đang tiến hành dự án khai thác dầu khí tại Vũng Tàu (miền Nam Việt Nam). Ông cho biết mỏ Rạng Đông đi vào khai thác đã 12 năm nay, với sản lượng hiện giảm xuống còn 30.000 thùng mỗi ngày (chiếm 9% tổng sản lượng của Việt Nam). Công ty cũng có những khu vực khác đang được tiến hành thăm dò, nên tôi mong rằng họ sẽ tìm ra những mỏ dầu ưng ý.
Ngày 14/9, tôi nói chuyện với ông Murata Keiichi (Giám đốc Công ty Nissan Techno) tại Đại sứ quán. Đây là công ty được thành lập năm 1985 nhằm phát triển công nghệ xe hơi cho Tập đoàn Nissan, 9 năm trước thành lập công ty con ở Việt Nam với một số công việc bổ sung như thiết kế máy móc, thiết bị điện/điện tử các loại hay CAD design... Tôi khá bất ngờ khi nghe ông nói đây là công ty con lớn nhất ở nước ngoài, với 1150 nhân viên. Trong tương lai gần, công ty có kế hoạch mở văn phòng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (cách Hà Nội 30km về phía Tây) và sẽ là doanh nghiệp Nhật đóng vai trò khai thác phát triển lĩnh vực mới. Đường từ Hà Nội tới Khu công nghệ cao này đã gần hoàn thành, bên trong Khu công nghệ cũng đang dần hoàn thiện, nhưng thiết kế chi tiết hạ tầng cơ sở vẫn đang được JICA tiến hành, nên phải mất 4 - 5 năm nữa thì các hạng mục bằng vốn ODA của Nhật mới chính thức hoàn thành. Tuy vậy, đã xuất hiện những công ty nước ngoài quyết định đầu tư hoạt động tại đây, và cũng có khả năng ai nhanh hơn thì thắng, nên kế hoạch lần này của Nissan Techno khá được chú ý.
Tạm biệt nhiều người Việt
Ngày 11/9 tại một khách sạn ở Hà Nội, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật (Chủ tịch: ông Hồ Đức Việt), Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (Chủ tịch: ông Vũ Xuân Hồng), Hội Hữu nghị Nhật-Việt (Chủ tịch: ông Nghiêm Vũ Khải) và Hội Cựu du học sinh Nhật Bản (Chủ tịch: ông Nguyễn Ngọc Bình) đã tổ chức “Tiệc chia tay Đại sứ”. Tôi bất ngờ khi được nhận thư cảm ơn và huy chương hữu nghị, lại có cả quay phim rất chuyên nghiệp của Đài truyền hình đến tác nghiệp. Trong bài phát biểu, tôi có nói đến 1 chuyện vui và 2 việc đáng tiếc - những kỷ niệm trong thời gian công tác của mình. Chuyện vui là tôi đã hoàn thành mục tiêu đi thăm hết 63 tỉnh thành của Việt Nam . Còn việc đáng tiếc là tôi không thể thực hiện được mong muốn làm Đại sứ đến năm 2013, là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật-Việt. Một việc đáng tiếc còn lại là “Chưa lần nào chơi tennis thắng được Ngài Hồ Đức Việt (Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật)!” - câu này khiến quan khách cười nghiêng ngả. Tuy nhiên, nói thực lòng, điều làm tôi vui nhất chính là tình cảm nồng hậu mà những người bạn Việt Nam luôn dành cho mình, như bữa tiệc chia tay này cũng vậy. Là một Đại sứ, còn gì vui và ý nghĩa hơn chứ!
Ngày 13 tháng 9, tôi đến chào Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trước khi về nước và trao đổi về sự hợp tác của Nhật Bản trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ông Chủ tịch Ủy ban đánh giá cao sự hợp tác về tài chính và nhân lực của Nhật Bản trong công tác khai quật, bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long và hoan nghênh các hoạt động văn hóa Nhật Bản hầu như được tổ chức mỗi tháng một lần. Ông cũng tỏ ra rất thích thú trước tờ rơi quảng cáo “Hà Nội và Nhật Bản” được các tổ chức người Nhật Bản tại đây tự nguyện phát hành. Tôi đã đề nghị hai phía Nhật Bản và Việt Nam sẽ cùng hợp tác xây dựng khu vườn Nhật Bản trong lòng Hà Nội cho tới năm 2013, kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Việt, một việc và tôi chưa thể thực hiện trong thời gian tại nhiệm. Ông Nguyễn Thế Thảo đã trả lời tôi “Việc đó nhất định sẽ được thực hiện, mong Ngài đại sứ yên tâm”. Không rõ mọi việc sẽ diễn ra thế nào.
Ngày 14 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức đã tới thăm Đại sứ quán để nói lời chào tạm biệt với tôi. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức phụ trách công tác hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông trong đấy có mảng xây dựng hệ thống đường bộ, Ngài Thứ trưởng là một đối tác thường xuyên cộng tác với tôi trong các dự án ODA của chính phủ Nhật Bản. Ngài Thứ trưởng đã sang thăm Nhật Bản nhiều lần và có nhiều bạn ở Nhật Bản. Tôi đã nêu lên ý kiến sau cùng cho rằng việc hoàn thiện hạ tầng giao thông là điều không thể thiếu để phát triển kinh tế ở Việt Nam, trong tương lai Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này thông qua nguồn vốn ODA. Tuy nhiên cần làm rõ mức độ ưu tiên của các dự án, triển khai từng dự án một cách thiết thực, bên cạnh đó phải đảm bảo trình tự thực hiện nghiêm minh, đảm bảo không có các nghi vấn tham nhũng, hối lộ xảy ra. (Bên cạnh đó, ngày 16 tháng 9, tôi rất cảm kích trước việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hội An, Ông Lê Văn Giảng đã từ nơi xa xôi tới tận Hà Nội để chào từ biệt tôi. Tôi đã khẳng định với Ông sẽ tiếp tục hợp tác để Lễ hội Nhật bản tại Hội An có thể tổ chức hàng năm).
Chào từ biệt các lãnh đạo Việt Nam
Ngày 3 tháng 9, tôi đã tới chào từ biệt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Phủ Chủ tịch. Từ sau lễ trình quốc thư nhân dịp tôi mới sang nhậm chức 2 năm trước đến nay, tôi đã có nhiều cơ hội được chào hỏi Ngài Chủ tịch nước trong những sự kiện khác nhau. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất chính là sự quan tâm đặc biệt của Ngài nhân chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử điện hạ vào tháng 2 năm 2009. Theo nghi lễ ngoại giao, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới là người mời Hoàng Thái tử sang thăm Việt Nam, tuy nhiên Ngài Chủ tịch nước vừa mới tới thăm chính thức Nhật Bản với tư cách là quốc khách, để cảm tạ sự tiếp đón thịnh tình của Thiên hoàng và Hoàng hậu, Ngài đã nhất định muốn được tiếp đãi Hoàng Thái tử, Ngài đã quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của chương trình chuyến thăm và đã đón tiếp Hoàng Thái tử một cách vô cùng nồng hậu. Nhân dịp tới chào từ biệt, tôi cũng đã bầy tỏ lòng biết ơn trước sự tiếp đón trọng thị và chu đáo của Ngài Chủ tịch nước đối với Hoàng Thái tử Nhật Bản. Mặt khác, khi nghe tôi nói mình đã tới thăm hết 63 tỉnh thành trên cả nước, Ngài Chủ tịch nước đã nói những lời làm tôi thấy vô cùng cảm động: “Cảm ơn Ngài đại sứ đã rất quan tâm tới Việt Nam và đã đóng góp cho sự phát triển của mối quan hệ Việt Nhật”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức vào tháng 11 tới tại Nhật Bản, có thể khi đó tôi sẽ lại có dịp gặp lại Ngài tại Tokyo.
Trong hai tuần đầu tiên của tháng 9, tôi đã lần lượt đến chào từ biệt các vị lãnh đạo của chính phủ Việt Nam đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng và nhiều cán bộ đã giúp đỡ tôi trong nhiệm kỳ công tác vừa qua. Đặc biệt hơn nữa tôi đã được Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện cho Chính phủ Việt Nam, trao tặng “Huân chương Hữu nghị”. Tôi cảm thấy rất biết ơn vì đây chính là huân chương cao quý nhất dành cho người nước ngoài. Ngoài ra tôi còn được Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Đoàn Thanh niên trao tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương v.v… Tại Nhật Bản không có chế độ khen thưởng như vậy đối với các cán bộ ngoại giao kết thúc nhiệm kỳ về nước nên không thể thực hiện việc đãi ngộ tương đương. Đây quả thật là điều đáng tiếc.
“Tiệc chia tay”
Ngày 6 tháng 9 năm 2010, tôi đã mời những người đã giúp đỡ tôi trong thời gian công tác tại Việt Nam như các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, đại diện những người Nhật Bản đang công tác tại Việt Nam, đại sứ các nước vv.. đến dự “Tiệc chia tay” tại một khách sạn trong thành phố Hà Nội. Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng đại diện cho Chính phủ Việt Nam phát biểu chia tay và Đai sứ Marốc, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam, đã trao cho tôi đĩa kỷ niệm bằng bạc trên đó có chữ ký của đại sứ của tất cả các nước. Tôi cũng đã đề nghị Cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Võ Văn Sung lên bục phát biểu với tư cách là khách mời đặc biệt. Đại sứ Võ Văn Sung hiện đã 81 tuổi, năm 1973 ông là trưởng phái đoàn đàm phán của phía Việt Nam để thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, vì vậy có thể nói “Ông là một nhân vật lịch sử”. Hơn nữa, đến dự tiệc chia tay tôi còn có 6 chủ tịch ủy ban nhân dân của các tỉnh, thành lân cận với Hà Nội, đây thực sự là một cuộc hội ngộ “buồn”. Hai nữ nghệ sỹ tiêu biểu của Việt Nam là Lê Vân và Lê Khanh cũng đã đến dự, bày tỏ sự đáng tiếc khi phải chia tay khiến tôi rất cảm động. Vợ tôi mặc chiếc áo dài do Nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh (Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa Việt Nam , Cựu đại biểu quốc hội) gửi tặng dành riêng cho lễ chia tay này để đón khách và bà ấy đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Tôi đã phát biểu chia tay trong phần đầu của buổi tiệc, trong đó tôi cũng đưa ra 4 câu hỏi mà tôi thường xuyên bị hỏi ở Việt Nam và cũng trình bày cả câu trả lời của mình cho từng câu hỏi đó. Nội dung các câu hỏi đó là (trong ngoặc là câu trả lời của tôi): Điều gì khiến ngài nhớ nhất trong thời gian công tác tại Việt Nam ? (Đó là việc tôi đã đi thăm được toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam ), ‚ Đối với Ngài, ở Việt Nam đâu là nơi đẹp nhất? (Nếu để đi nghỉ thì Hội An là nơi mà tôi thích nhất), Món ăn Việt Nam Ngài ưa thích nhất là gì? (các món bún như “Bún riêu”, “Bún bò huế”, “Cao lầu”), „
Ngài suy nghĩ thế nào về đất nước hoặc con người Việt Nam ? (không khí đô thị tràn đầy sức sống của thanh niên Việt Nam cùng với sự ồn ào và hỗn độn của họ là những yếu tố làm cho Việt Nam hấp dẫn lạ thường. Về con người Việt Nam , có vẻ như họ luôn có cái nhìn lạc quan về phía trước và tôi cảm nhận được sinh lực mạnh mẽ toát lên từ phong cách sống của họ). Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng phải nói ra về một điều khó nói với các bạn Việt Nam là các bạn cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hơn, có tinh thần kỷ luật hơn và có tính tuân thủ cao hơn. Phần cuối cùng này trong bài phát biểu của tôi có thể “không được phải phép lắm”. Vì tôi thực sự thích Việt Nam nên tôi mới nói những điều khó nghe như vậy, nếu có ai đó cảm thấy bị tổn thương thì cho phép tôi xin lỗi trước.
“Đêm chung kết cuộc thi Cosplay”, sự kiện văn hóa cuối cùng
Tối chủ nhật ngày 12 tháng 9, tại cung văn hóa thiếu nhi đã diễn ra “Đêm chung kết cuộc thi cosplay” do Đại sứ quán Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức. “Cosplay” là viết tắt của “Costume Play” tạm dịch nôm na là “Cuộc thi hóa trang”. Có người nghĩ rằng hơi khác lạ khi Đại sứ quán lại đứng ra tổ chức những sự kiện như thế này, tuy nhiên, “Sức mạnh mềm” của Nhật Bản hiện nay đang được toàn thế giới quan tâm và đang trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ ngoại giao văn hóa. Mấy năm trở lại đây, trào lưu học tiếng Nhật trong giới trẻ lại bùng nổ và động lực hàng đầu của họ là mong muốn đọc hiểu được nguyên bản chuyện tranh và phim hoạt hình của Nhật Bản. Tuy nhiên, “thế hệ trung niên” như tôi vì khác biệt về cảm nhận và thiếu kiến thức nên để có thể bắt kịp được những sự kiện như thế này thì quả là một việc khó khăn.
Tại cung thiếu nhi tối 12 vừa qua, sân khấu ngoài trơi nơi diễn ra sự kiện đã ngập tràn nhiệt huyết của các bạn trẻ. Tôi đã đọc diễn văn khai mạc cuộc thi nhưng tôi nghĩ rằng các em không có tâm trí để nghe những lời phát biểu của tôi. Khi hai vị khách tham gia đặc biệt từ Nhật Bản là cô Yuri và cô Shiguma được biết đến như một nữ hoàng trong giới cosplay xuất hiện thì hội trường gần như bùng nổ. Tại đêm chung kết ngày hôm đó, đã có biểu diễn đầy nhiệt tình của 6 nhóm được gọi là “Cosplayer” sau khi vượt qua được vòng sơ khảo chấm qua các đoạn phim. Ở Nhật Bản, cosplay được chú trọng đánh giá theo các kiểu tạo mẫu qua ảnh thì tại Việt Nam , sự quan tâm được hướng tới thưởng thức biểu diễn (Biểu diễn tập thể). Tuy nhiên, đối với một người không am hiểu về chuyện tranh, hoạt hình như tôi thì tôi rất lấy làm tiếc là không thể đánh giá “hóa trang” như thế là giỏi và chỉ biết ngồi theo dõi tiết mục mà thôi.
“Họp báo chia tay” với phóng viên báo chí Việt Nam
Ngày 14 tháng 9, tôi đã tổ chức cuộc họp cuối cùng với phóng viên báo chí Việt Nam tại Đại sứ quán. Tôi rất cảm động vì đã có nhiều phóng viên đến để lấy tin “Lời chia tay” của đại sứ Nhật Bản. Tôi đã nêu cảm xúc của mình trong thời gian nhậm chức tại Việt Nam trong 30 phút đầu. Trong phần mở đầu, sau khi tôi giải thích về tình hình qua lại của các quan chức cấp cao, sự phát triển trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và thành tích của dự án ODA, tôi cũng đã thể hiện nguyện vọng của mình như sau: “Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn chuyển từ nước nông nghiệp sang quốc gia công nghiệp hiện đại, nên tôi mong rằng Việt Nam sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế trong công nghiệp và mong Việt Nam sẽ vượt qua được cạnh tranh tự do khốc liệt trong khu vực.” Mặt khác, sau cùng phần mở đầu, tôi có nêu thêm “Để xây dựng xã hội hiện đại, Việt Nam cần xem lại các tập quán xã hội cũ dẫn đến tham nhũng và hối lộ, cần nâng cao ý thức vệ sinh, hình thành ý thức tuân thủ quy định và luật lệ xã hội, và cần hoàn thiện cách ứng xử trong xã hội”, tuy nhiên tôi lo lắng không biết ý nguyện của mình đã truyền đạt đến các bạn phóng viên được bao nhiêu.
Hồi tưởng lại 2 năm rưỡi nhậm chức vừa qua, tôi đã trả lời hơn 120 phỏng vấn của các phóng viên. Mặt khác tôi đã tổ chức 7 lần “Tour Báo chí” đi cùng các phóng viên đến khảo sát tại địa phương nhận viện trợ không hoàn lại quy mô nhỏ, do đó tôi có quan hệ thân thiết với nhiều phóng viên. Các phóng viên đã tổ chức một buổi tiệc trưa chia tay dành cho tôi. Tất cả các bạn đều là những thế hệ trẻ nghiêm túc, chân thật, làm việc đầy nhiệt huyết và có quan tâm mạnh mẽ đến “hình ảnh của đất nước Việt Nam trong con mắt đại sứ nước ngoài”. Hiện nay Việt Nam chưa phải là một đất nước “Tự do ngôn luận” như các nước phát triển phương tây nhưng khi nhìn thấy những ánh mắt sáng ngời của các phóng viên trẻ, tôi tin rằng “Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng”. Tôi mong chờ thành công của từng bạn phóng viên.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét