Vẫn câu chuyện sông Mekong
Hôm tất niên Tây có viết Entry về dòng Mekong cùng một bài phân tích của BS Ngô Thế Vinh về chuyện dòng sông và "số phận" của nó rất có thể hẩm hiu nếu người ta cứ quyết chạy theo những lợi ích trước mắt như ngăn đập lớn và làm thủy điện không tính hết đến hậu quả của vùng hạ lưu rộng lớn của Việt Nam và Campuchia... (xin đọc bài cạnh đây):
http://vinhnv43.blogspot.com/2011/12/mekong-va-chuyen-ga-co-e-trung-vang-hay.html
Vì bữa đó trích từ một nguồn chưa đưa bài phân tích của Ngô Thế Vinh một cách đầy đủ, nay xin phép tác giả đưa toàn văn bài viết với tư liệu rõ ràng và công phu kể trên hầu chuyện các bạn quan tâm.
Vệ Nhi g-th
------
Hội Nghị Siem Reap Một Thỏa Hiệp Mong Manh [08-12-2011] Cho Dòng Chính Mekong Không Nghẽn Mạch |
Thứ ba, 27 Tháng 12 2011 07:38 | ||||||
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long & VN 2020 Mekong Group NGÔ THẾ VINH “Là một con sông quốc tế, Mekong là mạch sống cũng là mẫu số chung nối kết hơn 70 sắc dân trong lưu vực. Phát triển bền vững, bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong là bảo vệ cả một nền văn minh sông nước lúa gạo và cá, bảo đảm an toàn nguồn thực phẩm cũng là duy trì ổn định và hòa bình cho toàn vùng Đông Nam Á. Vội vã xây con đập Xayaburi với đầy những khiếm khuyết là một khai thác hủy hoại có thể đưa tới một tương lai nghèo khó và tệ hại nhất là khả năng mở ra những cuộc tranh chấp nóng vì nước – như một tổn thất lâu dài không thể hàn gắn nhân danh phát triển nhưng lại là bước phát triển rất ngắn hạn.” TIỀM NĂNG THỦY ĐIỆN SÔNG MEKONG Sông Mekong với chiều dài 4,900 km, hơn nửa chiều dài 2,700 km chảy ngoài lãnh thổ Trung Quốc, trong đó có 1,880 km là đoạn sông dài nhất chảy uốn khúc trên đất nước Lào. Ước tính tiềm năng thủy điện dòng chính sông Mekong là 53,000 MW. Riêng Lưu Vực Dưới, tiềm năng thủy điện của các phụ lưu có thể cung cấp thêm 35,000 MW nữa. Một số đập phụ lưu đã và đang được triệt để khai thác. Tuy gọi là đập phụ lưu nhưng công xuất cũng rất lớn như Nam Theun 2 [1,070 MW gần bằng con đập dòng chính Xayaburi] đã hoàn tất và hoạt động phát điện từ tháng 3, 2010. Dự trù 2015, sẽ có thêm 30 đập thủy điện phụ lưu hoạt động; tới năm 2030 có thêm 30 đập phụ lưu nữa hoàn tất. [4] [Science, April 23, 2010, p.414] Đa số những con đập phụ lưu này nằm trong lãnh thổ nước Lào. Lào vẫn được ví như nàng công chúa rừng xanh thanh khiết khỏe mạnh đang im ngủ nhưng bị các “đại gia / consortiums” thô bạo khắp nơi đổ tới, đánh thức dậy, gieo vào đầu nàng “giấc mơ mau chóng giàu có” chỉ do hiến tấm thân ngà ngọc trời cho của nàng; nhưng rồi cái giá phải trả là thân thể nàng bị nhàu nát. Hạnh phúc có được từ giấc mơ giàu sang ấy kéo dài được bao lâu khi mà thân nàng ngày càng mang đầy thương tích và không còn đâu là phẩm chất của cuộc sống. Điều mà các chuyên gia kinh tế gọi đó là tổn thất trong phát triển / Casualty of Development.
GIẤC MƠ MAU CHÓNG GIÀU CÓ Wendy Chamberlin, từng là đoàn viên Đoàn Chí Nguyện Quốc tế IVS từ những năm 70, nguyên đại sứ Mỹ ở Lào [1996-1999], đã nhận định: “Sau bao năm tự giam hãm trong bức màn tre, nhìn sang các nước láng giềng phát triển thịnh vượng, họ cũng muốn trở thành một thành viên trong đó.” Họ đây là những nhà lãnh đạo Cộng Sản Lào chỉ mong sao Lào thoát ra khỏi danh sách 25 nước nghèo nhất thế giới. Điều mà họ gọi là Chin Thanakhaan Mai có nghĩa là Đổi Mới hay Tư Duy Mới. Nam Viyaketh, Bộ trưởng Công Thương của chánh phủ Lào tuyên bố: “Nếu mọi nguồn năng lượng [ Sông Mekong ] được khai thác, Lào trở thành Bình Phát Điện của Đông Nam Á – Battery of Southeast Asia, chúng tôi sẽ bán nguồn điện ấy cho các nước láng giềng và sẽ trở nên giàu có.” [Laos Turns to HydroPower to be Asia’s Battery; Jared Ferrie, The Christian Science Monitor, July 2, 2010] Viraphonp Viravong, Thứ trưởng quyền uy khác của Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào, thường xuyên thăm viếng con sông Mekong tìm tới những nơi có thể xây thêm đập, với hy vọng đem lại sự giàu có mau chóng cho đất nước Lào. Còn người dân Lào quanh khu xây đập luôn luôn được hứa hẹn về những lợi lộc dễ dàng do con đập đem lại: họ sẽ có điện quanh năm, có thêm đường xá, nhà thương, trường học do lợi tức từ nguồn điện đem về. Trong khi đó thì họ không biết gì về những tác hại của các con đập như phải mất nhà cửa ruộng vườn, phải di dời đi tái định cư, mất nguồn cá và nguồn phù sa. Theo các nhà hoạt động môi sinh thì các toan tính leo thang ấy của nhà nước Lào, có thể dẫn tới những hậu quả tác hại vô lường cả trước mắt và lâu dài không chỉ cho người dân Lào mà cả cho những cộng đồng cư dân xuyên lưu vực. [4] Một câu hỏi được đặt ra là: “Nếu người dân Lào có tiếng nói thì họ có thực sự muốn xây một con đập làm nghẽn mạch Con Sông Mẹ cũng là mạch sống nuôi sống họ từ bao ngàn năm nay không?” Bấy lâu, họ đã có những kinh nghiệm thiết thân từ con đập thủy điện Nam Ngum đầu tiên [1971] tới những con đập phụ lưu sông Mekong trên khắp đất nước Lào. Rồi nay tới con đập dòng chính Xayaburi, với những điều lợi lộc trước mắt bất cập so với những tác hại lâu dài mai sau đã được chính các chuyên gia và những tổ chức hoạt động môi sinh nêu lên rất rõ. Đó là tác động ảnh hưởng trên mọi khía cạnh: thủy lộ giao thông, nguồn cá với các đoàn di ngư, lượng phù sa, phẩm chất nguồn nước, sự sống còn của hệ thủy sinh thái và cả mức an toàn ra sao của cấu trúc con đập. KHỦNG HOẢNG TIN CẬY Mặc dù tháng 04, 2011 Ủy Ban Liên Hợp Ủy Hội Sông Mekong / MRC Joint Committee ra thông báo là các thành viên chưa đạt được thỏa thuận để tiến hành dự án Xayaburi nhưng tháng 06, 2011 chánh phủ Lào vẫn đơn phương “bật đèn xanh” cho công ty Thái Lan Ch.Karnchang triển khai dự án. Phóng viên Bangkok Post khi trở lại viếng thăm hiện trường xây đập Xayaburi [ngày 19 tháng 09 năm 2011], để thấy rằng mọi trang thiết bị nặng kể cả những giàn máy đào xới / backhoes vẫn liên tục hoạt động, với hơn 90% công trình làm con đường dẫn tới vùng xây đập đã hoàn tất. Viraphonh Viravong đã bào chữa cho sự vi phạm này: “Dĩ nhiên là chỉ khi nào công trình đập Xayaburi được khởi công, con đường dẫn mới được xử dụng. Bằng không thì mọi tiện nghi sẽ thuộc về chánh quyền sở tại, giúp họ có đường xá đi tới những làng mạc thôn bản.” [Bangkok Post Updated on Xayaburi Construction; Bangkok Post Sunday, 09-18-2011] Rồi tới Hội Nghị của Ủy Hội Sông Mekong ở Siem Reap [ 12/08/2011 ] cho dù có quyết định tạm thời trì hoãn triển khai dự án đập Xayaburi, nhưng thực tế không phải từ sự đồng thuận của mọi thành viên tham dự. Viraphonh Viravong, đại diện cho Lào đã bày tỏ sự bất mãn: “Nếu phải cần một thỏa thuận đặc biệt trước khi làm điều gì, thì điều đó đã chẳng xảy ra. Tốt hay xấu thì tôi chưa biết nhưng sẽ không có sự phát triển.” [4] Trong một email khác gửi cho báo The Times, Viraphonh viết: “Thật đáng buồn và cũng rất là không công bằng / not very fair khi không để cho Lào khai triển dự án Xayaburi vì đây là cơ hội hiếm hoi cho Lào thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài. Chúng tôi chẳng thể hãnh diện cứ tiếp tục phải đi xin viện trợ để phát triển.” [9] Bất kể tới những khiếm khuyết đã được nêu ra trong bản tường trình Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược của Ủy Hội Sông Mekong [6] [Strategic Environmental Assessment of Mainstream Dams MRC], Viraphonh Viravong thì trước sau vẫn cứ khăng khăng cho rằng ảnh hưởng của con đập Xayaburi là không đáng kể / insignificant và không gây tác hại xuyên biên giới nơi các nước hạ nguồn. Lào không bày tỏ một cam kết rõ ràng là sẽ ngưng xây con đập Xayaburi. Surasak Glahan, phát ngôn viên của Ủy Hội Sông Mekong / MRC cho biết là : “Trong Hội nghị Siem Reap, phái đoàn Lào đã không đề cập gì tới dự án đập Xayaburi.” Và sau đó Ủy Hội Sông Mekong và các quốc gia thành viên khác đã chính thức gửi văn thư tới chánh phủ Lào yêu cầu cung cấp thông tin về con đập nhưng vẫn chưa nhận được một hồi âm.” Nhưng 13 quốc gia khác trong đó có Hoa Kỳ và các tổ chức tài trợ như Ngân Hàng Thế giới / World Bank thì cho rằng cần thêm những cuộc khảo sát để giải quyết những kiến thức còn khiếm khuyết. Theo AFP, phát ngôn viên của ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng “quyết định hoãn xây con đập Xayaburi là một dấu hiệu tích cực / a positive sign.” [9] Trong khi đó thì ngư dân, nông dân Cam Bốt và Đồng bằng Sông Cửu Long Việt Nam thì vẫn cứ lo lắng vì cách chọn bước phát triển ra sao của nhà nước Lào có thể làm thay đổi toàn thể cuộc sống của họ. Và những rủi ro ra sao đối với Con Sông Mẹ – Mae Nam Khong như mạch sống của người dân Lào thì vẫn như một trái bom nổ chậm / time-bomb còn là những ẩn số. SIEM REAP MỘT THỎA HIỆP MONG MANH Từ Hội nghị Siem Reap [The 18th Meeting of the Mekong River Commission Council; Siem Reap, Cambodia , 7th Dec 2011 - 9th Dec 2011], khi nói tới thỏa thuận đình hoãn dự án xây đập Xayaburi, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Cam Bốt Lean Kean Nor, [cũng là tân chủ tịch của Hội Đồng Ủy Hội Sông Mekong nhiệm kỳ 2011-2012] đã lạc quan phát biểu: “Kết quả hôm nay chứng tỏ các quốc gia thành viên tiếp tục cam kết hợp tác làm việc trong tinh thần Hiệp Định Sông Mekong nhằm tiến tới phát triển kinh tế nhưng không coi nhẹ cuộc sống bền vững của các cộng đồng cư dân và cả môi trường.” [10] Marc Goichot, thuộc tổ chức Quỹ Động Vật Hoang Dã / WWF/ World Wildlife Fund trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong / GMS, qua hãng thông tấn Reuters, cũng đã tỏ ra lạc quan khi nhận định về kết quả Hội nghị Siem Reap: “Quyết định này sẽ làm thay đổi chiến lược / game changer nơi vùng Hạ lưu sông Mekong. Chúng tôi hy vọng quyết định ấy cũng sẽ ảnh hưởng trên toàn vùng Châu Á.” Aviva Imhof, bấy lâu hoạt động bền bỉ chống lại những con đập thủy điện lớn, chủ biên tuyển tập chuyên đề “Power Struggle: The Impacts of Hydro-Development in Laos_ IRN 1999”, từng ra điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ với đề tài “Challenges To Water and Security in Southeast Asia” [09-23-2010] và hiện là giám đốc truyền thông / campaign director của Mạng lưới Sông Quốc tế / IRN đã tỏ ra dè dặt hơn: “Quyết định ấy gia tăng tính rủi ro / risk profile cho các nhà đầu tư; hoặc khiến họ bỏ đi hoặc họ sẽ phải dè đặt hơn trong tương lai khi tài trợ cho các đập trên dòng chính sông Mekong”, cô Aviva Imhof phát biểu tiếp: “nhưng có lẽ quyết định ấy chẳng có tác động gì trên những con đập Á Châu khác hoặc ngay cả với các dự án phụ lưu trên sông Mekong.” [8] MAE NAM KHONG GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG Ngân Hàng Thế Giới / World Bank, một cơ quan tài trợ đầu tư chính cho các đập thủy điện cho rằng: “cái giá phải trả về xã hội và môi trường của các dự án đập phải được nghiên cứu và giải quyết ngay từ giai đoạn hoạch định / planning stage – nếu không làm được như vậy sẽ gia tăng gấp bội / sharply tầm ảnh hưởng tác hại.” [8] Đây là điều mà dự án đập Xayaburi hoàn toàn thiếu sót. Hình ảnh con Sông Mẹ – Mae Nam Khong, tên gọi Lào Thái của con sông Mekong từ bao ngàn năm như Con Gà Đẻ Trứng Vàng, với nguồn nước nguồn cá nguồn phù sa nuôi sống bao nhiêu triệu cư dân trong lưu vực. Nay chỉ vì lòng tham, sự thiển cận, người ta vội vã tận khai thác nguồn tài nguyên của con sông bằng cách đang hủy diệt nó. Không khác với bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine “La Poule aux Oeufs d’Or” mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển dịch một cách tài tình sang tiếng Việt, đó là câu chuyện của một người có con gà đẻ trứng vàng, nghĩ rằng gà có cả một kho tàng trong bụng nên mổ phăng ra nhưng rồi “có được chi đâu”. Bài học tham thì thâm: “được mười lại muốn ngay trăm ngay nghìn” để rồi, “trơ ra hết nhẵn ngồi nhìn.” Một ngày nào đó, chính người dân Lào sẽ là nạn nhân chỉ vì giới lãnh đạo của họ tham lam thiển cận chỉ muốn ăn nhanh làm giàu nhanh nên đã đang tâm giết chết Con Sông Mẹ cũng đang là Mạch Sống thiết thân của chính họ và của cả bao nhiêu thế hệ mai sau. VỤ XAYABURI THÁI LAN LÀ THỦ PHẠM Cho dù giai đoạn tham khảo trước / Prior Consultation trong tiến trình PNPCA chưa hoàn tất, tháng 07, 2010 nhưng Thái Lan vẫn cứ chính thức ký kết hợp đồng với chánh phủ Lào mua điện từ đập Xayaburi qua công ty EGAT / Electricity Generating Authority of Thailand. [1,2] Ngày 1 tháng 12 năm 2011, chỉ một tuần lễ trước hội nghị của Hội Đồng Ủy Hội Sông Mekong / MRC Council tại Siem Reap, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Preecha Rengsomboonsuk đã khẳng định: “Lào có quyền xây con đập nằm trong lãnh thổ mình. Chúng tôi sẽ không chống đối dự án con đập [Xayaburi]; nhưng nếu con đập gây ảnh hưởng nào tác hại trên môi trường thì chánh phủ Lào phải chịu mọi trách nhiệm.” Nhưng không ai khác hơn là chính các nhóm lợi ích và tài phiệt Thái Lan đã chủ động đứng phía sau thúc đẩy dự án Xayaburi tiến tới. Điều mà chính nhà nước Lào thì không đủ khả năng làm. Thái Lan là đạo diễn chính của dự án đập Xayaburi: từ đảm trách thiết kế, đến tài trợ 3.5 tỉ MK tổn phí xây đập, rồi xử dụng cả nguồn điện sản xuất từ con đập ấy. Đó là các thế lực tài phiệt Thái Lan bao gồm 4 ngân hàng lớn: Kasikorn Bank, Bangkok Bank, Krung Thai Bank và Siam Commercial Bank và đại công ty xây đập là Thai Construction Company Ch. Karnchang. Đến như vậy mà Thái Lan thì vẫn cứ chối bỏ phần liên đới trách nhiệm của chính mình. Tưởng cũng nên nói thêm, chính người dân Thái Lan cũng đang là nạn nhân của những con đập thủy điện trên đất nước họ, chỉ có khác với các cộng đồng cư dân Lào và Việt Nam là họ có tiếng nói, tuy rằng tiếng nói ấy không phải luôn luôn được lắng nghe. Tom Fawthrop đạo diễn thực hiện cuốn phim tài liệu “Where have all the fish gone” đã xem tranh chấp trên Lancang-Mekong là một trận chiến” giữa phe đầu tư khai thác thủy điện và cư dân trong lưu vực. [12]
Kirk Herbertson, thuộc tổ chức Mạng Sông Quốc tế / International Rivers Network, khi nói tới mối liên hệ của Thái Lan và con đập Xayaburi, đã đưa ra một so sánh rất tượng hình: nó giống như một vụ cướp ngân hàng mà Thái Lan là kẻ soạn thảo kế hoạch, chiêu tập băng đảng, mua súng ống, thực hiện vụ cướp xong thì phụ trách lái xe đào tẩu và chiếm giữ hầu hết phần của cải cướp được. Quan tòa chắc chắn không thể chỉ xử tội kẻ cầm súng mà phải kết tội kẻ chủ mưu và đồng lõa. Do đó, cho dù con đập nằm trong đất nước Lào nhưng Thái Lan mới là kẻ thực sự chịu trách nhiệm nếu dự án con đập Xayaburi vẫn cứ tiến hành. [3] Tưởng cũng nên nói thêm, theo nhận định Mạng Lưới Sông Quốc tế / IRN thì Thái Lan thực sự không có nhu cầu cấp thiết cần tới nguồn điện đắt giá từ con đập Xayaburi. [5] THÁI LAN CHỈ SAU TRUNG QUỐC Trong tiến trình hủy hoại sông Mekong, không chỉ có Trung Quốc với chuỗi đập thượng nguồn / Lancang-Mekong Cascades; Thái Lan cũng đã để lại dấu tay / fingerprint khắp nơi. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, rất sớm từ đầu thập niên 90, cũng chính Thái Lan đã có hai kế hoạch táo bạo nhằm chuyển dòng lấy nước từ con Sông Mekong. _ Dự án Kong-Chi-Mun: từ 1992, Thái đã có một kế hoạch dẫn thủy lớn lao với tổn phí lên tới 4 tỉ Mỹ kim nhằm lấy nguồn nước từ khúc sông Mekong gần Nong Khai để chuyển về các con đập trên hai con sông Chi và sông Mun qua một hệ thống ống dẫn / aqueduct khổng lồ dài 200 km. Nước sông Mekong sẽ được dùng cho việc “cứu hạn” những cánh đồng lúa nằm trong lưu vực hai con sông này. Dự án KCM, hiển nhiên đe dọa nghiêm trọng trên dòng chảy sông Mekong, nên Việt Nam đã lên tiếng phản kháng. Lào Cam Bốt cũng bày tỏ mối quan ngại, vì kế hoạch chuyển nước sẽ khiến con sông cạn dòng. [8] _ Dự án Kok-Ing-Nan: chỉ hai năm sau, từ 1994, Thái Lan có thêm một kế hoạch lớn thứ hai: lấy nước từ hai phụ lưu lớn sông Mekong là sông Kok và sông Ing vùng Chiang Rai bắc Thái. (7) Đây là một dự án táo bạo, tổn phí lên tới 1.5 tỉ Mỹ kim, chuyển nước từ hai phụ lưu sông Mekong cho chảy qua những đường hầm / tunnels khổng lồ dài hơn 100 km vào con sông Nan [là một phụ lưu của sông Chao Phraya]. Lượng nước từ hai con sông Kok và sông Ing còn được tiếp cho con đập lớn Sirikit, quanh năm thiếu nước. Nước từ hồ chứa Sirikit không chỉ hoạt động phát điện mà còn cung cấp nước tưới cho những cánh đồng bao la vùng châu thổ Sông Chao Phraya đang bị khô hạn, và cả cung ứng nước cho các khu kỹ nghệ và 10 triệu cư dân sống ở thủ đô Bangkok. [8] Cho dù cả ba nước lân bang Việt Nam, Lào, Cam bốt có lên tiếng phản đối, thì Thái Lan cũng vẫn cứ ngang nhiên từng bước thực hiện kế hoạch của mình. _ Pak Mun và Thang Cá: cũng năm 1994, Thái Lan hoàn tất thêm đập Pak Mun 136 MW trên sông Mun, một phụ lưu của sông Mekong trong lãnh thổ Thái, có thể nói đây là mẫu con đập thủy điện đầu tiên của Thái Lan và của cả Đông nam Á có thiết kế thêm thang cá / fish ladder. Đó là chuỗi những bậc thang cao dần với giả thiết cá sẽ nhảy lên các bậc thềm này để vượt qua bức tường chắn của con đập. Nhưng các loài cá sông Mekong chẳng phải là chủng loại cá Salmon biết vượt thác nhảy bậc và leo thang về nguồn, nên Pak Mun đã chứng tỏ là một tai họa môi sinh / ecological disaster cho cá và cộng đồng cư dân trong lưu vực sông Mun. Đã có những cuộc biểu tình liên tục của ngư dân và nông dân Thái đòi phá bỏ con đập.
Nay cũng vẫn mẫu thang cá vô dụng ấy, được đưa vào thiết kế cho con đập dòng chính Xayaburi như một trang trí thay vì là một đáp số cho những đoàn di ngư ở một quy mô lớn lao hơn rất nhiều. Đặng Thùy Trang thuộc tổ chức Quỹ Động Vật Hoang Dã / WWF trong chương trình phát triển thủy điện bền vững ở Lào đã phát biểu: “Chúng ta không nên dùng sông Mekong như phòng thí nghiệm để trắc nghiệm kỹ thuật này.” Hơn thế nữa, theo tường trình của Ủy Hội Sông Mekong thì tiềm năng phát điện của con đập Xayaburi cũng mau chóng sút giảm vì trữ lượng phù sa tích đọng sẽ làm cạn hồ chứa. MỘT TINH THẦN SÔNG MEKONG Hội nghị Siem Reap đã diễn ra trong hoài nghi. “Cảnh đồng sàng dị mộng” đã phủ chụp lên những đám mây đen với những dấu hỏi lớn, khởi đầu một khủng khoảng niềm tin trong nỗ lực hợp tác vùng để bảo vệ hệ sinh thái của con sông Mekong. Do Mekong là một Con Sông Quốc Tế / International River, thì mọi khai thác nguồn tài nguyên của dòng sông ấy cho nhu cầu phát triển – đó phải là những bước khai thác bền vững thay vì hủy hoại và các bước phát triển của mỗi quốc gia cần có sự hài hòa với phát triển trong toàn vùng – thay vì bằng cái giá rất đắt phải trả của các nước lân bang. Liên Hiệp Quốc 1997 đã thông qua bộ luật “The United Nations Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Water Courses” xem nguyên tắc “không gây thiệt hại đáng kể cho các nước khác” (not to cause significant harm to other riparians) và nguyên tắc “sử dụng hợp lý và công bình” (reasonable and equitable utilization) để làm nền tảng thỏa hiệp giữa các dân tộc. [12] Xayaburi, con đập dòng chính đầu tiên vùng hạ lưu sông Mekong, đang là một vấn nạn lớn cho chính tương lai ra sao của người dân Lào chưa có lời giải đáp và cả khả năng “gây thiệt hại đáng kể cho các nước khác” cho các cộng đồng cư dân xuyên quốc gia trong toàn lưu vực. Tìm ra được một giải pháp đồng thuận cho mọi quốc gia trong vùng Hạ Lưu với “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung, sẽ là một thử thách lớn nhất. Với thời gian, làm sao hàn gắn được lòng tin cậy đang bị sứt mẻ, để tiến tới được một Tinh Thần Sông Mekong như một mẫu số chung, nối kết các quốc gia trong vùng. Điều ấy cũng đòi hỏi giới lãnh đạo có tầm nhìn xa, biết hướng tới sự thịnh vượng cho toàn vùng thay vì chỉ thấy mối lợi cục bộ trước mắt nhưng với cái giá lâu dài phải trả của chính mình và của các nước lân bang. Một dòng chính Mekong không bị nghẽn mạch vì những con đập ít nhất trong vòng một thập niên [ 2010 – 2020 ] theo yêu cầu của toán đặc nhiệm SEA / Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược của Ủy Hội Sông Mekong phải được coi là một một thành quả thắng lợi cho mọi phía / Win-Win Strategy, cho mọi quốc gia trong lưu vực. Khoảng thời gian 10 năm ấy sẽ được vận dụng để khảo sát thêm nhằm gia tăng sự hiểu biết về hệ sinh thái phức tạp và cũng rất mong manh của lưu vực sông Mekong cùng với ảnh hưởng tác hại của những dự án đập có thể gây ra. Xa hơn nữa, là có thể tìm được giải pháp thay thế cung ứng nguồn điện mà không cần tới những con đập dòng chính / mainstream dams. [6] Với tầm nhìn của thiên niên kỷ, duy trì một hệ sinh thái phong phú của cả hành tinh này cũng là bảo vệ một nền văn minh rất đa dạng và lâu đời của con sông Mekong, mà không mối lợi lộc ngắn hạn nào có thể vội vàng đem ra đánh đổi. NGÔ THẾ VINH California 12/25/2011 Tham khảo: 1/ Further study on impact of Mekong mainstream development to be conducted, say Lower Mekong Countries; MRC Siem Reap, Cambodia, 8th Dec 2011, http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/further-study-on-impact-of-mekong-mainstream-development-to-be-conducted-say-lower-mekong-countries/ 2/ Mekong Governments Delay the Xayaburi Dam Pending Further Study – Civil Society Demands Clear Commitment from Laos to Stop All Construction Activities; Press Release Dec 8, 2011 http://www.internationalrivers.org/en/2011-12-8/mekong-governments-delay-xayaburi-dam-pending-further-study 3/ Guilty as the Getaway Driver? Thailand and the Xayaburi Dam; Kirk Herberson, Dec 05, 2011 http://www.internationalrivers.org/en/blog/kirk-herbertson/2011-12-5/guilty-getaway-driver-thailand’s-role-xayaburi-dam 4/ Can Damming the Mekong Power a Better Life to Laos? – Mayhem on The Mekong; Brendan Brady/ Xayaburi Province Aug 12, 2011 http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2088013,00.html 5/ Power from Xayaburi Not Needed in Thailand – Alternative Plan shows Thailand can meet future energy needs with cheaper, cleaner options; International Rivers, December 3, 2011 http://www.internationalrivers.org/en/node/7012 6/ Strategic Environment Assessment of Mainstream Dams; Mekong River Commission, Vientiane, Lao PDR, Aug 17, 2010 – Dec 31, 2010 http://www.mrcmekong.org/news-and-events/consultations/strategic-environmental-assessment-of-mainstream-dams/ 7/ Mekong The Occluding River, Drawing Blood from the Earth; Ngô Thế Vinh, iUniverse, Inc, New York 2010 pp. 240-247, www.amazon.com 8/ Analysis: No Stopping Big Hydro Projects, Despite Lao Veto/ Reuters; Niluksi Koswanage, Kuala Lumpur Wed Dec 14, 2011 http://www.reuters.com/article/2011/12/14/us-dams-idUSTRE7BD0GN20111214 9/ Inevitable, or in Limbo? A Dam for the Mekong; Rachel Nuwer, Dec 14, 2011 http://green.blogs.nytimes.com/2011/12/14/inevitable-or-in-limbo-a-dam-for-the-mekong/ 10/ The 18th Meeting of the Mekong River Commission Council; Siem Reap, Cambodia , 7th Dec 2011 - 9th Dec 2011 http://www.mrcmekong.org/news-and-events/events/the-18th-meeting-of-the-mekong-river-commission-council/ 11/ Testimony of Aviva Imhof, Campaign Director, International Rivers Before the Senate Committee on “Challenge to Water and Security in Southeast Asia”, Sept 23, 2010 http://foreign.senate.gov/imo/media/doc/Imhof.pdf 12/ Lancang-Mekong Initiative; A foundation for the long term cooperation and prosperity for China and ASEAN, Phạm Phan Long http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/64# |
------
Nguồn: Blog Nguyễn Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét