Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Câu chuyện cuối tuần đáng đọc


CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN ĐÁNG ĐỌC

Ngày cuối tuần một người bạn trẻ gửi cho câu chuyện dưới đây. Mình đọc đi đọc lại, thấy nảy ra bao nhiêu ý nghĩ, càng thấy tầm vóc lớn lao của các nhà văn hồi ba mươi bốn nhăm (1930-1945). Ở giai đoạn lịch sử ấy có nhiều cây bút quá lớn, họ vượt lên tầm thời đại mà họ sống và để lại dư ba lay động đến tâm hồn nhiều thế hệ sau này...


Tài văn của họ thật đáng nể. Như Nam Cao, qua lời kể của con gái ông, nhân vật Chí Phèo và Thị Nở là được xây dựng từ rất nhiều những người nông dân bần hàn sinh sống quanh ngôi làng hồi đó cũng tù túng nghèo khổ lắm. Các hình mẫu sống động ấy được Nam Cao quan sát và gạn lọc, qua ngòi bút tài tình của ông đã hóa thân thành một "anh Chí và chị Nở" để rồi sống mãi với thời gian, với các thế hệ bạn đọc chúng ta...


Văn chương ngày xưa là vậy, gần thế kỷ trôi qua nhưng tác phẩm của các bậc tài danh này vẫn được người đời trân trọng lưu giữ. Thử hỏi các tác phầm ít lâu nay nhận các giải thưởng nhà nước danh giá, trong đó liệu có bao nhiêu tác phẩm đích thực mà người đương thời chúng ta nhớ ra cho được?!


Vệ Nhi g-th


-------

CÂU CHUYỆN XUNG QUANH HÌNH MẪU
CHÍ PHÈO, THỊ NỞ


TRẦN THỊ HỒNG


Giữa trưa một ngày nóng nực nhất trong tháng bảy gia đình tôi có khách đó là ba thanh niên. Vào tới nhà, sau khi chào gia chủ, họ tự giới thiệu:
- Chúng cháu là Đông Hồng đạo diễn và Quốc Anh diễn viên của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long. Công ty có ý định dựng bộ phim hài, dựa theo tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, để trình chiếu trong dịp tết sắp tới.
Sáng nay, anh em chúng cháu vừa về Nhân Hậu, tới nhà tưởng niệm và khu mộ, để thắp hương xin phép ông rồi! Bây giờ chúng cháu tới gia đình báo cáo lại với hai bác. Đồng thời, rất muốn hai bác cho nghe thêm những câu chuyện liên quan đến tác phẩm Chí Phèo.
Tôi bảo: “Truyện Chí Phèo của cha tôi, thì đã được các nhà phê bình văn học và bạn bè, đồng nghiệp của người đề cập khá nhiều. Các anh có thể tìm đọc. Nhưng vì các anh muốn dựng phim hài, tôi cũng xin mạo muội kể vài mẩu chuyện tôi từng được nghe từ người thân và dân làng có chút hài hài để các anh tham khảo”.
Rồi tôi kể: “Chú ruột tôi là Trần Hữu Đạt bảo: Cha tôi xây dựng nhân vật Chí Phèo là dựa vào hình ảnh của ba người: Người thứ nhất tên là Chí. Cha mẹ ông Chí đều ở làng tôi, gia cảnh rất nghèo, quanh năm làm thuê, cuốc mướn. Khi cha mẹ mất đi, Chí còn lại một mình, không có ruộng vườn, nhà cửa. Ngày ngày Chí đến làm việc cho một người làng tên là Trương Pháo.
Ông Trương Pháo thuê Chí mổ lợn rồi đem ra chợ bán. Làm xong, Chí không đòi tiền, chỉ xin cút rượu và một đoạn cái phèo của con lợn. Có hai thứ đó là xong bữa của Chí. Mỗi buổi tối, sau khi uống rượu xong, Chí khật khưỡng đi đến cái lều ở chợ.
Ai gặp Chí cũng hỏi để trêu đùa: “Anh Chí đi đâu đấy?”. Chí trả lời ngay: “Đi phèo đây”. Ý của Chí là đi ngủ. Cứ thế Chí sống một mình, chẳng lấy được vợ. Nhưng Chí rất hiền, không rạch mặt, ăn vạ.
Người thứ hai tên Trinh, ông này không biết cha, mẹ quê quán ở đâu. Ông chính là đứa trẻ người ta nhặt được ở cái lò gạch bỏ hoang. Ông uống rượu rất nhiều, và khi rượu vào thì lời ra. Ông chửi mọi người và chửi trời, chửi đất. Hễ hơi động vào ông là ông nằm ăn vạ. Nhưng ông có vợ và một đàn con đông đúc.
Người thứ ba tên Đào. Ông Đào là em họ bà nội tôi. Ông khỏe mạnh, có cha, mẹ, vợ con ở làng. Nhưng nhà cũng nghèo. Vợ ông chính là bà Trần Thị Nở. Một trong hai người cha tôi dựa vào để xây dựng nhân vật Thị Nở. Ông Đào cũng chính là anh lực điền làm thuê cho nhà ông Chánh Bính (nhân vật Bá Kiến).
Trong ba người này, ông Trinh và ông Đào sống rồi chết ở làng. Riêng ông Chí về sau bỏ làng đi biệt xứ. Không có việc đâm chém giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Song, mãi đến những năm gần đây, người ta phát hiện ra rằng, ông Chí không có vợ nhưng thực ra có con.
Con ông có tên là Rụ. Đó là kết quả mối tình của ông với một bà buôn trứng ở làng. Xung quanh mối quan hệ của anh canh điền với bà vợ ba Bá Kiến, trong tác phẩm cha tôi chỉ viết: “... Hắn nhớ đến “bà Ba”, cái con quỷ hay bắt hắn bóp chân mà lại bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa, chứ có yêu hắn đâu. Hồi ấy hắn hai mươi tuổi. Hai mươi, người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh... Bà thấy xa xôi không được, phải làm đến nơi. Bà bảo hắn rằng: “Mày thật thà quá! Con trai gì hai mươi tuổi mà đã như ông già”. Hắn vẫn giả vờ không hiểu. Bà lẳng lơ bảo: “Chả nhẽ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thế này thôi ư?...”.
Nhưng anh Hoàng Cao là con bác ruột tôi, lại kể câu chuyện rất hài thế này: Một buổi trưa hè, chồng đi vắng, bà vợ ba Nghị Bính (Bá Kiến) sai con ở đi hái nhãn. Còn lại một mình ở nhà, bà gọi Chí Phèo lên rồi đưa cho Chí một cái quạt lông rất to, cán dài...
Bà sai Chí Phèo quạt cho bà, nhưng phải quạt thật mạnh. Chí Phèo quạt. Bà Ba mặc yếm lụa vàng, không thắt giải ngang, mặc váy lục đen, nằm trên phản, chân quay về phía Chí Phèo.
Chí Phèo quạt cái thứ nhất. Bà Ba giục: “Quạt mạnh vào”. Chí Phèo quạt cái thứ hai mạnh hơn. Yếm bà Ba hở ra và váy lục tốc lên. Chí đỏ mặt, chuyển đứng về phía đầu bà, thì bà liền xoay chân về phía “Chí Phèo” đứng và lại giục:
- Quạt nữa đi!
Chí Phèo quạt cái thứ ba, gió cũng thổi hợp với cái giãy giụa khéo léo của người nằm. Toàn bộ những cái cần che đậy trên người bà Ba đã hở hang, phô bày ra hết. Bà bảo:
- Thằng khỉ!
Lúng túng, Chí Phèo run run đáp:


- Lạy bà! Con không dám.
- Bà cho dám! - Tiếng bà Ba cất lên...
Tưởng rằng chỉ có trời, bà Ba và Chí Phèo biết việc ấy. Nào ngờ, còn có một người nữa biết việc này, đó là ông Loan. Ông Loan là người hầu tráp của Chánh Bính. Ông Loan đã vô tình được mục kích toàn bộ hành động của bà Ba và Chí Phèo.
Anh Hoàng Cao vốn là bạn với anh Nho, con út của ông Loan. Một lần anh đến chơi với bạn, gặp ông Loan cũng đang có mặt ở nhà anh Nho. Hai anh ngồi tán chuyện với nhau. Hết chuyện trên trời dưới biển chán thì lôi chuyện của cha tôi ra nói. Ông Loan mới tủm tỉm cười mà rằng:
- Tớ biết một chuyện còn hay gấp mấy truyện giáo Tri viết. Chúng mày biếu lão chai rượu, lão kể cho mà nghe.
Sau đó ông kể câu chuyện trên cho các anh nghe. Ông còn chỉ vào bộ tràng kỷ trong nhà anh Nho mà nói: “Tớ có bộ tràng kỷ này là từ vụ đó”.
Ông Loan nói thêm: “Bà Ba là một người đàn bà tinh ranh, bà thừa biết tôi đã chùi mép cho bà nên bà nhũn nhặn bảo: “Tôi rất quý cái bụng của anh. Anh ăn ở, thu vén cho nhà này từng ly, từng tí một. Tôi biết lắm anh ạ! Anh cứ yên trí: Gái có công chồng chẳng phụ”. Rồi bà vội lật đầu giường, lấy ví của chồng, đưa cho tôi.
Kể chuyện này xong, ông Loan đã dặn rất kỹ những người ngồi nghe phải giữ mồm giữ miệng. Nhưng chẳng hiểu sao, câu chuyện “thâm cung bí sử” đó, vẫn nhanh chóng lan ra khắp làng. Từ đấy đám thanh niên, cứ mỗi lần gặp nhau, là thường cợt nhả. Chúng đấm vào lưng nhau rồi quát:
- Thằng khỉ!
Người bị đấm giả vờ khúm núm:
- Lạy bà! Con không dám!
Rồi đua nhau vừa cười váng lên, vừa hét:
- Bà cho dám, bà cho dám.
Chúng cứ vừa đấm, vừa cười ngặt nghẽo với nhau.
Cuộc đời của hai người phụ nữ, cha tôi dựa vào để xây dựng lên nhân vật Thị Nở cũng có nhiều nét hài.
Người thứ nhất là bà Trần Thị Nở. Cha bà Nở là ông Trần Hữu Kính, chuyên đi đóng thuê cối xay lúa, nên gọi là phó Kính. Bà Nở người đã xấu, tính lại dở hơi và rất hay cười. Đặc biệt, bà rất dễ buồn ngủ, mà đã buồn ngủ thì không sao cưỡng lại được. Do vậy, bà lăn ra ngủ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào: chân đống rạ, chỗ gốc chuối, chân bụi tre... Thậm chí, có lần bà ra ao để xách nước. Vừa đến bờ ao, gặp cơn gió mát, đặt lọ xuống đất, ngồi dựa vào gốc sung, bà làm luôn một giấc dài.
Hàng xóm còn luôn nhắc đến tài bếp núc của bà, để răn dạy con gái. Bởi với bà Nở khi đã chồng, con rồi mà cơm bữa nào cũng trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhoét. Nhưng hễ ai vừa động kêu ca một tiếng, là ba dẩu ngay môi lên, rồi cãi lại rằng “sống đâu mà sống, chỉ hơi sượng thôi!”. Tuy vậy bà Nở vẫn chồng con đề huề. Chồng bà chính là ông Đào (cậu nhà văn Nam Cao) như trên tôi đã nói.
Người thứ hai là cô Trần Thị Thìn, con cụ phó Thảo. Cô Thìn cũng xấu: mặt ngắn, mũi to, da sần sùi và cũng dở người. Cô là em ruột bác Trần Duy Nâm, anh rể của mẹ tôi.
Nhà cụ Thảo thuộc hàng khá giả ở làng. Bác Nâm làm lý trưởng, gia cảnh bề thế. Nhưng cô Thìn vừa xấu, vừa dở tính, không lấy được chồng. Con trai làng, người nghèo thì không dám “với”, người giàu thì họ lại chê. Thật khổ cho cô Thìn, vì bản thân cô lại rất muốn lấy chồng. Hàng ngày mẹ sai đem chép ra vườn làm cỏ. Vườn nhà cô ở ngay cạnh đường đi. Các anh trai làng thường xuyên đi lại trên đường. Vì vậy cô cũng thường xuyên ngừng tay để bắt chuyện và mời mọc các anh vào vườn chơi. Do vậy cô làm cả ngày mà cỏ vẫn mọc xanh rì.
Cô bị mẹ mắng, chửi luôn luôn vì cái tội đó. Lúc ấy cô mới xếu mếu cái: “Thì u lấy chồng cho con đi”. Các anh trai làng biết vậy. Họ nghịch ngợm trêu: “Cô Thìn ơi! Hãy lấy tôi nhá!”. Lúc ấy, mũi Thìn bạnh ra, miệng cười hết cỡ. Và anh con trai cũng vừa cười vừa lảng.
Đang vui chuyện, chợt nhìn ra ngoài trời, thấy đã tắt nắng, tôi bảo:
- Thôi hẹn dịp khác, bây giờ muộn rồi! Các anh đi đường xa, sợ tối quá, không tiện.
Đạo diễn Đông Hồng và diễn viên Quốc Anh đứng dậy, nắm chặt tay chồng tôi!
- Chúng cháu cảm ơn hai bác rất nhiều ạ!


TRẦN THỊ HỒNG *
* Bà Hồng là con gái nhà văn Nam Cao

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...