Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Trùm khủng bố bị tiêu diệt nhưng chủ nghĩa khủng bố liệu có thoái trào?

Trùm khủng bố bị tiêu diệt nhưng chủ nghĩa khủng bố liệu có thoái trào?
Bin Laden đã vị giết chết. Gần 10 năm trôi qua từ vụ Tháp Đôi bị đánh đổ sụp (11/9/2001),  ông trùm khủng bố Bin Laden đã trở thành mục tiêu săn lùng số 1 của quân đội Mỹ và nhất là lực lượng tình báo CIA. Tưởng như công việc ngốn bao nhiêu tiền bạc này trải qua 2 đời tổng thống Mỹ sẽ là vô vọng! Nhưng mấy bữa nay thế giới chứng kiến một biển cả thông tin về vụ việc quân Mỹ tiêu diệt Bin Laden.

Sự kiện Tháp Đôi bị tấn công khủng bố dù chúng ta đánh giá như thế nào thì về khách quan nó cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với các mối quan hệ quốc tế hiện đại. Hoa Kỳ, với sự hậu thuẫn của các cường quốc phương Tây, họ đã “khôn khéo” sử dụng sự kiện bước ngoặt này để lái thế giới chú mục vào cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu. Từ đó nảy ra cả loạt những cuộc tấn công vào các quốc gia có chủ quyền nếu bị tình nghi có sự ấn náu của bọn khủng bố quốc tế. Đó là các sự kiện: Đầu tiên là Mỹ cùng một số nước phương Tây khác tấn công vỗ mặt Afganistan ngay sau đó (10/2001); rồi chưa đến hai năm sau tiếp tục tấn công Iraq (20/3/2003), lật đổ chế độ của Saddam Hussein...

Chủ đề này có nhiều thông tin mà biết khai thác và phân tích sẽ thấy ra nhiều điều trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế thời nay. Và mỗi quốc gia và nhất là các nhà vạch chính sách, nhất là chính sách đối ngoại, cần có nhiều thông tin và đào sâu vào các sự kiện xung quanh nó. Chủ blog thấy có chút tính xấu là tham lam đọc nhiều, cứ muốn ham hiểu nhiều điều của thiên hạ nên để ý sưu tầm, và thu được một số thông tin post lên hầu chuyện bạn bè (vì có nhiều bài, nhiều tài liệu nên xin được đưa lên dần dần).

NV

------

Bài 1 - Toàn cảnh vụ tiêu diệt Bin Laden

04-05-2011 |


Phải mất 10 năm lùng sục nhưng chỉ cần 40 phút để biệt kích Mỹ hạ sát Osama bin Laden bằng viên đạn vào đầu trong chiến dịch được truyền hình ảnh trực tiếp về Nhà Trắng. > Một thập kỷ lẩn trốn của Bin Laden / Diễn biến chiến dịch / Thuỷ táng Bin Laden


Nơi ẩn náu của Osama bin Laden nằm sâu trong nội địa Pakistan, không phải vùng đối núi hiểm trở giáp biên giới Afghanistan như phỏng đoán. Biệt kích Mỹ lặng lẽ tấn công và tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda trước sự theo dõi trực tiếp từ Washington, trong khi giới chức nước chủ nhà Pakistan không hề hay biết cho đến khi chiến dịch đã hoàn tất.

Hang ổ cuối cùng của trùm khủng bố

Khu ẩn náu của Osama bin Laden được xây dựng tại ngoại ô Abbottabad phía tây bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad chỉ 100 km. Khu nhà nằm biệt lập với xung quanh là khoảng đất trống và những ngôi nhà của người dân thuộc tầng lớp trung lưu hoặc sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Nơi này chỉ cách Học viện quân sự nổi tiếng nhất Pakistan vài km. Bao bọc quanh nơi trú ẩn của Bin Laden là bức tường bao kiên cố cao 4,5 mét có dây thép gai giăng bên trên và gắn nhiều camera theo dõi. Bên cạnh đó là hệ thống an ninh chặt chẽ với hai chiếc cổng giác và các công trình xây dựng được bố trí như một tổ hợp pháo đài có chủ ý phòng thủ từ bên trong. Trung tâm của khu phức hợp này là tòa nhà 3 tầng khá rộng, nhưng có rất ít cửa sổ và cũng được bao bọc bằng một bức tường nữa cao hơn 2 mét. Toàn bộ khu trú ẩn của Bin Laden rộng khoảng 3.000 mét vuông trị giá ước tính một triệu USD nhưng không có đường dây điện thoại hay Internet kết nối với bên ngoài. Theo lời kể của hàng xóm, tòa nhà này có tường bao kiên cố nên rất khó biết hoạt động bên trong. Những người sống trong tòa nhà cũng cẩn trọng đến mức suốt nhiều năm họ tự thiêu hủy rác thải, thay vì để cho công ty môi trường thu dọn như hàng xóm. Không ai biết chính xác khu nhà Bin Laden ẩn náu được xây từ bao giờ nhưng nhiều người địa phương ước tính nó đã được dựng lên từ 10 đến 12 năm trước. Trong khi tờ New York Times cho rằng khu nhà này được xây dựng với thiết kế đặc biệt làm nơi trú ẩn từ năm 2005. Những người sống gần khu nhà mô tả nơi này tạo cho họ cảm giác không an toàn nên tránh xa và những người sống bên trong hầu như không xuất hiện hay phát ra tiếng động.Điều khiến nhiều người bất ngờ là hang ổ của trùm Al-Qaeda nằm giữa khu vực quân sự của Pakistan, vốn có sự hiện diện dày đặc của binh sĩ và các trạm kiểm soát. Theo nhiều nguồn tin, giới chức tình báo Mỹ bắt đầu nhận được tin tức cho thấy Osama bin Laden có mặt trong tòa nhà này từ tháng 8 năm ngoái. CIA đã phải dành nhiều thời gian phân tích để xác định chính xác “mục tiêu có giá trị cao” bên trong khu nhà ở Abbottabad chính là Osama bin Laden mà họ đã lùng sục suốt hàng thập kỷ qua. Manh mối để tình báo Mỹ lần ra Bin Laden là một trong những người đưa tin của ông ta do một trùm Al-Qaeda khác đã bị bắt là Khalid Sheikh Mohammed khai ra. Đây là một trong số ít những người được Bin Laden hoàn toàn tin tưởng, giúp ông ta liên lạc với phần còn lại của thế giới trong suốt những năm tháng sống trốn tránh sự truy nã gắt gao của an ninh Mỹ.Phải mất nhiều năm tình báo Mỹ mới xác định được danh tính của người đưa tin nói trên vào 4 năm trước và hai năm sau thì họ biết được nơi người này thường hoạt động. Nhưng mãi tới tháng 8/2010, họ mới xác định được người đưa tin này thường xuyên qua lại ngôi nhà 3 tầng ở thị trấn Abbottabad của Pakistan và tung tích của Osama bin Laden bắt đầu dần lộ diện từ đây. Hôm thứ sáu tuần trước, lệnh cho phép thực hiện điệp vụ tiêu diệt Osama bin Laden được Tổng thống Barack Obama đưa ra, sau khi ông tiến hành tổng cộng 5 cuộc họp về vấn đề này với Hội đồng An ninh Quốc gia trong hai tháng 3 và 4. Giới chức Pakistan không mảy may hay biết về chiến dịch này và họ chỉ xuất hiện để bảo vệ hiện trường sau khi biệt kích Mỹ đã hoàn tất điệp vụ và rút đi với xác của Osama bin Laden trên trực thăng.

Bin Laden bị bắn trúng đầu

Điệp vụ tiêu diệt Osama bin Laden mở màn lúc 22h30 giờ địa phương ngày 30/4 và kéo dài trong khoảng 40 phút. Có từ 20 đến 25 lính đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ được phái đi trên 3 chiếc chiếc trực thăng xuất phát từ Afghanistan. Chúng bay rất thấp phía trên thị trấn Abbottabad khi gần tới mục tiêu, khiến người dân địa phương hoảng sợ lúc nửa đêm vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Những chiếc trực thăng đáp xuống bên ngoài khu nhà để lính biệt kích đổ bộ và ngay sau đó là những tiếng đạn nổ chát chúa khi lực lượng này giao tranh với các tay súng bảo vệ Osama bin Laden. Có một chiếc trực thăng của lính Mỹ bị rơi và đâm xuống cạnh bức tường, nhưng hiện chưa rõ do trục trặc kỹ thuật hay bị bắn hạ. Không có biệt kích nào bị thương và trước khi rút đi họ đã cho thuốc nổ phá hủy chiếc trực thăng này. Tổng thống Barack Obama được chứng kiến trực tiếp toàn bộ chiến dịch cùng các quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates từ Nhà Trắng. Giám đốc sắp mãn nhiệm của CIA Leon Panetta thuyết minh chiến dịch thông qua một màn hình video từ một nơi khác ở Washington, trong đó ông sử dụng mật danh “Geronimo” ám chỉ mục tiêu Osama bin Laden. Lời thuyết minh của Panetta lên đến kịch tính nhất khi nói: “Họ đã tiếp cận được mục tiêu. Chúng ta đã nhìn thấy Geronimo…Geronimo EKIA!”. Từ “Geronimo EKIA” là mật danh khẳng định Osama bin Laden đã bị tiêu diệt tại chỗ. Bầu không khí trong phòng tình huống của Nhà Trắng khi đó được mô tả căng thẳng đến mức mỗi phút trôi qua như kéo dài cả ngày. Cuối cùng ông Obama thốt lên “Chúng ta tóm được hắn rồi”.Theo ABC News, sau khi bắn một viên đạn vào phía trên mắt trái Bin Laden và thổi bay một phần sọ của ông này, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bồi thêm một viên nữa vào ngực nhằm đảm bảo trùm Al-Qaeda đã chết. Giới chức Mỹ cho biết có thêm 3 người đàn ông trưởng thành khác bị tiêu diệt gồm con trai Bin Laden là Khalid, liên lạc viên thân tín Sheikh Abu Ahmed và anh trai của người này. Ngoài ra còn có một phụ nữ được coi là người vợ trẻ nhất của Bin Laden được sử dụng làm lá chắn sống cũng bị bắn chết. Cố vấn chống khủng bố của ông Obama là John Brennan cho biết, lực lượng biệt kích đã chuẩn bị để bắt sống Bin Laden nếu ông ta không chống cự. Khi rút đi, biệt kích Mỹ mang theo xác Osama bin Laden cũng một số lượng lớn ổ đĩa cứng và thiết bị lưu trữ. Chính quyền Pakistan không hề được thông báo trước về vụ đột kích và theo ông John Brennan, điều này nhằm hạn chế tối đa cơ hội tham gia của các lực lượng nước chủ nhà. Cơ quan tình báo Pakistan ISI thừa nhận đây là một thất bại của họ. Năm 2003, họ từng đột kích khu nhà có Bin Laden ẩn náu ở Abbottabad, nhưng sau đó không còn để ý đến nó nữa.

Hải táng Bin Laden trên biển

Sau khi bị hạ sát, xác Osama bin Laden được biệt kích Mỹ chở thẳng từ Pakistan về Afghanistan bằng trực thăng và tại đây chuyên gia pháp y xác nhận đó chính là người bị Mỹ truy lùng gắt gao suốt hàng thập kỷ. Mẫu AND của xác chết phù hợp với mẫu một số thành viên trong gia đình Bin Laden. Phương pháp nhận diện sinh trắc học khuôn mặt cũng được áp dụng để đảm bảo chính xác. Theo quy định của Hồi giáo, người chết cần phải chôn cất càng sớm càng tốt và quân đội Mỹ cho biết họ đã tôn trọng điều này một cách nghiêm túc. Xác của Bin Laden sau khi làm các thủ tục pháp y được chở tiếp bằng trực thăng từ Afghanistan ra tàu sân bay USS Carl Vinson. Xác của Bin Laden được quấn trong một tấm khăn màu trắng và đặt bên trong chiếc túi có chèn vật nặng để dễ chìm xuống nước. Sau đó thi thể trùm khủng bố được đặt trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson và các nghi lễ truyền thống được thực hiện tại đây, trước khi thả xác xuống vùng biển Ảrập, khoảng 12 tiếng sau khi bị tiêu diệt. Một số chức sắc Hồi giáo cho rằng việc thủy táng một người chết trên chuyến đi biển là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng việc thả xác Osama bin Laden xuống biển là điều khó hiểu. Họ cho rằng chính quyền Mỹ chắc chắn không khó để tìm ra ai đó trong đại gia đình Bin Laden để giao cho họ thực hiện một nghi lễ chôn cất đúng nghi lễ trên đất. Trong khi đó, Mỹ đưa ra hai lý do tại sao thủy táng Osama bin Laden trên biển. Thứ nhất là họ không muốn mộ của ông ta trở thành một đền thờ và thứ hai là không có thời gian để đàm phán với các nước khác thu xếp một chỗ chôn cất trên đất liền cho trùm khủng bố. Theo CBS News, Ảrập Xêút, nơi Bin Laden chào đời đã từ chối nhận xác.

Cuộc chiến chống khủng bố hậu Bin Laden

Tổng thống Barack Obama trong bài phát biểu công bố đã tiêu diệt được Osama bin Laden nhấn mạnh, sự kiện này là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang tiếp tục. Mỹ cũng tỏ ra thận trọng trước khả năng những phần tử khủng bố sẽ mở chiến dịch báo thù cho cái chết của trùm Al-Qaeda. Giới chức Mỹ cho biết đã quay phim quá trình thủy táng xác Bin Laden nhưng chưa cho công bố, cũng như không hé lộ bất cứ bức ảnh nào về thi thể trùm khủng bố này. Bên cạnh đó, Washington cũng không bình luận việc có ai bị bắt sống trong vụ đột kích tại Abbottabad hay không. Nhà Trắng chưa tiết lộ có ai nhận phần thưởng 25 triệu USD cho cái chết của Bin Laden. Cái chết của Osama bin Laden không có nghĩa chấm dứt sự hoạt động của Al-Qaeda vì từ lâu ông ta chỉ được coi như biểu tượng của mạng khủng bố này. Trong khi Al-Qaeda còn có nhiều chỉ huy khác được đánh giá còn nguy hiểm không kém như Ayman al-Zawahri hay Anwar al-Awlaki. Tuy nhiên đây thực sự là một cú đánh mạnh vào mạng khủng bố Al-Qaeda và tạo cảm giác Mỹ và các đồng minh từ nay sẽ được an toàn hơn. Việc Bin Laden bị tiêu diệt ngay gần các cơ sở quân sự quan trọng của Pakistan dẫn đến phỏng đoán ông này nhận được sự “hỗ trợ có hệ thống” như lời cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan. Nhưng Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari phủ nhận những lời bóng gió này với lời khẳng định, Pakistan cũng ráo riết chống khủng bố như nước Mỹ vì là nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của vấn nạn này.Đối với cá nhân Tổng thống Mỹ Barack Obama, sự kiện tiêu diệt được Bin Laden giống như một món quà trong cuộc vận động tái tranh cử năm 2012 của ông. Đặc biệt sự kiện sẽ tác động lớn đến chính sách an ninh quốc gia của Mỹ vì Osama bin Laden vốn có dấu ấn đậm nét trong chính sách an ninh của Washington suốt hàng thập kỷ qua.

Đình Nguyễn

----------------

Bài 2 - Obama xem trực tiếp vụ tiêu diệt Bin Laden như thế nào

Thứ tư - 05/04/2011 00:31

Những tiến bộ trong công nghệ quân sự giúp Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức cao cấp Mỹ không bỏ lỡ giây nào trong điệp vụ tiêu diệt trùm mạng khủng bố Al-Qaeda, từ khoảng cách xa nhiều nghìn km.

Tập trung đông đủ tại Phòng tình huống nằm sâu bên trong Nhà Trắng, ông Obama cùng những phụ tá thân cận nhất theo dõi toàn bộ vụ tấn công tại Pakistan gần như theo "thời gian thực". Các thông tin thuyết minh cho chiến dịch được đích thân giám đốc CIA thực hiện.

Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ sử dụng những máy quay nhỏ gắn trên mũ, để truyền hình ảnh vụ tấn công về trung tâm chỉ huy của tổng thống Mỹ tại Washington và trụ sở Cục tình báo trung ương (CIA) tại Virginia. Khi họ rời các máy bay trực thăng để đột kích ngôi nhà của Bin Laden, các camera tối tân cũng bắt đầu hoạt động.

Các hình ảnh được truyền đi từ những máy quay này tới đơn vị xử lý đặt trên một trong những chiếc trực thăng tham gia chiến dịch, khi ấy đang lượn vòng bên trên khu nhà của kẻ trùm sò Al-Qaeda. Sau đó, hình ảnh được truyền từ đây lên một vệ tinh của Mỹ, trước khi được đưa về WashingtonVirginia.

Công nghệ truyền dẫn hình ảnh được phát triển cho mục đích quân sự vào năm 2008 này, hoạt động tương tự như cách mà Skype sử dụng cho hệ thống điện thoại Internet rất phổ biến hiện nay. Một phiên bản bảo mật cao của công nghệ này được Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ (USSOCOM) mua lại để sử dụng trong nhiều điệp vụ và cuộc tấn công tối mật ở Afghanistan.

Ban đầu, người ta cho rằng Tổng thống Obama theo dõi được các hình ảnh trực tiếp truyền về từ Pakistan. Tuy nhiên, Giám đốc CIA Leon Panetta sau đó xác nhận rằng có một độ trễ nhỏ trong việc truyền hình ảnh, và điều này góp phần làm tăng sự căng thẳng tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng và trụ sở CIA.

"Khi nhóm biệt kích bắt đầu tấn công khu nhà của Bin Laden, có một khoảng thời gian chừng 20 tới 25 phút chúng tôi thực sự không biết chính xác điều gì đang xảy ra ở đó. Đó là những giây phút căng thẳng vì phải chờ đợi thông tin. Nhưng cuối cùng Đô đốc William McRaven đã liên lạc và cho biết rằng ông nhận được mật danh Geronimo truyền đi từ nhóm biệt kích", giám đốc CIA kể lại.

Khi những người tại Nhà Trắng và trụ sở CIA được xem những hình ảnh chậm hơn ít phút so với những gì thực tế xảy ra qua các màn hình lớn, một không khí căng thẳng và hồi hộp bao trùm. Tổng thống Obama ngồi gần màn hình, với một bộ đồ bình thường và đôi mắt chăm chú theo dõi mọi diễn biến. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton thậm chí còn hồi hộp hơn, khi đưa tay lên che nửa mặt trong suốt thời gian xem những hình ảnh được truyền về từ một nơi cách xa tới hơn 11.000 km.

Giám đốc CIA Panetta bình luận trực tiếp chiến dịch tiêu diệt bin Laden từ tổng hành dinh tại Langley, Virginia. Ông sử dụng mật danh Geronimo để chỉ trùm khủng bố. Khi Bin Laden bị tiêu diệt với một viên đạn găm vào phía trên mắt trái, Panetta xác nhận "Geronimo EKIA", có nghĩa là "Geronimo, kẻ thù vừa bị tiêu diệt trong khi kháng cự".

Sau khi chiến dịch hoàn tất, việc Tổng thống Obama trực tiếp theo dõi từng diễn biến tại Pakistan từ Nhà Trắng mới được báo chí loan báo. Thực tế là để có 40 phút tấn công chóng vánh và hiệu quả, người Mỹ đã phải chuẩn bị vô cùng công phu.

Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ nhận được lệnh bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ để lùng bắt một mục tiêu mang mật danh Geronimo (theo tên chiến binh thổ dân Mỹ huyền thoại). Họ thậm chí đã tiến hành hai cuộc tập rượt với một hình nộm giống hệt Bin Laden trong một căn cứ quân sự.

Tổng cộng có 79 lính biệt kích SEAL tinh nhuệ nhất được điều động tham gia điệp vụ tại Pakistan, cùng với 4 trực thăng, trong đó có hai chiếc làm nhiệm vụ hỗ trợ. Nhóm biệt kích trú tại một căn cứ của Mỹ tại Jalalabad, Afghanistan, và chỉ vượt qua biên giới để vào Pakistan vào buổi tối theo giờ địa phương.

Cuộc đột kích chóng vánh đã tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden cùng một số người khác làm nhiệm vụ bảo vệ y. Trong một phát biểu sau khi vụ tấn công kết thúc, Tổng thống Mỹ Obama nói: "Công lý đã được thực thi". Để có được câu nói ngắn gọn này, Mỹ đã sử dụng những công nghệ tối tân nhất hiện nay và hơn một thập kỷ kiên trì theo dấu Osama bin Laden.



Nguồn: Clickvao.com

--------------

Bài 3 - Cú điện thoại đưa Mỹ tới cửa nhà Bin Laden

Thứ ba - 05/03/2011 09:22

Khi nhấc điện thoại lên gọi vào năm ngoái, một trong những phụ tá tin cậy nhất của Osama bin Laden đã không hề biết rằng nó đã giúp đưa người Mỹ tới cửa nhà của ông chủ mình, kẻ khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất thế giới.

Cú điện thoại, được một quan chức Mỹ kể lại vào ngày hôm qua, đã chấm dứt cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm đối với người đưa tin riêng của Bin Laden, điểm kết quan trọng trong cuộc truy lùng trùm khủng bố rộng khắp thế giới. Kẻ đưa tin này, sau đó đã dẫn tình báo Mỹ tới một khu nhà kiên cố ở đông bắc Pakistan, nơi lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ đã tiêu diệt được Osama bin Laden vào sớm qua.

5 phút giao tranh quyết liệt cuối cùng là đỉnh điểm của những năm dài thực hiện công tác tình báo. Với nhóm CIA săn lùng bin Laden, họ luôn ý thức được rằng điểm yếu lớn nhất của tên trùm khủng bố này chính là những kẻ đưa tin của hắn ta. Hắn ta quá thông minh để không cho những chiến binh al-Qaeda hay thậm chí là những chỉ huy cấp cao của nhóm này biết nơi ở của mình. Nhưng nếu hắn ta muốn chuyển thông điệp ra ngoài, phải có ai đó đưa tin, ai đó mà bin Laden tin tưởng suốt cả cuộc đời.


Trong một nhà tù bí mật của CIA ở miền đông châu Âu nhiều năm trước, lãnh đạo số 3 của al-Qaeda, Khalid Sheikh Mohammed, đã cho giới chức trách biết tên hiệu của nhiều người đưa tin cho bin Laden, các cựu quan chức tình báo Mỹ cho hay. Những cái tên này nằm trong số hàng ngàn đầu mối CIA đang theo đuổi.

Một tên đã được CIA đặc biệt chú ý khi một kẻ bị bắt giam có tên Abu Faraj al-Libi nói với các nhà thẩm vấn rằng khi được “thăng chức” kế nhiệm Mohammed làm thủ lĩnh phụ trách hoạt động của al-Qaeda, hắn ta đã nhận tin từ một người đưa tin. Các quan chức CIA tin rằng chỉ có bin Laden mới có thể trao cho al-Libi thông tin thăng tiến đó.

Và nếu họ có thể tìm được người đưa tin này, họ sẽ tìm ra bin Laden.

Nhưng phải mất nhiều năm các cơ quan tình báo Mỹ mới xác định được tên thật của kẻ đưa tin trên (tuy nhiên hiện các quan chức Mỹ không có ý định tiết lộ). Nhưng sau khi xác định được danh tính của hắn, các nguồn tin CIA không hề có chút thông tin nào về nơi lẩn trốn của hắn. Bin Laden lại nổi tiếng là không cho dùng điện thoại hay máy tính ở gần mình, vì vậy phương thức nghe trộm trở nên vô dụng.

Rồi sau đó vào giữa năm ngoái, kẻ đưa tin trên đã có một cuộc trao đổi điện thoại với người đang bị tình báo Mỹ theo dõi – một quan chức Mỹ giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề tiết lộ. Kẻ đưa tin đã được “định vị” tại nơi cách xa nơi ẩn náu của bin Laden, nhưng đủ gần để giúp các quan chức tình báo xác định và theo dõi hắn ta.

Tháng 8/2010, kẻ đưa tin không hề biết rằng đã dẫn lối cho giới chức trách tới một “căn cứ” ở thị trấn Abbottabad, đông bắc Pakistan, nơi al-Libicũng từng sống. Những bức tường bao quanh khuôn viên cao 5,5m, bên trên có gắn dây thép gai. Giới chức tình báo đã biết ngôi nhà trong suốt nhiều năm, nhưng lại luôn cho rằng bin Laden sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều vệ sỹ được trang bị vũ khí hạng nặng. Vì vậy mà không ai tới kiểm tra ngôi nhà.

Trên thực tế là không ai đến và đi ra từ ngôi nhà. Không có đường dây điện thoại hay internet bắc tới ngôi nhà. CIA nhanh chóng nhận ra rằng bin Laden đang ẩn náu hoàn toàn đơn giản, ở một nơi được xây dựng đặc biệt để không bị chú ý. Nhưng do bin Laden không bao giờ di chuyển, nên không ai có thể vào trong khuôn viên, nên không có cách nào biết chắc.

Bất chấp những điều không chắc này, các quan chức tình báo ý thức được rằng đây có thể là cơ hội tốt nhất họ từng có để tiếp cận bin Laden. Họ quyết định không chia sẻ thông tin với bất kỳ ai, ngay cả với những đồng minh chống khủng bố tin cậy như Anh, CanadaAustralia.

Đến giữa tháng 2, giới chức Mỹ hoàn toàn tin rằng “mục tiêu giá trị cao” đang lẩn trốn trong ngôi nhà. Tổng thống Barack Obama muốn hành động.

“Họ rất tự tin và sự tự tin đó ngày một lớn mạnh. “Lần này khác. Những gì chúng tôi thấy trong ngôi nhà này khác hẳn với những gì chúng tôi đã thấy trước đó”, John Brennan, cố vấn chống khủng bố cấp cao của Tổng thống Obama cho biết hôm qua. “Tôi tin rằng chúng tôi có cơ sở để hành động”.

Song họ có rất ít lựa chọn. Ngôi nhà nằm trong khu dân cư ở một nước có chủ quyền. Nếu Obama ra lệnh không kích và bin Laden không có ở đó, vụ việc sẽ gây ra rắc rối lớn về ngoại giao. Thậm chí nếu Obama có đúng, san phẳng ngôi nhà cũng không có nghĩa là bin Laden đã bị tiêu diệt.

Cuối cùng Obama đã cho phép 2 chục thành viên của lực lượng tinh nhuệ SEAL Team Six thuộc Hải quân Mỹ thực hiện một cuộc đột kích với sự chính xác tuyệt đối.


Cuộc đột nhập trước bình minh

Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Biden cùng Bộ trưởng Quốc phòng Gates, Ngoại trưởng Clinton theo dõi vụ đột kích của SEAL từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng.

Trước bình minh ngày thứ hai, hai chiếc trực thăng đã rời Jalalabad ở miền đông Afghanistan. Hai chiếc trực thăng này đã tiến vào không phận Pakistan, sử dụng công nghệ tinh vi để thoát khỏi hệ thống radar của nước này, một quan chức Mỹ tiết lộ.

Về mặt chính thức, đây là sứ mệnh tiêu diệt hoặc bắt giữ, do Mỹ không định giết những người không có vũ khí và có ý định đầu hàng. Nhưng họ cũng hiểu rõ ngay từ ban đầu rằng những người đang ở sau các bức tường kia không hề có ý định đầu hàng, hai quan chức Mỹ cho hay.

Hai chiếc trực thăng sau đó đã đáp thấp xuống khu nhà, thả các thành viên SEAL vào bên trong các bức tường. Không có tiếng súng nào được bắn ra. Nhưng ngay sau khi nhóm chạm đất, một chiếc trực thăng đã bị đâm nghiêng xuống đất mà cho đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa biết lý do. Một thành viên của SEAL bị thương, nhưng sứ mệnh vẫn tiếp tục.

Với CIA và Nhà Trắng theo dõi trực tiếp tình huống, qua vệ tinh hoặc qua camera gắn trên người các thành viên SEAL, nhóm đặc nhiệm xông vào ngôi nhà.

Theo các quan chức Mỹ, nhờ hệ thống theo dõi vệ tinh tinh vi, lực lượng Mỹ biết gia đình bin Laden chắc chắn sống ở tầng 2 và 3 của một trong những ngôi nhà trong khuôn viên họ đột nhập. SEAL đảm bảo bao vây toàn bộ khuôn viên trước, sau đó mới tiến đến phòng bin Laden đang ẩn. Theo Brennan, khi giao tranh, bin Laden đã dùng một phụ nữ làm lá chắn.

Các thành viên SEAL đã tiêu diệt bin Laden bằng một viên đạn trúng đầu.

Xác của tên trùm khủng bố nhanh chóng được nhận dạng, song Mỹ cũng tiến hành xét nghiệm DNA, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho hay. Những phân tích về hình ảnh, cùng xác nhận của một phụ nữ được cho là vợ bin Laden, và những đặc điểm thi thể “khớp” khác như chiều cao cũng đều khẳng định xác chết là của bin Laden.

Cũng theo giới chức Mỹ, nhóm đặc nhiệm đã lục soát khuôn viên, mang đi các tài liệu, ổ cứng và DVD, có thể cung cấp những thông tin tình báo giá trị về al-Qaeda.

Toàn bộ cuộc đột kích kéo dài chỉ khoảng 40 phút.

Xác của bin Laden được đưa tới tàu chiến USS Carl Vinsonở biển Bắc Ả rập, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ. Tại đây, giới chức Mỹ thực hiện nghi thức chôn truyền thống của đạo hồi. Xác của bin Laden được tắm và đặt trong một tấm vải trắng. Sau đó, hắn được đặt trong một chiếc túi và được vứt xuống biển vào 2h sáng ngày thứ hai.


Nguồn: 360 - Tin Viet Nam




Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...