Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Lúc này cần có thực lực

Lúc này cần có thực lực

Vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trên vùng biển của chúng ta ngày 26/5 lại rộ lên công việc bảo vệ vùng biển đảo phải như thế nào lúc này?

Đúng là muốn hay không muốn, câu chuyện “đối thoại” về biển đảo và rộng hơn là về Biển Đông với Trung Quốc là không thể chỉ bằng mấy lời phản đối vi phạm chủ quyền!

Ảnh dưới: Hình mẫu loại tàu Gepard 3.9 của Nga mà ta đã đặt mua

Lâu nay ta từng nhiều lần nói thế, kêu lên như thế nhưng đối phương biết thóp ta yếu nên chỉ một mực để ngoài tai và ngang ngược cứ lấn tới. Điều này ta nên nhớ lại hồi 1978, 1979 cũng một kịch bản như vậy. Trong nước thì chuyện xúi bẩy người Hoa rời bỏ nơi cư trú đang làm ăn yên lành để ào ào ngược lên phía bắc vượt biên giới về Trung Quốc. Đồng thời họ lại cho loa đài chõ sang các thị trấn thị xã vùng biên của ta xuyên tạc nói xấu chúng ta... Trên vùng biên giới Tây Nam thì Trung Quốc công khai ủng hộ bọn Pol Pot-Ieng Sary bên Campuchia gây hấn suốt một dải vùng biên ở đó, tàn sát giết hại dã man đồng bào ta…

Không lạ gì, đấy là cái bài quen thuộc của Trung Quốc. Họ cố dựng nên chuyện là mọi sự sai sót là của phía ta, còn họ là đại nghĩa. Và để có cớ ngày 17/2/1979 xua quân tràn qua biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta với chiêu bài “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Nên vụ 26/5 vừa rồi cũng là kết quả của hàng trăm vụ việc trên Biển Đông suốt mấy năm vừa qua. Đều không nằm ngoài mục đích ép ta phải “công nhận” chủ quyền quá tham vọng của Trung Quốc trên toàn vùng Biển Đông.

Vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác chứ đừng tin vào những lý lẽ của Trung Quốc. Cảnh giác để chủ động đối phó, chủ động chuẩn bị những tình huống xấu nhất.

Nói như trên nhưng tôi không ngây thơ nghĩ cứ phải uỵch nhau mới giải quyết được vấn đề. Thương lượng hòa bình. Tốt, rất tốt, là phù hợp với tư duy và nguyện vọng của thời đại. Và giữ được đất nước yên hàn cũng là rất hợp lòng dân. Vì đánh nhau, trả giá sinh mạng không ai khác là dân.

Tuy nhiên muốn nói chuyện hòa bình và có lý lẽ với nhau một cách thực bình đẳng thì ngay bây giờ mình cần có thực lực. Hải quân ta không thể tự tin bảo vệ lãnh hải của tổ quốc chỉ bằng tinh thần hoặc bằng các thứ vũ khí cũ kỹ lạc hậu. Bởi vì nó sẽ không đủ sức răn đe với kẻ trước nay luôn muốn đe dọa chúng ta bằng vũ lực.

Vậy dù bé, dù nghèo (so với đối phương), chúng ta vẫn nên/phải gồng mình trang bị cho hải quân và quân đội nói chung của chúng ta các loại vũ khí hiện đại để có đủ sức chống trả kẻ gây hấn.

Nên từ năm ngoái, tin về những vụ mua sắm vũ khí của quân đội ta đã ngay lập tức đáp ứng dư luận mong chờ. Chứ các tin mua sắm này không hề gây phản cảm (là tiêu tốn tiền của dân).

Dưới đây lại thêm một “tin tốt” nữa theo hướng này. Tin đăng trên trang mạng Armstrade (Mua sắm vũ khí), blog tôi xin đưa lại dưới đây.

Nguyễn Vĩnh

-----------------

Gepard 3.9 thứ hai lên tàu về Việt Nam

5/27/2011 4:34:00 PM | Lượt xem: 14392

VietnamDefence - Frigate Gepard-3.9 thứ hai của Hải quân Việt Nam đã được xếp lên tàu để vận chuyển về Việt Nam.

Sau khi hoàn thành tốt đẹp việc chạy thử và thử nghiệm bàn giao, thử nghiệm các hệ thống vũ khí và bảo đảm sinh hoạt, frigate Gepard-3.9 thứ hai do Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky đóng cho Hải quân Việt Nam, đã được gửi cho Hải quân Việt Nam.

Ngày 25.5.2011, frigate đã được xếp lên tàu vận tải chuyên dụng EIDE TRANSPORTER. Thời gian để đưa tàu về Việt Nam sẽ mất khoảng 65 ngày đêm.

Tất cả các cơ cấu, hệ thống và vũ khí của tàu phù hợp với yêu cầu của hợp đồng và thiết kế kỹ thuật được phê duyệt.

Ngày 5.3, tại căn cứ hải quân Cam Ranh đã diễn ra lễ thượng kỳ trọng thể quốc kỳ Việt Nam trên frigate đầu tiên lớp Gepard-3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng.

Frigate có tính năng tốt hơn về khả năng đi biển, cơ động, linh hoạt, khả năng điều khiển và cự ly hành trình. Theo yêu cầu của phía Việt Nam đưa ra sau khi tàu đầu tiên về tới Việt Nam, nội thất tàu thứ hai đã có nhiều cải tiến. Theo các chuyên gia, tàu thứ hai tiện lợi hơn trong bảo dưỡng và khai thác.

Hợp đồng với Hải quân Việt Nam để đóng 2 frigate Gepard-3.9 do Viện ZPKB thiết kế được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk ký vào tháng 10.2006. Hai tàu này được khởi đóng vào năm 2007 theo điều kiện hợp đồng do Rosoboronoexport và Chính phủ Việt Nam ký năm 2006. Theo thoont in hiện có, hợp đồng có giá trị 350 triệu USD.

Gepard-3.9 dành cho Việt Nam là biến thể cải tiến của tàu Projekt 11661 Gepard-3.9. Tàu dành cho Việt Nam có ứng dụng công nghệ tàng hình. Tàu được trang bị một hệ thống phòng không Palma-SU với hệ dẫn quang-điện tử mới và hệ thống tên lửa Uran.

Frigate lớp Projekt 11661 dùng để tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm và trên không khi hoạt động đơn lẻ hay trong đội hình binh đoàn tàu. Chúng có thể làm các nhiệm vụ hộ tống và tuần tra. Vũ khí gồm 2 cụmx4 ống phòng tên lửa chống hạm Uran-E, 1 pháo 76 mm АК-176М, 2 ụ pháo 30 mm AK-630M và các ống phóng lôi 533. Tàu có lượng giãn nước 2100 tấn, tốc độ 28 hải lý/h (52 km/h), thời gian hoạt động độc lập trên biển 20 ngày đêm. Trên tàu có thể bố trí trực thăng Ка-28 hay Ка-31.

Phía Việt Nam đã tỏ ý muốn đóng theo giấy phép 2 tàu Gepard-3.9 nữa ở thành phố Hồ Chí Minh (hợp đồng phụ này hiện chưa thực hiện).
Nguồn: Armstrade, 27.5.2011.




Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Chữ Khoa đẩu


Đăng bởi Ngạo Nghễ on 21/02/2010

Sử cũ cho biết, sau khi nước Nam Việt của Triệu Đà bị người Hán xâm chiếm, văn hóa của Việt tộc bị thi hành chính sách đồng hoá. Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp sang ta bắt đốt hết sách, nhà nào cất giữ thì bị giết hại. Cuộc tận thu trống đồng của Mã Viện năm 43, sau này cuộc cướp phá sách vở của nhà Minh đầu thế kỷ 15… Với chính sách đó thì chữ “Khoa Đẩu” của người Việt cổ và có thể cả chữ “tượng hình” sơ khai của thời Văn Lang, Âu Lạc, sau một ngàn năm bị đô hộ, tưởng rằng đã bị xoá sạch là điều dễ hiểu.

Ảnh dưới: Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng


Trong tập: Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ, do Viện Văn hoá in năm 1986, Giáo sư Lê Trọng Khánh đã dẫn chứng: Nhiều dân tộc trong Bách Việt đã dùng chữ Khoa đẩu thời Phục Hy- Thần Nông để ghi tiếng dân tộc mình. Như vậy, dân tộc Kinh – Lạc Việt lại không còn văn bản hay sao? Riêng ở Việt Nam, chữ Khoa Đẩu được dùng lâu hơn. Mãi đến đời Sĩ Nhiếp vẫn còn, tuy Sĩ Nhiếp cấm đoán nhưng nhân dân ta vẫn dùng.

Nhiều nhà nghiên cứu, từ Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Nguyên, Trần Ngọc Thêm… cho đến Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký, cả những nhà nghiên cứu nước ngoài như Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp, nhất là Trung Quốc: từ Lục Lưu, đến Hứa Thân, Trịnh Tiểu… đều khẳng định: Việt Nam xưa đã có chữ viết riêng. Chữ Việt cổ được phát hiện ngày một nhiều trên nhiều hiện vật khảo cổ, được khắc trên đá, trên xương thú, trên đồ đồng như vũ khí, trống đồng cổ và phân bố rộng khắp lưu vực có người Việt sinh sống.

Gần đây Nhóm nghiên cứu Chữ Việt cổ và giáo dục thời Hùng Vương, do nhà văn Khánh Hoài- Đỗ Văn Xuyền lãnh đạo đã có những khám phá rất quan trọng. Một trong những kết quả nghiên cứu của Nhóm là phát hiện ra một bộ chữ Việt cổ được lưu giữ ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Các nhà khoa học cho rằng văn tự này có thể là một biến thể của chữ “Khoa đẩu” hay “Hoả tự” đã ghi trong cổ sử. Thứ chữ đã tồn tại trong nền văn hoá tiền Việt – Mường. Do không được sử dụng phổ biến, bộ chữ này bị đóng băng, không phát triển theo kịp những biến âm trong tiếng nói người Việt hiện đại. Đến thế kỷ 16 khi đạo thiên chúa truyền vào nước ta, một nhóm trí thức người Việt đã cùng các giáo sĩ phương tây La Tinh hoá bộ chữ này thành chữ Quốc ngữ mà ta đang dùng ngày nay.
Người Việt ta lập nước rất sớm, nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương đã có thầy giáo và học trò, điều đó chứng tỏ dân tộc ta đã có chữ, nhưng đó là thứ chữ gì ? Trong hơn một chục năm gần đây, vấn đề chữ viết của người Việt cổ đã được đặt ra trên tinh thần nghiêm túc và khoa học trong các hội nghị nghiên cứu thời kỳ các vua Hùng.


Những nơi có dấu tích chữ Việt cổ 


Vào năm 1903 Tổng đốc Thanh Hóa lúc ấy là Vương Duy Trinh công bố việc tìm ra một văn bản viết bằng thứ chữ lạ, trông như những ngọn lửa vờn cháy mà ông gọi là chữ Hỏa tự. Dựa vào những chữ Hán ghi chú bên cạnh ông dịch được nội dung, thì ra đây là một bài thơ có tựa đề “Mời trầu” có nội dung ca ngợi tình yêu.

Vương Duy Trinh cho rằng, đây chắc chắn là chữ của tổ tiên ta từ thời các vua Hùng nay vẫn còn truyền lại và lưu hành trong một bộ phận nhỏ xã hội. Theo nghiên cứu của Ông thì:”Thập châu là vùng biên viễn, nhân dân ta còn lưu giữ được thứ chữ này”.

Cách đây hơn một thế kỷ, Phạm Thận Duật, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, trong thời gian làm Tri châu ở Tây bắc (khoảng năm 1855) đã phát hiện nhiều bộ chữ mà Ông cho là chữ Thái thổ tự , trong đó có một bộ chữ cái có kèm ghi chú chữ Hán. Theo mô tả của Ông, thứ chữ này được viết theo chiều ngang, bộ chữ gồm 18 thể chữ cái theo vần bằng, 18 thể chữ cái theo vần trắc. Còn ở Châu Mai Sơn, Châu Minh Biên có bộ chữ gồm 17 thể chữ cái theo vần bằng, 15 thể chữ cái theo vần trắc. Ngoài ra còn 11 chữ và nét phụ ở 04 bên mà Ông gọi là “tứ bàng phụ họa, sử dụng 03 thể chữ cái đảo lên, lộn xuống, ghép lại với nhau thành từ, thì đều có thể thông với văn tự Trung châu” (tức là có thể chuyển ngữ cho chữ Hán).

Chữ Việt cổ được tìm thấy ở tỉnh Sơn La (ảnh dưới):


Theo nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền: Bộ chữ do Phạm Thận Duật mô tả là bộ chữ không có dấu, trong đó 17 chữ vần bằng là phụ âm, đi với thanh không. 16 thể chữ theo vần trắc là phụ âm đi với thanh huyền. 11 nét phụ (tứ bàng phụ họa) cho những từ vần bằng chính là nguyên âm. Sau nhiều năm khảo sát ở nhiều miền trong cả nước, ông sưu tầm được một khối lượng lớn tư liệu về chữ Việt cổ, và khu biệt được một bộ chữ gồm 47 chữ cái mà Ông tin chắc là chữ Việt cổ, vì bộ chữ này thỏa mãn được 03 tiêu chuẩn kiểm tra ký tự của một dân tộc, được các nhà khoa học đề ra, đó là:

- Có ghi lại được đầy đủ tiếng nói của dân tộc đó không ?

- Những đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc có thể hiện qua các đặc điểm của ký tự đó không ?

- Có giải quyết được các “nghi án” về ngôn ngữ, ký tự của dân tộc đó trong quá khứ ? (Chứng minh bằng các cuộc kiểm tra thực tế ở các địa phương, bằng cách dịch lại các văn bản còn tồn nghi và đọc các văn bản cổ mới sưu tầm)

Đây là bộ chữ ghi phát âm của tiếng nói (không phải chữ tượng hình nguyên thuỷ) có cấu tạo gần với hệ chữ La Tinh của phương Tây, nên rất dễ học. Tuy nhiên bộ chữ này có một nhược điểm là những chữ nguyên âm luôn thay đổi vị trí. Phải mất nhiều năm nghiên cứu ông mới tìm ra quy luật – Quy luật đặt vị trí nguyên âm theo đạo lý người Việt (ví dụ từ trời nguyên âm đặt phía trên, từ đất nguyên âm đặt phía dưới. Tương tự các từ cha, con nguyên âm đặt phía trước hoặc sau). Để thuộc bảng chữ cái và nắm được quy luật ghép vần , người ta có thể học sử dụng được bộ chữ này để đọc, viết trong khoảng thời gian 7-10 ngày. Nhóm nghiên cứu đang đang tập trung nghiên cứu để một ngày gần đây chứng minh giả thiết cho rằng, những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt, và có công La Tinh hóa nó, để ra được chữ Quốc ngữ. Chính trong cuốn “Từ điển Việt Bồ La”, Alexandre de Rodes đã viết: “Đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng 3 tuần, anh ta đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”. Theo thầy Xuyền thì “cách đọc các từ” đó nhiều khả năng là thứ chữ Việt cổ !

Lê Bá Trung – Lý học Đông phương


Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ

Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ
Trong thời gian vừa qua trên mạng xuất hiện nhiều bài viết về nguy cơ sự bành trướng và đe dọa đến từ Trung Quốc không những về biên giới hải đảo biển khơi mà còn là các tương quan và xâm nhập về kinh tế xã hội và văn hóa.

Đấy là một thực tế mà các nước sát gần Trung Quốc về mặt địa lý cần hết sức tỉnh táo và đề phòng nếu không muốn nước mình mất đi dần dần độc lập tự chủ đối với mọi vấn đề đã nhắc tới ở trên. Nhận thấy đây là một nguồn kiến thức cần thiết đối với đông đảo bạn đọc báo mạng chúng ta, chủ blog xin giới thiệu một số bài viết theo hướng đó. Bài viết ngay sau đây là một công trình tóm lược của nhóm thầy giáo trường Văn Lang từ các tác phẩm của Gs Trần n Giàu, Thanh Lãng và Hoàng Xuân Việt. 

Đầu đề trên là nguyên văn bài của nhóm tóm tắt nói trên.


NV

------------ 


Trước khi chữ Quốc Ngữ ra đời, chúng ta đã dùng chữ Hán,
chữ Nôm [1]. Chữ Hán là chữ Tàu nhưng đọc theo giọng Việt,
khác hẳn giọng của những người Tàu mặc dù nước Việt đã
trải qua hàng ngàn năm đô hộ. Vì truyền thống dân tộc không
thể để bị đồng hóa, chữ Nôm ra đời. Chữ Nôm dùng những
chữ Hán ghép lại để ghi tiếng Việt vì vậy chữ Nôm có
rất nhiều nét. Chữ Quốc Ngữ [2] mà ngày nay chúng ta dùng là
loại chữ dùng những mẫu tự La Tinh ghép thành. Trong tất cả
những nước Á Châu, chỉ có Việt Nam và Phi Luật Tân là hai
nước dùng mẫu tự La Tinh trong chữ viết. Đây là có phải là
một điều hay, một niềm hãnh diện hay không? Chúng ta hãy thử
bàn xem.

Bàn về lợi chúng ta không phủ nhận được sự ích lợi và
tiện nghi của chữ Quốc Ngữ so với chữ Hán và Nôm. Tiện
nghi thứ nhất là dễ học, chỉ cần vài tháng là mọi người
có thể đọc và viết được chữ Quốc Ngữ. Trong khi đó học
chữ Hán cần một thời gian dài và phải nhớ từng chữ một
vì chữ Hán là một loại chữ tượng hình. Học chữ Nôm còn
khó hơn vì chữ Nôm là những kết hợp của chữ Hán và có
rất nhiều nét. Mặt khác, trong việc in, phát hành sách báo,
chữ Quốc Ngữ chỉ cần vài chục mẫu tự để ghép lại;
trong khi đó chữ Nôm và chữ Hán có hằng hà sa số "mẫu tự"
khác nhau.

Bàn về hại thì không nhiều lắm. Với chữ Quốc Ngữ, chúng
ta không phân biệt được một số chữ đọc giống nhau, viết
giống nhau, nhưng lại có nghĩa khác nhau. Nếu viết theo chữ
Hán thì chúng ta có thể phân biệt được (thí dụ như chữ
Minh có nghĩa là sáng như Minh Mẫn, chữ Minh có nghĩa là mờ
mờ như chữ U Minh). Về phương diện nghiên cứu, vì chữ Hán
là loại chữ tượng hình, cho nên ta có thể phân tích những
chữ viết mà giải thích lối suy nghĩ của người xưa qua
phương pháp chiết tự.

Bàn về có hay không hãnh diện về dùng chữ Quốc Ngữ so với
chữ Nôm và chữ Hán là một vấn đề quan trọng. Nhiều
người mặc cảm cho rằng chữ Quốc Ngữ là loại chữ "mượn"
những mẫu tự La Tinh và do người ngoại quốc sáng chế vì
vậy không có gì là hãnh diện khi dùng chữ Quốc Ngữ. Chúng
tôi không đồng ý. Thứ nhất là chữ Hán là chữ của người
Tàu mà chúng ta đã bị ép buộc phải dùng trong vài ngàn năm,
vì sự ép buộc này nên cha ông ta đã "đẻ" chữ Nôm, loại
chữ dùng chữ Hán để viết và đọc theo giọng Việt. Chữ
Nôm, chữ Hán và chữ Quốc Ngữ đều là chữ mượn. Thứ hai
là chữ Nôm do người "mình" chế ra còn chữ Quốc Ngữ là do
người Âu Châu. Chúng tôi cũng không đồng ý về điểm này vì
đây không thể là công việc một vài người có thể làm
được. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này. Tóm lại chúng ta
không có gì là tự ti mặc cảm khi dùng chữ viết mượn của
nước khác vì đó giống như là một qui luật từ Đông sang
Tây. Nước ta mượn chữ Hán để hoàn thành chữ Nôm, chữ
Pháp, Bồ Đào Nha, Ý để hoàn thành chữ Quốc Ngữ. Còn Pháp,
Anh, Bồ Đào Nha, v.v. mượn chữ Latin để hoàn thành chữ của
họ; người Pháp hãnh diện về chữ viết của họ, Nga thì do
anh em Kirille dịch quyển thánh kinh để truyền đạo và đẻ ra
chữ Slaves. Người Nga trọng anh em Kirille, chúng ta trọng A. de
Rhodes, Barbosa thì đâu có gì lạ.

Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc Ngữ có thể
chia thành ba giai đoạn: giai đoạn phôi thai, gian đoạn cải
tiến và giai đoạn trưởng thành.

I. Giai Đoạn Phôi Thai: Thế Kỷ 16-17 

A. Nguyên Nhân 

Bắt đầu từ thế kỷ 16, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh
mẽ ở Âu Châu. Các công ty thương mãi mọc lên như nấm.
Người Âu Châu đua nhanh vượt đại dương tìm đất mới.
Những nước như Bồ Đào Nha (Portugal), Ý Đại Lợi (Italy), Hòa
Lan (Holland), Anh (England), Pháp tranh nhau giành căn cứ, thị
trường và thuộc địa. Các nhà thương mãi đi đến đâu là
các nhà truyền giáo đi đến đó. Họ đến Việt Nam vào thời
kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia ra Đàng Ngoài
và Đàng Trong. Muốn giảng đạo, các nhà truyền giáo phải
học tiếng bản xứ, vì vậy họ đã dùng chữ La Tinh để ghi
lại những cách phát âm của tiếng Việt và giảng nghĩa những
chữ đó bằng tiếng của họ. Lâu ngày tích tụ lại thành
một quyển tự điển. Đó là nguyên nhân của sự ra đời của
chữ Quốc Ngữ ngày nay, mục đích chính là các nhà truyền
giáo học tiếng Việt để truyền đạo.

B. Ai Là Người Chế Ra Chữ Quốc Ngữ?

Cho đến nay có nhiều người nghĩ rằng Alexandre de Rhodes (còn
được gọi là Đắc Lộ, xin chớ lầm lẫn với Bá Đa Lộc -
P. De Béhaine) là ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Theo sự nghiên
cứu của giáo sư Thanh Lãng thì "de Rhodes không phải là ông tổ
duy nhất của chữ Quốc Ngữ và cũng không phải là một trong
những ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Sự phiên âm đã có trước
khi de Rhodes chưa đến Việt Nam ... Ba lần De Rhodes xác nhận là
có nhiều sách vở đã viết theo lối phiên âm mà ông cho là
không hợp lý lắm. Tuy nhận là không hợp lý mà ông vẫn phải
tuân theo, chứng tỏ những sách kia đã phải được phổ biến
lắm, nếu không de Rhodes đã đề nghị một lối khác. Tiếc
rằng những sách mà de Rhodes nói đến ấy, cho đến ngày nay
chúng ta chưa tìm ra một vết tích gì" [3]. Nói như vậy không
phải là chúng ta phủ nhận những công trình của de Rhodes đối
với chữ quốc ngữ, quyển tự điển do chính ông soạn là
quyển từ điển Quốc Ngữ lâu đời nhất (1651) mà chúng ta
còn giữ lại được.

Trở lại vấn đề, ai là người chế ra chữ Quốc Ngữ? Không
có một cá nhân nào hết. Trước de Rhodes đã có những giáo sĩ
người Bồ Đào Nha như Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa đã làm
những quyển tự điển đầu tiên. Nhưng ngay cả hai giáo sĩ
này cũng không phải là những người chế ra chữ Quốc Ngữ,
vì trước đó đã có nhiều giáo sĩ giỏi tiếng Việt như J.
Roiz, G. Luis, C. Borri, v.v. còn để lại nhiều tại liệu viết
từ năm 1621 (de Rhodes 1626). Vậy, chữ Quốc Ngữ được sáng
chế ra bởi cả một số đông giáo sĩ trong quá trình ghi chép,
phiên âm và sử dụng hàng chục năm, không xác định được
là năm nào, là cá nhân nào.

II. Giai Đoạn Cải Tiến: Thế Kỷ 17-18

A. Tình Trạng Chữ Quốc Ngữ Trước Từ Năm 1651 Trở Về
Trước

Trong giai đoạn đầu chữ Quốc Ngữ còn nhiều khuyết điểm.
Những khuyết điểm đó là: chưa có các dấu thanh (sắc,
huyền, hỏi, ngã, nặng), viết dính nhau và còn thiếu nhiều
nguyên âm. Chẳng hạn như:

Quanmguya = Quảng Ngãi

Onsaij = ông sải

Tuijciam biêt = Tui Chẳng Biết

Mocaij = một cái

Hồi này chưa có các phụ âm đơn: đ, x, v cho nên những phụ
âm này được viết như sau:

d = đ (đói = doij)

sc = x, (xin = scin)

b = v, (vào = bau)

Lại thiếu phụ âm kép: ch, gh, nh, tr; cho nên:

gn = nh

cia = ch

Đến năm 1626, chữ Quốc Ngữ đã được viết rời ra. Theo tài
liệu viết tay của Francesco Buzomi:

Thien chu = thiên chũ (thiên chúa)

ngaọc huan = ngọc hoàng

Đến năm 1632, hệ thống phụ âm, nguyên âm và các dấu thanh
đã trở nên hoàn hảo. Một vài chữ từ tài liệu của Amaral:

Đàng tlaõ = đàng trong,

Đàng ngoày = đàng ngoài,

Đđàng tlên = đàng trên

Nhà thương đây = nhà thượng đài

Đến đây ta đã thấy chữ Quốc Ngữ đã tiếng một bước
dài. Đó là có đủ năm dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã và
nặng), các nguyên âm (a, ă, â, e, ê, v.v.), các âm kép (au, ưa,
âĩ, v.v.), và những phụ âm kép (nh, ch, ng, v.v.).

Nhưng chữ Quốc Ngữ chưa thật sự trưởng thành cho đến năm
1651 khi quyển tự điển Việt-Bồ-La (Việt Nam - Portugese - Latin)
và quyển Giáo Lý của de Rhodes ra đời. Sự ra đời của quyển
Từ Điển này là một cái mốc quan trọng trong quá trình hình
thành chữ Quốc Ngữ. Đây là quyển từ điển đầu tiên, nó
tiêu chuẩn hóa một hệ thống chữ Quốc Ngữ. Quyển từ
điển này gồm có ba phần:

Phần thứ nhất viết bằng tiếng La Tinh, nói về ngữ pháp
của tiếng Việt, nói về chữ, dấu, động từ, danh từ và cú
pháp tiếng Việt. Đây có lẽ là cuốn ngữ pháp đầu tiên
của Việt Nam.

Phần thứ hai là phần chính, đó là tự điển Việt Nam - Bồ
Đào Nha - La Tinh.

Phần thứ ba là tự điển La Tinh - Việt Nam. Phần có thể coi
là quyển tự điển La-Việt đầu tiên.

Quyển Giáo Lý (Cathechismus) là quyển sách song ngữ, được
viết bằng hai thứ tiếng La Tinh và Việt. Sách này chia ra làm
tám phần, mỗi phần là một ngày học.

B. Lần Chỉnh Đốn Thứ Nhất: Từ Điển Béhaine (1772)

Sau de Rhodes là P. De Béhaine (thường được gọi là Bá Đa
Lộc), với sự cộng tác của Hồ Văn Nghi và một số người
Việt khác đã hoàn thành quyển từ điển Annam - Latin. Bộ từ
điển này gồm hai phần, phần tra chữ Nôm theo 214 bộ chữ Hán
và phần từ điển Nôm - Quốc Ngữ - Latin.

Phần tra chữ Nôm dạy về cách đọc chữ Nôm theo bộ và số
nét. Phần thứ hai là tự điển tiếng Việt ghi theo lối viết
Nôm và Quốc Ngữ, sắp theo mẫu tự abc. Số lượng từ trong
phần này là 4843 từ đơn và mấy chục ngàn từ kép. Tất cả
đề được ghi và giải nghĩa bằng chữ Latin.

Những cải tiến trong quyển từ điển này là: thống nhất các
phụ âm đầu, loại bỏ các phụ âm: bl, de, ge, ml, tl và thống
nhất các phụ âm cuối.

Ngoài ra vì được sự cộng tác của nhiều người Việt cho
nên trong quyển từ điển này có cả trăm câu ca dao, tục ngữ
rất có giá trị như:

Sá bao cá chậu chim lồng,
Hễ người quân tử có cùng mới nên

Duỗi theo ống thẳng lận theo bầu tròn

Bụng làm dạ chịu

Cháu đẻ ra ông

Thắp đuốc tìm giàu, giàu chẳng thấy
Cầm gươm chém khó, khó theo sau.

Những câu này đã được ghi bằng chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ và
chữ Latin. Thật là một tài liệu giá trị.

C. Lần Chỉnh Đốn Thứ Nhì: Từ Điển Taberd (1832)

Với sự hợp tác của Phan Văn Minh và nhiều người Việt Nam
khác, Taberd đã sử dụng và bổ sung quyển tự điển của
Béhaine để hoàn tất hai quyển tự điển: Annam-Latin và
Latin-Annam. Tự điển này có nhiều từ hơn quyển những quyển
tự điển đã làm trước đó. Tự điển Annam-Latin của de
Rhodes (1651) có 3772 từ, De Béhaine (1772) có 4843 từ, Taberd (1838)
có 4959 từ. Nên biết rằng trong việc biên soạn quyển từ
điển này, Taberd chỉ chủ trương và phối hợp. Còn công việc
biên soạn phần Nôm, phần Quốc Ngữ và thích nghĩa là công
việc của một số người Việt Nam.

III. Giai Đoạn Phát Triển: Từ Năm 1862 Trở Về Sau

Cho đến năm 1862, chữ Quốc Ngữ chỉ được sử dụng trong
giới truyền giáo, nhưng khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ làm
thuộc địa, chữ Quốc Ngữ đã trở nên phổ thông. Cần sử
dụng chữ Quốc Ngữ làm phương tiện cai trị nên người Pháp
đã ra sức phổ biến chữ Quốc Ngữ và vì chữ Quốc Ngữ
rất là dễ học so với chữ Nôm hoặc chữ Hán, chữ Quốc
Ngữ trở nên thông dụng.

Trong giai đoạn này đã có nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc
Ngữ được ấn hành như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Gia Huấn
Ca, Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, tự điển song ngữ của
Trương Vĩnh Ký, v.v. Đặc biệt là quyển Đại Nam Quấc Âm Tự
Vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895), quyển tự điển xưa
nhất mà hiện nay còn lưu hành với 7537 từ đơn. Quyển này
chứa nhiều từ ngữ xưa mà ngày nay không còn được sử dụng
nữa. Vì vậy, nó là một kho tài liệu vô cùng quí giá. Song
song với những tác phẩm trên, nhiều tờ báo đã được lưu
hành như Gia Định Báo (1865), Phan Yên Báo (1868), Nhật Trình Nam
Kỳ (1883), Nam Kỳ Địa Phận (1883), Nông Cổ Mím Đàm (1901),
v.v. Đánh dấu sự tiến triển vượt bực của chữ Quốc Ngữ.

IV. Chữ Quốc Ngữ Ngày Nay 

Chữ Quốc Ngữ đã góp phần to lớn trong công việc bảo tồn
và phát huy nền văn hóa nước nhà. Vì dễ học, cho nên đại
đa số quần chúng có thể thưởng thức những tác phẩm Hán
và Nôm đã được Quốc Ngữ hóa. Nhiều tác phẩm mới đã
được phát hành rộng rãi vì phương tiện ấn loát dễ dàng
và ít tốn kém, đặc biệt là từ khi chữ Quốc Ngữ được
điện toán hóa. Chữ Quốc Ngữ đã tạo điều kiện cho nền
Văn Học Việt Nam phát triển toàn diện.

Một số thầy trường Văn Lang tóm lược. 

(Tài liệu: Chữ Quốc Ngữ Trên Đất Sài Gòn - Gia Định Những
Thế Kỷ XVII-XVII-XIX của Trần Văn Giàu, Thanh Lãng và Hoàng
Xuân Việt)

_________________________________

Chú thích:

(1) "Quốc ngữ" có nghĩa là ngôn ngữ của một quốc gia, nhưng
vì lúc mới hình thành loại chữ viết này được gọi là chữ
quốc ngữ, dùng riết rồi quen cho nên chúng tôi xin viết hoa
như tên của một loại chữ viết.

(2) Có vài học giả cho rằng trước khi dùng chữ Hán, nước ta
đã có một loại chữ "quốc ngữ" mà sau này bị chữ Hán bức
tử. Giả thuyết này cho rằng những hình khắc trên trống
đồng Ngọc Lũ là chữ của nước ta vào thời Âu Lạc, Hùng
Vương.

(3) Thanh Lãng, "Những chặng đường của chữ Việt quốc ngữ",
Tạp Chí Đại Học số, tháng 2/1961 - Kỷ niệm giáo sĩ Đắc
Lộ.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Kêu trời về con đường gốm sứ hiện tại

Kêu trời về con đường gốm sứ hiện tại

Bạn tôi đang làm việc tại cơ quan đại diện Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất mới gửi cho cái xóm bạn bè trong nước chúng tôi một lá thư khá bức xúc. Anh gửi đường link kèm theo để chứng minh. Thư thì các bạn hãy đọc dưới đây thì rõ cả, đại thể bạn tôi so sánh hai con đường gốm sứ ở hai nước. 

Con đường gốm sứ ở Hà Nội: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/05/con-duong-gom-su-bong-troc-thanh-noi-phong-ue/

Và con đường gốm sứ ở nước anh bạn công tác, anh gửi chùm ảnh 5 chiếc dưới đây:

Tôi nghĩ chẳng cần bình luận làm gì nữa cho dài dòng!

NV

--------










Đây là thư của bạn tôi gửi từ Dubai:

Than gui cac anh,

Moi cac anh xem va so sanh con duong gom su cua Vietnam va buc tranh gom su cua UAE. Sang nay doc bai Con duong gom su ky niem 1000 nam Thang Long tren VNExpress , sot ruot qua, toi phong xe ra duong chup may cai anh gom su cua UAE ho trang tri trong cac duong ham o Abu Dhabi gui ve de cac anh so sanh. Cong trinh cua ho co le vai chuc nam sau cung khong the hong duoc.

Toi thiet nghi cac ong quan ly do thi Hanoi nen di lam viec khac!

Chuc cac anh nhung ngay cuoi tuan vui ve.

NQK
(ĐSQ VN tại Dubai, Các TVQ Ả-rập TN)














Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

"Bầy sâu" và nỗi niềm người lãnh đạo

Chủ đề về “bầy sâu” trong xã hội mà Thường trực ban Bí thư Trương Tấn Sang nói tới khi gặp gỡ cử tri ở Tp HCM mới đây đã được báo Lề phải đăng tới hai lần với hai bài khác nhau. Xin cóp về đây bài thứ hai mới xuất hiện hôm nay trên báo lề phải đó - tờ báo điện tử VietnamNet.

NV

----------

“Bầy sâu” và nỗi niềm của người lãnh đạo

Tác giả: Kỳ Duyên

Xuất bản trên VNNet, 18/5/2011

Nhưng những con sâu- như ông đã trầm ngâm và xấu hổ thốt lên, thì DDT sẽ phải là loại biệt dược gì?... Đương nhiên không thể khác, thuốc DDT đặc trị - chính là 1 thiết chế quản lý xã hội văn minh, tiên tiến, hợp quy luật và vì lợi ích dân tộc.

Mới đây, 1 bài viết trên VietNamNet khiến dư luận cả xã hội xôn xao: "Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy". Xôn xao, vì đó là câu phát ngôn cực kỳ ấn tượng, và hay nhất của ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. HCM).

"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này"

Đọc kỹ, người viết bài này đã lặng đi hồi lâu.

Xin cảm ơn ông Trương Tấn Sang đã hiểu, và chia sẻ với nỗi đau của nhân dân.

Nhân dân phát ngôn, thì rất có thể "danh chính đấy, ngôn thuận đấy" nhưng vẫn bị coi là "nghịch nhĩ", cho dù từ lâu, nhân dân đã nhìn thấy nhiều sâu.

Còn ông, một chính khách cao cấp, một người trong cuộc đứng trên muôn người - "danh có chính, ngôn mới thuận".

Đương nhiên, có sâu thì phải có thuốc trừ sâu DDT. Nhân dân ngàn đời nay - chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa - vẫn làm như thế.

Nhưng những con sâu - như ông đã trầm ngâm và xấu hổ thốt lên, thì DDT sẽ phải là loại biệt dược gì? Để có thể diệt trừ được, nhất là sâu tham nhũng, loại sâu quốc nạn. Làm đất nước suy vi. Làm nhân dân mất niềm tin. Làm kẻ thù hí hửng. Làm vị thế dân tộc yếu đi trong con mắt quốc tế. Họa của quốc gia chưa đến từ bên ngoài, mà rất có thể nảy nòi từ bên trong, bắt đầu từ loại sâu này.

Đương nhiên không thể khác, thuốc DDT đặc trị - chính là 1 thiết chế quản lý xã hội văn minh, tiên tiến, hợp quy luật và vì lợi ích dân tộc. Nhiều người vẫn hoài nghi về loại thuốc đặc trị đã có chưa, nhưng cũng không ít người nhen nhóm niềm hy vọng, khi ông nhấn mạnh: "Mục tiêu trước mắt là sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo".

Một sự sửa đổi cơ chế hay đổi mới tiếp tục- là nhu cầu tự thân, là tiếng gọi thiết tha của dân tộc, của sự phát triển. Nhưng sự sửa đổi đó, phụ thuộc lớn vào tầm tư duy chiến lựơc, vào cái tâm và bản lĩnh của bộ máy lãnh đạo đất nước. Đổi mới theo phương cách nào là sự chọn lựa tài ba hay không, nhưng cuối cùng hành pháp vẫn phải ra hành pháp, lập pháp phải ra lập pháp, tư pháp phải ra tư pháp.

Lịch sử của mọi quốc gia trên thế giới không có chỗ cho chữ "giá như", mà lịch sử chỉ có chỗ cho chữ "trả giá". Nếu thất bại chỉ dân tộc là thiệt thòi, và nhân dân lãnh đủ. Nếu thành công, dân tộc ấy có cơ phát triển và thăng hoa.

Dân tộc Việt Nam đã trả giá, và chấp nhận trả giá đắt trong quá khứ chiến tranh chống xâm lược, để có một nền độc lập, tự do vô giá. Nhưng trong thời hội nhập, chúng ta phải trả giá đắt bằng biết bao tiền thuế của dân, lại là vị đắng của sự non kém.

Vì lẽ đó, nhân dân đang trông đợi vào sự sửa đổi vĩ đại như ông, thay mặt cho các đồng chí, đồng sự đã cam kết trước các cử tri, cũng là trước nhân dân. Một chữ Đợi, xin đừng để quá lâu, đừng để như ý tứ ca từ Đợi thiết tha của nhạc sĩ Huy Thục: "Đợi một ngày, đất lạ thành quen. Đợi một đời anh quen thành lạ!". Xin đừng để một đời...


Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Chuyện nghề báo

Chuyện nghề báo

Người bạn tôi vừa gửi cho bài viết của một nhà khoa học nói về chuyện lúc sinh thời ông Võ Văn Kiệt đã "dạy" nhà khoa học này viết báo ra làm sao. Bài viết có nhiều chi tiết rất hay, có ích cho người làm nghề báo, xin phép được post lên đây để bạn bè, các đồng nghiệp cùng chia sẻ.

ÔNG SÁU DÂN DẬY TÔI NGHỀ VIẾT BÁO

Tác giả: Tô Văn Trường

Các bạn thân mến (trong nguyên văn lá thư viết: Dear All,)
Thấm thoát, đã gần 3 năm, kể từ ngày Ông Sáu Dân đi xa. Cũng trong thời gian ấy, nghe theo lời dạy của Ông, tôi mạnh dạn tiếp tục viết  khoảng gần trăm  bài báo được anh em, bạn bè, bạn đọc chú ý và ủng hộ. Chắc chắn tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp (nhà báo có cái nghiệp phải mang), mà chỉ là người làm công tác khoa học  thích viết báo, nhưng cũng đã đủ say sưa, tỉnh táo và can đảm  để nói lên những điều tâm huyết của mình và của  người dân. Nhân sắp đến ngày giỗ Ông Sáu, thắp nén hương thành kính,  tưởng nhớ đến Ông là con người đến từ dân, song luôn ở trong dân, dẫu đã đi về cõi vình hằng. Viết đến đây, tôi lại nhớ lời Ông dạy ngày nào: “ Đừng bao giờ nản chí, nghề viết không dễ, để viết cho đúng, cho trúng không chỉ có tâm hồn nghệ sĩ mà trước hết  phải có tinh thần chiến sĩ”. Tính đến nay, đã có nhiều cuốn sách, bài viết về Ông. Để tránh trùng lặp, chúng tôi trải lòng mình, thành kính tưởng nhớ đến vị Thủ tướng của nhân dân dưới góc nhìn qua bài viết "Ông Sáu Dân dậy tôi nghề viết báo".   Bài báo này dành riêng cho VNN và Tuần VN dự kiến sẽ đăng vào sáng thứ hai 16/5/2011. Nếu các bạn hữu, có nhã ý muốn sử dụng, nhớ đề nguồn từ VNN. Xin cám ơn.
Kính
Tô Văn Trường
PS. Thời gian tới, tôi sẽ giảm tốc độ viết báo vì mới nhận lời tham gia 2 dự án với đồng nghiệp ở nước ngoài, tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học và dành thời gian ít ỏi còn lại cho việc học Triết.
---------- 
Dưới đây là nguyên văn bài viết:

Trước kia, tôi đã từng nghe người ta nói: “Làm báo là làm nghệ thuật và nhà báo phải là nghệ sĩ”. Từ khi còn rất trẻ, là học sinh phổ thông, là sinh viên, tôi đã thích viết báo tường ở lớp, ở khoa. Khi đã trưởng thành làm cái nghề khoa học kỹ thuật khô khan, tôi càng ham “ viết lách” không phải để trở thành nghệ sĩ mà chỉ muốn trải lòng mình với mọi người vì thấy có quá nhiều điều muốn nói. Nhưng chỉ đến khi được gặp và gần gũi Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), tôi mới ngộ ra rằng viết báo không phải dễ, muốn làm được như một nhà báo chân chính, thực sự là một công việc “đội đá, vá trời”! Nhưng cũng chính Ông Sáu Dân đã quan tâm, động viên cho tôi viết chỉ có điều Ông luôn căn dặn :”Viết báo không chỉ cần có tâm hồn nghệ sĩ, mà trước hết phải có gan của người chiến sĩ cầm súng ra chiến trường nghĩa là phải luôn chiến đấu cho sự thật và tôn trọng, phản ánh sự thật”.


Có thể nói Ông Sáu chính là người thầy, người chỉ dẫn cho tôi, thổi ngọn lửa nhiệt huyết và trách nhiệm của người cầm bút. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” dậy nửa chữ cũng là thầy. Tuy Ông không dạy tôi con chữ nhưng cao hơn tất cả, Ông dạy tôi làm người.



Tôi nhớ có lần nhà báo Lục Tùng thường trú ở đồng bằng sông Cửu Long , cùng với một đồng nghiệp từ Cần Thơ về Vĩnh Long phỏng vấn Ông Sáu để làm bài kết luận cho Diễn đàn liên quan đến chủ đề “Bờ bao và cây lúa” đăng trên báo Lao Động. Mặc dù bản thảo bài phỏng vấn khá công phu nhưng khi về thành phố Hồ Chí Minh, Ông Sáu vẫn tiếp tục suy nghĩ, tự tay viết bổ sung đầy 2 trang (bằng cây bút Bis chữ màu đỏ) chuyển lại cho tôi để tổng hợp thành một bài viết hoàn chỉnh theo ý của Ông. Nhờ có bộ óc thông tuệ, am hiểu thực tiễn, có nhãn quan chính trị, tầm nhìn xa, nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn của Ông Sáu đối với báo chí ở trong và ngoài nước rất tâm huyết, thực sự thổi “lửa” vào cuộc sống.


Trung tuần tháng 11 năm 2007, nhân sắp đến sinh nhật lần thứ 85 của Ông Sáu (23/11/1922 - 23/11/2007) nhà báo Lê Phú Khải đến chỗ tôi làm việc “rủ rê” cùng đến thăm Ông Sáu. Lúc ấy, tôi đang bận thu xếp công việc ở cơ quan để ngày hôm sau cùng GS Võ Tòng Xuân và Kỹ sư Đặng Minh Sơn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và xây dựng quốc tế (ICIC) đi Sierra Leone để thảo luận với các quan chức của chính phủ về chương trình an ninh lương thực và giúp nước bạn trồng lúa, làm thủy lợi thí điểm ở vùng Mange Brureh cho nên chỉkịp trao đổi tóm tắt với Anh Khải một số ý kiến hiểu biết của mình về Ông Sáu. Khi từ Tây Phi trở về, được đọc bài báo “Phong độ, bản lĩnh và sáng tạo” của nhà báo Lê Phú Khải viết vê Ông Sáu Dân, đăng trên báo Sài gòn giải phóng ngày 23/11/2007, tôi nhớ nhất câu đối mừng thọ đồng chí Võ Văn Kiệt:

“Áo vải cờ đào, thuở thanh xuân là anh hùng đi cứu nước

Giấy trắng mực đen, tuổi tám lăm thành hào Kiệt của Dân”

Theo một số anh em có điều kiện nhiều năm làm việc với Ông Sáu Dân, tóm tắt trong Ông có mười con người, lần lượt xuất hiện, con người sau không loại bỏ con người trước, đến tuổi trung niên của Ông Sáu Dân thì hội tụ đủ cả mười con người, hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau và tôn nhau lên. Mười con người ấy là: (1) Con người dân nghèo, làm việc lam lũ và thất học từ nhỏ; (2) Con người Nam Bộ đất Vĩnh Long; (3) Con người yêu nước đến với cách mạng như đến một cuộc hẹn gặp; (4) Con người tự làm ra mình; (5) Con người trong dân, của dân, do dân, vì dân, từ cấp cơ sở lên cấp quốc gia và quốc tế,qua các nấc thang, từ miền Nam đến khắp nơi trong cả nước, từ chiến tranh đến hòa bình, trải qua các cương vị, các dạng hoạt động, các vùng miền, các thời kỳ lịch sử; (6) Con người trí thức; (7) Con người chính khách; (8) Con người nghệ sĩ, yêu cái đẹp, thưởng thức cái đẹp, làm ra cái đẹp theo cách của mình; (9) Con người chiến sĩ, thách đấu không ngừng nghỉ,mạnh dạn sáng tạo như hít thở để sống, đồng thời tuân thủ và đòi hỏi kỷ luật nghiêm minh; (10) Con người thật người, rất người, yêu sống say mê, mãnh liệt, với những ưu điểm người và khiếm khuyết người.


Một số đồng nghiệp, bạn bè của tôi khi thảo luận về 10 con người trong Ông Sáu Dân, họ nhìn nhận, đánh giá tùy theo góc đứng, cách nhìn của mỗi người nhưng đều cóđiểm chung là kính trọng, ngưỡng mộ vị Thủ tướng của nhân dân. Nếu trong 10 con người Sáu Dân trên đây, cần chọn 1, cho ngắn gọn, tuy không đầy đủ,thì tôi chọn con người thứ 5.


Theo chúng tôi hiểu, Ông Sáu Dân là con người của lý trí sáng suốt, đồng thời là con người của tình nghĩa đồng bào, đồng chí giữa những người Việt Nam, tình nghĩa con người giữa những con người với nhau. Tình nghĩa chân thực, vững bền,đậm đà, thắm thiết. Tình nghĩa với từng cộng đồng người, và tình nghĩa với từng người, kể cả với những người chỉ cùng gặp gỡ, cùng làm việc, cùng chung sống một thời gian ngắn. Trong tình nghĩa con người với nhau, Ông Sáu là người biết dâng đi, mà cũng biết nhận về. Ông ghi nhớ, trân trọng, cảm kích từng tình nghĩa mà mình nhậnđược.

Trong công việc, khi ở cấp địa phương cũng như khi ở cấp quốc gia, Ông Sáu rất coi trọng xác định quan điểm vàphương hướng hoạt động trong từng lĩnh vực, từng loại việc, song không quá thiên về quan điểm và phương hướng, mà luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp, những cách thức hoạt động thiết thực, cụ thể. Nhiều anh em đã gọi Ông Sáu Dân là “con người của phương pháp", phương pháp ấy nẩy sinh chủ yếu từ trong dân, trong việc Ông Sáu Dân sống trong dân, cùng dân, học tập và phát huy dân.

Ông Sáu là người có tầm nhìn, tư duy sâu sắc, mạnh mẽ để lại nhiều dấu ấn trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước. Kể cả khi được quyền nghỉ ngơi, Ông vẫn không ngừng tư duy, trăn trở làm sao để đất nước phát triển giầu mạnh, người dân được thực sự tự do, sung sướng. Ông không có bằng cấp học vị nhưng rất thông tuệ nhờ chịu khó tự học, ham đọc sách, học ở trường đời, và biết trọng dụng người tài. Ông học từ thực tế qua công việc từ nguyên thủ quốc gia của các nước đến những buổi trò chuyện, đối thoại với các nhà khoa học, người dân, lắng nghe, suy nghĩ, kiểm nghiệm, sáng tạo để tạo thành trí thức của riêng mình. Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ, Ông nhìn ra những việc trọng đại lớn lao của đất nước, của dân tộc. Năm tháng trôi qua, lịch sử ngày càng chứng minh các đề xuất, kiến nghị của Ông luôn đi trước thời đại và được thực tế minh chứng.

Nhớ tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhớtới nhân cách của ông. Có thể nói Ông là người lãnh đạo tiên phong suy nghĩ nói và viết về nỗi đau chiến tranh, về sự cần thiết phải hàn gắn nỗi đau đó cho người dân ở cả 2 chiến tuyến. Chính vì tấm lòng nhân văn đó mà người dân càng yêu mến, kính trọng Ông. Phải là người có tầm nhìn, một nhân cách lớn như Ông mới hiểu được thấu đáo hai chữHiếu Dân và ý nghĩa của hòa giải dân tộc.


Phẩm chất của người lãnh đạo ở Ông còn thể hiện từ việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông luôn quan tâm đi thực tế kiểm tra để cập nhật, đối chiếu với nhu cầu đòi hỏi của thực tế và sẵn sàng điều chỉnh, bổ sung các quyết định vì quyền lợi của người dân. Tầm vóc, nhân cách, sự sáng suốt, quyết đoán., dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Ông đã được nhiều người nhắc đến trong các cuốn sách và bài báo viết về Ông.


Mặc dù là người vào sinh, ra tử, hào quang của quá khứ rất đỗi tự hào, có vị thế được nể trọng trong xã hội nhưng Võ Văn Kiệt, luôn sống và hành động vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm huyết cuối đời của Ông là suy nghĩ để góp ý với đại hội Đảng lần thứ XI, vai trò trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ đủ mạnh để lãnh đạo đất nước phát triển bền vững. Ông quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các thành phần kinh tế. Một trong những nghiên cứu ấp ủ của Ông là phát triển tổng hợp Vịnh Cam Ranh thành khu kinh tế hùng mạnh, hỗ trợ cho chiến lược tiến ra biển, không phải chỉ đứng trước biển. Ông chia sẻ, day dứt về cuộc sống của người dân vẫn còn nghèo khó lại luôn phải hứng chịu trước các hiểm họa, của thiên tai nhất là bão lũ, hạn hán.


Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Ông là tấm gương về một nhà lãnh đạo dân chủ, luôn chân thành học hỏi từ nhân dân, từ giới trí thức tất cả để phục vụ Dân, phục vụ Nước với hàng loạt những quyết sách hệ trọng còn đểlại vai trò và dấu ấn sâu đậm cho đến ngày nay. Liên hệ đến thực tế, chúng tôi hiểu để đất nước ổn định và phát triển thì người lãnh đạo thời nào cũng phải biết tin yêu, lắng nghe, kính trọng dân, phục vụ lợi ích của dân, tôn trọng các quyền của dân và phát huy các nguồn lực của dân.
Nhân kỷ niệm 49 ngày Ông Sáu đi xa, tôi viết bài “Lỡ chuyến đi xa” đăng trên báo Sài gòn giải phóng. Kỷ niệm ngày giỗ đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi trải lòng mình qua bài “Nhịp đập của một trái tim lớn” đăng trên VNN và Tuần VN. Thấm thoát đã gần 3 năm, kể từ ngày Ông Sáu Dân đi xa. Cũng trong thời gian ấy, nghe theo lời dạy của Ông, tôi mạnh dạn tiếp tục viết khoảng gần trăm bài báo được anh em, bạn bè, bạn đọc chú ý vàủng hộ. Chắc chắn tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, chỉ là người làm công tác khoa học thích viết báo, nhưng cũng đã đủ say sưa, tỉnh táo và can đảm để nói lên những điều tâm huyết của mình và của người dân. Nhân sắp đến ngày giỗ Ông Sáu, thắp nén hương thành kính, tưởng nhớ đến Ông là con người đến từ dân, song luôn ở trong dân, dẫu đã đi về cõi vình hằng. Viết đến đây, tôi lại nhớ lời Ông dạy ngày nào:“ Đừng bao giờ nản chí, nghề viết không dễ, để viết cho đúng, cho trúng không chỉ có tâm hồn nghệ sĩ mà trước hết phải có tinh thần chiến sĩ”.
Xin mượn mấy câu thơ của Anh Bẩy Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang viết về Ông Sáu Dân để kết luận cho bài viết này:

"Vẫn là Thủ Tướng của nhân dân

Là Anh Sáu của mọi gia đình

Lồng lộng bóng soi miền sông nước

Đời nặng ân tình đất nặng chân".

T.V.T
(Nguồn: VNN)

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Thư giãn cuối tuần - Bức thư linh nghiệm

Thư giãn cuối tuần - Bức thư linh nghiệm

Vừa đây nhận được email của bạn, trong đó chép cho một câu chuyện và dặn trong 4 ngày (96 tiếng đồng hồ) cần gửi câu chuyện này tới không chỉ một người mà là tới hai mươi người, và chắc gửi nhiều hơn nữa càng tốt... Chủ blog tôi nghĩ rằng vài ba chục địa chỉ mình thường hay gửi thư từ trao đổi với nhau thì người bạn quý kia có thể đã c/c cho tất cả rồi. Nên có gửi lại lần nữa thì cũng bị trùng lặp, vậy hay nhất là chọn cách post lên đây để các bạn bè thường vào trang nhà của tôi cùng đọc.

NV

--------

Một bức thư vô cùng linh nghiệm

Bạn hãy xem xong rồi forward đi cho những người bạn của bạn, bạn sẽ nhận được hạnh phúc cả mấy kiếp người đấy!

Ðừng bao giờ từ bỏ những người bạn bạn đã yêu thương!

Nghe người ta kể ở Nhật Bản xảy ra một câu chuyện có thực 100% như thế này: Có một người vì muốn sửa lại nhà nên dỡ tường ra; tường nhà kiểu kiến trúc Nhật thường đế một tấm gỗ ởgiữa, hai bên trát xi măng, nhưng thực chất bên trong để rỗng.

Khi anh ta dỡ tường ra, phát hiện có một chú thạch sùng đang ngủ ở trong đó, đuôi nó bị đóng vào vào tường bởi một chiếc đinh được đóng từ ngoài vào trong. Anh này thấy tình cảnh đó vừa thấy thương thạch sùng vừa thấy tò mò, anh ta chăm chú quan sát chiếc đinh, trời ạ! đây là chiếc đinh đượcđóng khi xây nhà 10 năm trước.

Rút cục là có chuyện gì thế này nhỉ? Chú thạch sùng này đã mặc kẹt trên tường mà vẫn sống được trọn 10 năm! Sống được 10 năm trong bức tường tối, thật không đơn giản chút nào. Có gì đó bất thường thì phải? Anh ta tiếp tục tục nghĩ ngợi, đuôi nó bị đóng chặt, không thể xê dịch được, thế nó đã sống được nhờ vào điều gì mười năm qua? Anh ta quyết định chưa sửa công trình của mình vội, muốn quan sát xem chú thạch sùng này đã ăn gì? Anh muốn nghiên cứu tìm hiểu nó ra làm sao, sửa nhà sau không vội.

Một lát sau, không biết từ đầu bò ra một chú thạch sùng khác, miệng nó ngoặm miếng thức ăn… Ồ!.. Anh ta lặng người đi. Thếnày là sao nhỉ? Vì một bạn thạch sùng bị đinh đóng vào đuôi không thể đi lại được, một bạn thạch sùng khác đã kiếm tìm thức ăn mớm cho bạn trong suốt mười năm qua...

Các bạn ạ, cùng với sự phổ cập của máy tính trong xã hội con người, tốc độ những thông tin mà chúng ta có được từ người thân, bạn hữu, đồng nghiệp, … ngày một nhanh hơn, nên phải chăng khoảng cách giữa con người với con người của chúng ta với nhau cũng như ngày một gần nhau hơn? … Vậy thì càng chớ nên bao giờ quên lãng, xa cách hoặc từ bỏ những người mà chúng ta quý mến yêu thương nhé!

Hãy gửi câu chuyện này tới mỗi người bạn bạn đã từng tiếp xúc trong cuộc đời này, nhất định phải gửi trong vòng 96 tiếng đồng hồ đấy nhé!

Cách làm này khởi nguồn từ nước Anh, nó đã từng làm cho tráiđất này đảo lộn cả chục lần. Bây giờ đây vận may đang đến với bạn, nếu như bạn làm theo đúng yêu cầu, trong bốn ngày bạn sẽgặp may mắn, không phải là chuyện đùađâu nhé, bạn nhất định sẽ gặp may mắnđấy, bạn không cần phải gửi tiền, bởi vì vận mệnh con người sự may mắn sẽ là điều vô giá!

Bạn đừng giữ lại thông tin này, nhất định phải gửiđi trong vòng 96 tiếng đồng hồ.

Bạn hãy copy thành 20 bức và gửi đi, hãy chú ý xem trong vòng 4 ngày sẽ có chuyện gì xảy ra với bạn?

Bức thư này là do Anthony viết và do Vinilon gửi đi. Vì bức thư này cần được copy lưu chuyển khắp hành tinh cho nên bạn nhất định phải copy gửi cho bạn bè mình, ít hôm sau sẽxảy ra chuyện làm bạn vô cùng kinh ngạc đó, có thể bạn không tin, nhưng đây là chuyện có thật 100%.

Hãy chú ý sự thực dưới đây!!!

Một người Philippin sau khi nhận được bức thư như thế này, anh ta đã không gửi nó đi, anh bị mất đi người vợ của mình, sau đó anh đã làm theo, và trước khi vợ chết anh ta kiếm được 7.775 vạn bảng Anh.

Năm 1987, Kostan. Ousi sau khi nhận được bức thư này, anh nhờ thư ký copy ra 20 bản và gửi đi, vài hôm sau anh này trúng xổ số 2.000.000 bảng Anh.

Một người trẻ tuổi nước Anh (约卷相), nhận được bức thư này nhưng anh ta quên mất là phải gửi nó đi trong vòng 96 tiếng, và anh đã bị mất việc, sau đó anh tìm lại bức thư, lập tức gửi đi 20 bản copy, ba ngày sau anh được nhận chức vụ cao cấp trong chính phủ, sau này anh trở thành nhân vật số một ở Anh.  

Năm 1987 một phụ nữ Califorlia nhận được bức thư này, mặc dù bà đã quyết định gõ lại và gửi đi nhưng sau đó bà đã không làm như thế, sau đó bà gặp phải vô vàn những chuyện phức tạp, ví như phải trả rất nhiều tiền vào việc sửa xe, và bà đã in lại bức thư và gửi đi, ngay sau đó bà có được chiếc xe mới.

Hãy nhớ bạn không cần gửi tiền! và đừng không thèm để ý gì tới bức thư này! Ðây là một bức thư tình yêu chuyền tay, trong bốn ngày bạn nhất định phải chuyển cho 20 người đấy nhé.

Sau 15 ngày, bạn sẽ gặp vận may! Từ năm 1877 tới nay chưa bao giờ sai.


Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Mất sông mất hồ


Mất sông mất hồ

Khi nghe chuyện“mất hồ Ba Bể… nếu như"... lại xới lên, mấy anh em bọn tôi thường ngồi với nhau đều rất buồn. Người nào cũng đã có một vài lần lên đấy tham quan. Thế thì tiếc quá, đau quá.

Mà nhận định này lại là của một chuyên gia về tài nguyên môi trường, một vị thứ trưởng ngành này mới rời chức vụ không lâu chứ không phải các lời đồn đoán ất ơ vô căn cứ. Ông cùng một số vị giáo sư tiến sĩ về môi sinh môi trường mới đi điền dã nói thế với phóng viên báo chí chứ đâu phải những phán bảo suy diễn nơi tháp ngà.

Cái sự “nếu như” mà vị tiến sĩ có chuyên môn thực chất này nêu lên là có thể diễn ra - thậm chí là đang đích thực diễn ra - với cách khai thác khoáng sản tham lam, đổ thẳng nước rửa quặng vào lòng con hồ thiên nhiên tuyệt đẹp này. Thật là cái lối làm ăn quá ư tắc trách của các doanh nghiệp Việt mình mà hầu như khắp nơi gặp phải nếu người ta quyết liệt vào cuộc điều tra. Tin xấu mà báo chí truyền thông bùng ra thì dân mới biết mà thôi. Dù trước đó miệng dân có kêu trời, có phát hiện phản ảnh thì nhiều khi cũng bị hết thế lực này thế lực kia - có quyền, có tiền – ngăn chặn đủ lối…
 
Ảnh dưới: Nước rửa quặng ngầu đục đổ thẳng xuống hồ Ba Bể.

Xin nói thêm chút về chuyện hồ chuyện sông.
Quê bên Bắc Ninh nên mỗi lần về thăm quê tôi đều phải qua con sông Hồng. Rồi tiếp theo là sông Đuống. Nhìn thấy dòng Hồng Hà nước khô kiệt dần, bãi cát nổi lên ngày càng nhiều mà lòng âm thầm lo lắng. Sông Đuống thực ra là một con sông đào thôi, thông giữa Hồng Hà và hệ thống sông Thái Bình. Xưa đi qua con cầu, nhìn dòng nước trong veo mà phấn chấn. Còn nay không biết sao, nước cứ luôn ngầu đục và có năm rất cạn dòng…
Buồn nhất là khi có việc riêng mà lên Đáp Cầu - nơi cuộc sống ấu thơ của tôi có những kỷ niệm không quên được của những năm 1950 thế kỷ trước - thì càng thấy trong lòng mình chán hẳn khi có mặt ở bến kè ngày xưa. Đâu còn làn nước sông Cầu xanh trong của ca dao và quan họ! Bây giờ không những nước sông rất đục mà ca nô tàu thuyền như tha hồ chen chúc đậu bến loạn xạ. Còn con người sống trên thuyền là mặc sức xả chất thải, ném rác rưởi lềnh bềnh ngay cái bến tắm của dân phố, cái thị tứ xinh xắn trên bến dưới thuyền của những gia đình chúng tôi hồi xưa. Những ký ức đẹp của mình tựa hồ đã bị đánh cắp. 

Hôm nay lại thấy báo chí xới lên chuyện hồ Ba Bể khéo không sẽ biến mất! Tin xấu này đương nhiên chỉ có người gỗ đá thì tâm trạng mới không trĩu nặng lo âu. Chả lẽ chúng ta hì hục vất vả với đích phát triển đất nước để trước sau rồi hồ sông, rừng cây bị giết chết hết cả sao? Đâu là quyền lực, là cơ chế của nhà nước để biết hãm lại cái sự quá đà này của chính con người tham lam gây ra. Những cái thứ “ăn quỵt” thiên nhiên (giờ đây ăn quỵt của chúng một đồng thì tương lai con cháu sẽ phải trả cả nghìn đồng) - như lời của vị tiến sĩ khoa học kể trên nói ở một bài phỏng vấn.

Tôi chợt nhớ lại hồi tháng 8 năm trước blog mình cũng đã có bài viết ngắn về nỗi lo “biến mất” của hồ Ba Bể. Chỉ vì những cái thứ dự án vớ vẩn, ‘dự’ này đè ‘dự’ kia, như một kiểu  hội chứng dự án. Mà thấy từ hồi ấy gần một năm rồi chả thấy ai lo, ai làm trọng tài, ai chế tài xử phạt để hôm nay một vị có cương vị và nhất là thẩm quyền chuyên môn lại dóng hồi chuông mạnh cảnh báo. Cái hồ nước thiên nhiên mênh mang và đầy điển tích thơ mộng kèm theo nó đang bị đe dọa, bị giết chết chứ đâu phải chuyện nhà báo nhà đài đại ngôn.

Mất sông mất hồ, mất rừng mất núi. Đúng hơn là sông hồ còn đó mà cạn kiệt ô nhiễm. Rừng núi vẫn đó nhưng cây rừng đã bị triệt hạ, đất đá núi đồi thì lở loét bới móc vô lối. Đó là những chuyện nhỡn tiền chứ không phải sự dọa nạt, cảnh báo, nói suông nữa. Toàn là những chuyện đại họa rình rập chứ đừng có coi thường! Các câu chuyện về song Thị Vải bị bức tử vì vụ Vedan, sông Thu Bồn bị ô nhiễm nặng vì nhà máy đường đóng tại địa phương, 9 nhánh Cửu Long sông Mê Công cạn nước và nhiễm mặn, nhiều hồ ở Hà Nội đã biến mất hoặc ngập ngụa chất thải bẩn; và gần đây nhất là đoạn sông Hồng sát biên giới với Trung Quốc nước thượng nguồn đổ về đục lờ hôi thối… chẳng lẽ không phải là quá đủ để nói lời quyết liệt với cách làm ăn bất chấp môi trường, bất chấp tương lai của công nghiệp, của phát triển không kiểm soát, của những mối quan hệ lân bang láng giềng cần phải rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng với nhau...

Mà xét cho cùng, công nghiệp, phát triển gì gì đi nữa thì cũng từ đầu óc con người, con người cụ thể nào đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước chứ không ai quy cho con người chung chung.

Nói to kêu lớn lên những điều như vậy liệu đã đủ độ chưa trước các nhà quản lý các cấp?
Dưới đây xin post lại các bài năm ngoái 2010; và trước hết mời bạn hãy đọc bài trả lời phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Hùng Võ vừa mới công bố trên báo điện tử VnExpress và một tin trên tingốc.com

Nguyễn Vĩnh
-----------------  


(Dân trí) – “Người ta đang đánh đổi những gì quý báu nhất để có được những thứ “vớ vẩn”. Thực tế đã chứng minh: hôm nay ta ăn quỵt của môi trường 1 đồng, mai kia con cháu chúng ta sẽ phải gánh trả gấp 1.000 lần…”.



Đó là lời chia sẻ của GS TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, về vấn đề được nêu trong bài viết "Lời kêu cứu từ hồ Ba Bể" đăng tải trên Dân trí (mối lo ngại về nguy cơ biến mất của hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới), đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Thưa GS TS, được biết ông là một trong những thành viên trong đoàn khảo sát gồm nhiều nhà khoa học đã đến tận khu vực hồ Ba Bể – Bắc Kạn và những nơi xung quanh vùng hồ này để kiểm tra thực tế. Cảm nhận của ông ra sao?

Đoàn chúng tôi gồm GS TS Đặng Vĩnh Cư, nhà thơ Dương Thuấn, TS Trương Văn Lã… đã kết thúc chuyến khảo sát thực tế tại khu vực hồ Ba Bể và những khu vực xung quanh khu vực này như: mỏ khai thác quặng ở Pù Ổ và cả mỏ đá trắng thạch anh thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể và một số khu vực khác. Kết thúc chuyến đi là một tâm trạng cực kỳ nặng nề, lo lắng và bức xúc. Quả thực, nếu không đi để nhìn tận mắt, thấy tận nơi thì không thể tin được. Những gì báo chí đã phản ánh hoàn toàn là sự thật. Có đến nơi người ta mới nhận thấy rõ ràng hệ thống quản lý nơi đây đang hoạt động trong tình trạng vô thức, vô cảm. Tôi thấy rõ người ta đang đánh đổi những gì quý báu nhất để có được những thứ “vớ vẩn”!

Ảnh dưới" Ts Đặng Hùng Võ đứng giữa.


Hàng trăm người dân sống quanh hồ Ba Bể đang kêu cứu trước thực trạng tại mỏ thác quặng sắt Pù Ổ (xã Đồng Lạc, huyện Ba Bể). Cả công trường ngang nhiên hoạt động khai thác suốt ngày đêm mà không có hệ thống lắng để xử lý chất thải. Tất cả cứ đổ thẳng ra hồ Ba Bể – một trong những tác nhân khiến hồ bị bồi đắp từng ngày từng giờ, cũng như khiến cuộc sống hàng ngày và sản xuất của nhiều người dân bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, những người tổ chức khai quặng không hề quan tâm hay lo ngại, bởi họ đã có được giấy phép hoạt động do cấp Trung ương ký duyệt?

Điều lạ nhất là công trường này hoạt động như vậy mà không cần phải lo lắng sẽ bị kiểm tra hay xử lý. Dù mỏ sắt này đã được Trung ương cấp giấy phép thì cũng phải xem xét lại. Theo nguyên tắc, khi duyệt dự án kiểu này bao giờ cũng phải kèm theo phương án xử lý môi trường. Theo tôi, nếu đem đối chiếu thực tế với luật thì đã nhìn thấy rõ ràng có sai phạm trong quá trình duyệt hồ sơ cấp phép. Tuy nhiên, để biết kết quả sai phạm diễn ra ở cấp có thẩm quyền nào phải kiểm tra lại hồ sơ duyệt. Dù vậy, trước khi tìm thấy lỗ hổng ở khâu cấp phép, vẫn có thể thấy rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên – Môi trường trong công tác kiểm tra thực thi các quyết định hành chính, mà ở đây là tình hình thực tế tại mỏ sắt Pù Ổ.

Ông nhấn mạnh thực tế tại Ba Bể rằng người ta đang đánh đổi những gì quý báu nhất để có được những thứ “vớ vẩn”. Tuy nhiên, cũng có câu: Muốn giàu có phải biết đánh đổi?

Đúng là cũng có lúc phải biết đánh đổi để đạt được mục tiêu làm giàu. Nhưng đánh đổi cái gì, như thế nào thì người khôn ngoan phải biết lựa chọn, cân nhắc. Không ai đem thứ quý báu nhất để đổi lấy những thực tế như hiện nay. Tôi chắc chắn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản khu vực hồ Ba Bể phần thu về được cho Nhà nước không nhiều. Cái tôi nhìn thấy là nguy cơ Việt Nam đang nhanh chóng mất đi hồ nước ngọt quý báu, độc đáo, đã được thế giới công nhận cần bảo tồn.

Trong khi đó, hiện thực cho thấy các nhà đầu tư đang muốn “ăn quỵt” của môi trường. Thế nhưng thực tế đã chứng minh: hôm nay ta ăn quỵt của môi trường 1 đồng, mai kia con cháu chúng ta sẽ phải gánh trả gấp 1.000 lần. Thật vây, nêu hôm nay ta không trả lại môi trường thì sự trả nợ của tương lai sẽ nhọc nhằn hơn rất nhiều. Vì thế, khi con người cân nhắc việc đánh đổi những gì qúy báu mà thiên nhiên đã ban tặng lấy tiền thì cần xem xét thật kỹ lưỡng.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Dantri.com.vn

---------------------------


Hồ Ba Bể có thể biến mất sau vài chục năm

18.23pm 28-04-2011

(Tingốc.com) - Việc nước rửa quặng chưa qua xử lý được thải thẳng ra các sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước, khiến các chuyên gia cảnh báo hồ Ba Bể có thể sẽ biến mất trong vài chục năm nữa.

Chiều qua, hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi tọa đàm trao đổi về nguy cơ ô nhiễm, bồi lấp và có thể biến mất của hồ nước này. Người dân thuộc khu vực hồ Ba Bể đã gửi hàng trăm lá đơn kêu cứu về việc từ năm 2008, một công ty khoáng sản đã tiến hành khai thác mỏ sắt, nước rửa quặng đổ thẳng xuống các sông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.


Trước thực trạng trên, tuần qua đoàn khảo sát gồm nhà thơ Dương Thuấn - câu lạc bộ Những người yêu Ba Bể cùng giáo sư Phạm Vĩnh Cư, giáo sư Chu Hảo và giáo sư Đặng Hùng Võ đã đến tận địa phương tìm hiểu thực tế sự việc. "Sau khi tìm hiểu và thu thập các chứng cứu, dữ liệu, chúng tôi thấy hồ Ba Bể đang chết dần", nhà thơ Dương Thuấn nói.

Ông Thuấn cho biết thêm, theo quan sát của đoàn, các mỏ khai thác quặng đã chặn khe suối rồi hút nước ngược lên để rửa quặng khiến dân thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng. Nước rửa quặng sau đó đổ thẳng xuống các sông, suối dẫn vào hồ Ba Bể. Khi mưa xuống, nước cuốn theo cả chất thải và đất cát do đào quặng chảy xuống hồ, khiến cho lúa không thể phát triển được và năng suất suy giảm.

Không những vậy, việc vận chuyển quặng hàng ngày với mật độ nhiều xe trọng tải lớn đi qua đã nhiều lần làm vỡ ống dẫn nước chung cho dân, gây thiếu nước sinh hoạt.

Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ&Môi trường, cho rằng, nếu tiếp tục chặt cây, khai thác như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn hồ Ba Bể. “Tôi trở lại hồ Ba Bể với cảm xúc đau buồn chưa bao giờ thấy. Nếu tiếp tục chặt cây, khai thác bừa bãi như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ chẳng còn viên ngọc quý này nữa", giáo sư Hảo ngậm ngùi.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bình luận: "Nếu chúng ta lên đến nơi vào thời điểm này, chỉ cần một người tử tế thôi, cũng sẽ thấy đau xót. Muốn giàu thì phải đánh đổi là điều đương nhiên, nhưng phải biết đánh đổi cái gì lấy cái gì, chứ không ai đi lấy cái quý giá nhất ra đánh đổi và ở đây là một sự đánh đổi rất vớ vẩn".

Cũng theo giáo sư Đặng Hùng Võ, việc khai thác tài nguyên ở đây đang làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của vùng này. “Nếu muốn làm kinh tế, Bắc Kạn có thể làm cách khác, như du lịch hoặc lâm sản, chứ không phải chuyển mình bất chấp sự hủy hoại môi trường".

"Bắc Kạn chấp nhận phát triển bằng cách bán tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì có nghĩa là chúng ta đang ăn quỵt môi trường. Chúng ta đánh đổi những cái thiên nhiên ban tặng cho con người để lấy vài đồng thì con cháu chúng ta sẽ phải trả gấp một nghìn lần trong tương lai, trả một cách khó khăn, nhọc nhằn hơn nhiều”, ông nhấn mạnh thêm.

Hội những người yêu Ba Bể đang chuẩn bị hồ sơ về trình lên thủ tướng, đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác như hiện nay.

Vườn quốc gia Ba Bể có tổng diện tích 10.048 ha thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hệ thống thủy văn vườn quốc gia Ba Bể gồm 4 con sông, suối chính nối với hồ Ba Bể. Năm 1995, hội nghị hồ nước ngọt trên thế giới tổ chức tại Mỹ đã công nhận hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Năm 2004, vườn quốc gia Ba Bể lại được công nhận là vườn di sản ASEAN.

Nguồn: Tin-gốc.com

-------------------

Hồ Ba Bể và “hội chứng dự án”

Anh em chúng tôi vừa có vài ngày nghỉ trên khu vườn quốc gia Ba Bể. Thích nhất là hôm đi thuyền ngắm cảnh đẹp xung quanh lòng hồ. Nước hồ nhiều nơi trong xanh ngăn ngắt. Núi non vây bọc với cây xanh rừng xanh in bóng xuống lòng hồ. Đi trên con sông Năng thơ mộng thông thương nước với hồ tạo cho mình cảm giác như được thiên nhiên ban tặng vỗ về. Thấy phút chốc có sự hài hòa giữa chúng và con người. Lâu nay mưa bão, nóng bức, cháy rừng, lũ úng, đất lở, triều cường... khiến con người thấy thiên nhiên như xây lưng với mình, như kiểu trả thù chúng ta vì bao điều tệ hại do chúng ta gây cho nó... Nghĩ cũng sợ và lo, nhưng chẳng làm gì được trước sự tham lam bất chấp của người đời.

Chuyến đi phải nói là mỹ mãn cho những người sống ở thị thành bức bối, nhất là người cao tuổi như nhiều thành viên trong một câu lạc bộ hưu trí như chúng tôi hôm đó…

Không ít lần chúng tôi buột miệng, đúng là du lịch sinh thái. Bõ công đi xe trên 250 cây số, có đoạn còn rất khó đi, xe sóc mạnh và những khúc cua ngoặt chóng mày chóng mặt. Nhưng bù trì đã được vài ngày nghỉ ngơi tĩnh dưỡng thật sự giữa thiên nhiên xanh. Cái màu xanh của rừng núi sông hồ, trời mây ngút ngát như ở Ba Bể thế này thì thật là có duyên mới nhận được.

Được hưởng thế này nên bứt rứt về câu chuyện hồ Ba Bể có thể biến mất trong tương lai không xa. Chả lẽ đất nước mình bất lực trước nguy cơ mất Ba Bể vì chặt phá rừng bừa bãi, thói quen canh tác du canh du cư đã tạo nên sự bồi lắng bùn đất, nó dần dần "ăn hết" mặt nước hồ? Chả lẽ sau 3, 4 thế hệ nữa sẽ không còn cái di sản thiên nhiên xanh khổng lồ này nữa với các con cháu của chúng ta. Qua 200 triệu năm Ba Bể tồn tại giữa thiên nhiên, khởi nguồn từ một sự sắp đặt kỳ vĩ của tự nhiên, mà nay chỉ mất 80 năm nữa thôi đã đủ thời gian giết chết nó. Thật là điều gây sốc quá nặng nếu đúng là như thế với người Việt mình.

Câu chuyện đến đây như không tin được. Hẳn là có sự thổi phồng, bịa đặt thêm thắt nào đó chăng? Không phải vậy đâu, xin bạn đọc thêm mấy đoạn dưới đây:



Chả là trước khi thăm hồ Ba Bể, tôi đọc được một bài báo đăng liền 2 kỳ trên Lao Động điện tử vào các ngày 10 và 11/8. Thật sự là giật mình về những cứ liệu khoa học mà bài báo dẫn các nhà khoa học nêu lên rằng, chừng 80 năm nữa cái hồ nước mênh mông này sẽ biến mất! Điều trớ trêu là cảnh báo này được các nhà nghiên cứu chuyên về thủy lợi đưa ra từ năm 2002 (hồi đó kết luận là 90 năm thì nay đúng chỉ còn chừng 80 năm nữa thật!). Nên một kế hoạch “cứu” hồ được đưa ra với dự án mà kinh phí chừng 300 tỉ. Số tiền này được tính toán tỉ mỉ khoa học nhằm làm cho con hồ lớn này không bị bùn đất lấp dần như tiến trình diễn ra trước mắt chúng ta hiện nay. Dự án không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lý do lãng xẹt, kinh phí tiền trăm tỉ vậy là quá lớn! (Chao ơi người ta vung tay làm hại cả ngàn tỉ, chục ngàn tỉ chỉ với lý do là "quản lý kém", thì so với chuyện cứu được Ba Bể bằng ngần ấy tiền thôi, ngẫm nghĩ thấy mà xót xa).

Chuyện trên còn treo đấy thì đáng kinh ngạc hơn là năm ngoái, 2009, tại tỉnh Bắc Cạn - địa phương quản lý trực tiếp hồ Ba Bể - lại được người ta trình lên một dự án mới. Nội dung nó hầu như đi ngược hẳn lại. Ý chính là xin đục một hòn núi đá, làm một tuy-nen dài khoảng 1 cây số. Như vậy tức là dồn thêm nước từ một khu vực rộng mênh mông khác vào lòng 3 con hồ này. Lý do đưa ra là để thoát lũ và “cứu” lúa và các cây nông nghiệp khác cho vùng đất bên cạnh hồ Ba Bể. Nếu làm như thế cũng đồng nghĩa là cho bùn đất bối lắng thêm, cũng tức là đẩy nhanh hơn nữa việc “lấp hồ Ba Bể”. May mà ban quản lý hồ quốc gia này đã cùng một số nhà nghiên cứu khoa học thủy lợi quyết liệt can gián và dự án đó cũng bất thành.

Lạ không, cùng dưới một nhà nước một chính quyền nhân dân của chúng ta mà ông nói tây bà nói đông, người nói đen kẻ nói trắng, anh nói gà ả nói vịt. Chẳng biết đằng nào mà lần.

Đi thăm Ba Bể xong trên đường về nhà, tôi và bạn bè cùng chuyến đi cứ miên man nghĩ ngợi và trao đi đổi lại những câu chuyện trên. Thậm chí một ý nghĩ lo lắng cứ day dứt xung quanh số phận chung của các danh lam thắng cảnh trên đất nước ta thời nay. Không khéo trong lúc kinh tế thị trường khó kiểm soát này, lợi dụng sơ hở tranh tối tranh sáng, đục nước béo cò, người ta dễ bỏ mất các kế hoạch dự án mang tính xây dựng vì con người để chạy theo những kế hoạch viển vông, chuốc hại nhưng được che lấp bởi lợi ích cục bộ, phe nhóm đan xen chi phối.

Dự án thời nay nhiều lắm. Thật giả tốt xấu cứ chồng chéo lẫn lộn vào nhau, không phải là dễ phân biệt nếu cái tâm không sáng, cái tài không tới ở những người nắm quyền phê duyệt. Những người hiểu biết và có đầu óc châm biếm đã phải gọi tên nó là thời của "hội chứng dự án" quả cũng không ngoa. Đáng lo thật.

Nguyễn Vĩnh

-----------------

Đọc thêm bài phóng sự trên Báo Lao Động:

Kỳ 1: Hồ Ba Bể đợi ngày... biến mất!

10.8.2010

(LĐ) - Có một thông tin chính thống và rất sốc rằng: Nếu không có biện pháp "bước ngoặt" nào, chỉ khoảng 80 năm nữa (tính từ năm 2010), hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đồng thổ - sẽ biến mất sau hơn 200 triệu năm tồn tại cùng vỏ trái đất.

Bắc Cạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”. Nếu kể tên chỉ một cái hồ đẹp và nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam, nhất định người ta phải vinh danh hồ Ba Bể. Nếu nghĩ đến hai cái hồ nổi tiếng thế giới nhất đang hiện diện ở Việt Nam, người ta không thể bỏ quên hồ Ba Bể. Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được liệt hạng là Vườn di sản ASEAN năm 2004, từng được nước ta đưa vào tiến trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là vùng đất có tầm quan trọng toàn cầu theo Công ước Ramsar, cũng bởi vườn chứa trong mình hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đông thổ. Hồ Ba Bể là một trong 100 cái hồ nước ngọt tự nhiên lớn lớn nhất thế giới, là một trong 20 hồ nước ngọt có tầm quan trọng đặc biệt, cần bảo vệ nghiêm cẩn nhất của loài người (thông tin từ Hội nghị các hồ nước ngọt thế giới, tổ chức năm 1995, tại Mỹ, đã được công bố rộng rãi suốt hơn chục năm qua).

Theo giới khoa học, nằm trên các dãy núi “lưng chừng trời”, địa hình caxtơ với quá nhiều hang động và kẽ nứt thoát nước khổng lồ, nhưng hệ thống hồ của di sản hồ Ba Bể vẫn tồn tại suốt mấy trăm triệu năm qua, đó quả là một sự nhiệm màu, một sự bí hiểm thú vị mà thiên nhiên ban tặng cho loài người! Và, hiếm có bài dân ca Tày nào ở miền Đông Bắc, mà thiếu được hình ảnh lung linh của hồ Ba Bể. Thế nhưng...

Cái án 80 năm nữa sẽ “khai tử”

Tháng 7.2010, chúng tôi thêm một lần đi khảo sát tình trạng bồi lấp đáng sợ ở hồ Ba Bể. Từ năm 2002, nhiều người thạo tin đã hiểu, hoá ra, vụ “khai tử” có thể có của hồ Ba Bể không phải là một thông tin vỉa hè. Nó đã được đưa lên bàn nghị sự của lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn và cơ quan hữu trách ở trung ương rất nhiều lần, nó được các phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp ở Viện Khoa học thuỷ lợi nghiên cứu trên từng mét vuông mặt hồ, đáy hồ và các vùng dân cư xung quanh trong suốt 3 năm qua rồi đưa ra kết luận trong Hội đồng nghiệm thu cấp bộ hẳn hoi (năm 2002).

Sự việc cụ thể như sau: Từ đầu những năm 1990, nhiều người yêu mến di sản thiên nhiên, kho báu đa dạng sinh học hồ Ba Bể phải đắng lòng. Bởi rừng bị phá, núi xói mòn, lại thêm lối “hoả canh” (đốt nương làm rẫy) của không ít bà con miền thượng du, đã khiến cho mưa lũ cứ vần vũ đưa đất đá, rều cát về san lấp đặc kín 3 cửa sông, suối đổ vào hồ. Những diện tích mặt hồ xanh như ngọc, đẹp đến nao lòng cứ dần biến thành ruộng nương, thậm chí bà con làm nhà cửa trên bãi bồi cách đó chưa lâu còn là mặt hồ với dáng bao áo chàm và thuyền độc mộc tung tăng. 400ha diện tích mặt nước, với độ sâu trung bình 20 - 30m của “viên ngọc xanh” Ba Bể sẽ đi về đâu?

Chuyện ầm ĩ đến mức, tháng 7.1999, đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT (bấy giờ) là ông Lê Huy Ngọ phải lên thị sát rồi giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Thuỷ lợi nghiên cứu, đề xuất giải pháp cứu hồ. PGS - TS Lưu Như Phú - cán bộ của viện - đã được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm đề tài “Dự án điều tra cơ bản xác định thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp chống bồi lắng tại các cửa sông đổ vào hồ Ba Bể”, với kinh phí ban đầu 1 tỉ đồng, được thực hiện trong 3 năm. Ông Phú và các cộng sự đi đến thuộc lòng từng bản làng, từng hang động, từng cánh đồng và các đỉnh núi trong khu vực. Họ chia thành từng nhóm, lập các trạm thuỷ văn, mỗi ngày hai lần đo đạc. Họ đi bộ cả tuần trong rừng, leo lên thượng nguồn sông Chợ Lèng, suối Tà Han tìm hiểu. Đi thực địa chưa đủ, họ phải mua ảnh vệ tinh của nước ngoài để “so sánh” tốc độ phá rừng trong toàn khu vực (nguyên nhân gây ra xói mòn đất trôi về lấp hồ) trong các mốc cụ thể suốt 30 năm (tính từ năm 1970). Các nhà khoa học thậm chí còn dùng cả máy siêu âm hiện đại để có thể tường tận từng mét vuông đáy hồ, từng kẽ nứt của địa hình caxtơ, để tính toán về tình trạng cũng như tốc độ bị bồi lấp của hồ.

Năm 2002, công trình trên đã được Hội đồng nghiệm thu cấp bộ đánh giá cao, với 7/9 thành viên “chấm” xuất sắc. Theo đó, thì câu chuyện rất rõ ràng: 90 năm nữa (tính từ năm 2002), nếu không có biện pháp hiệu quả để “cấp cứu”, hồ Ba Bể sẽ biến mất. Dự án tiền khả thi được bàn đến, phải mất 263 tỉ đồng để cứu “viên ngọc xanh treo trên núi đá”. Các nhà khoa học dự kiến sẽ “nắn” không cho các con sông suối đem theo bùn đất vào “lấp” hồ Ba Bể. Ví dụ, muốn chống úng cho Nam Cường (vùng dân cư phía trước một cửa suối lớn góp nước vào hồ Ba Bể) thì phải làm một cái hồ trên sông, cách Nam Cường 7km. Hồ đó phải cao hơn hồ Ba Bể để vừa tích nước cung cấp tưới tiêu cho cánh đồng rộng lớn và phì nhiêu bậc nhất Bắc Cạn (đồng Nam Cường); vừa tránh ngập úng cho khu vực xã Nam Cường. Đồng thời, một hồ khác xây trên sông (suối) Tà Han - một cửa suối lớn nữa dẫn nước và bùn đất vào gây bồi lấp hồ Ba Bể - rồi nối thông hai hồ bằng đường hầm tuynen dài 3km. Nước của hai cái hồ nước khổng lồ này sẽ được xả qua sông Năng ở đoạn phía sau thác Đầu Đẳng - chứ không xả vào hồ Ba Bể rồi mới ra sông Năng như hiện nay nữa.
Tưởng như chỉ cần khoan địa chất vài mũi nữa, đo đạc cụ thể vài số liệu nữa, là dự án có thể thành hiện thực ngay. Nhưng, PGS Phú buồn bã lắm, gần 10 năm nay, bao công sức của ông và cộng sự đang bị xếp xó. Có người bảo, dự án tốn tiền quá, không “xuống tay” được. Dừng đề án kia gần 300 tỉ đồng kia, nhưng tình trạng bồi lấp hồ Ba Bể dĩ nhiên là “nó” vẫn diễn ra với tốc độ có thể cắm cọc mà nhìn thấy và đo đạc được. Ai cũng sợ. Thế là một vài dự án khác lại được tiến hành.

Đi xem “quái vật ăn thịt lòng hồ”

Mỗi lần du ngoạn hồ Ba Bể, chúng tôi lại thấy nỗi lo hồ biến mất càng hiển hiện rõ rệt hơn. Mỗi năm, các bãi bồi tràn lấn lấp đi thêm một vành đai nước hồ xanh ngăn ngắt dài mấy chục mét dài, cả nghìn mét rộng và chừng ba chục mét. Việc “ăn thịt” hồ Ba Bể diễn ra âm thầm mà quyết liệt, các chuyên gia rất có lý khi cho rằng: 90 năm nữa hồ Ba Bể biến mất. Đó là con số theo tính toán của các nhà khoa học, khi họ căn cứ theo tốc độ phá rừng và xói mòn đất ùn vào các cửa (sông) suối ở thời điểm trước năm 2002. Giờ đây, rừng bị đẵn ngày càng trọc trơ và bạo liệt, tốc độ khai mỏ và xây dựng các công trình nhà cửa càng nhiều, thì chắc gì đã cần đến 80 năm nữa (tính từ năm nay - 2010) để xoá sổ hồ Ba Bể? Đây cũng là “nhận định mới” của PGS Lưu Như Phú khi trò chuyện với nhà báo.

Chúng tôi đi thuyền khảo sát, quay phim tài liệu về tất cả các cửa suối tiếp nước cho hệ thống hồ Ba Bể, các bản làng người Tày sống ven hồ. Qua các lần khảo sát trong 5 năm qua, tôi thấy rõ các doi đất, mũi đất, các ruộng ngô đỗ và bản làng tiến dần ra... giữa mặt hồ một cách vô cùng đáng sợ. Cả ba “nguồn” tiếp nước của hồ, gồm: Sông Chợ Lèng, suối Pó Lù và suối Tà Han đều đang bị biến thành các “sát thủ” chung sức hằng ngày hằng giờ san lấp hồ Ba Bể. 5 năm trước, chúng tôi cũng đi thuyền độc mộc vào tận cái cửa mà suối Tà Han nhập mình với hồ Ba Bể, chỗ ấy bây giờ đã biến thành những bãi ngô xanh ngọc ngà, dài hàng cây số. Đất ụ lên, rắn chắc như đất “thổ cư ngàn đời”, điều đó khiến bà con phải khơi một con mương to (hai chiếc thuyền độc mộc khua mái chèo tránh nhau vẫn vừa) để dẫn nước hồ ngược trở vào “đất liền trên mặt hồ” nhằm “tưới tiêu” cho phần hồ đã biến thành nương rẫy. Cửa suối này, hồi PGS Phú lên nghiên cứu, nó nằm cách cửa suối hôm nay hơn 1.000m. Nơi cửa suối cũ, giờ mọc lên một ngôi nhà bề thế.

Tương tự, cách đó nửa tiếng đi thuyền, cửa suối Pó Lù - nơi có bản Tày Bắc Ngòi tuyệt đẹp tôi từng sống nhiều ngày để làm xêri phim “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” trước đây, giờ... hoang tàn, mênh mông rác rưởi như một cái chợ lộn xộn vừa mới giải tán mà người phu ngái ngủ còn chưa kịp quét dọn. Các bãi đất khổng lồ như độn thổ từ dưới đáy hồ lên, ở rìa còn mềm mụp luễnh loãng. Hàng trăm con trâu đang tung tăng gặm cỏ, Hội xuân Ba Bể với các hoạt động nhảy múa, hội chợ, ném còn, nấu cơm thi diễn ra từ lâu lắm, giờ rác rưởi vẫn thống lĩnh không gian. Dường như hội xuân ngày càng lớn, hệ thống bếp lò khoét vào lòng đất giữa hồ để thổi lửa nấu cơm thi (theo phong tục người Tày) ngày càng quy mô, nên mặt hồ cũng phải đội càng nhiều đất bùn lên để... chào mừng đại lễ!

Đi tiếp, đến cửa sông thứ ba góp nước cho hồ Ba Bể, sông Chợ Lèng, tôi đã nghĩ đến câu “thương hải tang điền” trong tích cổ (biển xanh biến thành bãi trồng dâu). Hun hút ruộng nương, hun hút nhà cửa, anh cán bộ làm ở Ba Bể 20 năm kể, hồi anh mới nhận công tác, toàn bộ bờ bãi, đất đai, nhà cửa này... còn là của mặt hồ. Bây giờ, mỗi năm lưỡi đất khổng lồ này “liếm” ra hồ hàng chục mét. Bãi bồi đến đâu, bà con cắm cọc xí phần cập rập chuẩn bị mùa vụ đến đó.

Theo công trình kể trên do PGS Phú làm chủ nhiệm: Trong 20 năm, kể từ năm 1969 đến năm 1989, hồ Ba Bể bị lấp từ 4 hướng bờ khác nhau, diện tích bị lấp lên tới 15ha. Chỉ tính riêng năm 2002, theo đo đạc, lượng bùn bồi lấp hồ đã lên tới hơn 42 vạn mét khối, có hướng “tấn công lấp hồ”, bãi bồi đã ăn ra mặt hồ tới 60m. Đáy hồ bị bùn làm cho “nâng cao” lên tới 30cm. Đáng cảnh báo hơn nữa: Từ năm 1989 đến năm khảo sát 2002, tốc độ bồi lấp kia tăng đến 2,7 lần so với quãng thời gian khảo sát trong 20 năm trước đó - do phá rừng càng ngày càng bạo liệt hơn. Và, theo đó thì: Chỉ bằng ba phép tính, có thể thấy, 80 năm nữa, hồ Ba Bể sẽ biến mất. Khi ấy, điển tích “bãi biển nương dâu” sẽ được cụ thể hoá như sau: Ba cái biển - bể (Ba Bể) biến thành một cái nương trồng ngô hoặc dâu!

------------------

Kỳ 2: Loay hoay cứu hồ Ba Bể

Thứ Tư, 11.8.2010 | 08:10 (GMT + 7)

(LĐ) - Khoan hãy bàn về việc dừng dự án gần 300 tỉ đồng và những hệ lụy do bùn đất "ăn sống, nuốt tươi" hồ Ba Bể. Chỉ cần là một công dân có trách nhiệm với báu vật thiên nhiên có tầm quan trọng toàn cầu như "viên ngọc xanh" này, chúng tôi cũng đã thấy quá nhiều bất cập trong việc cơ quan chức năng loay hoay cứu hồ, cứu ngô lúa của bà con bản xứ gần hồ, trong thời gian vừa qua.

Những dự án làm rầu lòng báu vật

Một dự án gần 300 tỉ đồng nhằm triệt để ngăn chặn bùn đất từ 3 cửa sông suối chính cung cấp nước cho hồ Ba Bể được đệ lên UBND tỉnh Bắc Cạn và Bộ NNPTNT, sau đó đã không được thực thi. Vấn đề đáng báo động hiện nay là việc phá rừng, đô thị hoá, xây dựng công trình công cộng, khai thác mỏ lớn ở các khu vực Đồng Lạc... gần hồ tăng mạnh, khiến lượng đất đá, bùn rác xả về hồ ngày càng nhiều hơn.

Sau "dự án 300 tỉ" bị dừng lại, mới đây, Ban quản lý dự án 2, Cục Thuỷ lợi, Bộ NNPTNT cũng lại đề xuất giải pháp tiêu úng cho Nam Cường với kinh phí là 82 tỉ đồng. Dự án lần này bạo gan vạch kế hoạch cứu cánh đồng Nam Cường, huyện Chợ Đồn (cách hồ Ba Bể một trái núi với những cái động lớn) bằng cách... dùi lỗ tiêu úng. Tức là lũ lụt, lở đất vùi chết người, lúa ngô trồng lên mất trắng vì giặc nước và bùn đất, khiến bà con kêu trời, thì bây giờ... tìm đường mà đẩy nước đi. Đẩy dễ nhất là đục thủng núi, xây dựng đường hầm tunnel có đường kính khoảng 1,3m; dài gần 1km, “băng” qua động Nà Phòng của núi Nam Cường, theo suối Pó Lù, chảy tuột sang phía hồ Ba Bể. Toàn bộ bùn đất, nước lũ của Nam Cường sẽ được gom vào một bể chứa khổng lồ, chờ nó lắng thì xả vào hồ. Nhưng, từ xưa đến nay, hồ Ba Bể trong văn vắt, xanh ngằn ngặt, là kỳ quan của nhân loại, tồn tại 200 triệu năm qua như một phép màu trên đỉnh trời các dãy núi đá cáxtơ, là bởi vì nước đục từ các nguồn tiếp nước được lắng lọc qua các cửa sông, cửa suối, đặc

biệt là qua khu núi lớn Nam Cường. Sự lắng lọc tự nhiên, thẩm thấu tự nhiên đó vô cùng hoàn hảo. Sau mấy cuộc hội thảo lớn, tốn bao công sức giấy mực, dự án kia đã phải dừng lại vào năm 2009.

Quả thật là, qua tìm hiểu ngọn nguồn mớ bòng bong cứu hồ Ba Bể, chúng tôi không thể hiểu được rất nhiều “chi tiết” buồn cười đến xót xa đã diễn ra và đang phi lý tồn tại. Thí dụ, cùng một bộ, nhưng trong vài năm, có tới 2 dự án ngược hẳn nhau về quan điểm, đều được đưa ra và.... suýt nữa triển khai. Công trình nghiên cứu do PGS-TS Phú làm chủ nhiệm, ông cùng các cộng sự bỏ tâm huyết và tiền tỉ của Nhà nước ra làm trong 3 năm, chi tiết đến từng chân tơ kẽ tóc các vấn đề và nguy cơ bồi lấp hoàn toàn của hồ Ba Bể, lại đã được bộ đánh giá xuất sắc. Nhưng nó bị “gác” lại. Nhưng, đến khi đề án đục núi Nam Cường được coi là “điếc không sợ súng” xuất hiện, thì ai cũng choáng! Ông Giám đốc VQG Ba Bể trăn trở bảo: “Chúng tôi mà không quyết liệt là họ “làm (đục núi) thật đấy”. Và ông Diễn dùng tư liệu bị xếp hộc tủ của PGS Phú để “chống” lại dự án liều lĩnh kia.

Thế mà, đùng một cái Sở NNPTNT Bắc Cạn lại được giao nghiên cứu, viết dự án chống bồi lấp cho hồ Ba Bể và cả dự án thoát lũ cho Nam Cường! Xin hỏi, khi quý sở kia xé lẻ các phần việc giao cho các “tiểu ban” và sở liên quan của mình mỗi người viết một “chương đoạn”, thì các vị cán bộ không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thuỷ lợi, chống bồi lấp sông hồ kia, họ phải xoay xở thế nào? Không lẽ chúng ta biến vấn đề khoa học nghiêm túc này trở thành một phong trào: Ngành ngành, nhà nhà chung tay bới vớt đất cát lên nhằm chống bồi lấp “hòn ngọc xanh hồ Ba Bể” ư? PGS-TS Lưu Như Phú là người kiệm lời và cẩn trọng, ông cũng phải thở dài chua chát: Làm gì có ai làm “tốt” hơn, với đề án tiền tỉ, máy móc vô cùng hiện đại và tiến hành rất khoa học như chúng tôi đã làm? Cán bộ ở sở và các chi cục thì bất quá cũng chỉ là học trò của chúng tôi. Đúng là giao cho các chi cục của một sở vùng cao cùng xé lẻ vấn đề bức thiết và cần nhiều hàm lượng trí tuệ khoa học như chống bồi lấp hồ Ba Bể, thì không... tưởng tượng nổi.

Đầu năm 2010, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn đã phải kêu trời về sự chậm chạp của các “tiểu ban” dự án của sở này, Ông lệnh trong tháng 3.2010 là phải “hòm hòm” và báo cáo. Theo ông Nông Văn Chí - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Cạn - cuối cùng thì dự án cũng được các tiểu ban viết cũng hòm hòm được một phần nào đó (chất lượng thế nào ta chưa bàn) và trình UBND tỉnh Bắc Cạn vào cuối tháng 4.2010. Tuy nhiên, như lời ông Phạm Tất Thắng - Phó Giám đốc sở này - thì: Với phương châm đề án gồm lâm nghiệp và thuỷ lợi kết hợp, hiện nay các tác giả mới chỉ viết xong phần đề xuất về mặt thuỷ lợi. Tóm lại, tất cả còn là dở dang và là... dự kiến.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”?

Có lẽ, việc của những người tâm huyết thật sự với số phận của hồ Ba Bể hiện nay là ngồi nín thở và chờ đợi. Cứ chờ đã, đề án “chắp vá” kia liệu có thật sự cứu được viên ngọc xanh Ba Bể hay không, lúc này thì chỉ có đáy sâu mấy chục mét của hệ thống hồ triệu năm tuổi tuyệt mỹ kia may ra mới biết được. Trong khi đó, các cửa suối vẫn bẩn thỉu với rêu rác từ rừng rú, từ các hội xuân cẩu thả. Các bãi bồi cứ như những mũi tên khổng lồ bắn dần vào phía “trái tim” của đẹp tuyệt trần của hồ Ba Bể.

Giữa lúc dự án đang ngổn ngang, cũng có người đánh bài cùn... lạc quan: 200 triệu năm qua, hồ Ba Bể đã tồn tại, nó có “chết” đâu. Và, ai dám chắc được rằng, những dòng sông ngầm, những kẽ nứt ngầm ở dưới đáy hồ bí ẩn sâu đến 30m kia, nó sẽ không có cách tống bùn đi hoặc tích cực cứu hồ bằng một cơ chế huyền diệu “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ” nào đó? Nhưng cũng có người nương theo chuyện “con bò” này mà phản đối: Sao bạn không tin rằng, 200 triệu năm trước, khi vỏ trái đất cựa mình sinh ra hòn ngọc xanh Ba Bể, hồ không hề như chúng ta thấy bây giờ mà rộng và đẹp gấp ngàn lần, hồ đã từng bị giết đi quá nhiều vẻ đẹp và đây là giai đoạn “giọt nước tràn ly”: Cần đúng 80 năm để thiên nhiên và con người hùa sức giết chết nốt 400ha mặt hồ một cách trọn vẹn. Nếu không hành động thì tất cả chúng ta lại vướng phải một bi kịch lớn hơn cũng liên quan đến con... bò: “Mất bò mới lo làm chuồng”. Nghĩa là, một khi hồ Ba Bể đã biến mất, không bao giờ chúng ta đào bới hay nạo vét “hà hơi tiếp sức”, làm sống dậy cho một hệ thống “hồ Ba Bể thứ hai” được nữa. Là bởi vì, hệ sinh thái hồ sẽ chết, màu nước xanh trong kỳ diệu kia sẽ chết, các cơ chế, công năng “trời sinh ra thế” của đáy hồ và các thành hồ sẽ không còn nữa. Khi đã coi hồ là kỳ quan không thể hiểu được của tạo hoá, thì bạn buộc phải tin rằng, để cho hồ bị biến mất trong một lần sa sẩy, cũng có nghĩa là... nó sẽ biến mất vĩnh viễn!

Dự án nào cũng có thể tranh luận, số liệu nào cũng có thể bị nghi ngờ, chỉ có việc các doi đất như những mũi tên nhọn, như những mũi dao bầu sắc cứ tiến dần từng ngày, gần sát vào “trái tim” chờ ngừng đập của “nàng công chúa áo chàm” kia là không còn nghi ngờ gì nữa. Phải làm sao?

Phạm Thị Thao Giang




  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...